Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

LÂM TẶC

 

CHƯƠNG XXV

     Cúng hoàn tất nền xưởng xong, già Bân lấy bộ võ phục màu chàm viền vàng đưa cho Quân.
     - Con mặc bộ đồ này cho ta.
Quân không hiểu ý định của già Bân nhưng anh vẫn làm theo. Dường như bộ võ phục già Bân thửa cho anh, nó thoải mái, vừa vặn.
     Trở lại nền xưởng, già Bân chỉ anh ngồi phía bên trái, đối diện với anh là Nguyên Mạnh trong bộ võ phục màu trắng viền đỏ.
     - Cẩn cáo bách thần, anh linh nhà chúa, thưa thống lĩnh, bà con, nay thay mặt thống lĩnh báo việc đầu viên mãn, việc tiếp theo đang chờ, tỏ vẻ mừng vui tiếp đà hưng thịnh, nay có màn đấu võ thay cho việc múa long lân, trên bách thần, thống lĩnh nghé xem, dưới bà con thưởng lãm.
     Nói rồi, già Bân mời ông Tám Cá lên ghế chủ tọa, phía tay phải có treo một cái chiêng lớn, như lời già Bân nói, đây là cái chiêng hiệu quân của nhà chúa năm xưa. Bên trái, cái án thư có bát hương cắm một cây hương đang cháy đánh dấu từng đoạn bằng phấn trắng. Cung kính đưa chiếc dùi chiêng đầu đánh buộc vải đỏ cho ông Tám Cá, già Bân nói:
     - Hương cháy hết phần trắng là một trận; mở trận thống lĩnh đánh một hồi ba tiếng, tạm ngưng trận đấu là một tiếng, tiếp tục là ba tiếng, kết thúc là một hồi. Hiệu lệnh là vậy, thời gian là vậy nhưng tùy thống lĩnh định đoạt.
     Ông Tám Cá không ngờ việc đắp nền xưởng già Bân lại bày vẽ đến thế, ông chỉ nghĩ già Bân thuê người, đắp nền xong trả tiền cho họ là xong. Nhưng khi già Bân bảo cứ giao việc đắp nền, hoàn tất cho cho già thì mọi việc già sắp xếp ông phải nghe theo.
     Dứt tiếng chiêng, Quân và Nguyên Mạnh chào chủ tọa, khán giả, bắt tay nhau rồi dương vũ khí nghênh chiến. Quân sử dụng cây côn tề mi hai đầu bọc ngù vàng kim tuyến, Nguyên Mạnh sử dụng đại đao yển nguyệt ngù đỏ. Điểm yếu của côn khi đỡ phải tránh lưỡi đao nên người đỡ phải gần như nhập nội, điểm yếu của đao khi tấn công sát thương chủ yếu ở phần lưỡi, phần mũi. Nhưng khi đã là cao thủ thì ai cũng phát huy hết điểm mạnh của vũ khí, thủ mà công, công để thủ. Đường côn của Quân vun vút, đường đao Nguyên Mạnh loang loáng, cán đao và côn đánh đỡ va chạm vang tiếng cách...cách khi mau khi thưa, khi dồn dập như bão giông chớp giật, khi chậm rãi như nhịp phách ca trù. Thân thủ hai người khi vững như núi Thái Sơn, khi nhẹ nhàng uyển chuyển như mây bay nước chảy...Người xem nhiều lúc thót tim vì những miếng đánh hiểm tưởng chừng như không thể phòng thủ, hóa giải nổi. Cả hai càng đấu càng hăng, người sử đao, người dụng côn phát huy vũ khí trong tay  tuyệt kỹ, không chút sơ hở, thật xứng danh như người ta thường ví "long tranh hổ đấu"...
     Ông Tám Cá đánh một hồi chiêng dài, trận đấu tạm ngưng, cả hai cúi chào chủ tọa, khán giả mà thần thái không chút biến sắc.
     - Các con đã cho chú, bà con xem một trận đấu hết sức đẹp mắt. Nhìn các con đấu mà lòng chú rạo rực như trở lại thời trai trẻ. Cản ơn già Bân đã đào tạo con cháu thành tài. Tôi cũng không rành rẽ lắm về lễ nghi, ăn nói. Vì vậy, già Bân sẽ thay tôi có mấy lời với bà con, con cháu.
     Già Bân đứng lên, hai tay chắp trước ngực nghiêm trang, cung kính.
     - Thưa thống lĩnh, thưa bà con, được sự cho phép của thống lĩnh, tôi có mấy lời nhân buổi hoàn công hôm nay. Nhà có chắc phải vững nền móng, người có thành tài phải được dạy dỗ từ nhỏ. Bà con ta chưa thật giàu nhưng vùng ta ít người đói khổ. Nhìn xa cái đó do đâu? Do nguồn lợi từ núi rừng sông suối, do sự phù trợ của anh linh nhà chúa. Hai điều này tôi nói không tách rời nhau. Ngày thống lĩnh đi đánh trận, phu nhân ở nhà giúp bà con ta rất nhiều. Thử hỏi phu nhân không mua lại những mảnh ruộng nương bạc màu của bà con, cải tạo trồng lại cho xanh tốt rồi cho bà con mướn lại thì bây giờ núi rừng này ra sao, bà con ta ra sao? Ơn này không kể xiết. Nay thống lĩnh mở xưởng mộc, tận dụng lại những gốc, bìa gỗ, ngọn, cành, nhánh cây bỏ phí trong rừng để làm vật dụng là không bỏ phí của rừng, có lợi cho xã hội, bà con ta nên ủng hộ. Tiếng là ủng hộ nhưng thực sự thống lĩnh tạo thêm công ăn việc làm cho bà con ta. Tôi mong rằng, bà con ta ai đang mướn đất, mướn rừng thống lĩnh cố gắng chăm sóc cho tốt, chặt một cây trồng lại mười cây mới mong sau này bảo tồn được cuộc sống như hiện tại, đừng như bọn lâm tặc tàn phá rừng. Bọn chúng phá hết nơi này thì đi phá nơi khác, còn bà con ta quê cha đất tổ ở đây thì đi đâu? Thử hỏi không còn rừng nữa, đất bạc màu, nước không giữ được thì làm sao mà sống...Vì vậy, thay mặt bà con, báo với thống lĩnh, việc đắp nền, dựng xưởng là việc chung của bà con làng bản. Tiếng là giúp thống lĩnh nhưng thực sự chúng tôi giúp mình về lâu về dài, mong thống lĩnh hiểu cho tấm lòng bà con.
     Tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt, ông Tám Cá cứ lặp đi lặp lại câu nói: "Như thế không được, không được" nhưng chìm lỉm đi trong tiếng cười, tiếng chúc ông nhanh chóng xây dựng xong xưởng mộc.
     Lời nói của già Bân vẫn như phảng phất bên tai Quân. ngắn gọn mà đầy đủ, mộc mạc mà sâu sắc vô cùng, gợi cho người nghe tầm nhìn rộng và nên phải hành động như thế nào. Già Bân đúng là điểm tựa tinh thần cho dân bản, có sức lan tỏa hết sức rộng lớn, giữ được bản sắc, truyền thống mà hiện đại. Trước ngày dạy võ cho Quân, già Bân hỏi:
     - Ta biết con đọc nhiều, hiểu rộng, vậy theo con người như thế nào được xem là người có văn hóa?
Suy nghĩ một lúc, Quân trả lời:
     - Dạ, thưa già, người có văn hóa là người như già, như chú Tám.
     - Hà...hà...Cái thằng giỏi nịnh ghê, thế còn bản thân con thì sao?
     - Dạ, con đang cố gắng.
     - Con ạ, theo ta người có văn hóa là người nói điều gì, làm điều gì người khác đều nể phục, kính trọng. Khó lắm, không phải con cố gắng mà chính ta cũng phải cố gắng từng ngày...
     Nguyên Mạnh vỗ vào vai Quân.
     - Anh Quân, tối nay đi săn chứ?
     - À, ừ...đi chớ.
     - Thế thì giờ chúng ta đi tập nhé!
     Vào bìa rừng, Nguyên Mạnh dùng mũi dao khoét miếng vỏ cây bằng đồng xu rồi bảo Quân bắn vào đó.
     Cây nỏ đẹp, cánh cứng, Quân dương nỏ bắn 3 mũi tên nhưng không mũi nào cắm đúng vào chính giữa mục tiêu. Nhìn mũi tên, Nguyên Mạnh bảo:
     - Anh bắn khá lắm đó, mũi tên chưa đúng giữa là do khi bắn cánh nỏ hơi nghiêng.
     - Sao Nguyên Mạnh biết?
     - Nhìn cánh tên anh ạ. Cha em dạy thế.
     Nguyên Mạnh rút tên ra, tới chỗ Quân. Cầm cây nỏ, nhắc việc lên dây, giữ lẫy, lắp tên, anh nói:
     - Tay trái giữ thân nỏ anh đừng lên gân quá, chỉ cần cổ tay thẳng, ngón cái áp vào thân đẩy tới, bốn ngón con áp vào thân nỏ đẩy lui, giữ thăng bằng, nhắm trúng là bắn trúng.
Nói rồi Nguyên Mạnh bóp lẫy, một tiếng "tách" khô gọn, mũi tên găm giữa đích. Làm theo Nguyên Mạnh chỉ dẫn, Quân bắn trúng dễ dàng. Tính bắn nữa cho thỏa nỗi phấn khích thì Nguyên Mạnh cười, nói:
     - Con thú không đứng yên cho anh bắn đâu, giờ anh phải bắn cái này.
Lóc một miếng vỏ cây gọt tròn bằng cái trôn bát, treo lên bằng sợi dây rừng, búng cho nó lắc qua lắc lại.
     - Được rồi đó!
Quân rê mũi tên theo nhịp lắc miếng vỏ cây, bóp lẫy, mũi tên bay vút vào rừng. Mũi tên thứ hai cũng thế, mũi tên thứ ba trượt qua miếng vỏ rồi cũng bay mất hút.
     - Anh bắn như vậy là giỏi rồi đấy, hồi trước em phải tập mãi, Nguyên Mạnh động viên Quân, thôi giờ anh tập bắn găm đi.
     Bẻ một cái bắp chuối, lột bớt lớp áo, gọt tròn như quả cam, ném nhẹ lên dốc để nó lăn xuống, Nguyên Mạnh nhắc:
     - Anh bắn trúng khi nó cách chân vài mét là không được tính nhé.
     Bắn trúng mục tiêu cố định đã khó, bắn mục tiêu di động àng khó hơn. Hồi còn ở bộ đội, anh em trong đơn vị ai cũng phục tài thiện xạ của Quân, nhưng giờ đây, khi sử dụng cây nỏ Quân mới thấy bắn trúng mục tiêu di động bằng súng không là gì so với bắn nỏ.
     Cầm bắp chuối có mũi tên xuyên qua, Nguyên Mạnh cười:
     - Ngày xưa cha cho em đi săn khi em bắn được như anh bây giờ.
     Xế chiều, Nguyên Mạnh chở già Bân qua sông rồi cùng Quân chèo ngược lên vực Cây Sung gỡ rường câu ông Tám Cá thả hồi tảng sáng. Nhìn độ căng dây câu Quân biết cá lớn hay nhỏ. Gần hết rường câu mắc liền hai con cá lớn, bắt con này sợ sẩy con kia, Quân nói:
     - Nguyên Mạnh giữ thuyền cho thăng bằng, cản trôi từ từ, tôi lần theo dây câu, luồn tay dưới bụng cá hất lên thuyền rồi tính sau.
Đưa được con cá lên thuyền,điịnh gỡ con cá tiếp theo thì một chiếc mảng trôi xuống, đứng đầu mảng là một người đàn ông trán hói, ngực nở, bàn tay phải cầm sào cụt ngón trỏ và ngón giữa. Cuối mảng là người đàn ông cao lớn, lưng gù, thoạt trông, Quân nhận ra hắn là Cường Gấu.
     - Có cá bán không chú em?
Vừa nói ông ta vừa chống mảng sát vào thuyền, thấy Quân đang lần dây câu, ông ta thọc mạnh cây sào vào dây câu miết xuống rồi bất ngờ hất thẳng lên, con cá mắc câu nằm gọn trong lòng thuyền. Gỡ con cá mới được hất lên, Quân nói với người đàn ông:
     - Chú cầm con cá này nhậu chơi.
     - Không, công sức lao động cả, tôi mua thôi. Tặng nhau ít ra phải quen biết, cậu có biết tôi đâu.
     - Không biết ông nhưng biết tôi, phải không Quân?
     - Anh đúng là Cường Gấu!
     - Giờ chú có bắt tôi không? Trái đất tròn nhỉ. Giới thiệu với chú ông ấy là Cát Cụt,đi bè có tiếng, ông Tám Cá có biết đấy. Ông Cát Cụt không nhận thì chú cho tôi nhé.
Nói rồi Cường Gấu chống mảng tới, dùng cây sào đâm vào mang cá.
     - Cho nó khỏi giãy,để sống rớt xuống sông mất ăn. Cảm ơn hai cậu, cho tôi gửi lời thăm ông Tám Cá nhé.
     Thu xong rường câu, trở về Nguyên Mạnh hỏi:
     - Trông anh ta cũng thật thà sao làm lâm tặc nhỉ?
Quân trầm tư:
     - Có lẽ do hoàn cảnh cả thôi...
     Sang bờ bên kia, còn độ vài trăm mét là tới trạm kiểm lâm, Cát Cụt nói:
     - Tôi không rành coi tướng lắm nhưng tôi nghĩ hai thằng ấy đủ sức bắt ông đấy. Chúng có thần tướng lắm.
     - Cũng may chúng là dân thường, Cường Gấu đáp.
     - Thế phi vụ tối nay ông có chắc ăn không?
     - Không có gì là chắc cả nhưng hãy tin ở tôi.
     - Nếu khó thì thôi.
     - Cái gì khó làm được mới thích. Ông chuốc cho tụi nó say là được.
     - Đến khi chúng tỉnh lại chúng nghi tôi thì sao?
     - Nhắm chừng chúng bắt đầu tăng tăng thì ông rút. Chưa thằng nào say thì chúng nghi ông sao được. Tôi nghĩ sau này chúng nghi ngờ nhau, cắn xé nhau mà thích.
     - Thực tình thì thí cho chúng cũng được nhưng ghét quá, chỉ đóng vài nhát búa mà hốt cả đống bạc, thằng nào cũng giàu sụ. Nói thực nếu chúng làm đúng, mình làm đúng thì lương thiện biết bao, đỡ đau đầu, kiến tha lâu đầy tổ. Đằng này, đi đúng như giấy phép cũng phải chung, mà đâu có phải một trạm. Nghề này không ma mãnh, liều lĩnh thì chỉ đi một chuyến thôi bán cả mả tổ cũng kông đủ bù lỗ.
     - Ông công nhận ma mãnh, lều liĩnh rồi đấy nhé.
     - Ma mãnh thì có nhưng liều lĩnh thì chưa. Có lẽ liều lĩnh để dành khi làm chuyến bè cuối giải nghệ.
     - Thôi tôi xuống đây, đến gần lỡ chúng phát hiện thì lỡ việc.
     Cường Gấu xuống mảng, lội vào bờ. Nước sông trong quá, in bóng núi cô tịch, sâm sẫm. Sông vẫn chảy mà bóng núi vẫn nguyên. Đột nhiên hắn nhớ lại hai câu thơ Nguyễn Trãi:
          Nguyệt xiên há dễ xiên lòng trúc
          Nước chảy âu khôn xiết bóng non.
     Câu thơ trên cô giáo giảng giải nên hểu được, câu sau như một câu đố cả cho lớp. Bất chợt giờ đây hắn hiểu được câu thơ trong hoàn cảnh thật éo le. Bóng non nước chảy không mòn, kiên dịnh là vậy, vững vàng là vậy... Hai câu thơ nói lên chí khí người quân tử, còn hắn, đời hắn giờ lại như thế này đây. Tiếng thở dài của hắn như kéo theo nỗi buồn số phận, u tịch như bóng núi, mênh mang như dòng nước trôi xuôi. . .




Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Tứ tuyệt vui


BI-A

                                             Bốn rưỡi sáng về nhà
                                             Suốt cả đêm bi-a
                                             Treo áo, vợ thức giấc:
                                             - Anh đã dậy rồi à (?)

     BỆNH

     Năm sáu ngày uống thuốc
     Chưa đến nỗi liệt giường
     Bạn nhậu đến thăm, hỏi:
     - Làm chút chớ, sương sương (!)                                                                 HỘI NGHỊ

                                                                                                                 Chủ trì lo đọc công văn
                                                                                               Mấy nàng ngồi "tám" rồi nhăn răng cười
                                                                                                        Chuyện dưới đất, chuyện trên trời
                                                                                                     Hôm sau gặp lại: "Hổm rồi họp chi?".




Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XXIV

     Trí Vịt hút hết điếu thuốc này lại châm điếu thuốc khác. Chưa bao giờ trong cuộc đời hắn gặp nhiều rắc rối trong một lúc như lần này. Có điều tất cả mọi việc đều giải quyết được bằng tiền, thậm chí phải rất nhiều tiền. Thế là công lao thu vén cả năm trời nay đội nón ra đi. Thôi thì con người có vận hạn, của đi thay người, nhưng liệu Minh Chột có chịu nhận tiền không, hắn không nhận coi như sự nghiệp tiêu tan, thậm chí có khi còn phải ở tù.
     Bấy lâu nay hắn cứ tưởng Minh Chột là đứa qua loa, đại khái, qua mặt dễ như trở bàn tay, vậy mà, chỉ một việc thôi, hắn đã như cá nằm trên thớt. Hắn nghĩ không biết sao thằng Minh Chột lại nghĩ ra chiêu độc đó? Hay ai là người đứng sau hắn, sếp Kim chăng? Chắc chắn không. Long sẹo ư? Cái thằng đầu đất ấy lại muôn lần không. Còn con Thoa, con Diệp, Man Hoa? Nếu biết thì chúng đã la toáng lên rồi. Giờ đây hắn mới cay đắng nhận ra: "người tính không bằng trời tính", và có khi, cái thằng Minh Chột ấy tự nghĩ ra chiêu này chăng? "Người khôn tính ngàn điều cũng có điều trật, người ngu tính ngàn điều cũng có điều trúng" kia mà.
     Nhận được thông báo về tỉnh nhận cưa máy cầm tay từ đầu tuần, hắn cứ trù trừ việc này việc khác giải quyết chưa gọn, với lại về nhận cưa tranh thủ thăm nhà luôn. Minh Chột đồng ý, hắn liền bảo thằng Cơ móc với Hoàng Vẩu tìm mấy đứa chuyên trộm gỗ "đánh quả", bọn trộm càng chuyên nghiệp càng tốt. Hắn bảo chọn một đứa trong số đó chiều thứ năm theo hắn về tỉnh. Sáng thứ sáu hắn đến sớm nhận cưa, phụ tùng. Tay thủ kho chỉ cho hắn cách sử dụng. Quá dễ so với hắn. Nhận hai cái cưa, hắn đưa cho thằng đàn em Hoàng Vẩu, chỉ dẫn cách sử dụng và không quên dặn mua xăng, dầu nhờn đủ dùng. Chín giờ, thằng đàn em Hoàng Vẩu lên tàu ngược sông Gâm, còn hắn trở lại, mời Thắng, sếp Kim đi nhậu. Sếp Kim bận, hắn hẹn sếp Kim và Thắng chiều chủ nhật tại nhà hắn. Đúng là một công đôi chuyện, vừa gần gũi sếp vừa là bằng chứng ngoại phạm vụ trộm gỗ lát lâm trường.
     Sáng thứ hai hắn lên, gặp Hoàng Vẩu, mọi chuyện trót lọt, êm xuôi, "hàng" đã được đưa về nơi tập kết. Chỉ tức một nỗi là cưa của mình, cây của mình, khai thác quá nhẹ nhàng mà bọn này đòi tiền công cao hơn băng Cường Gấu.
     Đem cưa về, thường thì chỉ báo miệng với Minh Chột, nhập kho là được, đằng này Minh Chột bảo đem cưa lên phòng của hắn để nghiệm thu. Mở bao lưỡi cưa ra, săm soi một chút, Minh Chột bảo:
     - Cưa đã qua sử dụng!
     - Làm gì có anh, tôi nhận từ tỉnh mà. Hóa đơn đây, anh xem hàng mới 100% mà.
Trí Vịt nghĩ Minh Chột bắt nọn mình thôi, chứ nhìn qua lưỡi cưa không thể biết được. Thằng Cơ hùa vào:
     - Máy mới anh ạ, chưa sử dụng đâu.
Long Sẹo mở bao cưa thứ hai, khi kéo lưỡi cưa ra, một chút mạt cưa rơi xuống bàn. Mặt Trí Vịt đổi sắc. Minh Chột giũ giũ bao cưa, có thêm một chú mùn cưa.
     - Cái gì đây?
     - Có lẽ người ta cưa thử ở trên tỉnh anh ạ.
Thực tình, Minh Chột cũng nghĩ thế thật, nhưng không hiểu sao, hắn bảo Long Sẹo:
     - Mở nắp mang cá này xem sao!
Long Sẹo mở ra, nắp mang cá đày mùn cưa. Cái nào cũng vậy. Minh Chột lấy vỏ hộp diêm, gom đầy mùn cưa, đậy lại, lấy giấy dán kín rồi nói:
     - Các ông ký vào đây.
     - Để làm gì anh? Long Sẹo hỏi.
     - Mẹ kiếp, ngu bỏ mẹ, làm bằng chứng chứ còn làm gì nữa. Bằng chứng là cưa đã qua sử dụng, đúng không ông Trí?
Trí Vịt run run ký vào hộp diêm, thấy vậy, Minh Chột nói với thằng Cơ:
     - Mày lập biên bản bàn giao, ghi rõ hiện trạng nghe!
Nói rồi, Minh Chột bỏ bao diêm vào túi áo ngực, bảo:
     - Công việc ai nấy làm, lập biên bản xong mấy ông ký vào, tôi ký sau.
     Cái bao diêm ấy lọt vào tay sếp Kim hay công an là hắn toi đời. Dân lâm trường, kiểm lâm nhìn qua biết mùn cưa gỗ lát ngay, mà gỗ còn tươi lại càng dễ nhận biết. Chiều hôm đó, Trí Vịt nói với Minh Chột:
     - Lần đầu, lỡ dại, qua mặt anh, xin anh tha thứ, em sẽ hậu tạ anh xứng đáng.
Minh Chột không trả lời. Thực tình lúc ấy Minh Chột vẫn chưa biết mấy cây lát còn lại đã bị mất. Tại sao một chút mùn cưa mà hắn lại lo lắng thế? Chắc chắn có chuyện chi đây. Mình là mình chỉ muốn nói với sếp Kim là cưa máy cầm tay đã qua sử dụng, thế thôi. Phải cho thằng này lòi đuôi cáo, nghĩ thế, Minh Chột hỏi:
     - Tôi thì không nói làm gì, Long Sẹo cũng có mặt đấy thôi.
Minh Chột không nhắc thằng Cơ, dụng ý coi thằng Cơ cùng một duộc với Trí Vịt. Với lại hắn bịt miệng cả thằng Long Sẹo thì chắc chắn là chuyện lớn, nhưng chuyện gì nhỉ?
     - Long Sẹo cũng có phần của nó, với lại anh bảo gì nó không nghe.
     - Chuyện gì ra chuyện nấy, không thể cái gì cũng áp chế nó được.
     - Thế thì em tính thế này, coi như là số lời ta tính mười phần, anh năm phần, em hai phần, thằng Long Sẹo và thằng Cơ ba phần.
Minh Chột vẫn chưa biết phần là phần gì, các phi vụ hồi trước nó bao giờ cũng leo lẻo ăn chia "tứ lục" mà có bao giờ đúng thế đâu. Cái thằng này đi trái nghề, nó là đạo diễn mới phải. Chưa biết cái gì mà nhận ăn chia là ngu, biết đâu hắn lại đưa mình vào bẫy, nghĩ thế, Minh Chột ậm ừ:
     - Ông để tôi suy nghĩ đã, tôi trả lời sau...
     Thấy hắn đi đi lại lại, hút thuốc liên tục, Hoàng Vẩu nói:
     - Chuyện đâu có đó, giờ giải quyết từng việc đã. Chuyện lớn chưa giải quyết được thì giải quyết chuyện nhỏ cho nó gọn. Đầu óc một lúc nghĩ nhiều chuyện thì rối lắm.
     Lão Chày xách con cheo đi từ phía dưới suối lên, Cường Gấu đi sau, thấy Trí, lão hỏi thay cho lời chào:
     - Anh đợi tôi đã lâu chưa?
Không trả lời câu hỏi của lão Chày, Trí Vịt nói với Cường Gấu giọng bực tức:
     - Tiền nhận rồi, việc xong rồi sao mày không biến đi hả?
     - Biến đi đâu?
     - Mày không biết bọn công an đang giăng lưới bắt mày hay sao?
     - Biết chớ! Cường Gấu thản nhiên.
Hoàng Vẩu lên tiếng:
     - Thôi, vụ này anh khỏi lo, gom gỗ, nứa xong là anh Cường xuôi bè cùng lão Chày.
     Đặt con cheo lên bàn, lão Chày nói:
     - Tôi mua con cheo này, ông chủ quán làm mấy món ngon ngon ta nhậu, công việc tính sau.
     - Làm nhậu thì tính gì mà tính. Cường Gấu đáp.
     - Mấy ông nhậu thì nhậu, tôi không có thời gian. Thôi, vào việc đi.
Nhấp chút nước trà, Trí Vịt hỏi:
     - Số gỗ lát ấy ông trả bao nhiêu?
     - Như trước thôi!
     - Không được. Hồi trước là nguyên khúc, còn giờ là hộp gỗ, với lại thằng Minh Chột biết rồi. Còn nữa, mấy thằng đàn em Hoàng Vẩu đây đòi giá cao quá.
     - Vậy anh tính sao?
     - Thêm 20% so với đợt trước.
     - Được rồi, coi như chốt về gỗ lát, còn nứa?
     - Cái này thì phải bàn với thằng Minh Chột đã, giờ e không qua mặt được nó đâu, với lại có bán cũng không hết bãi đâu.
     - Nứa thì tôi không cần lắm, mua của đám thằng Quân cũng gần đủ rồi.
Nhắc đến Quân, Trí Vịt chửi thề:
     - Tiên sư nó, khôn nẻ đất.
Lão Chày cười:
     - Hà...hà...vậy giờ anh Trí có đối thủ rồi. Còn gỗ thì sao?
     - Gỗ đợt này không nhiều như đợt trước nhưng được cái thẳng, chủ yếu là nhóm 3 nhóm 4.
     - Giá cả như thế nào?
     - Phải bàn với Minh Chột đã.
     - Vậy thì cứ xuống lâm trường bàn, ông gọi tôi lên đây làm gì?
     - Thì khi chốt ông để cho tôi vài giá.
     - Bây giờ ông Minh cầm trịch thì như vậy không được. Ông tính còn bọn kiểm lâm làm bao nhiêu chặng, rồi tiền chạy khai thác cũng cao quá trời rồi. Một chuyến suôn sẻ thì lấy công làm lời, vô phúc mất vài khúc gỗ là lỗ ông ạ. Tóm lại, ông một giá, ông Minh một giá, không thể hơn được.
     - Ông nói thế thì đành vậy. Còn số gỗ lát khi nào ông trả tiền?
     - Như trước thôi.
Trí Vịt thở dài, không biết thằng Minh Chột có chấp nhận không đây, chỉ sợ nó nghĩ mình ăn chặn, đằng nào cũng "sập cầu" rồi, thôi nhờ lão Chày nói một tiếng với Minh Chột, may ra nó chịu.
     - Về số gỗ lát ông nói thẳng với Minh Chột luôn.
     - Sao lại thế? Ngộ nhỡ Minh Chột không đồng ý thì tôi trật mối này à?
     - Tôi nghĩ nó chịu thôi.
     - Được rồi, mọi việc coi như xong, ông yên tâm.
Trí Vịt đi rồi, Cường Gấu nói:
     - Tôi ghét nhất là thứ phản chủ, qua mặt. Người ta nói dại thì lừa nó được một lần, ngu thì lừa được hai lần, si thì lừa được ba lần. Thằng Minh Chột đâu phải loại ngu si. Qua mặt nó bao nhiêu lần, nó chuẩn bị đập lại cho một gậy đã té đái vãi cứt. Cho chết.
     Cắt tiết con cheo cho Hoàng Vẩu đánh tiết canh xong, cùng nạo lông với lão Chày, Cường Gấu hỏi nhỏ:
     - Như số gỗ lát đó tôi bán ông mua bao nhiêu?
Lão Chày hấp háy đôi mắt.
     - Mày biết chúng giấu ở đâu à?
     - Cái đó không quan trọng, quan trọng là giao hàng ở chỗ nào? Giá cả bao nhiêu?
     - Thế mày không làm bạn chèo cho tao à?
     - Làm bạn chèo cho ông thì tôi bán gỗ cho người khác. Ông chọn cái nào?
     - Thôi được, giao hàng khúc dưới Họng Bọt
     - Không được, thế nào chúng cũng theo ông đến đấy.
     - Thế ở đâu?
     - Đoạn đổ ra cửa sông Lô.
     - Xa thế cơ à? Có đòi thêm tiền không đấy?
     - Ông đã trả giá đâu.
     - Thôi, việc này mày nói giá xem.
     - Tôi tính bằng giá Trí Vịt, nhưng của trời cho, tôi tặng ông một phần tư.
Lão Chày trong bụng mừng khấp khởi, thằng Cường Gấu nói là làm được, vả lại giao gỗ ở dưới đó thì an tâm quá, bớt được khoản cúng cho thằng Huy, thằng Trọng Hói. Có số gỗ lát đó, chỉ cần mua gom thêm ít gỗ của dân là được. Lần này chỉ đi đúng như giấy phép khai thác cũng đã là một ăn mười. Cái được nữa là khỏi ăn chực nằm chờ. Với bè gỗ, nứa cỡ ấy chỉ cần anh em lão, thuê thêm ba đứa bạn chèo nữa là quá an nhàn. Cao hứng lão huýt sáo bản nhạc "Anh vẫn hành quân" ưa thích.
     - Thế nào, cao hứng quá phải không?
     - Nhất trí thôi, khỏi bàn nữa, ba ngày nữa tao xuôi.
     - Có kịp không?
     - Thuê anh em thằng Quân cánh bè hai ngày là xong. Bãi gỗ lâm trường cũng gần với bãi nứa ông Tám Cá.
     - Ông phải nói những gì như thằng Trí Vịt dặn đấy, cảnh giác với thằng Hoàng Vẩu nữa, nghe chưa.
     - Được rồi, mày làm như tao là trẻ con ấy.
     - Không trẻ con sao mới thấy tí lợi mặt đã phởn phơ, lại còn huýt sáo nữa chứ...
     Thực ra Cường Gấu phát hiện mấy thằng trộm gỗ cũng tình cờ thôi. Tối hôm ấy đang gài bẫy cheo thì sáu, bảy đứa thanh niên vừa đi vừa bàn cách lấy hộp gỗ mà cây không đổ. Nghe bọn chúng bàn, Cường Gấu biết là chúng đi trộm gỗ lát. Bọn này có lẽ là dân địa phương nên rành rẽ đường đi. Cường Gấu bám theo. Chứng kiến cánh chúng dùng cưa máy cầm tay cưa lấy hộp gỗ Cường Gấu rất khoái. Bọn này kiếm đâu ra mà hay thế. Có loại cưa ấy trong tay thì gỗ lớn cỡ nào, thế đứng ra sao cũng cắt được tuốt. Phải kiếm một cái mới được, chắc chắn thế. Kiếm là kiếm tiền để mua, chứ trộm của bọn này với hắn không khó. Theo riết bọn chúng tới chỗ chúng giấu gỗ. Bọn này tinh vi đây, chúng thả mấy hộp gỗ xuống suối, đè mấy hòn đá lên rồi neo cái mảng nứa lại. Trên bờ ba, bốn vác nứa chưa kết thành mảng. Ai có đi qua đi lại cũng nghĩ là nứa đang được tập kết thôi; ở xứ đồng rừng này chẳng ai lấy, ai phá, có để cả tháng vẫn thế...
     - Mày tính làm bạn chèo cho ai?
     - Thằng Cát Cụt.
     - Nó lên đây từ bao giờ?
     - Hai hôm rồi.
     Thằng Cát Cụt thì lão Chày không lạ gì. Cũng đôi ba lần lão buôn bè cùng nó. Bề ngoài chất phác, tử tế mà xảo quyệt vô cùng. Xảo quyệt với đám kiểm lâm, thuế vụ thôi, chứ anh em trong hội thì rất đàng hoàng, sòng phẳng. Khi có lưng vốn, tách ra làm riêng, Cát Cụt nói:
     - Chia tay thì đàn em không có quà gì biếu lão làng cả, chỉ tặng mảnh giấy này thôi. Đây là bí mật, mong lão giấu kin.
    Mảnh giấy Cát Cụt đưa lão, có mất dòng như sau: "Cảm ơn lão đã chỉ bảo tận tình em cách thức đi bè từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Nay ra riêng em hiến lão làng kế này: Khi xin giấy phép khai thác thì nên xin vào tháng một, tháng hai. Như thế xin một lần đi được hai lần. Vì sao? Đi xong lần một, giấy phép cấp tháng một chẳng hạn, ta chỉ cần thêm vào con số một ở tháng cấp phép là được một cái giấy cấp phép tháng mười một. Chúc lão làng thành công và mong lão làng giúp đỡ khi em cần giúp đỡ. Em: Cát Cụt"
     Từ đó, lão thực hiện kế sách ấy, phất lên trông thấy. Xin đươc, hay nói đúng hơn là mua được cái giấy phép khai thác đâu phải dễ. Lâu không gặp nhưng nghe nó làm ăn khá lão cũng mừng, nghe đâu còn có quan hệ tốt với một xí nghiệp vận tải, tay giám đốc xí nghiệp cứ một anh Cát, hai anh Cát...Anh Cát mà hỏi là có phương tiện vận chuyển ngay. Có lẽ nó hơn lão ở chỗ đó, tre già măng mọc thôi...
     Khi Huy, Trọng Hói đến quán Hoàng Vẩu thì các món thịt cheo đã được chế biến bày biện tinh tươm. Hoàng Vẩu cắt miếng mật sơn dương cho vào can rượu lắc lắc. Món tiết canh cheo Hoàng Vẩu làm thật khéo, Trọng Hói nâng chén:
     - Mời mọi người, tiết canh ngon quá!
Huy không biết người cao lớn ngồi bên lão Chày là ai, đưa mắt có ý hỏi Hoàng Vẩu. Biết ý, Cường Gấu nâng chén mời mọi người, uống một hơi cạn rồi nói:
     - Anh Huy, anh Trọng không biết chứ lão Chày, Hoàng Vẩu không lạ gì tôi. Tôi là Cường Gấu, đối tượng các anh đang truy nã đây.
Huy nhìn Trọng Hói sững sờ, uống mấy chén rồi mà mặt Huy cứ tái đi. Nó dám ngồi uống rượu với mình thì quá lì, không thể coi thường được. Cường Gấu nói tiếp:
     - Các anh có bắt tôi thì nhậu xong hãy bắt. Hôm nay uống với các anh là thông báo để các anh biết, nếu không bắt tôi thì ngày mai tôi về xuôi có việc làm thì rửa tay gác rìu luôn, nhược bằng đói khổ quá lại lên ăn mày rừng vậy.
Lão Chày cười:
     - Tứ hải giai huynh đệ, mỗi người một công việc, một số kiếp, nào, ta cùng uống!
Huy chạm cốc với Cường Gấu:
     - Nghe tiếng đã lâu, giờ mới biết mặt. Ông đã nói thật thì tôi cũng nói thật luôn, chúng tôi chỉ được phép bắt ông khi có tang vật, còn bắt ông trong bữa nhậu như thế này thì chỉ có công an.
     Nhìn bộ dạng Cường Gấu, có súng chắc gì Huy, Trọng Hói bắt được nó. Minh Chột, Long Sẹo dù có bất ngờ cũng dính đòn nó đấy thôi. Nói là giữ thể diện của mình với lão Chày, Hoàng Vẩu, chứ nó dám đường hoàng xưng họ tên, uống rượu với mình thì nó không xem mình là đối thủ rồi.
     Uống chén rượu nữa, Cường Gấu cười cười:
     - Chẳng mấy khi được uống với nhà chức trách, tôi thú thật luôn, mấy cây lát đợt trước là do tôi trộm, trộm cho ai thì đó là việc của các anh, có bỏ vào vạc dầu nấu tôi cũng không khai, còn đợt này thì không nhé. Tôi nhờ ông nhắn lại với cặp anh chị công an vào đây nhậu với tay Thắng mà chủ quán đây gọi là sếp ấy, cái vụ giết người cướp thuốc phiện là băng thằng Kiểm Lác làm. Tôi làm lâm tặc thật nhưng giết ngươời cướp của là phải trừng trị. Điều tra kiểu ấy chỉ tốn tiền thuế của dân.
     Nhấc chén, cụng với mọi người trong bàn nhậu, hắn bảo:
     - Thôi, tôi chào mọi người, tôi đi để các ông ngon miệng. Có duyên thì sẽ gặp lại.
     Cường Gấu đi rồi, Trọng Hói uống ực chén rượu, lấy tay vuốt ngực:
     - Đúng là giang hồ thứ thiệt!

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

CHUYỆN NỌ XỌ CHUYỆN KIA (3)


1. Chúng tôi chơi thân với anh hồi anh còn làm trưởng phòng Giáo dục huyện. Giờ anh là trưởng phòng Nghiên cứu khoa học Sở. Vì thân quen nên nhiều lúc chúng tôi đùa giỡn anh hơi quá đà.
     Hè năm ấy, Sở tổ chức cho anh em hiệu trưởng, trưởng phòng đi tham quan, học tập ở Hà Nội. Đến thành phố Vinh, đoàn chúng tôi nghỉ ở khách sạn Kim Liên. Ăn tối xong, uống càfê nghe ca nhạc. Lâu lắm rồi tôi mới nghe lại bài dân ca "Giận thì giận mà thương thì thương" hay đến thế. Hay vì chất giọng Nghệ, hay vì ca sĩ thể hiện có hồn, duyên dáng. Bài dân ca vừa dứt thì anh ôm nguyên cả bó hoa sen chừng hai chục bông lên tặng và ôm hôn ca sĩ. Chuyện tặng hoa ai cũng có thể làm được song ôm hôn ca sĩ trước hàng trăm cặp mắt ở thời ấy chúng tôi cho là...dũng cảm, mặc dù đó là hành vi văn hóa. Tôi nói:
     - Mỗi bông hoa năm ngàn, cả bó hoa ấy mất hai bữa nhậu đấy, anh Ba.
     - Về quê mà sao Thắng tính toán thế, thưởng thức ca nhạc như thế này thì nhậu nào bằng.
     Mỗi lần về công tác tại trường anh bảo cứ về nhà tôi uống vài ly rượu cho tình cảm, quán sá chi cho tốn kém. Khi chúng tôi lên Sở họp, gặp anh bao giờ cũng hỏi thay cho lời chào:
     - Anh Ba, trời có mưa?
"Trời có mưa" nói lái là "trưa có mời?". Câu nói này có xuất xứ, nó là "tác phẩm" của anh Mười Thêm - phó Chủ tịch thị xã Sông Cầu. Anh Mười Thêm đã hỏi anh Tý - Giám đốc Sở Y tế nhân một buổi lên tỉnh công tác. Chuyện nói lái của anh mười Thêm có dịp tôi kể sau. Trở lại chuyện anh Ba, anh chưa kịp phản ứng hẹn địa điểm nhậu với chúng tôi thì bị "tấn công" tới tấp:
- Sở về trường đãi thịt cầy
Trường lên Sở hỏi chú mầy đi đâu,
Tỉnh về huyện đãi thịt trâu
Huyện lên tỉnh hỏi đi đâu chú mày...
     Chọc anh vậy thôi, chứ mỗi cuộc họp ở Sở mà mời nhậu thì nguyên tháng lương không đủ. Nhân lúc thưa người, Chừng - hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, nay chuyển sang làm trưởng phòng giáo dục huyện, nói:
     - Trưa nay anh Ba đi nhậu với em và hai Thắng nhé!
     - Ở đâu?
     - Xuống bờ kè cho nó mát.
     - Được, nhất trí.
Giờ gỉải lao, anh bảo với tôi:
     - Thắng nói với Chừng chuyển địa điểm nhậu, quán Hương Xuân nhé.
     - Sao vậy anh Ba?
     - Ở đó không ký nợ được (!)
     Bày chuyện nhậu là để anh em tâm sự, trêu chọc nhau cho vui. Chúng tôi mời anh nhậu nhưng chưa bao giờ ở địa bàn thành phố anh để chúng tôi thanh toán. "Rừng nào cọp nấy", cái triết lý của anh không biết đúng chỗ nào chứ hóa đơn ghi nợ cứ dài theo năm tháng. Cũng may chị vợ biết sẻ chia, thông cảm chứ không thì không biết ra sao nữa. Với anh, tình cảm là quý, tiền bạc là vật ngoài thân. Biết anh là vậy mà mỗi khi lên Sở họp không gọi anh đi nhậu lại cảm thấy thiếu thiếu, chúng tôi nghĩ mãi mà chưa ra cách gải quyết vòng luẩn quẩn ấy đành chậc lưỡi...thôi kệ, rồi cụng ly côm cốp và rang ngô!
     2. Hồi chưa làm công tác quản lý, thỉnh thoảng tôi cũng chơi bi-a với anh em trong trường. Tôi ít chơi vì không có thời gian, không có tiền. Tôi nghĩ đã chơi là phải thoải mái, chơi để tìm niềm vui, giải stress, do đó, đã chơi thì không so đo tính toán.
     Hồi chưa biết chơi bi-a, tôi nghĩ cái trò ấy có gì hay đâu. Thế rồi khi cầm cơ biết "sơn", biết "kéo", biết "a băng" lại đâm ra ghiền. Mình làm thầy còn vậy huống chi trò.
     Trường tôi có một thầy, tạm gọi thầy X cho khỏi mất lòng, râu ria, tăng tướng lắm, cứ rảnh là ôm bàn bi-a tập luyện. Hễ có đối thủ là chơi. Được cái chơi độ đàng hoàng, ai thua chỉ trả tiền giờ, chai nước suối, thế thôi. Có lần, không biết hứng chí lên hay sao lại đánh độ cả thùng bia cho anh em uống để hai bên cùng "thật tình cố gắng hết sức". Lần ấy, anh X thua. Bia uống còn vài lon, anh kêu chủ quán tính tiền. Cầm hóa đơn trong tay, xem qua xem lại, đưa mấy lon bia cuối cùng cho đối thủ, anh em "cổ động viên":
     - Đây, bia đây, mấy ông uống đi, sữa con tui đó!
Nói rồi, ngồi phệt xuống sàn, tựa lưng vào chân bàn bi-a, òa khóc. Chúng tôi lúc ấy không biết làm sao, thôi thì tất cả móc túi, có đồng nào đỡ đồng ấy, góp vào vậy. Tưởng rằng sau vụ đó anh bỏ chơi, nhưng chỉ được tuần lễ lại thấy cầm cơ, "gặp ai củng hỏi, gặp ai cũng chào". Đối thủ nào ế độ, hăng lắm, thi đấu với anh cũng ra điều kiện: "Nước khoáng thôi nhé!"
     Sau cái vụ ấy chừng một năm, anh xin chuyển công tác cho vợ. Ông thủ trưởng cơ quan mới của vợ đồng ý nhận. Anh bảo vợ mua ít quà cáp gì đó biếu, chị vợ gạt đi, bảo; "Anh ấy là ông anh, bà con phía má". Anh hỏi bà con ra sao, chị vợ không giải thích được. Nghĩ người ta giúp mình như thế không có miếng nước không đành. Thế rồi giấu vợ, tiết kiệm để mời thủ trưởng vợ "một trận hoành tráng", gọi là cảm ơn.
     Thế rồi cũng có dịp mời được sếp vợ đi nhậu, nói kín một tí, có cả tiếp viên chân dài chăm sóc. Cuộc vui ngắn chẳng tày gang, ông thủ trưởng bảo "ta nghỉ được rồi nhỉ", nằn nì sếp chơi thêm chút nữa, sếp hẹn "để lúc khác". Anh ra đi ra thanh toán chưa được vài phút, tay xách giày, mặt không còn hột máu, hớt hơ hớt hải chạy vào:
     - Chết rồi sếp ơi...cảnh cáo...
Sếp vội đứng dậy, tái mặt:
     - Cái gì cảnh cáo, ai cảnh cáo?
Anh giở miếng lót đế giày, một mảnh giấy bằng hai ngón tay có ghi hai chữ CẢNH CÁO, nét chữ vợ anh. Thì ra anh giấu tiền dưới miếng lót đế giày mà vợ cũng biết. Hiểu chuyện, sếp vợ anh bảo:
     - Thế mà cậu làm tớ hết hồn, cứ tưởng công an hay công an tóc dài!
     Mở bóp, rút tiền đưa cho anh thanh toán, sếp nhắc nhẹ:
     - Sau này trước khi đi kiểm tra kỹ nhé!
   3. Mỗi người có một thú vui, cao hơn một bậc là đam mê. Nhưng có lẽ là đàn ông khi không làm chủ được gia đình thì đừng nên đam mê cái gì cả, trừ một số điều làm theo ý vợ mà mình thích.
     Chuyện tôi kể đây, phải là người cỡ từ bốn lăm tuổi trở lên ở xã XB mới biết. Chuyện không có gì là to tát, nhưng hồi ấy, nghe xong đúng là... vừa tức vừa cười.
     Gia đình ông Thừa Ngôn đông con, chị vợ buôn bán ở chợ; còn ông, buổi sáng sớm và xế trưa kéo hàng cho vợ, thời gian còn lại làm mấy sào ruộng cạnh nhà. Rảnh chút nào là chăm sóc con cu cườm. Con cu cườm của ông gù rất hay, ai trả giá bao nhiêu cũng không bán.
     Một ngày đầu hè, như thường lệ ông kéo hàng cho vợ. Không biết ế hàng hay sao mà hôm ấy chị vợ về sớm hơn, ông dọn hàng về sau.
     Kéo được xe hàng về nhà, mồ hôi đầm đìa, ông lau mặt bằng cách quệt một cái vào ống tay trái, quệt một cái vào ống tay phải, thế là xong. Cầm cây sào, ông nhấc lồng chim từ cây vú sữa xuống. Không tin vào mắt mình, ông la lớn, lạc cả giọng:
     - Đứa nào...đứa nào...nhổ lông cu của tao...?
Lúc ấy, chị vợ bước ra trước cửa bếp, tay còn cầm đũa cả, chống nạnh:
     - Tui đó, có làm sao không!
     Nhìn bộ dạng bà vợ, ông hạ giọng mà cục nấc cứ nghẹ ngang cổ họng:
     - À... không sao... trời nam nắng vặt lông cho nó mát (!)

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Dẫu rằng...


Dẫu rằng em đã xa tôi
Bỗng dưng gặp lại, bồi hồi con tim
Bóng tôi trong mắt em nhìn
Nửa thương hại nửa van xin điều gì...

Dẫu rằng tôi chẳng còn chi
Con tim chẳng thể "thế thì thì thôi"
Nụ cười vẫn nở trên môi
Mà sao em lại xa xôi tấm lòng?

Dẫu em con bế con bồng
Mà sao tôi vẫn như không thấy gì?
Đôi môi, đôi mắt, hàng mi
Thời gian trôi nét xuân thì chẳng trôi!. . .

Để rồi gặp lại người ơi
Dẫu rằng em...dẫu rằng tôi...dẫu rằng... 

LÂM TẶC


CHƯƠNG XXIII

Ông Tám Cá vừa giăng xong rường câu thì nghe tiếng gọi:
     - Thống lĩnh, thống lĩnh cho cha con tôi sang với!
Tiếng già Bân. Ở vùng này chỉ cha con già Bân gọi ông Tám Cá là "thống lĩnh". Có lần, ông Tám Cá bảo:
     - Già cứ gọi là thằng Tám cho thân mật, với lại thời này là thời nào rồi mà già cứ gọi theo cách ngày xưa!
     - Không được, giấy rách phải giữ lấy lề, dù ngày nay xã hội có thay đổi nhưng dòng họ tôi vẫn muôn đời là tôi trung nhà chúa!
     Như lời già Bân, khi chúa Bầu lập nghiệp, ông tổ dòng dõi già là đầu lĩnh bảo vệ chúa, đã lập lời nguyền đời này nối tiếp đời khác mãi mãi trung thành. Gia pháp dòng họ bắt buộc con trai mười tám tuổi phải tinh thông quyền cước, binh khí, ba mươi lăm tuổi phải học hết các phương thuốc chữa bệnh gia truyền. Vì thế, khắp vùng Hà - Tuyên này, không ai không biết dòng họ Vi ở Yên Sơn.
     Thuyền ông Tám Cá vừa cập bờ, già Bân đã lên tiếng:
     - Tức quá đi, thống lĩnh à, không biết bọn nào chặt tiệt kim giao, cau rừng từ Hóc Khe Tó đến Trám Đen!
     - Chúng phá lâu chưa?
     - Mới ba bốn ngày nay thôi, tuần trước tôi và thằng con đi lấy thuốc còn nguyên.
     Nguyên Mạnh, con trai già Bân, giữ thuyền cho cha bước lên, cố nén bực tức mà giọng nói không thể rành rọt:
     - Chúng ác quá, thưa thống lĩnh. Kim giao chúng chỉ lấy khúc gốc thôi, để cành và nhánh lại. Cau rừng già non chúng chặt hết. Con tính bàn với cha lấy lại cành và ngọn kim giao, sấy khô để dành, nhưng nghĩ đi nghĩ lại làm thế cũng dùng được tối đa hai năm, dùng có nhiều lắm đi nữa cũng hết chừng hai vác; sau này biết kiếm ở đâu đây.
     - Chuyện cũng đã rồi, có bực tức thì cũng không làm cây cối sống lại được, giờ trở đi những cây thuốc quý mình cố gắng trồng may ra mới bảo tồn được.
     - Thống lĩnh nói phải, cha con tôi sẽ bảo con cháu trong dòng họ thực hiện ngay, trước tiên trồng trên đất thống lĩnh đã nhé.
     - Chỗ nào hợp với loại cây nào thì trồng cây ấy. Tôi tính giao đất cho anh em thằng Quân, mình không có gì thì cho nó chút đất lập nghiệp.
     - Thống lĩnh tính giao hết hay sao?
     - Không, sức anh em nó tới đâu giao tới đó.
     - Thế công việc ở xưởng mộc?
     - Giao thằng Quân, thằng Ngọc rồi.
     - Tôi tính ba hôm nữa đưa mấy đứa sang đắp nền, hôm ấy nhất thiết thống lĩnh phải ở trại đấy. À mà hai con trâu thằng Quân hỏi, nó làm vào việc gì?
Ông Tám Cá cười:
     - Chút nữa xuống trại già biết thôi.
     Nguyên Mạnh chèo thuyền, cái dáng chèo y hệt thằng Quân, vững vàng mà khoan thai. Khuôn mặt anh giống già Bân, cũng đôi mắt phượng ngủ hơi xếch, mày đậm, cằm vuông.
     - Thống lĩnh à, đợt này sang đắp nền tôi tính truyền cho thằng Quân đường roi Lôi phong và độc chiêu Cầm nã.
     - Sao truyền cho nó, gia pháp họ Vi chỉ truyền cho ngành trưởng dòng tộc thôi kia mà?
     - Tôi nghĩ kỹ rồi, nó sẽ là con rể thống lĩnh, truyền cho nó là không sai. Nó ở bên thống lĩnh như thay chúng tôi bảo vệ thống lĩnh vậy.
     Già Bân đã nói là làm. Có những việc trong gia đình ông, ông chưa quyết thì già Bân đã quyết. Mấy hôm trước, mới hỏi già Bân tìm mua hai con trâu thì hôm sau già đã sai người mang trâu đến. Cặp trâu đực rất đẹp, đầu gồ, bụng thon, mắt có thần và đặc biệt là sừng và móng đen bóng. Cặp trâu đang độ trưởng thành, mấy người dưới Thủy Nguyên, Hải Phòng nằn nì trả giá cao gấp ba bình thường mà già không bán. "Có trả gấp mười tao cũng không bán. Tụi bây mua về để giết chứ gì."- già Bân nói với mấy người lái trâu. Rồi già đe con cháu: "Giống trâu này nhà chúa tuyển chọn từ ngày xưa, kéo gỗ, cày ruộng rất tốt mà chăn dắt lại dễ, thả trong rừng hổ cũng không làm gì được. Bán cho bọn chúng, bọn chúng đem về nuôi trâu chọi, trâu thắng, trâu thua đều giết thịt hết. Tao nghe cụ kỵ xưa kể lại cái tục lệ này do bọn Tàu xui, mục đích của nó là triệt lần sức kéo, triệt hết giống trâu tốt. Như thế chúng làm hại cả dân tộc mà mấy người hiểu biết. Sau này, tao có chết, dòng họ lỡ có mạt, có bán trâu cho thương lái dưới xuôi chỉ được bán trâu cái, nghe chưa. . ."
     Tới cửa suối Lồ, ba người gặp Ngọc Râu, Dũng Nheo đang chống năm mảng nứa chồng lên nhau xuôi dòng. Chưa nghe dứt tiếng chào, gật đầu, già Bân hỏi:
     - Thằng Quân có ở dưới nhà bè không?
     - Dạ, đang cùng Nam Cuội đi kéo nứa cho lâm trường.
Ngọc Râu đáp.
     - Sao lại kéo nứa cho lâm trường?
     - Bọn con khai thác nứa cho lâm trường ăn chia sản phẩm.
     - Chút nữa cháu mày lên thay, bảo thằng Quân về có chút việc.
     Đến nhà bè già Bân ngạc nhiên vì số lượng nứa của anh em Quân, toàn nứa mười, vừa già vừa thẳng, "chẳng khác chi bãi nứa dưới nhà máy", già Bân trầm trồ. Ông Tám Cá kể việc Quân nói mua trâu là để dùng vào việc này và sắp tới sẽ  là kéo đá từ chân núi ra để xây móng, kéo gỗ lũa dưới sông lên. . .Xuống khu đất ông Tám Cá cho phát dọn để làm xưởng mộc đã có một ngôi nhà gần hoàn chỉnh, đòn tay đã lên nhưng chưa gác đòn dông, ba mặt dừng phên chắc chắn, trừ lại mặt trước. Cạnh đấy là đống tranh nứa sắp sẵn...Ông Tám Cá nói với già Bân:
     - Ngôi nhà này anh em nó tranh thủ làm buổi trưa, buổi tối cho vợ chồng Ngọc. Mấy đứa chưa gác đòn dông, trổ cửa là tính nhờ già coi ngày.
Già Bân cười, nói:
     - Chúng nó chẳng khác chi anh em ruột, biết bao bọc, che chở nhau như thế chắc chắn sẽ khá.
     - Mấy đứa tính làm nhà ở đây vừa tiện cho việc trông coi xưởng vừa tiện buôn bán cho vợ chồng Ngọc.
     - Thế thống lĩnh cho đất vợ chồng thằng Nam, thằng Dũng chỗ nào?
     - Trên cửa suối Lồ một đoạn, cái mảnh giáp lâm trường ấy.
     - Mảnh đất đẹp đấy, lại có con suối nhỏ nữa, thuận tiện nước nôi lắm.
     - Thằng Quân bảo sau này sẽ đắp một con đập nhỏ chắn ngang dòng suối làm hồ nuôi cá. Hồ nuôi cá có nước ra nước vào cá nhanh lớn mà ít tốn thức ăn.
     - Cái thằng nhìn đâu cũng thấy việc, giỏi quá!
Ông Tám Cá thở dài:
     - Tôi làm lỡ việc anh em nó mà anh em nó không một mảy may than vãn, lại còn xem tôi như người cưu mang nữa chứ. Hồi mới lên, nghe lời thằng Trí Vịt, tôi bảo anh em nó làm công nhân lâm trường. Tôi vô tâm quá, có biết lâm trường trả công bao nhiêu đâu. Khi anh em nó nghỉ việc, con Man Hoa nói lại, mình hối hận cũng đã muộn.
     - Thống lĩnh nói vậy không đúng, nào cho đất, tạo công ăn việc làm thế chẳng không cưu mang?
     - Cái đó chỉ là trách nhiệm thôi, tôi hối hận là cứ tin vào cái mác "nhà nước", trong suy nghĩ của tôi cái gì thuộc về nhà nước vẫn hơn. Anh em nó nghe tôi vì thằng Quân nể tôi, không muốn làm tôi buồn.
     Già Bân im lặng như chia sẻ điều ông Tám Cá nói; còn ông Tám Cá thấm thía câu tục ngữ: "Một người lo bằng cả kho người làm". Bình thường, với khu rừng của lâm trường, mỗi người chặt nứa kéo về bãi được bốn bó, vị chi mười hai cây một ngày. Công chặt không đáng kể, công kéo nứa mới gian nan, xuống dốc không nói làm gì chứ lên dốc muốn đứt cả ruột. Mồ hôi đầm đìa, mà cứ hễ mồ hôi ra nhiều là thế nào cũng bị ruồi vàng đốt. Còn anh em thằng Quân cứ đốn xong chục bụi nứa thì ba đứa lựa cho mình, hai đứa gom cho lâm trường rồi đóng thành mảng. Mỗi mảng hai mươi cây, bảy cây ở dưới, hai lớp trên mỗi lớp sáu cây. Mổ lỗ đầu gốc, chặt cây săng bằng ngón tay cái luồn qua, chồng lên...Khi kéo gác lên nhánh cây chữ V, buộc thanh đỡ ngang bằng cổ tay, tròng dây kiểu số tám, siết lại; giữa số tám móc vào lủng lẳng dây chão,  rồi cứ thế dắt trâu đi. Hai chục cây nứa với con trâu mộng chẳng khác nào người ta cầm cây thước thợ may. Thấy sản lượng anh em Quân làm có mấy ngày mà hơn cả lâm trường, thằng Trí Vịt nói với Minh Chột: "Phải tính lại thôi anh ạ, tỷ lệ ba phần tư chúng nó lời quá". Minh Chột chửi: "Mẹ kiếp! Không có tụi nó làm như thế liệu có nứa giao cho nhà máy không? Liệu có đất trồng rừng không?"...Chiều hôm qua, vừa mới lên anh em lão Chày đặt cọc mua nứa anh em Quân rồi bảo có rảnh làm thêm gỗ, bao nhiêu cũng mua hết. Chỉ tiền đặt cọc thôi cũng bằng tiền lương mấy tháng của anh em nó làm công nhân lâm trường. Nhận tiền cọc Quân nói: "Để trả tiền trâu cho già Bân, nếu già cho mượn thì phải tính tiền sức kéo theo tỷ lệ...". Cái thằng việc gì cũng chu đáo quá, có trước, có sau. Có được đứa con rể như vậy không cần gì thêm nữa. . .
     Quân về tới nhà bè thì cũng là lúc Huy và Ngàn đi ca nô tới, thành ra già Bân chưa bàn việc cất xưởng mộc với Quân được. Với vẻ mặt ỉu xìu, Huy nói:
     - Gay quá, anh Tám, dạo này lâm tặc lộng hành quá. Tôi chở anh Ngàn sang đây là nhờ anh, già Bân phối hợp trong việc bảo vệ rừng.
     - Có chuyện gì à?
Ông Tám Cá hỏi.
     - Từ Hóc Khe Tó đến rừng Trám Đen, kim giao và cau rừng bọn chúng khai thác hết.
     - Chuyện ấy chúng tôi biết rồi.
 Già Bân lên tiếng.
     - Mấy cây lát còn lại của lâm trường Bình minh cũng bị mất sạch rồi.
Già Bân, ông Tám Cá đưa mắt nhìn nhau như dò hỏi thì Huy tiếp tục:
     - Chưa hết, hôm qua chúng tôi đi tuần rừng thì phát hiện chúng chặt gỗ đốt than bất kể gỗ nhóm nào.
     - Mấy cây gỗ lát mất lúc nào? Tuần trước sang bên này đi lấy thuốc tôi còn thấy ngọn cây ấy mà.
Huy trả lời già Bân:
     - Bây giờ một số cây vẫn còn ngọn. Bọn chúng cưa bằng cưa máy, khoét lấy hộp gỗ, trừ bìa hai bên lại.
     - Thế cây không gãy sao?
     - Bọn chúng chống cây như giàn giáo.
Im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Lát sau, ông Tám Cá hỏi Quân:
     - Có phải chúng dùng cưa máy, loại  cưa như hôm trước con và sếp Kim nói phải không?
     - Con nghĩ như vậy.
Ngàn hỏi ông Tám Cá:
     - Lâu nay chú có thấy người lạ mặt qua lại trên đoạn sông này không?
     - Không thấy, à mà có, cách đây mấy bữa có bốn đứa xuôi về thị xã trên một cái mảng.
     - Có đứa nào cao lớn, lưng hơi gù không?
     - Không có.
     Quân nghĩ bọn trộm gỗ lấy cưa máy ở đâu ra nhỉ. Tháng trước sếp Kim có nói là trang bị cho các lâm trường nhưng không biết đã trang bị chưa? Có loại cưa ấy trong tay lâm tặc thì mức độ tàn phá rừng nhanh gấy mười mấy lần hiện tại. Rừng mất thì hậu quả khôn lường. Sao nhà nước lại không giao rừng cho dân nhỉ? Chỉ cần mỗi gia đình quản lý vài ba chục ha thì rừng không thể mất khi họ có quyền lợi trong đó. Như đất của "cha" đấy thôi, biết bao nhiêu ha mà có mất gì đâu. Khi rừng là của chung thì mấy ai bảo vệ, cứ trộm được là trộm, phá được là cứ phá chứ nói gì đến chăm sóc. Một trạm kiểm lâm của Huy biên chế lèo tèo mấy người mà có khi nào đủ số vì  thay nhau nghỉ việc riêng, Huy không quản thì ai quản? Có lúc cho nhân viên nghỉ dài dài để dễ làm chuyện bậy bạ hơn, dễ kiếm chác hơn. Năm thì mười họa Huy, Trọng Hói mới tuần rừng, mà thực tế cứ ngồi trên ca nô chạy lên chạy xuống mà thôi. . .
     - Con có suy nghĩ gì mà đăm chiêu vậy Quân?
     - Con nghĩ thế này già xem có đúng không nhé, nếu để rừng không bị mất thì giao cho dân.
     - Thế là đem tài sản tập thể giao cho cá nhân à?
Ông Tám Cá hỏi.
     - Dạ, cũng như nhà nước thuê người giữ rừng thôi. Giao cho họ rồi quy định loại nào được khai thác, số lượng khai thác bao nhiêu, bán lại cho nhà nước chẳng hạn, giá cả như thế nào là hợp lý...Như vậy nhà nước có tiền, dân có tiền và rừng mãi mãi còn.
Ngàn nói:
     - Ý kiến anh Quân tôi thấy có lý. Công việc của lâm trường, kiểm lâm mà giờ đây công an bọn tôi cũng phải vào cuộc trong khi không biết bao nhiêu vụ việc chưa kịp làm.
Già Bân cười:
     - Cái thằng Quân nói gì cũng trúng, làm được như vậy thì thằng Huy nằm võng hút thuốc thôi.
     - Được như thế thì còn gì bằng, cái chính là ở cấp trên.
     - Thì mình đề xuất lên cấp trên. Hôm nào xuống dưới ấy gặp mấy ông trên tỉnh tôi hỏi thử xem.
     - Tôi nói không ai nghe chứ anh Tám nói chắc mấy ổng nghe.
     - Từ khi nghe cho đến khi làm thì có khi không còn rừng nữa để mà giao.
     - Anh Tám nói đúng, nhà nước ta từ nghị quyết đến thực hiện là quãng thời gian rất dài, chậm là do cơ chế. Thôi, giờ Ngàn ở đây làm việc, tôi lên lâm trường xem vụ mất gỗ mấy ổng biết chưa.
Huy nổ máy ca nô, ông Tám Cá nói:
     - Chút nữa về nhậu nghen.
     - Cái gì chứ anh Tám bảo nhậu là nhất trí hai tay.
     Huy đi rồi, ông Tám Cá mở dây buộc thuyền, nói với Ngàn:
     - Chú đi gỡ câu kiếm ít mồi nhậu, có gì cứ bàn bạc với cha con già Bân, thằng Quân là được.

    

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XXII

Cường Gấu buộc hòn đá bằng nắm tay vào sợi dây dù, quay quay mấy vòng rồi vụt mạnh. Hòn đá kéo sợi dây bay lên, vượt qua nhánh cây, hắn lắc nhẹ một cái, theo quán tính, đang vòng qua nhánh cây, có lực tác động nhẹ, hòn đá bay xéo như người ta thắt nút vòng do. Giật mạnh một cái, hòn đá trượt lại tạo thành nút buộc chắc chắn. Bám sợi dây hắn từ từ leo lên. Bằng cách ấy hắn dần tiếp cận được con đường bầy sơn dương di chuyển. Chọn được vị trí thích hợp, hắn thả sợi dây xuống để thằng Cư buộc vào nòng súng rồi kéo lên. Nhai củ tỏi, lấy bả xoa khắp súng hắn yên lặng nằm  chờ. Nhìn bóng nắng chiếu ngang sườn núi, hắn độ cũng phải gần hai tiếng nữa đàn sơn dương mới quay về. Thời gian dư dã cho hắn làm cái lúp và chọn đá bệ tì. Hắn tin tưởng vào tay súng của mình nhưng bắn có bệ tì vẫn chắc ăn hơn.
     Trong khi Cường Gấu phục giữa lưng chừng vách đá thì Cư, Bảy tranh thủ vót đũa dưới suối. Lấy hòn đá suối mài cho chiếc đũa lên nước, thằng Bảy nói:
     - Kể cũng tiếc mày nhỉ, một gốc kim giao chừng được năm sáu đôi đũa mà phải bỏ lại cơ man nào là cành, là nhánh.
     - Coi như khu rừng này tiệt luôn. Muốn tìm lại phải ba mươi năm sau.
     - Kim giao có thể còn sót chút ít chứ cau rừng mới là tiệt. Nhiều lúc tưởng là già mà chẻ ra lại non. Tao nghe nói cau rừng phải mười lăm năm trở lên hạt mới mọc được mầm.
     - Tao phải nói với đại ca để lại mỗi đứa hai đôi đũa làm kỷ niệm. Con mẹ nó, ít ra mình cũng bằng đại gia ở chỗ dùng đũa chứ!
     - Xì, bày đặt, có bữa mày ăn bốc đó thôi.
     - Thì tao nói để kỷ niệm mà lại.
Nói thì nói vậy thôi chứ kỷ với niệm gì. nhà nó và nhà thằng Bảy hoàn cảnh khác nhau nhưng giống nhau một chữ nghèo. Nghèo do cha ông nghèo, nghèo do vận hạn tai bay vạ gió. Đã nhiều lúc cả nhà nó, nhà thằng Bảy suốt tuần không có hạt gạo, đói vàng mắt. Từ khi theo đại ca Cường Gấu có khấm khá hơn tí đỉnh nhưng đối mặt với hiểm nguy, tù tội nhiều hơn. Của rừng ai lấy được cứ lấy sao lại cấm đoán chuyện này, chuyện kia, nhiều lúc không biết đâu mà lần. Cấm săn thú mà mấy đứa kiểm lâm cũng săn đấy thôi. Cấm chặt gỗ mà thằng phó giám đốc lâm trường thuê tụi hắn chặt đấy thôi. Không biết tụi hắn lấy đũa có vi phạm điều cấm kỵ gì không nữa mà vẫn phải lén lén lút lút. Nhiều lúc hắn nghĩ điều cấm là để cho dân đen như hắn thực hiện chứ đâu tới lượt quan chức.
     - Mày nghĩ gì thế, còn thuốc không?
     - Còn đây, mà đại ca dặn không được hút, thôi nhịn chút đi. Tao nghĩ sao cấm mà thằng Trí Vịt lại giao súng cho đại ca? Thằng Bảy trả lời.
     - Ngu bỏ mẹ, cấm là cấm chung thôi. Hàng độc mới có giá.
     - Kẻ ăn không hết, người lần không ra. Cái hồi con vợ tao bị ốm thập tử nhất sinh, tao mua hai lạng thịt bò nấu cháo cho nó, nó thều thào tao học đâu cái thói hoang phí; nợ nần một đống mà không biết chắt chiu, lỡ mua rồi thì nấu cháo cho con bé, bà cụ.
     - Có phải sau cái vụ đó bà cụ mày mất không?
Thằng Bảy thở dài:
     - Con vợ tao thương mẹ tao mà hóa ra giết bà. Mày tính quanh năm không có tí thịt, đến khi ăn vào bụng không quen, kêu ách ách rồi tháo dạ. Tao không biết làm sao, con vợ tao nói "gừng", lúc đó tao mới nhớ là giã gừng pha nước ấm, vừa pha xong chưa kịp cho bà cụ uống thì bà ra đi. Không biết có phải bà phù hộ không mà con vợ tao khỏe lại. Bà con hỏi thăm, nó khóc kể: "giá như nó ăn thịt bò". . .
     - Thôi, con người có số, bà cụ mày chết như vậy là chết no, con cháu sau này khỏi đói khổ, tao nghe các cụ bảo thế.
     - Sau này thì tao không biết. Chôn cất bà cụ xong, con vợ tao bảo với tao đời này mình chịu khổ nhưng dứt khoát phải có vốn liếng cho con. Nó bảo chừng nào chưa có cái nhà ngói, chưa có năm tạ thóc để dành trở lên thì không sinh thêm đứa con nào nữa hết.
     - Kể ra thì bươn chải dăm ba năm nữa cũng có thể có thể làm được cái nhà nhưng dạo này tao có cảm giác lo lo sao ấy. Hình như đang có chuyện gì đó nên đại ca bảo sau vụ này mình về còn gì.
     - Ở xứ đồng rừng này có sức dễ làm ra tiền. Không có vụ đốn gỗ lát thì làm hợp đồng với lâm trường thằng Trí Vịt cũng đỡ.
     Một tiếng súng nổ phá tan bầu không khí âm u, hoang vắng đại ngàn.
     - Đại ca bắn rồi, mày cho tao điếu thuốc.
Hai đứa châm thuốc rồi đi về phía tiếng súng. Vừa tới, Cường Gấu bảo:
     - Thằng Cư lấy tấm ni lông trải ra cho tao, một tấm thôi đấy, cẩn thận kẻo rách.
Nói rôi hắn ra hiệu bảo cho Bảy cùng tới chỗ con sơn dương.
     - Mày kéo cái chân sau lên cho tao.
Hắn dùng con dao Mẹo rạch bụng con sơn dương từ phía chân lên ngực. Gần đến ngực hắn thọc mạnh lưỡi dao rồi đưa bàn tay trái vào nâng da bụng cho căng ra, dùng một phần ba lưỡi dao phía trong đẩy xuống. Xong xuôi, hắn kéo ra cái bọc. Một con sơn dương con đang chòi đạp. Xé cái bọc, vuốt cho sạch nước nhớt, máu, đem đặt vào tấm ni lông, Cường Gấu cười:
     - Mẹ kiếp, con sơn dương đực, hàng chất lượng khỏi chê!
Khoác khẩu súng lên vai, túm tấm ni lông lại, hắn bảo:
     - Hai thằng khiêng được bao nhiêu thì khiêng nhưng tuyệt đối không được bỏ lại bốn cái chân, cái đuôi và miếng da gáy. Tao về lán trước để xử lý hàng.
     Theo lời dặn của Cường Gấu, Khoa làm sẵn cái bàn cây. Đặt con sơn dương lên bàn, hắn bảo Khoa đem rượu ra cho hắn rồi xuống suối giặt tấm ni lông phơi cho ráo nước. Hắn múc từng chén rượu được tiện bằng ống nứa sáu đổ lên mình con sơn dương đến đâu vuốt tới đấy. Xong bên này lật sang bên kia rồi xếp nó nằm với tư thế thu chân về bụng. Nó làm xong thì thằng Bảy, thằng Cư gánh thịt về.
     - Nặng quá đại ca, dễ đến tạ.
     - Tao bảo gánh được bao nhiêu thì gánh, tham gì thế.
     - Bỏ đi tiếc quá. Thằng Bảy nói.
Lấy con dao cắt cái đuôi, bốn cái chân, lóc một tảng thịt lớn, Cường Gấu bảo:
     - Đem ném xuống suối cho tao!
Tằng Cư ngơ ngác, không hiểu, Cường Gấu nói:
     - Ném xuống suối, lấy hòn đá đè lên. Làm như thế để cho nó tươi, biết không.
Đợi Cư, Bảy làm xong việc, Cường Gấu bảo:
     - Thằng Bảy đem cái sọt ra đây.
Cường Gấu lót hai tấm ni lông vào sọt, bỏ con sơn dương cùng chân, đuôi vào, đổ ngập rượu, cắt một đoạn dây dù buộc chặt lại, rồi nhấc lên, vuốt phần dư xuống, buộc lần nữa dưới đáy, nhẹ nhàng bỏ vào sọt.
     - Hà hà...tạm thời thế đã. Trước lúc đi thằng Cư chặt cây chuối, bóc bẹ lót vào là yên tâm. Thôi giờ tụi mày nướng thịt, lam cơm đi, tao ngủ cái. Hú gọi thằng Trường đi, tối rồi.
     Thằng Khoa cắt tảng thịt thành từng miếng lớn hơn nắm tay, mỗi miếng xỏ vào một sợi lạt treo trên ngọn lửa đốt cơm lam. Nó giảng gải cho thằng Bảy:
     - Nướng thịt có nhiều cách nhưng cách nướng ngon nhất là miếng thịt lớn để cách than hồng khoảng gang tay rưỡi, sao cho mỡ thịt nhỏ xuống, lửa bùng lên, ngọn lửa không tới miếng thịt là được. Khi nào thấy nước trong chảy ra l;à chín. Hồi ở nhà tao nướng thịt lợn ba chỉ kiểu ấy đãi bố vợ, ông hỏi thịt gì, tao bảo thịt lợn rừng, ổng tin sái cổ.
     - Nướng vậy lâu quá, tao thì tao thích nướng xiên lụi, mau hơn. Chúng mày dân ngu cu đen mà cứ học đòi đại gia không à.
     - Tao hỏi mày, như giờ đây đi đâu mà vội, có thời gian thì phải biết thưởng thức đời chứ?
Thằng Bảy xoay xoay ống cơm lam, nó nghĩ nói như thằng Khoa cũng đúng. Phú quý sinh lễ nghĩa. Cứ như nhà nó, có chút thịt kho hay bằm nấu canh đã là may. Nhiều lúc có chút thịt lại thiếu hành, nồi thịt kho thiếu màu, trắng phếu mà có ai chê đâu. Có thịt là ngon rồi, nói chi phải bài bản, đầy đủ gia vị. Đi ra ngoài, lang bạt nơi này chốn kia đôi lúc cũng thưởng thức món ngon mà khi nuốt cổ họng cứ đăng đắng. Chưa khi nào ăn cơm có miếng thịt mà hắn không nghĩ về mẹ, về vợ con...
     Đùng...ùng...than tro bay tung tóe, thằng Cư, thằng Bảy ngã vật ra sau, thằng Khoa ôm mặt lăn mấy vòng. Thằng Trường đang giặt áo ở dưới suối la:
     - Lựu đạn!
Cường Gấu bật khỏi võng, chụp khẩu súng lên đạn, nhìn xung quanh. Thằng Khoa ôm mặt, máu chảy qua kẽ tay.
     - Mày buông ra tao coi!
Một vết xước ngang gò má. Nó bẻ điếu thuốc rịt vào.
     - Mẹ kiếp! La gì mà la, giữ chặt chút xíu là cầm máu thôi.
Mấy đứa đứng dậy, lượm ống cơm, xâu thịt. Thằng Trường hỏi:
     - Sao lại có lựu đạn ở đây nhỉ?
Cường Gấu cười:
     - Lựu đạn cái con khỉ. Đứa nào đặt ông táo?
     - Em, đại ca.
Thằng Cư lên tiếng.
     - Mày lấy đá ở đâu?
     - Ở dưới suối.
     - Đá nổ đấy, chứ lựu đạn thì chết mẹ chúng mày rồi. Bài học đấy. Sau này lấy đá làm ông táo không được lấy đá ở dưới suối, ven suối. Loại đá ấy tích nước ở bên trong, bên ngoài bị đốt nóng là nổ thôi.
Thằng Cư cười:
     - Mặt thằng Khoa có sẹo trông cô hồn hơn. Mày có đi đâu một mình cũng không thằng nào bắt nạt.
     - Mày muốn, tao rạch cho vài nhát để thành anh chị có số má.
Cường Gấu nạt:
     - Tụi mày im cái mồm lại. Ăn xong là ra rừng luôn!
     - Không để sớm mai sao đại ca? Thằng Trường lên tiếng.
     - Tránh bọn kiểm lâm vẫn hơn. Từ hôm ở quán Hoàng Vẩu tao nghi tụi nó đang giăng lưới. Mẹ cha cái thằng Kiểm Lác, tham quá thành ra mình vạ lây.
Rồi nó phân công luôn:
     - Thằng Khoa mang ba lô dụng cụ, súng đi trước, gặp chúng huýt gió kiểu rắn lục. Tao gánh đũa và nàm sơn dương. Ba đứa gánh thịt. Nếu có biến, tản vào rừng. Địa điểm tập kết là quán Hoàng Vẩu.
     Tang tảng sáng, Hoàng Vẩu đang dọn quán thì nghe tiếng cú rúc ba hồi một. Ám hiệu của Cường Gấu. Hắn xuống suối vờ coi cá, quan sát chung quanh. Không có động tĩnh gì. Lên quán hắn đáp lại bằng tiếng cú rúc hai ngắn một dài. Thằng Trường, thằng Bảy gánh thịt vào trước, đặt lên bàn. Cả hai ngồi phệt xuống nền đất.
     - Mệt muốn đứt hơi. Cho ấm trà đi. Trường nói.
     - Thịt tươi đấy, Cường Gấu đâu?
     - Đang ở ngoài suối, tụi tao vào đây xem có động tĩnh gì không đã.
Hoàng Vẩu bảo vợ chế trà, bắc nồi cháo, nó hỏi thằng Bảy ăn cháo cá gì để vợ nó làm, còn nó lóc thịt. Loáng cái, thịt ra thịt, xương ra xương.
     - Sao không lóc da ra luôn? Thằng Bảy hỏi.
     - Phải để thế khách mới tin. mày mang sọt xương xuống suối đổ vào rộng cá hộ tao.
     - Để làm gì?
     - Một công hai chuyện, có sót tí thịt nào làm mồi cho cá. ngâm sạch rồi treo gác bếp, khi nào kha khá nấu cao.
Thằng Khoa vào, trao khẩu súng cho Hoàng Vẩu.
     - Trả súng cho mày. Hết một viên đạn thôi.
     - Tao phục đại ca chúng mày quá. Có hàng nàm không?
     - Có đây!
Hoàng Vẩu quay lại thì đã thấy Cường Gấu đứng đó tự bao giờ.
     - Ông vào đường nào tôi không biết?
     - Chuyện vặt, mày pha tí mật sơn dương uống cho giãn gân cốt rồi tính tiền luôn. Hôm nay bọn tao biến. Mày có cái thẩu năm lít không?
     - Để làm gì?
     - Thì cứ đưa ra đây.
Cường Gấu mở bọc ni lông, thấy nàm sơn dương lớn, đủ lông, mắt hắn sáng lên.
     - Đúng là hàng độc!
Lấy bốn cái chân, đuôi con sơn dương mẹ bỏ vào thẩu, Cường Gấu bảo Hoàng Vẩu châm rượu cho đầy, đậy nắp cẩn thận, hắn bảo:
     - Hôm nào mày đem thẩu rượu này cho lão Tám Cá, nói là tao tặng.
Hoàng Vẩu ngạc nhiên:
     - Cái lão ấy mày không thù sao mà tặng rượu?
     - Thứ nhất tao phục tài của lão, thứ hai lão là dòng dõi nhà chúa đất này. Nghe nói ai được lão che chở là sống được. Tao không mong lão che chở, chỉ bày tỏ lòng thành kính, vậy thôi.
     Ăn cháo xong, Cường Gấu chia tiền cho đàn em. Hắn chia đều, mấy đứa không chịu nhận. Hắn bảo:
     - Tụi bây đứa nào cũng hoàn cảnh khó khăn. Chưa biết đến khi nào mới gặp lại. Đứa nào tìm được việc gì làm thì cứ làm. Ở cùng gia đình đói một chút nhưng vẫn an tâm hơn. Thằng Khoa cầm tiền của tao đưa về cho thằng em tao, bảo với nó một nửa dùng cho việc cúng giỗ bà già, một nửa tao cho vay để làm ăn.
Thằng Bảy rơm rớm nước mắt:
     - Thế đại ca đi đâu?
     - Tụi bây khỏi lo, tao quanh quẩn vùng sông Gâm, sông Lô này thôi.
Rồi hắn giục:
     - Đi đi kẻo trể, cho tao gởi lời hỏi thăm gia đình.
Bốn đứa, đứa nào cũng nhòa nước mắt, bước lên mảng xuôi ra sông Gâm. Cường Gấu quay vào, Hoàng Vẩu hỏi:
     - Bây giờ ông tính sao?
     - Trước mắt, tao tá túc đây vài bữa. Tối tao vào rừng bẫy thú. Mày bắt mối với mấy thằng buôn bè hỏi chúng nó thuê bạn chèo không? Nếu có, tao đi vài chuyến. Mùa lũ đi bè dễ kiếm lắm.
     - Bạn chèo như mày thằng nào chả ham, để tao làm giá cho xứng với tài của mày.
     Cường Gấu không nói gì, Hắn mang vật dụng đi rừng xuống suối, sửa lại mấy cái bẫy cheo. Nó tính làm một việc gì đó cho quên đi nỗi buồn. Mỗi đêm kiếm được một con thú cũng sống khá tươm tất. Những cuộc sống không nhà cửa, bạn bè như thế nào có ý nghĩa gì. Kẻ ích kỷ sống vì mình, không nghĩ đến người khác vì đang sống giữa cộng đồng với bao mối dây ràng buộc. Còn hắn sống vì hắn, sợi dây trách nhiệm đối với gia đình, xã hội vô cùng lỏng lẻo, mong manh nên thật nhàm chán. Có lúc hắn nghĩ hay là đi đầu thú rồi sau đó sống cuộc sống bình thường. Ý nghĩa chỉ thoáng qua khi hắn cảm thấy cô đơn. Bình tĩnh lại hắn nghĩ sau lúc ở tù rồi xã hội tin hắn hay không... Chán quá, nghĩ chỉ tổ đau đầu, xếp cái bẫy lại, hắn mắc võng ngủ.

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Dấu chân em



     Dấu chân em trên cát mịn
     Vừa in hình sóng vội xóa đi,
     Con dã tràng xe cát
     Con còng gió lang thang
     Ngẩn ngơ tiếc nuối điều gì.

     Sóng không muốn
     Một ai ướm dấu chân em
     Sóng hờn ghen
     Con còng gió lang thang
     Con dã tràng xe cát.
    
     Sóng biết đâu
     Dấu chân em bé nhỏ
     Chẳng xóa bao giờ
     Giữa muôn trùng yêu thương sóng vỗ:
     Trái tim anh!