Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

LỤC BÁT CHO NGƯỜI ĐI


Người đi gánh gió qua sông
Ta về đốt rạ trên đồng gửi theo
Người trèo quán dốc cheo leo
Ta xuôi xuống nửa lưng đèo hái mơ
Người đi phụ bạc câu thơ
Ta về bến cũ đợi chờ trăng lên
Ta thì nhớ, người thì quên
Bàn chân in dấu qua miền cỏ hoa
Ta vun luống đất trồng cà
Người đem yếm thắm dải tà tặng ai
Nhớ nhung mới biết đêm dài
Thương ai khăn vắt vai hoài cứ rơi
Hoa cau rụng trắng sân rồi
Lá trầu cay liếc mây trôi cuối trời
Người đi, ta cũng rong chơi
Khi đứng đống lửa khi ngồi đống than
Người đi bán cái hồng nhan
Ta về bán lá trầu vàng mua vôi
Chạnh lòng, hát khúc “Người ơi…”
Cầu xưa dải yếm ta ngồi…tương tư.

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

TỰ TÌNH (II) ĐAU ĐÁU MỘT KHÁT VỌNG


                TỰ TÌNH (II)

          Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
         Trơ cái hồng nhan với nước non.
         Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
         Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
         Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
         Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
         Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
         Mảnh tình san sẻ tí con con!

       Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sống mãi trong hồn dân tộc bởi tài năng thi ca rất độc đáo, lớn lao trong khuynh hướng phản kháng, chống đối lại mọi ràng buộc tinh thần xã hội phong kiến giai đoạn tàn lụi, nêu cao tinh thần nhân đạo vượt thời đại. Thơ Hồ Xuân Hương gợi cho người đọc khi sảng khoái, thích thú, lúc đồng cảm, xót xa. Riêng những bài thơ viết về mình, cho mình thể hiện rõ ý thức cá nhân, tâm tư sâu lắng của “bà chúa thơ Nôm” mà Tự Tình (II) là một trong số đó.
       Đêm sâu vắng lặng gợi trong tâm trí người đọc bởi “văng vẳng trống canh dồn”. Đây là thủ pháp nghệ thuật lấy động để tả tĩnh. “Văng vẳng” là từ xa đưa lại, tiếng được tiếng mất nhưng tác giả cảm nhận được tiếng trống gấp gáp bằng trực giác qua chữ “dồn”. Có lẽ người đánh trống cầm canh mong thời gian trôi nhanh bằng thúc nhịp trống? Trong cái đêm vắng lặng ấy, có một khuê phụ đang thức:
         Trơ cái hồng nhan với nước non.
 “Trơ” trong tiếng Việt có nhiều nghĩa, ở văn cảnh này được hiểu như sau:
       - ở vào tình trạng chỉ còn lẻ loi một mình.
       - sượng mặt vì ở vào tình trạng lẻ loi khác biệt quá so với chung quanh, không có sự gần gũi, hòa hợp. Hồng nhan chỉ người phụ nữ đẹp sắc sảo, kiêu sa. Theo quan niệm xưa những người phụ nữ hồng nhan cuộc đời ba chìm bảy nổi: “Quân tử gian nan hồng nhan bạc phận”.
       Về qui tắc ngữ pháp, “cái” ở đây là trợ từ, đứng trước danh từ “hồng nhan” biểu thị ý nhấn mạnh về sắc thái cảm xúc thân phận của tác giả. Như vậy, hồng nhan đã bạc phận rồi, “cái hồng nhan” được chỉ định cụ thể hơn, kết hợp với “trơ” thì không còn chút duyên nào nữa. Thế nhưng “cái hồng nhan” dù có trơ ra thì vẫn phải sánh “với nước non” chứ đâu chịu tầm thường, nhỏ bé. Câu thơ khẳng định rõ ý thức về bản thân của tác giả. 
         Chén rượu hương đưa say lại tỉnh 
         Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
       Say để quên đi nỗi buồn thân phận. Từ xưa tới nay có ai độc ẩm vì vui bao giờ. Càng cố quên lại càng nhớ. Sức mạnh của men rượu không lấn át, xóa nhòa được nỗi tái tê trong lòng. Cô đơn mang rượu ra uống, càng uống cảm giác cô đơn càng dâng trào giữa không gian cao rộng quá. Trong một đêm, trăng làm gì có trăng khuyết, trăng tròn. Mỗi tháng viên mãn nhất ngày rằm, còn phần lớn là méo, là khuyết. Phận lẽ mọn mấy khi được ái ân, sum vầy. Mỗi lần tái hợp vào ngày trăng tròn hay trăng viên mãn trong tâm hồn ngày gặp gỡ, cho dù cao xanh kia trăng khuyết? Có phải chăng từ ý thơ này mà thi sĩ Phi Tuyết Ba đã viết bài thơ tuyệt hay với nhan đề Trăng khuyết
         Anh ngỏ lời yêu em 
         Vào một đêm trăng khuyết 
         Bởi tình yêu tha thiết 
        Biết tròn trước đêm rằm.

         Em vui lúc trăng tròn 
         Chạnh lòng khi trăng khuyết 
         Anh ơi anh có biết 
         Trăng như tình lứa đôi?

         Sao anh vội ngỏ lời 
         Vào một đêm trăng khuyết 
         Để bây giờ thầm tiếc 
         Một vầng trăng chưa tròn. 
       Trở lại hai câu thực của bài thơ, người đọc đồng cảm với tâm trạng tác giả. Quãng thời gian qui ước không thay đổi, nó chỉ thay đổi theo hoàn cảnh tâm trạng. Khi vui thì: “Cuộc vui ngắn chẳng tày gang”, khi buồn thì: 
 Sầu đong càng lắc càng đầy 
 Ba thu dọn lại một ngày dài ghê. 
                                                                                      (Nguyễn Du)
       Bởi thế, với bản thân tác giả: say - lại - tỉnh; với vũ trụ: khuyết - chưa - tròn là một quá trình thời gian. Đây là minh chứng rõ ràng nhất của “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. 
       Còn trẻ, như câu kết Tự tình (I) khẳng định: “Thân này đâu đã chịu già tom”, còn khát khao bỏng cháy với hạnh phúc lứa đôi nhưng đối mặt với hoàn cảnh thực tại, độc giả hiểu diễn biến tâm trạng của tác giả vùng lên, phá cách ở hai câu luận, đậm phong cách Hồ Xuân Hương: 
         Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám 
         Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
       Một đêm đã trôi qua, trước mặt sân rêu từng đám, chân mây kia đã hiện rõ những hòn đá chồng lên nhau. Vạn vật muốn vươn lên sinh tồn, huống chi con người, mà con người này có tài, có tâm, có khát khao sống, khát khao hạnh phúc lứa đôi bỏng cháy. Nữ sĩ sử dụng nghệ thuật đảo ngữ, câu thơ mạnh mẽ hơn. Yếu ớt như rêu cũng xiên ngang mặt đất mà mọc lên, ở chân trời kia đá dựng lên đâm toạc chân mây. Dù mềm yếu như rêu hay cứng như đá đều không chấp nhận sự đè nén, khuôn phép định sẵn. Phải chăng mượn những hình ảnh này, tác giả bộc lộ sự phẩn uất, phản kháng với lễ giáo đa thê hà khắc xã hội thời phong kiến? Hai câu thơ kết giải tỏa suy luận của người đọc: 
         Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
         Mảnh tình san sẻ tí con con!
       Xuân đi rồi xuân trở lại, tuổi xuân con người một đi không trở lại, Hồ Xuân Hương ý thức rất rõ về điều đó. Thân phận lẽ mọn, tình duyên chỉ là “mảnh tình” chứ đâu được trọn vẹn như “mối tình”, đã thế chỉ được “san sẻ - tí - con con” nên mỗi mùa xuân qua lại già thêm một tuổi, hỏi sao không ngán ngẩm, chán chường. Con người ta, với tuổi xuân - tuổi của khát khao hạnh phúc đôi lứa, cho dù thân phận, địa vị như thế nào điều đó vẫn không thay đổi. Cho nên, nỗi ngán ngẩm, chán chường mà tác giả thổ lộ ấy làm nổi bật giá trị nhân đạo của bài thơ. Đồng điệu với nữ sĩ, nhà thơ Xuân Diệu viết trong bài Vội vàng
         Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật,
         Không cho dài thời trẻ của nhân gian, 
         Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
         Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
       Xuyên suốt trong bài thơ Tự tình (II) là nỗi đau buồn, phẫn uất trước duyên phận, đau đáu một khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc. Viết cho mình, đau nỗi đau của mình nhưng bài thơ có mẫu số chung cho tất cả phụ nữ chịu thân phận lẽ mọn dưới thời phong kiến nên giá trị nhân đạo sâu sắc, vượt thời đại. Về phương diện nghệ thuật, cách dùng từ, tả cảnh, tả tình độc đáo; nhiều ý thơ gợi cho độc giả, thi sĩ lớp sau nhiều liên tưởng, mạch nguồn cảm xúc trong cảm nhận và sáng tác.

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

NGẪM ĐỜI, TA GỬI CHO TA


Trầm luân muôn kiếp con người
Buồn đau đừng khóc, sướng vui đừng cười.
Phong trần có lúc mà thôi,
Bền gan vững chí thế rồi cũng qua!
*
Thủy chung ta mãi là ta
Yêu người chẳng quản trông xa, đợi gần.
Mặc ai bạc nghĩa bạc tình,
Lòng ta khắc chữ chân thành - thế thôi!
*
Ngẫm suy thế thái cuộc đời
Giàu sang, thời vận đến rồi lại đi,
Giơ tay níu kéo ích gì
Sao không lường trước những khi đang còn?
*
Muôn ngàn gác tía lầu son
Làm sao sánh nổi tâm hồn sáng trong?
Tim ta loạn nhịp, nao lòng
Người yêu ta cả khi không sang giàu!
*
Cuộc đời bãi bể nương dâu
Sai đâu với kẻ cạnh cầu, mưu mô
Ngẫm xa xưa đến bây giờ
Tâm trong hồn sáng nở hoa muôn đời!
*
Mấy vần dân dã vậy thôi
Gửi cho ai cũng là lời nhắc ta.

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

SÁNG NGÀY EM ĐI HÁI DÂU


Sáng ngày em đi hái dâu
Gặp hai anh ấy ngồi câu Thạch Bàn
Hai anh đứng dậy hỏi han
Hỏi rằng: cô bé vội vàng đi đâu?
Thưa rằng: em đi hái dâu
Hai anh vội vã giở trầu mời ăn
Thưa rằng: bác mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

          Thơ ca dân gian phản ánh tâm hồn dân tộc đa chiều, đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau. Cảm nhận chung về thơ ca dân gian là dễ hiểu bởi đối tượng phục vụ đại chúng. Tuy nhiên, trong kho tàng thơ ca dân gian không phải không có những tác phẩm “ý tại ngôn ngoại”. Đọc lại bài ca dao Sáng ngày em đi hái dâu chúng ta thấy thông điệp của tác giả rõ ràng, được cài đặt chặt chẽ, tinh tế, ẩn trong từng chi tiết, từng câu, từng chữ.

          Nhân vật trữ tình trong bài ca dao là cô gái nông thôn, câu chuyện cô kể là việc gặp gỡ hai chàng trai đang câu cá ở Thạch Bàn, trong buổi sáng đi hái dâu.
          “Nuôi lợn ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng”, tục ngữ nói như thế. Công việc băm bèo thái rau nấu cám nuôi lợn ai bảo không vất vả? Nhưng vất vả đó so với việc nuôi tằm thì chẳng thấm vào đâu. “Ăn như tằm ăn lên”, không đủ lá dâu cho tằm ăn dù chỉ một bữa thôi sẽ không thu được kén. Cho nên, gia đình nông dân nào nuôi tằm cũng vội vội vàng vàng, ngay cả bữa ăn cũng vậy. Bãi dâu xanh, nón lá trắng, bàn tay thôn nữ thoăn thoắt như múa vin cành hái lá đi vào thi ca như biểu tượng đẹp về sự duyên dáng, yên bình. Đằng sau biểu tượng ấy là sự vất vả, vội vàng mà người trong cuộc mới hiểu được. Vì thế, hành động, lời chào hỏi của hai chàng cũng gấp gáp:
          - đứng dậy hỏi han
          - vội vã giở trầu mời ăn.
          Trước tình thế ấy, cô gái xử lí khéo léo bằng việc trả lời câu hỏi ngắn gọn, đủ ý, lễ phép: “Thưa rằng: em đi hái dâu”
          Chỉ bốn chữ: “em đi hái dâu” giải thích vì sao em phải vội vàng. Vội vàng vì công việc chứ không phải cốt cách phong thái em như thế.
          Cách từ chối ăn trầu của cô gái tinh tế, không làm phật lòng người mời trầu. Em không dám ăn trầu của hai anh vì luôn nhớ lời dạy của bác, mẹ. Có lý nào hai anh lại trách một “cô bé” hiếu thuận? Em đã thoát khỏi tình thế nhạy cảm bằng trí thông minh. Nhận trầu anh này thì phật lòng anh kia. Nhận cả hai thì rõ là người tham lam. Nhận thì phải ăn, mà “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, ăn miếng trầu rồi khó mà dứt ra được khi đang phải vội vàng vì công việc…
          Chuyện chỉ có vậy, chịu khó suy luận một chút, người đọc ngầm hiểu cô bé muốn nói gì.
          - Thứ nhất, cô là người siêng năng, chịu khó, nhanh nhẹn. Ba phẩm chất vừa nêu là điều kiện cần và đủ cho nghề nuôi tằm dệt lụa.
          - Thứ hai, cô là người hiếu thảo, coi trọng phép tắc gia đình.
         - Thứ ba, không một từ ngữ nào đề cập, nhưng chắc chắn cô là thiếu nữ xinh đẹp. Điều này thể hiện rõ ở việc hai anh chàng đi câu ở Thạch Bàn chỉ là cái cớ, là giả, chặn đường em nói chuyện mới là thật. Hành động vội vàng có chủ ý của hai anh tố cáo điều đó.
          Xinh đẹp, siêng năng, con nhà gia giáo “cô bé” chính là “đối tượng” để hai anh “câu” rồi.
          Chỉ thế thôi, tinh tế mà kín đáo, cô gái đã phát đi thông điệp mình không còn là “cô bé” nữa. Câu trả lời với hai chàng khẳng định điều ấy qua mấy chữ: “làm thân con gái”. Lí gì mà hai chàng mời trầu “cô bé”? Cô bé chỉ ăn kẹo thôi, người ta chỉ ăn trầu khi độ tuổi cập kê, “miếng trầu nên dâu nhà người” mà lại! Hóa ra, từ dùng “cô bé” của hai anh là ẩn ý yêu thương. Lời nói và hành động của hai anh mâu thuẫn, mâu thuẫn thường gặp của trái tim yêu mong chờ hồi đáp mà chỉ liếc mắt thôi, ai cũng hiểu.
          Chuyện xảy ra ban sáng, được kể trong ngày nên mang tính thời sự cao. Người nghe em kể là anh hay chị, nhất quyết không là cô dì chú bác ông bà cha mẹ. Đại từ nhân xưng khẳng định điều đó. Anh chị có thật cần thiết nghe câu chuyện chẳng có gì đáng nói, lại không rõ ràng với hai anh ấy? Một trong những đặc trưng của Văn học dân gian là tính phiếm chỉ (chỉ chung), nhưng chắc chắn hai anh ấy không phải là phiếm chỉ. Người nghe em kể chuyên biết hai anh ấy. Vậy nên, người nghe em kể chuyện là ai khác ngoài người em yêu?
          Yêu nhau, chuyện gì cũng kể cho nhau, là chuyện của…yêu nhau(!) Một câu chuyện nghe qua tưởng như không có gì đặc biệt, song người nghe là người yêu thì ẩn ý nhiều điều:
          - đấy nhé, ngoài anh ra, chí ít còn có hai anh theo đuổi em.
         - sự thật là thế, nhưng anh đừng lo, em đã khéo léo từ chối rồi, em chỉ yêu mình anh thôi.
          Chàng trai nào không đắm say, hạnh phúc khi có người yêu siêng năng, thông minh, xinh đẹp, thủy chung? Em chỉ nói về em thôi nhưng chắc chắn anh phải biết làm gì để em mãi là người của anh.

          Câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Qua câu chuyện, người nghe, người đọc cảm nhận được niềm kiêu hãnh ngầm của cô: siêng năng, nhanh nhẹn, có nét duyên thầm, dễ thương, con nhà gia giáo, và quan trọng hơn hết là tình yêu đôi lứa thủy chung.