Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Cơ chi trời đổ mưa ngâu


          Yêu em tim rực lửa hồng
          Em đi lấy chồng tim lạnh giá băng,
          Lỗi thề - bạc phận mong manh
          Đĩa dầu hao khuyết bóng trăng ngậm ngùi...

          Duyên tình đành đoạn thế thôi
          Em mang theo nửa kiếp người - hồn anh,
          Em mang theo mái tóc xanh
          Để cho ai vuốt thay anh canh dài?

          Cánh hồng e ấp làn môi
          Có còn duyên giữa cuộc đời bão giông?
          Có còn khóe mắt rưng rưng
          Trao người ta nỗi nhớ nhung đợi chờ?...

          Em đi mang cả hồn thơ
          Để anh đếm lá bên bờ cỏ lau,
          Cơ chi trời đổ mưa ngâu
          Để anh uống giọt lệ sầu chứa chan. 

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

TẢN MẠN THÁNG NGÀY MÙA LŨ

     
          Những người lính
          Hi sinh cho đất nước này
          Linh hồn hòa vào gió vào cỏ vào cây
          Là mây trắng bay giữa bầu trời xanh biếc
          Khi xung trận không một giây hối tiếc
          Dẫu đời xanh như lộc biếc non xanh
          Chiến tranh
          Người lính hi sinh
          Cha mẹ ông bà vợ con họ hi sinh
          Suốt cuộc đời
                                sau mỗi cuộc chiến tranh!
                                   *
          Hòa bình
          Mà sao cuộc sống chẳng an lành
          Thiên tai
          Biết kêu ai
          Lũ ống – lũ quét – đá lăn – đất lở
          Núi không còn rừng đồi chẳng còn cây
          Những ai tiếp tay lâm tặc?
          Thủy điện chiếm đất
          Xã lũ khi lũ dâng cao
          Nhấn chìm quê ta trong sóng nước thét gào
          Người chết
          Nhà trôi
          Ruộng lúa hoa màu mất trắng hết rồi
          Nước cháo cầm hơi
          Họ sống tiếp những ngày chưa thực sống
          Để thờ cúng
          Người trôi lũ cuốn trôi đi
          E vi en (EVN)
                                   nghe được gì
                                                  trong gầm gào của nước?
          Tiếng đếm tiền
          Lãi năm sau to hơn năm trước
          Lậu tăng thưởng lớn ních chặt hầu bao
          (Chẳng bao giờ nghe trong tiếng gầm gào
          Tiếng trăng trối, tiếng nghẹn ngào dân đen con đỏ)
                                           *
          Ôi cuộc đời khốn khó
          Hi sinh trong chiến tranh phận dân đen con đỏ
          Chết trong mùa lũ con đỏ dân đen!...
Mấy lời gửi kẻ cầm quyền
Dân là nước, nước lật thuyền có khi!

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

NGƯỜI ĐIÊN ĂN CƠM CHÙA

          Một trưa hè nắng gắt, con đường dầu chạy tới cổng chùa bốc hơi nóng hầm hập, chốc chốc gió lào quạt ngang như táp lửa vào mặt. Những chiếc lá trên cây xoài, cây sa bu chê trong sân co rúm lại. Nhiệt kế treo tường chỉ ba chín độ C. Sư thầy bỏ bữa, ngồi bên chiếc bàn nhỏ dưới mái hiên uống nước, mắt lim dim để giảm bớt cái nắng chói chang phản quang chứ không phải thưởng thức vị chát ngọt của trà, ở lâu trong chùa, chú tiểu biết hết. Xách cái quạt ra, tính cắm vào ổ điện, sư thầy ngăn lại: “Khỏi, mở máy quạt càng nóng con à”.
          Chú tiểu đổi phích nước, “cái này được đấy, uống nước trà vừa đỡ khát vừa đỡ đổ mồ hôi, không như uống nước đá con à” – sư thầy nói, mắt vẫn lim dim. Chú tiểu không trả lời, vội vàng: “Con ra đóng cổng chùa cái đã”. Nhìn ra cổng, sư thầy thấy một người đàn ông tóc tai bờm xờm, áo rách te tua, ngang hông đeo cái bi đông xăm xăm đi vào. Hóa ra là vậy, ông gọi: “Đừng con! Cửa chùa phải rộng mở cho tất cả chúng sinh”.
          Xách cái phích xuống bếp, cầm cái quạt tay lên cho sư thầy, cũng là lúc người đàn ông điên bước tới. Mồ hôi rịn ra trên trán chú tiểu, tay chân lóng ngóng. Chiếc áo rách phơi bày  da lưng da ngực đen đúa, nhớp nháp, vết sẹo trên má người diên kéo xếch khóe miệng lên trông như đang nhếch mép cười đểu. Đôi mắt không hẳn u uẩn, vô thần mà chất chứa một điều gì đó như khinh bạc…Sư thầy chào:
          - Chú ngồi uống nước, đứng đó chi, nắng lắm!
Người điên nói:
          - Sao không Nam mô A di đà Phật? Không đợi nhà sư trả lời, y nói trống không:
          - Cho bát cơm coi!
Sư thầy quay người lại nói với chú tiểu:
          - Con xuống lấy cơm, thức ăn lên cho chú này!
Chú tiểu ngập ngừng:
          - Thưa thầy cơm hết rồi
          - Phần cơm của thầy không còn sao?
          - Dạ còn, nhưng mà…
          - Cứ đưa lên đây, không nhưng mà gì cả.
          Người điên bưng tô cơm điềm nhiên đứng ăn dưới sân nắng. Sư thầy nói:
          - Chú ngồi vào bàn ăn cho mát, ai lại đứng dưới trời nắng khổ sở như thế!
Người điên cau mặt:
          - Ông nói sai rồi, trời mát! Ông nghĩ nắng mới nắng thôi!
          - Thì ngồi xuống ăn cho thoải mái.
          - Đang chào cờ!
Chú tiểu bật cười:
          - Đang ăn cơm, không phải chào cờ.
          - Tui đang chào cờ, cờ của tui là cờ… ơm… cơm. Cờ của người ta là cờ…cờ…
Sư thầy nhíu mày, có đúng là điên không đây, ngẫm ra người này quá thông tuệ là đằng khác, nghĩ thế, ông hỏi:
          - Chú nhớ nhà cửa ở đâu không? Đi lang thang chi cho khổ?
          - Ông khổ, nhiều người khổ, tui không khổ.
Từ tốn, chậm rãi ăn hết tô cơm, đặt xuống sân, y nói:
          - Tui là vua, ăn đâu uống đâu cũng được. Tui ăn không ai giành giật, còn người ta thì khác.
          Nhà sư giật mình, quả đúng thế thật. Trên đời này có ai giận hờn, trách móc, ganh ghét với người điên! Rót chén trà đưa cho người điên, sư thầy nói:
          - Uống chén nước, mà sao lại mang bi đông lủng thế?
Ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch, vừa cười vừa nói:
          - Bi đông lủng không có nước, không có nước mới xin nước, người ta thương người ta cho.
          Nhà sư kinh ngạc về tư duy logic của người điên. Bước tới đặt chén nước lên bàn, y nói:
          - Tui uống nước ở nơi khác cho bằng nhau.
Nói rồi quay đi. Nhà sư móc túi lấy độ chục ngàn tiền lẻ, đứng dậy:
          - Cầm mấy đồng, lỡ khi người ta không cho thì mua.
Người điên cầm nắm tiền tung lên trời, cười hềnh hệch:
          - Tiền mua được nước…tiền mua được nước…xin ông này không cho thì xin bà kia…Có đi xin mới biết được ai thương người điên…
Chú tiểu bây giờ đã bớt sợ, hỏi:
          - Ông cũng biết ông là người điên à?
          - Đó là tên của tui!
          - Làm sao người ta biết ông là người điên?
          - Đeo bi đông lủng. Muốn điên như tui thì ra khỏi chùa, đeo bi đông lủng…

          Nhà sư thở dài, lẩm nhẩm: “âu cũng là duyên nghiệp”, trân trân nhìn theo bước chân người điên. Bóng dáng người điên khuất sau khúc cua, chỉ còn lại mặt đường ngùn ngụt bốc hơi nóng và gió lào quạt ngang qua như lửa táp vào mặt.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

THUYỀN GIẤY

      
          Chiếc thuyền giấy ngày xưa
          Bồng bềnh trên sóng nước
          Sóng nước của ao làng
          Gợn hồn ai mênh mang.

          Cô bé ấy ngày xưa
          Tóc mướt đen bồ kết
          Làn da mịn như tuyết
          Mắt đen tròn ngây thơ.

          Làng mình thuở ngày xưa
          Chiều khói lam mái rạ
          Tiếng sáo diều trong gió
          Thơm mùi cơm tháng mười…

          Nhẹ nhàng thuyền giấy trôi
          Ngược dòng đời hối hả,
          Ta ngược thời xanh lá
          Tìm về miền lá xanh.

          In bóng nước ao đình
          Một mái đầu sương trắng
          Cô bé ấy ngày xưa
          Khỏa tay làm nên sóng.

          Chiều nay làn mây ấm
          Trôi ngang qua ao làng
          Xốn xao lòng mênh mang
          Anh gấp con thuyền giấy…

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

NHỚ TRUNG ĐOÀN


          Ba năm – một cuộc đời quân ngũ
          Ba mấy năm xa cách Trung đoàn,
          Những gì từng trải qua rất đẹp
          Cháy trong lòng ký ức mênh mang!…

          Thao trường Cò Cưa nắng đổ
          “Kát tút” nhiều tựa vỏ sò,
          Đồng Mô một chiều diễn tập
          Chìm xe trôi mất ba lô.

          Những đêm mùa đông rét buốt
          Úp thìa nằm ngủ co ro
          Áp lưng trong lòng đồng đội
          Ghét ghê đứa ngáy khò khò…

          Về phép khao nhau “điếu khoẳn”*
          Thư nhà, chúng thích – đọc chung
          Chẳng có riêng tư gì sất
          Đồng đội – đồng chí – đồng lòng.

          Mỗi buổi sớm mai thể dục
          Một thằng hai cục đá ong
          Vác về dồn xây doanh trại
          Trông như đàn kiến băng đồng.

          Bữa chính ba lưng sắn lát
          Chạy đua bánh xích xe tăng
          Thao trường những trưa nắng đổ
          Nhớ sao dãi đất Hạ Bằng.

          Vui sao những chiều thứ bảy
          Cầu đêm gió mát trăng trong,
          Rủ nhau vào làng Phú Mãn
          Tìm trêu “hương nội gió đồng”.

          Mấy đứa ngày mai “tranh thủ”
          Trốn sang C khác ngủ nhờ,
          “Kinh nghiệm” đàn anh dạy thế
          Muốn không bỏ lỡ giấc mơ.**

          Tiểu đoàn có mấy thằng tếu táo  
          Thích chọc quê những đứa hiền từ,
          Chuyện tiếu lâm trên trời dưới đất
          Ngày ra quân lại khóc hu hu…
         
          Ba mấy năm…bồi hồi nhớ lại
          Thuở tráng niên là lính Trung đoàn
          Làm gì cũng vững vàng truyền thống
          Giúp  dân và xa lánh quan tham!

* thuốc lá, tiếng lóng của lính Trung đoàn 102
**Được cấp trên cho về thăm nhà thời gian ngắn.
Sang ngủ nhờ đại đội khác vì sợ đang đêm có lệnh
di chuyển, bị thu hồi giấy phép.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Em ơi có nhớ...

       
          Anh đã từng nghe khúc hát em ru
          Trong một chiều mưa mây giông vần vũ,
          Từng nắm tay em đi trên lối cũ
          Lối cũ người xưa cỏ mới lên xanh.

          Anh cùng em ngắm ánh trăng thanh
          Mảnh hồn quê vườn thu năm ấy,
          Ánh trăng thanh có mắt sao nhấp nháy
          Lóng lánh sương treo cành trúc la đà.

          Anh đã từng nghe em nói về hoa
          Bên ấm trà sương mùa đông năm ấy,
          Anh đã nghe tưởng chừng cháy máy
          Em gọi anh khi góc biển chân trời.

          Em đã từng rớm lệ đó thôi
          Xa cách bao lâu bất ngờ anh tới
          Bên nhau rồi em giận hờn em nói
          Làm tội anh vì tiếng gọi trái tim em…

          Em chỉ mong một cuộc sống bình yên
          Với anh, con và với cả mẹ hiền,
          Sân trước đầy hoa sau nhà chim hót
          Đừng như anh, con theo nghiệp bút nghiên!

          Con tàu anh năm tháng tuần duyên
          Rẽ sóng mà đi dù mưa hay nắng,
          Quen với bão giông, chạnh lòng trống vắng
          Sau ngọn hải đăng nơi ấy quê nhà.

          Tàu về bến em đã đi xa
          Em gửi lại cánh hoa năm ấy
          Cánh hoa mỏng manh nằm trong trang giấy
          Dòng chữ nhòe đau biết mấy nỗi đau!...

          Anh cứ tưởng mình mãi mãi của nhau,
          Đường cũ còn đây vườn trăng còn đó,
          Tới xứ cờ hoa em ơi còn nhớ
          Lời thề xưa trong tiếng gió miền quê?

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

MỘT LẦN ĐI HÁT PHƯỜNG VẢI CỦA CỤ PHAN BỘI CHÂU


Hát phường vải ở Nghệ Tĩnh là diễn xướng dân gian có trình tự lớp lang khá chặt chẽ. Địa điểm hát thường là mảnh sân nhà nào đó vào mùa kéo sợi xe tơ. Các cô gái làng vừa làm việc vừa hát, đó là hát dạo. Các chàng trai đi ngang qua cổng (như vô tình) dừng lại hát vài câu ướm thử (hát hỏi),  bên nữ đối lại -  hát chào, hát mừng. Thế nhưng để được mời vào trong sân hát, các chàng trai phải qua thử thách hát đố. Hát đố nhiều lĩnh vực nhưng những câu đố thường được đưa ra nhất là đố chữ, đố tình huống lễ nghĩa. Trả lời không nhanh, không chuẩn là thua, do đó, đi hát nhiều người, phát huy trí tuệ tập thể là rất cần thiết. Nghe hát phường vải, có nhà nghiên cứu nói rằng lời hát thâm thúy cao sang nhưng lại rất dân dã.
          Nam Đàn là đất hát phường vải, nơi đây có nhiều giai thoại về những đêm hát của những bậc túc nho, những người chí lớn. Nghe qua mấy câu  xe kết (hát thương, hát nhớ, hát trách) trong một đêm hát phường vải ở Nam Kim của cụ Phan Bội Châu, chúng ta mới hiểu thêm chí khí của người đội đá vá trời.
          Một cô gái trẻ đẹp, thông minh có tiếng gửi gắm nỗi lòng mình với anh San:
Sắp nhau một gánh nặng nề
Giang sơn bịn rịn tình quê nghẹn ngào.
          Tiếng địa phương “sắp nhau” nghĩa là gặp nhau. Hình như cô gái biết Phan Bội Châu đang nghĩ đến giang sơn nên không hiểu được “tình quê nghẹn ngào” của cô. Phan Bội Châu hát đáp:
Đêm xuân gặp gỡ giữa đường
Non sông một đội cương thường hai vai
          Cô gái nói “sắp nhau một gánh nặng nề”, còn với Phan Bội Châu chỉ là “đêm xuân gặp gỡ giữa đường” mà thôi. Non sông một đội - ở trên đầu, là lý tưởng theo đuổi, sau đó mới đến hai vai gánh vác tam cương, ngũ thường, phân định rạch ròi trách nhiệm của trai thời loạn. Trong tam cương, phu – phụ xếp ở vị trí thứ ba, sau quân – thần, phụ - tử. Mượn chữ “cương thường” mà anh San nói đến, cô gái không còn úp mở nữa:
Chung vai, chung cả đò đầy
Cho em chung mẹ, chung thầy với anh.
          Biết cô gái yêu thương thật lòng, tha thiết như thế, nhưng tiếng gọi cứu nước canh cánh trong tim, Phan Bội Châu khéo léo từ chối mà không để cho cô gái tẽn tò, trái lại, nâng tầm cô lên:
Chung binh, chung tướng, chung vương
Cùng anh chung cả tứ phương sơn hà.
          Cô gái biết tình yêu của mình không mảy may thay đổi ý định Đông Du của San, than thở:
Vui chi một cuộc cờ tàn
Mà chàng xe ngựa một đoàn sang sông.
          Cô nghĩ thế nước đã như cuộc cờ tàn, chàng gắng gượng làm chi. Phan Bội Châu tin tưởng vào kết quả công việc của mình, lật ngược thế cờ:
Nhất vui là cuộc cờ tàn
Mã lên chiếu bí pháo toan chiếu trùng.
          Không biết sau này cô gái ấy có gặp lại Phan tiên sinh lần nào nữa hay không? Cuộc đời cô như thế nào chúng ta không biết nhưng chắc chắn một điều là hình ảnh chàng thanh niên yêu nước Phan Văn San sống mãi trong trái tim cô, trong lòng dân tộc.
          Nhớ cụ Phan, nhớ những đêm trăng nghe hát phường vải ở miền đất địa linh nhân kiệt, tôi ước gì diễn xướng dân gian ấy được bảo tồn, phát huy, được đưa vào trường học để thế hệ trẻ hiểu tinh hoa, bản sắc cha ông mình hơn.

            

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Hiểu ta nhấc chén uống cùng với ta

Tặng anh Đoàn Văn Tam

Dấu chân in nẻo gần xa
Đắng cay cũng lắm vinh hoa cũng từng,
Ngẫm thương đôi mắt rưng rưng
Dõi ta ngày ấy mộng cùng nước non.
Sau lưng một mảnh tình con
Không sao neo nổi cánh buồm lãng du…

Tóc xanh đã chớm sương thu
Giật mình: đời tựa đèn cù mà thôi.
Chí trai vùng vẫy biển khơi
Mà ôm hận với cái tôi giang hồ!

Tiền tài phù phiếm hư vô,
Công danh là thứ để cho đời lừa.
Kém tài - quyền tước bán mua,
Lãng du biết phận, hơn thua làm gì!

Mưu sinh đành bước chân đi
Túi thơ bầu rượu cầu chi sang giàu…
Người yêu ta hỡi, ở đâu
Mai sau? quá khứ? thẳm sâu sơn cùng?
Đời bon chen: mặc! Ung dung
Hiểu ta nhấc chén uống cùng với ta!

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

GIÃ TỪ BẾN CŨ

         
          Bến cũ trăng nghiêng hình cánh võng
          Dòng sông lấp lánh ánh trăng ngân
          Câu hò lỡ bước sang ngang vọng
          Rớm giọt sương khóe mắt giai nhân

          Sang sông nàng nhớ mẹ thương cha
          Ngước mắt nhìn ai giọt lệ nhòa
          Câu hò ai oán ai sầu thảm
          Nặng lòng người mà trĩu cả lòng ta

          Bến cũ còn đây nàng đâu xa
          Trắng sương vương chút ánh trăng tà
          Câu hò năm ấy ghim trong gió
          Giã từ ta tiễn một mình ta.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

ĐÒ LÈN - KÍ ỨC TUỔI THƠ QUÊ NGOẠI CỦA NGUYỄN DUY


ĐÒ LÈN

          Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
          níu váy bà đi chợ Bình Lâm
          bắt chim sẻ trên vành tai tượng Phật
          và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

          Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
          chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
          mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
          điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

          Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
          bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
          bà đi gánh chè xanh Ba Trại
          Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

          Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
          giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
          cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
          cứ nghe mùi huệ trắng hương trầm

          Bom Mĩ giội nhà bà tôi bay mất
          đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
          thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
          bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

          Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
          dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
          khi tôi biết thương bà thì đã muộn
          bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.
                                                      9 – 1983

Nguyễn Duy thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Độc giả say thơ anh bởi cách kể chuyện hóm hỉnh, có duyên, sử dụng ngôn từ mộc mạc mà rất đỗi tinh tế, tài hoa; trầm tĩnh mà ngang tàng đậm chất lính; cảm xúc và suy tưởng luôn song hành, nhuần nhuyễn, hết sức tự nhiên trong từng câu chữ. Những điều ấy làm nên phong cách Nguyễn Duy mà Đò Lèn là một trong những bài thơ tiêu biểu.
          Bài thơ như một dòng chảy hồi ức từ lúc nhỏ dại đến lúc trưởng thành trong tâm tưởng tác giả. Xuyên suốt dòng chảy ấy là hình ảnh bà ngoại gắn liền với những địa danh ở quê hương cùng với những biến cố lịch sử.
          Về mặt hình thức, bài thơ có 6 khổ, một dấu chấm câu cuối bài thơ, chữ đầu mỗi khổ thơ viết hoa, chữ đầu mỗi dòng thơ viết thường, chắc chắn đây là dụng tâm của tác giả. Mỗi khổ thơ một mẩu chuyện, những mẩu chuyện ấy kết nối với nhau chặt chẽ trong quỹ đạo Đò Lèn.
          Hai khổ thơ đầu, Nguyễn Duy kể chuyện sinh hoạt thuở nhỏ và những ấn tượng lưu lại trong kí ức:
          Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
          níu váy bà đi chợ Bình Lâm
          bắt chim sẻ trên vành tai tượng Phật
          và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

          Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
          chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
          mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
          điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
          Những câu thơ giàu hình tượng gợi lên trước mắt người đọc một cậu bé nghịch ngợm, vô tư, hồn nhiên. Câu cá, bắt chim, đá gà, chọi dế là thú vui của những đứa trẻ nông thôn cái thời chưa có máy tính nối mạng internet. Vui hơn là lập được “chiến công” để kể với bạn bè khi hái trộm được trái cây ở vườn nhà nào đó. Câu Thơ:
          và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Nguyễn Duy viết chân thực quá. Hầu như trẻ con ở nông thôn thời bấy giờ là thế cả. Cái tâm lý hồi hộp, lo sợ người lớn bắt gặp giống như trò chơi mạo hiểm, sợ mà vẫn thích chơi. Người viết bài này đã từng nếm trải điều đó nên hiểu được điều tác giả kể. “Anh hùng” là thế nhưng khi bước ra khỏi làng:
          níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Cái không gian làng quê ngày xưa hạn chế rất nhiều việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài, do đó đi xa một chút là lo sợ, mà với trẻ con thì sợ nhất là lạc đường. Chi tiết “níu váy bà” cho chúng ta biết khoảng độ tuổi tác giả lúc bấy giờ.
          Hai khổ thơ tiếp theo là những suy tưởng của Nguyễn Duy về hình ảnh người bà. Đây là suy tưởng khi tác giả viết bài thơ này chứ không phải là suy tưởng ở cái thời trẻ con ấy. Ngày bà mò cua bắt ốc, buôn bán chè xanh lúc khuya lúc sớm dưới giá buốt mùa đông năm đói ấy, tác giả vẫn vô tư, hồn nhiên, anh thú thực:
          Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
          bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
          bà đi gánh chè xanh Ba Trại
          Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
          Không một ai, tài thơ đến mấy có thể thay thế “thập thững những đêm hàn” mà giữ được nguyên giá trị nghệ thuật, giá trị biểu cảm của khổ thơ. Từ láy “thập thững” là sáng tạo hết sức độc đáo của nhà thơ nên dù tra từ điển nào cũng không tìm được. “Thập thững” là cách kết hợp của các từ láy “chập chững”, “thập phương”, “thập thò” trên cơ sở chọn lọc ngữ nghĩa phù hợp với văn cảnh. “Thập phương” tương ứng với những địa danh đồng Quan, Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Giao…”thập thò” là lúc thấy lúc khuất, “Chập chững” là bước đi không vững. Hình ảnh người bà gánh chè xanh bước thấp bước cao trong đêm giá buốt, nghĩ lại mới thương xót làm sao!
          Tảo tần, cơ cực làm đủ mọi việc, bà cháu nuôi nhau đói vẫn đói. Điểm tựa tinh thần của bà là tiên, Phật, thánh, thần, còn điểm tựa của cháu chính là người bà tần tảo. Nhớ lại thuở ấy, Nguyễn Duy viết:
          Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
          giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
          cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
          cứ nghe mùi huệ trắng hương trầm
          Tin vào bà là thực, tin theo niềm tin của bà còn mơ hồ, chưa rõ nét lắm. Tiên, Phật, thánh, thần đâu không thấy, chỉ “nghe mùi huệ trắng hương trầm”. Giữa hai bờ thực - hư đó, “củ giong riềng luộc sượng” vẫn là bữa cơm năm đói. Thời đói, ăn cái gì cũng ngon, “củ giong riềng luộc sượng” mà “cứ thơm mùi huệ trắng hương trầm” khác nào giờ đây thưởng thức món ăn đặc sản của đầu bếp trứ danh khách sạn 5 sao chế biến.
          Về thủ pháp nghệ thuật, tài hoa sử dụng phép đối trong khổ thơ rõ ràng, chuẩn mực, cân xứng:
                                                   thực
                                                    bà
                củ giong riềng luộc sương

tiên, Phật, thánh, thần
mùi huệ trắng hương trầm
          Khổ thơ thứ 5, tác giả tiết chế cảm xúc của mình để kể về một biến cố lịch sử: Mĩ ném bom miền Bắc. Có độc giả nói với chúng tôi sao trước nỗi đau mất mát đó mà tác giả kể một cách dửng dưng? Nếm trải những năm tháng hứng chịu mưa bom bão đạn Mĩ hồi đó mới hiểu vì sao tác giả viết như vậy. Mĩ đã từng tuyên bố hủy diệt, đưa miền Bắc trở lại thời kì đồ đá. Nhiều thành phố không còn một viên gạch nguyên vẹn, nhiều làng quê bị xóa sổ. Bệnh viện, trường học, chùa chiền…không nơi nào tránh khỏi bom đạn, thế nên, hồi tưởng về giai đoạn ấy tác giả cố nén cảm xúc chủ quan để làm nổi bật hiện thực khách quan.
          Bom Mĩ giội nhà bà tôi bay mất
          đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
          thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
          bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
          Chữ “tuốt” có thể thay bằng chữ “tất”, lượng thông tin không thay đổi nhưng kém đi giá trị biểu cảm. Những nơi thờ tự, nơi con người gửi gắm niềm tin vào thế giới tâm linh còn bị bom Mĩ giội thì nhà bà ngoại tác giả bay mất cũng có là gì?
          Nơi tới lui với thế giới tâm linh không còn mà cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Cũng là “đi” nhưng “thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết” – tránh bom đạn Mĩ chăng? còn bà với mưu sinh: “đi bán trứng ở ga Lèn”. Đằng sau những câu từ pha chút hài hước ấy là tình cảm thương xót vô hạn. Trước kia bà chân trần gánh nặng, “thập thững những đêm hàn” có vấp một cái đau buốt đến xương vẫn còn hai chữ bình an thì nay “bán trứng ở ga Lèn” mười phần mạo hiểm với tính mạng. Ga tàu là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mĩ.
          Khổ cuối bài thơ tác giả bộc bạch tình cảm của mình với bà trong tiếc thương, hối hận. Cảnh quê ngoại vẫn như xưa nhưng bà đã ra đi mãi mãi. Hai câu kết là lời tâm sự rất chân thành, người đọc nghe như nước mắt đang chảy vào trong:
          khi tôi biết thương bà thì đã muộn
          bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.
          Đọc lại lần nữa, chúng ta tự hỏi tại sao Nguyễn Duy không dùng “Hồi ức tuổi thơ”, “Quê ngoại yêu thương”…đặt tên cho bài thơ mà lại dùng Đò Lèn – một địa danh? Trong kí ức của anh phải chăng ga Lèn là nơi bà chịu cơ cực, nguy hiểm nhất? Và đó cũng là cái tên bình dị, một chứng tích đau thương của chiến tranh, nghèo đói một thời khi ta nghĩ về nó? Những câu chữ bình dị hiển hiện trước mắt ta chất chứa đằng sau những tầng bậc xúc cảm, muốn lên được tới đỉnh phải nắm được tay vịn suy tư, đồng cảm, yêu thương mà tác giả đã san sẻ
         Với Đò Lèn, Nguyễn Duy đã đóng góp khối đá quí trong lâu đài văn học nước nhà. Càng ngắm, người đọc càng thấy lấp lánh ánh sắc Việt, thoang thoảng mùi huệ trắng, hương trầm.

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

NGƯỜI ĐI CÓ NHỚ LỐI VỀ






















Lá bàng rơi lá vàng rơi
Đầu nhành nảy lộc màu trời xanh non
Gió đùa dìu dặt từng cơn
Hồng nhung khép cánh bên thềm đợi ai?
*
Ve kêu rộn, hạ tới rồi
Tự dưng ta cũng bồi hồi tiếng ve
Người đi nón lá nghiêng che
Mang theo một khoảng trời quê ngậm ngùi…
*
Lá bàng xanh thắm lại rồi
Phượng hồng thắp lửa rực trời đường quê,
Người đi có nhớ lối về
Chao nghiêng nón hứng tình quê ngọt ngào.

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

NGƯỜI VẸT

       
   Giả Bằng nuôi một con vẹt được gần chục năm, nói sành sỏi tiếng người, khôn như tinh, tính nết ngày càng giống ông chủ. Một hôm con vẹt nói:
          - Tôi muốn làm lãnh đạo! Tôi muốn làm lãnh đạo!
          Giả Bằng đem chuyện nói với Tham Phú. Tham Phú thầm nghĩ làm gì thuộc chuyên môn thì khó chứ làm lãnh đạo ai mà chả làm được. Cũng hay, Tham Phú cần đội quân dưới trướng nói theo những điều mình nói là tốt lắm rồi. Với lại, biến con vẹt thành người, xếp vào vị trí nào đó với Tham Phú nào có khó gì, thử nghiệm này mà thành công thì muôn vàn cái lợi…Hứng chí, Tham Phú nói với bạn:
          - Ông về mang con vẹt sang đây!
          Con vẹt đậu trên vai Giả Bằng, thấy Tham Phú, nó bay xuống, gật gù cái đầu:
          - Chào ngài Tham Phú! Chào ngài Tham Phú!
Tham Phú thổi một hơi, con vẹt hóa thành người đàn ông vóc dáng vừa phải, trắng trẻo, đeo kính, nhìn có dáng vẻ trí thức. Tham Phú bảo con vẹt soi gương xem bộ dạng mới, lão hỏi:
          - Ngươi hài lòng không?
Con vẹt láu táu:
          - Thích ạ! Thích ạ!
Giả Bằng nghĩ con vẹt biến thành người thì nó thuộc về Tham Phú, nghĩ cũng tiếc, lão hỏi:
          - Muốn nó trở lại thành con vẹt thì làm thế nào?
Như đọc được suy nghĩ của Giả Bằng, Tham Phú cười:
          - Muốn trở lại làm vẹt thì tùy thuộc vào nó thôi, tôi không có phép biến người thành vật.
Nghĩ con vẹt không bao giờ muốn trở lại làm vẹt, Tham Phú nói:
          - Muốn trở lại hình hài xưa nó chỉ cần nhắm mắt, hai tay ôm đầu, la lớn ba lần “ta không muốn làm người!” là OK!
Quay sang người vẹt, Tham Phú hỏi:
          - Sao ngươi muốn làm lãnh đạo?
          - Người ta nể sợ, thưa ngài! Oai lắm! Oai lắm!
          - Ngươi biết gì về lãnh đạo mà đòi làm?
          - Dễ ợt, thưa ngài! Chỉ cần đọc công văn, chỉ thị! Chỉ cần đọc công văn chỉ thị!
          - Người ta không hiểu ngươi giải thích làm sao?
          - Đọc lại công văn, chỉ thị thưa ngài! Hỏi nữa bảo văn thư phô tô cái công văn, bảo đem về mà nghiên cứu, nhắc thêm một câu: “xem cho kĩ vào, làm sai là chết với tôi!”.
Tham Phú cười khìn khịt, sảng khoái nhấm nháp li rượu Remy Martin Louis XIII, phỏng vấn tiếp:
          - Cấp trên đến kiểm tra đơn vị do ngươi làm lãnh đạo, ngươi xử lý như thế nào?
Thằng người vẹt cười cười:
          - Giao cho cấp phó chuẩn bị báo cáo, thưa ngài! Sau buổi kiểm tra mời cấp trên đi nhậu hải sản, đi nhậu hải sản!
Tham Phú ngạc nhiên về “trình độ” người vẹt, lão hỏi:
          - Ngươi học quản lý nhà nước ở đâu?
Người vẹt cúi đầu, nhỏ nhẹ:
          - Học ở cách lãnh đạo của ông Giả Bằng, thưa ngài! Học ở ông Giả Bằng!
Tham Phú nói với Giả Bằng:
          - Nó làm lãnh đạo được đấy nhưng biết xếp cho cái ghế nào là phù hợp đây?
Tham Phú cau mặt, vẻ trầm tư. Mà lão trầm tư thật. Mấy cái ghế bên mảng kinh tế, chính quyền đã nhận tiền người ta rồi, sắp xếp còn chưa xong…cái thằng người vẹt này xếp cho nó một ghế không được chút lợi gì bỏ túi nhưng lợi về đường xa, về mặt chính trị. Nó sẽ là cái loa của mình, trung thành tuyệt đối với mình….Ở đời phải cân bằng một tí, có đứa cung phụng, có đứa tung hô mới ngồi vững trên cái ghế tổng quản này. Chả như lão Án Đề, cúi mặt phàm ăn cuối cùng cũng phải nôn ra năm bảy phần. Hắn không phải ở tù vì mấy thằng xử án (và ngay cả mình nữa) cứ thon thót lỡ hắn cú lên khai ra “các đồng chí chưa bị lộ”….
          Vỗ đùi đánh đét một cái, Tham Phú ngửa mặt lên trời cười khìn khịt:
          - Ơ rê ca! Được rồi! Sẽ xếp cho nó một ghế lãnh đạo ngành giáo dục.
Giả Bằng tán dương:
          - Anh thật tuyệt! Đúng là nhìn xa trông rộng, cho nó làm giáo dục vừa hợp tính hay nói của nó vừa xây dựng nền tảng lâu dài…
Tham Phú hỏi người vẹt:
          - Thế nào, ngươi có thích không?
Thằng người vẹt vòng tay, cúi đầu cung kính:
          - Thích ạ, thưa ngài! Thiên hạ ai cũng gọi bằng thầy! Thiên hạ ai cũng gọi bằng thầy!
Giả Bằng quát:
          - Láo! Trước mặt ngài Tham Phú và tao mà mày dám mở miệng thế à?
          - Con xin lỗi! Con xin lỗi! Con xin lỗi!
Nó xin lỗi liến thoắng, giữ đúng tính nết loài vẹt.

          Trước khi đặt hắn vào một vị trí cao, Tham Phú ấn hắn làm hiệu trưởng trường phổ thông, mục đích của lão là để hắn quen dần với phong cách lãnh đạo.
          Ngày đầu tiên đến trường, hiệu trưởng Viết Điểu – cái tên Tham Phú đặt cho người vẹt, đọc thuộc hết các băng rôn, khẩu hiệu, nội quy của trường. Cho gọi thầy thư kí Hội đồng lên phòng hiệu trưởng, người vẹt hỏi:       
          - Thầy có nắm vững nhiệm vụ trọng tâm năm học cấp trên chỉ đạo không?
Thầy thư kí trình bày không biết cơ man nào là công văn, chỉ thị, Viết Điểu nghe cứ ong ong cả đầu. Lấy ngón tay chống kính, chằm chằm nhìn thầy thư kí, người vẹt rành rọt:
          - Thầy hãy nói ngắn gọn, càng ngắn càng tốt.
Thầy thư kí Hội đồng trán lấm tấm mồ hôi, nghĩ thầy hiệu trưởng chắc đang khảo hạch năng lực của mình đây…Suy nghĩ một lát, thầy nói:
          - Thưa thầy, về quan điểm, giáo dục là quốc sách hàng đầu; thứ hai, ngành ta phải đổi mới phương pháp dạy học; thứ ba là xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; thứ tư là mỗi cán bộ, thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo…
Viết Điểu nghĩ thì ra chúng được viết ra thành khẩu hiệu rồi đấy thôi, y gật gù cái đầu:
          - Thầy có năng lực! Thầy có năng lực!
Thầy thư kí hội đồng thở phào nhẹ nhõm, hiệu trưởng Viết Điểu nói:
          - Trước mỗi kì họp hội đồng thầy viết cho tôi một bảng tổng hợp rút kinh nghiệm cái chưa làm được và những việc phải làm trong thời gian tới!

          Một học kì trôi qua, mỗi người nghĩ về thầy hệu trưởng mỗi cách. Người nói thầy nghiêm, người nói thầy hay nói lắp, hay quên, người nói thầy lười, có hai tiết một tuần mà cũng giao người khác dạy…Được cái thầy không đi sâu vào việc chuyên môn. Cô giáo trẻ Linh Đa có vẻ quí thầy trên mức bình thường nói với bạn thân hễ có chuyện gì bực tức thầy vung hai tay ra giống như con gà trống xòe cánh chuẩn bị đá nhau. Cô bạn cười bảo đó là kiểu nhún vai theo phong cách Âu.  Ghét cái, mượn cớ  hỏi thầy về kinh nghiệm đổi mới dạy học thầy lại bảo “đọc kĩ công văn”! Nhiều thầy cô giáo có vẻ nể sợ thầy hơn khi cô văn thư xì ra thông tin thầy là con cháu gì đấy của các ngài Giả Bằng, Tham Phú. Cô ta còn nói làm hiệu trưởng cái trường này không xứng cái tầm thầy nên thầy hay lơ đễnh vậy thôi.
          Tính nết thầy hiệu trưởng ngày càng khó chịu. Giữa học kì II, khảo sát chất lượng học sinh theo bộ đề của Sở, chất lượng các môn không mấy khả quan, kém nhất là môn Tiếng Anh. Sở không phê bình nhưng thầy cứ ấm ức. Cái ấm ức là giáo viên, học sinh làm bẽ mặt thầy, cứ cái đà này thì phải còn lâu thầy mới được bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn. Viết Điểu chửi thầm: “bọn học trò này thật ngu dốt, năm sáu năm học một thứ tiếng mà trình độ nghe, nói chỉ như đứa trẻ lên ba”. Rồi lại nghĩ: “mấy thằng cha con mẹ dạy cái kiểu gì không biết, dạy ngoại ngữ là nghe được, hiểu được, nói được, đằng này khi nào cũng động từ bị động, quá khứ, hiện tại tiếp diễn…học sinh phổ thông là học những cái phổ biến, thông dụng. Nhồi nhét một mớ qui tắc ngữ pháp mà để làm gì? Cứ như ta đây, chẳng biết quái gì về ngữ pháp tiếng Việt, tự học một năm đã nói được bập bẹ tiếng người, hai năm nói và hiểu điều mình nói, ba năm đối thoại rành rọt, chục năm đủ tri thức làm lãnh đạo. Đã thế, lại ra rả kêu học sinh học vẹt! Học được phân nửa ta thì đã quí. Chao ôi, đúng là “làm đầy tớ thằng khôn hơn là làm thầy thằng dại!”…
          Đang định xuống văn phòng kí mấy cái chứng từ cho kế toán, Viết Điểu nghe tiếng Linh Đa đang thì thầm với mấy cô giáo cho dù khoảng cách phải gần năm chục mét:
          - Em nghĩ thầy hiệu trưởng hình như là BĐ.
Cô Duyên dạy Sinh bụm miệng cười:
          - Đã thử chưa mà biết!
          - Có lần em giả bộ quên cài nút cổ áo, đứng sát vào người thầy mà thầy dửng dưng như không, lại nghiêng má áp vào hai bên vai như chim quẹt mỏ mới tức chứ!
Cả bọn cười cười khơ khớ, cô Hải Anh dạy Văn nói:
          - Tại cô mạnh bạo quá nên người ta sợ thôi!
Cô Duyên phản bác:
          - Tớ còn thích Linh Đa huống gì đàn ông, đúng là BĐ rồi. Lựa chọn một trong các vệ tinh đi thôi em. Vô phúc vớ phải thằng hoạn quan.
          - Nói thật đi, cô thích gì ở cái “ngài” nói như công văn đó? Hải Anh hỏi.
          - Nếu là địa vị thì em đã nhận lời anh Tuấn phó giám đốc Sở Nội vụ con Bí thư tỉnh rồi. Lúc đầu em cảm thầy Viết Điểu nho nhã thư sinh lại nghiêm túc nữa. Lâu dần em phát hiện ra thầy thích được người ta tung hô, tham vọng chức quyền lớn. Có lẽ mục tiêu cả đời thầy là vậy đấy…
          Máu rần rật trong huyết quản Viết Điểu, cả như Linh Đa, tưởng như cô trong sáng, hồn nhiên mà nghĩ về mình như vậy thì kẻ khác sẽ như thế nào đây…Cô Hải Anh trầm giọng nhưng người vẹt nghe rõ mồn một:
          - Đừng kể chức tước lớn hay nhỏ, sống phải thực với chính mình, tự do làm những việc mình thích, mình cho là hợp lẽ, chứ đừng phụ thuộc, đừng tự biến mình thành con rối, cái loa của một ai đó…
          Viết Điểu chết lặng, thì ra bọn người này giả dối cả. Trước mặt hiệu trưởng ai cũng lễ phép, gặp riêng từng người ai cũng nói những lời có cánh…may nhờ đôi tai của loài chim mà mình nhận ra sự thật. Chao ôi! Lâu nay mình sống trong ảo tưởng, cả cái lão Giả Bằng, Tham Phú cũng đang sống trong ảo tưởng. Các lão ấy bày vẽ, đầu độc người ta sống trong ảo tưởng rồi chính những điều ảo tưởng ấy thấm sâu, thành máu thịt các lão…Cái xã hội này được thổi phồng như một cái bong bóng, một cái bong bóng không biết nổ tan lúc nào mà thôi.
          Viết Điểu vào phòng, mở toang hai cánh cửa sổ, trên bầu trời kia từng đàn chim bay lượn tự do, chúng kháo nhau đâu là mồi thật, đâu là mồi nhử, dặn dò nhau tiếng gọi bầy để tránh cạm bẫy bọn người chăng ra. Chúng tiếc thương cho những con chim non khờ dại không phân biệt được mồi, bị bọn người làm thịt, hay đau đớn hơn phải cầm tù trong lồng, có cánh mà không được bay, làm trò vui, vật cảnh…

          Không thấy thầy hiệu trưởng xuống ký chứng từ, cô kế toán lên tìm. Cửa phòng không đóng. Cô giật mình thấy bóng một con vẹt bay ra, còn trên sàn nhà là bộ đồ thầy hiệu trưởng mặc lúc ban sáng.
       

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

UỐNG TRÀ


                Ngụm trà chát đầu lưỡi
                Dìu dịu ngọt thanh tao
                Có hương thơm đồi núi
                Có sương nắng ướp vào.

                Anh bạn trẻ nâng chén
                Mắt mơ màng xa xăm
                Yêu kiều nàng sơn nữ
                Hái chè đêm trăng thanh.

                Ông bạn già châm nước
                Nhớ lại thời trẻ trai
                Nhai lá trà đỡ buốt
                Lánh giặc đêm đông dài.

                Người uống trà sảng khoái
                Người nhấm nháp trầm tư
                Trong lòng ta giọt mặn
                Mẹ sao trà, hát ru.

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

HOA GẠO

     
          Bên dòng sông xanh hoa gạo đỏ
          Đỏ rực trời trong đỏ lòng sông,
          Đỏ như năm ấy tàu bay giặc
          Cháy đỏ trời lưới lửa vây giăng.

          Tháng ba hoa gạo đỏ trời quê
          Em nghiêng nón lá dọc triền đê,
          Có thấy trời xanh hoa gạo đỏ
          Soi dòng trong theo bước em về?

          Hoa gạo cháy lên gọi mùa hè
          Ríu rít tiếng chim rộn tiếng ve,
          Khăn hồng áo trắng em nhẹ bước
          Em là hoa gạo của hồn quê!

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

TỄU ĐEO KÍNH ĐI HỌP LÀNG

        
           Tễu đeo kính, ngắm nghía trước gương, vuốt tóc rồi mỉm cười nói với vợ:
          - Cái lão Azít nê xin thế mà hóm. Anh chàng hàng thịt trán hói, bụng phệ đeo mắt kính vào cứ tưởng là giáo sư.
Thị Mơ nhìn Tễu, nói:
          - Nhà thay cái quần cho tôi, có ai áo trắng cổ cồn mà lại đóng thùng với cái quần bộ đội rách gối!
          - Mốt đấy mình ạ, ngày xưa áo quần rách thì thẹn đỏ mặt. Giờ, quần mới đám thanh niên chúng nó mài cho rách ra. Với lại tôi mặc thế này là ẩn ý đấy.
 Thị Mơ nguýt:
          - Ẩn ý cái gì, người ta cười cho thối mũi!
          - Trạch Văn Đoành để tóc “tiền văn minh hậu nhà sư” nghĩa là trước đối với đời, sau đối với mình. Còn tôi áo cổ cồn đeo kính nghĩa là nửa trên trí thức, mặc quần rách là nửa dưới chân quê. Chân quê vươn lên trí thức hay trí thức nửa mùa chưa thoát chân quê…
          - Ôi dào! Nhà bao giờ cũng lí luận. Mà họp làng mang mắt kính làm gì?
          - Mình không biết đấy thôi, hôm nay dán danh sách ứng cử bầu Hội đồng nhân dân, không mang kính thì sao đọc.
          - Đọc danh sách hay đọc lỗ quần thủng mấy con chanh cốm đấy?
Thị Mơ ra vẻ nghiêm trang, Tễu cười:
          - Cả hai!
Với cái quạt mo trên nóc tủ, nháy mắt với vợ, vừa bước ra cửa vừa hát chèo câu thơ vận động bầu cử của Bút Tre: “ Ta đi..(mà) bầu cử…ư…ư tự do…Chọn người…(mà) xứng đáng…í…i…i… ta cho…vào hòm…hi…hỉ…hì…hi…”

          Tễu đến hội trường ủy ban bà con đã đông đủ cả.
          - Lần đầu tiên mới thấy chú Tễu đi trễ đấy. Ông Mừng có ý chọc.
          - Không đúng đâu, tại bà con ta đi sớm đó thôi. Tễu phản pháo.
          - Úi giờ ơi! Mắt kính sáng, áo trắng cổ cồn là, cứ như giáo sư trường đại học. Cô Màu đá đểu.
          - Dưng mà cái quần rách vẫn là nông dân.
Ai cũng bật cười với sự thật thà của Bờm.
          - Thôi! Bà con yên lặng, chúng ta bắt đầu làm việc được chưa?
Ngưng một chút, quan sát khắp lượt, ông Chủ tịch Mặt trận xã hắng giọng:
          - E hèm, hôm nay mời bà con họp để thông qua danh sách đề cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện…Tiêu chuẩn người được bầu vào Hội đồng là những người trung thành với tổ quốc, không tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức quyền…
Ông ta nói không vấy váp, đều đều như người ta đọc kinh, đến là buồn ngủ. Cô Màu kéo áo ông Mừng, nói nhỏ:
          - Hình như ông này đọc thuộc lòng. Khiếp, dài như thế mà thuộc được. Hồi em đi học, có mấy câu ca dao mà tụng mấy buổi mà không thuộc vẫn không thuộc.
Bờm bàn góp:
          - Là do chị không đeo kính!
Màu ngạc nhiên:
          - Học không thuộc bài liên quan gì đến kính, cái thằng này?
          - Có kính nhìn mới rõ, mới tập trung. Chị không thấy học sinh giờ đứa nào học giỏi cũng mang kính đấy thôi.
Tễu cười, chọc ngoáy cô Màu:
          - Không phải đâu Bờm ạ, kính của cô Màu phải là kính đặc biệt, nhìn vào chỉ thấy chữ, không thấy trai thì mới học được.
Màu quay xuống, đấm mấy cái vào ngực Tễu:
          - Chỉ được cái nói đúng. Tại Tễu không thích Màu nên Màu phải nhìn nhiều trai để tìm ra người giống Tễu.
Bờm nói với ông Mừng:
          - Chị Màu đấm vào ngực chú Tễu không sao, chú Tễu mà vỗ vào ngực chị Màu thì bị cho là sàm sỡ, không bình đẳng chút nào cả.
Chỉ mình Bờm không cười, Màu cười thành tiếng:
          - Hơ..hơ…như vậy mới gọi là đặc quyền của phụ nữ. Muốn được như thế kiếp sau Bờm làm phụ nữ đi.
          - Chả dại, đẻ con đau lắm!
Tiếng cười vang hội trường, ông chủ tịch mặt trận trân lặng, ngơ ngác. Tay Bằng – trưởng công an xã gõ dùi cui xuống bàn:
          - Trật tự, trật tự, yêu cầu bà con giữ gìn trật tự lắng nghe, người nói phải có người nghe chứ!
Hội trường lặng di được một chút rồi lại rì rầm tiếng kháo chuyện. Nào chuyện trưởng thôn mất gà, chuyện cán bộ xã chỉ đạo các ban thôn mượn trâu bò, ti vi hộ giàu đem đến hộ nghèo đợt cấp trên về kiểm tra để đạt thành tích xóa nghèo, chuyện vợ phó chủ tịch giật hụi…Người ta không mấy lắng nghe về điều kiện, tiêu chuẩn người ứng cử. Bầu cử cái gì chả thế. Không tin, hỏi một đứa học sinh lớp 5 nó cũng nói rành rẽ cho mà xem.
          Rồi việc triển khai, quán triệt cũng xong, chuyển sang việc lấy ý kiến đánh giá đại biểu. Cứ tưởng như kì trước, bà con không mấy quan tâm, xập xị xập ngậu cho qua nhưng lần này lại khác.
          - Ông Chủ tịch cho tui hỏi, cái nhà cô Diệu Ly tự ứng cử hay ai đề cử? Bà Ngoan cất tiếng.
          - Là Ban chấp hành Hội phụ nữ đề cử. Ông Chủ tịch mặt trận trả lời.
          - Không được, nhà cô này trước đây làm kế toán trưởng ủy ban, gian lận tham ô mới chuyển sang đoàn thể làm phó chủ tịch Hội. Bà chủ tịch nghỉ hưu, thế là mặc nhiên làm Chủ tịch.
          - Không được thì đề cử ai? Ông Chủ tịch vặn lại. Chẳng lẽ Hội phụ nữ không có đại biểu?
          - Ông Hiệu trưởng trường tiểu học cũng không được - Bờm lên tiếng, anh tôi phải biếu cặp gà Đông Tảo và cái phong bì đựng bao nhiêu tiền tui không rõ, ông ta mới cho cu Bi – cháu tui nhập học, nói trái tuyến.
Người ta đua nhau nói, bình phẩm, kể tội. Mười hai ông bà có tên trong danh sách thì người ta đưa ra tới tám vị bàn cãi, ồn ào như chợ phiên chính. Tay Bằng đâp dùi cui xuống bàn, hét:
          - Trật tự, trật tự, yêu cầu bà con trật tự. Đừng có mà nhao lên như vậy. Từng người một phát biểu!
          Chỉ còn tiếng lào thào. Tễu giơ tay xin phát biểu. Ông Chủ tịch gật đầu, Tễu nói:
          - Con người ta ai không có khuyết điểm, sai lầm. Khuyết điểm, sai lầm mà sửa là tiến bộ, bà con không đồng ý thì đề cử người thay thế hoặc đề cử thêm, có đúng không ông Chủ tịch?
          - Đúng lắm, đúng lắm, ý kiến của anh Tễu hết sức xây dựng.
Tễu định nhân cơ hội đó đề cử cậu Hưng – chủ trang trại chăn nuôi thành đạt, luôn giúp đỡ bà con thì bà Ngoan đứng phắt dậy:
          - Ai cũng được nhưng cái nhà cô Diệu Ly tui không đồng ý!
          - Là ý kiến riêng của bà, ý kiến cá nhân không thay đổi được quyết định nhân sự. Ông Chủ tịch phản bác. Bà Ngoan cũng không vừa:
          - Sao không lấy biểu quyết, có biểu quyết mới biết đây có phải là ý kiến cá nhân tui hay không chứ!
Tay Bằng nói nhỏ với ông Chủ tịch:
          - Mụ này chắc có thù hằn gì với Diệu Ly đây.
Ông Chủ tịch lau mắt kính, trong đầu ông thoáng nhớ lại lời hứa với bí thư Châu: “Nhất định việc thông qua đề án nhân sự ổn thỏa”. Ông tìm cách hoãn binh:
          - Biểu quyết thì cũng là ý kiến tham khảo thôi, chúng tôi cần có ý kiến chỉ đạo của trên.
Hội trường lại nhao nhao, người ta bàn tán nói như ông Chủ tịch thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả, mất thì giờ. Tễu nghĩ cứ cái kiểu này lại phải họp lại, phải bàn cho đến khi bà con xuôi nhưng thực chất là đồng ý cho xong chuyện mới thôi, nên Tễu đứng lên nói lớn:
          - Tui đề nghị giải lao một lát để ông Chủ tịch mặt trận xin ý kiến chỉ đạo. Một lần họp mất cả buổi làm, lần sau mà như thế này nữa bà con không đi cán bộ đừng nói là không có tinh thần xây dựng. Nước không có, đất há mồm ngoài đồng kia kìa.
Tiếng vỗ tay vang lên, không ai bảo ai, tất cả đứng dậy tản ra sân, tụm năm tụm ba dưới bóng mấy cây sanh trò chuyện. Tễu, Màu và ông Mừng xem trích ngang lý lịch đại biểu. Màu lắc đầu:
- Mấy ông bà này mà trúng cử thì cũng là nghị gật cả thôi!
- Vậy sao Màu không ứng cử? Tễu chọc.
-  Đừng ấn định danh sách trước, cứ để bà con đề cử thử xem, có thua chỉ thua cậu Hưng chủ trang trại với anh thôi. Dưng mà không có số làm quan thì đừng mơ tưởng cho nặng đầu. Hay anh Tễu “muốn ăn gắp bỏ cho người” đấy? Màu trả treo - hèn gì hôm nay đóng bộ cánh “mông trở xuống nông dân ngang thân trở lên trí thức”.
Đúng là hòn bấc ném đi hòn chì ném lại, chỉ vì cái miệng sắc lẹm mà ngày xưa Tễu không chợn Màu.
- Đoàn thể hay cá nhân đề cử tay trưởng phòng nông nghiệp một là đui hai là bà con, phe cánh với bí thư Châu. Ông Mừng thở dài.
Câu nói của ông Mừng là cái phao cứu sinh cho Tễu khi chưa biết đối đáp lại với Màu sao cho xứng:
- Thằng này gọi bí thư Châu bằng cậu, trước đây học Trung cấp nông lâm, về huyện làm chưa được nửa năm lại được cho đi học Đại học tại chức. Sau này học hành thế nào không rõ chứ hồi học cấp 3 là học sinh cá biệt, ăn chơi lêu lổng, nửa học kì I bỏ học. Năm sau, ông cậu ép học bổ túc, cũng phải mất hai kì thi mới có được mảnh bằng tốt nghiệp…
- Anh Tễu sao rành quá vậy?
- Anh bạn dạy cấp 3 trong thị trấn kể.
- Hèn gì cả nhiệm kì qua làm việc gì cũng hỏng, chủ dự án bê tông hóa kênh mương nội đồng, nước chảy ngược mà vẫn nghiệm thu được, thế thì thánh thật!
- Tiếc cho anh Nhân trưởng phòng cũ. Tài năng, đức độ, gần dân thế mà lại được phán cho cái tội thiếu trách nhiệm, điều đi làm phó phòng Văn hóa – Thông tin.
- Nghệ thuật sắp đặt cả thôi, anh Mừng à. Không thế, lấy ghế đâu cho thằng cháu bí thư Châu ngồi. Bây giờ lại đề cử vào Hội đồng nhân dân, trúng cử leo lên chức phó Chủ tịch huyện chưa biết chừng.
Lâu nay Tễu nghĩ những người như Màu, anh Mừng và cả thằng Bờm nữa không mấy quan tâm đến chính trị, hóa ra không phải mà không buồn nói ra mà thôi. Những vị cán bộ đặt quyền lợi của gia đình, họ tộc trên quyền lợi cộng đồng, địa phương, bởi thế “đày tớ nhân dân’ bây giờ nhà cao cửa rộng, miếng ngon vật lạ, còn “ông chủ” như Bờm, như Tễu…quanh năm đầu tắt mặt tối may ra vợ con mới khỏi đói. Tỷ như đám ruộng gần trường cấp 2 của ông Mừng, Bờm và bảy hộ nông dân khác được huyện qui hoạch làm chợ. Đền bù, nâng mặt bằng xong lại nói là hẹp, không phù hợp, gần trường học nên chuyển đổi thành khu sinh hoạt văn hóa. Ngân sách huyện không đủ chi hoạt động lấy đâu mà xây dựng. Xin kinh phí trên không được duyệt, để thì mang tiếng là dự án treo nên phân lô ra bán đất thổ cư. Biết là đắc địa nhưng nông dân ai có tiền mà mua? Rốt cục lại vào tay mấy ông cán bộ. Nghe đâu khi bán họ có tổ chức đấu thầu nhưng hồ sơ dự thầu từ khi ra thông báo đến khi chốt lại chỉ có hai ngày. Mụ Tư Béo, chủ quán bún đối diện ủy ban, làm hồ sơ, chờ được con dấu mất ngày rưỡi. Lên huyện, vòng vèo hỏi mãi người ta mới chỉ cho nơi tiếp nhận hồ sơ. Cô văn thư lật đi lật lại xem kĩ nội dung, chữ kí, con dấu, tưởng xong việc, ai dè cô ta phán: “Bà còn thiếu giấy đăng kí kết hôn”. Mụ Tư Béo nhẹ nhàng: “Có ai nói với tui điều đó đâu, với lại trong hộ khẩu có tên ông nhà tôi đó thôi”. “Ai mà biết được ông bà còn sống chung hay đã li dị, thôi bà cầm về bổ sung, hồ sơ đầy đủ tôi mới nhận”. Biết không đấu thầu được, mụ Tư Béo chửi: “Cha tiên nhân chúng mày, cứ im lặng nuốt với nhau cho xong, bày vẽ công khai minh bạch, bạch cái đách thì có”. Tính ra một sào ruộng đền bù chưa đầy năm triệu bạc, nâng đất hêt cút 20 triệu, thế mà bán mỗi lô 100 mét vuông trăm rưỡi triệu. Vậy là chính quyền kiếm được một khoản thu kha khá, cán bộ có đất, có tiền. Lão Sung chủ tịch xã đấu thầu được hai lô, sang nhượng lại cho mụ Tư Béo một lô giá ba trăm tám chục triệu…
- Gì mà thần người ra thế, loa kêu họp rồi. Màu kéo tay Tễu.

- Xin bà con yên lặng, chúng ta tiếp tục! Ông Chủ tịch vừa nói vừa lấy kính ra đeo. Mắt kính nhỏ, mặt lại đầy thịt, bóng láng nên trông cứ như tròn hơn. Cứ sau mỗi câu ông ta lại phẩy tay một cái như đánh nhịp, đầu nghiêng về bên phải. Bà con quá quen với điệu bộ diễn thuyết giống con lật đật của ông nên chẳng ai cười.
- Vừa nãy chúng tôi xin ý kiến lãnh đạo, nói tóm lại thế này: tổ chức nào đề cử theo tổ chức ấy, đúng tiêu chí, độ tuổi, trình độ…Bà con ta không nhất trí đại biểu nào thì ý kiến, đề cử đại biểu phải đúng tầm, đúng yêu cầu…người được đề cử mới ở cấp nào phải đến mặt trận cấp đó làm hồ sơ lý lịch, viết đơn ứng cử…nếu đạt yêu cầu thì đưa vào hiệp thương chốt danh sách, rồi đưa ra hội nghị lấy ý kiến như hôm nay…Nhưng mà, tôi nói lại, ý kiến chúng ta chỉ mang tính tham khảo thôi, bởi vì hội nghị này là của riêng làng ta, không phải là ý kiến của cả xã, cả huyện.
Tiếng xì xầm lại nổi lên, người ta thấy đại biểu không xứng tầm tính đưa ra thay ứng cử viên khác, nhưng như ông Chủ tịch mặt trận nói đề cử mới lại chỉ để tham khảo? Người ta tán dương ý kiến Tễu “không ai không có khuyết điểm” để lấp liếm, bảo vệ con mẹ Diệu Ly, thằng cháu bí thư Châu, ông hiệu trưởng trường tiểu học - anh em thúc bá với phó chủ tịch huyện…Ý của Tễu rào trước đón sau để đề cử Hưng, sợ người ta bảo anh sử dụng đất sai mục đích để lấy cớ từ chối… Mà cũng thật lạ, vừa thu thuế đất sản xuất nông nghiệp lại thu cả thuế trang trại nữa, hỏi Hưng, cậu ta cười, nói vẫn biết xã thu thế là sai nhưng cũng không đáng là bao, cứ coi như đóng góp cho địa phương một chút cũng được. Cứ như cách nói của ông Chủ tịch thì mình có muốn cũng gian nan lắm. Mà sao người ta không phân bổ  số lượng đại biểu được đề cử xuống cho bà con đề cử, sau đó tổng hợp, chốt danh sách dự bầu? Có như vậy mới thật sự dân chủ, mới vì sự phát triển của xã hội…cách làm hiện tại là “ý Đảng lòng dân”, giá như đổi lại “lòng dân ý Đảng” thì hay biết mấy…
- Ông Chủ tịch cho tui hỏi bầu Hội đồng nhân dân là để làm gì? Tiếng thằng Bờm át tiếng bàn tán xì xầm.
Tay Bằng nện dùi cui xuống bàn, nhìn Bờm với ánh mắt lườm lườm:
- Đây là hội nghị, đừng giỡn mặt nghe!
Thằng Bờm vặc lại:
          - Thưa ông cán bộ Bằng, tui không hiểu thì tui hỏi, cũng giống như ông không hiểu bài toán hồi thi tốt nghiệp tiểu học thì vừa cóp pi vừa hỏi tui ấy mà.
Tay Bằng tái mặt, má giật giật. Màu nháy mắt với Tễu, cười: “Được lắm, ngang với Bờm ngày xưa, phải không anh?”. Ông Chủ tịch vội giải thích để giảm nhiệt căng thẳng:
          - Tôi xin nhắc lại cho bà con rõ: Hội đồng nhân dân là để giám sát hoạt động của chính quyền, quyết định những việc lớn theo cấp hội đồng…
Bờm đứng dậy, rành rọt từng tiếng:
          - Thưa bà con, thưa ông Chủ tịch! Xem lại danh sách đề cử Hội đồng nhân dân hai cấp, 12 vị đại biểu là 12 vị cán bộ cả. Vậy nên tui nghĩ rằng đây là hội đồng cán bộ chứ không phải là Hội đồng nhân dân!...
          Hội trường im lặng như không hề có người. Sự thật hiển nhiên phơi bày trước mắt vậy mà đi tranh cãi đâu đâu. Tễu tháo kính cho vào túi, đứng dậy:
          - Bờm nói đúng, tôi nghĩ hội nghị hôm nay lãng phí công sức bà con rồi. Thiết nghĩ, ông Chủ tịch nên báo cáo lại ý kiến của Bờm và có lẽ đó cũng là ý kiến của bà con lên cấp trên đi nhé!
          Mọi người đứng lên. Tễu bước ra cửa, quạt mo che đầu. Mới đầu hạ mà nắng lóa cả mắt.