Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

TÔI VIẾT "HẠT GẠO LÀNG TA"

            Tôi viết “Hạt gạo làng ta” vào năm 1969. Khi đó, tôi 11 tuổi, đang học lớp 5 trường làng. Bài thơ ra đời đã lâu, lại viết trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Bây giờ đọc lại nó trong hòa bình, ở một thời điểm khác, một bầu không khí khác, liệu có còn đủ sức rung động trái tim độc giả hôm nay không? Đó là việc tôi xin nhường các nhà phê bình, các thầy cô giáo, các em học sinh phán quyết. Còn tôi, tôi chỉ xin nói những điều xung quanh hạt gạo mà thôi.
            Tôi là cậu bé sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Nhà tôi mấy đời làm ruộng. Nghề nông là nghề vất vả cực nhọc, đầy baasrt trắc, rủi ro. Ca dao nói:
            Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề                                                  
            Trông trời, trông đất, trông mây
            Trômg mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
            Thiên nhiên đầy bí ẩn với những tai họa khôn lường trước được. Nghề nông là nghề phụ thuộc vào thời tiết. Mà thời tiết ở nước ta lại khắc nghiệt, tráo trở. Mưa nắng đều dữ tợn, áo mẹ mưa bạc màu – đầu mẹ nắng cháy tóc. Rồi cái rét tê tái, cái rét cắt thịt tháng ba.  Mưa tháng ba khủng khiếp, bởi nó là mưa phùn đi với cái rét. Rét tháng ba bà già chết cóng. Rồi bão giật tháng bảy. Sau trận bão, cả cánh đồng chỉ còn bã trấu. Cũng có khi lúa đã chín vàng đồng tưởng bội thu rồi, qua một đêm mưa, cả vựa lúa đã chìm dưới nước trắng. Sau hai ngày không cứu kịp (mà cứu làm sao được!). Thóc nảy mầm rồi thối ủng trong nước. Tôi đã thấy nhiều bác nông dân, trong đó có cả bố mẹ tôi khóc vật vã trên cánh đồng mồ hôi nước mắt của mình. Bát cơm đã đưa lên miệng, ông trời lại hắt đi!
            Làm ra hạt gạo trong những ngày bình thường đã vất vả, trong chiến tranh còn cực khổ gáp bội. Trai tráng và đàn ông trong làng, những người có sức lực đương đầu với thiên nhiên, thời tiết, đều theo cây súng ra trận cả. Công việc nặng nề của nhà nông dồn hết xuống vai phụ nữ và trẻ con. Lúc đó hậu phương cũng là tiền tuyến. Công sự, đào giao thông hào cho người gặt lúa. Nơi ấy thực sự là mặt trận nóng bỏng, khốc liệt. Và trong chiến trường ấy, trẻ con cũng phải xung trận. Trong bài, còn có một đoạn không in trong sách giáo khoa, nhưng tôi cũng xin chép ra đây để các thầy cô giáo và các em tham khảo, ấy là đoạn ghi công lao của trẻ con những năm chiến tranh trong việc làm ra hạt gạo:
            Hạt gạo làng ta
            Có công các bạn
            Sớm nào chống hạn
            Vục mẻ miệng gầu
            Trưa nào bắt sâu
            Lúa cao rát mặt
            Chiều nào gánh phân
            Quang trành quết đất…
            Lúa cao rát mặt và quang trành quết đất là những chi tiết cụ thể, sát thực tả trẻ con. Những em bé này còn bé lắm, không cao hơn cây lúa, nên bắt sâu, lá lúa mới táp rát mặt. Vậy mà các em bé ấy đã phải gánh những công việc rất nặng nhọc của người lớn, chống hạn đến vục mẻ miệng gầu, còn gánh thì quang tràng quết đất. Quang trành là tên của một loại quang làm bằng bốn rảnh dây thừng, dưới buộc cái sảo tre. Đây là loại quang dành riêng cho gánh phân. Gánh lúa người ta dùng quang tre, gánh rạ, gánh rơm thì chỉ cần hai sợi dây thừng. Đấy là những dụng cụ của nghề nông việc gì thứ nấy. Thoạt đầu, có một bác biên tập có lẽ không sống ở nông thôn, tưởng tôi viết nhầm hoặc nói ngọng nên muốn chữa thành: Quang chùng quết đất. Quang chùng là quang gì? Muốn diễn đạt cái quang dài, quá dài so với tầm vóc người gánh ư? Thì cái quang đã…quết đất rồi, nghĩa là rất dài, rất chùng rồi, việc chi phải thêm chữ cùng nữa. Câu thơ hóa ra thừa chữ, rườm lời mà ít ý.
            Hạt gạo làm ra, người nông dân chẳng dành cho mình đâu. Những người làm ra hạt gạo thì quanh năm đói. Trừ ba ngày tết và những ngày cúng giỗ ông bà, họ thổi cơm trắng còn thì độn khoai, độn sắn, một hạt cơm đến mấy hạt ngô. Gạo dành hết cho chiến trường, và còn xa hơn nữa, gửi về phương xa. Phương xa là ở đâu? Đấy là Lào, Căm-pu-chia, những nước đang cùng chúng ta đánh giặc đấy. Hạt gạo nhỏ nhoi của làng mình mà gánh quá nhiều sứ mệnh. Làm ra nó thật vất vả cực nhọc. Bởi thế, ở mỗi hạt gạo có bao mồ hôi, nắng mưa, sương gió, bão giông, bom đạn và cả nỗi đắng cay nữa:
            Có lời mẹ hát
            Ngọt bùi đắng cay…
            Câu thơ thực sự của tôi là như thế. Nhưng hồi đó, có một bác biên tập bảo tôi: Tại sao cháu lại viết thế? Xã hội ta là xã hội không có bi kịch. Làm gì có chuyện cay đắng. Và bác ấy cầm bút chữa lại:
            Có lời mẹ hát
            Ngọt bùi hôm nay…
            Đấy là câu thơ của bác biên tập, không phải của tôi…

                                                                                                                     TRẦN ĐĂNG KHOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét