Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

BỨC THƯ THỦ TƯỚNG ĐÀI LOAN TÔN VẬN TUYÊN GỬI CON TRAI

Con trai yêu dấu!
Đời người phúc họa vô thường! Không một ai biết trước mình sẽ sống được bao lâu. Có một số việc tưởng nên sớm nói ra thì hay hơn.
Cha là cha của con, nếu cha không nói với con, có lẽ không ai nói rõ với con những điều này!
Những lời khuyên để con ghi nhớ này, là kết quả bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời, mà bản thân cha đã trải nghiệm. Nó sẽ giúp con tiết kiệm nhiều những nhầm lẫn hoang phí trên bước đường trưởng thành của con sau này.
Dưới đây là những điều con nên ghi nhớ trong cuộc đời:

     - Nếu có người đối xử không tốt với con, đừng bận tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời này, không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với con, ngoại trừ Cha và Mẹ của con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc con phải biết ơn và trân quý, con cũng nên thận trọng suy xét, vì người đời làm việc gì thường có mục đích và nguyên nhân. Con chớ vội vàng xem đối phương là chân bằng hữu .

      - Con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT với con. Con đối xử người ta thế nào, không có nghĩa là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thế ấy, nếu con không hiểu rõ được điểm này, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình mai sau.

      - Trên đời không phải không có người nào mà không thể thay thế được, không có vật gì mà nhất định mình phải sở hữu được. Con nên hiểu rõ ở điểm này. Nếu mai sau rủi người bạn đời không còn muốn cùng con chung sống, hoặc giả con vừa mất đi những gì trân quý nhất trong đời, thì con nên hiểu rằng: Đây cũng không phải là chuyện lớn lao gì cho lắm!

      - Trên đời này chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chỉ qua là một cảm xúc nhất thời. Cảm giác này tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà thay đổi. Nếu người yêu rời xa con, hãy nhẫn nại chờ đợi, để thời gian từ từ gột rửa, để tâm tư mình dần dần lắng đọng thì nỗi đau thương cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi . Không nên cứ ôm ấp hoài niệm mãi cái ảo ảnh yêu thương, cũng không nên quá bi lụy vì tình.

      - Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay con đã lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi! Cho nên càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì con sẽ được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng con cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

      - Cha không yêu cầu con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại. Ngược lại, Cha cũng không thể bảo bọc nửa quãng đời sau này của con, khi mà con đã trưởng thành và tự lập. Đây là lúc Cha đã làm tròn trách nhiệm của mình. Sau này con có đi xe buýt hay đi xe hơi riêng; ăn súp vi cá hay ăn mì gói, tự con lo liệu lấy.

      - Gia đình thân nhân chỉ là duyên phận một đời. Bất luận trong kiếp này chúng ta sống chung với nhau được bao lâu và như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian sum họp, gia đình đoàn tụ. Kiếp sau, dù ta có thương hay không, cũng không chắc sẽ còn gặp lại nhau.
      - Tuy có nhiều người thành công trên đường đời mà học hành chẳng đến đâu. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành mà vẫn thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng không thể thiếu sự hiểu biết. Nên nhớ kỹ điều này!
      - Hơn mười mấy, hai mươi mấy năm nay, Cha tuần nào cũng mua vé số, nhưng đến nay, ngay đến giải 3 vẫn chưa từng trúng. Điều này chứng tỏ rằng: Muốn phát đạt phải siêng năng làm ăn, nỗ lực phấn đấu chứ không phải chờ đợi điều may mắn đến với con. Trên thế gian này không có buổi ăn trưa nào miễn phí cả. Nếu may mắn có đến với con, đấy là điều tốt, còn nếu không thì cũng chẳng có vấn đề gì, bởi tất cả phải dựa vào chính bản thân con.

      - Con hãy BIẾT ƯỚC MƠ, nhưng để trở thành hiện thực thì ước mơ đừng xa rời thực tế, đừng hão huyền và ảo tưởng. Con phải LUÔN CÓ NIỀM TIN. Không chỉ là niềm tin vào chính bản thân mình mà con cũng cần có niềm tin vào mọi người, niềm tin vào cuộc sống. Nếu không có niềm tin, con sẽ chẳng thể làm được việc gì. Công việc, cuộc sống đôi lúc sẽ có những khó khăn, trở ngại đòi hỏi con phải LUÔN NỖ LỰC. Để có được những thành công thì không thể thiếu sự cố gắng và say mê, con ạ. Hãy nhớ rằng THÀNH CÔNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT ĐÍCH ĐẾN MÀ LÀ MỘT QUÁ TRÌNH. Vì thế, con hãy tiếp tục ước mơ, tiếp tục tin tưởng và không ngừng nỗ lực, con nhé.


Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

HÀNH THIỆN TÍCH ÂM ĐỨC - ĐẠI NHẪN TIÊU ĐẠI HỌA


Tô Thành người huyện Trâu Bình triều Thanh, trước nay luôn vui vẻ hành thiện giúp người, thường hay làm những việc tốt, tiện lợi cho người khác. Bên đường cách thôn trang Tô Thành ở khoảng 10 dặm, có một cây liễu rất to, cành lá xum xuê, mỗi khi có người đi qua con đường này, chắc chắn sẽ ngồi nghỉ ngơi hóng mát dưới gốc cây. Mùa hè năm đó, Tô Thành đi từ huyện về nhà, trời vô cùng nóng nực, bèn đi tới gốc cây liễu, nhanh chóng bỏ nón, cởi bớt áo, đứng ngược chiều hóng gió cho bớt nóng nực.
Lúc đó có một người mù cả hai mắt đi từ phía Đông tới, đi bộ rất nhanh, đến cả người mắt sáng cũng khó mà đuổi kịp. Sau khi người mù tới chỗ gốc cây, lẩm nhẩm nói rằng: “Hôm nay thời vận không tốt, cả nửa ngày trời mà chưa kiếm được một xu, giờ may mắn tìm được gốc cây này, được cây che chở mới có thể nghỉ ngơi một chút. Giờ mình sẽ bói cho cây này một quẻ, xem vận mệnh của cây liễu này thế nào?” Một lúc sau người mù thất kinh nói: “Quả thực là tang tóc! Cây liễu này sắp chết rồi, giống như bói quẻ cho người chết vậy.” Sau đó vừa than thở vừa lặng lẽ rời đi.
Ban đầu, Tô Thành cho rằng người mù này nói nhảm nhí, cũng không để tâm. Một lúc sau, lại có vài người lạ tới gốc cây, họ cầm rùi, cầm cưa, những vật dùng để đốn gỗ trong tay. Họ nói với Tô Thành: “Bây giờ phải đốn cái cây này đi rồi.”
Tô Thành vô cùng kinh ngạc, hỏi bọn họ: “Cây to này mọc bên đường, nếu chặt đi mất, những người lữ hành đi qua con đường này sẽ không còn nơi nghỉ ngơi tránh nắng vào mùa hè nữa.” Bọn họ nói: “Người chủ của cái cây này đã bán nó rồi, còn cách nào đây!” Tô Thành hỏi người đến đốn cây liễu rằng: “Tôi bằng lòng mua cây này với giá cao hơn giá cũ mà các anh mua vài nghìn đồng, đảm bảo cây liễu này sẽ không chặt, tiện ích cho người qua đường, có được không?” Họ nói: “Như vậy đương nhiên là được rồi,” và hẹn nhau ngày hôm sau sẽ lập điều khoản mua lại cây liễu.
Tô Thành thầm nghĩ, người mù khi nãy có thể biết trước được cây sắp bị đốn, lẽ nào đây là thần tiên? Nhưng nếu là thần tiên sao lại không thể bói ra được có người sẽ mua cây này? Bèn vội vã đuổi theo. Đợi khi gặp được người lúc nãy, Tô Thành nói: “Sao hồi nãy tiên sinh bói cái cây đó sắp chết, chẳng chuẩn chút nào? Người mù đáp: “Cậu nói đúng, ta bói được là nhất định sẽ có người mua cái cây đó, nhưng người tốt như vậy trên đời này quả thực rất hiếm rồi, nên lúc đó ta không dám quả quyết.”
Tô Thành nói: “Người mua cái cây đó chính là tôi.” Người mù nói: “Làm việc thiện có lợi cho người khác như vậy tiên sinh nhất định sẽ gặp nhiều chuyện may mắn, gặp hung hóa cát.” Tô Thành nói: “Ta đang định thỉnh giáo tiên sinh xem tương lai của ta thế nào, xin tiên sinh chỉ dạy cặn kẽ.” Người mù nói: “Những chuyện khác thôi không nói nữa, tiên sinh hôm nay sẽ có tai họa. Nhưng nhờ âm đức tiên sinh mua lại cây này, cũng có thể sẽ gặp cứu tinh, nhưng tiên sinh phải nhẫn việc mà thiên hạ không thể nhẫn, như vậy mới có thể trừ được họa này”.
Tô Thành nghe nói mình thân sắp có tai họa, liền vội vàng quay về nhà. Sau khi về đến nhà thấy vợ mình và một thanh niên trẻ nằm ôm nhau giữa thanh thiên bạch nhật. Tô Thành thấy vậy nổi cơn thịnh nộ, rút đao chuẩn bị chém chết hai người. Đột nhiên nhớ lại lời của người mù, cơn giận nguôi dần, lòng hận thù dần bay biến, lay vợ con dậy hỏi rằng: “Mau tỉnh dậy đi, là ai nằm ôm nàng giữa ban ngày vậy?”
Sau khi tỉnh dậy vợ Tô Thành nói: “Sao chàng lại tức giận? Thiếp cũng đâu biết người này là ai, chàng nghĩ ai có thể ngủ trên chiếc giường này thì là người đó.” Tô Thành nói: “Có thể ngủ trên chiếc giường này, ngoài nàng ra chỉ có ta và con gái của ta!” Vợ Tô Thành nói: “Thì đúng là vậy, sao chàng lại hỏi nhiều như vậy.” Tô Thành nhìn kỹ lại, quả nhiên là con gái của mình, bèn cười mà rằng: “Con gái nhà ta sao lại mặc y phục con trai thế này?” Vợ Tô Thành nói: “Hôm nay là sinh nhật của thiếp, vì nghĩ trong nhà không có con trai, bèn cùng con gái trêu đùa vì thiếp mà thay đổi y phục bái lạy chúc tụng.”
Tô Thành nói: “Hôm nay mẹ con nàng suýt mất mạng dưới tay ta, may được một vị tiên nhân mù chỉ giáo mới tránh được họa này.” Thế là Tô Thành kể lại cặn kẽ đầu đuôi sự tình cho vợ con nghe. Vì làm việc thiện như vậy mà trong năm đó Tô Thành sinh con trai, đến khi cháu nội chào đời ông mới tạ thế.

Tô Thành trong câu chuyện chỉ là một người dân bình thường giàu có tại vùng nông thôn thời nhà Thanh. Hơn nữa bình thường ông cũng làm một vài việc thiện có ích cho người khác, làm điều thiện, mang lại điều tiện lợi cho người khác, dường như cũng không được phúc báo ngay lúc đó. Đến khi đột nhiên cái cây bên đường bị chặt, khi ông muốn thêm vài nghìn đồng mua lại cái cây để người qua đường có nơi trú chân, ông đã làm việc thiện tổn hại đến lợi ích của bản thân. Cho nên khi nguy hiểm và tai họa sắp tới, nhờ hành thiện mà tích được âm Đức, được thần tiên điểm hóa. Cũng là dựa trên nền tảng tích đức hành thiện hàng ngày, mới có thể đột nhiên gặp chuyện thiên hạ không thể nhẫn mà tiêu tan cơn giận, hóa giải được tai họa gây cái chết oan khuất cho hai mẹ con và bản thân thì chết vì vương pháp. Có thể thấy hành thiện và đại nhẫn quan trọng như thế nào trong tiến trình sinh mệnh của con người. Hành thiện có thể tích âm đức, đồng thời nhờ có Đức mà con người được phúc báo; Đại nhẫn có thể giúp con người hóa giải được những ân oán, hận thù muôn hình muôn vẻ trên cõi nhân gian, khiến con người được giải thoát khỏi nút thắt trong cái vòng luẩn quẩn nhân quả, ân ân oán oán, thay đổi hoặc xoay chuyển vận mệnh con người thế gian một cách triệt để nhất.

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

TIỄN BẠN VỀ CÕI VĨNH HẰNG

      
     Hôm nay tiễn đưa Lê Văn Chừng về nơi an nghỉ cuối cùng, cảm giác trống trải quá. Không thể tin nổi! Rất mừng khi bạn từ bệnh viện Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh trở về, còn mệt nhưng nói chuyện và tự đi lại được...thế mà chưa đầy một tháng, bạn đã ra đi! Đại diện chính quyền, thầy cô, bạn bè, học trò tiễn đưa trong nỗi tiếc thương vô hạn. Nhiều người nhắc đến chữ "vô thường", âu cũng là cách tự an ủi nhau mà thôi. Nhớ thương Chừng, viết mấy dòng, gọi là nén tâm nhang vậy. 
       
            Khói hương nghi ngút
          Hồn phách phiêu bồng hướng cõi Tây Thiên;
          Bạn bè sau xe tang tiễn
                                         Xác thân về đất mẹ hiền!
          Tuôn chảy ngàn dòng nước mắt
                                                Trên bao gương mặt
          Và bao người
                         Đau thắt
                                 quặn lòng
                                       chảy ngược vào trong!...
          Lất phất chiều mưa
          Trời cũng nặng lòng,
          Không ngậm bồ hòn sao đắng
          Không ăn trái ớt sao cay
          Rượu không uống sao say
          Trời không nổi gió heo may
          Sao lạnh?!
          Kỷ niệm xưa
          Người tiễn đưa
          Ôn lại – sưởi ấm lòng nhau…
          Em ra đi
          Để lại phía sau
          Nỗi thương đau cho người ở lại,
          Em đi rồi, không! Em còn mãi
          Khi bạn bè đang sống, Chừng ơi!... 

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

...mình ta chữ tình!...


Chiều vương sương gió hanh hao
Sóng lên ghềnh đá bọt trào lăn tăn,
Thuyền ai gối  bãi nghiêng mình
Như đang nhung nhớ dáng hình bến xưa.

Lẻ loi giang sếu bay qua
Đo trời bao rộng sao ta chạnh lòng,
Cái  ngày gió bấc đầu đông
Chốn này đây - tím cõi lòng tái tê!

Nẻo xa đón bước em về
Hanh hao sương gió tóc thề lệch nghiêng,
Nếu còn một chút tình riêng
Xin em đừng ngoái bước đường đã qua.

Em về, trên chiếc xe hoa
Sau lưng  mộng ước cùng ta một thời...
Em về, em đã có đôi
Mình ta giữa biển giữa trời nhớ thương!

Em về, với nửa chữ duyên
Gánh thêm chữ phận lên thuyền người ta.
Chiều vương  sương gió nhạt nhòa
Mây buồn biển động mình ta chữ tình!...

Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

CHUYỆN NỌ XỌ CHUYỆN KIA (5)

         
 Toàn đứng dậy, kêu phục vụ tính tiền cafê, anh Tuấn nói: “Chú có việc về trước đi, để đấy, hôm nay rảnh, bọn anh ngồi thêm chút nữa”.
          Nhìn theo cái vẻ vội vội vủa Toàn, Đức râu thở dài:
- Nó nể anh em mình lắm nên mới đi, nhà nó trăm việc đều đến tay, vợ thì đoảng, bà già thì đồng bóng, khó chịu.
Anh Tuấn nói;
- Mình bảo đi làm với mình, công việc ổn định, anh em no đói có nhau, thế mà đùng một cái, bà già nó nói với mình: “Thằng Toàn đi làm với bác thì ai lo chuyện cúng quảy ở nhà?”
Hưng châm thêm bình trà, vẻ mặt hơi cau lại, giọng “ông cụ non”:
- Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Bà già nó đồng bóng thế mà nó không nặng nhẹ nửa lời. Có lần tôi chứng kiến chuyện vô lý bà già nó, mình là khách mà cũng thấy bực, nó lại vui vẻ chiều chuộng, xong việc, nó nói nhỏ với tôi: “Miễn sao bà vui là được, một lần già ba lần trẻ ấy mà!”
Tôi biết Toàn hồi mới về trường, trong một cuộc nhậu anh Tuấn “chủ xị”. Biết nhau, gặp thì chào hỏi, mời nhau điếu thuốc hay ly cafê  nhưng không thân mật lắm, hai ba lần nhà có việc, gọi điện mời nhậu nhưng Toàn kiếu vì bận việc nên sau đó tôi không mời nữa. Anh Tuấn bảo: “Nó bận thiệt, sắp xếp được nó đi liền. Được cái, bạn bè gặp khó khăn, bất trắc, nó biết là có mặt ngay”.
Nghe Hưng nói về Toàn như vậy, tôi có cảm giác nhồn nhột. Cho mãi tới hôm nay tôi vẫn chưa biết chính xác nhà Toàn. Coi nhau là bạn mà như thế thật tệ. Tôi đề xuất:
- Hay là hôm nay chúng ta đến nhà Toàn, có việc gì giúp được thì giúp, nếu bà cụ vui vẻ thì tổ chức nhậu ở đó luôn?
Mấy anh em nhất trí ngay. Tôi nói anh Tuấn và Hưng cứ đi trước, tôi và Đức râu tạt qua chợ mua mồi nhậu, ít bánh trái làm quà cho bà cụ, lần đầu đến thăm nhà cũng cần chu đáo một tí.
Nhà Toàn ở sâu trong xóm, cổng vào trồng hoa dâm bụt, vườn tược rộng, sạch sẽ. Đức râu vừa dừng xe thì đã thấy bà cụ ngồi bên cái bàn trà trước hàng ba, nói chuyện với anh Tuấn. Chúng tôi chào, bà cụ đon đả:
- Chào thầy giáo, chào anh Đức. Tui bảo thằng Toàn mãi mà hôm nay thầy giáo mới tới chơi.
Anh Tuấn đỡ lời:
- Thầy Thắng bận việc hơn tụi con, với lại có đến thăm bác phải vài ba đứa mới vui.
Bà cụ không nói gì, kéo ghế mời chúng tôi ngồi uống nước. Đức râu nói:
- Hôm nay bọn coi tới đây nhậu đấy, bắt đền bác không cho thằng Toàn đi chơi với tụi con, thôi con xuống bếp sửa soạn đây.
Bà cụ không trả lời, quay sang hỏi tôi:
- Theo thầy, nhậu như thế nào cho đúng ý nghĩa?
Chưa biết ý bà cụ ra sao, tôi vừa trả lời vừa chăm chú theo dõi nét mặt bà cụ:
- Thưa bác, theo con lâu lâu anh em gặp nhau nhậu một bữa, nói chuyện để quên đi những vất vả, lo toan trong cuộc sống. Nhậu có ý nghĩa thì bạn bè phải hợp nhau, bia rượu uống có chừng mực.
- Thầy nói đúng! Tui hỏi, thằng Toàn cộc lốc: “nhậu là để cho vui”. Chả bù cho ba nó. Hồi ổng còn sống, lâu lâu tui lại xúi ông nhậu. Để chi? Để nghe các ông đàm đạo văn thơ, đạo lý con người. Mấy ổng hay ngâm câu thơ: “Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua”. Mà mấy ông kỹ lắm, có văn hóa lắm. Ba thằng Toàn nói với tui: “Nhậu thứ nhất phải có bạn tâm đầu ý hợp, thứ hai phải có địa điểm phù hợp, cảnh đẹp, thứ ba mồi nhậu phải đúng mùa”. Cũng nhậu cả buổi mà có ai say đâu, cốt mượn chén rượu để nói chuyện cho hưng phấn, thế mà không bao giờ ồn ào.
Tôi giật mình, nghĩ bà cụ sâu sắc quá. Có lẽ bà cụ giữ nếp nhà nên thế hệ con cháu cho là đồng bóng chăng? Như đọc được suy nghĩ của tôi, bà cụ tiếp:
- Thầy giáo và bác Tuấn xem, bọn trẻ bây giờ xô bồ quá. Uống bao giờ cũng phải say, hò hét ảnh hưởng tới người khác rồi ra đường gây tai nạn giao thông. Nuôi đứa con cho đến tuổi trưởng thành không nói gì vật chất, lao tâm khổ tứ lắm mà chúng có biết quý cái thân đâu, nói chi đến báo hiếu. Nghiện ngập, cờ bạc, rượu chè, cá cược trộm cắp…đủ cả. Tui đọc báo, cứ lo lo là thanh niên như thế không biết rồi có giữ được nước không ấy chứ?…
Rót cho bà chén nước, tôi nhẹ nhàng đáp:
          - Bác ạ, thanh niên hư hỏng như bác nói chỉ là một số ít thôi. Trong xã hội ta có nhiều tấm gương tiêu biểu trong học tập, lao động, nghiên cứu sáng tạo lắm.
Bà cụ nhấp chén nước, cung cách vừa sang trọng, cung kính nhưng hết sức tự nhiên. Đặt cái chén nước xuống bàn, giọng băn khoăn:
          - Thầy và bác Tuấn nghĩ coi, báo chí toàn nêu những chuyện xấu, lâu lâu mới có một chuyện tốt, cho nên, đọc càng nhiều càng chán nản. Tui nghĩ đưa những chuyện để bà con cảnh giác thôi, chuyện xấu nên bớt lại. Bọn trẻ bây giờ làm nhiều chuyện sai quấy, nhắc nhở thì chúng khó chịu, đôi khi còn cãi lại. Tui có thằng cháu họ, học trường thầy đấy, trốn học, lười học, bảo nó học thế làm sao cho giỏi được, nó nói: “bà xem học giỏi để làm gì, các ông làm lớn có ai học giỏi đâu.” Thật hết biết, mà ngẫm ra thời buổi bây giờ cũng thế thật.
Anh Tuấn đỡ lời cho tôi:
          - Nhà trường nào chẳng dạy cái hay, cái tốt hả bác. Đạo đức học sinh kém xã hội đỗ lỗi cho nhà trường thiếu giáo dục. Bác nghĩ coi, bốn tiếng ở trường, hai mươi tiếng ở nhà, ở ngoài trường biết bao thói hư tật xấu dễ tiêm nhiễm.
Bà cụ cười, phô hàm răng đầu, đen bóng:
          - Nói bác và thầy đừng giận, tui nghĩ bác Tuấn nói thế chưa đúng đâu. Tôi thấy mấy đứa cháu ở nhà, đứa học cấp I thì ngày hai buổi ở trường, về nhà ăn vội, tắm vội, coi ti vi một chút rồi lăn ra ngủ. Mấy đứa học cấp II, cấp III thì sáng học ở trường, chiều học cua, rồi sinh hoạt múa hát đoàn đội, có ngày nào ở nhà đâu? Trừ thời gian ngủ, nghỉ ra thì đều học cả đấy chứ? Học thế mà không giỏi, không ngoan thì có lẽ do chương trình hay sách vở gì đó thôi phải không thầy? Tui xem ti vi thấy đại biểu phỏng vấn cái ông gì gì Luận đấy nói vậy.
          - Chịu bác thôi! Anh Tuấn cười xòa. Tôi chỉ biết nói theo “đường lối”:
          - Vậy mới phải cải cách giáo dục bác ạ. Cũng cần phải thay chương trình, sách giáo khoa cho phù hợp với xu thế thời đại.
          - Thay gì thì thay, cải gì thì cải, nhưng phải giữ được nề nếp. Đứa cháu học cấp I, đi học về chạy ùa vào sân, thấy tui chào vội chào vàng cho có lệ, đứa học cấp III thì chẳng mấy khi chào. Nhắc nhở thì mẹ nó cho là làm khó cháu. Lễ phép mà bắt buộc thì lễ phép làm chi? Tui nghĩ Việt Nam có văn hóa Việt Nam, thời tui có mấy người được đi học đâu mà lễ nghĩa, có trên có dưới, không ai không kính trọng thầy giáo, người lớn tuổi, trong làng ngoài xóm không mấy khi to tiếng, nặng lời với nhau. Làm chi cũng nghĩ phải trái, có ảnh hưởng tới gia tộc hay không. Học theo người Sin, người châu Âu, tui nghĩ học cái công nghiệp thôi, còn đạo đức cứ phải là theo nề nếp cha ông!...
          Toàn bưng dĩa trái cây sắp lên bàn thờ, tôi giật mình tưởng ngày rằm, bấm điện thoại xem thì đúng là 14 âm lịch. Bà cụ nói:
          - Nhà tui xưa nay thắp nhang ngày 14, ngày rằm. Ngày rằm, mùng một tuyệt đối cả nhà ăn chay theo nếp ông bà.
Rồi bà cụ hỏi Toàn:
          - Có hái mấy trái xoài ngoài vườn không đấy? Trái cây ở chợ bây giờ không tin tưởng được, toàn nhúng thuốc Tàu. Tháng trước nhà tui thắp nhang, mấy trái bom (táo Trung Quốc) để cả chục ngày không hư. Ba thằng Toàn nói với tui: “đồ cúng cốt phải sạch, tưởng nhớ ông bà cha mẹ cốt ở tấm lòng”. Vậy nên tui mới bắt thằng Toàn ở nhà  cúng quảy. Nói thiệt với thầy, bác Tuấn, chẳng qua là cái cớ thôi, bắt nó ở nhà là để kèm cặp, coi sóc mấy đứa cháu, chứ cứ chiều con như vợ nó thì kiểu chi mà không hư.
          Tôi thật không ngờ bà cụ quan tâm nhiều đến giáo dục như thế. Nói chuyện với cụ tôi ngộ ra được nhiều điều. Lâu nay cứ ra rả gia đình là tế bào xã hội, thế nhưng người ta quên mất vai trò giáo dục của gia đình, dòng họ. Đang nghĩ thế thì Toàn lên nhà:
          - Đây toàn anh em thân thiết cả, con tính đặt bàn nhậu sau vườn được không má?
          - Má  thấy vậy là không được, mấy anh em không nói làm gì, còn có thầy giáo lần đầu tiên đến nhà chơi.
          - Bác cứ xem con như anh Tuấn, như Toàn thôi, cho thân mật bác ạ. Mà bác cũng ra ngồi nói chuyện với anh em cháu cho vui chớ? Tôi nói.
          Bà cụ đứng dậy, đặt cái chén vào khay:
          - Thầy và bác Tuấn thông cảm, mấy anh em chơi với nhau cho vui! Không ngán tui nói chuyện lẩm cẩm, rảnh đến tui chơi. Lâu lâu có người nói chuyện thú lắm.
          Bà cụ vào nhà, châm đèn thắp nhang. Lục gì trong ngăn tủ một chút, bà cụ gọi:
          - Toàn ơi, có thấy vỉ thuốc đau bụng má mua đâu không để má thắp nhang, hôm qua má mơ thấy ba mày kêu đau bụng đấy!

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

ĐỌC LẠI BÀI THƠ TỎ LÒNG (THUẬT HOÀI) CỦA PHẠM NGŨ LÃO

        
  Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255, quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là huyện Ân Thi, Hưng Yên). Ông là danh tướng thời nhà Trần, văn võ song toàn. Võ công chói lọi được ghi lại đầy đủ trong sử sách, văn thơ chỉ còn lại hai bài nhưng vẫn mãi muôn đời tỏa sáng với hào khí “Đông A”. Sức sống mãnh liệt của những câu thơ ấy bắt nguồn từ hùng tâm tráng chí một con người canh cánh việc an nguy đất nước, thể hiện rất rõ trong Tỏ lòng (Thuật hoài).
          Tỏ lòng là nói cái chí. Chí là định hướng lựa chọn cho cả cuộc đời, nó biểu hiện ở sự kiên trì, nghị lực vượt qua gian khó, thử thách. Cái chí mượn thơ để thể hiện phải kết hợp với cái tâm mà xúc cảm. Không có cái tâm đẹp đẽ, cao, sâu, rộng thì dù có tài năng, văn chương chẳng đạt được cái gì đáng kể. Bài thơ Tỏ lòng thể hiện cái chí lớn trong thời đại hào hùng oanh liệt:
          Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu
          Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu,
          Nam nhi vị liễu công danh trái
          Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
          Dịch:
          Múa giáo non sông đã mấy thu
          Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu
          Công danh nam tử còn vương nợ
          Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
          Về thể loại, thơ thất ngôn tứ tuyệt khó làm (chữ thứ 2 và thứ 6 giống nhau về thanh, chữ thứ 4 phải khác thanh), càng khó hơn khi viết bằng luật trắc. Ở câu thứ nhất, người chiến binh cầm ngọn giáo trong tư thế sẵn sàng chiến đấu (hoành sóc) kết hợp với “giang sơn kháp kỷ thu” gợi cho người đọc chiều rộng không gian (giang sơn) và chiều dài thời gian (kháp kỷ thu). Cái nền dài rộng ấy là cơ sở vững chắc vươn tới tầm cao:
          Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
“Tam quân” khi hành binh, đội đi đầu là tiền quân, đội đi giữa là trung quân, đội đi sau - hậu quân; khi dàn trận chiến đấu là tả quân, trung quân, hữu quân. Nói về đội quân hùng mạnh, người xưa hay dùng ước lệ “tam quân tỳ hổ”. Trong Bạch Đằng giang phú, Trương Hán Siêu viết:
          Thuyền bè muôn đội
          Tinh kì phấp phới
          Tỳ hổ ba quân, giáo gươm sáng chói.
          “Tam quân tỳ hổ” đã mạnh, nhưng nó mạnh mẽ hơn, không gì ngăn cản nổi khi kết hợp với “khí thôn ngưu”.
          Khí là khí chất, sức mạnh tinh thần của con người. Sức mạnh tiềm ẩn, chứa chất trong lẽ phải, chính nghĩa. Đội quân của Phạm Ngũ Lão chỉ huy cũng như các đạo quân của các vương gia triều Trần, từ quân đến tướng, trăm ngàn người như một, quyết tâm bảo vệ giang sơn, tạo nên sự cộng hưởng, hừng hực khí thế bốc lên tận trời che mờ cả sao Ngưu. Phải chăng, từ hình ảnh ấy, sau này Đặng Trần Côn viết hai câu thơ về chiến trận tuyệt hay trong Chinh phụ ngâm:
          Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
          Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
          Tựu trung, hai câu: “Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu/ Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu”, Phạm Ngũ Lão lấy chuyện thời đại làm nội dung, lấy tầm cỡ núi sông, vũ trụ làm thước đo con người mình. Vì thế, người đọc không bất ngờ khi gặp nỗi “thẹn” của tác giả:
          Nam nhi vị liễu công danh trái
          Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
          Gia Cát lượng (Vũ Hầu) là quân sư của Lưu Bị thời Tam Quốc. Dấu ấn của ông tạc vào lịch sử là đã lập nên những chiến công vô tiền khoáng hậu bằng trí tuệ và cúc cung tận tụy, trung thành với nhà Thục.
          Thế nhưng, nhà sử học Ngô Sĩ Liên nghĩ khác, văn tài võ lược của Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão ngang tầm với danh sĩ ngày xưa: “Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương học vấn tỏ ra ở hịch, Phạm Điện súy thì học vấn thể hiện ở câu thơ, nào phải riêng về nghề võ, thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, hễ tấn công là chiếm, người xưa cũng không có ai có thể vượt qua nổi các ngài”.
          Ngô Sĩ Liên nhận xét trên sự thực lịch sử. Năm 1285, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên  Mông lần thứ hai, Phạm Ngũ Lão cùng Trần Quang Khải đánh thắng trận Chương Dương, Hàm Tử, diệt quân đồn trú Thăng Long. Sau đó Phạm Ngũ Lão được lệnh đem ba vạn quân phục kích ở Vạn Kiếp chặn đánh quân giặc rút chạy, diệt hai tướng giặc Lý Hằng, Lý Quán. Năm 1288, kháng chiến chống quân Nguyên  Mông lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương và hai vua Trần phục kích ở Sông Bạch Đằng tiêu diệt bốn vạn tên giặc, bắt sống tướng chỉ huy Ô Mã Nhi và các tướng Phàn Tiếp, Áo lỗ Xích. Các năm 1294, 1297 và 1301 Phạm Ngũ Lão cất quân trừng phạt quân Ai Lao xâm lấn bờ cõi. Năm 1312, 1318 đánh thắng quân Chiêm Thành lấn đất phương nam, buộc vua Chế Chí phải đầu hàng.
          Với những chiến công hiển hách, tài năng và đức độ, Phạm Ngũ Lão được phong chức Điện súy, tước Quan nội hầu. Năm 1320, ông mất, vua Trần Minh Tông nghỉ thiết triều năm ngày để tưởng nhớ công đức.
          Như vậy, Phạm Ngũ Lão lấy việc phục vụ đất nước làm cái nợ công danh phải trả, và đã trả rồi còn phải trả nhiều hơn, cao hơn chứ đừng kể lể công trạng. Kể lể công trạng đâu phải kẻ trượng phu, thế nên dám đặt mình ngang với Gia Cát Lượng, nhân vật kiệt xuất thời Tam Quốc, chưa bằng thì thấy “thẹn”. Cái thẹn ấy đáng trân trọng, kính phục lắm, vừa tự hào, vừa khí phách, đó cũng là biểu hiện cao đẹp của lý tưởng thanh niên thời đại vương triều Trần.

          Đọc lại bài thơ, hai câu đầu nói về khí thế hào hùng quân đội thời đại “Đông A”, hai câu sau lại là sự trăn trở phải làm sao bảo vệ, xây dựng đất nước thái bình thịnh vượng trong cảm thức nghĩa vụ công dân. Ý thơ trong Tỏ lòng rõ ràng mà chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau, cái tôi của Phạm Ngũ Lão hòa chung cái ta của thời đại, phản ánh tinh thần và khát vọng dân tộc nên sống mãi với thời gian.

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

NGÀY HẠNH PHÚC

       
     Sáng ngày 20/11. Vừa lấy hộp xi tính đánh lại đôi giày thì nghe Phương nói sau tiếng ngáp chưa đã giấc ngủ:
            - Anh rửa giùm em mấy cái chén rồi chiên cơm luôn thể!
Chiều qua, ông Phúc, ba vợ đi ăn đám giỗ, cậu tư có công việc nên Lục phải chở ông đi, thành ra dư cơm. Ông Phúc không phải ngành trưởng của tộc họ nhưng khi chưa về hưu là phó giám đốc “Công ty giống – vật nuôi, cây trồng”, thỉnh thoảng ngồi xe con về làng, bà con dòng tộc thêm phần hãnh diện nên đám giỗ, việc họ, ông cũng được coi như hàng trưởng lão.
            Ngồi cùng mâm với Lục là mấy đứa em họ Phương và vợ chồng Hiền, dạy cùng trường, bạn của Hải – con ông cậu ba. Hiền nháy mắt: “Không say không về chứ?”. Lục chưa kịp trả lời thì Phượng – vợ Hiền đã mát mẻ: “Anh Lục chở ba vợ, không uống được đâu!”. Cả bàn nâng lon, Lục nâng li Pép si, thỉnh thoảng gắp chút gỏi, bẻ miếng bánh tráng ăn nhỏ nhẻ như cô dâu mới về nhà chồng. Bia vào lời ra, chuyện trai gái, tiếu lâm đủ cả. Gắp cho Lục cái phao câu gà, Hiền tủm tỉm: “Bây giờ tôi kể chuyện này nhé: Cò và Thỏ chơi thân với nhau. Một hôm Cò rủ Thỏ sang bên kia sông ăn giỗ. Thỏ bảo Cò bay được chứ Thỏ không biết bơi. Cò bảo dùng mỏ kẹp cổ Thỏ bay sang cũng được. Bay đến giữa sông, bất chợt Cò thấy con ruồi bay ngang, theo thói quen Cò lao theo để mổ làm Thỏ rơi xuống sông. Lúc ấy Cò sự tỉnh, vội bay xuống dùng mỏ gắp Thỏ nhưng nghĩ tức cười quá nên gắp mãi mới được. Sang đến bờ bên kia, Thỏ vuốt bụng: tao uống no mà mày cứ gắp gắp…”
            Cả bàn cười nghiêng ngả, nâng lon mừng câu chuyện hay. Lục nâng li Pép si mà nặng như nâng cục gạch. Không biết Hiền vô tình hay chửi xéo bạn đây. Bụng thì bực tức nhưng Lục vẫn cười cười khen Hiền kể chuyện có duyên. Rồi bất chợt Lục vui thật khi tưởng tượng ra cảnh tối nay công an giao thông chặn xe đo nồng độ cồn…
            Chiên cơm xong, xách đôi giày ra, Phương lại bảo:
            - Anh ủi hộ em cái áo với!
Lục lại đi ủi áo, vừa treo lên mắc, Phương trông thấy, cằn nhằn:
            - Ủi cái áo kẻ ca rô cơ, cái ấy dễ đụng hàng lắm.
Lục nhìn đồng hồ, chỉ còn khoảng ba lăm phút nữa. Từ nhà đến trường cũng mất cả chục phút. Lục không muốn đến trễ. Thông báo tọa đàm bảy rưỡi nhưng có lẽ phải đến tám giờ. Thực tình có đến trễ một chút cũng không sao, ngày lễ ai bắt bẻ gì đâu nhưng Lục không muốn thế. Không muốn mội ai nhắc nhở trong bất cứ điều gì nên dần dần trong mắt ban giám hiệu Lục là giáo viên tốt. Rất nhiều tiết dạy, còn năm bảy phút mới hết nhưng lớp không bao giờ ồn. Có gì khó đâu, mới giảng thơ thì chỉ định học sinh đọc rồi gọi đứa khác nhận xét. Các phân môn khác thì giở bài tiếp theo đọc, gọi là tìm hiểu trước. Kiểm tra chất lượng đầu năm, chấm chéo, lớp Lục dạy chỉ năm mươi sáu phần trăm trên trung bình. Bài các lớp khác Lục chấm đều trên dưới tám mươi phần trăm cả. Cô Thủy, về trường sau Lục một năm nói: “Thầy phóng tay quá!”. Lục cười: “Phải có chút điểm khuyến khích chứ, căng, tụi nó bỏ học thì khổ mình không?”. Cuối năm học, nhiều người trong tổ không đạt chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, còn Lục bao giờ cũng vượt năm bảy phần trăm. Thành ra chưa năm nào Lục không có danh hiệu thi đua. Không biết ai đã tổng kết danh hiệu thi đua của trường bằng câu vè: “Nhất Tri nhì Phục tam Lục tứ Hiền”. Tri là hiệu trưởng, Phục là phó. Hiền là giáo viên Lý năm nào cũng có bốn, năm học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm rồi, có học sinh giỏi cấp quốc gia nhưng vẫn không đạt lao động tiên tiến vì lớp chủ nhiệm hai học sinh bỏ học. Hơn chục năm đi dạy, Lục rút ra một điều muốn mọi việc êm xuôi thì đừng có bao giờ làm trái ý lãnh đạo, còn đối với đồng nghiệp cốt dĩ hòa vi quý. Nhiều khi họp tổ chuyên môn góp ý tiết thao giảng, thế mà nhiều thầy cô phang nhau như bổ củi. Hỏi ý kiến thì Lục nói nhất trí như ý kiến các thầy cô đã nêu! Có lần, bực quá, thầy Tuấn nói: “Ông nhất trí là nhất trí thế nào? Đứng về quan điểm cô Lam hay tôi?”. Lúc ấy, như có ai móc miệng, Lục trả lời: “Em nhất trí với những ưu điểm mà thầy và cô Lam đã nêu, còn về khuyết điểm thì việc trình bày bảng chưa khoa học lắm”. Chung chung, vô thưởng vô phạt, chả mất lòng ai, thế nên việc bầu bán thi đua Lục luôn có tỷ lệ phiếu cao nhất. Nhìn vào thành tích, cống hiến trong năm bình bình tốp giữa nhưng nếu tính cả một quá trình không ai bằng Lục. Vậy nên khi quy hoạch cán bộ, có cân nhắc, đánh giá gì gì đi chăng nữa, lãnh đạo cũng không ai gạch tên. Về mặt chuyên môn, Lục cũng đã từng là giáo viên đạt tiết dạy giỏi Hội giảng cấp tỉnh.
            Nhớ lại năm ấy,  góp ý xây dựng tiết dạy  của trường dự thi cấp tỉnh, thầy Tuấn kĩ càng quá, cô Lam tự ái nên tổ nhất trí đẩy sang cho Lục. Ở vào cái thế chẳng đặng đừng, về nhà than thở, Phương cười cười: “chuyện ấy khó gì, để em lo”.
            Chủ nhật, vợ chồng Lục chở nhau vào thành phố thăm cô giáo cũ của Phương, nhân đó Lục kể lại chuyện cãi nhau giữa thầy Tuấn và cô Lam về tiết hội giảng sắp tới trường tham gia. Cô Vân nhẹ nhàng nêu mục tiêu cần đạt là gì; cách khai thác văn bản, rồi hệ thống câu hỏi nên như thế nào. Cô không bàn đến chuyện ai đúng ai sai, thế mà mở ra cho Lục một khoảng trời tươi mới.
            Khi cầm cái giấy khen và hai trăm ngàn đồng tiền thưởng về, Phương nói:
            - Tiền thưởng chưa bằng một phần năm đầu tư đâu. Nhưng người ta nói “mua danh ba vạn”, vậy cũng không lỗ. Thôi, anh cầm khoản tiền thưởng, khéo khéo mời mấy người uống cafê, không lại bảo em khoản gì cũng bòn rút.
Thế nhưng Lục có phải trả tiền đâu, cô Lam cười cười: “Cậu khá lắm, bài giảng có hướng khai thác giống mình”. Thầy Tuấn nói kháy: “Đúng rồi, nếu tiết dạy thất bại thì hướng đi giống tôi là cái chắc”. Rồi như không chịu lép với cô Lam, thầy Tuấn mời cả tổ hết tiết năm buổi chiều đi nhậu.
            Cô Lam vắng mặt, nhưng lại có thêm Hiền, “khách mời VTV3”. Mới uống xong lon bia thứ nhất, Hiền đã gọi thêm thùng nữa “ngâm cho nó lạnh”, với lại, mừng thành công của bạn phải “không say không về”. Rốt cuộc, Hiền là người say trước, thầy Tuấn phán: “Yếu mà ra gió, không biết mình biết người gì cả”.
            Lục đến trường vừa lúc tiếng loa ông hiệu trưởng mời thầy cô giáo vào hội trường. Cô Thủy cười nói: “Lần đầu tiên em thấy thầy Lục gần trễ!”. Phượng đế thêm: “sai số của anh Lục tiệm cận cực đại rồi đấy cô ạ”. Đi được mấy bước, Lục nói: “Hai cô mặc áo đẹp chưa ai khen nên chọc tôi chứ gì!”.
            Chẳng khác những năm trước, hết tiết mục văn nghệ chào mừng của học sinh là đọc thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Chủ tịch UBND tỉnh. Không biết vì ý tứ hay cách ngắt nhịp của thầy Chủ tịch Công đoàn trường, mà nếu chịu khó lắng nghe, rất nhiều câu tối nghĩa. Mấy thầy cô giáo cắn hạt dưa, rì rầm nói chuyện, trả lời tin nhắn; khi Ban Giám hiệu, đại biểu vỗ tay mới giật mình vỗ tay theo. Liền đó, Phó hiệu trưởng Phục giới thiệu: “đồng chí Phó Chủ tịch thị xã phát biểu chỉ đạo”. Ông Trầm Dư đứng tại chỗ, xua tay, không cầm micrô:
            - Kính thưa các cô giáo, thầy giáo, nhân viên nhà trường cùng quí vị đại biểu! Hôm nay là ngày xã hội vinh danh nghề giáo, vậy nên, thay mặt lãnh đạo ủy ban, tôi đến đây để nghe những tâm sự, băn khoăn, khúc mắc chứ tuyệt nhiên không phát biểu chỉ đạo gì cả. Biết được tâm tư, nguyện vọng của thầy cô giáo, cán bộ công chức nhà trường giúp lãnh đạo địa phương có định hướng sắp tới về giáo dục tốt hơn. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo địa phương, nhân danh cá nhân chúc thầy cô giáo, cán bộ nhân viên trường ta dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành công trong sự nghiệp trồng người! Xin cảm ơn!
            Tiếng vỗ tay rền vang. Tiếng vỗ tay thật. Người ta nói ông Trầm Dư làm việc bao giờ cũng cụ thể, chi tiết, kế hoach gắn liền với giải pháp, không có khó khăn nào không tháo gỡ được nhưng phải cái tội hay uống nên tính trong hàng tỉnh, ông là người đứng đầu thâm niên cấp phó!
Phát biểu của ông Trầm Dư chẳng khác nào sổ toẹt cái chương trình mà Ban lãnh đạo mở rộng bàn bạc, tranh cãi mất cả buổi họp. Vân vê tờ chương trình đã thành miếng giấy lộn trong tay, Phục chưa biết làm sao thì Hiệu trưởng Tri lên tiếng:
- Ban lãnh đạo chúng tôi chân thành cảm ơn ý kiến của đồng chí Phó Chủ tịch thị xã. Tiếp theo chương trình, tôi xin giới thiệu một thầy giáo mẫu mực nói lên tâm sự - ngưng một chút, đảo cặp mắt sau mặt kính cận khá dày, ông nói tiếp: - thầy La Văn Lục!
Lục mới đứng lên đã nghe tiếng xì xào phía sau: “thầy giáo mẫu mực đấy”, “ông Tri thật khéo chọn người lăng xê”, “sắp tới chắc chắn là điển hình tiêu biểu của Cuộc vận động học tập và làm theo…”. Thây kệ, trâu buộc ghét trâu ăn, nhìn đi nhìn lại cũng dăm bảy người thôi. Mà ai? Toàn là những kẻ vay nợ ngân hàng khó đòi, thu học phí chậm trễ đóng cho nhà trường, ngày công không đảm bảo, dạy cua dạy kèm không giấy phép…Nghĩ thế, Lục nói:
- Kính thưa đồng chí Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thị xã, quí đại biểu, quí thầy cô trong Ban Giám hiệu cùng tất cả thầy cô giáo về dự tọa đàm hôm nay! Được sự cho phép của thầy Hiệu trưởng, tôi có vài suy nghĩ về nghề giáo thế này: trước tiên phải là tấm gương cho học sinh noi theo. Đi dạy không trễ giờ, không bỏ tiết là làm gương về nề nếp. Vay nợ ngân hàng phải trả đúng hạn là làm gương về lối sống, về giữ chữ tín. Thu nộp học phí đúng thời hạn của nhà trường là làm gương về chính trực, không chiếm dụng vốn, lợi dụng của công. Tham gia buôn bán, hành nghề phải có giấy phép, đóng thuế đầy đủ là tấm gương tuân thủ pháp luật…bản thân tôi cũng có gia đình, con nhỏ, cũng có khó khăn như những thầy cô khác, nhưng tôi nghĩ phải cố gắng, luôn luôn phấn đấu mới trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo được. Hôm nay, nhân ngày 20/11, tôi kính chúc đồng chí Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thị xã, quí vị đại biểu dồi dào sức khỏe, thành đạt trong cuộc sống, chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp! Xin cảm ơn!
Vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt ở phía đối diện bàn chủ tọa. Rồi tiếng vỗ tay ấy thưa dần, im bặt trong khi Ban Giám hiệu vỗ như chưa bao giờ được vỗ. Tiếng vỗ tay dứt, hội trường im lặng lạ thường. nhìn vẻ mặt trầm ngâm của những thầy cô giáo lớn tuổi, mấy cô giáo trẻ không còn cắn hạt dưa, thì thầm trêu chọc nhau như trước. Một không gian nặng nề, bức bối, chốc chốc lại vang lên tiếng chuông tin nhắn điện thoại. Phó hiệu trưởng Phục đứng lên, ra vẻ hớn hở, nhiệt tình:
- Mời quí đại biểu, thầy cô ăn bánh uống nước rồi chúng ta tiếp tục trao đổi. Ý kiến của thầy Lục đúng là tâm huyết với nghề giáo…Nào, mời các thầy cô, tọa đàm phải sôi nổi lên chứ!
Phục vừa yên vị, cô Thắm, giáo viên sắp về hưu, đứng lên. Cả chục năm nay, chưa bao giờ Lục nghe cô phát biểu trước cuộc họp hội đồng. Cô dạy toán, giọng nói rất ấm áp, ai cũng bảo chất giọng ấy là giáo viên văn thì truyền cảm biết nhường nào. 
- Thưa quí vị đại biểu và toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong buổi tọa đàm hôm nay! Tôi nghĩ áp lực đè lên đôi vai nhà giáo chúng ta lớn lắm. Lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp chưa hiểu hết giáo viên, nhân viên thì nói chi đến xã hội. Ở nhà trường ta, có những thầy cô giáo nhìn từ góc độ chính quyền thì có khuyết điểm, nhưng sâu sát hơn, nhìn từ phẩm giá, lương tâm họ là những người đáng kính. Ví như thầy Cường cuối năm mới quyết toán hết học phí của lớp nhưng tôi biết qua phụ huynh, chí ít thầy nộp giùm học phí cho tất cả các em học sinh thuộc hộ cận nghèo trong lớp, thường xuyên gửi tiền hỗ trợ em Nam học sinh cũ, mồ côi mẹ đang theo học trường Cao đẳng kỹ thuật. Rồi cô Thu, chồng công việc không ổn định, lại phải vay tiền để điều trị cho cha chồng bệnh nặng hai năm nay nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy. Có lần nhìn mâm cơm gia đình cô tôi không cầm được nước mắt. Lúc ấy, cô cười bảo tôi: “Rồi cũng qua cái đận ngặt nghèo thôi chị ạ, chỉ mong sao cho ba em chóng khỏi”. Vậy mà cả năm trời chỉ nghỉ có hai buổi dạy, thì rõ ràng đó là sự cố gắng rất lớn. Còn nhiều thầy cô nữa, hoàn cảnh lắm, không thật quan tâm không biết được đâu. Tôi nghĩ do lòng tự trọng mà thầy cô giáo, công nhân viên giấu kín mà thôi…Nói đến đấy cô Thắm nghẹn ngào:
- Tôi thật… tự hào vì có những đồng nghiệp như vậy, tôi xin hết…
Tiếng vỗ tay rền vang. Liếc nhìn, Lục thấy cô Thu rơm rớm nước mắt. Đầu năm học, Phương đi làm về, vẻ bực bội, đưa cho Lục tờ giấy báo nợ quá hạn: “ Anh đưa cô Thu giùm em, nói trả gấp. Giáo viên còn vậy nói chi dân ngoài, ăn tiêu cho lắm vào. Mà cả anh nữa, chi tiêu phải biết dè chừng, tiền đất, tiền nhà còn nợ ông bà ngoại đấy!”. Lục có gì gọi là chi tiêu đâu mà dè chừng. Lương trả vào thẻ Phương quản hết. Lâu lâu có ít tiền tham gia công tác ngoại khóa, đố vui để học, các thầy gom lại để nhậu còn Lục né, dành dụm để hớt tóc hay đổ xăng về thăm nhà mà thôi. Cũng vì sau cái đợt hội giảng năm ấy, về nhà đám giỗ, Lục móc túi đưa cho má hai trăm ngàn. Phương trông thấy mặt xị xuống. Trên đường về, Phương nói: “Tiền đóng giỗ đưa cô tư không thiếu đồng nào. Lần này đưa thêm hai trăm, lần sau lấy gì mà đưa, bao thứ chi tiêu mà lương anh được mấy đồng?”. Lúc ấy Lục nín lặng, đột nhiên nhớ lại câu nói của ba: “Ba thật thất vọng. Con có nghề nghiệp, lương tháng ổn định, cũng được trai thế mà đi cưới người lấy đồng tiền làm thước đo giá trị, rồi không ngóc đầu lên được đâu con ạ!”. Như cảm nhận được sự bực bội của Lục, Phương hạ giọng: “Em có quản việc chi tiêu thì anh cũng nên hiểu là lo cho ai, anh Linh – bạn anh, nhờ dạy thêm mà đã có nhà lầu xe hơi rồi đấy. Bây giờ nhà cửa rộng rãi rồi anh cũng phải tính đi chứ. Muốn tiêu pha rộng rãi thì cứ phải làm ra tiền đã!”. Nghe Phương nói thế, Lục chỉ còn biết nén tiếng thở dài. Cái giấy khen tiết dạy giỏi và các danh hiệu Lục nhận không đủ sức hút học sinh.
Lục giật mình khi cùi chỏ Hiền thúc nhẹ vào hông, thì thầm:
- Ông thấy xinh không?
Ngẩng đầu lên, Lục thấy hai cô gái ngành bưu điện, áo dài màu mận chín trông rất giống tiếp viên hàng không. Một cô cầm lẵng hoa, một cô cầm lẵng bưu thiếp cúi đầu chào rất lễ phép mà vẫn giữ được nét duyên dáng, cô cầm lẵng hoa nói:
            - Kính thưa thầy cô giáo cùng quí vị đại biểu! Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng em thay mặt cơ quan xin kính tặng nhà trường ta lẵng hoa chúc mừng và mang đến những cánh thiếp tri ân của học trò từ muôn phương gửi thầy cô giáo cũ. Chúng em xin chúc cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường và quí vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc với sự nghiệp trồng người!
            Rộn tiếng vỗ tay, một tình huống không có trong chương trình tọa đàm nhưng chất chứa cảm xúc. Hội trường chộn rộn hẳn lên vì những tấm thiếp. Ông Bảy bảo vệ cầm mấy tấm thiếp mắt rưng rưng: “Năm nay tui nhận được nhiều hơn năm trước, trời đất, có cả thiếp của thằng Hưng 12A7 nữa!”. Thầy Tuấn lật lật xếp thiếp của mình, rồi cười cười, cầm một tấm  đến bên cô Lam: “ Này, bà là thần tượng của nó mà sao nó lại gửi thiệp cho tôi nhỉ?”. Liếc qua tấm bưu thiếp, cô Lam lấy từ túi xách ra một cái: “Thế còn đây có phải là đệ tử ruột của ông không?”…
            Buổi tọa đàm từ tâm sự cảm thông, chia sẻ khó khăn của thầy cô giáo chuyển sang đề tài tự hào về những học sinh tiêu biểu của trường hết sức tự nhiên. Học sinh các khóa cũ Lục chủ nhiệm cũng có học sinh giỏi, học sinh thành đạt nhưng không có đệ tử ruột. Chúng nó có chọn khối có môn Lục dạy đâu. Cái thằng Hưng 12A7, nhiều thầy cô khen học giỏi, có tư chất nhưng thường trốn tiết của Lục. Phản ánh với giáo viên chủ nhiệm, bắt làm bản kiểm điểm, nó viết: “lỗi là ở người dạy chứ không phải ở em. Em trốn học vì quá chán, em nghĩ tự đọc sách cũng làm bài được”. Phó hiệu trưởng Phục gọi lên đe xét kỷ luật, nó nói: “Thầy dạy em trung thực thì em đã trung thực khi viết bản kiểm điểm, em chỉ xin thầy đuổi học em sau khi  hộp thư truyền hình trả lời”. Sợ rầy rà, ông Tri gọi nó lên phân giải mấy câu rồi chuyển nó vào lớp cô Thủy. Ông nói với Lục: “Nó sai đấy, nhưng để nó bêu chuyện không đâu lên truyền hình thì cũng rách việc lắm, thầy nhịn giùm tôi nhé”. Bây giờ nhớ lại, bỗng dưng Lục cảm thấy bực tức hơn hồi ấy.
            Vừa bóc cái bì bưu thiếp không đề tên người gửi thì có tin nhắn. Tin nhắn của Phương nói về chở con đi thăm cô mẫu giáo. Lặng lẽ ra khỏi hội trường, giở ra, không phải bưu thiếp học trò mà là của Nguyệt, cô hàng xóm đẹp người ngoan nết má Lục cố ý vun vào khi xưa. “Ngày 20/11, chúc mừng ngày hạnh phúc của anh!”. Lục bước xuống cầu thang, lần đầu tiên lén bỏ ngang buổi sinh hoạt. “Hạnh phúc với gia đình hay nghề nghiệp đây em?” Lục thầm hỏi rồi từng bước, từng bước chầm chậm bước xuống những bậc thang như đang dài ra mãi…     

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

TÔI VIẾT "HẠT GẠO LÀNG TA"

            Tôi viết “Hạt gạo làng ta” vào năm 1969. Khi đó, tôi 11 tuổi, đang học lớp 5 trường làng. Bài thơ ra đời đã lâu, lại viết trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Bây giờ đọc lại nó trong hòa bình, ở một thời điểm khác, một bầu không khí khác, liệu có còn đủ sức rung động trái tim độc giả hôm nay không? Đó là việc tôi xin nhường các nhà phê bình, các thầy cô giáo, các em học sinh phán quyết. Còn tôi, tôi chỉ xin nói những điều xung quanh hạt gạo mà thôi.
            Tôi là cậu bé sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Nhà tôi mấy đời làm ruộng. Nghề nông là nghề vất vả cực nhọc, đầy baasrt trắc, rủi ro. Ca dao nói:
            Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề                                                  
            Trông trời, trông đất, trông mây
            Trômg mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
            Thiên nhiên đầy bí ẩn với những tai họa khôn lường trước được. Nghề nông là nghề phụ thuộc vào thời tiết. Mà thời tiết ở nước ta lại khắc nghiệt, tráo trở. Mưa nắng đều dữ tợn, áo mẹ mưa bạc màu – đầu mẹ nắng cháy tóc. Rồi cái rét tê tái, cái rét cắt thịt tháng ba.  Mưa tháng ba khủng khiếp, bởi nó là mưa phùn đi với cái rét. Rét tháng ba bà già chết cóng. Rồi bão giật tháng bảy. Sau trận bão, cả cánh đồng chỉ còn bã trấu. Cũng có khi lúa đã chín vàng đồng tưởng bội thu rồi, qua một đêm mưa, cả vựa lúa đã chìm dưới nước trắng. Sau hai ngày không cứu kịp (mà cứu làm sao được!). Thóc nảy mầm rồi thối ủng trong nước. Tôi đã thấy nhiều bác nông dân, trong đó có cả bố mẹ tôi khóc vật vã trên cánh đồng mồ hôi nước mắt của mình. Bát cơm đã đưa lên miệng, ông trời lại hắt đi!
            Làm ra hạt gạo trong những ngày bình thường đã vất vả, trong chiến tranh còn cực khổ gáp bội. Trai tráng và đàn ông trong làng, những người có sức lực đương đầu với thiên nhiên, thời tiết, đều theo cây súng ra trận cả. Công việc nặng nề của nhà nông dồn hết xuống vai phụ nữ và trẻ con. Lúc đó hậu phương cũng là tiền tuyến. Công sự, đào giao thông hào cho người gặt lúa. Nơi ấy thực sự là mặt trận nóng bỏng, khốc liệt. Và trong chiến trường ấy, trẻ con cũng phải xung trận. Trong bài, còn có một đoạn không in trong sách giáo khoa, nhưng tôi cũng xin chép ra đây để các thầy cô giáo và các em tham khảo, ấy là đoạn ghi công lao của trẻ con những năm chiến tranh trong việc làm ra hạt gạo:
            Hạt gạo làng ta
            Có công các bạn
            Sớm nào chống hạn
            Vục mẻ miệng gầu
            Trưa nào bắt sâu
            Lúa cao rát mặt
            Chiều nào gánh phân
            Quang trành quết đất…
            Lúa cao rát mặt và quang trành quết đất là những chi tiết cụ thể, sát thực tả trẻ con. Những em bé này còn bé lắm, không cao hơn cây lúa, nên bắt sâu, lá lúa mới táp rát mặt. Vậy mà các em bé ấy đã phải gánh những công việc rất nặng nhọc của người lớn, chống hạn đến vục mẻ miệng gầu, còn gánh thì quang tràng quết đất. Quang trành là tên của một loại quang làm bằng bốn rảnh dây thừng, dưới buộc cái sảo tre. Đây là loại quang dành riêng cho gánh phân. Gánh lúa người ta dùng quang tre, gánh rạ, gánh rơm thì chỉ cần hai sợi dây thừng. Đấy là những dụng cụ của nghề nông việc gì thứ nấy. Thoạt đầu, có một bác biên tập có lẽ không sống ở nông thôn, tưởng tôi viết nhầm hoặc nói ngọng nên muốn chữa thành: Quang chùng quết đất. Quang chùng là quang gì? Muốn diễn đạt cái quang dài, quá dài so với tầm vóc người gánh ư? Thì cái quang đã…quết đất rồi, nghĩa là rất dài, rất chùng rồi, việc chi phải thêm chữ cùng nữa. Câu thơ hóa ra thừa chữ, rườm lời mà ít ý.
            Hạt gạo làm ra, người nông dân chẳng dành cho mình đâu. Những người làm ra hạt gạo thì quanh năm đói. Trừ ba ngày tết và những ngày cúng giỗ ông bà, họ thổi cơm trắng còn thì độn khoai, độn sắn, một hạt cơm đến mấy hạt ngô. Gạo dành hết cho chiến trường, và còn xa hơn nữa, gửi về phương xa. Phương xa là ở đâu? Đấy là Lào, Căm-pu-chia, những nước đang cùng chúng ta đánh giặc đấy. Hạt gạo nhỏ nhoi của làng mình mà gánh quá nhiều sứ mệnh. Làm ra nó thật vất vả cực nhọc. Bởi thế, ở mỗi hạt gạo có bao mồ hôi, nắng mưa, sương gió, bão giông, bom đạn và cả nỗi đắng cay nữa:
            Có lời mẹ hát
            Ngọt bùi đắng cay…
            Câu thơ thực sự của tôi là như thế. Nhưng hồi đó, có một bác biên tập bảo tôi: Tại sao cháu lại viết thế? Xã hội ta là xã hội không có bi kịch. Làm gì có chuyện cay đắng. Và bác ấy cầm bút chữa lại:
            Có lời mẹ hát
            Ngọt bùi hôm nay…
            Đấy là câu thơ của bác biên tập, không phải của tôi…

                                                                                                                     TRẦN ĐĂNG KHOA