Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

GIÁO DỤC LÒNG BIẾT ƠN ĐỐI VỚI TRẺ



            Cảm ơn là hành vi văn hóa, biết ơn là hành vi cảm xúc. Nói như vậy nhiều người không tán thành nếu xét trên phương diện duy danh định nghĩa, văn hóa, tâm lý học…vân vân và vân vân. Bài viết này chỉ muốn nêu vấn đề giáo dục lòng biết ơn, cảm ơn đối với trẻ dưới góc độ đời thường của ngòi bút không phải là nhà lãnh đạo, văn hóa hay tâm lý học, mà chỉ là của một công dân thứ thiệt.
            Trên các phương tiện thông tin đại chúng  dư luận xã hội lâu nay đánh giá đạo đức xã hội  ta xuống cấp. Điều đó hoàn toàn đúng, có minh chứng rõ ràng, với không biết bao nhiêu kiểu tội ác khó tưởng tượng nổi. Đáng quan ngại hơn là tỷ lệ trẻ vị thành niên phạm tội chiếm tỷ lệ rất cao, thống kê sau đây chắc chắn làm cho những công dân đích thực lo âu, trăn trở:
            - Từ năm 2007 đến năm 2013, cả nước có 63.600 vụ án hình sự do trẻ vị thành niên gây ra với 94.300 đối tượng.
            Như vậy, tính bình quân hơn 10.000 vụ với hơn 15.000 đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội/một năm, tương đương với số vụ tai nạn và số người chết vì tai nạn giao thông.
            Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tội ác được đẩy tới tột cùng, chúng ta nên nhớ lại:
            + Lê Văn Luyện giết ba người, gây thương tích một người khác trong một gia đình, cướp tài sản trị giá một tỷ đồng ở tiệm vàng Ngọc Bích – tỉnh Bắc Giang.
            + Võ Nhật Tùng (Phù Mỹ - Bình Định) giết bà nội là cụ Trần Thị Vân (83 tuổi) cướp bảy trăm ngàn đồng.
            + Nông Văn Công (Tp Hà Giang – tỉnh Hà Giang) giết mẹ đẻ là bà Lưu Thị Linh để cướp hai triệu tám ngàn đồng và một sợi dây chuyền bạc.
            Nguyên nhân tội ác mà cáo trạng đã nêu, báo chí đã đưa là nguyên nhân gần, trực tiếp, phần ngọn. Nguyên nhân cơ bản, sâu xa hơn là chúng không được giáo dục đến nơi đến chốn, hành vi cảm xúc lòng biết ơn không có.
            Chính sách dân số của nhà nước xét về mặt xã hội, kinh tế, giáo dục là rất tốt; Công  ước Quyền trẻ em nhà nước ta ký với LHQ thể hiện sự quan tâm, chăm lo thế hệ trẻ là tuyệt vời song không phải là không có mặt trái. Do con cái ít, điều kiện chăm sóc tốt hơn, nhiều gia đình quá nuông chiều con cái nên vô tình dung dưỡng cái tôi vị kỷ của trẻ. Theo thời gian cái tôi ấy lớn lên, chúng nghĩ cái ăn, cái mặc, sở thích vui chơi của chúng được hưởng thụ là đương nhiên. Khi cha mẹ tỏ thái độ bực bội về hành vi sai trái nào đó của chúng, la mắng: “nuôi chúng mày tốn cơm tốn gạo” thì rất nhiều trẻ trả lời giống hệt nhau: “Ai bảo đẻ ra làm gì, đẻ ra thì phải nuôi”.
            Kiểu la mắng con cái như đã nói của cha mẹ là không đúng, còn việc trả treo của con trẻ cho thấy nhận thức lệch chuẩn, chúng chỉ nghĩ trách nhiệm của cha mẹ mà không nghĩ tới trách nhiệm của mình, khi đã có suy nghĩ như vậy thì làm gì còn có lòng biết ơn.
            Nguy hiểm hơn, trẻ đánh mất cả trách nhiệm đối với bản thân mình. Biểu hiện dễ thấy nhất, đơn giản nhất là khi ăn phải có người đút cho dù đã học đến lớp ba lớp bốn, đi ngủ không tự bỏ màn mặc dù muỗi vo ve bên tai. Như vậy, xét về trách nhiệm riêng với bản thân, trên phương diện cá thể sống, thua xa loài vật. Gà con theo mẹ đi kiếm ăn phải tự tìm thức ăn. Đàn sói săn mồi, sói con dù mệt đến mấy cũng phải chạy theo để nhận được sự che chở và phân chia mồi của đồng loại…Trong thế giới động vật, sự tồn tại và phát triển không dành cho những cá thể không biết tự bảo vệ mình.
            Không có trách nhiệm với bản thân thì làm gì có trách nhiêm với gia đình, xã hội; cho nên việc phạm tội của loại người này không khó nhìn ra nguyên nhân. Để ngăn chặn lối sống vị kỷ, vô trách nhiệm của trẻ - nguồn gốc sâu xa của hư hỏng và tội ác, cần phải có phương pháp giáo dục đúng đắn, thích hợp.  Phải giáo dục trong môi trường gia đình, trường lớp, đoàn thể, trong đó môi trường gia đình đóng vai trò quan trọng nhất.
            Giáo dục trẻ con bao giờ cũng phải chuẩn. Thật sai lầm khi đứa trẻ mới học nói, người lớn lại dạy cho nó nói ngọng, thay vì “con dạ đi nào” lại bằng “con ạ đi nào”. Khi đứa trẻ bập bẹ  học chửi bậy, chửi cả cha mẹ, ông bà thì người nghe lại cười, lại cổ vũ (!) “trẻ con mà, nó biết gì đâu”…Giáo dục kiểu ấy làm sao trẻ không hư? Như phản xạ tự nhiên, lâu dần thành thói quen xấu. Có lần về thăm quê, tôi nghe ông anh con dì tôi nói chuyện: “Bữa trước, tau đi đón thằng cháu nội, con thằng Cằm, học lớp bốn, gặp thằng Thủy cũng đi đón con. Thằng Hòa, con nó đang chơi bi với cháu lão Tương Lợn. Nó réo thằng con: “Ngọc, ra về mồ”, thằng con vẫn chơi làm bộ như không nghe. Gọi ba, bốn lần như rứa, thằng con chửi: “Con cặc, chơi chút mà cứ réo, ngồi cái Wave Tàu đau đít, chút nữa về xe ô tô với thằng Hòa”. Mi nghĩ rứa có tức hộc máu không? Hồi học lớp bốn bây đã vác cuốc đi đào giao thông hào rồi, giừ rứa đó. Con cháu tau kiểu đó tau đập bể đầu”.
            Anh tôi nói thằng Thủy mua được cái Wave Tàu là cố gắng lắm, một mình nó nuôi năm miệng ăn, hai đứa con, ông bà nội của thằng con mất dạy, vợ bỏ đi theo trai, việc gì cũng tới tay, lo cho con cái bằng anh bằng em để chúng đỡ tủi thân, thế mà chúng không biết thương cha thì chớ, còn so bì với con cháu lão Tương Lợn…
