Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

CHIỀU TRÊN BẾN CŨ




          Lác đác bờ sông mấy vũng rêu
          Mây giăng núi bạc cuối trời chiều,
          Triều lên dăm cánh bèo trôi ngược
          Một mảnh buồm xa bến đìu hiu.

          Nhớ thương da diết biết bao nhiêu
          Kỷ niệm xa xưa quá  ngọt ngào
          Cây dầm khua nước em chèo nhẹ
          Sợ vỡ vầng trăng dưới trời sao.

          Bao lần hai đứa dắt tay nhau
          Say sưa ước nguyện chuyện ngày sau,
          In dấu chân trần trên cát bỏng
          Bẻ lá sen xanh để che đầu…

          Mộng ước chỉ là mộng ước thôi,
          Anh biết em buồn lúc chia phôi
          Mang theo nỗi nhớ dòng sông cũ
          Chân trời xa đứng ngóng chân trời.

          Có phải nơi em mây giăng lũy
          Em vọng quê hương bóng chiều sa?
          Triều lên nước ngược miền ký ức
          Một mảnh buồm xa bến nhạt nhòa.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

ĐÔI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ SÓNG CỦA XUÂN QUỲNH



     Sóng là bài thơ viết về tình yêu đôi lứa hay nhất của Xuân Quỳnh. Hay ở xúc cảm mãnh liệt về tình yêu trai gái nhưng chỉ là tâm trạng một phía, lại được thể hiện song hành trong hình tượng sóngem.
     Về âm hưởng, cảm giác chung khi mới đọc qua bài thơ là nhẹ nhàng, đằm thắm. Đọc lại nhiều lần, suy ngẫm, bài thơ rất tinh tế, sâu sắc, giàu sức khái quát, đời thường mà triết lý. Bài thơ sống mãi với thời gian bởi cảm xúc chân thành, mãnh liệt được thể hiện dưới ngòi bút tài hoa.
     Sóng dễ đọc vì được viết theo thể thơ năm chữ. Phần lớn nhịp thơ là nhịp 5/0 (trọn câu). Trong chín khổ thơ chỉ có ba khổ là có câu thơ được ngắt nhịp khác. Câu thứ tư của khổ thơ thứ sáu ngắt nhịp 3/2; câu thứ hai của của khổ ba ngắt nhịp 4/1; hai câu đầu của khổ một ngắt nhịp 2/1/2. Đặc sắc ngắt nhịp trong hai câu đầu là tính chất đối xứng qua “và”:
          Dữ dội /và / dịu êm
          Ồn ào / và / lặng lẽ
Cái hay ở đây “và” vừa là trục đối xứng tính chất vừa là liên kết tính chất của sóng.

     Khổ một ngoài hai câu đầu nói về sóng, hai câu còn lại làm cho người đọc trăn trở:
          Sông không hiểu nổi mình
          Sóng tìm ra tận bể.
Nhiều người lấy cuộc đời Xuân Quỳnh để “lý giải” hai câu thơ đó. Mỗi cách cảm nhận đều có cái hay, cái thuyết phục hay chưa thuyết phục chứ không thể nói đúng sai. Có lẽ để hiểu hai câu thơ này chúng ta phải đặt nó trong hệ thống toàn bài, điều này sẽ nói ở sau.

     Khổ thơ thứ hai, Xuân Quỳnh dùng quá khứ và tương lai nói về con sóng. Hai câu thơ đầu dung dị, nhẹ nhàng bởi thanh bằng chiếm tỷ lệ lớn (7/3). Hai câu sau bất ngờ đề cập tới tình yêu đôi lứa:
          Nỗi khát vọng tình yêu
          Bồi hồi trong ngực trẻ.
Hóa ra, dây là sự so sánh, so sánh giữa sóng và tình yêu. Cái nền để so sánh là “xưa”-“sau”, cái bất biến để so sánh là sóng và tình yêu. Sóng từ xưa đến mai sau vẫn thế. Tình yêu đôi lứa vẫn là nối khát vọng khi người ta trẻ. Và ngày xưa cho tới mai sau tình yêu liệu có khác được xúc cảm “bồi hồi”? Những câu thơ giản dị, đời thường như vậy nhưng nó mang tính khái quát không thể bác bỏ, vậy nên đây là triết lý về tình yêu đôi lứa.

     Khổ thơ thứ ba làm “nhiệm vụ” chuẩn bị cho cái điều trọng đại. Xuân Quỳnh mượn “Muôn trùng sóng bể” để tạo cớ, kiểu như:
          Hôm qua tát nước đầu đình
          Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen…
Hay:
          Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng…
Hoặc:
          Con cò bay lả bay la
          Bay từ ruộng lúa bay ra cánh dồng
          Tình tính tang…tang tính tình…
    
     Sau khi tạo cớ rồi, nhân vật em tự trả lời các câu hỏi mình đặt ra ở khổ thứ tư. Ai cũng biết nhân vật em hiểu được tính chất của sóng, khái quát tình yêu đôi lứa thành triết lý không lẽ không giải thích được: “Gió bắt đầu từ đâu”. Lời thú nhận: “Em cũng không biết nữa” rất dịu dàng, nữ tính. Tự em nói ra chứ có ai đâu mà truy, mà hỏi. “Em cũng không biết nữa” giải thích cho câu thơ trên nhưng cái chính là bắc cầu sang câu dưới:
          Khi nào ta yêu nhau.
Lại một câu hỏi tiếp. Ta yêu nhau là ta có đôi, có cặp. Biết được yêu nhau chính xác tự lúc nào thì chắc chắn đó không phải là tình yêu. Em đã yêu anh nhưng anh có đáp lại tình yêu đó không em chưa biết được. Nhưng vượt qua định kiến đời thường, yêu anh em thổ lộ, có thế thôi!

     Điều quan trọng nói ra được rồi, thú nhận được rồi nhưng tâm lý người phụ nữ làm em ngượng ngùng, nói lảng sang chuyện khác. Nhưng nếu đi xa quá anh tưởng em đùa thì sao. Vậy nên, ở khổ thơ thứ năm không bình thường về dung lượng như những khổ thơ khác. Chung quy, ngày đêm sóng nhớ bờ vì không ngủ được. Em lý giải con sóng vỗ suốt ngày đêm chỉ vì nỗi “nhớ” –  tâm trạng con người ta mà  rõ nhất khi yêu. Và em, khiêm tốn hơn, không được như sóng suốt ngàn năm không ngủ:
          Lòng em nhớ đến anh
          Cả trong mơ còn thức.
Câu kết của đoạn phi logic trong khoa học nhưng rất logic trong tình yêu. Luôn một lòng một dạ với anh, yêu anh nồng nàn nên bóng hình anh vào cả giấc mơ em. “Trong mơ còn thức” lại một lần nữa khẳng định tình yêu nồng nàn của em đối với anh, thế nên, em có gì khác sóng đâu?

