Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

XEM BÓI



       Tôi đến chân núi Ông mới sáu rưỡi. Tưởng mình đi sớm nhưng rất nhiều người đến sớm hơn tôi. Theo đúng lời chỉ dẫn của bác Bảy, người trong làng ai cũng kính trọng, tôi vào quán Hồi Tâm mua chai nước suối, ổ bánh mì để leo núi. Cô chủ quán có khuôn mặt thánh thiện, ăn mặc giản dị nói với tôi:
     - Anh vào chùa thì khỏi mua nước , trong ấy có.
     - Không, tôi muốn gặp Chân Nhân xem bói.
Cô hàng nước hỏi tôi ngày giờ sinh rồi bảo:
     - Anh lên núi được.
Tò mò, tôi hỏi lại:
     - Cô cũng biết đoán việc à?
     - Đôi chút thôi, nhưng tôi biết chắc chắn người nào lên núi được Chân Nhân tiếp.
     - Thế tôi may mắn rồi. Ngộ nhỡ không lên núi được thì làm sao?
    - Đi chùa Viên Giác. Vào chùa thắp hương lễ Phật, từ tâm hối cải cũng thanh thản trong lòng.

     Cùng lên núi với tôi có bốn người nữa. Hai người đàn bà dễ nhận ra nghề nghiệp qua trang phục và cách nói chuyện của họ, một bà là nông dân, bà kia là dân buôn. Hai người đàn ông có lẽ có địa vị trong xã hội. Họ ít nói chuyện trên đường đi có lẽ vì mệt, vì phải mang cái bụng phệ leo núi.
     Chừng mười giờ chúng tôi lên đến đỉnh. Tôi ngạc nhiên vì trước cửa động một vườn cây xanh tốt, trồng rau và cây ăn trái. Giếng nước khá lớn, xếp bằng đá xanh, tuyệt nhiên không có chút rêu, trong vắt. Tôi chưa bao giờ thấy nước giếng ở đâu mát, ngọt như thế.
     - Giếng tiên có khác. Bà làm nghề buôn nói.
Vào trong động không khí mát lạnh. Đến mỏm đá giống như bàn tay, nhớ lời cô hàng nước dưới chân núi, tôi nói:
     - Thưa Chân Nhân, chúng con có việc xin cầu kiến Người!
Có tiếng âm sắc như đồng vọng ra:
     - Các người vào đi.
Sau bức bình phong hình bàn tay ấy động rộng hơn. Trần động có cái giếng trời hình lục giác. Ánh sáng mặt trời rọi xuống gặp khí lạnh của đá tạo thành cái cột hơi nước mờ ảo.
      - Các người ngồi xuống đi. Ta gọi tên người nào, người ấy thắp một cây hương, khấn thầm họ tên, ngày sanh tháng đẻ rồi cắm hương vào cái lư đá trước mặt.
Lúc này tôi mới kịp nhìn kỹ, tiếng nói vọng ra sau bức sáo tre cách chỗ chúng tôi ngồi khoảng tám bước sải chân.
     Tiếng nói từ sau bức sáo vọng ra:
     - Mẹ con Đài, thắp hương trước đi, con chỉ được hỏi ba câu thôi.
     Bà nông dân lấy từ trong cái túi xách ra nhánh chuối ngự, túi nhựa đựng hai chục quả trứng gà để lên phiến đá trước lư hương. Khấn vái xong, bà hỏi:
     - Bạch Chân Nhân, vừa rồi con mất năm trăm ngàn, con nghi chồng con lấy uống rượu, chơi bời phá phách, có đúng như vậy không?
     - Con không nên nghi chồng con. Nó uống rượu vì buồn chứ không phá phách. Tiền con mất là con cháu gọi con bằng cô lấy để mua son phấn và đàn đúm với chúng bạn.
     - Sao Chân Nhân lại biết cháu con lấy? 
     - Không biết cháu con lấy thì sao người đời các ngươi gọi ta là Chân Nhân. Con chỉ còn một câu hỏi nữa thôi đấy!
Im lặng giây lát, cuối cùng bà ta hỏi:
    - Sao gia đình con làm ăn chăm chỉ mà cứ nghèo mãi vậy?
   - Con nghèo là do con coi thường chồng, khinh chồng. Lúc lấy chồng, gia đình chồng cho vợ chồng con một chỉ vàng, còn phía bên con một cây, thành ra con ỷ giàu. Mọi chuyện trong nhà con quyết hết nên chồng con dần dần chán nản, uống rượu để phản kháng. Con nghèo vì bóc lột đất đai, súc vật mà không biết đầu tư vào đó. Nói cho con dễ hiểu, muốn giàu hãy để chồng con làm chủ gia đình, nghe theo sắp đặt, định đoạt của chồng. Âm trấn dương mãi thì sao mà khá được. Lễ vật con lễ ta, ta nhận một nửa. Con đem số trứng gà về cho nó ấp, coi như món quà của ta vậy.
      Bà ta lui lại, ngồi vào phiến đá cũ.
     - Ông giám đốc, thắp hương đi!
Người đàn ông trạc năm mươi tuổi, bước tới, lấy từ túi ngực ra chiếc phong bì, đặt lên nhánh chuối, hành lễ. Ông ta hỏi:
     - Kính lạy Chân Nhân, dạo này trong lòng con thắc thỏm không yên, như có điều gì xấu sắp xảy ra, con mong Chân Nhân chỉ đường cho con được bình an, công việc hanh thông.
     - Lễ vật con lễ ta chưa đủ để ta giải hạn cho con!
Ông giám đốc rút ví, lấy thêm 500 Euro bỏ vào phong bì.
     - Con không phải quì, ngồi xuống chỗ cũ đi. Để con quì cái bụng con chửi ta đấy.
     - Con không dám.
    - Thứ nhất, con đặt trong mỗi xưởng của con hai cái bình nước lọc để công nhân uống. Thứ hai, con trả lương, đóng bảo hiểm đầy đủ cho công nhân. Thứ ba, không được hết thời gian người ta thử việc rồi cứ thay lớp khác. Oán trách của những người bị con cho nghỉ việc làm lòng con bất an, công việc trì trệ cũng vì thế. Người ta không an tâm nên công việc chỉ chạy khi có con hay quản đốc ở đó. Không an cư lấy gì lạc nghiệp. Con hỏi tiếp đi!
     - Kính lạy Chân Nhân, nửa tháng trước con đi cầu an. Nhà sư cầu an cho con nói: “Phật tại tâm”, con không sớm giác ngộ thì sẽ có tai nạn. Con hỏi vậy con phải lên  chùa? Nhà sư cứ bảo con cứ tu giữa đời thường. Con chưa hiểu hết, mong Chân Nhân chỉ giáo cho.
     - Nhà sư đã thắp cho con ngọn đèn, ta là người đổ thêm dầu cho con mà thôi. Con đừng tưởng lễ nhiều là Trời, Phật chứng giám. Lúc nãy ta bảo con lễ ít không phải ta đòi cho ta. Con hãy mang số tiền đó về mua thay mấy cái dây cáp cẩu. May con lên đây còn kịp, chứ tuần nữa là nó đứt. Con về trả lương, nộp bảo hiểm cho công nhân thì người ta không kiện con nữa. không kiện thì chưa lòi ra cái việc trốn thuế. Tiếp đó con đóng thuế cho đầy đủ, kể cả số thuế con đã qua mặt thuế vụ. Làm xong những việc đó, dù đang nợ nần nhưng rồi con sẽ gặp nhiều điều tốt đẹp như mong ước.
     Im lặng một lát, Chân Nhân nói tiếp:
     - Theo tuổi của con thì hạn nặng lắm đấy. Ý của nhà sư bảo con tu giữa đời thường là tự mình hóa giải căn nguyên do mình gây ra. Làm đúng những điều ta dặn, năm nay con sẽ bình yên, sang năm có thành quả lớn.
     Ông giám đốc chắp tay trước ngực như vái, hứa nhất định làm đúng lời Chân Nhân.
     - Lấy phong bì cất đi!
Ông giám đốc lấy phong bì rồi lui lại, ngồi vào phiến đá của mình.
     - Mẹ thằng Dương bán tạp hóa, đến lượt con đấy!
Bà này cũng lễ bằng một xấp tiền, ước chừng dăm triệu. bà hỏi:
      -  Con được hỏi mấy câu ạ?
      - Hai câu!
      - Sao mấy người trước được hỏi ba câu, thưa Chân Nhân.
     - Thói mặc cả nhiễm vào máu con rồi. Con thấy không công bằng thì mang lễ xuống núi.
    - Dạ con không dám. Con xin hỏi Chân Nhân có bùa phép gì để Quản lý thị trường không khám xét hàng hóa của con không ạ?
Tiếng cười khà khà vọng ra làm chúng tôi bật cười theo. Chân Nhân nói:
    - Ta cho con một đạo bùa bằng lời, con nhớ lấy: “Không buôn hàng lậu, không lừa người ta, không pha rượu giả”.
    - Buôn bán đôi lúc cũng phải lừa, có mấy ai buôn bán không lừa? Mà sao Chân Nhân biết con pha rượu giả?
     - Nếu đây là câu hỏi, ta trả lời là con phải xuống núi ngay đấy.
    - Dạ thôi, để con hỏi câu khác. Chân Nhân cho con biết buôn gì nhanh giàu, giàu sang cả đời con cháu?
     - Con không tham được đâu. Đại phú tại thiên, tiểu phú tại nhân. Ta loại bỏ những thứ buôn bán có hại cho con hoặc con không với tới tầm để buôn những thứ ấy. Vậy ta chỉ có thể nói cho con thế này: con buôn cái gì con hiểu về nó nhất, buôn cái gì lời ít nhưng bán được nhiều nhất. Con hãy nghe lời con gái con, đừng bảo thủ, bao giờ cũng “trứng khôn hơn vịt”, trứng nở ra vịt đấy con à.
     Rồi Chân Nhân bảo:
     - Con xuống núi, lấy 100.000 đưa cho con Hằng chủ quán Hồi Tâm, bảo nó mua cho ta bông băng, thuốc sát trùng để đấy. Nói thế là nó hiểu. Số tiền lễ con mang về góp thêm vốn buôn bán. Bây giờ con và mẹ con Đài xuống núi đi.
     Hai người đàn bà lạy Chân Nhân để xuống núi. Ông giám đốc rút một tờ 100 Euro đưa cho bà nông dân:
     - Nhân có việc gặp nhau ở đây, tôi biếu chị chút tiền mua quà cho cháu.
Người đàn bà ngần ngại, Chân Nhân cười: “Con cứ cầm, đừng ngại”.
     Còn lại ba người đàn ông trong động, Chân Nhân bảo:
     - Ngài chủ tịch, mời ngài!
Ông chủ tịch độ bốn lăm tuổi, khuôn mặt to, miệng rộng, môi hơi cong lên như đang nhạo báng ai bước lên, đặt cái gói hình chữ nhật dán kín bằng giấy màu, thắp hương, khấn thầm trong cổ họng.
      -  Ngài hãy thu lễ vật của ngài lại. Lễ vật đó không phù hợp với ta. Muốn hỏi, phải đặt lễ bằng tiền.
      - Thưa Chân Nhân, bao nhiêu ạ?
     - Đặt nhiều hỏi nhiều, ít hỏi ít. Thôi ta nói luôn để ngài khỏi phân tâm. Lúc sáng, trong quán Hồi Tâm, con Hằng bảo ngài không lên gặp ta được. Nhưng ta đã dặn nó bất luận thế nào cũng cho người đàn ông đeo đồng hồ mỏng, vỏ vàng, quai da nâu lên gặp. Nó đã từ chối ngài, nhưng khi ngài vuốt tó, nó đổi ý, đung chứ?
     Ông chủ tịch rút ví lấy ra hai triệu, đặt trên phiến đá trước lư hương, lấy viên đá nhỏ đè lên, ông ta hỏi:
     - Xin hỏi Chân nhân làm cách nào để dân không mê tín dị đoan?
     - Tương tự như câu Nguyễn Trãi nói với vua Lê khi vua Lê sai ông soạn nhạc Thái thường.
      - Tôi không hiểu, thưa Chân Nhân.
     - Ngài hiểu sao được khi tri thức của ngài chắp vá, không được đào tạo chính quy, hệ thống. Cứ đọc mẩu chuyện đó đi đã.