            Giáo dục trẻ lòng biết ơn cũng phải làm sao cho chúng hiểu chính lòng biết ơn của chúng là động lực giúp cha mẹ chúng vượt qua khó khăn, gian khổ trong cuộc sống. Lòng biết ơn của trẻ đối với cha mẹ bền vững, sâu sắc hơn khi qua “kênh” giáo dục của ông bà, cô dì chú bác. Cha mẹ cứ ra rả kể công với con cái nhiều lúc làm chúng phản ứng ngược, chúng thấy trên thế gian này cha mẹ nào chẳng nuôi con, do đó, nhận thức của chúng đó là trách nhiệm của cha mẹ. Câu nói “đẻ ra thì phải nuôi” của trẻ có nguyên nhân như đã nêu.
            Khi đã có nhận thức “đương nhiên được hưởng thụ” thì việc giáo dục lòng biết ơn cho trẻ rất khó. Nhiều đứa trẻ nhận quà của khách không biết nói lời cảm ơn. Cha mẹ nhắc nhở thì chúng mới nói. Mặc dù nói nhưng mắt chăm chăm nhìn gói quà hay phong bao lì xì hơn là nhìn thẳng vào người khách. Chúng chỉ có vẻ ‘thân thiện” hơn khi nhận được món quà ưng ý hay phong bao lì xì kha khá khi đã biết tiêu tiền, còn không, khách khứa không có trong mắt chúng.
            Thông qua đứa trẻ có thể đánh giá nhận thức, phương pháp giáo dục của gia đình đó đúng hay chưa đúng, chỉ cần qua vài câu hỏi, nghe trả lời và quan sát hành vi. Chẳng hạn sau khi hỏi trẻ cháu học lớp mấy, đi học có vui không, thầy cô dạy cho cháu những gì, kết quả học tập của cháu tốt không?...Sau khi trả lời “phỏng vấn”, trẻ biết: “Cảm ơn (bác chú cô dì…) đã quan tâm”. Hoặc giả ông bà hay cha mẹ đi làm về biết bưng tới chén nước với lời hỏi thăm : “(Ông/ bà/ cha/ mẹ) có mệt không?” thì đó là đứa trẻ ngoan, có lòng biết ơn, giáo dục trẻ của gia đình ấy hiệu quả, đúng đắn. Giáo dục trẻ chỉ có thể gọi là thành công khi trẻ biết người khác quan tâm tới mình với giá trị vật chất và tinh thần là như nhau.
            Trong giáo dục, nêu gương đóng vai trò hết sức quan trọng. Cha mẹ là cán bộ công chức hay làm việc trong công ty X,Y,Z nào đó, cuối năm nhận được tiền thưởng, tiền tăng thêm cứ xem đó là việc đương nhiên, không biết ơn lãnh đạo, thậm chí có suy nghĩ: “mình được một lãnh đạo được mười”, hay khi nghe lời hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, lại cho là lãnh đạo “mị dân” thì khó có thể giáo dục con cái có lòng biết ơn được.
            Biểu hiện của biết ơn là lời cảm ơn. Lời cảm ơn phản ánh sự thật về lòng biết ơn . Chắc chắn kiểu cảm ơn nịnh bợ hay đưa đẩy khách sáo thì chủ nhân của lời nói đang có sự so đo tính toán, vụ lợi cá nhân mà thôi.
            Biểu hiện biết ơn còn thể hiện ở hành động. Cha ông giành độc lập, cho chúng ta cuộc sống hòa bình, yên ổn như hiện nay, thì trước tiên phải làm trọn bổn phận công dân, có ý thức, trách nhiệm xây dựng quê hương đất nước bằng trí tuệ, tinh thần, vật chất…Đối với lớp trẻ là học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo lý tưởng cách mạng Bác Hồ đã chọn.
            Tóm lại, giáo dục lòng biết ơn đối với trẻ phải bắt đầu từ khi mới lọt lòng hay tốt hơn khi còn đang nằm trong bụng mẹ. Biết dùng những câu ca dao, những điệu hát ru về tình nghĩa để ru trẻ là tạo môi trường, chuẩn bị tâm thế, định hướng cho trẻ tiếp nhận sự giáo dục đầu tiên: giáo dục gia đình. Quá trình giáo dục, nuôi dưỡng lòng biết ơn cho trẻ phải liên tục, không có điểm dừng, với tất cả các thành viên trong gia đình, trường lớp và các tổ chức xã hội cùng tham gia. Giáo dục trẻ biết ơn phương pháp tốt nhất là nêu gương, là sự quan tâm, yêu thương thực sự.
            Tôi nhớ, hồi còn nhỏ, khi đi công tác về, thuận đường, cha tôi thường ghé qua nhà bằng chiếc xe ô tô Com-măng-ca, tôi rất tự hào với chúng bạn vì được chú Quang, lái xe, chở anh em tôi chạy vài trăm mét trong xóm. Nhưng có một hôm, tình cờ nghe được cha mẹ trò chuyện, tôi mới biết thương cha tôi nhiều hơn. Mẹ tôi hỏi: “Sao anh không mua vé xe đi cho đỡ khổ, đạp xe từ Vinh về nhà cả 100 km chứ ít gì”, cha tôi trả lời: “Chờ mua vé xe, đợi xe hết cả buổi mà chắc chi đi được. Ba giờ sáng dậy đạp xe đi coi như tập thể dục, với lại đến Diễn Châu vừa tầm chợ họp, mua cho mẹ con ít cá tươi, đến nhà đôi khi còn sớm hơn xe khách.”
            Giáo dục lòng biết ơn cho trẻ cũng rất cần cho trẻ tham gia lao động, cảm nhận được sự vất vả của lao động, có như thế trẻ mới hiểu được giá trị vật chất mà chúng đang thụ hưởng. Tôi rất tâm đắc với tư tưởng giáo dục Nhật Bản, học sinh cấp một của họ học mà chơi đúng nghĩa. Ở lớp một họ chú trọng giáo dục cho học sinh ý thức tự lập, ý thức bảo vệ môi trường, ý thức sinh hoạt nhóm, “biết cười” và biết “cảm ơn”, còn học chữ chỉ là thứ yếu… Hành vi bao bọc, giúp đỡ nhau trước thảm họa sóng thần, sự cố nhà máy điện hạt nhân, và ngay như kỳ World cup này, tại đất nước Brazil xa xôi, những cổ động viên Nhật Bản  làm vệ sinh sạch sẽ khi rời khỏi chỗ ngồi là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của họ trong giáo dục.
            Khi trẻ có lòng biết ơn, cuộc sống trong cộng đồng dễ hòa nhập, thân thiện, được nhiều người giúp đỡ hơn và đó là tiền đề quan trọng để chúng thành công trong tương lai.

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG ĐỜI



CHƯƠNG II

            Từ khi thằng Toàn bỏ nhà đi làm thuê rồi nghe đâu vào Vĩnh Linh tìm mẹ, con Lài nặng gánh việc nhà. Nó nói với bà Mùi:
            - Mẹ giao bớt việc cho thằng Vệ. Đứa việc tối mắt tối mũi, đứa nhởn nhơ ăn chơi.
            - Mày bảo với bố mày ấy. Ai bảo không chịu học. Không học thì phải làm thôi.
            - Cả cái làng này có ai học thành tài mô. Tui cũng muốn học nhưng chính bà nói với tui con gái học lắm mà làm gì, tốn cơm, lấy chồng là xong.
Bà Mùi không đáp, lặng lẽ lấy quang gánh đi cắt cỏ. Con Lài như chợt nhớ ra điều gì, chạy lại giành đôi quang gánh.
            - Bà làm việc nhà, để tui đi cắt cỏ.
            Nó đi ra mấy đám ruộng giáp sườn đồi, hơi xa một chút nhưng cỏ ở đấy tốt, cắt một loáng đã đầy gánh. Nó để đấy, lội ra suối, leo lên phiến đá, úp nón che sáng nằm nghỉ. Ngủ một chút cũng được, về nhà sớm lại phải băm bèo thái chuối, nấu cơm, việc gì cũng đến tay. Hễ nó có  nhà là mẹ nó không rờ tới việc gì cả, chỉ lo cắt cắt sửa sửa áo quần. Thế nhưng quần bố nó rách, áo thằng Vệ mất hột nút bà vẫn mặc kệ. Bố nó nói, mẹ nó lại nhấm nhẳn, càu nhàu; “dào ôi, làm cái chức đội trưởng mà mặc quần vá thì làm làm gì. Ông Sung cũng như ông thôi, rứa mà vợ con ăn trắng mặc trơn. Chỉ có thân tui là khổ”. Khi hợp tác xã triển khai khoán 100* không khí nhà nó ngày càng nặng nề u uẩn. Hồi chưa khoán, mẹ nó thường được làm công việc nhẹ nhất mà có số điểm cao nhất. Cả đội gánh phân bón ruộng, mẹ nó ngồi ghi chuyến. Hình như bố nó ngại mang tiếng nên gánh của ông nặng gấp rưỡi người khác. Gánh nào cũng cố nên đến bữa ông ăn không nổi. Con Lài nói với mẹ, bà Mùi gạt phắt: “Ai bảo bố mày ngu, không đi làm việc khác, quyền trong tay mà không biết sử dụng”…
            Có tiếng khỏa nước, nó giở nón nhìn, thì ra anh Tân đang rửa cày. Lượm hòn sỏi, ném cái “bủm”, Tân giật mình nhìn lên.
            - Anh Tân nhát gan, sợ ma à.
Tân cười, hàm răng trắng lóa:
            - Sợ người thôi, làm gì có ma mà sợ. Cô làm gì ở đây?
            - Em đợi người yêu. Lài cười, không hiểu vì sao buột miệng nói vậy.
            - Chà, đã có người yêu rồi sao, sớm quá không em?
Con Lài cười tít mắt:
            - Bằng tuổi em, các bà xưa đã năm con rồi đấy. Nó ngâm nga:
            Lấy chồng từ thuở mười ba
            Đến khi mười tám thiếp đà năm con
            Ra đường thiếp hãy còn son
            Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng!
Tân cũng không vừa, anh đọc:
            Gái một con trông mòn con mắt
            Gái hai con con mắt liếc ngang
            Ba con cổ ngẳng, răng vàng
            Bốn con quần áo đi ngang khét mù
            Năm con tóc rối tổ cu
            Sáu con yếm trụt, váy dù vắt ngang.
Rồi Tân chọc:
            - Em chỉ được cái nói đúng, y chang gái năm con!
Con Lài tuột xuống phiến đá, lội lại, đấm thùm thụp vào lưng Tân:
            - Nói láo…nói láo…này. Tóc con người ta óng mượt như tơ mà…nói láo này…
Tân buông cái cày, khỏa tay, đứng thẳng lên, cười:
            - Tóc rối như tổ cu đấy thôi.
            - Đâu, đâu nào.
            - Đây này, thấy chưa!
Vừa nói Tân vừa dùng bàn tay vò lên đầu Lài rồi lùi ra sau một bước. Bị bất ngờ, nó sấn lại, đạp phải hòn đá cuội, ngã chúi vào Tân. Đỡ Lài đứng lên khi hai tay cô vô tình ôm ngang lưng anh theo phản xạ. Hai người đứng sát nhau, không ai nói một lời. Cái cảm giác ôm ngang người Tân nó rân rân rạo rực lần đầu tiên trong đời người con gái khó tả nổi. Nó vẫn đứng im, mùi mồ hôi Tân, như biểu hiện một cái gì đó gọi là sức mạnh, sự quyến rũ của đàn ông làm nó trân trân bất động. Tân nâng cằm nó lên. Nó để yên. Thời gian chầm chậm trôi, nó mơ hồ nghe tiếng suối róc rách, cảm nhận những hạt cát bị nước kéo đi dưới lòng bàn chân…Con Lài khép bờ mi. Tân bất ngờ ôm chặt nó, đặt lên đôi môi nụ hôn ngọt ngào.  Nó hé môi đón nhận, vòng tay ôm ngang lưng Tân trong khi trái tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Đôi môi Tân mỗi lúc một tham lam, mãnh liệt hơn. Con Lài nghiêng người để thở cũng là lúc Tân xoa nhẹ tay lên ngực rồi bóp nhè nhẹ, vuốt xuống eo rồi dừng lại vùng cấm. Con Lài nắm tay Tân:
