Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

ĐẠO ĐỨC LÀ TÀI SẢN

   
          Trong bất kì xã hội, thời đại nào đạo đức con người là tài sản vô giá. Có đức độ, tài năng lớn thì giúp đời được nhiều, không có tài năng, có đức độ thì cuộc sống của bản thân họ an lành. Vì vậy, đạo đức là tài sản, cái tài sản ấy không tự nhiên có, con người ta phải học tập, tu dưỡng rèn luyện mà thành.
          Đạo đức là gì? Nói tổng quát: đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, qui định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau, đối với xã hội. Với cá nhân, người có đạo đức luôn luôn tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức ấy.
          Tài sản là của cải vật chất dùng vào việc sản xuất hay tiêu dùng của cá nhân, gia đình hay tập thể, đoàn thể, tôn giáo…chính quyền nào đó. Ngoài tài sản hữu hình, có một loại tài sản vô hình:  đạo đức nghề nghiệp làm nên uy tín, thương hiệu.
Ở Nhật, có một gia đình bán bánh truyền thống, mỗi ngày chỉ bán 100 bánh, không hơn. 08 giờ bán, người mua đã xếp hàng từ 05 giờ, mỗi khách hàng chỉ mua được tối đa 05 cái. Người không mua được sẵn sàng bỏ gấp ba số tiền để mua lại bánh của người mua được, nhưng không ai bán. Tại sao gia đình ấy không làm thêm để bán hay tăng gấp ba giá bán? Vì làm thủ công, nhân công trong gia đình chỉ có mấy người, mỗi người một việc, các công đoạn sản xuất phải đúng qui trình, đủ thời gian nên không thể làm thêm. Hơn nữa, quan điểm sống của gia đình ấy lấy đạo đức nghề nghiệp làm trọng, không chạy theo lợi nhuận với tôn chỉ “khách hàng hài lòng - gia đình hạnh phúc”. Ngẫm ra, văn hóa Nhật Bản được lưu giữ, viết tiếp bởi những gia đình như thế.
Đạo đức không phải chỉ ở nơi lời nói, phải biểu hiện bằng hành động. Còn nhớ ngày 11 tháng 3 năm 2011, đại thảm họa động đất – sóng thần, rò rỉ phóng xạ nhà máy điện nguyên tử  vùng Đông Nhật Bản làm 15.893 người chết, 6.125 người bị thương, 2.572 người mất tích, hàng chục nghìn người mất nhà cửa…nhưng không hề có nạn cướp bóc nào xảy ra. Người dân trong vùng thảm họa ấy nhường nhau từng hớp nước, mẩu bánh mì, cùng lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích, chăm sóc người bị thương…Ai cũng nuốt nước mắt vào trong, sẵn sàng giúp đỡ người khác, những hành động ấy lan tỏa, vực dậy tinh thần người Nhật, nên chỉ một thời gian ngắn sau vùng Đông Nhật Bản ổn định cuộc sống.Có ai tính được giá trị hành động xuất phát từ đạo đức thành tiền trong công cuộc tái thiết cuộc sống?
          Ở Việt Nam, chỉ nói riêng công trình cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thôi, cũng đủ để cho người ít quan tâm thế sự không nén được tiếng thở dài. 34.500 tỉ đồng chi cho tuyến cao tốc ấy bằng thu ngân sách năm tỉnh Tây Nguyên trong hai năm! Thế nhưng chỉ sau một tháng sử dụng đã hư hỏng. Dù cho có vá lại mặt đường nhưng rồi tuổi thọ của nó được bao lâu? Những tai nạn giao thông có nguyên nhân vì mặt đường xấu có ai chịu trách nhiệm? Cho nên, không thể nói sửa lại mặt đường thì chất lượng công trình đảm bảo. Người ta tham nhũng không chỉ ở khâu rải thảm mặt đường đâu, còn ở tất cả các khâu khác nữa. Số tiền tham nhũng bao nhiêu tỉ chưa rõ nhưng có một điều ai cũng rõ: tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là công trình kém chất lượng! Cũng không phải ai tham gia quản lí, thi công tuyến cao tốc ấy cũng đều dính vào tham ô, tham nhũng. Kĩ sư L.T.D cán bộ Ban QLDA gói thầu A3 dũng cảm tố cáo những tiêu cực của ông Mai Tuấn Anh (Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC) tới Trưởng ban Tổ chức TW, Bộ trưởng GTVT, thì bị côn đồ đánh, rồi bản thân, gia đình bị đe dọa tính mạng. Ai đứng đằng sau những vụ việc ấy đang được công an điều tra làm rõ. Ngẫm ra, đạo đức con người phải gắn liền với dũng khí.
          Hằng ngày, các phương tiện thông tin đại chúng cho chúng ta biết bao nhiêu tệ nạn xã hội. Nguyên nhân của những tệ nạn ấy không có gì khác ngoài lối sống chạy theo nhu cầu vật chất, chụp giật, ích kỉ, thỏa mãn bản năng. Nhìn xa ra đó là hệ quả của phương pháp giáo dục sai lệch, môi trường văn hóa méo mó. Để phấn đấu cho một xã hội bình an, hạnh phúc hơn,có thống kê nào tính được mỗi năm nước ta phải bỏ ra bao nhiêu tiền của, sinh mạng của chiến sĩ công an, hiệp sĩ đường phố, của người dân lương thiện?
          Trong đời thường, chúng ta gặp rất nhiều minh chứng cho quan điểm: đạo đức là tài sản. Ngay trong một gia đình, cha mẹ sẽ cho đứa con nào mượn tiền làm nhà hay đầu tư vào một công việc nào đó? Đứa chí thú làm ăn, biết giữ chữ tín hay đứa có máu mê cờ bạc? Cha mẹ nào không thương con cái, nhưng đặt niềm tin vào con cái thì lại khác.
 Cùng bán một mặt hàng giá cả như nhau, cùng chung một mặt tiền, nhưng tại sao có người bán được nhiều, có người bán được ít? Đó có phải cái “duyên”? Cái “duyên” ấy có gì ngoài lời chào mời, nét mặt, cử chỉ toát lên sự gần gũi, chân thành  xuất phát từ căn cốt đạo đức? Không có căn cốt đạo đức dù có “diễn”như thật bao nhiêu đi chăng nữa cũng không qua mặt khách hàng được. Thất bại của người bán là khách hàng “một đi không trở lại”.
Nhu cầu về vật chất của con người rất chính đáng, chất lượng cuộc sống được ngày một nâng cao thực sự cần thiết nhưng không phải vì thế chúng ta đánh đổi tất cả. Chỉ số tăng trưởng kinh tế hằng năm của quốc gia là điều đáng mừng nhưng sẽ vui hơn nếu như chỉ số hài lòng của người dân năm sau cao hơn năm trước. Cuộc sống giàu có mà bất ổn không bằng vừa phải mà bình an, hạnh phúc. Chỉ số ấy là tài sản, tiền bạc đo được từ đạo đức xã hội. Trên thế giới, đã có một vương quốc lấy chỉ số hạnh phúc thay cho chỉ số phát triển kinh tế, đó là đất nước  Bhutan. Phải chăng quan điểm tư tưởng mới ấy chúng ta cần nghiên cứu, học tập?