     Khói hương cuộn lên giếng trời thành một cái cột xanh mờ ảo, một thoáng im lặng trong động  đủ cho tôi nghe tiếng nước nhỏ tí tách. Tôi hiểu Nguyễn Trãi nói với vua Lê là muốn có nhạc Thái thường thì cai trị dân làm sao trong hang cùng ngõ hẻm không có tiếng oán hận. Người ta mê tín vì mất phương hướng trong cuộc sống, vì đói khổ, vì mất mát tình cảm, vì áp lực…nên tìm một nguồn động viên, một lối thoát cho dù mơ hồ…Ông chủ tịch hỏi tiếp:
     - Vậy quan niệm của Chân Nhân về xã hội ta hiện nay?
     - Đây là một phần khảo sát quan niệm của người hành nghề bói toán, đúng không? Ngài hỏi tôi để lấy tư liệu cho đề tài “Các giải pháp làm giảm đi mê tín trong đời sống nhân dân” phải không? Ta trả lời rằng xã hội Việt Nam hiện nay là xã hội âm tính.
      - Tôi không hiểu.
      - Nó sờ sờ trước mắt đấy thôi. Này nhé, ra đường hầu hết các loại xe máy, xe con đều thiết kế cho phái nữ nhưng đàn ông lại chạy ầm ầm; trang phục đàn ông phụ nữ dùng chẳng ai xem là chướng mắt. Lương chưa đủ sống tức là còn âm. Nhận lương rồi đem nộp cho vợ, thế không là dương chuyển sang âm là gì?
     - Chân Nhân còn minh chứng nào nữa không?
     - Khà …khà…Nhìn đâu mà chẳng thấy, ta nói về thể thao cho ngài dễ hiểu. Thành tích thể thao Olympich đầu tiên của Việt Nam cũng là phụ nữ. Nói đến võ thuật người ta nghĩ ngay nó thuộc dương, phù hợp với phái mạnh, thế mà phụ nữ dùng cái dương, đạt thành tích cao hơn nam giới thì quả là âm thống trị dương rồi còn gì. Bóng đá nữ đã 5 lần đứng trên đỉnh Đông Nam Á, còn bóng đá nam đang mơ, đó có phải là minh chứng không, ngài chủ tịch?
     Chừng như “sợ” với những gì Chân Nhân nói, ông ta thật thà hơn, nó biểu hiện trong cách xưng hô:
     - Xin Chân Nhân cho biết vận hạn của con?
     - Ngồi xuống đi. Sau câu hỏi này ngài muốn hỏi thêm phải trả thêm tiền. Ngài nếu tính cung Mệnh, Quan lộc và Nô bộc cho thấy cái tầm chỉ ngang với phó phòng cấp huyện. Ngài làm được chủ tịch là do hưởng phước lộc từ phía vợ. Đây cũng là minh chứng về âm trị đấy. Thứ hai, ngài thi đỗ Thạc sĩ là do vợ chạy chọt. Vợ ngài không nói cho ngài việc này để cho ngài chút thể diện, vậy nên ngài cứ tưởng mình giỏi. Với chức chủ tịch, được bợ đỡ làm gì ngài không kiêu ngạo, tự cao, tự đại. Hai cuốn sách triết học ngài gói để làm lễ vật hàm ý cho mình là kẻ trí giả, mà kẻ trí giả quý nhất là tặng nhau bằng sách.
     Ngưng một lát như để cho ông chủ tịch và chúng tôi nghe kịp, Chân Nhân tiếp tục:
     - Ta nói cho ngài rõ, cái ghế ngài ngồi chỉ được một nhiệm kỳ thôi vì phước lộc nhà vợ chỉ ngần ấy. Cái họa ngài phải chịu là do ngài “qua cầu rút ván”. Tạm cho là công thành danh toại, ngài tìm cách quay lại hạ bệ những người đã làm bệ phóng cho ngài, bởi những người ấy biết quá rõ con người ngài là như thế nào. Với quyền lực, ngài thay  những người được học hành bài bản, có tâm, có tài bằng những đứa bất tài, xu thời, giỏi nịnh. Do đó, địa phương ngài cai trị không dần lụn bại mới là lạ. Cái hậu quả đó chỉ nhân dân là thiệt thòi thôi, ngay cả những người dưới quyền ngài, có nhà cửa, cơ sở vững vàng ở địa phương vẫn bỏ đi nơi khác. Vậy là sao? Là do họ không làm việc được với những kẻ dốt nát, tham lam…Nói vậy,  ngài có ngẫm ra chính bản thân ngài cũng góp phần làm cho xã hội âm tính không?
     Ông chủ tịch có vẻ như không vừa lòng với những điều Chân Nhân nói, ông ta đứng dậy:
     - Chân Nhân bói toán sao mà cứ như giảng đạo đức vậy. Cảm ơn đã chỉ giáo!
     Nói rồi, ông ta ra bước ra. Áng chừng ông ta đã ra khỏi động, Chân Nhân nói:
     - Ông giám đốc hãy theo ngài chủ tịch Bảy Kiểm. Ông ta bị ngã khi xuống gần hết chân núi đấy. Giúp ông ta nhé!
     - Kính cáo Chân Nhân, con xin vâng lời Chân Nhân!
     Chỉ còn tôi trong động, Chân Nhân hỏi:
     - Con muốn biết khi nào có việc làm phải không?
     - Dạ.
    - Bảy tháng nữa con sẽ có việc làm, một công việc đúng với chuyên môn của con. Nhưng thu nhập chỉ tạm đủ sống. Kiên trì với công việc đó vài năm sau sẽ khá. Và công việc càng tốt hơn khi con chịu khó học ngoại ngữ. Người đời hơn nhau là biết trang bị, chuẩn bị hành trang cho mình để khi cần là có sử dụng ngay. Đợi đến khi có điều kiện thì khi nào mới có, phải không con?
     Cảm phục quá, tôi hỏi:
     - Kính thưa Chân Nhân, sao việc gì người cũng biết?
    - Không phải việc gì ta cũng biết. Tự người đi xem bói nói cho ta biết thôi. Mọi việc trên thế gian này đều có quy luật. Ta chỉ hơn người khác khi nắm bắt được quy luật ấy.
     - Vậy như con có học được không?
     - Có duyên mới học được. Nhưng không phải học được là hành được. Con học cũng chỉ đoán được vận mệnh tổng quát thôi. Ta thông thạo là tự mình học hỏi, nghiên cứu không ngừng. Hơn nữa, từ khi lọt lòng mẹ, ta đã sống trong môi trường bói toán rồi. Ông Tổ của ta là Trình Quốc công đấy.
     Tôi hiểu mình không có duyên với nghề coi bói dù đã gặp một thầy bói người đời đặt cho biệt danh Chân Nhân. Tôi hỏi sang chuyện khác:
     - Kính thưa Chân Nhân, cho con hỏi sao nói với ông chủ tịch, Chân Nhân gọi bằng ngài?
     - Là ta gọi người ngồi trên ghế chủ tịch thôi mà. Ta biết tâm địa Bảy Kiểm hẹp hòi nên không làm được việc lớn. Có điều này ta muốn dặn con, con nên lấy lời dặn của ta mà suy nghĩ trước khi hành động. Đó là: Trên đời này việc gì cũng có thể xảy ra nên đừng làm việc gì thái quá, kể cả việc tốt.
     Tôi “dạ” rồi suy ngẫm lời nói của Chân Nhân. “Đừng làm việc gì thái quá, kể cả việc tốt” là sao nhỉ?
     - Con nhớ là được rồi, một lần trải nghiệm con hiểu ngay thôi mà. Con cầm số tiền của Bảy Kiểm mà tiêu. Hôm nay con là người cuối cùng ta xem bói đấy. Con không gặp lại ta nữa đâu, do đó, để chứng minh cho con thấy trên đời này bất cứ chuyện gì cũng xảy ra, con bước tới đây.
     Tôi bước tới, bức mành sáo rơi xuống. Tròi, tôi không thể tưởng tượng nổi Chân Nhân là ông lão ăn mày tháng trước tôi chia cho ông nửa cái bánh mì!

     Mọi chuyện xảy ra đúng như lời Chân Nhân nói. Kỳ duyên làm sao tôi lại trở thành con rể ông giám đốc cùng tôi xem bói trên đỉnh núi Ông. Tôi kể lại chuyện này khi năm năm sau tôi và cha vợ tìm lại Chân Nhân để cảm tạ mà không gặp. Quán Hồi Tâm cũng không còn. Nghe đâu cô chủ quán xinh đẹp đã đi tu và đang nghiên cứu Phật học ở Ấn Độ.

2 nhận xét: