Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

NGƯỜI VẸT

       
   Giả Bằng nuôi một con vẹt được gần chục năm, nói sành sỏi tiếng người, khôn như tinh, tính nết ngày càng giống ông chủ. Một hôm con vẹt nói:
          - Tôi muốn làm lãnh đạo! Tôi muốn làm lãnh đạo!
          Giả Bằng đem chuyện nói với Tham Phú. Tham Phú thầm nghĩ làm gì thuộc chuyên môn thì khó chứ làm lãnh đạo ai mà chả làm được. Cũng hay, Tham Phú cần đội quân dưới trướng nói theo những điều mình nói là tốt lắm rồi. Với lại, biến con vẹt thành người, xếp vào vị trí nào đó với Tham Phú nào có khó gì, thử nghiệm này mà thành công thì muôn vàn cái lợi…Hứng chí, Tham Phú nói với bạn:
          - Ông về mang con vẹt sang đây!
          Con vẹt đậu trên vai Giả Bằng, thấy Tham Phú, nó bay xuống, gật gù cái đầu:
          - Chào ngài Tham Phú! Chào ngài Tham Phú!
Tham Phú thổi một hơi, con vẹt hóa thành người đàn ông vóc dáng vừa phải, trắng trẻo, đeo kính, nhìn có dáng vẻ trí thức. Tham Phú bảo con vẹt soi gương xem bộ dạng mới, lão hỏi:
          - Ngươi hài lòng không?
Con vẹt láu táu:
          - Thích ạ! Thích ạ!
Giả Bằng nghĩ con vẹt biến thành người thì nó thuộc về Tham Phú, nghĩ cũng tiếc, lão hỏi:
          - Muốn nó trở lại thành con vẹt thì làm thế nào?
Như đọc được suy nghĩ của Giả Bằng, Tham Phú cười:
          - Muốn trở lại làm vẹt thì tùy thuộc vào nó thôi, tôi không có phép biến người thành vật.
Nghĩ con vẹt không bao giờ muốn trở lại làm vẹt, Tham Phú nói:
          - Muốn trở lại hình hài xưa nó chỉ cần nhắm mắt, hai tay ôm đầu, la lớn ba lần “ta không muốn làm người!” là OK!
Quay sang người vẹt, Tham Phú hỏi:
          - Sao ngươi muốn làm lãnh đạo?
          - Người ta nể sợ, thưa ngài! Oai lắm! Oai lắm!
          - Ngươi biết gì về lãnh đạo mà đòi làm?
          - Dễ ợt, thưa ngài! Chỉ cần đọc công văn, chỉ thị! Chỉ cần đọc công văn chỉ thị!
          - Người ta không hiểu ngươi giải thích làm sao?
          - Đọc lại công văn, chỉ thị thưa ngài! Hỏi nữa bảo văn thư phô tô cái công văn, bảo đem về mà nghiên cứu, nhắc thêm một câu: “xem cho kĩ vào, làm sai là chết với tôi!”.
Tham Phú cười khìn khịt, sảng khoái nhấm nháp li rượu Remy Martin Louis XIII, phỏng vấn tiếp:
          - Cấp trên đến kiểm tra đơn vị do ngươi làm lãnh đạo, ngươi xử lý như thế nào?
Thằng người vẹt cười cười:
          - Giao cho cấp phó chuẩn bị báo cáo, thưa ngài! Sau buổi kiểm tra mời cấp trên đi nhậu hải sản, đi nhậu hải sản!
Tham Phú ngạc nhiên về “trình độ” người vẹt, lão hỏi:
          - Ngươi học quản lý nhà nước ở đâu?
Người vẹt cúi đầu, nhỏ nhẹ:
          - Học ở cách lãnh đạo của ông Giả Bằng, thưa ngài! Học ở ông Giả Bằng!
Tham Phú nói với Giả Bằng:
          - Nó làm lãnh đạo được đấy nhưng biết xếp cho cái ghế nào là phù hợp đây?
Tham Phú cau mặt, vẻ trầm tư. Mà lão trầm tư thật. Mấy cái ghế bên mảng kinh tế, chính quyền đã nhận tiền người ta rồi, sắp xếp còn chưa xong…cái thằng người vẹt này xếp cho nó một ghế không được chút lợi gì bỏ túi nhưng lợi về đường xa, về mặt chính trị. Nó sẽ là cái loa của mình, trung thành tuyệt đối với mình….Ở đời phải cân bằng một tí, có đứa cung phụng, có đứa tung hô mới ngồi vững trên cái ghế tổng quản này. Chả như lão Án Đề, cúi mặt phàm ăn cuối cùng cũng phải nôn ra năm bảy phần. Hắn không phải ở tù vì mấy thằng xử án (và ngay cả mình nữa) cứ thon thót lỡ hắn cú lên khai ra “các đồng chí chưa bị lộ”….
          Vỗ đùi đánh đét một cái, Tham Phú ngửa mặt lên trời cười khìn khịt:
          - Ơ rê ca! Được rồi! Sẽ xếp cho nó một ghế lãnh đạo ngành giáo dục.
Giả Bằng tán dương:
          - Anh thật tuyệt! Đúng là nhìn xa trông rộng, cho nó làm giáo dục vừa hợp tính hay nói của nó vừa xây dựng nền tảng lâu dài…
Tham Phú hỏi người vẹt:
          - Thế nào, ngươi có thích không?
Thằng người vẹt vòng tay, cúi đầu cung kính:
          - Thích ạ, thưa ngài! Thiên hạ ai cũng gọi bằng thầy! Thiên hạ ai cũng gọi bằng thầy!
Giả Bằng quát:
          - Láo! Trước mặt ngài Tham Phú và tao mà mày dám mở miệng thế à?
          - Con xin lỗi! Con xin lỗi! Con xin lỗi!
Nó xin lỗi liến thoắng, giữ đúng tính nết loài vẹt.

          Trước khi đặt hắn vào một vị trí cao, Tham Phú ấn hắn làm hiệu trưởng trường phổ thông, mục đích của lão là để hắn quen dần với phong cách lãnh đạo.
          Ngày đầu tiên đến trường, hiệu trưởng Viết Điểu – cái tên Tham Phú đặt cho người vẹt, đọc thuộc hết các băng rôn, khẩu hiệu, nội quy của trường. Cho gọi thầy thư kí Hội đồng lên phòng hiệu trưởng, người vẹt hỏi:       
          - Thầy có nắm vững nhiệm vụ trọng tâm năm học cấp trên chỉ đạo không?
Thầy thư kí trình bày không biết cơ man nào là công văn, chỉ thị, Viết Điểu nghe cứ ong ong cả đầu. Lấy ngón tay chống kính, chằm chằm nhìn thầy thư kí, người vẹt rành rọt:
          - Thầy hãy nói ngắn gọn, càng ngắn càng tốt.
Thầy thư kí Hội đồng trán lấm tấm mồ hôi, nghĩ thầy hiệu trưởng chắc đang khảo hạch năng lực của mình đây…Suy nghĩ một lát, thầy nói:
          - Thưa thầy, về quan điểm, giáo dục là quốc sách hàng đầu; thứ hai, ngành ta phải đổi mới phương pháp dạy học; thứ ba là xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; thứ tư là mỗi cán bộ, thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo…
Viết Điểu nghĩ thì ra chúng được viết ra thành khẩu hiệu rồi đấy thôi, y gật gù cái đầu:
          - Thầy có năng lực! Thầy có năng lực!
Thầy thư kí hội đồng thở phào nhẹ nhõm, hiệu trưởng Viết Điểu nói:
          - Trước mỗi kì họp hội đồng thầy viết cho tôi một bảng tổng hợp rút kinh nghiệm cái chưa làm được và những việc phải làm trong thời gian tới!

          Một học kì trôi qua, mỗi người nghĩ về thầy hệu trưởng mỗi cách. Người nói thầy nghiêm, người nói thầy hay nói lắp, hay quên, người nói thầy lười, có hai tiết một tuần mà cũng giao người khác dạy…Được cái thầy không đi sâu vào việc chuyên môn. Cô giáo trẻ Linh Đa có vẻ quí thầy trên mức bình thường nói với bạn thân hễ có chuyện gì bực tức thầy vung hai tay ra giống như con gà trống xòe cánh chuẩn bị đá nhau. Cô bạn cười bảo đó là kiểu nhún vai theo phong cách Âu.  Ghét cái, mượn cớ  hỏi thầy về kinh nghiệm đổi mới dạy học thầy lại bảo “đọc kĩ công văn”! Nhiều thầy cô giáo có vẻ nể sợ thầy hơn khi cô văn thư xì ra thông tin thầy là con cháu gì đấy của các ngài Giả Bằng, Tham Phú. Cô ta còn nói làm hiệu trưởng cái trường này không xứng cái tầm thầy nên thầy hay lơ đễnh vậy thôi.
          Tính nết thầy hiệu trưởng ngày càng khó chịu. Giữa học kì II, khảo sát chất lượng học sinh theo bộ đề của Sở, chất lượng các môn không mấy khả quan, kém nhất là môn Tiếng Anh. Sở không phê bình nhưng thầy cứ ấm ức. Cái ấm ức là giáo viên, học sinh làm bẽ mặt thầy, cứ cái đà này thì phải còn lâu thầy mới được bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn. Viết Điểu chửi thầm: “bọn học trò này thật ngu dốt, năm sáu năm học một thứ tiếng mà trình độ nghe, nói chỉ như đứa trẻ lên ba”. Rồi lại nghĩ: “mấy thằng cha con mẹ dạy cái kiểu gì không biết, dạy ngoại ngữ là nghe được, hiểu được, nói được, đằng này khi nào cũng động từ bị động, quá khứ, hiện tại tiếp diễn…học sinh phổ thông là học những cái phổ biến, thông dụng. Nhồi nhét một mớ qui tắc ngữ pháp mà để làm gì? Cứ như ta đây, chẳng biết quái gì về ngữ pháp tiếng Việt, tự học một năm đã nói được bập bẹ tiếng người, hai năm nói và hiểu điều mình nói, ba năm đối thoại rành rọt, chục năm đủ tri thức làm lãnh đạo. Đã thế, lại ra rả kêu học sinh học vẹt! Học được phân nửa ta thì đã quí. Chao ôi, đúng là “làm đầy tớ thằng khôn hơn là làm thầy thằng dại!”…
          Đang định xuống văn phòng kí mấy cái chứng từ cho kế toán, Viết Điểu nghe tiếng Linh Đa đang thì thầm với mấy cô giáo cho dù khoảng cách phải gần năm chục mét:
          - Em nghĩ thầy hiệu trưởng hình như là BĐ.
Cô Duyên dạy Sinh bụm miệng cười:
          - Đã thử chưa mà biết!
          - Có lần em giả bộ quên cài nút cổ áo, đứng sát vào người thầy mà thầy dửng dưng như không, lại nghiêng má áp vào hai bên vai như chim quẹt mỏ mới tức chứ!
Cả bọn cười cười khơ khớ, cô Hải Anh dạy Văn nói:
          - Tại cô mạnh bạo quá nên người ta sợ thôi!
Cô Duyên phản bác:
          - Tớ còn thích Linh Đa huống gì đàn ông, đúng là BĐ rồi. Lựa chọn một trong các vệ tinh đi thôi em. Vô phúc vớ phải thằng hoạn quan.
          - Nói thật đi, cô thích gì ở cái “ngài” nói như công văn đó? Hải Anh hỏi.
          - Nếu là địa vị thì em đã nhận lời anh Tuấn phó giám đốc Sở Nội vụ con Bí thư tỉnh rồi. Lúc đầu em cảm thầy Viết Điểu nho nhã thư sinh lại nghiêm túc nữa. Lâu dần em phát hiện ra thầy thích được người ta tung hô, tham vọng chức quyền lớn. Có lẽ mục tiêu cả đời thầy là vậy đấy…
          Máu rần rật trong huyết quản Viết Điểu, cả như Linh Đa, tưởng như cô trong sáng, hồn nhiên mà nghĩ về mình như vậy thì kẻ khác sẽ như thế nào đây…Cô Hải Anh trầm giọng nhưng người vẹt nghe rõ mồn một:
          - Đừng kể chức tước lớn hay nhỏ, sống phải thực với chính mình, tự do làm những việc mình thích, mình cho là hợp lẽ, chứ đừng phụ thuộc, đừng tự biến mình thành con rối, cái loa của một ai đó…
          Viết Điểu chết lặng, thì ra bọn người này giả dối cả. Trước mặt hiệu trưởng ai cũng lễ phép, gặp riêng từng người ai cũng nói những lời có cánh…may nhờ đôi tai của loài chim mà mình nhận ra sự thật. Chao ôi! Lâu nay mình sống trong ảo tưởng, cả cái lão Giả Bằng, Tham Phú cũng đang sống trong ảo tưởng. Các lão ấy bày vẽ, đầu độc người ta sống trong ảo tưởng rồi chính những điều ảo tưởng ấy thấm sâu, thành máu thịt các lão…Cái xã hội này được thổi phồng như một cái bong bóng, một cái bong bóng không biết nổ tan lúc nào mà thôi.
          Viết Điểu vào phòng, mở toang hai cánh cửa sổ, trên bầu trời kia từng đàn chim bay lượn tự do, chúng kháo nhau đâu là mồi thật, đâu là mồi nhử, dặn dò nhau tiếng gọi bầy để tránh cạm bẫy bọn người chăng ra. Chúng tiếc thương cho những con chim non khờ dại không phân biệt được mồi, bị bọn người làm thịt, hay đau đớn hơn phải cầm tù trong lồng, có cánh mà không được bay, làm trò vui, vật cảnh…

          Không thấy thầy hiệu trưởng xuống ký chứng từ, cô kế toán lên tìm. Cửa phòng không đóng. Cô giật mình thấy bóng một con vẹt bay ra, còn trên sàn nhà là bộ đồ thầy hiệu trưởng mặc lúc ban sáng.
       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét