Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

CHUYỆN CẬU TRỌC LÀNG ĐÔNG (1)


                                                                         
    Hai hôm nay làng Đông rộ tin đồn có phản động. Nghe đâu bốn, năm công an huyện về làng cơ đấy. Cuối cùng thì cũng biết được phản động, hay nói đúng hơn phản động ra tự thú. Thế nhưng phản động vẫn nhơn nhơn tại làng, còn người báo cấp trên làng có phản động, chủ nhiệm hợp tác xã Đỗ Thừa thì phải lên công an huyện làm lời khai.

     Chả là sau Đại hội Đảng bộ xã khóa...bảng tin trước cổng làng được kẻ khẩu hiệu lớn: "Nhân dân làng Đông tích cực tăng gia sản xuất hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ xã khóa...". Mới được một ngày, sáng hôm sau khẩu hiệu bị xóa vế "Nhân dân làng Đông tích cực tăng gia sản xuất hơn nữa". Phần bảng tin còn lại ghi câu lục bát:
          Nhân dân hăng hái tăng gia
     Để Ban Quản trị xây nhà, mua xe!
Cách một khoảng trống dưới câu lục bát có ghi một câu chửi: "Tiên sư đứa nào xóa bảng tin".
     Thành ra, người xem đông nhưng chẳng ai dại gì mua chửi. Người ta còn bảo "giữ nguyên hiện trường" để công an điều tra; xóa, lỡ "cái ách bên đàng lại mang vào cổ", chả dại.
     Công an xem xét xong, bảo xóa được rồi đấy, chủ nhiệm Đỗ Thừa bảo: "Mấy đứa thanh niên đâu? Xóa đi". Nhìn lại, chẳng còn mống nào cả, đành lấy cái khăn dưới yên chiếc cub 50 xuống ruộng nhúng nước xóa. Vừa xóa xong câu lục bát, ông giật mình.
     - Tiên sư chủ nhiệm Đỗ Thừa!
Chủ nhiệm quay lại, thấy Cậu Trọc, cố nuốt cục tức, nói:
     - Mày láo vừa thôi nhé!
     - Tôi có láo đâu, tại bảng tin ghi thế!
Mọi người ôm miệng, tản ra. Chiều, sau mấy bản nhạc theo yêu cầu, loa phóng thanh xã mời bà con tối nay ra đình họp.

     Bảy giờ tối, đình làng Đông đèn điện sáng choang, bảy rưỡi bà con đông đủ cả, lại có thêm một số người bên Đoài cũng đến, ý chừng nghe ngóng được gì về vụ phản động. Trai gái chọc ghẹo nhau, mấy ông tầm trung trung kháo câu lục bát nét chữ đẹp "gấp mười lần" chữ kẻ khẩu hiệu.
     Tám giờ, chủ nhiệm Đỗ Thừa trong bộ đồ đại cán, vỗ tay bồm bộp, nói như hét:
     - Yêu cầu bà con yên lặng, yêu cầu bà con yên lặng! Giới thiệu với bà con, hôm nay có các đồng chí lãnh đạo trên huyện về làng ta làm việc về công tác an ninh, mong bà con hợp tác!
     Chủ nhiệm Đỗ Thừa vừa dứt lời, trưởng công an thôn Đỗ Qua đứng dậy.
     - Yêu cầu bà con hợp tác với chúng tôi, yêu cầu trong lúc họp phải yên lặng, cho nói mới được nói, phá đám, tôi còng óc!
     Quay sang ông phó Ban Dân vận huyện ủy, có ý mời phát biểu, ông này nói nhỏ: "Hôm nay các anh cứ làm, tôi nắm tình hình thôi". Đưa mắt cho anh công an huyện, anh này gật đầu, Đỗ Qua giới thiệu:
     - Xin mời đồng chí Vũ Tiến, thượng úy công an huyện lên làm việc!
Bước xuống bậc tam cấp, anh nói:
     - Thưa bà con, hôm nay xã, huyện mời bà con đến đây cũng chỉ vì mục đích là làm sao làng mình luôn bình yên. Trước tiên, chúng ta đừng xem vụ việc qua ở làng ta là phản động. Thực tình chúng tôi chưa đủ chứng cớ để kết luận ai là người làm việc này nhưng ít nhiều đã có manh mối. Có lẽ bức xúc vì việc gì đó với Ban Quản trị mà người ta viết thế chăng?
     Thế rồi anh kể một số câu chuyện giống như chuyện làng Đông ở một số nơi khác. Qua từng chuyện lại khéo léo gài mấy lời bình. Cô Nụ, hoa khôi của làng thì thầm vào tai cái Hoa: "Đẹp trai ghê, kể chuyện lại có duyên nữa chứ", Hoa cười:" Mày mê rồi à?", "Mê được là mê ngay, nhưng không đến phần tao".
     Sau câu chuyện về tố giác tội phạm, anh nói:
     - Bây giờ là ý kiến của bà con, chúng tôi xin lắng nghe.
Chưa ai lên tiếng, một người đứng lên. Là Cậu Trọc, chắc có chuyện cười đây.
     - Thưa ông công an, ông nói vụ việc làng này không phải là phản động, đúng không?
Đỗ Qua níu áo anh công an huyện, nói nhỏ: "Thằng này khùng đấy". Thế mà nghe được, Cậu Trọc chỉ tay vào mặt Đỗ Qua:
     - Tao khùng là khùng với trời đất, còn cái thứ rác rưởi nhà mày câm đi!
Đỗ Qua tím mặt, tính xông lại. Vũ Tiến nắm vai đè xuống, từ tốn:
     - Thưa bà con, tôi đã nói rồi, chúng tôi không xem vụ việc này là phản động.
     - Được lắm, tôi hỏi ông Đỗ Thừa, bà con ta, ngoài tôi ra làng ta có ai nhác không? Có ai không tích cực không?
Biết giây vào Cậu Trọc là lôi thôi, chủ nhiệm Đỗ Thừa đáp:
     - Ai cũng tích cực cả. Được chưa?
     - Ông đừng có nói lẫy. Kia kìa, mấy bà đi họp cũng mang theo rổ lạc bóc vỏ kia kìa. Như vậy không tích cực sao?
Tranh luận với thằng khùng hóa ra mình cũng khùng, nghĩ thế, Đỗ Thừa im lặng. Cậu Trọc tiếp:
     - Không ai nói thì tôi nói, ai nói thì tôi nghe. Tôi thấy khẩu hiệu ghi: "Nhân dân làng Đông tích cực tăng gia sản xuất hơn nữa" là thừa. Không tích cực để mà đói nhăn răng à?
Cô Hoa cười khúc khích:
     - Cậu Trọc không tăng gia sản xuất có đói mô.
     - Tôi tốt số, có vợ nuôi, cô phân bì thì tìm đại gia mà lấy.
Vũ Tiến cười:
     - Thế có lẽ anh thấy ngứa mắt nên xóa một vế câu khẩu hiệu chứ gì?
Cậu Trọc cười:
     - Khích tướng đấy à? Tôi nhận để ông lập công nhé.
     - Anh phân tích có lý quá mà.
     - Thông minh, biết nịnh. Thưa bà con, tôi là người xóa và viết ở bảng tin làng ta đấy!
Mọi người xôn xao, cánh thanh niên bàn tán "khi chưa tìm ra đã nghi nghi Cậu Trọc" rồi. Cô Nụ chọc:
     - Cậu Trọc làm thơ lục bát hay ghê.
     - Hay thì không nhưng đúng thì có.
Hoa nói nhỏ:
     - Cậu Trọc nói vì răng mà đúng đi.
Chủ nhiệm Đỗ Thừa đứng dậy:
     - Thưa bà con, việc cần biết chúng ta đã biết, có lẽ mời bà con nghỉ được chứ ạ, mọi việc công an giải quyết sau.
     - Tôi còn chuyện muốn nói, có ai muốn biết vì sao tôi làm như thế không?
Đỗ Qua cáu tiết:
     - Thằng khùng này muốn làm loạn đây. Để ông lôi mày đi xem mày khùng đến cỡ nào!
Vũ Tiến nắm tay Đỗ Qua:
     - Không nóng được đâu, nếu bực anh về trước, chuyện ở đây tôi xử lý cho.
Quay xuống sân, anh nói:
     - Bà con muốn nghe anh Cậu Trọc nói hay về nghỉ?
Một cụ già đứng lên.
     - Cứ để Cậu Trọc nói, đúng ta nghe, dở thì về.
Lên vỗ vai Vũ Tiến một cái, Cậu Trọc nói:
     - Gọi tôi là Cậu Trọc, thêm đại từ "anh" là thừa. Thưa bà con, tôi nói là tôi viết đúng, bởi vì việc nộp thuế ruộng của bà con khác với việc Ban Quản trị nộp lên trên. Vì sao tôi biết à? Là do chủ nhiệm Đỗ Thừa bàn bạc với kế toán Thị Màu. Chuyện thứ hai là kế toán Thị Màu cùng Đỗ Qua đổi thuốc trừ sâu thật của hợp tác xã lấy thuốc dỏm của con mụ Béo cổng chợ huyện. Vụ thứ ba...
     - Câm cái mồm, đồ khùng lếu láo!
Đỗ Thừa đập bàn đứng dậy.
     - Các đồng chí sao lại nghe cái thằng khùng này. Thôi bà con không ai ý kiến gì nữa thì giải tán.
     Không ai đứng lên, Cậu Trọc nói:
     - Từ nhỏ tới nay tôi đã nói dối ai bao giờ chưa? Tôi cũng không muốn bà con mất thời gian nghe chuyện xấu của Ban Quản trị. Nghe bẩn tai, nói bẩn cả mồm. Thôi, tôi đã viết bảy chuyện của ban Quản trị hợp tác xã đây, gửi các ông lãnh đạo huyện đọc. Tôi có nói sai một đền mười.
Đưa cho ông phó Ban Dân vận hai tờ giấy manh viết kín chữ, Cậu Trọc nói:
     - Tôi muốn các ông xem xét, xử lý và cho dân làng được biết trong thời gian sớm nhất!
Ông phó Ban Dân vận cầm hai tờ giấy Cậu Trọc trao, hỏi:
     - Ban Quản trị làm gì có cô nào là Thị Màu?
Cái Hoa cười, trả lời thay cho Cậu Trọc:
     - Là Cậu Trọc đặt tên cho đó. Như con Nụ đây Cậu Trọc gọi là Ỷ Lan.
Xem qua tờ giấy, thấy viết: "kế toán Trần Thị Luyến Ái", ông gấp lại, bỏ vào cặp, bắt tay Cậu Trọc:
     - Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này.

     Mọi người ra về cười nói, bình luận râm ran. Hoa kéo Nụ, cười rúc rích:
     - Đi chầm chậm thôi, chặn đường làm quen thượng úy chứ?
     - Thì ra là mày "muốn ăn gắp bỏ cho người" đấy nhé! Giờ tao chỉ muốn gặp Cậu Trọc để hỏi vì sao biết chuyện Ban Quản trị trong khi cả cái làng này như mù, như điếc thôi.
     - Nói xấu gì Cậu đấy?
Cả hai giật mình.
     - Cứ như là ma, Hoa nói, Cậu kể mấy chuyện còn lại cho bọn em nghe nào.
     - Miệng thối rồi, để về súc miệng cái đã. Đừng có mà khôn, muốn nghe Cậu kể thì phải giúp Cậu khi Cậu cần có được không?
     - Nhưng mà có tốn sức, tốn nhiều thời gian không đã?
     - Cậu không làm khó đâu. Giờ Cậu phải về quạt cho vợ nó ngủ đã nhé.
     Nói rồi Cậu Trọc rẽ đường tắt về nhà. Ai khác thì tức cười chứ dân làng Đông quá quen với cách sống trái đời của Cậu Trọc từ lâu rồi.
     

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

THƯ GỬI ANH


    
          Chiều mỗi chiều em vọng về biên giới
          Nhớ thương anh nén trong tiếng thở dài,
          Đêm hội làng xôn xao trai gái
          Khép lòng mình ai hội mặc ai.

          Tình yêu lớn nuôi lòng chung thủy,
          Thương làm sao câu lý giao duyên
          Anh trao em khát vọng, niềm tin,
          Em không thể dối lòng thêm nữa!

          Khi tình anh cho em điểm tựa
          Tận chân trời em vẫn mãi của anh,
          Ngôi sao vàng, chiếc áo màu xanh
          Lại hiển hiện mỗi lần em nhắm mắt.

          Đêm trăng thanh tiếng sáo anh dìu dặt
          Như chập chờn lối nhỏ ta đi
          Kỷ niệm sống trong em thường nhật,
          Biên giới xa anh có nhớ những gì?...

          Em thương lắm đông dài rét mướt
          Vẫn phải trèo vách đá cheo leo
          Sương trắng lấp đường đi, bờ vực
          Cẩn thận nghe anh mỏm đá tai mèo.

          Tuổi trẻ anh gửi miền biên giới
          Cho quê hương mãi sắc xuân xanh,
          Ngày trở về đón em vào hội
          Anh có em sau khúc hát quân hành!

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Lần đầu tiên hành quân qua HÀ NỘI



          Lần đầu tiên hành quân qua Hà Nội
          Lính chân quê không khỏi ngỡ ngàng
          Phố chật chội, đông người qua lại,
          Chẳng như quê, vườn tược rộng thênh thang.

          Lần đầu tiên hành quân qua Hà Nội
          Thấy mấy đôi trai gái khoác tay nhau,
          Một đứa nói: "Ở quê tau như rứa
          Bọ, mạ bươu hòn đá bể đầu!"

          Lần đầu tiên hành quân qua Hà Nội
          Thư viết rồi ta vội gửi cho em
          Những tưởng "oách" đóng dấu tem Hà Nội
          Lại bỏ thùng thư "góp ý công viên"(!)

          Lần đầu tiên hành quân qua Hà Nội
          Mùi phở thơm càng thêm đói cồn cào,
          Miệng nhai nắm gạo rang trệu trạo
          Mắt vẫn nhìn cô gái tầng cao...

          Lần đầu tiên hành quân qua Hà Nội
          Lính "quê choa" rạo rực, nao lòng,
          Tràng An đấy, bao ước mơ, khát vọng
          Hà Nội đây, đẹp mãi dáng Thăng Long!

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Đời ta là đấng tu mi(!)


Trên đầu tóc sợi bạc, xanh
Bạc dành cho vợ còn xanh cho đời.

Ra đường, gái gọi: "anh ơi"
Về nhà vợ cứ: "ông ơi...ông à"
Cơm nhà rau muống tương cà
Cơm quán tôm sú, ba ba, chình đồng.
Ba li, vợ nhắc: "Thôi ông
Giữ gìn sức khỏe thì không uống nhiều"
Mấy em xinh xẻo mỹ miều
Ba thùng bia vẫn cứ kêu: "Ít xìn"
Về nhà vợ hỏi: "Còn tiền..."
Trợn mắt nạt nộ: "Bà điên đấy à"
Mấy em da phấn mặt hoa
Ngồi bên thôi cũng được "boa" triệu đồng.
Con xin tiền học, bảo: "Không!"
Tặng em sinh nhật cái cong bằng vàng.
Ra đường thì cứ phải sang
Về nhà ai biết đàng hoàng là chi.

Đời ta là đấng tu mi
Chuyện  nhà có vợ việc gì phải lo!

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

BỨC TRANH XUÂN


     Tôi và hắn cùng học một lớp từ hồi cấp II; đi đâu, làm gì cũng như hình với bóng. Hắn có năng khiếu vẽ còn tôi tập tọe làm thơ. Cả hai đam mê học toán, đọc sách.
     Điểm toán của tôi bao giờ cũng cao hơn hắn vì khi làm bài kiểm tra tôi không bỏ sót bài nào, câu nào. Còn hắn, có bài hay câu nào đó dễ thì hắn viết: "áp dụng định lý... công thức...là cho ra đáp số". Thầy Lưu biết, chúng tôi biết hắn là cao thủ của những đề toán khó. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp trường, đề ra năm bài, mới hết nửa thời gian hắn đã nộp bài xin ra. Còn tôi, hết thời gian vẫn còn hai câu bài số năm chưa giải được. Thế nhưng lần ấy tôi đạt giải nhất còn hắn đạt giải ba chỉ vì bỏ hai bài dễ không làm với cái kiểu: "bài số 1: quá dễ khi ta áp dụng công thức..., bài số 3: chỉ cần dùng định lý...". Khi biết thông tin ấy, chi đoàn lớp tổ chức một cuộc họp vinh danh tôi và có ý phê bình hắn "kiêu ngạo". Biết chuyện, thầy Lưu đặt tay lên vai hắn, nói với chúng tôi: "Ở đời người ta chỉ đánh giá nhau ở lời nói và hành động thôi, mấy ai hiểu nhau trong sâu thẳm tâm hồn"
     Lần thi học sinh giỏi cấp tỉnh hắn vẫn lại ra trước thời gian, đạt giải ba, nhưng là thí sinh duy nhất giải được, giải trọn vẹn, ngắn gọn bài toán số 4.
     Năm cuối cấp trung học phổ thông, tham gia giải báo tường của Huyện Đoàn chào mừng sinh nhật Đoàn 26/3, tờ báo lớp tôi được giải nhất. Điểm sáng của tờ báo là bức tranh hắn vẽ phong cảnh quê hương và mấy câu lục bát đề tranh của tôi. Thay mặt ban biên tập nhận giải, hắn nói chẳng kính thưa kính gửi gì cả:
     - Con người ta phải sống thật đúng với lòng mình, sống với hoài bão để thực hiện ước mơ của đời mình như vậy mới gọi là sống. Tôi rất thích khát vọng nghệ thuật của Hộ trong Đời Thừa. Không biết bạn tôi có đi theo nghề viết văn hay không, còn tôi, tôi sẽ học để trở thành người họa sĩ của nhân dân. Tôi sẽ vẽ một bức tranh xuân mà ai ngắm nó cũng rạo rực, cũng hướng về những gì tốt đẹp nhất!
Lác đác tiếng vỗ tay. Xuống ngồi bên tôi, hắn nói:
     - Chã nhẽ nói thật lòng mình cũng là kiêu ngạo?

     Năm tháng trôi đi, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, được phân công công tác ở một tỉnh phía nam. Còn hắn, tốt nghiệp loại ưu trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, được giữ lại trường nhưng hắn xin về quê công tác, làm việc tại phòng Văn hóa thông tin kiêm việc vẽ áp phích cho rạp chiếu phim của huyện.
     Kỳ nghỉ hè đầu tiên của nghiệp giáo chức, về quê, gặp hắn khi hắn đang vẽ nền áp phích phim Người Cá. Chùi bàn tay dính sơn vào cái quần đang mặc, móc trong túi ra gói thuốc lá bẹp dí, đưa cho tôi điếu thuốc ẩm kéo móp cả má mới cháy, hắn thở ra mù mịt khói thuốc.
     - Chán quá mày ạ, nếu có tiền tao cho mấy ông cán bộ lãnh đạo đi tham quan một chuyến để rồi chống mắt ra mà làm việc.
     Rồi hắn kể có bức áp phích cổ động tòng quan hắn vẽ đi xẽ lại ba bốn lần mà vẫn không xong. Ông này bảo phải vẽ thế này, ông kia phải thế kia.
     - Bực quá, tao ném bể cái bảng màu, bảo các ông về họp đi, ghi ý tưởng thành nghị quyết để tôi thực hiện. Mà các ông ấy biết quái gì về nghệ thuật đâu, cứ phe ta là phải màu đỏ, phải có búa liềm, chim bồ câu...còn phía địch phải màu xám, mặt mày hung tợn; đúng như Việt Phương nói: "Cái gì tốt đẹp nhất của mày thuộc về tao/ Cái gì xấu xa nhất của tao phải thuộc về mày". Thế rồi tao bị kiểm điểm tới kiểm điểm lui khi vẽ một nhân vật phản diện áp phích phim "hao hao" giống một vị lãnh đạo huyện!
     Dùng gót chân di di tàn thuốc, hắn tiếp:
     - Bảo tao viết kiểm điểm thì tao viết. Nộp bản kiểm điểm lên, mới liếc qua một cái, tay phó phòng bảo: "Chưa trung thực, viết lại". Cầm bản kiểm điểm về, ba ngày sau đem nộp lại, cũng liếc qua một cái, lão ta phán: "Cũng phải viết lại, chưa sâu". Tao lại cầm về, tính không nộp nữa, hôm sau lão hỏi, tao đưa nộp, lão ta nhận xét: "Lần này thì được rồi, có tiến bộ"(!)
     - Thế kiểm điểm kết luận ra sao?
     - Tao vô tội. Tao bảo nhân vật phản diên tao vẽ là địch. Ai giống, người đó không là địch thì tâm địa xấu, bởi vì nhân tướng học, kinh nghiệm cha ông đã chỉ ra sự tương quan giữa hình thức và tính cách. Tao nói các anh làm quản lý chắc chắn đã học qua nhân tướng học, vậy áp phích tôi vẽ có gì sai? Các anh cứ nghe bọn vô công rỗi nghề tán bậy. Vậy là từ chỗ 'hao hao" giống chuyển thành không giống, từ chỗ kiểm điểm tao chuyển sang cảnh giác với bọn tạo dư luận xấu...
Tôi bật cười:
     - Lẽ ra mày phải học nghề luật mới phải.

     Mấy năm sau tôi không có tin tức gì về hắn bởi vì tôi lấy vợ rồi sinh liền liền hai đứa con. Cuộc sống ngày một khó khăn, tôi không đủ sức lực quan tâm đến cái gì khác ngoài cơm áo. Cho mãi tới năm chín hai tôi mới lại một mình về thăm quê. Tìm hắn, ngườit ta bảo hắn đã bỏ việc hơn bốn năm, nghe đâu mở cửa hàng tranh ở thành phố thì phải.
     Cho đến khi gặp thầy Lưu, tôi mới hiểu cuộc đời hắn cũng khá lận đận, có chăng chỉ tự do hơn tôi vì không phải cảnh vợ bìu con ríu.
     - Cái thằng ngang ghê, thầy Lưu kể, hôm phát hiện bức tranh khỏa thân nó vẽ để ở phòng tập thể, tay trưởng phòng bắt nó làm kiểm điểm về tội 'chế tác văn hóa phẩm đồi trụy", nó không làm. Họp kiểm điểm, nó lễ phép đưa cho mấy ông kiểm điểm nó mỗi ông một cái phong bì, bảo bản kiểm điểm ở trong ấy. Khi mở ra, mỗi phong bì đều có một bức tranh Shunga - nghệ thuật tranh cổ tình dục Nhật Bản. Dường như để mấy ông có đủ thời gian "đọc bản kiểm điểm", chưa ai lên tiếng thì nó nói: "Với tôi sẽ không bao giờ có những cuộc họp như thế này nữa. Các anh cũng đừng tự nhốt mình trong một cái lồng đạo đức. Khuôn mẫu chật hẹp từ cái đầu của các anh không thể ép tôi cũng có tư tưởng, tâm hồn như vậy được. Suy cho cùng, mục đích đời người là ấm no, hạnh phúc. Tôi cũng đã nghĩ kỹ rồi, cứ ở cái cơ quan này, dưới sự lãnh đạo của các anh thì chẳng bao giờ tôi có ấm no, hạnh phúc, và điều quan trọng hơn là tâm hồn bị bào mòn, khuyết tật". Rồi nó bỏ việc, xuống thành phố thuê ki ốt vẽ tranh bán, giờ nghe mấy đứa nói làm chủ quán cafê Vườn Xuân. Hôm nào đi, em ghé thăm nó, gặp thầy bao giờ nó cũng nhắc em.
     Tôi xin phép thầy đứng lên để ngắm kỹ hơn bức tranh Mùa Xuân. Điểm nhấn trong tranh là một thiếu nữ có đôi mắt tuyệt đẹp đang dõi theo mấy cánh én, vườn đào chớm lộc, lớt phớt vài nụ hoa trong màn sương nhẹ. Bố cục bức tranh hài hòa mang lại cảm giác thơ mộng, yên lành cho người xem.
     - Bức tranh đẹp quá, sao tác giả không ký, thưa thầy?
     - Nó vẽ đấy, và cũng chính nó tính đốt đi đấy, thầy ngăn mãi.
     - Vì sao vậy, thưa thầy?
     - Nó bảo chưa phải là bức tranh xuân như nó đã từng tuyên bố. Thầy bảo, với thầy quá đẹp rồi, để thầy treo. Khi nào em đến gặp thầy, nhìn lại bức tranh này sẽ là lời nhắc nhở cái đích nghệ thuật luôn ở phía trước.
     Tôi cay cay sống mũi. Không ai hiểu chúng tôi bằng thầy. Không còn ngồi trong lớp nghe thầy dạy dỗ nữa nhưng mỗi khi gặp thầy, chúng tôi biết thầy vẫn đang dõi theo những bước đi của chúng tôi.
     Chiếc xe ca chở tôi về thành phố đưa tôi qua những đoạn đường trước đây chúng tôi đến trường đã được mở rộng, đầy bụi đỏ. Bao ký ức năm xưa ùa về. Khát khao, mơ ước nhiều nhưng chưa mấy trở thành hiện thực. Người mà chúng tôi kỳ vọng nhất là hắn thì lại bỏ việc làm ông chủ quán cafê...Tôi tin chắc thầy Lưu có rất nhiều thông tin về hắn, nhưng với tôi, chỉ cần cho tôi cái địa chỉ, thế là đủ.

     Quán cafê Vườn Xuân của hắn rộng rãi nhưng phải qua cái hẻm khá sâu. Ba mặt là nhà và tường rào người ta, mặt trống hướng ra sông, gió thổi lên mát rượi, xanh mát màu xanh của ngô của đậu. Dưới những gốc cây ăn trái là những chiếc bàn bằng gỗ tạp, không cái nào giống cái nào vì chủ nhân thiết kế cho hợp với tán cây hay địa thế bậc đất. Trong vườn đặt những chậu hoa cao, thấp, chủng loại khác nhau chủ yếu là che bớt khoảng trống hay tạo điểm nhấn. Ngôi nhà ngói ba gian cũ kỹ, thấp dùng làm nơi pha chế cafê, thu ngân có vị trí đắc địa, bao quát các bàn trong khu vườn. Ba mặt nhà, tường rào được hắn chái ra thành một cái hành lang hình chữ u. Đi theo hành lang, khách khứa tha hồ ngắm những bức tranh phong cảnh, thiếu nữ do hắn vẽ. Đoạn cuối hành lang, sát với căn phòng mới xây là khoảng tường trưng bày tranh bán. Tôi đặc biệt ấn tượng với bức tranh thiếu nữ sơn cước có đôi mắt đen láy, tóc xõa, cài hoa rừng đang lội qua suối, phía trên là dòng thác nhỏ, bên bờ là gốc cổ thụ, cái nhánh cây vươn ra có giò hoa phong lan đuôi cáo tuyệt đẹp. Buổi trưa quán vắng khách, chỉ còn mấy cụ ngồi chơi cờ, đọc báo phía cuối vườn, gần bờ sông.
     Tôi chọn cái bàn nhỏ có hai ghế dưới gốc cây hồng xiêm. Một cô bé chừng mười sáu tuổi, khuôn mặt xinh xắn, dôi mắt đen, trong veo bưng ra một ấm trà, gật đầu chào tôi, tôi có cảm giác như gặp cô bé ở đâu rồi thì phải.
     - Dạ, anh dùng gì ạ?
Tôi đùa:
     - Dùng ông chủ quán, cô gọi ông chủ quán ra đây!
     - Dạ, không được đâu ạ, anh ấy còn vẽ.
     - Buổi trưa mà vẽ gì?
     - Anh ấy làm việc không theo giờ giấc gì cả, khi anh ấy vẽ không được ai làm phiền, anh ấy dặn thế.
     - Tôi là bạn thân mà cũng không được sao?
Cô bé cười, cón nét gì đó rất tinh nghịch:
     - Bạn thân của anh ấy thì nhiều lắm. Ai chơi với anh ấy rồi cũng nhận là bạn thân hết.
Tôi không biết cô bé và hắn có mối quan hệ ra sao nhưng qua giọng nói xem chừng khá hiểu về hắn. Tôi hỏi:
     - Ông chủ vẽ ở đâu?
     - Dạ, trong cái phòng cuối hành lang ấy.
Tôi cảm ơn cô bé rồi xách ba lô đi về phía căn phòng. Tính để cho hắn bất ngờ, tôi đi nhẹ nhàng, chậm rãi.
     Hắn đang chăm chú vẽ. Bức tranh chưa hoàn thành nhưng tôi biết chắc chắn đó là bức tranh xuân vì màu trời xanh non, hoa đào lấm tấm. Phần trung tâm bức tranh còn trống...Một cái giá vẽ nhỏ hơn dựng sát góc phòng, trên giá là bức chân dung người lính đã hoàn thành, rất có hồn, nhất là đôi mắt. Đợi hắn ngưng cọ, tôi giẫm mạnh chân. Ngước lên, thấy tôi, hắn đặt chiếc cọ lên giá vẽ.
     - Mày mới về à?
     - Không, giờ tao đi.
Xách ba lô của tôi đặt lên bàn, hắn bảo:
     - Ra ngoài uống nước cho mát. Giờ này chắc mày cũng chưa ăn gì?
     - Trời đất, có bạn ở đây thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy chứ.
Hắn gọi cô bé tôi gặp ban nãy.
     - Kiếm cho anh chút mồi nhậu với mấy chai bia.
     - Ông chủ có khác, đẳng cấp ghê!
Hắn nhìn tôi, vẻ hơi ngạc nhiên:
     - Ông chủ nào?
     - Thì mày chứ ai mà còn hỏi.
Hắn cười ngất:
     - Trời đất! Ai bảo mày thế? Tao ở nhờ, biết chưa!
Hắn kể cho tôi vì sao lại ở đây để vẽ và bán tranh. Hồi mới xuống thành phố hắn thuê ki ốt, ban đầu cũng khó khăn vì không chịu vẽ tranh truyền thần. Cho tới một hôm, có một chị mang bức ảnh đã ố, chỉ còn lại cặp mắt, thuê hắn phục hồi lại.
     - Mày biết tính tao rồi, tao không thích vẽ truyền thần, thậm chí ghét nữa là đằng khác. Làm theo những cái gì có sẵn là tao ghét, hơn nữa, vẽ truyền thần nó tỉ mỉ, lâu dần làm mất đi nét phóng khoáng, sáng tạo.
Nhấp ngụm trà, kéo một hơi thuốc, hắn nói tiếp trong làn khói:
     - Tao từ chối, chị bật khóc, nài nỉ: "Chú ơi, đây là bức hình thờ của chồng tôi, tôi đi các hiệu ảnh, tiệm vẽ mà không ai chịu giúp cả". Cầm bức ảnh, tao biết người ta không làm cũng đúng thôi, công xá không được bao nhiêu mà phải tính toán, suy luận, tưởng tượng, thử đi thử lại mệt lắm. Tao hỏi chị có ai trong họ hàng có khuôn mặt, đường nét giống người trong ảnh không, chị nói có con gái giống cái mũi, cái cằm.
Hắn lại uống nước, nhả khói thuốc. Tôi sốt ruột:
     - Mày kể vắn tắt đi, vòng vo quá!
     - Toán thì có thể làm tắt được, còn kể chuyện phải có đầu đuôi. Tao đang làm phép thử cái tính kiên trì của mày đấy. Với lại mày muốn biết vì sao tao ở đây kia mà.
     Vừa lúc ấy cô bé bưng bia và mồi nhậu tới. Nó nói:
     - Cô bé này đấy, tiểu chủ nhân quán Vườn Xuân đấy.
Cô bé đỏ mặt:
     - Anh lại cứ chọc em.
Rót bia cho tôi, hắn tiếp tục:
     - Bây giờ thì vắn tắt thôi. Hôm sau cô bé ra, nhìn đôi mắt và những gì còn sót lại trên tấm di ảnh tao vẽ. Qua cô bé tao biết mình đang dựng lại tấm chân dung một liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Tây Nam. Lúc ấy tao nghĩ nếu không nhận phục hồi di ảnh, thì nói như Huấn Cao là "phụ một tấm lòng trong thiên hạ". Khi có được bức chân dung, chị mừng quá, òa khóc, trả tiền, tao không lấy. Mấy ngày sau cô bé đến mời tao đi ăn giỗ. Mâm cỗ cúng xong, bày ra bộ ván, chị mời mọi người ngồi vào mâm mà tâm trạng như đang trông ngóng một ai đó. Đúng lúc ấy, một người thương binh chống nạng từ cổng đi vào, chị chạy vội ra đón. Nghe giọng nói, trời ơi, là chú út nhà tao.
     - Xe cộ trễ quá, cô thông cảm!
Săp trái cây lên bàn thờ, thắp hương, chắp tay vái thành kính mà chú tôi khấn như đang chuyện trò với bạn bè: " Chà, hôm nay đẹp trai quá hè. Khôn thiêng thì phù hộ cho vợ con ăn nên làm ra nhé. Xe cộ trễ quá, thông cảm cho thằng anh nha. Báo cho chú biết, tháng rồi anh cùng mấy ông tỉnh đội đưa được thằng Sâm về nằm ở nghĩa trang xã nhà rồi".
     Quay sang chào mọi người, chú ngạc nhiên vì sao tao lại ở đây. Biết lý do, ông nói: "Được, như rứa là được. Không có những người ngã xuống thì bây mần chi có điều kiện vẽ hươu vẽ vượn. Cái chi cũng phải xuất phát từ cuộc sống, tôn trọng cuộc sống". Thấy khu vườn này mở quán cafê đắc địa, tao bảo chị nên làm quán. Chị bảo không có vốn với lại không quen buôn bán. Tao bảo sẽ góp vốn bằng cái nghề của tao, thiếu thì vay mượn, cứ mạnh dạn làm rồi nó tự dạy mình thôi. Rồi phát hiện cô bé có năng khiếu vẽ, lại thích vẽ chân dung nên tao dạy.
     Gắp miếng mồi bỏ vào bát của tôi, hắn nói:
     - Mày ăn đi, tao có cái tật khi uống bia là không muốn ăn cái gì cả. Bức vẽ chân dung mày thấy trên phòng tao là cô bé vẽ đấy.
     - Khá quá, còn công việc làm ăn của mày như thế nào?
     - Riêng phần hùn ở quán này dư sức tao ăn nhậu. Tiền bán tranh cũng khá. Thỉnh thoảng tham gia vài cuộc triển lãm, có giải, có tiếng, có tiền. Nói thực tao đang dồn sức để mở một cuộc triển lãm tranh với chủ đề mùa xuân.
     - Bức mày đang vẽ dở có nằm trong số đó không?
     - Đó là bức tranh đặt hàng thôi. Không hiểu sao ám ảnh của tao khi vẽ về mùa xuân lại là hoa đào, chim én, bầu trời xanh. Có lẽ hồi vẽ áp phích cổ động tao bị mặc định rồi, xóa mãi vẫn chưa hết. Giờ tao thấy tuyên bố của tao hồi nhận giải thưởng báo tường quả là không biết trời cao đất dày là gì.
     - Tuổi trẻ mà. Tuổi trẻ thường bốc đồng nhưng những bốc đồng ấy là động lực hướng cho ta hành động, "không thành công thì cũng thành nhân mà".
     - Có lẽ mày nói đúng. Không thể vẽ một bức tranh xuân mà ai ngắm nó cũng rạo rực, cũng hướng tới những gì tốt đẹp nhất. Những bức chân dung phục họa có lúc tao coi là tầm thường đã đem lại niềm vui cho không biết bao nhiêu người. Và tao tự hào khi chỉ vẽ cho một cô bé tự sống được đàng hoàng bằng việc phục họa hay truyền thần.
     - Sao mày ghét truyền thần mà chép lại bức "Ma da khỏa thân" của Goya cho đến nỗi phải bỏ việc?
     - Ra trường, muốn về quê hương làm việc để đóng góp một chút gì đấy. Nhưng trước sau gì tao cũng tức mà chết với những kẻ lãnh đạo mà không biết tí gì về chuyên môn mà lại hay chỉ đạo, kiểm tra này nọ. Tao thích bức "Ma da khỏa thân", chép lại nó là để khám phá cảm xúc của Goya, tìm hiểu ý tưởng sáng tạo sau khi đọc không biết bao nhiêu là giáo trình, bài nghiên cứu về tác phẩm ấy. Thế mà...
     Hắn bỏ dở câu nói, có lẽ theo hắn nói ra là thừa. Tôi chuyển đề tài để hắn khỏi chìm sâu vào những ký ức buồn:
     - Sao mày không lấy vợ? Hay mày mê những cô gái mày vẽ ra hơn?
     - Mày nói giống bà già tao quá. Có lẽ vợ lấy tao chứ tao không lấy vợ. Bà già dạm cho mấy đám nhưng khi gặp tao, thấy tao mê vẽ tranh thiếu nữ, lại có tranh khỏa thân nữa nên chạy mất dép. Mấy em ở thành phố mới uống cafê với nhau hai lần mà đã sau này anh phải như thế này, phải thế kia...thành ra, thôi thì con người ta có duyên số...
     Chúng tôi im lặng uống, cô bé bưng lên một mâm cơm có rau muống luộc, cà pháo muối và cá chạch kho tộ. Nhanh nhẹn, nhẹ nhàng, hình như cô muốn mọi hành động của cô không chạm vào nỗi ưu tư của chúng tôi.

     Cuộn bức tranh "Thiếu nữ qua suối", cột lại, bỏ vào ba lô cho tôi, hắn nói:
     - Tao chẳng có gì làm quà cho mày ngoài bức tranh này, vào trong ấy mày kiếm cái khung mà treo. Có ai hỏi mua cứ bán, tao vẽ cho bức khác. Mày nhớ cho câu này: "Nghệ thuật là của chung, cái đẹp phải được chiêm ngưỡng, phổ biến, có như thế xã hội mới bớt đi tệ nạn"
     Đưa tôi lên tàu, khi tàu sắp chuyển bánh, hắn bỏ vào túi tôi một cái phong bì, đặt tay giữ lại, hắn nói:
     - Mày đi gấp quá, tao không mua được quà gì cho cháu, vào trong đó mày giúp tao vậy. Không có việc gì thì coi như bình an. Có vui buồn gì thì viết thư nhé.
     - Mày cũng vậy chứ? Tôi hỏi.
     - Ừ.
     - Vậy sao bỏ việc không viết thư cho tao?
     - Lúc đó tao không biết đó là vui hay buồn nữa.

     Lại bốn năm nữa trôi qua. Ban sáng trên nhành mai trước ngõ có con chim khách hót. Trưa, chuẩn bị ăn cơm thì nghe điện thoại đổ chuông. Nhấc máy, chưa kịp "a lô",   từ đầu dây bên kia, hắn nói như đại liên xả đạn:
     - Lên chức sao không báo cho tao biết. Tao báo tin cho mày đây, thứ nhất bức "Mùa Xuân" của tao đạt giải A triển lãm toàn quốc, không có hoa đào và chim én đâu, chỉ có vòng tay anh bộ đội và ánh mắt mẹ già thôi...khi nào mày về tao cho bức tranh chép. Thứ hai, quan trọng hơn, tao hoàn thành tâm nguyện bà già tao. Tháng sau tao cưới, mày phải về dự đấy. Thôi, vắn tắt kẻo mất thời gian của mày. Tao đang có mùa xuân trong lòng đây. Vợ tao là nguyên mẫu bức tranh "Thiếu nữ qua suối". Cho tao gửi lời thăm hỏi vợ con mày nhé.
     Hắn cúp máy. Tôi chợt hiểu ra, đúng rồi, nguyên mẫu bức tranh là. . .

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Em tự mình vẽ nên bức tranh xuân


          Em xuống núi suối trong làm gương soi
          Em lên nương đá mồ côi dẫn lối
          Ngang lưng trời đám mây hồng theo vội
          Ngắm tóc em hay làm nón che em?

          Bàn tay em trỉa nếp, nếp nên thơm
          Chạm khung cửi hoa rừng cho màu lụa,
          Tiết đông lạnh muôn triền đồi cỏ úa
          Chân em qua mầm cỏ mượt mùa xuân!

          Anh hiểu rồi vì sao núi màu xanh
          Và vì sao tim tím chiều biên giới
          Cơn gió lả lơi cũng ngừng bay vội
          Mắt em nhìn, ngọt giọng nói môi xinh.

          Đã bao lần ven bờ suối anh rình
          Làn da ngọc em ngâm mình dưới nước,
          Không phải thiên thai đây là đời thực
          Em tự mình vẽ nên bức tranh xuân!

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

CHỐN CŨ


          Sao ta lại nhớ về chốn cũ?
          Dòng Gâm xanh, hoa gạo đỏ, trời xanh
          Bắp ngô nướng mới ngậm dòng sữa ngọt
          Gạo nương thơm, thơm cả bát canh cần.

          Sao ta lại nhớ về chốn cũ?
          Núi thẳm xanh, xanh thăm thẳm yêu thương,
          Áo chiết eo ôm chật căng vòng ngực
          Hồn nhiên sao cô gái lâm trường!

          Sao ta lại nhớ về chốn cũ?
          Vụng tay chèo, ta thả lưới trên sông
          Lưới trôi vướng chân em gánh nước
          Em cười ta mà ta thấy chao lòng.

          Ôi! Nỗi nhớ cứ trào dâng bổi hổi
          Thưở xuân xanh ta cũng đã qua rồi
          Em xinh xắn, dịu dàng, bé nhỏ
          Ký ức ta neo mãi tuổi hai mươi!

          Giờ hối tiếc, ta nhớ về chốn cũ
          Dòng Gâm xanh, hoa gạo đỏ, trời xanh
          Em trong trẻo, chân thành đến thế
          Mà lãng tử ta phụ bạc cả chính mình!...

"Mường Lát hoa về trong đêm hơi"...


     Quang Dũng (1921-1988) là một nghệ sĩ đa tài nhưng lĩnh vực thơ ca nổi trội  nhất. Thơ ông hào hoa, phóng khoáng, tinh tế mà lãng mạn như con người ông vậy. Vẻ đẹp thơ Quang Dũng toát lên từ cái chân thật, mộc mạc, đau khổ của đời sống; từ biệt tài sử dụng ngôn ngữ có yếu tố bất ngờ; từ thủ pháp liên hệ, gợi mở độc đáo...Chính vì vậy, mỗi khi đọc lại thơ Quang Dũng, chúng ta luôn thấy mới mẻ, hấp dẫn.

     Chỉ riêng trong Tây Tiến, về thủ pháp liên hệ, gợi mở, chúng ta có những câu thơ, khổ thơ:
     - Mường Lát hoa về trong đêm hơi
     - Heo hút cồn mây súng ngửi trời
     - Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
     - Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
     - Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

     - Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
     Quân xanh màu lá dữ oai hùm
     Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
     Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

     - Áo bào thay chiếu anh về đất
     - Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

     Trong các câu thơ, khổ thơ đã nêu, "Mường Lát hoa về trong đêm hơi" ít được phân tích, giải thích cặn kẽ ở những bài viết về Tây Tiến. Câu thơ chỉ một thanh trắc còn lại là thanh bằng, cho nên về âm hưởng gợi cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng, lắng đọng, trìu mến. Tại sao lại "Mường Lát hoa về trong đêm hơi"? Giải thích phải có căn cứ, và cho dù có liên hệ, liên tưởng vẫn phải bám vào văn bản.
     Trước tiên, tìm hiểu về "đêm hơi", chúng ta hiểu "hơi" là phụ từ thường kết hợp tính từ để chỉ mức độ, ví dụ:
     - Hơi cay; hơi mặn; hơi đắng; hơi chua...
Nhưng không phải lúc nào "hơi" cũng là phụ từ, ví dụ:
     - Hơi rượu tỏa
     - Quen hơi bén tiếng
Vậy "hơi" trong "đêm hơi" được tác giả dùng như thế nào thì chúng ta phải suy xét trong văn cảnh. Và câu thơ còn một "ẩn số" cần giải quyết nữa là "hoa về".
     Theo logic cảm xúc nghệ thuật, thủ pháp dùng từ, trong bài thơ cũng đã dùng khá nhiều liên hệ gợi mở như đã nêu ở trên, phân tích một ví dụ để thấy rõ hơn:
     Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
     Nói "kiều thơm" là những cô gái, thiếu nữ không ai phản ứng cả. Đây là liên hệ giữa vẻ đẹp nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du với thiếu nữ Hà Nội. Còn "hoa về" là liên hệ ở tầng bậc xa. Trước tiên "hoa" ở đây là người. Tục ngữ Việt Nam ta có câu:
     - Người ta là hoa của đất
     Hay khi so sánh hoa và người ở bộ phận:
     - Cười tươi như hoa (Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang - Nguyễn Du)
     - Mặt đẹp như hoa
     - Mặt hoa da phấn
Chúng ta thấy những sự so sánh ấy đều dành cho phái nữ. Vậy "hoa về" trong câu thơ có thể hiểu là: em về, các em về.

     Đặt câu thơ trong logic đối: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi / Mường Lát hoa về trong đêm hơi" thì cái cảm nhận trực giác về địa danh, chưa nói đến kiến thức địa lý, chúng ta thấy Sài Khao là một địa danh nhưng không gắn chặt với cộng đồng thôn, bản bằng Mường Lát. Cảm nhận cái mệt mỏi với cái vui sướng hay nói cách khác là sau cái bi là cái tráng, song hành nhau thì những người lính ở biên cương vui gì bằng khi thấy hình bóng các sơn nữ ("hoa về trong đêm hơi").
     Ở góc độ quan sát, khi thấy được 'sương lấp", 'đoàn quân mỏi" người đọc có thể xác định được thời gian. Chắc chắn khi viết được những câu thơ hay như thế Quang Dũng không thể không đọc, không thấm những câu thơ tuyệt hay của Bà huyện Thanh Quan:
     Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
     Dặm liễu sương sa khách bước dồn
     Nếu ở Sài Khao sương xuống rồi, mỏi mệt rồi mà vẫn hành quân thì ở Mường Lát, những chàng lính ấy lại vui vẻ đón những sơn nữ về bản sau một ngày lao động khi màn đêm bắt đầu buông. Ở miền núi sẩm tối, sương xuống bàng bạc, trong thời khắc tranh tối tranh sáng ấy, ngòi bút tài hoa của Quang Dũng thay vì viết "màn đêm buông" là 'hơi đêm", một cách thể hiện táo bạo. Nhưng dùng "hơi đêm", nghĩa là "mới vào đêm", "đêm chưa sâu" không thể lột tả hết vẻ yên tĩnh, bí ẩn bằng "đêm hơi". Thủ pháp đảo ngữ dùng để nhấn mạnh ý tứ trong thơ không có gì lạ nhưng dùng thủ pháp liên hệ, gợi mở bằng đảo trật tự từ trong câu thơ: Mường Lát hoa về trong đêm hơi là sáng tạo của Quang Dũng. Ít bắt gặp thủ pháp này trong thơ nên câu thơ như một câu đố là vì thế.

     Đọc thơ Quang Dũng muốn cảm nhận được cái hay, cái đẹp, người đọc phải có vốn hiểu biết về thời đại, nhiệt huyết cách mạng thế hệ ông và tâm hồn luôn rộng mở, phóng khoáng đậm chất lính.

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

CHỢ CỦI


                    Chẳng thấy chợ đâu và củi đâu,
                    Sông xanh trời biếc lẫn một màu
                    Núi Hồng soi bóng, vàng mơ nắng
                    Sóng vỗ mạn thuyền bọt trắng phau.
                    Cánh cò chấp chới biết về đâu,
                    Văng vẳng câu hò đuổi theo nhau
                    Theo cánh buồm nâu xuôi bến cũ
                    Hay ngược dòng Lam tới Ngàn Sâu?


Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Vui một tí



MỪNG

     Bé Nụ đang chơi xếp hình thì mẹ bảo:
     - Bà dì đi chợ về rồi kìa, con ra mừng bà dì đi.
Bé Nụ hồn nhiên:
     - Con có cái đuôi đâu mà mừng!

MAY

     Một anh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, sập ổ voi té lăn ra đất, máu chảy đầm đìa trên mặt. Mọi người xúm lại.
     - May quá, không sao!
Lấy ông tay áo chùi máu, anh ta nói:
     - May thì may nhưng không biết...may mấy mũi (!)

NGHE NHẦM

     Đi chơi với chàng mãi mà chưa thấy động tĩnh gì, sau khi học xong bài "Từ đồng nghĩa" nàng mới nghĩ ra một mẹo.
     - Anh này, con ba ba tiếng địa phương mình gọi là con gì?
     - Con hôn.
Đi một quãng nữa, không chịu được, nàng thỏ thẻ:
     - Anh "ba ba" em đi!
Chàng trả lời tỉnh bơ:
     - Đã tới cổng nhà em đâu mà bai bai...!

THƯ LÍNH



     Bức thư này anh gửi cho em
     Trên đường hành quân, không tem, viết vội.
     Có địa chỉ mà thư có tới?
     Thư gửi rồi mà không hết băn khoăn!

     Bức thư này anh gửi cho em
     Bỏ vào phong bì rồi cũng chưa kịp dán,
     Bày tỏ tình yêu nhớ nhung vô hạn
     Đừng nghĩ rằng anh không tôn trọng em nghe.

     Thư anh viết chẳng bóng bẩy, màu mè
     Không có cánh hoa ép vào ở giữa,
     Và đôi chỗ lấm lem mủ, nhựa
     Cành cây anh bẻ cắm vòng ngụy trang.

     Anh gói vào thư nỗi nhớ mênh mang
     Và ráng đỏ tim tím chiều biên giới,
     Anh hy vọng lá thư sẽ tới
     Phía chân trời, em ngước, mây trắng bay...

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

MƯA


    
     Trời chẳng thể nắng mãi
     Mưa nổi bóng dầm dề,
     Muối cào chưa kịp gánh
     Tan thấm vào thân đê.

     Đứa con nhỏ trên lớp
     Vội cho kịp đón về,
     Nửa đường xe xẹp lốp
     Gió bạt cả ô che.

     Chồng đi xa, nhà dột
     Cửa gió tạt, củi ướt
     Điện mất, nhà tối thui
     Lần mò cùng ánh chớp.

     Con đói run vì rét
     Mẹ ướt chẳng đồ thay;
     Nhà bên đang vào tiệc,
     Vui "mưa mát thế này".

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

TRÁI TIM CỦA MẸ


     Sông núi rộng, biển trời xanh rộng
     Trong mắt con vẫn giới hạn, hữu hình.
     Bao la hơn biển Thái Bình,
     Cao hơn chiều cao vũ trụ,
     Rất gần gũi, thì thầm, nhắn nhủ
     Mỗi bước con đi, mỗi việc con làm,
     Dẫu cách xa, con vẫn thấy bình an
     Bởi được chở che dưới trái tim của mẹ!

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

LÂM TẶC

CHƯƠNG XXIX

     Mới hai ngày đầu mùa mưa mà con sông Gâm như không còn là chính mình nữa. Nước đục ngầu, sủi bọt dâng nhanh như thủy triều. Cành cây, gỗ, nứa trôi trên sông vun vút. Ven bờ thỉnh thoảng có những xoáy nước lớn hình thành một vài giờ, di chuyển chầm chậm theo dòng chảy rồi cũng tự nhiên mất đi như tự nhiên sinh ra. Ông Tám Cá bảo rằng không có cái gì tự nhiên cả, những xoáy nước ấy hình thành là có những gốc rễ cây trôi ngầm ở dưới đó, rều rác vướng vào tạo thành xoáy. Khi nước đẩy nó ra được giữa dòng thì cái xoáy mất đi.
     Nghe ông Tám Cá giải thích, sếp Kim nghĩ dòng sông giống như cuộc đời, những gì cản trở, trái quy luật dù có làm chậm dòng chảy tí chút nhưng rồi cũng sẽ bị cuốn phăng đi. Ngẫm lại đời mình, nhiều lúc cũng chính là những gốc cây chìm dưới sông vậy. Quay đầu là bờ, ông nghĩ may mình chưa đi quá xa. Qua vụ việc Trí Vịt, Cơ, Huy , Trọng Hói và phần nào có cả Minh Chột nữa ông thấm thía, trăn trở, áy náy, tự thẹn với lòng mình. Người ta nể ông hay nói chính xác hơn là nể cái ghế ông đang ngồi chứ đâu phải như ông Tám Cá, già Bân và lớp trẻ là Quân, Man Hoa, Thoa, Diệp... Họ trong sáng quá, vô tư quá, hoàn cảnh nào cũng vậy, họ là loại người tốt nguyên thủy chăng?...

     Vụ việc đã sáng tỏ, chiều hôm trước cậu Ngàn bên công an đã tự thưởng cho đội của mình một chầu nhậu ở quán Hương Rừng, có mời ông. Lẽ ra ông phải vui lên mới phải nhưng càng uống ông càng nặng lòng quá. Người ta không nói ra nhưng ông hiểu, ông có một phần trách nhiệm ở trong đó. Chỉ từ khi viết xong lá đơn xin nghỉ hưu sớm ông mới thanh thản phần nào.
     - Bên công an đang đề nghị tỉnh tặng bằng khen cho anh, hai cháu Quân, Chính.
Ông Tám Cá phà hơi thuốc:
     - Tôi thì khen cái gì. Người khen đầu tiên phải là thằng Cần, không có nó có khi tôi chết mất ngáp rồi.
Sếp Kim thành thật:
     - Tôi thật lú lẫn, chuyện đó tôi không nhớ ra. Lu bu quá, thật tình tôi cũng không biết sức khỏe nó ra sao nữa?
     - Cánh tay ổn rồi, hàm hết sưng, hôm nào tôi đưa nó xuống Hà Nội trồng hai cái răng.
     - Còn việc tôi đề nghị cháu Man Hoa làm giám đốc?
     - Chuyện đó là do thằng Quân quyết định.
     - Sao lại là cháu Quân?
     - Hỏi rồi, đăng ký rồi coi như nó là vợ thằng Quân rồi.
     - Anh không tiếc công học tập của cháu sao?
     - Học để sống, để làm việc. Giờ tôi thấy thằng Quân có lý.
     - Anh cũng phong kiến gớm, mà nói thật lâm trường rất cần những người như cháu.
     - Còn rất nhiều người, chỉ có điều các anh có tin họ hay không, có tạo điều kiện cho họ phát triển hay không mà thôi.
     Cho tới lúc này già Bân mới lên tiếng:
     - Thống lĩnh và sếp Kim bàn chuyện con cháu làm gì. Mình chỉ định hướng thôi chứ có quyết định được đâu. Nhưng già này tin cháu Quân không cản trở vợ vì công việc chung đâu. Cái chính vẫn là ở Man Hoa đấy.
     Trong thâm tâm, ông Tám Cá không muốn Man Hoa làm việc ở lâm trường mà nhất lại là công tác quản lý. Ông nghĩ đi nghĩ lại không biết mình có lạc hậu không. Việc nhà làm không hết phải thuê mướn người làm. Với ông, phụ nữ phải đặt thiên chức làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình lên trên hết. Cuộc đời ông, vợ ông vì hoàn cảnh mà phải xa nhau, giờ ông chỉ muốn chúng quấn quýt bên nhau, thế là đủ... Còn cống hiến ư? Thằng Quân nói có lý, mình kinh doanh, sản xuất đóng đầy đủ thuế cho nhà nước là nghĩa vụ, dư ra chút đỉnh làm từ thiện, cứu giúp người khác là cống hiến. Làm công nhân lâm trường nếu không làm thêm lấy gì mà sống, rồi thử hỏi mỗi năm lâm trường đóng góp vào ngân sách nhà nước được bao nhiêu hay lại phải để nhà nước bao cấp? Đấy, chỉ cái xưởng mộc này thôi nó đã tạo công ăn việc làm cho hơn hai chục con người, còn thu nhập hơn gấp ba lần, thế mà nó bảo còn thấp, phấn đấu gấp đôi hiện tại thì mới khá được. Nó không nói suông, cách nghĩ, cách làm của nó cũng khác. Dày dạn làm công tác quản lý như sếp Kim cũng phải phục nó. Ngay hồi khởi công làm tranh chữ treo tường bằng gỗ lũa, những miếng ván cắt to nhỏ, dày mỏng, hình thù khác nhau, sếp Kim nói: "Sao không làm theo một kích cỡ cho nhanh", nó cười hỏi lại sếp: "Nhà cửa thành phố, nông thôn có khác nhau không sếp?", "Khác chứ", "Thế thì người mua tranh người ta chọn kiểu dáng, kích cỡ phù hợp với nhà người ta chứ". Rồi cứ nghĩ lâu nay Quân học chữ Hán với già Bân để chạm khắc tranh chữ nhưng nó làm sếp Kim và ông ngạc nhiên khi cắt những cái rễ cong như chữ u hay giống như cái móc câu dùng sơn ta dán vào, ba cái chấm, phết của chữ TÂM làm bằng mắt gỗ. Thành ra tranh chữ TÂM cả trăm cái không cái nào giống cái nào. Hỏi tại sao làm như thế, nó gải thích: "Phần lớn những bức tranh này bán cho người thành phố. Tâm lý người thành phố ai cũng muốn có "hàng độc", nghĩa là không giống ai, "đụng hàng" ai. "Hơn nữa, làm bằng gốc rễ cây, mắt cây con muốn gửi gắm vào đấy, chừ TÂM là gốc rễ, ánh sáng đạo lý làm người". Khi nghe nó lý giải như vậy, sếp Kim chỉ còn biết gật đầu, lẩm bẩm: "Hậu sinh khả úy". Đến khi hỏi nó thế thì làm sao mà định giá bán cho mỗi sản phẩm, nó cười bảo đã ghi sẵn ở phía sau tranh. Thì ra khi giao cho thợ làm, nó bảo làm trong bao nhiêu thời gian thì ghi phía sau cho nó. Lấy một bức tranh làm hết thời gian lâu nhất làm chuẩn, định giá, rồi từ đó nó tính cho những bức tranh khác. Lô hàng đầu tiên do chính sếp Kim mang về Hà Nội nhập thành công hơn cả mong đợi. Sếp Kim giục nó làm lô hàng mới nó bảo cứ thong thả, làm cái khác đã. Mục đích của nó là làm sao xưởng mộc làm theo đơn đặt hàng, có như thế mới không lo sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Hỏi nó sao con có ý tưởng hay thế, nó cười bảo "sách báo dạy cả cha ạ"...