     Và điều em khẳng định ấy, ở khổ thơ thứ sáu tô đậm hơn, nhấn mạnh hơn. Xuân Quỳnh viết bài thơ này trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở vào thời điểm cam go, ác liệt, thanh niên lớp lớp ra trận. Vào tuyến lửa (phương nam – Miền Nam), nơi khó khăn gian khổ, nơi hòn tên mũi đạn, được Xuân Quỳnh dùng từ “ngược” thật tài hoa. Ở đây, một lần nữa nhà thơ dùng cái phi logic thông thường để nói cái logic thời đại. Thông thường, người ta nói “xuôi nam ngược bắc”, nhưng lúc này Miền Nam là tiền tuyến, Miền Bắc là hậu phương, nên về với hậu phương, nơi bình an hơn, dùng từ “xuôi” không còn gì để bàn nữa.
     Trong cuộc chiến khốc liệt hay bình yên nơi hậu phương, và có thể ở một nơi nào khác nữa, em – như kim la bàn, chỉ về một phương: phương anh.

     Khổ thơ thứ bảy và thứ tám có sự liên kết, xâu chuỗi chặt chẽ, đây là lời tự động viên mình trong nhớ nhung khắc khoải. Khẳng định tất cả con sóng đều tới bờ “Dù muôn vàn cách trở” (khổ bảy) cũng như hai câu cuối ở khổ tám: “Như biển kia dẫu rộng/ Mây vẫn bay về xa.”, cho dù biển dẫu rộng vẫn có giới hạn, mây kiên trì vẫn bay đến bến bờ bên kia. Ở giữa chân lý tự nhiên em nêu ra ấy, hai câu thơ: “Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua” ta hiểu thời gian chờ đợi bao giờ cũng dài lắm. Và nó càng dài hơn khi ở thời điểm này (12/1967) biết khi nào chiến tranh kết thúc? Biết khi nào em mới gặp anh? Khoảnh khắc thời gian như nhau nhưng nó dài hơn khi người ta chờ đợi, đó là thời gian tâm lý. Hai câu thơ đã nêu là sự từng trãi, chiêm nghiệm, là lời tự động viên mình trong những tháng năm xa cách người yêu.
     Cũng cần nói thêm một chút, bài thơ Sóng thuần khiết viết về tình yêu đôi lứa trong khi nền văn học ta lúc ấy thiên về ca ngợi những chiến công đánh Mĩ, ca ngợi những tấm gương hy sinh, bất khuất. Sóng không lạc lõng, trái lại, làm “mềm” hơn, lãng mạn hơn giai đoạn “văn học đánh giặc” đó. Xuân Quỳnh chỉ là một trong muôn triệu nỗi nhớ nhung của người vợ, người yêu hướng ra tiền tuyến. Nói được điểm chung của người phụ nữ thời đại, của giai đoạn lịch sử nhất định nên Sóng có sức cộng hưởng lớn, vừa động viên những ai đang chờ đợi lại vừa khích lệ được những ai đang cầm súng.

     Khổ cuối của bài thơ là một cái kết đẹp. Xuân Quỳnh ý thức được tình yêu của em chỉ là một trong muôn triệu mối tình đôi lứa. Tình yêu ấy bền vững hơn, trường tồn hơn trong môi trường “biển lớn tình yêu”. Em là cô gái bình dị, tình yêu của em có chung cung bậc cảm xúc tình yêu đôi lứa bao người, “lúc dữ dội và dịu êm, lúc ồn ào và lặng lẽ”. Đã là tình yêu chân thành nồng thắm nó phải thường trực trong trăn trở, suy tư, nhớ nhung, khát vọng. Như con sóng, biển dẫu lặng vẫn vỗ bờ, vẫn con sóng này nối tiếp con sóng kia giống nỗi nhớ về anh luôn thường trực trong em. Và vì thế, em hóa thân thành con sóng, là sóng không chấp nhận không gian chật hẹp của sông. Đành rằng sông cũng có sóng nhưng cũng có lúc tĩnh lặng, không giống như biển cả. Do đó, yêu anh, nỗi nhớ về anh của em không bao giờ đứt đoạn, và để nuôi dưỡng tình yêu ấy em phải hòa mình vào biển lớn.
     Như vậy, chi tiết thơ ở khổ một, muốn cảm nhận được nó, không thể tức thì mà phải đặt nó trong cảm xúc xuyên suốt của tác giả, chúng ta chỉ hiểu, chỉ được soi sáng khi đọc kỹ bài thơ. Cách “cài” chi tiết này thể hiện sự tinh tế, tài hoa của thi sĩ.

     Bài thơ Sóng không dài nhưng những bài viết về Sóng như những dòng sông đổ ra biển lớn. Thời gian trôi cứ trôi, Sóng lấp lánh trong dòng thi ca dân tộc. Sóng ra đời trong chiến tranh nhưng không có một câu chữ nào nói về đau thương, gian khổ, mất mát. Có phải Sóng là khoảng lặng trong dòng chảy “văn học đánh giặc”, chân chất tình cảm chân thành, da diết, mà ngẫm sâu xa nó lên án chiến tranh, thấm đẫm tư tưởng Nhân văn sâu sắc? Và đó chính là lý do Sóng vượt thời đại, vượt biên giới đồng hành cùng nhân loại.

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

THI SĨ LÀNG



      Cũng gần nửa năm tôi mới lên chơi làng Thượng. Ngày trước, tuần nào tôi cũng lên. Cái lý do vì sao siêng năng lên không ngoài chuyện tình ái. Nói đúng ra, đấy là một mối tình câm, một mối tình đơn phương.

     Từ khi Diệp, hay nói đúng hơn là chị Diệp đi lấy chồng, tôi lên làng Thượng chơi với thời gian ngày một ngắn hơn, khoảng cách giữa lần trước và lần sau dần thưa hơn. Động cơ lên làng Thượng không còn như trước nên tâm trạng tôi cứ chán nản làm sao. Con đường trước đây là con đường thơ, giờ chỉ lăm nhăm sỏi đá, ổ voi ổ gà, mỗi khi xe tải chạy qua bụi mù cả mắt.
     Vào sân, chưa kịp dựng xe, chị Thảo, vợ anh Quí chào tôi bằng câu hỏi hàm ý trách móc:
     - Có phải hỏi thăm đường vào nhà không chú Tuấn?
     - Dạ, nhắm mắt em cũng chạy thẳng tới đây được.
Tôi mở cốp xe, lấy chai rượu Vot ka Nga, mấy gói kẹo đưa cho anh Quí:
     - Em có chút quà biếu anh và cháu.
     - Thế còn quà chị đâu?
     - Em quên làm sao được, không kiếm được quà cho chị nên em không dám lên đây.
Tôi mở túi xách, lấy tập thơ Puskin đưa cho chị. Mắt chị sáng lên, chị bảo:
     - Cảm ơn chú nhiều! Chú kiếm ở đâu mà giỏi quá, thời giờ người ta ít in thơ mà nhất lại là thơ dịch.
     Uống xong tuần trà, chị nói với anh Quí:
     - Những thứ anh dặn em đã chuẩn bị cả rồi. Lâu ngày chú Tuấn lên anh cứ đi chơi cho thoải mái. Dì Ngọc đón con bé rồi anh à.
    
Lồng quang gánh, với cái khăn đội đầu phơi trên dây, chị bảo tôi:
     - Em đi chơi với anh Quí vui vẻ nhé, chị đi làm đây.
Anh Quí giải thích:
     - Hẹn chú lên đây là đem chú đến chơi với quái kiệt làng. Anh không giới thiệu trước, để chú tự nhận xét.
    
     Anh chở tôi đến trang trại khá rộng, cách làng chừng hai cây số. Một ngôi nhà sàn cột đúc bằng bê tông, mái ngói dưới tán mấy cây mít. Xa hơn một chút là dãy chồng gà lợp tôn xi măng, xung quang rào lưới B40 thoáng đãng. Phía bên trái ngôi nhà là cái hồ lớn cớ đường ống dẫn nước suối chảy vào.
     Ông chủ trang trại tóc hoa râm, để dài ngang vai, đôi mắt sáng, hóm hỉnh, nhìn người ta như đang cười cười chuyện gì đó, tạo cảm giác thân thiện, dễ gần. Ở cái tuổi lục tuần, giữ được vóc dáng gọn gàng, cử chỉ nhanh nhẹn mà khoan thai như ông  là hiếm. Ông bắt tay tôi thật chặt, giọng nói đầy sinh khí:
     - Nghe Quí nói về em đã lâu, giờ mới có dịp gặp mặt, đúng là: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.
Tôi khen trang trại ông đẹp, trồng trọt ngay hàng thẳng lối, có được trang trại như vậy chắc thu nhập cũng khá. Ông mỉm cười, ngâm nga:
          Người ta làm để ấm no
Anh làm trang trại để cho đỡ buồn.
     Một người phụ nữ áng chừng là người làm thuê xách phích nước lên, chào chúng tôi, chế trà khá điệu nghệ. Xong xuôi, chị hỏi ông chủ:
     - Anh làm món gì đãi khách?
Ông Diệp Anh trả lời:
          Con gà tục tác lá chanh
          Cá nướng muối ớt, xào hành thịt bê.
Anh Quí nói:
     - Mấy thứ anh dặn em đã đưa chị Phụng rồi. Làm gì nhiều món thế, ăn không hết phí lắm.
     - Chút nữa Nhạc Phi, Chúa Chổm lên lo gì không hết. Với lại làm nhiều một chút cho mấy đứa làm công ăn luôn.

     Anh Quí dẫn tôi đi xem trang trại. Anh kể lâu lâu ông Diệp Anh bắt mấy người làm công nghỉ, làm mồi nhậu, uống rượu nghe ông đọc thơ. Người ta nhấp nhổm, muốn đi làm, ông bảo cứ nghe đọc thơ,  bình thơ, rồi ông  trả công  cao gấp đôi  bình thường. Ông bảo đó là cách bồi dưỡng sức dân để tái sản xuất hiệu quả hơn, với lại làm thơ mà không đọc thơ, không có người nghe thà rằng đừng làm…
     Trang trại ông trước đây là những mảnh vườn tạp, ông mua lại. Trừ một số cây giữ lại làm bóng mát, còn lại dọn sạch, trồng bưởi da xanh xen lẫn ổi cơm, ổi không hạt. Trước lúc trồng, ông lấy mẫu đất thuê Viện nghiên cứu cây nhiệt đới phân tích, thuê kỹ sư nông nghiệp chọn và mua  giống mãi ở Trung tâm sản xuất giống cây trồng Miền Bắc, rồi thuê chính trưởng phòng nông nghiệp huyện – anh Tấn, hướng dẫn trồng trọt. Ông ghi chép tỉ mỉ từng lời chỉ dẫn, ghi nhật ký trồng trọt từng buổi. Ông bảo: “Nếu thành công sẽ có kinh nghiệm giúp bà con”.
     Dọc đường  phân lô là những bụi sả xanh mướt, phía triền đất thấp gần suối trồng hơn trăm cây chuối hột đang kỳ đẻ con, lác đác đã có cây trổ buồng…

     Tôi và anh Quí về “trại” thì Nhạc Phi và Chúa Chổm đã tới, ngồi uống trà với ông Diệp Anh. Tưởng ai, hóa ra “Nhạc Phi” là anh Tấn, trưởng phòng Nông nghiệp huyện, người một thời trồng cây si trước nhà chị Diệp.  Còn “Chúa Chổm”, bạn nối khố với anh Tấn, giáo vên dạy ngoại ngữ Trường cấp III huyện, có dái tên rất đẹp: Hoàng Minh Đức.
     Rót nước cho tôi, anh Tấn nháy mắt:
     - Chào “chú em xa lạ”, lâu nay có ghé nhà chị Diệp không?
     - Có lẽ cũng như anh thôi, lên đây không ghé, hai bác biết còn mặt mũi nào.
Anh Đức phà khói thuốc, nói với với ông Diệp Anh:
     - Em không phải là dân kinh tế, cái trang trại này anh bỏ ra ít gì cũng ba tỷ. Em có số tiền như vậy em bỏ ngân hàng, chẳng phải lo gì, tiền lãi tiêu không hết.
     - Sống kiểu mày thì đúng là “Chúa Chổm”. Hai năm sau anh Diệp Anh thu hoa lợi rồi. Mày tính 3.000 gốc bưởi, mỗi gốc bình quân 30 quả, tao tính trừ công xá, phân bón, thuốc trừ sâu cũng còn được hai chục, nhân với 3,000 có phải 60.000 quả không? Rồi mày cứ định giá mỗi quả bao nhiêu nhân lên xem so với gửi ngân hàng thì như thế nào? Với lại, tiền có thể mất giá, chứ trang trại, hoa lợi chỉ có lên mà thôi. Còn riêng hồ cá, mỗi năm thu hai chục tấn, nhân với bèo nhất 50.000đ/kg thì bao nhiêu? Tao tính, chỉ riêng trại gà là đủ trả công cho sáu người làm hàng tháng rồi. Sắp tới có chuối hột, “ngài” ngâm rượu bán, thân, lá làm thức ăn cho cá, cho gà thì còn lời biết bao nhiêu nữa…
     Đúng là làm chơi ăn thật. Anh Tấn nói qua mấy phép tính đã mở mắt cho tôi rất nhiều. Lâu nay tôi cứ quan niệm làm nông thì chẳng có cách gì giàu được. Đức “Chúa Chổm” nói kháy lại “Nhạc Phi”:
     - Anh Diệp Anh nói hoa lợi cái trang trại này đủ để in mươi tập thơ. Còn mày, tính như vậy cứ cho là đúng đi, vậy mày biết như thế sao không làm? Mày giỏi như thế sao không được đưa vào diện quy hoạch cán bộ chủ chốt?
     Như để dàn hòa “Nhạc Phi” và “Chúa Chổm”, ông Diệp Anh ngâm nga:
          Ở đời sự thế ghét ganh
          Tài năng thì diệt, nịnh thần làm quan!
Rồi ông tiếp:
     - “Nhạc Phi” có tài, có lòng tự trọng nhưng quê quán không ở đây, không có ai chống lưng thì làm được cái chức đó đã quá giỏi rồi. Thật tình, nghỉ hưu tôi mới về quê, về quê tôi tự thẹn trong lòng không đâu cục bộ bằng đất này.
Anh Quí tiếp lời:
     - Xấu hổ thật. Con lão Tòng chủ tịch huyện thi tốt nghiệp cấp III hai năm không đỗ, năm sau thi bổ túc nghe nói chạy chọt ghê lắm mới đỗ. Thế mà không biết tại chức hay chạy chức cũng có bằng Đại học như ai. Giờ là Bí thư Huyện Đoàn, nghe nói nhiệm kỳ tới là phó chủ tịch huyện.
“Chúa Chổm” hỏi:
     - Chẳng lẽ cha chủ tịch, con phó chủ tịch? Có lý đâu như vậy?
Anh Tấn trả lời:
     - Chuyện này tôi không dám nói, nhưng hết nhiệm kỳ này ông Tòng nghỉ hưu.
Trao cho chị Phụng cái khay trà để lấy chỗ đặt thẩu rượu ngâm, ông Diệp Anh vỗ vai anh Quí:
          Cần chi học vấn chính danh
          Có ô, tại chức cũng thành quan to.
     Tôi không nhịn được cười, cứ mở miệng là ông có thơ, hiếm người ứng đối được như thế. “Chúa Chổm” so đũa cho mọi người, gắp đôi cánh gà bỏ vào bát ông Diệp Anh, nói trổng:
     - Quan mà làm gì, cứ như anh Diệp Anh đây quan xách dép chạy theo cũng không kịp.
Anh Tấn cười:
     - Mày cứ bỡn, tao biết chắc chắn anh Diệp Anh vay ngân hàng cả tỷ bạc. Còn như ông Tòng, chí ít mỗi dự án cũng đút túi tỷ rưỡi.
    - Ái chà, dám nói xấu thượng cấp kia đấy.
     - Tao cái gì biết mới nói, mà đâu chỉ mình tao biết, chính mày cũng hỏi tao về chuyện này mà.
Gắp cho tôi cái mề gà, anh Quí can ngăn:
     - Rượu chưa uống đã cãi lộn. Đứa nào giỏi cứ làm giàu đi, tao chực bữa rượu khỏi lo vợ con chúng mày vào lườm ra nguýt.
     Sợ chạm lòng tự ái “Chúa Chổm”, ông Diệp Anh uống cạn chén rượu, nói:
     - Giàu nghèo có số. Người quân tử chính trực thì nghèo, kẻ tiểu nhân léo lận thì giàu. Tôi “chốt” chuyện này nhé:
          Thông minh tài trí cơ hàn
          Mưu ma chước quỷ đếch sang nhưng giàu!
Tôi góp chuyện:
     - Có người làm giàu phi pháp, thậm chí bất chấp tất cả. Cán bộ nhà nước mà táng tận lương tâm đến mức quy tâp mộ liệt sĩ giả bằng xương động vật để trục lợi.
Anh Quí thở dài:
     - Tôi mà có quyền, táng tận lương tâm kiểu đó tôi bắn bỏ, để chúng sống như vậy rác rưởi xã hội.
“Nhạc Phi” cụng chén ông Diệp Anh:
     - Thôi đừng nói chuyện buồn nữa, anh “chốt” được không?
     - Chú uống xong chén rượu là anh “chốt” ngay.
     Thật tình, tôi rất phục tài ứng khẩu của ông Diệp Anh, kiểu gì cũng có thơ. Tôi nghĩ “chốt” chuyện chúng tôi đang nói khó đấy. Tôi cầm chén rượu chưa uống, chờ ông đối phó tình huống này thế nào. Anh Tấn thấy tôi chưa uống, cụng chén uống cạn. Anh vừa đặt chén xuống, ông chủ trang trại đọc:
          Lòng tham dẫn tới bất lương
          Mờ mắt vơ vét xem thường phép công,
          Ở đời được mấy anh hùng
          Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều!
Chúng tôi vỗ tay thán phục ứng tác nhanh nhạy của ông. Tôi nghĩ khi có thời gian nung nấu, trăn trở với cảm xúc và con chữ chắc chắn thơ ông đọc được. Như thấu suy nghĩ của tôi, ông nói:
     - Người ta làm thơ vì chữ danh. Anh làm thơ cốt di dưỡng tinh thần, âu cũng là niềm vui tuổi già. Anh khoái mấy câu thơ không biết của ai, đọc cho chú em nghe nhé:
          Về già thơ phú lai rai
          Chẳng cao lên được chỉ dài thêm ra
          Dài thì ta gọi trường ca
          Còn ngắn thì đúng đấy là…”hai cu” (Hai cư).
     Không ai nhịn được cười, tôi chúc anh một chén:
     - Bọn em mà theo được cái già của anh cũng khướt!
     - Thôi ăn đi, ăn hết mới tôn trọng chủ nhà đó.

     Chia tay, anh tiễn chúng tôi ra khỏi cổng trang trại. Anh dặn bất cứ lúc nào lên chơi với anh cũng được, anh nói “rất thèm” chúng tôi lên chơi tán gẫu cho vui. Tôi hỏi anh đã xuất bản tập thơ nào chưa, anh cười bảo khi nào xuất bản sẽ tặng tôi một tập. Nắm tay tôi, anh nói:
     - Anh muốn chứng minh cho mọi người thấy là làm nông cũng làm giàu được. Và điều nữa, rất quan trọng, nông dân cũng bay bổng tâm hồn. Thật thú vị khi những người khách đến thăm trang trại được tặng tập thơ của “thi sĩ làng’, để họ:
          Đêm về nghĩ mãi không ra
          Vì sao như hắn cũng là nhà thơ!
     Lại  cười. Tôi nắm chặt tay anh hẹn sẽ sớm gặp lại.

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Nếu có kiếp sau, anh sẽ không bao giờ yêu em!



     Anh - một chàng sinh viên nghèo. Làm thêm vất vả để kiếm thêm tiền trang trải học phí. Em - tiểu thư cành vàng lá ngọc con nhà khá giả, gia đình có mấy osin. Lần đầu tiên về quê đến cây tỏi, cây hành em cũng không phân biệt được.

     Anh gặp em lần đầu tiên trong ngày khai giảng. Em đứng đó vui cười với đám bạn, mải mê làm đổ cốc coca lên váy trắng. Ngượng ngùng anh đưa em áo khoác che vết loang. Giây phút ấy em mãi không quên anh.

     Bốn năm học đại học, em muốn giúp anh nhiều lắm, muốn cuộc sống anh đỡ vất vả vì phải vừa học vừa làm. Đưa tiền anh đâu có nhận, anh nói anh không làm được cho em thì thôi...

     Tốt nghiệp đáng lẽ chia tay, chỉ là tình yêu thời Đại học thôi mà. Nhưng em đã quyết định theo anh. Gia đình em phản đối quyết liệt, nhưng em vẫn chọn cho mình người đàn ông của cả cuộc đời.

     Nên vợ nên chồng, về quê sống trong căn nhà tồi tàn của anh. Rồi em mang thai, nhiều khi trái gió trở trời đau ê ẩm. Anh thương em, đông cũng như hè đi làm thêm kiếm tiền nuôi vợ.

     Thế rồi trong một tai nạn, anh liệt đôi chân. Nằm một chỗ ở nhà, tất cả mọi việc đều trông cậy vào em. Bố mẹ thương em đến đón em về nhưng em từ chối. Chữa bệnh cho anh em bán mọi thứ trong nhà, cuối cùng cũng hết. Bố mẹ em thấy con khổ lại cho tiền.

     Cứ thế cuộc sống nghèo ở một vùng quê, em làm giáo viên, anh nằm nhà viết sách. Em đã trút bỏ hình ảnh cành vàng lá ngọc năm nào để trở thành người vợ đảm. Đi chợ mặc cả, quần áo bình thường, cân đong đo đếm còn tốt hơn những người phụ nữ khác.

     Bác sĩ bảo chồng bà không còn đi được nữa, nhưng em không tin, hàng ngày vẫn bóp chân cho anh, hi vọng phép màu sẽ đến. Ngày ấy em có nghe nói có một bác sĩ châm cứu giỏi. Em đèo xe 50 km đưa anh đi châm cứu hai ngày một lần không kể ngày nắng cũng như ngày mưa ngày lạnh ngày nóng.

     Anh nhìn em khóc: nếu có kiếp sau, anh sẽ không bao giờ yêu em nữa, em quá khổ vì anh.

     Một năm sau phép màu đến thật, chân anh hồi phục cũng là lúc anh nhận được giải thưởng quốc tế từ những cuốn sách anh viết. Không ai nghĩ sẽ có ngày hôm nay.

     Rồi họ mời sang Pháp thuyết trình ba năm, anh do dự, em nói: phải đi, cơ hội không đến hai lần.

     Nhìn lại quãng đời, em đâu còn trẻ đẹp như xưa...Chồng, con, vất vả, thân hình gầy gò ốm yếu. Pháp là đất nước của tình yêu, nhiều người nói anh đi sẽ không trở lại. Em chỉ mỉm cười đáp lại: em đã qua bao nhiêu sóng gió, vì một việc thế này em không sợ mất anh.
     
     Ba năm sau anh về, không báo trước, muốn dành cho em một sự bất ngờ. Nhưng vừa xuống xe anh đã thấy em đứng đó. Anh hỏi sao biết anh về mà ra đón, em trả lời: Em đã chờ ở đây mỗi ngày, chỉ cần là xe từ sân bay về là em không bỏ qua chuyến nào.

     Anh chỉ khóc mà nói: nếu còn có kiếp sau, anh sẽ không bao giờ yêu em, tình yêu của em làm anh đau lắm, đau lắm tình yêu của em quá nhiều khổ đau...

     Em đáp trả lời anh: tình yêu luôn là khổ đau cay đắng. Tình yêu như một bông hoa sen, hoa đẹp nhưng nó có cái nhụy sen rất đắng. Nếu có kiếp sau em sẽ vẫn muốn được yêu anh!!!

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

BÌNH AN



     Nhà Vua mở cuộc thi với chủ đề là "Bình An". Có nhiều họa sĩ thi thố tài năng của mình. Có rất nhiều tác phẩm đẹp nhưng Vua chỉ thích 2 trong số đó. Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt đẹp có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Phía trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là bức tranh bình an thật hoàn hảo.

     Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở phía trên là bầu trời giận dữ đổ mưa kèm theo sấm chớp. Bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông chẳng bình an chút nào.

     Nhưng chú ý hơn, nhà Vua thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của tảng đá. Và trong bụi cây đó, một con chim mẹ đang xây tổ. Dẫu dòng thác trút xuống giận dữ nhưng chim mẹ vẫn đậu trên tổ của mình một cách thản nhiên.

     Nhà Vua công bố: "Ta chấm bức tranh này! Sự bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an có nghĩa ngay chính khi đang phong ba bão táp ta vẫn thấy yên tĩnh trong trái tim. Đó mới là ý nghĩa thật xự của bình an.". 

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

XEM BÓI



       Tôi đến chân núi Ông mới sáu rưỡi. Tưởng mình đi sớm nhưng rất nhiều người đến sớm hơn tôi. Theo đúng lời chỉ dẫn của bác Bảy, người trong làng ai cũng kính trọng, tôi vào quán Hồi Tâm mua chai nước suối, ổ bánh mì để leo núi. Cô chủ quán có khuôn mặt thánh thiện, ăn mặc giản dị nói với tôi:
     - Anh vào chùa thì khỏi mua nước , trong ấy có.
     - Không, tôi muốn gặp Chân Nhân xem bói.
Cô hàng nước hỏi tôi ngày giờ sinh rồi bảo:
     - Anh lên núi được.
Tò mò, tôi hỏi lại:
     - Cô cũng biết đoán việc à?
     - Đôi chút thôi, nhưng tôi biết chắc chắn người nào lên núi được Chân Nhân tiếp.
     - Thế tôi may mắn rồi. Ngộ nhỡ không lên núi được thì làm sao?
    - Đi chùa Viên Giác. Vào chùa thắp hương lễ Phật, từ tâm hối cải cũng thanh thản trong lòng.

     Cùng lên núi với tôi có bốn người nữa. Hai người đàn bà dễ nhận ra nghề nghiệp qua trang phục và cách nói chuyện của họ, một bà là nông dân, bà kia là dân buôn. Hai người đàn ông có lẽ có địa vị trong xã hội. Họ ít nói chuyện trên đường đi có lẽ vì mệt, vì phải mang cái bụng phệ leo núi.
     Chừng mười giờ chúng tôi lên đến đỉnh. Tôi ngạc nhiên vì trước cửa động một vườn cây xanh tốt, trồng rau và cây ăn trái. Giếng nước khá lớn, xếp bằng đá xanh, tuyệt nhiên không có chút rêu, trong vắt. Tôi chưa bao giờ thấy nước giếng ở đâu mát, ngọt như thế.
     - Giếng tiên có khác. Bà làm nghề buôn nói.
Vào trong động không khí mát lạnh. Đến mỏm đá giống như bàn tay, nhớ lời cô hàng nước dưới chân núi, tôi nói:
     - Thưa Chân Nhân, chúng con có việc xin cầu kiến Người!
Có tiếng âm sắc như đồng vọng ra:
     - Các người vào đi.
Sau bức bình phong hình bàn tay ấy động rộng hơn. Trần động có cái giếng trời hình lục giác. Ánh sáng mặt trời rọi xuống gặp khí lạnh của đá tạo thành cái cột hơi nước mờ ảo.
      - Các người ngồi xuống đi. Ta gọi tên người nào, người ấy thắp một cây hương, khấn thầm họ tên, ngày sanh tháng đẻ rồi cắm hương vào cái lư đá trước mặt.
Lúc này tôi mới kịp nhìn kỹ, tiếng nói vọng ra sau bức sáo tre cách chỗ chúng tôi ngồi khoảng tám bước sải chân.
     Tiếng nói từ sau bức sáo vọng ra:
     - Mẹ con Đài, thắp hương trước đi, con chỉ được hỏi ba câu thôi.
     Bà nông dân lấy từ trong cái túi xách ra nhánh chuối ngự, túi nhựa đựng hai chục quả trứng gà để lên phiến đá trước lư hương. Khấn vái xong, bà hỏi:
     - Bạch Chân Nhân, vừa rồi con mất năm trăm ngàn, con nghi chồng con lấy uống rượu, chơi bời phá phách, có đúng như vậy không?
     - Con không nên nghi chồng con. Nó uống rượu vì buồn chứ không phá phách. Tiền con mất là con cháu gọi con bằng cô lấy để mua son phấn và đàn đúm với chúng bạn.
     - Sao Chân Nhân lại biết cháu con lấy? 
     - Không biết cháu con lấy thì sao người đời các ngươi gọi ta là Chân Nhân. Con chỉ còn một câu hỏi nữa thôi đấy!
Im lặng giây lát, cuối cùng bà ta hỏi:
    - Sao gia đình con làm ăn chăm chỉ mà cứ nghèo mãi vậy?
   - Con nghèo là do con coi thường chồng, khinh chồng. Lúc lấy chồng, gia đình chồng cho vợ chồng con một chỉ vàng, còn phía bên con một cây, thành ra con ỷ giàu. Mọi chuyện trong nhà con quyết hết nên chồng con dần dần chán nản, uống rượu để phản kháng. Con nghèo vì bóc lột đất đai, súc vật mà không biết đầu tư vào đó. Nói cho con dễ hiểu, muốn giàu hãy để chồng con làm chủ gia đình, nghe theo sắp đặt, định đoạt của chồng. Âm trấn dương mãi thì sao mà khá được. Lễ vật con lễ ta, ta nhận một nửa. Con đem số trứng gà về cho nó ấp, coi như món quà của ta vậy.
      Bà ta lui lại, ngồi vào phiến đá cũ.
     - Ông giám đốc, thắp hương đi!
Người đàn ông trạc năm mươi tuổi, bước tới, lấy từ túi ngực ra chiếc phong bì, đặt lên nhánh chuối, hành lễ. Ông ta hỏi:
     - Kính lạy Chân Nhân, dạo này trong lòng con thắc thỏm không yên, như có điều gì xấu sắp xảy ra, con mong Chân Nhân chỉ đường cho con được bình an, công việc hanh thông.
     - Lễ vật con lễ ta chưa đủ để ta giải hạn cho con!
Ông giám đốc rút ví, lấy thêm 500 Euro bỏ vào phong bì.
     - Con không phải quì, ngồi xuống chỗ cũ đi. Để con quì cái bụng con chửi ta đấy.
     - Con không dám.
    - Thứ nhất, con đặt trong mỗi xưởng của con hai cái bình nước lọc để công nhân uống. Thứ hai, con trả lương, đóng bảo hiểm đầy đủ cho công nhân. Thứ ba, không được hết thời gian người ta thử việc rồi cứ thay lớp khác. Oán trách của những người bị con cho nghỉ việc làm lòng con bất an, công việc trì trệ cũng vì thế. Người ta không an tâm nên công việc chỉ chạy khi có con hay quản đốc ở đó. Không an cư lấy gì lạc nghiệp. Con hỏi tiếp đi!
     - Kính lạy Chân Nhân, nửa tháng trước con đi cầu an. Nhà sư cầu an cho con nói: “Phật tại tâm”, con không sớm giác ngộ thì sẽ có tai nạn. Con hỏi vậy con phải lên  chùa? Nhà sư cứ bảo con cứ tu giữa đời thường. Con chưa hiểu hết, mong Chân Nhân chỉ giáo cho.
     - Nhà sư đã thắp cho con ngọn đèn, ta là người đổ thêm dầu cho con mà thôi. Con đừng tưởng lễ nhiều là Trời, Phật chứng giám. Lúc nãy ta bảo con lễ ít không phải ta đòi cho ta. Con hãy mang số tiền đó về mua thay mấy cái dây cáp cẩu. May con lên đây còn kịp, chứ tuần nữa là nó đứt. Con về trả lương, nộp bảo hiểm cho công nhân thì người ta không kiện con nữa. không kiện thì chưa lòi ra cái việc trốn thuế. Tiếp đó con đóng thuế cho đầy đủ, kể cả số thuế con đã qua mặt thuế vụ. Làm xong những việc đó, dù đang nợ nần nhưng rồi con sẽ gặp nhiều điều tốt đẹp như mong ước.
     Im lặng một lát, Chân Nhân nói tiếp:
     - Theo tuổi của con thì hạn nặng lắm đấy. Ý của nhà sư bảo con tu giữa đời thường là tự mình hóa giải căn nguyên do mình gây ra. Làm đúng những điều ta dặn, năm nay con sẽ bình yên, sang năm có thành quả lớn.
     Ông giám đốc chắp tay trước ngực như vái, hứa nhất định làm đúng lời Chân Nhân.
     - Lấy phong bì cất đi!
Ông giám đốc lấy phong bì rồi lui lại, ngồi vào phiến đá của mình.
     - Mẹ thằng Dương bán tạp hóa, đến lượt con đấy!
Bà này cũng lễ bằng một xấp tiền, ước chừng dăm triệu. bà hỏi:
      -  Con được hỏi mấy câu ạ?
      - Hai câu!
      - Sao mấy người trước được hỏi ba câu, thưa Chân Nhân.
     - Thói mặc cả nhiễm vào máu con rồi. Con thấy không công bằng thì mang lễ xuống núi.
    - Dạ con không dám. Con xin hỏi Chân Nhân có bùa phép gì để Quản lý thị trường không khám xét hàng hóa của con không ạ?
Tiếng cười khà khà vọng ra làm chúng tôi bật cười theo. Chân Nhân nói:
    - Ta cho con một đạo bùa bằng lời, con nhớ lấy: “Không buôn hàng lậu, không lừa người ta, không pha rượu giả”.
    - Buôn bán đôi lúc cũng phải lừa, có mấy ai buôn bán không lừa? Mà sao Chân Nhân biết con pha rượu giả?
     - Nếu đây là câu hỏi, ta trả lời là con phải xuống núi ngay đấy.
    - Dạ thôi, để con hỏi câu khác. Chân Nhân cho con biết buôn gì nhanh giàu, giàu sang cả đời con cháu?
     - Con không tham được đâu. Đại phú tại thiên, tiểu phú tại nhân. Ta loại bỏ những thứ buôn bán có hại cho con hoặc con không với tới tầm để buôn những thứ ấy. Vậy ta chỉ có thể nói cho con thế này: con buôn cái gì con hiểu về nó nhất, buôn cái gì lời ít nhưng bán được nhiều nhất. Con hãy nghe lời con gái con, đừng bảo thủ, bao giờ cũng “trứng khôn hơn vịt”, trứng nở ra vịt đấy con à.
     Rồi Chân Nhân bảo:
     - Con xuống núi, lấy 100.000 đưa cho con Hằng chủ quán Hồi Tâm, bảo nó mua cho ta bông băng, thuốc sát trùng để đấy. Nói thế là nó hiểu. Số tiền lễ con mang về góp thêm vốn buôn bán. Bây giờ con và mẹ con Đài xuống núi đi.
     Hai người đàn bà lạy Chân Nhân để xuống núi. Ông giám đốc rút một tờ 100 Euro đưa cho bà nông dân:
     - Nhân có việc gặp nhau ở đây, tôi biếu chị chút tiền mua quà cho cháu.
Người đàn bà ngần ngại, Chân Nhân cười: “Con cứ cầm, đừng ngại”.
     Còn lại ba người đàn ông trong động, Chân Nhân bảo:
     - Ngài chủ tịch, mời ngài!
Ông chủ tịch độ bốn lăm tuổi, khuôn mặt to, miệng rộng, môi hơi cong lên như đang nhạo báng ai bước lên, đặt cái gói hình chữ nhật dán kín bằng giấy màu, thắp hương, khấn thầm trong cổ họng.
      -  Ngài hãy thu lễ vật của ngài lại. Lễ vật đó không phù hợp với ta. Muốn hỏi, phải đặt lễ bằng tiền.
      - Thưa Chân Nhân, bao nhiêu ạ?
     - Đặt nhiều hỏi nhiều, ít hỏi ít. Thôi ta nói luôn để ngài khỏi phân tâm. Lúc sáng, trong quán Hồi Tâm, con Hằng bảo ngài không lên gặp ta được. Nhưng ta đã dặn nó bất luận thế nào cũng cho người đàn ông đeo đồng hồ mỏng, vỏ vàng, quai da nâu lên gặp. Nó đã từ chối ngài, nhưng khi ngài vuốt tó, nó đổi ý, đung chứ?
     Ông chủ tịch rút ví lấy ra hai triệu, đặt trên phiến đá trước lư hương, lấy viên đá nhỏ đè lên, ông ta hỏi:
     - Xin hỏi Chân nhân làm cách nào để dân không mê tín dị đoan?
     - Tương tự như câu Nguyễn Trãi nói với vua Lê khi vua Lê sai ông soạn nhạc Thái thường.
      - Tôi không hiểu, thưa Chân Nhân.
     - Ngài hiểu sao được khi tri thức của ngài chắp vá, không được đào tạo chính quy, hệ thống. Cứ đọc mẩu chuyện đó đi đã.
     Khói hương cuộn lên giếng trời thành một cái cột xanh mờ ảo, một thoáng im lặng trong động  đủ cho tôi nghe tiếng nước nhỏ tí tách. Tôi hiểu Nguyễn Trãi nói với vua Lê là muốn có nhạc Thái thường thì cai trị dân làm sao trong hang cùng ngõ hẻm không có tiếng oán hận. Người ta mê tín vì mất phương hướng trong cuộc sống, vì đói khổ, vì mất mát tình cảm, vì áp lực…nên tìm một nguồn động viên, một lối thoát cho dù mơ hồ…Ông chủ tịch hỏi tiếp:
     - Vậy quan niệm của Chân Nhân về xã hội ta hiện nay?
     - Đây là một phần khảo sát quan niệm của người hành nghề bói toán, đúng không? Ngài hỏi tôi để lấy tư liệu cho đề tài “Các giải pháp làm giảm đi mê tín trong đời sống nhân dân” phải không? Ta trả lời rằng xã hội Việt Nam hiện nay là xã hội âm tính.
      - Tôi không hiểu.
      - Nó sờ sờ trước mắt đấy thôi. Này nhé, ra đường hầu hết các loại xe máy, xe con đều thiết kế cho phái nữ nhưng đàn ông lại chạy ầm ầm; trang phục đàn ông phụ nữ dùng chẳng ai xem là chướng mắt. Lương chưa đủ sống tức là còn âm. Nhận lương rồi đem nộp cho vợ, thế không là dương chuyển sang âm là gì?
     - Chân Nhân còn minh chứng nào nữa không?
     - Khà …khà…Nhìn đâu mà chẳng thấy, ta nói về thể thao cho ngài dễ hiểu. Thành tích thể thao Olympich đầu tiên của Việt Nam cũng là phụ nữ. Nói đến võ thuật người ta nghĩ ngay nó thuộc dương, phù hợp với phái mạnh, thế mà phụ nữ dùng cái dương, đạt thành tích cao hơn nam giới thì quả là âm thống trị dương rồi còn gì. Bóng đá nữ đã 5 lần đứng trên đỉnh Đông Nam Á, còn bóng đá nam đang mơ, đó có phải là minh chứng không, ngài chủ tịch?
     Chừng như “sợ” với những gì Chân Nhân nói, ông ta thật thà hơn, nó biểu hiện trong cách xưng hô:
     - Xin Chân Nhân cho biết vận hạn của con?
     - Ngồi xuống đi. Sau câu hỏi này ngài muốn hỏi thêm phải trả thêm tiền. Ngài nếu tính cung Mệnh, Quan lộc và Nô bộc cho thấy cái tầm chỉ ngang với phó phòng cấp huyện. Ngài làm được chủ tịch là do hưởng phước lộc từ phía vợ. Đây cũng là minh chứng về âm trị đấy. Thứ hai, ngài thi đỗ Thạc sĩ là do vợ chạy chọt. Vợ ngài không nói cho ngài việc này để cho ngài chút thể diện, vậy nên ngài cứ tưởng mình giỏi. Với chức chủ tịch, được bợ đỡ làm gì ngài không kiêu ngạo, tự cao, tự đại. Hai cuốn sách triết học ngài gói để làm lễ vật hàm ý cho mình là kẻ trí giả, mà kẻ trí giả quý nhất là tặng nhau bằng sách.
     Ngưng một lát như để cho ông chủ tịch và chúng tôi nghe kịp, Chân Nhân tiếp tục:
     - Ta nói cho ngài rõ, cái ghế ngài ngồi chỉ được một nhiệm kỳ thôi vì phước lộc nhà vợ chỉ ngần ấy. Cái họa ngài phải chịu là do ngài “qua cầu rút ván”. Tạm cho là công thành danh toại, ngài tìm cách quay lại hạ bệ những người đã làm bệ phóng cho ngài, bởi những người ấy biết quá rõ con người ngài là như thế nào. Với quyền lực, ngài thay  những người được học hành bài bản, có tâm, có tài bằng những đứa bất tài, xu thời, giỏi nịnh. Do đó, địa phương ngài cai trị không dần lụn bại mới là lạ. Cái hậu quả đó chỉ nhân dân là thiệt thòi thôi, ngay cả những người dưới quyền ngài, có nhà cửa, cơ sở vững vàng ở địa phương vẫn bỏ đi nơi khác. Vậy là sao? Là do họ không làm việc được với những kẻ dốt nát, tham lam…Nói vậy,  ngài có ngẫm ra chính bản thân ngài cũng góp phần làm cho xã hội âm tính không?
     Ông chủ tịch có vẻ như không vừa lòng với những điều Chân Nhân nói, ông ta đứng dậy:
     - Chân Nhân bói toán sao mà cứ như giảng đạo đức vậy. Cảm ơn đã chỉ giáo!
     Nói rồi, ông ta ra bước ra. Áng chừng ông ta đã ra khỏi động, Chân Nhân nói:
     - Ông giám đốc hãy theo ngài chủ tịch Bảy Kiểm. Ông ta bị ngã khi xuống gần hết chân núi đấy. Giúp ông ta nhé!
     - Kính cáo Chân Nhân, con xin vâng lời Chân Nhân!
     Chỉ còn tôi trong động, Chân Nhân hỏi:
     - Con muốn biết khi nào có việc làm phải không?
     - Dạ.
    - Bảy tháng nữa con sẽ có việc làm, một công việc đúng với chuyên môn của con. Nhưng thu nhập chỉ tạm đủ sống. Kiên trì với công việc đó vài năm sau sẽ khá. Và công việc càng tốt hơn khi con chịu khó học ngoại ngữ. Người đời hơn nhau là biết trang bị, chuẩn bị hành trang cho mình để khi cần là có sử dụng ngay. Đợi đến khi có điều kiện thì khi nào mới có, phải không con?
     Cảm phục quá, tôi hỏi:
     - Kính thưa Chân Nhân, sao việc gì người cũng biết?
    - Không phải việc gì ta cũng biết. Tự người đi xem bói nói cho ta biết thôi. Mọi việc trên thế gian này đều có quy luật. Ta chỉ hơn người khác khi nắm bắt được quy luật ấy.
     - Vậy như con có học được không?
     - Có duyên mới học được. Nhưng không phải học được là hành được. Con học cũng chỉ đoán được vận mệnh tổng quát thôi. Ta thông thạo là tự mình học hỏi, nghiên cứu không ngừng. Hơn nữa, từ khi lọt lòng mẹ, ta đã sống trong môi trường bói toán rồi. Ông Tổ của ta là Trình Quốc công đấy.
     Tôi hiểu mình không có duyên với nghề coi bói dù đã gặp một thầy bói người đời đặt cho biệt danh Chân Nhân. Tôi hỏi sang chuyện khác:
     - Kính thưa Chân Nhân, cho con hỏi sao nói với ông chủ tịch, Chân Nhân gọi bằng ngài?
     - Là ta gọi người ngồi trên ghế chủ tịch thôi mà. Ta biết tâm địa Bảy Kiểm hẹp hòi nên không làm được việc lớn. Có điều này ta muốn dặn con, con nên lấy lời dặn của ta mà suy nghĩ trước khi hành động. Đó là: Trên đời này việc gì cũng có thể xảy ra nên đừng làm việc gì thái quá, kể cả việc tốt.
     Tôi “dạ” rồi suy ngẫm lời nói của Chân Nhân. “Đừng làm việc gì thái quá, kể cả việc tốt” là sao nhỉ?
     - Con nhớ là được rồi, một lần trải nghiệm con hiểu ngay thôi mà. Con cầm số tiền của Bảy Kiểm mà tiêu. Hôm nay con là người cuối cùng ta xem bói đấy. Con không gặp lại ta nữa đâu, do đó, để chứng minh cho con thấy trên đời này bất cứ chuyện gì cũng xảy ra, con bước tới đây.
     Tôi bước tới, bức mành sáo rơi xuống. Tròi, tôi không thể tưởng tượng nổi Chân Nhân là ông lão ăn mày tháng trước tôi chia cho ông nửa cái bánh mì!

     Mọi chuyện xảy ra đúng như lời Chân Nhân nói. Kỳ duyên làm sao tôi lại trở thành con rể ông giám đốc cùng tôi xem bói trên đỉnh núi Ông. Tôi kể lại chuyện này khi năm năm sau tôi và cha vợ tìm lại Chân Nhân để cảm tạ mà không gặp. Quán Hồi Tâm cũng không còn. Nghe đâu cô chủ quán xinh đẹp đã đi tu và đang nghiên cứu Phật học ở Ấn Độ.