CHƯƠNG II
Từ khi thằng Toàn bỏ
nhà đi làm thuê rồi nghe đâu vào Vĩnh Linh tìm mẹ, con Lài nặng gánh việc nhà.
Nó nói với bà Mùi:
- Mẹ giao bớt việc cho
thằng Vệ. Đứa việc tối mắt tối mũi, đứa nhởn nhơ ăn chơi.
- Mày bảo với bố mày ấy.
Ai bảo không chịu học. Không học thì phải làm thôi.
- Cả cái làng này có ai
học thành tài mô. Tui cũng muốn học nhưng chính bà nói với tui con gái học lắm
mà làm gì, tốn cơm, lấy chồng là xong.
Bà Mùi không đáp, lặng lẽ lấy quang gánh đi cắt cỏ. Con Lài như chợt nhớ
ra điều gì, chạy lại giành đôi quang gánh.
- Bà làm việc nhà, để
tui đi cắt cỏ.
Nó đi ra mấy đám ruộng
giáp sườn đồi, hơi xa một chút nhưng cỏ ở đấy tốt, cắt một loáng đã đầy gánh.
Nó để đấy, lội ra suối, leo lên phiến đá, úp nón che sáng nằm nghỉ. Ngủ một
chút cũng được, về nhà sớm lại phải băm bèo thái chuối, nấu cơm, việc gì cũng đến
tay. Hễ nó có nhà là mẹ nó không rờ tới
việc gì cả, chỉ lo cắt cắt sửa sửa áo quần. Thế nhưng quần bố nó rách, áo thằng
Vệ mất hột nút bà vẫn mặc kệ. Bố nó nói, mẹ nó lại nhấm nhẳn, càu nhàu; “dào
ôi, làm cái chức đội trưởng mà mặc quần vá thì làm làm gì. Ông Sung cũng như
ông thôi, rứa mà vợ con ăn trắng mặc trơn. Chỉ có thân tui là khổ”. Khi hợp tác
xã triển khai khoán 100* không khí nhà nó ngày càng nặng nề u uẩn. Hồi chưa
khoán, mẹ nó thường được làm công việc nhẹ nhất mà có số điểm cao nhất. Cả đội
gánh phân bón ruộng, mẹ nó ngồi ghi chuyến. Hình như bố nó ngại mang tiếng nên
gánh của ông nặng gấp rưỡi người khác. Gánh nào cũng cố nên đến bữa ông ăn
không nổi. Con Lài nói với mẹ, bà Mùi gạt phắt: “Ai bảo bố mày ngu, không đi
làm việc khác, quyền trong tay mà không biết sử dụng”…
Có tiếng khỏa nước, nó
giở nón nhìn, thì ra anh Tân đang rửa cày. Lượm hòn sỏi, ném cái “bủm”, Tân giật
mình nhìn lên.
- Anh Tân nhát gan, sợ
ma à.
Tân cười, hàm răng trắng lóa:
- Sợ người thôi, làm gì
có ma mà sợ. Cô làm gì ở đây?
- Em đợi người yêu. Lài
cười, không hiểu vì sao buột miệng nói vậy.
- Chà, đã có người yêu
rồi sao, sớm quá không em?
Con Lài cười tít mắt:
- Bằng tuổi em, các bà
xưa đã năm con rồi đấy. Nó ngâm nga:
Lấy chồng từ thuở mười ba
Đến
khi mười tám thiếp đà năm con
Ra
đường thiếp hãy còn son
Về
nhà thiếp đã năm con cùng chàng!
Tân cũng không vừa, anh đọc:
Gái một con trông mòn con mắt
Gái
hai con con mắt liếc ngang
Ba
con cổ ngẳng, răng vàng
Bốn
con quần áo đi ngang khét mù
Năm
con tóc rối tổ cu
Sáu
con yếm trụt, váy dù vắt ngang.
Rồi Tân chọc:
- Em chỉ được cái nói
đúng, y chang gái năm con!
Con Lài tuột xuống phiến đá, lội lại, đấm thùm thụp vào lưng Tân:
- Nói láo…nói láo…này.
Tóc con người ta óng mượt như tơ mà…nói láo này…
Tân buông cái cày, khỏa tay, đứng thẳng lên, cười:
- Tóc rối như tổ cu đấy
thôi.
- Đâu, đâu nào.
- Đây này, thấy chưa!
Vừa nói Tân vừa dùng bàn tay vò lên đầu Lài rồi lùi ra sau một bước. Bị
bất ngờ, nó sấn lại, đạp phải hòn đá cuội, ngã chúi vào Tân. Đỡ Lài đứng lên
khi hai tay cô vô tình ôm ngang lưng anh theo phản xạ. Hai người đứng sát nhau,
không ai nói một lời. Cái cảm giác ôm ngang người Tân nó rân rân rạo rực lần đầu
tiên trong đời người con gái khó tả nổi. Nó vẫn đứng im, mùi mồ hôi Tân, như biểu
hiện một cái gì đó gọi là sức mạnh, sự quyến rũ của đàn ông làm nó trân trân bất
động. Tân nâng cằm nó lên. Nó để yên. Thời gian chầm chậm trôi, nó mơ hồ nghe
tiếng suối róc rách, cảm nhận những hạt cát bị nước kéo đi dưới lòng bàn
chân…Con Lài khép bờ mi. Tân bất ngờ ôm chặt nó, đặt lên đôi môi nụ hôn ngọt
ngào. Nó hé môi đón nhận, vòng tay ôm
ngang lưng Tân trong khi trái tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Đôi môi Tân
mỗi lúc một tham lam, mãnh liệt hơn. Con Lài nghiêng người để thở cũng là lúc
Tân xoa nhẹ tay lên ngực rồi bóp nhè nhẹ, vuốt xuống eo rồi dừng lại vùng cấm.
Con Lài nắm tay Tân:
- Đừng anh.
Tân không nói, lại đưa bàn tay lên xoa eo con Lài. Nụ hôn lần này của
Tân từ trán xuống mi mắt rồi mới tới đôi môi. Con Lài nóng hầm hập, hình như ngực
nó căng lên, toàn thân rạo rực, như khát nước mà không phải khát nước…
- Bớ người ta để trâu
ăn lúa tề!...
Tiếng bà Thoan làm cả
hai giật mình. Tân nói:
- Thôi chết, lúc nãy
anh thả trâu ven suối. Tối nay gặp nhau ở bến sông nhá.
Con Lài nói:
- Để em xem đã.
- Xem cái gì, thế nhé!
Tân vác cày, rảo nhanh lên bờ. Con Lài vốc nước rửa mặt mà người vẫn
nóng rừng rực. Nó nằm xuông dòng suối, gác đầu lên một hòn đá. Dòng nước mơn
man khắp cơ thể. Một xúc cảm bồi hồi, không ngờ chuyện lại xảy ra nhanh như thế.
Lúc sáng đi vớt bèo nó thấy anh Tân dắt trâu vác cày đi hướng này. Nó nghĩ có lẽ
cày đất trồng sắn. Ra đám ruộng giáp chân đồi cắt cỏ biết đâu gặp anh Tân, nó
lơ mơ nghĩ vậy mới giành đi cắt cỏ. Tối nay…giờ tới tối vẫn còn lâu lắm, kiếm cớ
gì để tối nay đi gặp anh đây? Mà việc gì phải kiếm, từ khi nghỉ học, nó hết đi
tập văn nghệ lại sang nhà con Nụ, con Lê chơi, bố mẹ có hỏi gì đâu. Nhưng lỡ bố
mẹ hỏi thì sao nhỉ? Thôi, khi nào hỏi hẵng hay, nghĩ gì cho mệt óc. Anh Tân có
nghĩ nó hư không nhỉ? Tại sao anh ấy hôn, mình không đẩy anh ấy ra? Nó xem phim
có cô gái nào dễ dàng chấp nhận ngay như nó đâu? Nhưng đó là phim ảnh, lúc ấy
ai mà kịp nghĩ, trái tim lấn át lí trí mất rồi. Tối nay…cứ hỏi xem anh ấy nghĩ
gì, còn mình, thú thực lòng có chi phải ngại…
Mặt trời ló ra khỏi đám
mây chói lọi, nó giật mình, trưa rồi, về nhà mẹ nó không chửi mới là lạ. Đứng dậy,
vuốt tóc, cởi áo quần vắt nước rồi mặc vào. Chết, mất đâu cái cúc áo ngực, gặp
đàn ông thì chết. Nó trèo lên bờ suối tìm bẻ một cái gai cây găng, ghim lại rồi
thong thả gánh gánh cỏ về.
Lên đường làng, qua gốc
cây si nhà bà Thoan được một đoạn, con Lài gặp ông chủ nhiệm hợp tác xã Hoàng
Hói dắt chiếc xe đạp Fa-vô-rít xẹp lốp đi cùng chiều. Lài gật đầu chào, Hoàng
Hói nheo mắt, mỉm cười:
- Cô Lài hả, trưa rồi
mà còn đi cắt cỏ, siêng quá.
- Không phải đi mà gánh
cỏ về chú ạ.
Hoàng hói quay sang, nhìn con Lài có vẻ chăm chú, thay đổi cách xưng hô:
- Em không gọi là anh
được à? Anh chỉ hơn em giáp rưỡi một chút chứ mấy!
Con Lài không trả lời, nó nhớ lại đám thanh niên trong chi đoàn kháo
nhau ông ta là tay sát gái, bẻ không biết bao nhiêu cành phù dung. So với cái
tuổi bốn sáu, bốn bảy của ông ta, thanh niên nhiều đứa theo không kịp. Khuôn mặt
nam tính, thân hình rắn rỏi, chỉ có cái đầu hói là xác thực tuổi tác. Ông ta
khôn như tinh, ranh mãnh như ma trong làm ăn, xà xẻo công quỹ, thế nhưng hai
nhiệm kỳ rồi vẫn trúng cử chức chủ nhiệm HTX với số phiếu khá cao. Cũng đúng
thôi, ông ta nói năng lưu loát, trong họp hành tranh luận lại dẫn ra những câu
nói của Marx, của Lênin. Người nghe đôi khi ngờ ngợ nhưng không dám cãi vì có
ai đọc Marx, Lênin, biết mô tê chi đâu mà cãi…
- Em à, ở ta phân biệt
cách gọi quá. Phương Tây chỉ một từ thôi, cô cũng là em, ông cũng là anh. Gọi
thế nó đơn giản, dễ gần phải không?
Con Lài trở vai gánh, đáp:
- Phương Tây là phương
Tây, ta là ta. Phương Tây có ăn sắn như ta không?
- Cái ăn nó phụ thuộc
vào tập quán. Ở ta, cùng nói một tiếng mà cách ăn các vùng khác nhau đấy thôi.
Cái gì hay ta phải học chứ?
Con Lài không biết trả lời sao khi ông ta vừa đi vừa nhìn nó như chờ một
câu trả lời. Một cơn gió nhẹ hất ngược cái nón ra sau, Lài kéo lại, bất chợt
nhìn xuống ngực, cái gai găng tuột mất từ lúc nào, một phần bộ ngực trắng mõn
thập thò sau mỗi bước đi. Mặt nó đỏ rần lên, trở vai gánh về phía Hoàng Hói để
che đi phần nào. Hoàng Hói bâng quơ:
- Cái đẹp bao giờ cũng
tự nhiên phải không em. Người đẹp đứng một mình cũng đẹp, trong lao động, như
gánh cỏ lại càng đẹp.
Con Lài cố đi nhanh
hơn, Hoàng Hói vẫn theo sát, nói chuyện đủ điều về cái đẹp. Thực tình, ông ta
nói cũng hay, nhưng cứ gánh một vai để che đi vùng ngực thập thò cũng mỏi, đành
cắn răng chịu đựng. như đọc thấu suy nghĩ của Lài, Hoàng Hói cười cười:
- Em gánh nãy giờ không
đổi vai, mỏi chết. Hay dắt xe để anh gánh hộ cho một đoạn.
- Đi bên ông chủ nhiệm
một quãng đường cũng đủ cho người ta xì xào rồi chứ nói chi là gánh.
- Miệng thế gian ai nút
được. Cứ nghe miệng thế gian sao sống? Có chuyện người ta dựng lên, vu cáo, nói
cho sướng miệng, đến tai mình, em nghĩ sao? Chẳng lẽ phải điều chỉnh cách sống
của mình theo cái không có à?
Những câu hỏi của Hoàng Hói nghe cũng có lí. Hồi chuẩn bị bầu chủ nhiệm
HTX, có đơn kiện ông ta tham ô phân đạm. Nào xã, nào huyện về làm việc mấy
ngày, dư luận bàn tán thế nào ông ta cũng đi đứt, cuối cùng đoàn kiểm tra kết
luận ông ta trong sáng. Té ra người đứng đằng sau vụ kiện này là lão Nghĩa, Chủ
nhiệm ủy ban kiểm tra HTX. Người ta biết thế thôi chứ nào có bắt tận tay day tận
cánh. Tay Nhạc, đội trưởng đội IV, viết
đơn lãnh đủ, rớt chức.
Con Lài mỏi quá, muốn
trở vai gánh nhưng lão Hoàng Hói cứ liếc ngang. Mà trở vai gánh chẳng lẽ cứ lấy
tay khép vạt áo ngực, làm sao gánh? May thay, vừa lúc ấy, vợ chồng ông Đậu đi
ngược lại, hỏi:
- Xe sao thế, ông chủ
nhiệm? Xẹp lốp à, vào nhà tôi có bơm.
- Không biết là xẹp hay
thủng săm nữa.
- Nếu thủng tôi vá cho,
loáng cái xong, cái gì chứ thợ sửa xe đạp đố đứa nào lấy được của tôi một cắc.
Hoàng Hói đành quay lại
nhà ông Đậu, chỉ chờ có thế, con Lài trở vai gánh. Giờ thì mặc gió, có phanh ngực
ra chẳng có ma nào nhìn.
Chưa kịp đặt gánh cỏ xuống,
giọng bà Mùi đã sa sả:
- Mày sang Liên Xô cắt
cỏ à? Vào nhà xem bố mày ốm ra sao!
Con Lài cáu tiết:
- Tui có sang Liên Xô cắt
cỏ cũng nhanh gấp mười lần bà.
Nó vào nhà, bố nó nằm
trên bộ phản nhà thằng Toàn, thở khó nhọc. Sờ tay lên trán bố, nóng quá. Trở ra
lấy cái khăn mặt nhúng nước, vắt khô, đắp lên trán ông Bạc, nó hỏi:
- Bố thấy bệnh trong
người thế nào?
- Hơi khó thở một chút.
Không sao đâu, con phụ mẹ mày cơm nước đi.
Trời đất, không biết làm gì mà mẹ nó nấu chưa xong bữa cơm. Nó vô buồng
lấy nắm đỗ xanh, rải lên cái mâm gỗ, lấy cái chai cà bể để nấu cháo cho bố.
- Bố mày không ăn cháo
đâu.
- Cháo bà nấu người khỏe
còn không ăn được chứ nói gì người ốm. Tui nấu coi bố có ăn được không.
Bắc nồi cháo rồi ra vườn hái nắm lá tía tô, rửa
sạch, thái nhỏ cho vào tô. Cháo chín, nó ra ổ gà lấy quả trứng đập vào trộn đều.
Ông Bạc ăn hết tô cháo, mồ hôi tuôn ra như tắm. Lấy khăn cho bố lau xong, nó xuống
bếp ăn cơm. Nồi cơm hấp khoai khô mẹ nó nấu khô quá, nhai mỏi cả hàm, nuốt muốn
nghẹn. Chan muôi canh lá lốt nấu suông không có mì chính, nó cảm thấy đắng
chát, mặn gắt. Con Lài bưng bát cơm ra ngoài sân chắt hết nước canh. Vào bếp, mở
nồi nước chè, nó múc nửa gáo chan vào ăn với cà muối. Nó nghĩ sao mẹ nó đoảng
thế không biết, bữa cơm nấu không ra hồn. Mà cũng lạ, bố nó trong họ ai cũng nể,
trẻ con đứa nào cũng sợ, ông chưa bao giờ biết nói đùa một câu, thế mà sợ mẹ nó
một phép. Nhiều lúc nó cũng bực, bố nó nói: “Đất không chịu trời thì trời phải
chịu đất. Tao sống là sống cho tụi bây đó”. Mẹ nó vô lo, lại ăn diện nên trông
cứ như mới ngoài ba mươi. Hôm đội nó gánh thóc lên HTX nộp sản, ông Hoàng Hói
đi xe Fa-vô-rít, nói: “Ai mỏi chân lên tôi chở về”. Mẹ nó lồng đôi gióng, cho
vào một đầu đòn gánh, ngồi lên xe ông chủ nhiệm. Có người chọc, có người nguýt,
có người nói kháy. Bố nó về nhà một lúc sau mẹ nó mới về. “Tưởng mẹ nó về trước
nấu cơm rồi chứ”, mẹ nó nhúng nhẳng: “Thì ông cũng vừa về đấy thôi”, “Đi xe đạp
mà sao bây giờ mới về?”, “Ông chủ nhiệm mời vào nhà uống bát nước, ngồi xe người
ta nên tui nể tình”…Nghe bố mẹ lời qua tiếng lại, nó điên ruột: “Bà không nghe
người ta xì xào mà còn nói”. Mẹ nó cười khẩy: “Bố con ông chỉ giỏi bắt nạt tôi.
Tôi nói cho mà biết, tôi đi đâu ai cho tôi đi nhờ xe là tôi đi. Ông giỏi mua
cái xe chở tôi, tôi khỏi đi nhờ…”. Hay bố nó sợ, mẹ đẹp, làm găng lên bà li dị.
Mẹ nhiều lần nói bóng nói gió: “Tui chỗ nào sướng là tui đi, nói trước cho ông
biết”.
Rửa chén bát xong, con
Lài bẻ hai quả bồ kết, ngâm nửa thau nước phơi nắng để gội đầu. Bà Mùi hỏi:
- Mày mới gội hôm qua
sao hôm nay gội nữa?
- Ngứa thì gội, bà hỏi chi
lạ.
Thực tình, nó gội cho
tóc mướt hơn chứ làm chi có chuyện ngứa. Nó muốn đẹp hơn trong mắt Tân. Nghĩ đến
hẹn hò là nó lại rạo rực. Mà không biết bố nó có mệt lắm không? Nó thầm nghĩ
trong lòng: “Bố mau khỏi bố ơi, bố mệt, lỡ hẹn tội cho con lắm!”. Bóp bóp quả bồ
kết, bọt ra ít quá, con Lài vào bếp bắc ấm nước sôi rồi chế vào thau. Gội đầu
xong nó lên nhà trên, quạt cho bố một lúc, sờ trán thấy đã bớt nóng, nó hỏi:
- Bố thấy đỡ chút nào
không?
Hơi thở ông Bạc đã bớt nặng, ông nói:
- Bố đỡ nhiều rồi, con
lo việc của con đi.
- Bố ngủ đi, con pha
cho bố cốc nước chanh. Ngủ dậy bố uống cho đỡ mệt.
Ra hàng nước bà Suất,
con Lài chia lại nửa kg đường trắng về pha nước chanh cho bố. Nếm thử vừa ngọt,
cho thêm chút muối, lấy cái dĩa úp lại, xong xuôi đâu đấy nó ra chồng lợn lấy
cuốc đi làm cỏ đậu. Bà Mùi ngạc nhiên:
- Đi làm cỏ lúa chứ, cỏ
đậu mai mốt làm cũng được.
- Bà muốn thì đi làm cỏ
lúa, tui mệt, tui đi làm cỏ đậu.
Con Lài vác cuốc đi,
hôm nay nó không muốn lội ruộng. Nó sợ trằn lưng phơi nắng, mồ hôi đầu đổ ra mất
toi công gội. Làm cỏ đậu còn được thẳng lưng đứng cuốc, đất bãi bồi lắm cỏ
nhưng mềm, dễ làm, thỉnh thoảng gió sông thổi lên mát rượi. Ở đâu không biết,
chứ ở quê nó, làm cỏ bãi là nhàn nhất, chả thế, đám thanh niên thường hẹn nhau
cùng làm để đối đáp, trêu chọc nhau cho vui. Nhiều bữa nghe con Nụ với thằng
Lâm đối đáp chuyện tiếu lâm cười đau cả bụng.
