Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

BIỂN

Mênh mênh mang mang biển trời
Con sóng theo tàu ra khơi
Đứng trên boong tàu ta hát
Hải âu chấp chới theo lời.

Bầu trời đêm nay đầy sao
Êm êm sóng vỗ dạt dào
Biển đêm lung linh ánh điện
Vầng trăng đậu cánh buồm cao.

Ngày mai chợ đầy mực tôm
Làng quê thơm mùi cá nướng
Cuộc đời dân ta sung sướng
Một khi đất nước thanh bình.

Tàu anh chạy đón bình minh
Vinh quang được làm người lính
Luôn luôn vững vàng tay súng
Hiên ngang giữ biển giữ trời.

Đất nước mình bất khuất em ơi
Các anh nghe từ trong tiếng sóng
Mấy ngàn năm tiếng cha ông đồng vọng
Biển là quê hương máu thịt của mình!
     
                                                   6.2012

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Xa và gần

Vượt ngàn sông núi là xa
Nhưng so tới dãi ngân hà thấm chi!

Lòng buồn quặn thắt chia ly
Con đường dằng dặc càng đi càng buồn,
Chân trời góc bể chiều hôm
Vầng trăng hao khuyết vẫn luôn theo mình
Sao ơi gửi tấm chân tình
Làm răng dịu nỗi nhớ mình - thương ta?
Ngân hà gần đó mà xa
Vượt ngàn sông núi là xa - mà gần.

Trái tim nặng nghĩa nặng tình
Đường thiên lý dẫu gập ghềnh - không xa. 

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

THUẬN - NGHỊCH


  1, Sáng nay đi bộ tập thể dục, thầy Khuê hỏi cô Trí hè này trường cô đi du lịch ở đâu, cô Trí bảo ở Quảng Bình. Thầy Khuê nói: "Khéo vẽ, mùa này ra Quảng bình để chết cháy à, sao không lên Đà Lạt cho mát mẻ, không thuận chút nào cả."
     Tôi "phản biện" thay cô Trí: Lên Đà Lạt mát mẻ thì sướng thiệt. Từ nóng bức đến mát mẻ thì còn gì bằng, nhưng có ở được được lâu đâu, giỏi lắm thì một tuần phải về. Và như vậy từ chỗ mát đến chỗ nóng thì khổ rồi. Ngược lại, đến Quảng Bình chịu nóng hơn một tí nhưng khi trở về là được mát hơn, dễ chịu hơn. Như vậy, trường cô Trí tổ chức đi Quảng Bình là thuận chứ không nghịch. Hơn nữa, nếm chút gió lào cát bỏng, khâm phục hơn con người ở đó luôn vượt lên hoàn cảnh cũng là tấm gương cho mình rèn luyện, học tập.
     2. Bạn của bạn tôi là đại gia thứ thiệt. Tính tình anh phóng khoáng, dễ mến. Gặp anh mấy lần, anh có vẻ  quí tôi, cứ nhắn nhe tôi có dịp ra nhà anh chơi. Nể tình, tôi và bạn tôi cùng đến, mang theo vài ký ốc hương, tôm sú làm quà. Anh cảm ơn rối rít, nói các ông đến chơi là quý hóa quá rồi, quà cáp làm gì. Trong lúc chờ bữa cơm chị bếp nấu, anh khui chai rượu Tây anh em nhâm nhi nói chuyện cho vui. Chai rượu, nói theo cách tính nhà nông giá hơn ba tấn lúa. Đến bữa, chị bếp mời chúng tôi vào vào phòng ăn. Trên bàn ăn có tôm hùm hấp, cá tầm kho, canh chua cá đuối vây vàng, thịt heo rừng luộc, bông bí xào tỏi, cà pháo muối và . . .nhút mít (xơ mít chín hoặc trái mít non gọt vỏ thái nhỏ muối như muối dưa). Anh mời chúng tôi dùng bữa phải hết sức thiệt tình, còn anh thì nhấm nháp ly rượu nếp quê với bông bí xào tỏi, cà pháo và nhút mít. Anh kể về thuở hàn vi trông cho đến tết để được ăn thịt. Giờ, cao lương mỹ vị như người đời thường nói thì lại chán, không muốn đụng đũa. Đặc sản của anh là bông bí xào tỏi, cà pháo, nhút mít, canh bí đao nấu tép khô hay rau mồng tơi nấu riêu cua đồng. Anh nói thực đơn đặc sản của anh cũng là của các đại gia tầm cỡ khác, nên đừng ngạc nhiên khi các đại gia tiệc tùng với nhau chỉ là rau cà tương nhút!
     Vậy ra tôi cũng bằng đại gia về bữa cơm gia đình. Nhà tôi có hai dây bí, luống mồng tơi, hàng rau bồ ngót, giàn mướp hương ăn hoài không hết, đôi lúc bà xã còn mang ra chợ bán.
     3. Đánh giá một con người là một việc khó, cực kỳ khó. Thế nhưng không ít người cứ mặc sức đánh giá, bình phẩm người khác vô tội vạ. Lời nói của họ không căn cứ, chứng lý nào hết, cứ "nghe nói" hay chỉ bằng một hiện tượng - nói theo ngôn ngữ tin học là "mặc định" ngay đạo đức, phẩm hạnh người khác. Đã thế, nhiều người không hiểu lý do gì cứ hùa vào, thành căn bệnh lây lan khó chữa.
     Có em học sinh nghèo phải mò ngao, đánh lưới phụ gia đình kiếm sống. Một hôm đánh lưới xa, về trễ nên đi học muộn. Đến quán càfê gần trường thấy một số bạn trong lớp đánh bài ăn tiền em đến can ngăn. Đúng lúc ấy một giáo viên bộ môn của lớp đi ngang qua, vào trường báo gáo viên chủ nhiệm. Em và nhóm bạn trở thành "tầm ngắm" của các thầy cô giáo. Cuối năm cả nhóm bị xếp hạnh kiểm yếu. Em thanh minh với cô chủ nhiệm đã không được còn bị gán thêm tội "ngoan cố, lừa dối".
     Biết chuyện, rõ hoàn cảnh em một thầy giáo thể dục chất vấn giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng thì được trả lời: "Tất cả giáo viên bộ môn đều đồng ý như thế"! Cũng ngôi trường ấy, có thầy giáo giỏi về chuyên môn, có khiếu hài hước, tính tình phóng khoáng, quan hệ bạn bè rộng được "mặc định" là "lãng mạn, đào hoa, trai gái...". Riêng tôi, tôi khẳng định anh ấy chân chính hơn tất cả những người được coi là chân chính trong trường. Có lẽ, số ít như tôi thuộc phía "nghịch" chăng?
     4. Chưa giàu thì vươn lên làm giàu, giàu rồi muốn giàu thêm đó là thuận. Dùng thủ đoạn làm giàu,tham ô là nghịch. Anh Thừa - bạn vong niên của tôi là người quan tâm đến báo chí, thời sự. Có hôm anh hỏi tôi: "Theo thầy, chống tham nhũng phải bắt đầu ừ đâu?". Không riêng tôi, nhóm anh em đi bộ tập thể dục buổi sáng mỗi người góp một ý nhưng anh vẫn lắc đầu quầy quậy nói chưa hết, chưa hết...
     Cuối cùng, theo anh phải bắt đầu từ chống "dân tham". Dân là gốc rễ, nền tảng của đất nước, phải chống từ đó trước. Anh dẫn chứng nào là con đường vào xóm ngày một nhỏ đi do chủ ruộng cuốc lấn vào bờ, nào là dân Đắk Nông làm nhà trên tuyến nhà nước khảo sát làm đường điện cao thế để đòi  tiền đền bù mặc dù đất đó không phải là đất thổ cư...Anh lý lẽ quan tham cũng có phần do dân. Tất cả những ai vào bệnh viện đều không lót tay phong bì thì y đức bác sĩ, y tá giảm phần xuống cấp...cứ theo suy luận của anh thì dân ấy nếu ngồi vào các vị trí các quan tham thì còn tham hơn vạn lần.
     "Một người làm quan cả họ được nhờ". Quan niệm đó nó "thuận" với ngày xưa  và không thể nói là không đúng với ngày nay ở nước ta. Cứ cái lẽ đó chống được "dân tham" thì quan tham hết đường sống.
     Ý kiến anh đúng thật nhưng thực hiện được cũng khó gần bằng đường lên trời.