Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

TẤM ẢNH CŨ


                         Một mình, anh giở trang sổ cũ,
                         Đọc dòng lưu bút thưở xuân xanh
                         Ngắm ảnh em trao ngày giã biệt
                         Có buồn đâu, sao cứ se lòng!

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

NHÂN SĨ XÓM


      Lão Bật chuyển từ thành phố về xóm được hơn năm. Trước kia không biết lão nghiên cứu hay giảng dạy gì chả ai rõ. Mỗi người nói về lão một phách. Mấy đứa trẻ học Trung học phổ thông gọi lão là sư tổ, các ông bà hưu trí gọi lão là nhân sĩ, còn mấy tay làm việc trên Ủy ban xã gọi lão là Bật Bất Mãn.
     Về hưu thì bất mãn với ai, chẳng qua lão chọc ngoáy mấy tay cán bộ đương chức, thế thôi. Mà lần nào cũng vậy, hễ lão nói là cán bộ ta cứng đơ họng. Cứng họng trước đông đảo bà con thì còn gì là uy với tín. Mà những chuyện lão chọc ngoáy thì lẽ phải luôn thuộc về lão, lời lẽ lão như lưỡi kiếm sắc nhọn đâm chính vào tim đen đối thủ.
     Một lần, họp dân bàn về việc bê tông hóa đường làng, xã đưa ra phương án chia đóng góp bình quân theo hộ cho công bằng. Đường làng thì chung nhưng đường xóm thì riêng. Ưu tiên trước là đường xóm Chùa, và cuối cùng là đường xóm Chợ. Tay Thổ phụ trách địa chính xã nói xong, yêu cầu bà con biểu quyết. Mọi người còn đang trù trừ thì lão Bật lên tiếng:
     - Chưa thảo luận mà biểu quyết như thế là mất dân chủ.
Phó Chủ tịch Hưởng đứng lên, vuốt tóc, nhìn lão Bật nói như quát:
     - Vấn đề này xã đã bàn bạc cụ thể, thông báo cho bà con biết sao lại mất dân chủ? Ông là dân ngụ cư nên biết điều một chút. Từ khi ông đến đây chỉ chuyên gieo rắc tư tưởng chống đối, một vừa hai phải thôi nhé.
     Im lặng. Một sự im lặng trong chờ đợi. Dường như để mọi người có thời gian suy ngẫm về lời nói của vị Phó Chủ tịch. Khi bắt đầu có tiếng xì xào trở lại thì cũng là lúc lão Bật lên tiếng:
     - Tôi không muốn nói nhiều, mất thời gian của bà con. Nếu tôi nói sai thì từ nay trở về sau tôi không nói nữa.
     Ngưng một lát như để tạo sự chú ý, lão Bật chậm rãi nói trước đám đông mà như nói với riêng mình:
     - Thưa bà con! Công bằng là cái đích xã hội ta nhắm tới, nhưng có người lợi dụng quyền thế, lợi dụng tập thể lãnh đạo để mưu cầu lợi ích riêng cho mình. Ai có ý kiến khác là chụp mũ, gán cho tội chống đối. Tôi xin hỏi bà con, hộ ở giáp mặt đường và hộ ở ngõ sâu, hộ nào thụ hưởng lợi ích nhiều hơn? Cùng giáp mặt đường, nhưng có hộ chỉ năm bảy mét, có hộ năm sáu chục mét thì mức độ hưởng lợi có như nhau không?
     Mọi người nhao nhao, ai cũng nói xã phân chia như thế là không công bằng. Tay Thổ lớn tiếng:
     - Yên lặng, yêu cầu bà con yên lặng. Xã đã họp rồi, bàn rồi, ta cứ thế thực hiện. Bà con không biết chứ xin được tiền hỗ trợ xi măng xã cũng tốn kém lắm. Đừng cứ tưởng tự nhiên mà có nhé. Không chia theo hộ thì chia thế nào? Tôi thấy đấy là phương án tốt nhất, các nơi khác người ta đều làm như vậy cả.
     Tay Thổ vừa dứt lời, lão Bật giơ tay xin phát biểu. Phó Chủ tịch Hưởng lờ đi như không thấy. Bà Bích nói:
     - Ông Bật nói đi, cần gì phải giơ tay.
Lão Bật đứng lên, giọng ôn tồn:
     - Anh Thổ nói có chỗ chúng tôi chưa hiểu. Chủ trương hỗ trợ xi măng cho địa phương là của Nhà nước, hà cớ gì xã phải tốn kém, tốn kém cho ai đây? Còn nữa, tôi đề xuất thế này, chiều dài con đường định làm là bao nhiêu mét, mỗi mét hết bao nhiêu tiền có trong ba rem Nhà nước tính sẵn rồi. Lấy một mét đường phải bao nhiêu tiền nhân tỷ lệ số mét mặt đường của các hộ giáp mặt đường là ra. Số hộ không ở ngõ trong không giáp mặt đường thì chia bình quan theo tỷ lệ thống nhất do bà con quyết định.
Phó Chủ tịch Hưởng mặt đỏ lừ, đập bàn, đứng dậy.
     - Phương án đã trình lên huyện, huyện đã duyệt, ông lại phá ngang. Có phải ông kích động bà con chống đối chính quyền không? Tỷ lệ, tỷ lệ là tỷ lệ cái con khỉ, rách việc, cái thứ ngụ cư rách việc!
      Trước thái độ của tay Hưởng, không ai nói câu gì. Lâu nay là vậy, cứ họp dân, nêu chủ trương rồi cứ thế mà thông qua. Người nọ nhìn người kia mà giơ tay. Trong đám dân chúng ấy có người nhà cán bộ “gương mẫu” giơ tay trước hay hùa vào tán tụng, nhất trí. Có người sợ liên lụy, mai mốt cần chứng giấy nọ giấy kia lên xã bị làm khó làm dễ. Ôi dào, có lụt thì lút cả làng, xưa nay đời nó thế. Phận dân đen thấp cổ bé họng nói ai nghe. Không khéo lại rước họa vào thân…
     Nghe Phó Chủ tịch Hưởng mạt sát, da mặt lão Bật tái lại, môi lão run run, mắt giật giật, cục yết hầu nổi rõ chạy lên chạy xuống. Lão nói giọng chua chát:
     - Phải rồi, ông Phó Chủ tịch cần chi cái tỷ lệ. Nhà ông gần 70 mét mặt đường, trong khi nhà bà An, anh Lếu, ông Sang, chị Dung…chưa đầy chục mét. Ông có thể cắt mảnh đất ấy bán bốn năm lô chí ít cũng thu hai tỷ bạc, còn những hộ như tôi nói lấy đâu đất mà bán. Bà con thấy như vậy có công bằng không? Rồi nữa, sao lại làm đường xóm Chùa trước, xóm Chợ sau cùng? Thử hỏi bà con, con đường nào người ta qua lại nhiều nhất, cần thiết nhất? Chắc chắn bà con ta ai cũng biết là đường xóm Chợ rồi. Lưu lượng người đi ngõ xóm Chùa giỏi lắm bằng một phần mười xóm Chợ, vậy nên ưu tiên đường nào hơn, làm đường nào hiệu quả hơn? Làm đường xóm Chùa trước có phải chăng nhà ông Phó Chủ tịch ở đấy? Có phải vì thế mà phương án của các ông tối ưu không? Các ông đề xuất được tôi cũng đề xuất được. Còn  ông Phó Chủ tịch gọi tôi là “cái thứ ngụ cư rách việc”, tôi sẽ nói chuyện với ông sau. Tôi nghĩ mới Phó Chủ tịch mà đã xem người ta bằng nửa con mắt thì nếu leo cao hơn nữa chắc chúng tôi là rơm là rác hết…
     Ai cũng nghĩ lão Bật nói đúng. Nhưng liệu cái đúng đó có được tiếp nhận hay không lại là chuyện khác. Nghĩ thì nghĩ vậy, chưa ai lên tiếng, tay Hưởng đập bàn cái rầm, đứng dậy chỉ mặt lão Bật:
     - Tôi nói với bà con hay, lão này đang phá hoại chủ trương của Đảng ủy, Ủy ban xã. Tôi chỉ là một thành viên trong Ủy ban, chỉ một phiếu thôi. Chủ trương này sai hóa ra Đảng ủy, Ủy ban sai à? Ngày mai xã sẽ triệu ông ta lên làm việc, còn bây giờ ai nhất trí thì giơ tay biểu quyết.
Lão Bật đứng phắt dậy:
     - Ông đừng cả vú lấp miệng em. Đây là quyền lợi của bà con. Tôi cam đoan nếu bà con không đồng ý thì huyện sẽ sửa lại phương án hợp lý hơn. Còn triệu tôi lên xã à? Xin lỗi, thói hù dọa, áp chế của ông không có tác dụng đối với tôi.
     Xem chừng đối đáp với lão Bật bất lợi, Phó Chủ tich Hưởng nói như ra lệnh:
     - Bà con ta ai nhất trí với chủ trương của Đảng ủy, Ủy ban thì giơ tay biểu quyết!
Mấy cánh tay giơ lên, tay Thổ liến thoắng:
     - Một…hai…hơn hai phần ba rồi, mời bà con giải tán!
Bà Bích lẩm bẩm:
     - Đúng là đồ lưu manh.

     Ông Nhân đang đánh luống trồng rau mảnh vườn trước nhà thì tay Thổ đến. Vừa bước vào cổng đã bô bô:
     - Nhất bác rồi, bác Nhân ạ. Con Thắm vừa giành giải Nhì học sinh Giỏi môn Toán cấp tỉnh, nay mai đền bù, có tiền, khỏi lo nuôi con ăn học đại học nhé.
Ông Nhân dừng tay:
     - Tiền gì hả chú? Mấy luống rau này gỏi lắm chỉ đủ tiền cá tiền mắm thôi chứ làm gì mà mà nuôi con học Đại học được?
     - Ủa, bác không biết hay giả vờ không biết đấy. Là tiền đền bù đám đất giáp khe núi đấy. Tôi nói mãi trên huyện mới nhất trí đấy. Nhận tiền đền bù rồi nhớ cho thằng em chút cháo nhé. Mà bác không nghỉ tay vào nhà bàn bạc một chút với tôi được à?
     Ông Nhân đành dựng cuốc vào cọc rào, bước vào nhà. Thổ leo tót lên tấm phản kê ở hàng ba, mở cặp lấy tấm bản đồ trải ra. Múc nước rửa chân tay xong, ông Nhân vào nhà bưng ra khay trà, rót chén nước mời Thổ. Chỉ tay vào tấm bản đồ, Thổ ra vẻ quan trọng:
     - Đám đất của bác năm ngàn sáu mét vuông, phần trồng cây ăn trái một phần ba diện tích. Tính ra là…à mà thôi, nếu bác thống nhất cho tôi cái phần lẻ, tôi sẽ đảm bảo cho bác có lợi nhất, được chưa?
Ông Nhân uể oải:
     - Chú nói đền bù cái gì tôi không hiểu. Nhà tôi ruộng chẳng được bao nhiêu, không nhờ vào đám đất ấy để chết đói à?
Thổ cười hềnh hệch;
     - Đền bù đất cho bác để huyện làm bãi rác. Mà có riêng đất của bác đâu, ông Dư, bà Khoan cũng đã nhất trí rồi.
Ông Nhân im lặng. Ông thấy lâu nay đất đai Nhà nước quy hoạch là phải theo thôi. Có tiền, không biết buôn bán, nay tiêu một tí, mai tiêu một tí, miệng ăn núi lở, chả mấy chốc mà hết. Lúc ấy, biết bấu víu vào đâu? Làm lụng vất vả từ tấm bé thành quen, không làm việc thì nó cứ buồn chân buồn tay. Không có đám đất ấy ông biết làm gì…
     Thấy ông Nhân không nói, tay Thổ thuyết phục:
     - Bác cứ tin ở tôi. Nhận tiền đền bù đám đất ấy, bỏ ngân hàng cũng hơn thu nhập bình quân hiện nay bác ạ.
Uống cạn chén nước, ông Nhân nói:
     - Đây là việc hệ trọng, để tôi bàn với bà nhà tôi và con Thắm đã.
Thổ đứng lên:
     - Bác đồng ý hay không cũng thế thôi. Mai phòng Địa chính xuống khảo sát, bác phải có mặt đấy.
     Tay Thổ đi rồi ông Nhân cứ đi ra đi vào, chán nản không thiết làm việc gì cả. Cứ nghĩ đến việc mất đám đất là tim ông lại nhói lên. Đám đất ấy được khai khẩn từ đời ông nội của ông. Trước khi cha ông nhắm mắt có trăng trối lại nhà cửa, vườn tược có thể bán nhưng để mất đám đất ấy là chết. Khi xưa, ông nội ông cứng cỏi lắm mới mới dám vào đấy khai khẩn. Đất tốt, có nước nên trồng cây trái, hoa màu đều tốt. Ông nội ông, cha ông nhất quyết sung ruộng chứ không sung đám đất ấy vào hợp tác xã. Vậy nên những tháng năm đói kém chung gia đình ông không đến nỗi nào, không giàu nhưng cũng vào hàng khá giả của xóm. Con Thắm bảo với ông nó thi vào ngành Chăn nuôi Đại học Nông nghiệp, sau này ra trường sẽ mở trang trại chăn nuôi ở đấy nhất định sẽ khá…Mảnh đất nuôi sống  gia đình ông, nuôi cả hy vọng đổi đời của con cái, thế mà bỗng dưng sắp tuột khỏi tay ông. Làm sao, làm sao giữ được đây, câu hỏi như mũi dùi khoan sâu vào đầu óc. Ông thở dốc, uống nước, khát vẫn khát. Bình nước hết, ông ra chiếc lu nước đặt dưới cây cau, múc một gáo uống cạn rồi múc gáo nữa đổ lên đầu, lên mặt. Gáo nước làm đầu ông dịu lại, tỉnh táo hơn. Phải rồi, chưa có cách gì thì hỏi người khác xem sao. Vợ ông thì không được rồi, chuyện gì trong nhà bà cũng hỏi ông. Ông nói gì, làm gì bà cũng nghe theo răm rắp. Có lần, tình cờ ông nghe con Thắm hỏi mẹ nó sao không có chính kiến, việc gì cũng phải nghe theo bố? Vợ ông trả lời ông là người có học, với lại nghe theo chồng là giữ được hòa khí trong gia đình, còn việc làm ăn có thu hoạch hay thất bát là cái số…
     Dội thêm gáo nước nữa, ông tỉnh táo hẳn. Phải rồi, việc này phải hỏi bác Bật, nhờ chỉ vẽ cho. Về họ hàng bác Bật ngành trưởng, cùng cha ông chung một ông cố. Ông cụ thân sinh ra bác thoát ly hoạt động cách mạng sớm, sau đó làm chức gì to lắm ở Thủ đô. Bác Bật đi học Liên Xô rồi về nước đi bộ đội, bị thương về dạy học hay nghiên cứu gì đó, về hưu mới về quê, thành ra chỉ ông với bà Cả Phú mới biết gốc gác bác Bật. Tuần trước, nghe bà vợ đi họp về nói Phó Chủ tịch Hưởng chửi bác Bật là dân ngụ cư, ông ức lắm. Bà vợ thanh minh là không rành rẽ thứ bậc nó thế nào cho đúng nên không có ý kiến bảo vệ bác Bật được. Ông nghĩ cũng đúng thôi, bà ấy lành quá, đi đâu cũng nhẫn nhịn thì làm sao mà nói được…
     Mãi nghĩ, ông tới nhà bà cả Phú lúc nào không hay. Cửa mở, trong sân có hai chiếc xe đạp. Ông tính quay lại thì nghe tiếng cười của con Thắm.
     - Ông ơi, ông ở Thủ đô mà sao lại lấy tên là ông Bật?
Con này hỗn, sao dám hỏi như vậy, ông còn chưa dám nữa là. Về nhà phải quất cho mấy roi, kiểu này hư quá. Đang bực bội con Thắm, ông nghe bác Bật cười khà khà, trả lời con Thắm:
     - Ông cụ thân sinh ra bác gốc nông thôn nên muốn đặt tên con cái giản dị. Ông cụ tâm huyết với nghiệp chính trị đến nỗi từ ngữ thấm vào máu. Lúc đầu tính đặt tên cho ông là Nhảy Vọt, mấy chú trong cơ quan chọc quá nên đổi lại là Bật.
     Tiếng cười bọn trẻ vong ra, ông cũng cố nén. Tiếng thằng Cường, bạn cùng lớp với con Thắm, con bà Bích, hỏi:
     - Hôm trước, kể chuyện Khổng Minh xem cá bơi nghĩ việc nước, ông nói tập tính của loài cá có chỗ giống con người, hay chỉ xem việc con người cho cá ăn cũng biết phẩm cách của họ, chúng cháu không hiểu?
     - Khoan hãy nói chuyện đó, giờ hãy cho ông xem cách giải mấy bài toán ông giao trước đã.
     Thì ra mấy đứa tới đây học toán. Hôm con Thắm đạt giải toán cấp tỉnh, lại nghe nói thầy giáo kèm cặp không lấy tiền, ông bảo bà vợ bắt con gà sống thiến, đong năm kg nếp để con Thắm biếu thầy thì con Thắm giãy nảy: “Sư tổ không lấy đâu, bọn con tới học còn được sư tổ cho ăn chè, ăn bánh nữa kia”…
\\     Tiếng bác Bật vọng ra cắt ngang dòng hồi tưởng của ông Nhân.
     - Mấy cháu làm tốt đấy, cháu Nụ nên viết lời giải gọn hơn, cháu Cường không cần chứng minh những cái người ta đã chứng minh, ghi “áp dụng…” là được. Thực ra đây là bài toán sử dụng phép tương tự. Buổi sau ông sẽ giảng về phép toán đó. Học phải suy luận, so sánh, đối chiếu mới khắc sâu kiến thức các cháu ạ.
Im lặng một chút. Rồi tiếng bác Bật lại vang lên:
     - Để các cháu về suy nghĩ trước, ông đưa ra một ví dụ thế này: tam giác trên mặt phẳng tương tự với tứ diện trong không gian. Trên mặt phẳng hai đường thẳng không thể tạo nên một hình có giới hạn, còn ba đường thẳng thì có thể tạo nên một tam giác. Trong không gian ba mặt phẳng không thể tạo nên một vật thể có giới hạn, còn bốn mặt phẳng thì có thể tạo nên một tứ diện. Quan hệ của tam giác đối với mặt phẳng cũng y như quan hệ của tứ diện trong không gian, vì cả tam giác và tứ diện đều được giới hạn bởi số tối thiểu những yếu tố cơ bản…
     Ông Nghĩa ngồi xuống bậc thềm đầu hồi, lúc này ông mới nhận ra lối đi, sân vườn đều rất sạch sẽ, gọn gàng, không um tùm như hồi bà Cả Phú còn sống. Mấy cây chanh được tạo tán lại đang ra hoa tỏa mùi hương nhè nhẹ. Hàng hoa hiên trồng theo lối dẫn từ ngõ vào đến sân lá xanh mướt, nhú bông đều tăm tắp. Nghe bác bật dạy mấy đứa trẻ, khung cảnh yên bình làm lòng ông dịu lại. Tự nhiên ông tin tưởng chuyện nhà ông bác Bật sẽ chỉ bảo giải quyết được. Tính đứng lên vào nhà nhưng nghe tiếng thằng Cường nài nỉ, ông lại ngồi xuống.
     - Ông nói chuyện hôm trước đi ông.
Tiếng bác Bật:
     - Cháu cho mấy con cá ăn đi. Mấy cháu quan sát kỹ nhé!
Một lát sau, tiếng bác Bật vọng ra:
     - Các cháu có thấy tập tính loài cá giống loài người chỗ nào không?
Tiếng con Nụ:
     - Cháu thấy chúng tranh nhau ăn.
     - Theo cháu thì khi nào chúng không tranh nhau ăn nữa?
     - Dạ, khi chúng no ạ.
     - Đúng rồi, khi no thì chúng không tranh ăn. Như loài cá, loài người cũng vậy thôi, khi đói khát, túng thiếu con người ta dễ đánh mất liêm sĩ, tự trọng, làm nhiều điều xấu xa, tồi tệ các cháu ạ. Vậy để xã hội giảm bớt cái xấu, cái ác, theo cháu phải làm gì?
     - Cho ăn no như cá ông à…hà …hà…
     - Cậu nói bậy gì đấy, nghiêm túc một chút đi. Tiếng con Thắm có vẻ nghiêm trang.
Bác Bật cũng cười:
     - Loài cá không tự làm ra thức ăn cho mình, con người khác con cá ở chỗ đó. Một diều đáng nói nữa là con người làm ra sản phẩm không chỉ có cái ăn, cái mặc mà còn sản phẩm văn hóa, tinh thần nữa. Do đó xã hội mới có sự phân phối, điều tiết. Kẻ có chức, có quyền thường dựa vào sự điều tiết, phân phối để tham nhũng, trục lợi.
     - Vậy để hạn chế tham ô ở mức cao nhất, ông bảo phải làm gì?
Bác Bật chưa trả lời con Nụ, thằng Cường vừa cười vừa nói:
     - Dễ thôi, cứ ông nào tham ô rồi thì cứ thế mà bầu lãnh đạo. Tham ô riết giàu rồi, no rồi thì không tham ô nữa. Bầu ông không tham ô làm lãnh đạo, ông ta chưa giàu nên tham ô nhiều hơn.
     Ông Nhân bấm bụng cố nhịn cười. Cái thằng đến là láu. Trong nhà mấy ông cháu cười vui vẻ lắm. Một lúc sau, bác Bật nói rất nghiêm túc:
     - Tham vọng của người ta không có điểm dừng các cháu à, nhu cầu của con người không chỉ ăn, mặc, ở mà còn rất nhiều các thứ khác, có cái hữu hình, có cái vô hình. Như ở bể cá này, ông bỏ một viên thực phẩm lớn thì chỉ ba con cá lớn xúm vào rỉa, mấy con cá nhỏ không ăn được. Ví như cá lớn là quan chức, cá nhỏ là dân, để cho “dân” có miếng ăn thì phải làm thế nào?
     - Phải bóp nhỏ viên thực phẩm ra ông ạ!
     - Cháu Thắm nói phải lắm, đáng khen. Bác Hồ nói: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Chỉ khi nào điều tiết, phân phối trong xã hội có sự công bằng mới bớt tệ nạn tham ô các cháu ạ.
     Ông Nhân nghe bác Bật giảng giải sao nó dễ hiểu thế. Ông cháu chuyện trò cho vui nhưng thực chất bác Bật muốn nhắn nhủ, gửi gắm, nuôi dưỡng cái tâm, cái thiện. Hèn gì mấy ông bà hưu trí thường đến thăm bác, chuyện trò, học hỏi. Ông nghĩ mình cũng tệ quá, cứ lo cắm đầu cắm cổ vào mấy mảnh ruộng, mảnh vườn cố sao cho khỏi đói. Có lần con Thắm nói với ông sư tổ bảo bất cứ lao động gì, tỷ lệ tri thức nhiều thì chắc chắn giá thành sản xuất hạ, lợi nhuận lớn hơn. Rồi nó bắt ông mua máy bơm, mấy trăm mét dây điện để tưới cây, rau màu đám đất ấy. Mà đúng thật, chỉ cần tưới hai tiếng đồng hồ hơn ông gánh tưới trẹo vai hai ngày. Vụ ấy năng suất tăng thấy rõ, mùa này nữa dư vốn, thế mà…
     Tiếng chào của thằng Cường làm ông giật mình. Lật đật dứng dậy, con Thắm hỏi:
     - Bố đến chơi với ông à?
     - Tao có việc.
Nghe tiếng ông Nghĩa, lão Bật chạy ra:
     - Lâu lắm mới thấy cháu đến chơi đấy!
     - Bác đại xá cho, việc nhà nông bận quá.
     - Buổi tối đến đây cũng được chứ sao. Vào nhà uống nước. Hôm rồi chú Bảy mới tặng gói trà Thái Nguyên, ngon lắm.

     Ông Nhân kể cho lão Bật chuyện huyện sẽ thu hồi đám đất của mình. Nghe xong, lão Bật nói:
     - Nhà nước lấy đất làm công trình chung thì phải chịu thôi. Nhưng cái không hợp lý là làm bãi rác ở đấy. Ai lại làm bãi rác đầu nguồn nước, lại gần khu dân cư, ô nhiễm chết. Chuyện này tôi sẽ kiến nghị với huyện. Trước mắt, cháu không ký vào bất cứ giấy tờ gì hết, người ta có hỏi, cứ nói bác bày vậy.
     Trưa hôm sau, lão Bật đang ăn cơm thì Phó Chủ tịch Hưởng, tay Thổ địa chính và hai tay công an viên đến nhà. Mới bước lên khỏi bậc tam cấp, Phó Chủ tịch Hưởng mặt hầm hầm, quát thay cho lời chào:
     - Lão Bật xúi giục ông Nhân chống lại chính quyền phải không? Không trị cho trắng mắt ra thì cứ được đằng chân lân đằng đầu.
Lão Bật không thèm trả lời, từ tốn ăn cơm như không có chuyện gì xảy ra. Tay Hưởng càng tức, ra lệnh:
     - Thằng Quì, thằng Quýt còng tay lão Bật Bất Mãn, giải ra Ủy ban!
     Hàng xóm nghe chuyện, ùn ùn kéo đến. Bà Bích chỉ mặt thằng Quì:
     - Mày có giỏi thì còng đi. Trời đánh còn tránh miếng ăn, chúng mày hà hiếp người ta quá đấy!
Tay Thổ chỉ tay vào mặt bà Bích:
     - Bà thì biết gì mà xía vào, hay là nhân tình nhân ngãi với lão Bật!
     Sự thể đến mức quá quắt, ông Chân dộng cây gậy xuống sân:
     - Có còn đạo lý nữa không hở trời. Đúng là miệng quan trôn trẻ. Cán bộ như chúng mày cái xã này mạt mất rồi!
Bà Bích vừa chửi vừa nhào vô cào mặt tay Thổ. May có thằng Quì can ra nên mặt tay Thổ chỉ bị xước một vệt trên má, máu ri rỉ. Phó Chủ tịch Hưởng hét lớn:
     - Chống người thi hành công vụ, bắt về xã!
Tay Hưởng vừa dứt lời, một bóng trắng nhảy lên, vừa hét: “bắt này, bắt này” vừa tung một cú đấm vào mặt hắn. Nhưng một cái bóng trắng khác còn nhanh hơn, nhảy vào giữa, gạt cú đấm, đẩy bóng trắng tấn công tay Hưởng lăn ra thềm. Mọi người kinh ngạc, cái bóng trắng đỡ cho tay Hưởng cú đấm không ai khác, đó chính là lão Bật. Người nằm dưới thềm là thằng Cường. Kéo thằng Cường dậy, lão Bật ôn tồn:
     - Diệt cái ác, cái xấu tận gốc phải bằng luật pháp, văn hóa chứ đâu phải bằng nắm đấm. Ông thất vọng vì cháu đấy.
     Người làng kéo đến một lúc một đông, chật kín cả sân. Biết chuyện, mỗi người chửi một câu. Thầy trò tay Hưởng ỉu như bánh đa nhúng nước. Lão Bật lên tiếng:
     - Thưa bà con! Tôi chân thành cảm ơn bà con đã đến bảo vệ tôi khi đơn chiếc. Tôi nghĩ, bà con mình đoàn kết như thế này chắc chắn cái xấu, cái ác không còn đất để lộng hành.
Quay sang tay Hưởng, lão Bật điềm đạm:
     - Các anh về được rồi chứ? Triệu tập tôi lên xã thì cứ ghi giấy. Tôi luôn là người thượng tôn pháp luật. Còn hành xử như hôm nay các anh đã vi phạm pháp luật rồi đó.
     Tay Hưởng và đám tay chân lủi thủi đi ra. Đến cổng, hắn ngoái lại, nói một câu vớt vát sĩ diện:
     - Được lắm lão Bật, hày đợi đấy!
Con Nụ và đám bạn vừa cười vừa chỉ tay vào vị phó chủ tịch:
     - Lêu lêu…lêu …lêu…

     Phó Chủ tịch Hưởng đang ngồi nhậu với tay chủ thầu xây dựng trong quán bà Tư Béo thì tay Thổ phóng xe tới. Vừa dừng xe, vừa nói như kẻ hụt hơi:
     - Gay rồi anh Hưởng, huyện kêu đình làm đường xóm Chùa, bảo tính toán lại.
     - Mẹ khỉ, đình là đình thế nào, tay Thụ trưởng phòng Địa chính mới dự khởi công hôm qua kia mà?
     - Không phải huyện, mà nghe đâu trên tỉnh. Bí thư nói thế.
Chủ thầu xây dựng mặt đỏ như tôm luộc, dằn cốc bia xuống bàn:
     - Mẹ kiếp, làm ăn thế này, tính sao đây ông Hưởng?
     - Đã rõ đầu đuôi đâu, tôi về xã hẵng hay. Ông cho công nhân làm hết ngày hôm nay đã.
     Leo lên xe tay Thổ, phó chủ tịch Hưởng lẩm bẩm: “Sao thế nhỉ?”.
     Sắp đến cổng ủy ban, tay Thụ - Trưởng phòng Địa chính chặn lại, nói gấy gáp:
     - Tỉnh yêu cầu dừng công trình, làm việc thẳng với xã, không qua huyện. Các ông lựa lời mà nói, đừng kéo tôi vô vụ này. Cứ nhẫn đã, tính sau.
Phó Chủ tịch Hưởng văng tục:
     - Mẹ kiếp! Ăn thì ăn chung, giờ chưa biết như thế nào đã thụt vòi. Ăn được thì nôn ra được chứ!
Thụ năn nỉ:
     - Đương nhiên là nôn ra rồi. Tôi mong ông gánh đỡ, tôi còn thì ông còn mà.
     - Đỡ cái con khỉ, để xem thế nào đã.

     Phó Chủ tich Hưởng vừa bước vào phòng họp bỗng khựng lại. Ông Chủ tịch tỉnh ngồi ghế chủ tọa, bên trái là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, Trưởng phòng Ngân sách xã Sở Tài chính và anh thư ký. Nhìn vẻ mặt phấp phỏng của Bí thư, Chủ tịch xã chắc nghiêm trọng lắm đây. Tim hắn bỗng nhiên đập loạn xạ, mặt nóng bừng. Chủ tịch xã Huỳnh Lãng đứng dậy giới thiệu:
     - Thưa đồng chí Chủ tịch Tỉnh và các đồng chí trong đoàn, đây là đồng chí Hưởng, Phó Chủ tịch, phụ trách công tác hạ tầng.
Hưởng cúi đầu chào, se sẽ kéo ghế ngồi. Chủ tịch tỉnh lên tiếng:
     - Các đồng chí uống nước đi rồi ta làm việc.
Không gian im lặng bao trùm phòng họp. Lãnh đạo xã ngồi ngay đơ như tượng. Như cảm nhận được điều đó, anh thư ký lên tiếng:
     - Vừa rồi Ủy ban tỉnh có nhận được thư đồng chí mà Tỉnh mời làm chuyên gia kinh tế. Trong thư có phản ảnh việc bê tông hóa giao thông nông thôn, quy hoạch bãi rác của xã, huyện có vấn đề cần chấn chỉnh. Đồng chí Chủ tịch vừa đi kiểm tra thực tế vừa thăm, động viên đồng chí ấy ra giúp Tỉnh. Để công tác kiểm tra được nhanh chóng, trước tiên các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban xã trình bày khối lượng, phương án thi công.
     Nghe tay Thổ thay mặt Ủy ban xã báo cáo xong, ông Phó Giám đốc Sở Kế hoach Đầu tư lên tiếng:
     - Kính thưa đồng chí Chủ tịch tỉnh, thưa các đồng chí! Theo như báo cáo của xã, số liệu không khớp với thực tế chúng tôi có. Tổng chiều dài các con đường dài hơn thực tế là 573 mét. Phương án xếp thứ tự ưu tiên thi công không như chỉ đạo của Tỉnh. Việc đóng góp theo hộ dân cào bằng là không hợp lý, không công bằng.
     Bộ sậu Lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban xã cúi mặt. Bí thư Đảng ủy thở dài nhè nhẹ, đứng lên phát biểu mà như xin xỏ:
     - Kính thưa đồng chí Chủ tịch tỉnh, thưa các đồng chí trong đoàn! Thay mặt Đảng ủy, Ủy ban xã chúng tôi xin nhận khuyết điểm, xin sửa chữa. Chúng tôi xin làm đúng yêu cầu của Tỉnh.
Ông Chủ tịch tỉnh giọng buồn buồn nhưng dứt khoát:
     - Các đồng chí đừng nói làm đúng yêu cầu của Tỉnh, mà phải thay bằng “làm đúng yêu cầu của dân”. Khẩu hiệu: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” các đồng chí treo đây hóa ra để cho vui, để hình thức hóa dân chủ. Tôi đề nghị đồng chí Phó Giám đốc Sở Kế hoach Đầu tư cùng đồng chí Trưởng phòng Ngân sách xã làm rõ chuyện này xem động cơ là gì, có dấu hiệu tham ô không. Làm xong báo lại cho Tỉnh và báo cho huyện đẻ huyện xem xét, xử lý nếu sai phạm. Về quy hoạch bãi rác nhất định không gần khu dân cư, không đầu nguồn nước…

     Lão Bật đang hướng dẫn cho thằng Cường cắt tỉa cây cảnh, con Thắm quét gom lá rụng trong sân. Lão Bật nói:
     - Để ông chỉ cho cháu Cường cắt xong rồi gom luôn thể.
Con Thắm hỏi lại lão Bật câu hỏi mà lâu nay nó nghĩ mãi không ra:
     - Ông ơi, cháu thấy ông lúc nào cũng ung dung, không dạy chúng cháu học lại làm vườn hay nói chuyện với mấy ông bà hưu trí, vậy thời gian đâu mà ông viết được mỗi ngày hơn hai chục trang sách?
Lão Bật cười:
     - Cái gì cũng phải tập trung, suy ngẫm cháu à. Vấn đề ông viết không phải lúc đó mới suy nghĩ mà đã suy nghĩ trước đó rồi. Viết thực chất là chốt lại phương án mình cho là hoàn hảo nhất thôi cháu ạ. Ông già rồi, ba giờ sáng đã thức giấc. Thời gian đó ông viết yên tĩnh nên không phân tán tư tưởng.
Thằng Cường cười:
     - Ông đâu đã già. Tuần trước ông quật cháu ngã đau điếng.
Lão Bật cười khà khà:
     - Đấy là ông mượn sức cháu quật cháu đấy chứ, cháu có nghe câu nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa tôi sẽ nhấc bổng trái đất không?”…
     - Ông cháu có chuyện gì mà vui vẻ thế, có nhận ra thằng em này không?
Lão Bật quay ra:
     - Trời đất, đúng là rồng đến nhà tôm. Chú về đây công tác à?
     - Về giải quyết lá thư của ông tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Trung ương -  Nguyễn Việt Dũng. Để lâu, gặp lại ông anh, e vuốt mặt không kịp.
Bí thư Đảng ủy xã đi cùng ngạc nhiên:
     - Thưa Chủ tịch, vậy hóa ra bác Bật là nhân sĩ Nguyễn Việt Dũng?
Lão Bật cười cười:
     - Ta vào nhà uống nước, giờ may ra là nhân sĩ xóm.

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI BẠN LÀ GÌ?

    
   
       Một thầy giáo dạy môn Kế hoạch quản trị cho một lớp sinh viên thương mại. Để nhấn mạnh một điểm trong công tác quản trị, ông lấy ra một bình 5 lít miệng rộng đặt lên bàn rồi chậm rãi lấy những viên đá nhỏ đặt vào bình. Khi bình đầy, ông hỏi sinh viên:
     - Cái bình đầy chưa?
Cả lớp đồng thanh: Rồi!
Ông hỏi lại: - Thật chứ?
Rồi ông lại cúi xuống lấy ra một thùng đầy những hạt sỏi nhỏ và bỏ từng hạt vào bình. Ông lắc nhẹ bình và hỏi cả lớp:
     - Bình đầy rồi chứ?
     - Có lẽ không.
     - Tốt – ông mỉm cười và lấy dưới bàn ra một thùng cát và đổ cát vào bình và hỏi lại:
     - Bình đã đầy chưa?
     - Chưa! Có tiếng đáp lại. Lập tức ông giơ tay khen:
     - Rất tốt!
Ông lại tiếp tục lấy nước đổ vào bình cho đến khi nước tràn qua miệng bình. Lúc này ông nói:
     - Sự minh họa này nói lên điều gì?
Một sinh viên nhanh nhảu đáp:
     - Khó khăn sẽ không thành vấn đề gì nếu bạn thật sự cố gắng và cố gắng hơn nữa.
     - Sai rồi! Thầy giáo chầm chậm giải thích:
     - Dù không phải là điều tôi muốn nói, cái chân giá trị ở đây dạy chúng ta rằng nếu bạn không đặt nền tảng lớn lao ở những ngày đầu tiên, sau này bạn không bao giờ có được chúng. Thế nên điều gì quan trọng nhất trong cuộc đời bạn?
     Cả lớp nhao nhao: con cái, vợ chồng, bạn đời, tình bạn, giáo dục, sức khỏe…
     Một lý tưởng – người thầy đáp. Hãy nhớ rằng phải đặt nền tảng vững chắc trước đã, nếu không mãi mãi bạn sẽ không có được điều gì. Nếu bạn phải đổ mồ hôi cho những điều quá nhỏ bé, những điều làm tâm hồn bạn nặng thêm, sau đó mãi ôm lấy và sống với những điều ấy thì bạn không bao giờ có được thời gian để  làm điều khác tốt hơn, hay hơn cho cuộc đời mình.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

THĂM LẠI VƯỜN XƯA

              

            Cây thị vườn xưa không còn nữa
            Mẹ em cũng khuất bóng núi rồi
            Nửa đời phiêu dạt anh tìm lại
            Ngơ ngẩn buồn trông cánh hoa trôi.

            Cau rụng trầu cay không người hái
            Cỏ lan lên đến bậc thềm nhà,
            Ổ khóa rỉ vàng treo cửa mốc
            Đành đoạn theo chồng bến nước xa.

            Anh nhớ ngày xưa bức tường hoa
            Em khắc tên anh một ngày mưa
            Ước nguyện mai đây nồng duyên  thắm
            Hai đứa vui chung với mẹ già…

            Lẽ ra hai đứa một mái nhà
            Nếu anh không theo bóng buồm xa
            Không cuồng danh hão thời trai trẻ
            Không mê đàn hát nghiệp cầm ca.

            Anh nhớ ngày xuân tục bói trầu
            Trầu têm cánh phượng đậu thuyền cau
            Môi em thắm đỏ - môi cô Tấm
            Em nói rằng em giống Thị Mầu.

            Không biết giờ em ở nơi đâu
            Có buồn có nhớ những hàng cau?
            Có thầm uất hận chàng lãng tử
            Mòn mỏi chân trời đôi mắt sâu?

            Hôm nay anh thăm lại vườn trầu
            Cảnh cũ hoang tàn, đau nỗi đau
            Giá mà trở lại thời trai  trẻ…
            Ước nguyện vậy thôi có được đâu!

            Ôi thời gian bãi biển nương dâu
            Thề với lòng mình hẹn kiếp sau
            Bao nhiêu chua chát  phần  anh hết
            Hồng thắm duyên em mối tình đầu.