            - Đừng anh.
Tân không nói, lại đưa bàn tay lên xoa eo con Lài. Nụ hôn lần này của Tân từ trán xuống mi mắt rồi mới tới đôi môi. Con Lài nóng hầm hập, hình như ngực nó căng lên, toàn thân rạo rực, như khát nước mà không phải khát nước…
            - Bớ người ta để trâu ăn lúa tề!...
            Tiếng bà Thoan làm cả hai giật mình. Tân nói:
            - Thôi chết, lúc nãy anh thả trâu ven suối. Tối nay gặp nhau ở bến sông nhá.
Con Lài nói:
            - Để em xem đã.
            - Xem cái gì, thế nhé!
Tân vác cày, rảo nhanh lên bờ. Con Lài vốc nước rửa mặt mà người vẫn nóng rừng rực. Nó nằm xuông dòng suối, gác đầu lên một hòn đá. Dòng nước mơn man khắp cơ thể. Một xúc cảm bồi hồi, không ngờ chuyện lại xảy ra nhanh như thế. Lúc sáng đi vớt bèo nó thấy anh Tân dắt trâu vác cày đi hướng này. Nó nghĩ có lẽ cày đất trồng sắn. Ra đám ruộng giáp chân đồi cắt cỏ biết đâu gặp anh Tân, nó lơ mơ nghĩ vậy mới giành đi cắt cỏ. Tối nay…giờ tới tối vẫn còn lâu lắm, kiếm cớ gì để tối nay đi gặp anh đây? Mà việc gì phải kiếm, từ khi nghỉ học, nó hết đi tập văn nghệ lại sang nhà con Nụ, con Lê chơi, bố mẹ có hỏi gì đâu. Nhưng lỡ bố mẹ hỏi thì sao nhỉ? Thôi, khi nào hỏi hẵng hay, nghĩ gì cho mệt óc. Anh Tân có nghĩ nó hư không nhỉ? Tại sao anh ấy hôn, mình không đẩy anh ấy ra? Nó xem phim có cô gái nào dễ dàng chấp nhận ngay như nó đâu? Nhưng đó là phim ảnh, lúc ấy ai mà kịp nghĩ, trái tim lấn át lí trí mất rồi. Tối nay…cứ hỏi xem anh ấy nghĩ gì, còn mình, thú thực lòng có chi phải ngại…
            Mặt trời ló ra khỏi đám mây chói lọi, nó giật mình, trưa rồi, về nhà mẹ nó không chửi mới là lạ. Đứng dậy, vuốt tóc, cởi áo quần vắt nước rồi mặc vào. Chết, mất đâu cái cúc áo ngực, gặp đàn ông thì chết. Nó trèo lên bờ suối tìm bẻ một cái gai cây găng, ghim lại rồi thong thả gánh gánh cỏ về.
            Lên đường làng, qua gốc cây si nhà bà Thoan được một đoạn, con Lài gặp ông chủ nhiệm hợp tác xã Hoàng Hói dắt chiếc xe đạp Fa-vô-rít xẹp lốp đi cùng chiều. Lài gật đầu chào, Hoàng Hói nheo mắt, mỉm cười:
            - Cô Lài hả, trưa rồi mà còn đi cắt cỏ, siêng quá.
            - Không phải đi mà gánh cỏ về chú ạ.
Hoàng hói quay sang, nhìn con Lài có vẻ chăm chú, thay đổi cách xưng hô:
            - Em không gọi là anh được à? Anh chỉ hơn em giáp rưỡi một chút chứ mấy!
Con Lài không trả lời, nó nhớ lại đám thanh niên trong chi đoàn kháo nhau ông ta là tay sát gái, bẻ không biết bao nhiêu cành phù dung. So với cái tuổi bốn sáu, bốn bảy của ông ta, thanh niên nhiều đứa theo không kịp. Khuôn mặt nam tính, thân hình rắn rỏi, chỉ có cái đầu hói là xác thực tuổi tác. Ông ta khôn như tinh, ranh mãnh như ma trong làm ăn, xà xẻo công quỹ, thế nhưng hai nhiệm kỳ rồi vẫn trúng cử chức chủ nhiệm HTX với số phiếu khá cao. Cũng đúng thôi, ông ta nói năng lưu loát, trong họp hành tranh luận lại dẫn ra những câu nói của Marx, của Lênin. Người nghe đôi khi ngờ ngợ nhưng không dám cãi vì có ai đọc Marx, Lênin, biết mô tê chi đâu mà cãi…
            - Em à, ở ta phân biệt cách gọi quá. Phương Tây chỉ một từ thôi, cô cũng là em, ông cũng là anh. Gọi thế nó đơn giản, dễ gần phải không?
Con Lài trở vai gánh, đáp:
            - Phương Tây là phương Tây, ta là ta. Phương Tây có ăn sắn như ta không?
            - Cái ăn nó phụ thuộc vào tập quán. Ở ta, cùng nói một tiếng mà cách ăn các vùng khác nhau đấy thôi. Cái gì hay ta phải học chứ?
Con Lài không biết trả lời sao khi ông ta vừa đi vừa nhìn nó như chờ một câu trả lời. Một cơn gió nhẹ hất ngược cái nón ra sau, Lài kéo lại, bất chợt nhìn xuống ngực, cái gai găng tuột mất từ lúc nào, một phần bộ ngực trắng mõn thập thò sau mỗi bước đi. Mặt nó đỏ rần lên, trở vai gánh về phía Hoàng Hói để che đi phần nào. Hoàng Hói bâng quơ:
            - Cái đẹp bao giờ cũng tự nhiên phải không em. Người đẹp đứng một mình cũng đẹp, trong lao động, như gánh cỏ lại càng đẹp.
            Con Lài cố đi nhanh hơn, Hoàng Hói vẫn theo sát, nói chuyện đủ điều về cái đẹp. Thực tình, ông ta nói cũng hay, nhưng cứ gánh một vai để che đi vùng ngực thập thò cũng mỏi, đành cắn răng chịu đựng. như đọc thấu suy nghĩ của Lài, Hoàng Hói cười cười:
            - Em gánh nãy giờ không đổi vai, mỏi chết. Hay dắt xe để anh gánh hộ cho một đoạn.
            - Đi bên ông chủ nhiệm một quãng đường cũng đủ cho người ta xì xào rồi chứ nói chi là gánh.
            - Miệng thế gian ai nút được. Cứ nghe miệng thế gian sao sống? Có chuyện người ta dựng lên, vu cáo, nói cho sướng miệng, đến tai mình, em nghĩ sao? Chẳng lẽ phải điều chỉnh cách sống của mình theo cái không có à?
Những câu hỏi của Hoàng Hói nghe cũng có lí. Hồi chuẩn bị bầu chủ nhiệm HTX, có đơn kiện ông ta tham ô phân đạm. Nào xã, nào huyện về làm việc mấy ngày, dư luận bàn tán thế nào ông ta cũng đi đứt, cuối cùng đoàn kiểm tra kết luận ông ta trong sáng. Té ra người đứng đằng sau vụ kiện này là lão Nghĩa, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra HTX. Người ta biết thế thôi chứ nào có bắt tận tay day tận cánh. Tay Nhạc, đội trưởng đội IV,  viết đơn lãnh đủ, rớt chức.
            Con Lài mỏi quá, muốn trở vai gánh nhưng lão Hoàng Hói cứ liếc ngang. Mà trở vai gánh chẳng lẽ cứ lấy tay khép vạt áo ngực, làm sao gánh? May thay, vừa lúc ấy, vợ chồng ông Đậu đi ngược lại, hỏi:
            - Xe sao thế, ông chủ nhiệm? Xẹp lốp à, vào nhà tôi có bơm.
            - Không biết là xẹp hay thủng săm nữa.
            - Nếu thủng tôi vá cho, loáng cái xong, cái gì chứ thợ sửa xe đạp đố đứa nào lấy được của tôi một cắc.
            Hoàng Hói đành quay lại nhà ông Đậu, chỉ chờ có thế, con Lài trở vai gánh. Giờ thì mặc gió, có phanh ngực ra chẳng có ma nào nhìn.
            Chưa kịp đặt gánh cỏ xuống, giọng bà Mùi đã sa sả:
            - Mày sang Liên Xô cắt cỏ à? Vào nhà xem bố mày ốm ra sao!
Con Lài cáu tiết:
            - Tui có sang Liên Xô cắt cỏ cũng nhanh gấp mười lần bà.
            Nó vào nhà, bố nó nằm trên bộ phản nhà thằng Toàn, thở khó nhọc. Sờ tay lên trán bố, nóng quá. Trở ra lấy cái khăn mặt nhúng nước, vắt khô, đắp lên trán ông Bạc, nó hỏi:
            - Bố thấy bệnh trong người thế nào?
            - Hơi khó thở một chút. Không sao đâu, con phụ mẹ mày cơm nước đi.
Trời đất, không biết làm gì mà mẹ nó nấu chưa xong bữa cơm. Nó vô buồng lấy nắm đỗ xanh, rải lên cái mâm gỗ, lấy cái chai cà bể để nấu cháo cho bố.
            - Bố mày không ăn cháo đâu.
            - Cháo bà nấu người khỏe còn không ăn được chứ nói gì người ốm. Tui nấu coi bố có ăn được không.
Bắc nồi cháo rồi ra vườn hái nắm lá tía tô, rửa sạch, thái nhỏ cho vào tô. Cháo chín, nó ra ổ gà lấy quả trứng đập vào trộn đều. Ông Bạc ăn hết tô cháo, mồ hôi tuôn ra như tắm. Lấy khăn cho bố lau xong, nó xuống bếp ăn cơm. Nồi cơm hấp khoai khô mẹ nó nấu khô quá, nhai mỏi cả hàm, nuốt muốn nghẹn. Chan muôi canh lá lốt nấu suông không có mì chính, nó cảm thấy đắng chát, mặn gắt. Con Lài bưng bát cơm ra ngoài sân chắt hết nước canh. Vào bếp, mở nồi nước chè, nó múc nửa gáo chan vào ăn với cà muối. Nó nghĩ sao mẹ nó đoảng thế không biết, bữa cơm nấu không ra hồn. Mà cũng lạ, bố nó trong họ ai cũng nể, trẻ con đứa nào cũng sợ, ông chưa bao giờ biết nói đùa một câu, thế mà sợ mẹ nó một phép. Nhiều lúc nó cũng bực, bố nó nói: “Đất không chịu trời thì trời phải chịu đất. Tao sống là sống cho tụi bây đó”. Mẹ nó vô lo, lại ăn diện nên trông cứ như mới ngoài ba mươi. Hôm đội nó gánh thóc lên HTX nộp sản, ông Hoàng Hói đi xe Fa-vô-rít, nói: “Ai mỏi chân lên tôi chở về”. Mẹ nó lồng đôi gióng, cho vào một đầu đòn gánh, ngồi lên xe ông chủ nhiệm. Có người chọc, có người nguýt, có người nói kháy. Bố nó về nhà một lúc sau mẹ nó mới về. “Tưởng mẹ nó về trước nấu cơm rồi chứ”, mẹ nó nhúng nhẳng: “Thì ông cũng vừa về đấy thôi”, “Đi xe đạp mà sao bây giờ mới về?”, “Ông chủ nhiệm mời vào nhà uống bát nước, ngồi xe người ta nên tui nể tình”…Nghe bố mẹ lời qua tiếng lại, nó điên ruột: “Bà không nghe người ta xì xào mà còn nói”. Mẹ nó cười khẩy: “Bố con ông chỉ giỏi bắt nạt tôi. Tôi nói cho mà biết, tôi đi đâu ai cho tôi đi nhờ xe là tôi đi. Ông giỏi mua cái xe chở tôi, tôi khỏi đi nhờ…”. Hay bố nó sợ, mẹ đẹp, làm găng lên bà li dị. Mẹ nhiều lần nói bóng nói gió: “Tui chỗ nào sướng là tui đi, nói trước cho ông biết”.
            Rửa chén bát xong, con Lài bẻ hai quả bồ kết, ngâm nửa thau nước phơi nắng để gội đầu. Bà Mùi hỏi:
            - Mày mới gội hôm qua sao hôm nay gội nữa?
            - Ngứa thì gội, bà hỏi chi lạ.
            Thực tình, nó gội cho tóc mướt hơn chứ làm chi có chuyện ngứa. Nó muốn đẹp hơn trong mắt Tân. Nghĩ đến hẹn hò là nó lại rạo rực. Mà không biết bố nó có mệt lắm không? Nó thầm nghĩ trong lòng: “Bố mau khỏi bố ơi, bố mệt, lỡ hẹn tội cho con lắm!”. Bóp bóp quả bồ kết, bọt ra ít quá, con Lài vào bếp bắc ấm nước sôi rồi chế vào thau. Gội đầu xong nó lên nhà trên, quạt cho bố một lúc, sờ trán thấy đã bớt nóng, nó hỏi:
            - Bố thấy đỡ chút nào không?
Hơi thở ông Bạc đã bớt nặng, ông nói:
            - Bố đỡ nhiều rồi, con lo việc của con đi.
            - Bố ngủ đi, con pha cho bố cốc nước chanh. Ngủ dậy bố uống cho đỡ mệt.
            Ra hàng nước bà Suất, con Lài chia lại nửa kg đường trắng về pha nước chanh cho bố. Nếm thử vừa ngọt, cho thêm chút muối, lấy cái dĩa úp lại, xong xuôi đâu đấy nó ra chồng lợn lấy cuốc đi làm cỏ đậu. Bà Mùi ngạc nhiên:
            - Đi làm cỏ lúa chứ, cỏ đậu mai mốt làm cũng được.
            - Bà muốn thì đi làm cỏ lúa, tui mệt, tui đi làm cỏ đậu.
            Con Lài vác cuốc đi, hôm nay nó không muốn lội ruộng. Nó sợ trằn lưng phơi nắng, mồ hôi đầu đổ ra mất toi công gội. Làm cỏ đậu còn được thẳng lưng đứng cuốc, đất bãi bồi lắm cỏ nhưng mềm, dễ làm, thỉnh thoảng gió sông thổi lên mát rượi. Ở đâu không biết, chứ ở quê nó, làm cỏ bãi là nhàn nhất, chả thế, đám thanh niên thường hẹn nhau cùng làm để đối đáp, trêu chọc nhau cho vui. Nhiều bữa nghe con Nụ với thằng Lâm đối đáp chuyện tiếu lâm cười đau cả bụng.
            Con Lài cuốc cỏ theo lối, rộng khoảng hơn hai mét một chút. Nếu cuốc rộng ra phải với, mau mỏi và chân trụ làm dẽ đất. Mới nhìn lối cuốc tưởng như của kể lười biếng nhưng thực ra nó vừa nhanh vừa lợi đường đất. Xong một lối, nhìn lại không thấy dấu chân. Còn như mẹ nó hay mấy bà, lối cuốc không đều, chỗ rộng chỗ hẹp, dấu chân đứng cuốc lún xuống như đi trên bùn đặc. Nó chợt nhớ hồi còn học lớp tám, cô Loan dạy môn Sinh-Kỹ thuật nói: “Trong lao động sản xuất, mỗi một động tác thừa vừa tiêu hao năng lượng vừa giảm năng suất. Cho nên, mỗi động tác phải sao cho hợp lý nhất, đơn giản nhất”. Nó thích tính tình, con người cô nên môn cô dạy nó học khá nhất, nhớ được nhiều nhất. Khi học, bọn chúng nó học để mà học thôi, bây giờ nghĩ lại, nhiều điều cô nói thật có ích. Ví như củ lạc thực chất là “quả lạc”, do đó, để củ lạc to, đều ngoài việc bón phân đúng kỹ thuật, ngay cả làm cỏ cũng phải đúng thời điểm, đó là lúc lạc chớm ra hoa. Làm cỏ sớm thì đất sẽ dẽ lại, cuống lạc khó đâm xuống đất. Khi cuống lạc đã đâm xuống đất mà còn làm cỏ sẽ đứt cuống, mất củ. Hồi chưa khoán 100, cứ kẻng đánh là đi làm, kẻng đánh là về, chẳng ai hơi đâu mà quan tâm tới thời vụ. Thời vụ đã có ông phó chủ nhiệm HTX, ông đội trưởng lo. Phần lớn làm theo kinh nghiệm, làm theo chỉ đạo chung của tỉnh, của huyện không sát thực tế, nên năng suất thấp, công điểm nhiều, chia ra thu nhập của xã viên không được bao nhiêu. Từ khi khoán 100, nhà nó khá hơn một chút. Giá như mẹ nó biết lo toan, chăm chỉ hơn thì đâu đến nỗi. Nhà bốn người, chủ yếu là bố và nó cáng đáng, mẹ nó làm chập bạ, không bằng bố con nó làm ráng. Thằng Vệ thì không động tay động chân bất cứ một thứ gì, chỉ việc học mà năm nào cũng phải thi lại mới được lên lớp.
            Nó làm được nửa buổi thì bà Mùi mới ra. Nó hỏi:
            - Tui tưởng bà đi làm cỏ lúa chứ? Nãy giờ bà làm gì?
            - Tau đợi thằng Vệ về coi ngó bố mày.
            - Bố có đỡ không?
            - Dậy ra gốc nhãn ngồi vót nan rồi.
Nó cảm thấy khỏe trong người, phần vì bố đỡ bệnh, quan trọng hơn, là tiền đề cho tối nay không lỡ hẹn với anh Tân. Bỗng dưng nó thấy khát, mà khát thật. Lúc đi làm quên mang nước theo. Nó hỏi bà Mùi:
            - Bà có mang nước ra không?
            - Tau để ở dước gốc cây sung cho mát.
Người ta mang nước uống là để gần chỗ làm nhất, cho tiện lợi. Mẹ nó lại để ở cây sung, cách đám đậu cả trăm mét. Nó bập cuốc xuống, vừa đi vừa vén tà áo lau mồ hôi mặt. Như sợ nó la, bà Mùi nói:
            - Uống miếng nước thì phải nghỉ ngơi chút chứ.
Nó lặng thinh không nói. Uống xong ca nước, nó xách ấm lại đặt ngay đầu bờ. Để đấy, tráo đi tráo lại, nghỉ ngơi của mẹ nó chí ít cũng nửa tiếng.
            - Để ấm nước ở đây vừa nóng vừa bụi. Đây với đó có mấy bước.
            - Có mấy bước - nó nhại lại, nóng cũng không phải vừa thổi vừa uống, bà coi gió thối hướng nào mà bụi.
            Nhìn lối cuốc của bà Mùi, nó gắt:
            - Bà làm dẽ đất hơn là cuốc cỏ. Cuốc lối vừa thôi, đừng cuốc với.
Bà mùi không đáp trả. Có khi nào làm chung mà bố con nó vừa lòng đâu. Lẽ ra bà đâu khổ thế này, thôi đành số phận vậy. Nhưng có lúc bà nghĩ vợ ông đội Sung, vợ ông chủ nhiệm xấu như ma lem sao mà sướng, ăn trắng mặc trơn, năm thì mười họa mới đi làm đồng một bừa gọi là cho có. Ngày xưa, mà nói chi ngày xưa, bây giờ soi gương bà vẫn thấy mình đẹp. Con Lài chỉ được trẻ trung thôi, còn gương mặt, đường nét chắc gì hơn bà. Ra đường, đám đàn ông không nói làm gì, ngay cả mấy đứa thanh niên bằng tuổi em út của bà cũng đeo chọc. Bà thở dài, cha ông nói hồng nhan bạc phận không sai…
            Còn một lối cuốc nữa, con Lài nói bà Mùi về nấu cơm. Bóng chiều xuống, nắng dịu, gió thổi từ sông lên mát rượi. Nó nghĩ trưa nắng thì đứng gió, chiều mát lại có gió, đúng là khổ luôn đi với cực. Gió đi, gió đi cứ thổi từ bây giờ cho hết đêm nhé. Lòng nó phơi phới như gió. Cuốc xong lối cỏ, xăm lại những chỗ mẹ nó đứng dẽ rồi vác cuốc đi về.
            Lên khỏi bãi, ngay gốc đa vệ đường, nơi mọi người thường nghỉ trưa giữa mùa thu hoạch, trời, mẹ nó đang đứng nói chuyện với Hoàng Hói. Nó không nghe rõ họ nói gì nhưng cả hai cười vui vẻ lắm. Nó đi tới, ông chủ nhiệm lên tiếng:
            - Cô Lài vừa đẹp vừa siêng, ai cưới được cô phúc phải lớn lắm đấy.
Câu nói của Hoàng Hói như xoa dịu đi phần nào nỗi bực tức đối với bà Mùi, nó đáp:
            - Ông chủ nhiệm đi đâu mà giờ hẵng còn ở đây?
            - À, tôi đi họp về, thấy chị Mùi đi làm cỏ đậu về tôi hỏi thăm cỏ rả dưới bãi như thế nào thôi mà.
Bà Mùi biết nói vài câu nữa thế nào con Lài cũng gây chuyện, bà vội vã:
            - Thôi ông chủ nhiệm đi nhá, mẹ con tui về, tối rồi.
Hoàng Hói cười:
            - Cùng đường cả, chị Mùi hay cô lài lên xe tôi chở về trước nấu cơm.
Đi đường tắt cũng nhanh thôi, nhưng ghét mẹ nó thường hay tí ta tí tởn với Hoàng Hói, con Lài nói:
            - Bà đi đường tắt mà về, phiền ông chủ nhiệm cho đi nhờ một đoạn.
Hoàng Hói đạp xe chầm chậm, con Lài nói:
            - Tui nặng quá phải không ông chủ nhiệm?
            - Không, anh thấy hoàng hôn đẹp nên đi chầm chậm thưởng thức thôi. Mà hình như chúng ta có duyên đấy, trưa gặp em, chiều cũng gặp em.
            Lúc này con Lài mới hối hận vì khi lên xe Hoàng Hói nó quên béng đi chuyện hồi trưa, lại nữa, ngộ nhỡ anh Tân trông thấy thì chết. Chỉ vì ghét mẹ nó mà mà hư sự. Nó bực bội, tự trách mình hấp tấp, chẳng lẽ bây giờ xuống xe? Nếu anh Tân hỏi cứ nói thật suy nghĩ của mình. Nghĩ thế nhưng nó vẫn thấy có cái gì đó bất an. Nó trả lời Hoàng Hói bằng giọng điệu hơi sẵng:
            - Duyên gì mà duyên, người trong xóm gặp nhau ngày năm bảy lần cũng có!   

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

GỬI NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN



            Chẳng chính thể nào tồn tại mãi
            Khi quay lưng với lợi ích nhân dân
            Lịch sử ngàn năm minh chứng rõ ràng
            Những ai có công, những phường có tội.

            Kẻ ngu xuẩn mới giở trò gian dối
            Vải nào che được mắt thánh nhân dân,
            Lợi ích riêng tư, cái ác lộng hành
            Đừng cố giấu mũi dùi trong túi áo.

            Vó ngựa Nguyên – Mông ngông cuồng tàn bạo
            Dẫm nát tuyết Nga, giày xéo châu Âu
            Đến Việt Nam phải khuất phục, cúi đầu
            Chiến công ấy triệu năm sau vẫn sáng.

            Vững niềm tin, chẳng bao giờ hoảng loạn
            Đất nước này – đất nước của cha ông
            Dân tộc Việt Nam bất khuất anh hùng
            Có sợ gì chúng quân đông tàu lớn!

            Hãy sống sao cho dân thương dân mến
            Giá trị làm người phải biết hy sinh
            Trong đấu tranh phải rất mực chân thành
            Tôn chỉ cuộc đời quyền dân là gốc.

            Đại biểu nhân dân – con tim khối óc
            Yêu nước như dân, sáng suốt như dân
            Giặc giã xâm lăng khi Tổ Quốc cần
            Hòa trọn lòng dân tinh thần bất diệt.

            Bảo vệ chủ quyền cam go, khốc liệt
            Tranh đấu hòa bình nhưng khi cần thiết
            Vung gươm lên ta quét sạch bá quyền
            Biển trời ta chúng chẳng để ta yên!

            Lũ giặc dân lo: quyền cao chức trọng
            Trong vỏ bọc dày mãi quốc cầu vinh
            Lê Chiêu Thống theo quân Thanh bán nước
            Hoàng Văn Hoan – maoist phản nhân dân!

            Rồi còn đó kẻ công thần, cơ hội
            Cuộc sống xa hoa, vụ lợi cá nhân
            Lãng phí, tham ô nghìn tỷ tỷ đồng
            Đục khoét của công xây lầu, chiếm đất.

            Những kẻ tham quan ra tay quét sạch
            Tâm nguyện một lòng vì lợi ích dân
            Dám nhận cái sai – thế mới anh hùng
            Dân chẳng tin đâu tranh công đổ lỗi.

            Dân đang lắng nghe diễn đàn Quốc Hội
            Nghe tiếng dân trong tiếng nói lương tri
            (Và nhiều khi muốn đập vỡ ti vi)
            Bộ trưởng trả lời vòng vo tam quốc.

            Hãy lắng lòng dân – tâm hồn đất nước
            Trong hình hài Tổ Quốc thiêng liêng
            Để mỗi khi Quốc Hội luận bàn
            Dân vững niềm tin như Diên Hồng thuở trước!