     Rót chén trà cho ông Tám Cá, sếp Kim, già Bân nói:
     - Chuyện lớn bây giờ là tổ chức cho hai cháu ở đây hay là ở dưới thị xã, thống lĩnh?
     - Tôi tính chiều nay mới hỏi chúng, già ạ.
Sếp Kim góp ý:
     - Ở đây cũng chỉ là cái trại, nhà cửa chính của anh chị ở thị xã thì làm dưới đấy hợp hơn.
Già Bân đồng tình:
     - Cái này mình phải quyết thôi, thống lĩnh. Cha mẹ dựng vợ gả chồng cho con mình phải quyết chứ. Với lại tôi nghĩ tổ chức cho hai cháu ở nhà hàng Hương Rừng cũng chính là nhà của mình có gì thuận tiện bằng. Thôi, chuyện này thống lĩnh cứ để cho tôi. Ngày phu nhân ra đi có dặn dò tôi phải tổ chức cho tươm tất một chút, đời con gái chỉ có một lần.
     Đôi mắt già Bân rơm rớm, lấy tay lau mắt, già nói:
     - Sáng qua bà Xoan nhà tôi về nói chuyện có vẻ hợp với cô Tính lắm, nghe đâu cùng quê thì phải, vội đi nên tôi chưa hỏi kỹ.

     Mưa đã tạnh hẳn, già Bân lấy mấy cái cụp ra, hỏi ông Tám Cá:
     - Thống lĩnh để rêu ở đâu?
Lấy rêu bọc vào mảnh lưới, treo vào cái cụp, ông Tám Cá nói với sếp Kim:
     - Loại cá anh vũ này không thể đánh lưới hay câu được, chỉ dùng bẫy cụp. Chúng chỉ ăn rêu đá, khi nước lũ xuống rêu non không còn, mình thả loại rêu này thế nào cũng bắt được.
     Đến Họng Bọt, ông Tám Cá buộc sợi dây thừng vào một gốc cây ven bờ rồi dòng dây thả thuyền từ từ xuống. Khúc sông này đá ăn ra từ hai phía bờ sông tạo thành cái cổ họng. Mùa lũ nước chảy rất xiết, sát dưới cái cổ họng ấy là cái xoáy nước lớn. Đoạn sông này nước không gào thét như quãng Hòn Duộc nhưng mức độ nguy hiểm chẳng kém là bao. Nhìn những cây nứa qua cái cổ họng ấy như những mũi tên thì biết tốc độ nước chảy xiết cỡ nào. Qua cái cổ thắt ấy, nhìn xuôi xuống chỉ thấy một dòng sông trắng phủ đầy bọt trôi xuôi len kín không còn một khoảng trống, bọt phủ lên cả những cành cây, khúc củi mà nó đang chở về xuôi, bọt nước trắng xóa nhấp nhô đón ánh nắng mặt trời tạo nên màu sắc vô cùng huyền ảo trông như cầu vồng trên mặt đất.
     Đầu mũi thuyền già Bân khéo léo dòng từng cái cụp xuống nước rồi cột vào sợi dây dong thuyền. Xong xuôi đâu đó, ông Tám Cá mới cầm dây kéo thuyền ngược lên. Đến chỗ chèo được ông quay mũi, buông dây chèo vào bờ. Lúc này sếp Kim mới lên tiếng:
     - Nguy hiểm quá, anh Tám!
Già Bân cười:
     - Sếp đi vài lần sẽ quen thôi. Khi kéo cái cụp lên cá quẫy là quên đi tất cả.
Sếp Kim trầm ngâm:
     - Không biết khi ăn cá anh vũ mấy ai biết đến sự nguy hiểm đến tính mạng của người đánh cá!

     Đống củi chất đốt đã thành than hồng mà già Bân vẫn chưa thấy Man Hoa và Diệp về. Nóng ruột quá, già cứ trở vô trở ra. Hiểu tính già Bân, ông Tám Cá nói:
     - Già cứ vào uống nước, để tôi nướng cũng được.
     - Để thống lĩnh nướng thà tôi nướng còn hơn, cả mâm cơm cúng phu nhân mà con gái không làm một món gì là tệ lắm đấy.
Sếp Kim hỏi:
     - Sao anh Tám không cúng chị ở nhà mà cúng ở đây?
Già Bân gải thích:
     - Ngày xưa nơi đây thống lĩnh gặp phu nhân. Ước nguyện của phu nhân khi ra đi là được nằm ở đây, có điều kiện thì cúng giỗ ở đây.
     - Hèn gì nhà cao cửa rộng ở thị xã anh Tám Cá không ở mà cứ ở trên này.
     - Thật tình tôi ở trên này ấp áp hơn, đôi lúc hồi tưởng lại cứ như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
     - Sao anh không xây một cái nhà cho đàng hoàng luôn.
     - Thống lĩnh không muốn thế, chỉ muốn khung cảnh giữ nguyên như cũ. Già Bân trả lời thay ông Tám Cá.
     Bước ra ngõ tính hú gọi Quân thì già Bân gặp Man Hoa và Diệp về. Man Hoa chưa kịp chào thì già Bân trách:
     - Về trễ quá, công việc cả đời chứ con. Con không biết ngày hôm nay quan trọng thế nào à?
     - Con xin lỗi, con nghĩ lũ nên tàu lên muộn.
     - Khách khứa đến muộn không sao, mình phải đúng giờ con ạ.

     Khi Man Hoa ướp xong cá cho vào ống bương thì Quân về. Chào hỏi sếp Kim, già Bân xong Quân xin phép ra phụ Man Hoa. Nhìn hai đứa vui vẻ bên nhau, sếp Kim nói:
     - Anh Tám thật là tốt phúc.
     Mâm cơm cúng chỉ như bữa cơm bình thường, có chăng chỉ khác biệt là có thêm món cá anh vũ nướng, cạnh mâm là giò phong lan cẩm báo tím. Mùi hoa dìu dịu quyện mùi hương trầm nồng ấm làm tăng thêm cảm giác trang trọng, thành kính. Già Bân nhắc khẽ ông Tám Cá:
     - Đến giờ rồi, thống lĩnh khấn đi.
Ông Tám Cá sửa lại cổ áo, bảo Quân đứng phía bên trái, Man Hoa bên phải, chắp tay trước ngực, ông lầm rầm khấn nhưng sếp Kim, già Bân đều nghe rất rõ:
     - Mình à, hôm nay ngày lành tháng tốt, tôi và các con làm mâm cơm mời mình và báo tin cho mình con đã chọn được ngày cưới. Tôi nghĩ mình như đang còn đâu đây linh thiêng phù hộ cho các con nhé. Tôi muốn làm đám cưới cho con ở đây cho ấm cúng nhưng không tiện cho khách khứa nên tổ chức ở nhà mình dưới Tuyên. Nghe già Bân nói lại, ngày ra đi mình muốn con mình được tổ chức đám cưới tươm tất, nên tổ chức ở dưới đó, mình đồng ý nhé.
     Rồi ông nói với Quân và Man Hoa:
     - Các con khấn mẹ đi.
     - Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm...giá mà có mẹ...
Già Bân lên tiếng:
     - Thôi con, báo tin vui cho phu nhân sao lại khóc, phu nhân vắng bóng thôi, anh linh phu nhân vẫn luôn bên cạnh thống lĩnh và các con đấy.
Vòng qua lưng ông Tám Cá, đứng cạnh Man Hoa, Quân nhỏ nhẹ, rành rọt:
     - Kính thưa anh linh mẹ! Hôm nay đứng trước bàn thờ con hứa với mẹ yêu thương, thủy chung với Man Hoa, chăm sóc cha và làm tròn nghĩa vụ, bổn phận với dòng tộc, xã hội. Kính mong anh linh mẹ khôn thiêng phù hộ cho chúng con.
Nắm chặt tay Quân, Man Hoa nghẹn ngào:
     - Mẹ...anh Quân thương con...mẹ thương anh Quân...như con mẹ nhé...
     Khi ông Tám Cá trở lại chỗ ngồi, già Bân vuốt lại khăn áo, thắp thêm nén hương, vái ba vái, cắm vào lư, chắp tay trước ngực khấn:
     - Hôm nay, ngày ...tháng...năm...năm thứ...nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tôi là: Vi Nguyên Bân, trưởng tộc dòng dõi Hộ vệ quân nhà chúa
Nay nhân ngày con gái phu nhân chọn được ngày cưới,
Trước linh vị của phu nhân, trộm nghĩ rằng:
Hưởng gạo thơm cần nhớ công lam lũ
Uống nước ngon phải tìm suối trong xanh
Người sinh hưởng khí đất trời, chung quy cùng đạo lý
Đời trọng báo ơn tiên tổ xuất phát tự tâm linh
Kính nghĩ: anh linh phu nhân
Kiệm cần gây cơ nghiệp, trung hậu giữ gia thanh
Qua cuộc bể dâu giãi dầu sóng gió
Vững tay chèo lái vượt thác ghềnh
Đời càng vững bền gốc
Ngày ngày thêm thắm lá tươi cành
Con cháu nhiều tiến bộ, tổ tiên muôn thuở hiển vinh
Nhân ngày cháu gái chọn được ngày cưới gả, ngưỡng mộ tâm linh
Dâng bày lễ nhỏ, giải tỏ lòng thành
Ngưỡng vọng phu nhân ban phúc ấm
Độ trì con cháu được an lành
Kính mời anh linh phu nhân theo gót tổ tông cùng về thượng hưởng,
Kính cáo Táo quân, thổ thần, long mạch chiếu giám
Cẩn cáo.
     Tiếng còi tàu dưới sông vang lên ngay sau lời khấn của già Bân, Man Hoa xuống nhà bè đón khách. Vân vê tách trà trong tay, sếp Kim hỏi:
     - Tôi thấy thông thường cúng giỗ người ta dùng hoa huệ, hoa cúc hay đồng tiền, anh cúng chị bằng hoa phong lan có ẩn ý gì chăng?
     - Cũng không có gì đâu anh ạ, ông Tám Cá đổi cách xưng hô, chỉ là loại hoa nhà tôi thích.
Già Bân cười:
     - Thống lĩnh đừng trách tôi nhiều chuyện, để tôi nói cho sếp Kim khỏi thắc mắc. Phu nhân thích hoa này vì khi mới quen nhau thống lĩnh tặng cho phu nhân đấy.
     Nhấp chút nước trà, già Bân thong thả:
     - Nhưng mà khi tặng thống lĩnh cũng chưa biết tên loài hoa này, phu nhân hỏi, thống lĩnh gãi đầu nói "thôi thì cứ gọi man hoa vậy".
Sếp Kim à lên thích thú:
     - Lãng mạn thật, giờ tôi hiểu xuất xứ tên cháu vì sao đặt là Man Hoa rồi!
Ông Tám Cá cũng cười:
     - Già Bân thêm chi tiết gãi đầu rồi đó.
     - Thì đứng trước người mình thương bối rối phải gãi đầu chứ sao, tôi nghĩ về chuyện này tôi giống thống lĩnh mà.
     Đang sắp xếp chén bát mà tai vẫn nhóng lên nghe chuyện cha chú, Diệp không khỏi bật cười về câu nói của già Bân. Cô nói như chữa thẹn cho cái thói hóng chuyện người khác:
     - Cháu cứ tưởng thời mấy bác, sếp Kim cha mẹ đaặt đâu con ngồi đó chứ, ai dè còn đẹp hơn thời tụi con bây giờ.
Ông Tám Cá trầm tư:
     - Tình yêu đôi lứa thời nào cũng thế thôi cháu ạ. Hồi đó thấy giò lan tím đẹp trên vách đá tôi làm thang lấy bằng được. Đây là giò lan lạ tôi gặp lúc ấy nên không biết tên. Sau này vào Nam chiến đấu, từ miền Nghệ An đổ vào tôi gặp nhiều, các anh trong đơn vị sành về phong lan bảo tôi đó là lan cẩm báo. Cẩm báo nhiều màu nhưng màu tím vẫn là quý hiếm nhất...
     Dẫn đầu đoàn khách từ Tuyên lên là ông Bường, chưa kịp tìm chỗ để đặt cái túi xách, ông hể hả:
     - Lên được đây tôi vui quá, ở chơi với anh em lâm trường vài hôm và dự đám cưới cháu Man Hoa luôn. Có lẽ tôi trở lại sống ở đây thôi, về dưới ấy tôi không quen. Nhà tôi cũng có ý xiêu xiêu rồi.
Ông Tám Cá nắm chặt tay ông Bường:
     - Thế thì còn gì bằng, từ khi anh về hưu tôi hụt hẫng ít nhiều...
     - Còn hai người khách không mời đang đứng ngoài ngõ, anh có tiếp không?
     - Ai đến tôi cũng tiếp cả. Anh thấy tôi từ chối ai bao giờ chưa?
Ông Bường gọi vọng ra:
     - Vào đi, vào đi...
     Người đàn ông cao lớn, lưng hơi gù đi trước, theo sau là người phụ nữ chừng ba mươi tuổi, gương mặt phúc hậu. Man Hoa xách giúp chị ta một cái túi xách. Ông Tám Cá chưa nhận ra ai thì Quân đã lên tiếng:
     - Chào anh Cường, chào chị!
Người đàn bà cúi đầu chào mọi người với giọng nói nhỏ nhẹ, rụt rè trái ngược với giọng nói vang, tràn đầy khí lực của Cường Gấu:
     - Thưa anh Tám, thưa các anh, có lẽ tôi đường đột lên đây không đúng lúc lắm. Tôi lên đây là để nhờ anh Tám giúp đỡ cho một thời gian.
Chỉ vào người phụ nữ, Cường Gấu nói tiếp:
     -Đây là cô Quy, cháu họ xa của ông Cát Cụt, có thể tương lai à vợ của tôi. Cô ấy hiểu hoàn cảnh của tôi, thông cảm với tôi nên tôi đưa cô ấy lên đây. Cô ấy làm công nhân lâm trường cũng được hay làm việc gì cũng được. Nếu đợi được lúc tôi ra tù thì tôi sẽ cưới. Tính tôi thích tự do nhưng cái giá phải trả để được tự do không biết bao nhiêu năm tù, tôi nghĩ mình tự giác cải tạo tốt thì thời hạn cũng ngắn thôi. Anh Tám giúp tôi chứ?
Ông Tám Cá vỗ vai Cường Gấu:
     - Không những anh mà tất cả mọi người ở đây đều có nghĩa vụ giúp chú, chú nghĩ được như thế chúng tôi mừng lắm. Hôm nay nhân ngày vui quyết định ngày cưới cho con gái tôi và thằng Quân, chú và cô phải uống say với tôi đấy.
     Man Hoa dẫn khách ra máng nước rửa ráy, Ngọc Râu và Dũng Nheo kéo mấy tấm ván kê thành cái bàn dài.
     - Thằng Chính đâu không giúp một tay?
Dũng Nheo làu bàu, Ngọc Râu nháy mắt, hất hàm về phía bếp. Chính đang cùng Diệp múc thức ăn ra dĩa.

     Uống xong tuần rượu thứ ba, Quân nói nhỏ với ông Tám Cá:
     - Con xin phép ra ngoài có chút việc.
Quân đứng dậy ra hiệu cho Man Hoa. Một lát sau Man Hoa ra khỏi trại nhưng không biết Quân ở đâu. Một tiếng huýt của chim họa mi. Lên đến góc vườn cô thấy Quân đứng bên cây sung. Cả tuần nay cả hai lo cho công việc nên không có thời gian bên nhau. Vừa bước tới, Man Hoa đã ôm chầm lấy Quân.
     - Em nhớ anh lắm.
Quân âu yếm:
     - Anh có đi đâu mà nhớ.
     - Sau này anh đi đâu phải cho em đi theo.
     - Thế công việc ở lâm trường thì sao?
     - Em mặc kệ!
Quân đặt lên đôi môi Man Hoa nụ hôn nồng nàn.
     - Anh tặng cho em cái này.
Man Hoa bất ngờ vì một giò phong lan bạch ngọc tuyệt đẹp Quân dấu khéo léo sau cành sung.
     - Anh lấy ở đâu mà đẹp thế?
     - Trên vách đá quãng suối em thường tắm đấy.
Man Hoa đấm vào ngực Quân.
     - Anh xấu lắm, cứ rình người ta tắm.
Quân chọc:
     -Để so sánh làn da em và bạch ngọc bên nào trắng hơn.
Man Hoa cắn nhẹ vào ngực Quân.
     - Ghét anh lắm, tại sao cứ làm cho con người ta nhớ hoài.
     Quân nhè nhẹ vuốt tóc cô, mùi lan rừng, mùi hương cơ thể Man Hoa làm anh ngây ngất, rạo rực. Cả hai yên lặng trong vòng tay nhau lắng nghe tiếng cười từ dưới trại vọng lên...

HẾT