Con Lài cuốc cỏ theo lối,
rộng khoảng hơn hai mét một chút. Nếu cuốc rộng ra phải với, mau mỏi và chân trụ
làm dẽ đất. Mới nhìn lối cuốc tưởng như của kể lười biếng nhưng thực ra nó vừa
nhanh vừa lợi đường đất. Xong một lối, nhìn lại không thấy dấu chân. Còn như mẹ
nó hay mấy bà, lối cuốc không đều, chỗ rộng chỗ hẹp, dấu chân đứng cuốc lún xuống
như đi trên bùn đặc. Nó chợt nhớ hồi còn học lớp tám, cô Loan dạy môn Sinh-Kỹ
thuật nói: “Trong lao động sản xuất, mỗi một động tác thừa vừa tiêu hao năng lượng
vừa giảm năng suất. Cho nên, mỗi động tác phải sao cho hợp lý nhất, đơn giản nhất”.
Nó thích tính tình, con người cô nên môn cô dạy nó học khá nhất, nhớ được nhiều
nhất. Khi học, bọn chúng nó học để mà học thôi, bây giờ nghĩ lại, nhiều điều cô
nói thật có ích. Ví như củ lạc thực chất là “quả lạc”, do đó, để củ lạc to, đều
ngoài việc bón phân đúng kỹ thuật, ngay cả làm cỏ cũng phải đúng thời điểm, đó
là lúc lạc chớm ra hoa. Làm cỏ sớm thì đất sẽ dẽ lại, cuống lạc khó đâm xuống đất.
Khi cuống lạc đã đâm xuống đất mà còn làm cỏ sẽ đứt cuống, mất củ. Hồi chưa
khoán 100, cứ kẻng đánh là đi làm, kẻng đánh là về, chẳng ai hơi đâu mà quan
tâm tới thời vụ. Thời vụ đã có ông phó chủ nhiệm HTX, ông đội trưởng lo. Phần lớn
làm theo kinh nghiệm, làm theo chỉ đạo chung của tỉnh, của huyện không sát thực
tế, nên năng suất thấp, công điểm nhiều, chia ra thu nhập của xã viên không được
bao nhiêu. Từ khi khoán 100, nhà nó khá hơn một chút. Giá như mẹ nó biết lo
toan, chăm chỉ hơn thì đâu đến nỗi. Nhà bốn người, chủ yếu là bố và nó cáng
đáng, mẹ nó làm chập bạ, không bằng bố con nó làm ráng. Thằng Vệ thì không động
tay động chân bất cứ một thứ gì, chỉ việc học mà năm nào cũng phải thi lại mới
được lên lớp.
Nó làm được nửa buổi
thì bà Mùi mới ra. Nó hỏi:
- Tui tưởng bà đi làm cỏ
lúa chứ? Nãy giờ bà làm gì?
- Tau đợi thằng Vệ về
coi ngó bố mày.
- Bố có đỡ không?
- Dậy ra gốc nhãn ngồi
vót nan rồi.
Nó cảm thấy khỏe trong người, phần vì bố đỡ bệnh, quan trọng hơn, là tiền
đề cho tối nay không lỡ hẹn với anh Tân. Bỗng dưng nó thấy khát, mà khát thật.
Lúc đi làm quên mang nước theo. Nó hỏi bà Mùi:
- Bà có mang nước ra
không?
- Tau để ở dước gốc cây
sung cho mát.
Người ta mang nước uống là để gần chỗ làm nhất, cho tiện lợi. Mẹ nó lại
để ở cây sung, cách đám đậu cả trăm mét. Nó bập cuốc xuống, vừa đi vừa vén tà
áo lau mồ hôi mặt. Như sợ nó la, bà Mùi nói:
- Uống miếng nước thì
phải nghỉ ngơi chút chứ.
Nó lặng thinh không nói. Uống xong ca nước, nó xách ấm lại đặt ngay đầu
bờ. Để đấy, tráo đi tráo lại, nghỉ ngơi của mẹ nó chí ít cũng nửa tiếng.
- Để ấm nước ở đây vừa
nóng vừa bụi. Đây với đó có mấy bước.
- Có mấy bước - nó nhại
lại, nóng cũng không phải vừa thổi vừa uống, bà coi gió thối hướng nào mà bụi.
Nhìn lối cuốc của bà
Mùi, nó gắt:
- Bà làm dẽ đất hơn là
cuốc cỏ. Cuốc lối vừa thôi, đừng cuốc với.
Bà mùi không đáp trả. Có khi nào làm chung mà bố
con nó vừa lòng đâu. Lẽ ra bà đâu khổ thế này, thôi đành số phận vậy. Nhưng có
lúc bà nghĩ vợ ông đội Sung, vợ ông chủ nhiệm xấu như ma lem sao mà sướng, ăn
trắng mặc trơn, năm thì mười họa mới đi làm đồng một bừa gọi là cho có. Ngày
xưa, mà nói chi ngày xưa, bây giờ soi gương bà vẫn thấy mình đẹp. Con Lài chỉ
được trẻ trung thôi, còn gương mặt, đường nét chắc gì hơn bà. Ra đường, đám đàn
ông không nói làm gì, ngay cả mấy đứa thanh niên bằng tuổi em út của bà cũng
đeo chọc. Bà thở dài, cha ông nói hồng nhan bạc phận không sai…
Còn một lối cuốc nữa,
con Lài nói bà Mùi về nấu cơm. Bóng chiều xuống, nắng dịu, gió thổi từ sông lên
mát rượi. Nó nghĩ trưa nắng thì đứng gió, chiều mát lại có gió, đúng là khổ luôn
đi với cực. Gió đi, gió đi cứ thổi từ bây giờ cho hết đêm nhé. Lòng nó phơi phới
như gió. Cuốc xong lối cỏ, xăm lại những chỗ mẹ nó đứng dẽ rồi vác cuốc đi về.
Lên khỏi bãi, ngay gốc
đa vệ đường, nơi mọi người thường nghỉ trưa giữa mùa thu hoạch, trời, mẹ nó
đang đứng nói chuyện với Hoàng Hói. Nó không nghe rõ họ nói gì nhưng cả hai cười
vui vẻ lắm. Nó đi tới, ông chủ nhiệm lên tiếng:
- Cô Lài vừa đẹp vừa
siêng, ai cưới được cô phúc phải lớn lắm đấy.
Câu nói của Hoàng Hói như xoa dịu đi phần nào nỗi bực tức đối với bà Mùi,
nó đáp:
- Ông chủ nhiệm đi đâu
mà giờ hẵng còn ở đây?
- À, tôi đi họp về, thấy
chị Mùi đi làm cỏ đậu về tôi hỏi thăm cỏ rả dưới bãi như thế nào thôi mà.
Bà Mùi biết nói vài câu nữa thế nào con Lài cũng gây chuyện, bà vội vã:
- Thôi ông chủ nhiệm đi
nhá, mẹ con tui về, tối rồi.
Hoàng Hói cười:
- Cùng đường cả, chị
Mùi hay cô lài lên xe tôi chở về trước nấu cơm.
Đi đường tắt cũng nhanh thôi, nhưng ghét mẹ nó
thường hay tí ta tí tởn với Hoàng Hói, con Lài nói:
- Bà đi đường tắt mà về,
phiền ông chủ nhiệm cho đi nhờ một đoạn.
Hoàng Hói đạp xe chầm chậm, con Lài nói:
- Tui nặng quá phải
không ông chủ nhiệm?
- Không, anh thấy hoàng
hôn đẹp nên đi chầm chậm thưởng thức thôi. Mà hình như chúng ta có duyên đấy,
trưa gặp em, chiều cũng gặp em.
Lúc này con Lài mới hối
hận vì khi lên xe Hoàng Hói nó quên béng đi chuyện hồi trưa, lại nữa, ngộ nhỡ
anh Tân trông thấy thì chết. Chỉ vì ghét mẹ nó mà mà hư sự. Nó bực bội, tự
trách mình hấp tấp, chẳng lẽ bây giờ xuống xe? Nếu anh Tân hỏi cứ nói thật suy
nghĩ của mình. Nghĩ thế nhưng nó vẫn thấy có cái gì đó bất an. Nó trả lời Hoàng
Hói bằng giọng điệu hơi sẵng:
- Duyên gì mà duyên,
người trong xóm gặp nhau ngày năm bảy lần cũng có!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét