Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XXII

Cường Gấu buộc hòn đá bằng nắm tay vào sợi dây dù, quay quay mấy vòng rồi vụt mạnh. Hòn đá kéo sợi dây bay lên, vượt qua nhánh cây, hắn lắc nhẹ một cái, theo quán tính, đang vòng qua nhánh cây, có lực tác động nhẹ, hòn đá bay xéo như người ta thắt nút vòng do. Giật mạnh một cái, hòn đá trượt lại tạo thành nút buộc chắc chắn. Bám sợi dây hắn từ từ leo lên. Bằng cách ấy hắn dần tiếp cận được con đường bầy sơn dương di chuyển. Chọn được vị trí thích hợp, hắn thả sợi dây xuống để thằng Cư buộc vào nòng súng rồi kéo lên. Nhai củ tỏi, lấy bả xoa khắp súng hắn yên lặng nằm  chờ. Nhìn bóng nắng chiếu ngang sườn núi, hắn độ cũng phải gần hai tiếng nữa đàn sơn dương mới quay về. Thời gian dư dã cho hắn làm cái lúp và chọn đá bệ tì. Hắn tin tưởng vào tay súng của mình nhưng bắn có bệ tì vẫn chắc ăn hơn.
     Trong khi Cường Gấu phục giữa lưng chừng vách đá thì Cư, Bảy tranh thủ vót đũa dưới suối. Lấy hòn đá suối mài cho chiếc đũa lên nước, thằng Bảy nói:
     - Kể cũng tiếc mày nhỉ, một gốc kim giao chừng được năm sáu đôi đũa mà phải bỏ lại cơ man nào là cành, là nhánh.
     - Coi như khu rừng này tiệt luôn. Muốn tìm lại phải ba mươi năm sau.
     - Kim giao có thể còn sót chút ít chứ cau rừng mới là tiệt. Nhiều lúc tưởng là già mà chẻ ra lại non. Tao nghe nói cau rừng phải mười lăm năm trở lên hạt mới mọc được mầm.
     - Tao phải nói với đại ca để lại mỗi đứa hai đôi đũa làm kỷ niệm. Con mẹ nó, ít ra mình cũng bằng đại gia ở chỗ dùng đũa chứ!
     - Xì, bày đặt, có bữa mày ăn bốc đó thôi.
     - Thì tao nói để kỷ niệm mà lại.
Nói thì nói vậy thôi chứ kỷ với niệm gì. nhà nó và nhà thằng Bảy hoàn cảnh khác nhau nhưng giống nhau một chữ nghèo. Nghèo do cha ông nghèo, nghèo do vận hạn tai bay vạ gió. Đã nhiều lúc cả nhà nó, nhà thằng Bảy suốt tuần không có hạt gạo, đói vàng mắt. Từ khi theo đại ca Cường Gấu có khấm khá hơn tí đỉnh nhưng đối mặt với hiểm nguy, tù tội nhiều hơn. Của rừng ai lấy được cứ lấy sao lại cấm đoán chuyện này, chuyện kia, nhiều lúc không biết đâu mà lần. Cấm săn thú mà mấy đứa kiểm lâm cũng săn đấy thôi. Cấm chặt gỗ mà thằng phó giám đốc lâm trường thuê tụi hắn chặt đấy thôi. Không biết tụi hắn lấy đũa có vi phạm điều cấm kỵ gì không nữa mà vẫn phải lén lén lút lút. Nhiều lúc hắn nghĩ điều cấm là để cho dân đen như hắn thực hiện chứ đâu tới lượt quan chức.
     - Mày nghĩ gì thế, còn thuốc không?
     - Còn đây, mà đại ca dặn không được hút, thôi nhịn chút đi. Tao nghĩ sao cấm mà thằng Trí Vịt lại giao súng cho đại ca? Thằng Bảy trả lời.
     - Ngu bỏ mẹ, cấm là cấm chung thôi. Hàng độc mới có giá.
     - Kẻ ăn không hết, người lần không ra. Cái hồi con vợ tao bị ốm thập tử nhất sinh, tao mua hai lạng thịt bò nấu cháo cho nó, nó thều thào tao học đâu cái thói hoang phí; nợ nần một đống mà không biết chắt chiu, lỡ mua rồi thì nấu cháo cho con bé, bà cụ.
     - Có phải sau cái vụ đó bà cụ mày mất không?
Thằng Bảy thở dài:
     - Con vợ tao thương mẹ tao mà hóa ra giết bà. Mày tính quanh năm không có tí thịt, đến khi ăn vào bụng không quen, kêu ách ách rồi tháo dạ. Tao không biết làm sao, con vợ tao nói "gừng", lúc đó tao mới nhớ là giã gừng pha nước ấm, vừa pha xong chưa kịp cho bà cụ uống thì bà ra đi. Không biết có phải bà phù hộ không mà con vợ tao khỏe lại. Bà con hỏi thăm, nó khóc kể: "giá như nó ăn thịt bò". . .
     - Thôi, con người có số, bà cụ mày chết như vậy là chết no, con cháu sau này khỏi đói khổ, tao nghe các cụ bảo thế.
     - Sau này thì tao không biết. Chôn cất bà cụ xong, con vợ tao bảo với tao đời này mình chịu khổ nhưng dứt khoát phải có vốn liếng cho con. Nó bảo chừng nào chưa có cái nhà ngói, chưa có năm tạ thóc để dành trở lên thì không sinh thêm đứa con nào nữa hết.
     - Kể ra thì bươn chải dăm ba năm nữa cũng có thể có thể làm được cái nhà nhưng dạo này tao có cảm giác lo lo sao ấy. Hình như đang có chuyện gì đó nên đại ca bảo sau vụ này mình về còn gì.
     - Ở xứ đồng rừng này có sức dễ làm ra tiền. Không có vụ đốn gỗ lát thì làm hợp đồng với lâm trường thằng Trí Vịt cũng đỡ.
     Một tiếng súng nổ phá tan bầu không khí âm u, hoang vắng đại ngàn.
     - Đại ca bắn rồi, mày cho tao điếu thuốc.
Hai đứa châm thuốc rồi đi về phía tiếng súng. Vừa tới, Cường Gấu bảo:
     - Thằng Cư lấy tấm ni lông trải ra cho tao, một tấm thôi đấy, cẩn thận kẻo rách.
Nói rôi hắn ra hiệu bảo cho Bảy cùng tới chỗ con sơn dương.
     - Mày kéo cái chân sau lên cho tao.
Hắn dùng con dao Mẹo rạch bụng con sơn dương từ phía chân lên ngực. Gần đến ngực hắn thọc mạnh lưỡi dao rồi đưa bàn tay trái vào nâng da bụng cho căng ra, dùng một phần ba lưỡi dao phía trong đẩy xuống. Xong xuôi, hắn kéo ra cái bọc. Một con sơn dương con đang chòi đạp. Xé cái bọc, vuốt cho sạch nước nhớt, máu, đem đặt vào tấm ni lông, Cường Gấu cười:
     - Mẹ kiếp, con sơn dương đực, hàng chất lượng khỏi chê!
Khoác khẩu súng lên vai, túm tấm ni lông lại, hắn bảo:
     - Hai thằng khiêng được bao nhiêu thì khiêng nhưng tuyệt đối không được bỏ lại bốn cái chân, cái đuôi và miếng da gáy. Tao về lán trước để xử lý hàng.
     Theo lời dặn của Cường Gấu, Khoa làm sẵn cái bàn cây. Đặt con sơn dương lên bàn, hắn bảo Khoa đem rượu ra cho hắn rồi xuống suối giặt tấm ni lông phơi cho ráo nước. Hắn múc từng chén rượu được tiện bằng ống nứa sáu đổ lên mình con sơn dương đến đâu vuốt tới đấy. Xong bên này lật sang bên kia rồi xếp nó nằm với tư thế thu chân về bụng. Nó làm xong thì thằng Bảy, thằng Cư gánh thịt về.
     - Nặng quá đại ca, dễ đến tạ.
     - Tao bảo gánh được bao nhiêu thì gánh, tham gì thế.
     - Bỏ đi tiếc quá. Thằng Bảy nói.
Lấy con dao cắt cái đuôi, bốn cái chân, lóc một tảng thịt lớn, Cường Gấu bảo:
     - Đem ném xuống suối cho tao!
Tằng Cư ngơ ngác, không hiểu, Cường Gấu nói:
     - Ném xuống suối, lấy hòn đá đè lên. Làm như thế để cho nó tươi, biết không.
Đợi Cư, Bảy làm xong việc, Cường Gấu bảo:
     - Thằng Bảy đem cái sọt ra đây.
Cường Gấu lót hai tấm ni lông vào sọt, bỏ con sơn dương cùng chân, đuôi vào, đổ ngập rượu, cắt một đoạn dây dù buộc chặt lại, rồi nhấc lên, vuốt phần dư xuống, buộc lần nữa dưới đáy, nhẹ nhàng bỏ vào sọt.
     - Hà hà...tạm thời thế đã. Trước lúc đi thằng Cư chặt cây chuối, bóc bẹ lót vào là yên tâm. Thôi giờ tụi mày nướng thịt, lam cơm đi, tao ngủ cái. Hú gọi thằng Trường đi, tối rồi.
     Thằng Khoa cắt tảng thịt thành từng miếng lớn hơn nắm tay, mỗi miếng xỏ vào một sợi lạt treo trên ngọn lửa đốt cơm lam. Nó giảng gải cho thằng Bảy:
     - Nướng thịt có nhiều cách nhưng cách nướng ngon nhất là miếng thịt lớn để cách than hồng khoảng gang tay rưỡi, sao cho mỡ thịt nhỏ xuống, lửa bùng lên, ngọn lửa không tới miếng thịt là được. Khi nào thấy nước trong chảy ra l;à chín. Hồi ở nhà tao nướng thịt lợn ba chỉ kiểu ấy đãi bố vợ, ông hỏi thịt gì, tao bảo thịt lợn rừng, ổng tin sái cổ.
     - Nướng vậy lâu quá, tao thì tao thích nướng xiên lụi, mau hơn. Chúng mày dân ngu cu đen mà cứ học đòi đại gia không à.
     - Tao hỏi mày, như giờ đây đi đâu mà vội, có thời gian thì phải biết thưởng thức đời chứ?
Thằng Bảy xoay xoay ống cơm lam, nó nghĩ nói như thằng Khoa cũng đúng. Phú quý sinh lễ nghĩa. Cứ như nhà nó, có chút thịt kho hay bằm nấu canh đã là may. Nhiều lúc có chút thịt lại thiếu hành, nồi thịt kho thiếu màu, trắng phếu mà có ai chê đâu. Có thịt là ngon rồi, nói chi phải bài bản, đầy đủ gia vị. Đi ra ngoài, lang bạt nơi này chốn kia đôi lúc cũng thưởng thức món ngon mà khi nuốt cổ họng cứ đăng đắng. Chưa khi nào ăn cơm có miếng thịt mà hắn không nghĩ về mẹ, về vợ con...
     Đùng...ùng...than tro bay tung tóe, thằng Cư, thằng Bảy ngã vật ra sau, thằng Khoa ôm mặt lăn mấy vòng. Thằng Trường đang giặt áo ở dưới suối la:
     - Lựu đạn!
Cường Gấu bật khỏi võng, chụp khẩu súng lên đạn, nhìn xung quanh. Thằng Khoa ôm mặt, máu chảy qua kẽ tay.
     - Mày buông ra tao coi!
Một vết xước ngang gò má. Nó bẻ điếu thuốc rịt vào.
     - Mẹ kiếp! La gì mà la, giữ chặt chút xíu là cầm máu thôi.
Mấy đứa đứng dậy, lượm ống cơm, xâu thịt. Thằng Trường hỏi:
     - Sao lại có lựu đạn ở đây nhỉ?
Cường Gấu cười:
     - Lựu đạn cái con khỉ. Đứa nào đặt ông táo?
     - Em, đại ca.
Thằng Cư lên tiếng.
     - Mày lấy đá ở đâu?
     - Ở dưới suối.
     - Đá nổ đấy, chứ lựu đạn thì chết mẹ chúng mày rồi. Bài học đấy. Sau này lấy đá làm ông táo không được lấy đá ở dưới suối, ven suối. Loại đá ấy tích nước ở bên trong, bên ngoài bị đốt nóng là nổ thôi.
Thằng Cư cười:
     - Mặt thằng Khoa có sẹo trông cô hồn hơn. Mày có đi đâu một mình cũng không thằng nào bắt nạt.
     - Mày muốn, tao rạch cho vài nhát để thành anh chị có số má.
Cường Gấu nạt:
     - Tụi mày im cái mồm lại. Ăn xong là ra rừng luôn!
     - Không để sớm mai sao đại ca? Thằng Trường lên tiếng.
     - Tránh bọn kiểm lâm vẫn hơn. Từ hôm ở quán Hoàng Vẩu tao nghi tụi nó đang giăng lưới. Mẹ cha cái thằng Kiểm Lác, tham quá thành ra mình vạ lây.
Rồi nó phân công luôn:
     - Thằng Khoa mang ba lô dụng cụ, súng đi trước, gặp chúng huýt gió kiểu rắn lục. Tao gánh đũa và nàm sơn dương. Ba đứa gánh thịt. Nếu có biến, tản vào rừng. Địa điểm tập kết là quán Hoàng Vẩu.
     Tang tảng sáng, Hoàng Vẩu đang dọn quán thì nghe tiếng cú rúc ba hồi một. Ám hiệu của Cường Gấu. Hắn xuống suối vờ coi cá, quan sát chung quanh. Không có động tĩnh gì. Lên quán hắn đáp lại bằng tiếng cú rúc hai ngắn một dài. Thằng Trường, thằng Bảy gánh thịt vào trước, đặt lên bàn. Cả hai ngồi phệt xuống nền đất.
     - Mệt muốn đứt hơi. Cho ấm trà đi. Trường nói.
     - Thịt tươi đấy, Cường Gấu đâu?
     - Đang ở ngoài suối, tụi tao vào đây xem có động tĩnh gì không đã.
Hoàng Vẩu bảo vợ chế trà, bắc nồi cháo, nó hỏi thằng Bảy ăn cháo cá gì để vợ nó làm, còn nó lóc thịt. Loáng cái, thịt ra thịt, xương ra xương.
     - Sao không lóc da ra luôn? Thằng Bảy hỏi.
     - Phải để thế khách mới tin. mày mang sọt xương xuống suối đổ vào rộng cá hộ tao.
     - Để làm gì?
     - Một công hai chuyện, có sót tí thịt nào làm mồi cho cá. ngâm sạch rồi treo gác bếp, khi nào kha khá nấu cao.
Thằng Khoa vào, trao khẩu súng cho Hoàng Vẩu.
     - Trả súng cho mày. Hết một viên đạn thôi.
     - Tao phục đại ca chúng mày quá. Có hàng nàm không?
     - Có đây!
Hoàng Vẩu quay lại thì đã thấy Cường Gấu đứng đó tự bao giờ.
     - Ông vào đường nào tôi không biết?
     - Chuyện vặt, mày pha tí mật sơn dương uống cho giãn gân cốt rồi tính tiền luôn. Hôm nay bọn tao biến. Mày có cái thẩu năm lít không?
     - Để làm gì?
     - Thì cứ đưa ra đây.
Cường Gấu mở bọc ni lông, thấy nàm sơn dương lớn, đủ lông, mắt hắn sáng lên.
     - Đúng là hàng độc!
Lấy bốn cái chân, đuôi con sơn dương mẹ bỏ vào thẩu, Cường Gấu bảo Hoàng Vẩu châm rượu cho đầy, đậy nắp cẩn thận, hắn bảo:
     - Hôm nào mày đem thẩu rượu này cho lão Tám Cá, nói là tao tặng.
Hoàng Vẩu ngạc nhiên:
     - Cái lão ấy mày không thù sao mà tặng rượu?
     - Thứ nhất tao phục tài của lão, thứ hai lão là dòng dõi nhà chúa đất này. Nghe nói ai được lão che chở là sống được. Tao không mong lão che chở, chỉ bày tỏ lòng thành kính, vậy thôi.
     Ăn cháo xong, Cường Gấu chia tiền cho đàn em. Hắn chia đều, mấy đứa không chịu nhận. Hắn bảo:
     - Tụi bây đứa nào cũng hoàn cảnh khó khăn. Chưa biết đến khi nào mới gặp lại. Đứa nào tìm được việc gì làm thì cứ làm. Ở cùng gia đình đói một chút nhưng vẫn an tâm hơn. Thằng Khoa cầm tiền của tao đưa về cho thằng em tao, bảo với nó một nửa dùng cho việc cúng giỗ bà già, một nửa tao cho vay để làm ăn.
Thằng Bảy rơm rớm nước mắt:
     - Thế đại ca đi đâu?
     - Tụi bây khỏi lo, tao quanh quẩn vùng sông Gâm, sông Lô này thôi.
Rồi hắn giục:
     - Đi đi kẻo trể, cho tao gởi lời hỏi thăm gia đình.
Bốn đứa, đứa nào cũng nhòa nước mắt, bước lên mảng xuôi ra sông Gâm. Cường Gấu quay vào, Hoàng Vẩu hỏi:
     - Bây giờ ông tính sao?
     - Trước mắt, tao tá túc đây vài bữa. Tối tao vào rừng bẫy thú. Mày bắt mối với mấy thằng buôn bè hỏi chúng nó thuê bạn chèo không? Nếu có, tao đi vài chuyến. Mùa lũ đi bè dễ kiếm lắm.
     - Bạn chèo như mày thằng nào chả ham, để tao làm giá cho xứng với tài của mày.
     Cường Gấu không nói gì, Hắn mang vật dụng đi rừng xuống suối, sửa lại mấy cái bẫy cheo. Nó tính làm một việc gì đó cho quên đi nỗi buồn. Mỗi đêm kiếm được một con thú cũng sống khá tươm tất. Những cuộc sống không nhà cửa, bạn bè như thế nào có ý nghĩa gì. Kẻ ích kỷ sống vì mình, không nghĩ đến người khác vì đang sống giữa cộng đồng với bao mối dây ràng buộc. Còn hắn sống vì hắn, sợi dây trách nhiệm đối với gia đình, xã hội vô cùng lỏng lẻo, mong manh nên thật nhàm chán. Có lúc hắn nghĩ hay là đi đầu thú rồi sau đó sống cuộc sống bình thường. Ý nghĩa chỉ thoáng qua khi hắn cảm thấy cô đơn. Bình tĩnh lại hắn nghĩ sau lúc ở tù rồi xã hội tin hắn hay không... Chán quá, nghĩ chỉ tổ đau đầu, xếp cái bẫy lại, hắn mắc võng ngủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét