Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

NGÀY HẠNH PHÚC

       
     Sáng ngày 20/11. Vừa lấy hộp xi tính đánh lại đôi giày thì nghe Phương nói sau tiếng ngáp chưa đã giấc ngủ:
            - Anh rửa giùm em mấy cái chén rồi chiên cơm luôn thể!
Chiều qua, ông Phúc, ba vợ đi ăn đám giỗ, cậu tư có công việc nên Lục phải chở ông đi, thành ra dư cơm. Ông Phúc không phải ngành trưởng của tộc họ nhưng khi chưa về hưu là phó giám đốc “Công ty giống – vật nuôi, cây trồng”, thỉnh thoảng ngồi xe con về làng, bà con dòng tộc thêm phần hãnh diện nên đám giỗ, việc họ, ông cũng được coi như hàng trưởng lão.
            Ngồi cùng mâm với Lục là mấy đứa em họ Phương và vợ chồng Hiền, dạy cùng trường, bạn của Hải – con ông cậu ba. Hiền nháy mắt: “Không say không về chứ?”. Lục chưa kịp trả lời thì Phượng – vợ Hiền đã mát mẻ: “Anh Lục chở ba vợ, không uống được đâu!”. Cả bàn nâng lon, Lục nâng li Pép si, thỉnh thoảng gắp chút gỏi, bẻ miếng bánh tráng ăn nhỏ nhẻ như cô dâu mới về nhà chồng. Bia vào lời ra, chuyện trai gái, tiếu lâm đủ cả. Gắp cho Lục cái phao câu gà, Hiền tủm tỉm: “Bây giờ tôi kể chuyện này nhé: Cò và Thỏ chơi thân với nhau. Một hôm Cò rủ Thỏ sang bên kia sông ăn giỗ. Thỏ bảo Cò bay được chứ Thỏ không biết bơi. Cò bảo dùng mỏ kẹp cổ Thỏ bay sang cũng được. Bay đến giữa sông, bất chợt Cò thấy con ruồi bay ngang, theo thói quen Cò lao theo để mổ làm Thỏ rơi xuống sông. Lúc ấy Cò sự tỉnh, vội bay xuống dùng mỏ gắp Thỏ nhưng nghĩ tức cười quá nên gắp mãi mới được. Sang đến bờ bên kia, Thỏ vuốt bụng: tao uống no mà mày cứ gắp gắp…”
            Cả bàn cười nghiêng ngả, nâng lon mừng câu chuyện hay. Lục nâng li Pép si mà nặng như nâng cục gạch. Không biết Hiền vô tình hay chửi xéo bạn đây. Bụng thì bực tức nhưng Lục vẫn cười cười khen Hiền kể chuyện có duyên. Rồi bất chợt Lục vui thật khi tưởng tượng ra cảnh tối nay công an giao thông chặn xe đo nồng độ cồn…
            Chiên cơm xong, xách đôi giày ra, Phương lại bảo:
            - Anh ủi hộ em cái áo với!
Lục lại đi ủi áo, vừa treo lên mắc, Phương trông thấy, cằn nhằn:
            - Ủi cái áo kẻ ca rô cơ, cái ấy dễ đụng hàng lắm.
Lục nhìn đồng hồ, chỉ còn khoảng ba lăm phút nữa. Từ nhà đến trường cũng mất cả chục phút. Lục không muốn đến trễ. Thông báo tọa đàm bảy rưỡi nhưng có lẽ phải đến tám giờ. Thực tình có đến trễ một chút cũng không sao, ngày lễ ai bắt bẻ gì đâu nhưng Lục không muốn thế. Không muốn mội ai nhắc nhở trong bất cứ điều gì nên dần dần trong mắt ban giám hiệu Lục là giáo viên tốt. Rất nhiều tiết dạy, còn năm bảy phút mới hết nhưng lớp không bao giờ ồn. Có gì khó đâu, mới giảng thơ thì chỉ định học sinh đọc rồi gọi đứa khác nhận xét. Các phân môn khác thì giở bài tiếp theo đọc, gọi là tìm hiểu trước. Kiểm tra chất lượng đầu năm, chấm chéo, lớp Lục dạy chỉ năm mươi sáu phần trăm trên trung bình. Bài các lớp khác Lục chấm đều trên dưới tám mươi phần trăm cả. Cô Thủy, về trường sau Lục một năm nói: “Thầy phóng tay quá!”. Lục cười: “Phải có chút điểm khuyến khích chứ, căng, tụi nó bỏ học thì khổ mình không?”. Cuối năm học, nhiều người trong tổ không đạt chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, còn Lục bao giờ cũng vượt năm bảy phần trăm. Thành ra chưa năm nào Lục không có danh hiệu thi đua. Không biết ai đã tổng kết danh hiệu thi đua của trường bằng câu vè: “Nhất Tri nhì Phục tam Lục tứ Hiền”. Tri là hiệu trưởng, Phục là phó. Hiền là giáo viên Lý năm nào cũng có bốn, năm học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm rồi, có học sinh giỏi cấp quốc gia nhưng vẫn không đạt lao động tiên tiến vì lớp chủ nhiệm hai học sinh bỏ học. Hơn chục năm đi dạy, Lục rút ra một điều muốn mọi việc êm xuôi thì đừng có bao giờ làm trái ý lãnh đạo, còn đối với đồng nghiệp cốt dĩ hòa vi quý. Nhiều khi họp tổ chuyên môn góp ý tiết thao giảng, thế mà nhiều thầy cô phang nhau như bổ củi. Hỏi ý kiến thì Lục nói nhất trí như ý kiến các thầy cô đã nêu! Có lần, bực quá, thầy Tuấn nói: “Ông nhất trí là nhất trí thế nào? Đứng về quan điểm cô Lam hay tôi?”. Lúc ấy, như có ai móc miệng, Lục trả lời: “Em nhất trí với những ưu điểm mà thầy và cô Lam đã nêu, còn về khuyết điểm thì việc trình bày bảng chưa khoa học lắm”. Chung chung, vô thưởng vô phạt, chả mất lòng ai, thế nên việc bầu bán thi đua Lục luôn có tỷ lệ phiếu cao nhất. Nhìn vào thành tích, cống hiến trong năm bình bình tốp giữa nhưng nếu tính cả một quá trình không ai bằng Lục. Vậy nên khi quy hoạch cán bộ, có cân nhắc, đánh giá gì gì đi chăng nữa, lãnh đạo cũng không ai gạch tên. Về mặt chuyên môn, Lục cũng đã từng là giáo viên đạt tiết dạy giỏi Hội giảng cấp tỉnh.
            Nhớ lại năm ấy,  góp ý xây dựng tiết dạy  của trường dự thi cấp tỉnh, thầy Tuấn kĩ càng quá, cô Lam tự ái nên tổ nhất trí đẩy sang cho Lục. Ở vào cái thế chẳng đặng đừng, về nhà than thở, Phương cười cười: “chuyện ấy khó gì, để em lo”.
            Chủ nhật, vợ chồng Lục chở nhau vào thành phố thăm cô giáo cũ của Phương, nhân đó Lục kể lại chuyện cãi nhau giữa thầy Tuấn và cô Lam về tiết hội giảng sắp tới trường tham gia. Cô Vân nhẹ nhàng nêu mục tiêu cần đạt là gì; cách khai thác văn bản, rồi hệ thống câu hỏi nên như thế nào. Cô không bàn đến chuyện ai đúng ai sai, thế mà mở ra cho Lục một khoảng trời tươi mới.
            Khi cầm cái giấy khen và hai trăm ngàn đồng tiền thưởng về, Phương nói:
            - Tiền thưởng chưa bằng một phần năm đầu tư đâu. Nhưng người ta nói “mua danh ba vạn”, vậy cũng không lỗ. Thôi, anh cầm khoản tiền thưởng, khéo khéo mời mấy người uống cafê, không lại bảo em khoản gì cũng bòn rút.
Thế nhưng Lục có phải trả tiền đâu, cô Lam cười cười: “Cậu khá lắm, bài giảng có hướng khai thác giống mình”. Thầy Tuấn nói kháy: “Đúng rồi, nếu tiết dạy thất bại thì hướng đi giống tôi là cái chắc”. Rồi như không chịu lép với cô Lam, thầy Tuấn mời cả tổ hết tiết năm buổi chiều đi nhậu.
            Cô Lam vắng mặt, nhưng lại có thêm Hiền, “khách mời VTV3”. Mới uống xong lon bia thứ nhất, Hiền đã gọi thêm thùng nữa “ngâm cho nó lạnh”, với lại, mừng thành công của bạn phải “không say không về”. Rốt cuộc, Hiền là người say trước, thầy Tuấn phán: “Yếu mà ra gió, không biết mình biết người gì cả”.
            Lục đến trường vừa lúc tiếng loa ông hiệu trưởng mời thầy cô giáo vào hội trường. Cô Thủy cười nói: “Lần đầu tiên em thấy thầy Lục gần trễ!”. Phượng đế thêm: “sai số của anh Lục tiệm cận cực đại rồi đấy cô ạ”. Đi được mấy bước, Lục nói: “Hai cô mặc áo đẹp chưa ai khen nên chọc tôi chứ gì!”.
            Chẳng khác những năm trước, hết tiết mục văn nghệ chào mừng của học sinh là đọc thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Chủ tịch UBND tỉnh. Không biết vì ý tứ hay cách ngắt nhịp của thầy Chủ tịch Công đoàn trường, mà nếu chịu khó lắng nghe, rất nhiều câu tối nghĩa. Mấy thầy cô giáo cắn hạt dưa, rì rầm nói chuyện, trả lời tin nhắn; khi Ban Giám hiệu, đại biểu vỗ tay mới giật mình vỗ tay theo. Liền đó, Phó hiệu trưởng Phục giới thiệu: “đồng chí Phó Chủ tịch thị xã phát biểu chỉ đạo”. Ông Trầm Dư đứng tại chỗ, xua tay, không cầm micrô:
            - Kính thưa các cô giáo, thầy giáo, nhân viên nhà trường cùng quí vị đại biểu! Hôm nay là ngày xã hội vinh danh nghề giáo, vậy nên, thay mặt lãnh đạo ủy ban, tôi đến đây để nghe những tâm sự, băn khoăn, khúc mắc chứ tuyệt nhiên không phát biểu chỉ đạo gì cả. Biết được tâm tư, nguyện vọng của thầy cô giáo, cán bộ công chức nhà trường giúp lãnh đạo địa phương có định hướng sắp tới về giáo dục tốt hơn. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo địa phương, nhân danh cá nhân chúc thầy cô giáo, cán bộ nhân viên trường ta dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành công trong sự nghiệp trồng người! Xin cảm ơn!
            Tiếng vỗ tay rền vang. Tiếng vỗ tay thật. Người ta nói ông Trầm Dư làm việc bao giờ cũng cụ thể, chi tiết, kế hoach gắn liền với giải pháp, không có khó khăn nào không tháo gỡ được nhưng phải cái tội hay uống nên tính trong hàng tỉnh, ông là người đứng đầu thâm niên cấp phó!
Phát biểu của ông Trầm Dư chẳng khác nào sổ toẹt cái chương trình mà Ban lãnh đạo mở rộng bàn bạc, tranh cãi mất cả buổi họp. Vân vê tờ chương trình đã thành miếng giấy lộn trong tay, Phục chưa biết làm sao thì Hiệu trưởng Tri lên tiếng:
- Ban lãnh đạo chúng tôi chân thành cảm ơn ý kiến của đồng chí Phó Chủ tịch thị xã. Tiếp theo chương trình, tôi xin giới thiệu một thầy giáo mẫu mực nói lên tâm sự - ngưng một chút, đảo cặp mắt sau mặt kính cận khá dày, ông nói tiếp: - thầy La Văn Lục!
Lục mới đứng lên đã nghe tiếng xì xào phía sau: “thầy giáo mẫu mực đấy”, “ông Tri thật khéo chọn người lăng xê”, “sắp tới chắc chắn là điển hình tiêu biểu của Cuộc vận động học tập và làm theo…”. Thây kệ, trâu buộc ghét trâu ăn, nhìn đi nhìn lại cũng dăm bảy người thôi. Mà ai? Toàn là những kẻ vay nợ ngân hàng khó đòi, thu học phí chậm trễ đóng cho nhà trường, ngày công không đảm bảo, dạy cua dạy kèm không giấy phép…Nghĩ thế, Lục nói:
- Kính thưa đồng chí Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thị xã, quí đại biểu, quí thầy cô trong Ban Giám hiệu cùng tất cả thầy cô giáo về dự tọa đàm hôm nay! Được sự cho phép của thầy Hiệu trưởng, tôi có vài suy nghĩ về nghề giáo thế này: trước tiên phải là tấm gương cho học sinh noi theo. Đi dạy không trễ giờ, không bỏ tiết là làm gương về nề nếp. Vay nợ ngân hàng phải trả đúng hạn là làm gương về lối sống, về giữ chữ tín. Thu nộp học phí đúng thời hạn của nhà trường là làm gương về chính trực, không chiếm dụng vốn, lợi dụng của công. Tham gia buôn bán, hành nghề phải có giấy phép, đóng thuế đầy đủ là tấm gương tuân thủ pháp luật…bản thân tôi cũng có gia đình, con nhỏ, cũng có khó khăn như những thầy cô khác, nhưng tôi nghĩ phải cố gắng, luôn luôn phấn đấu mới trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo được. Hôm nay, nhân ngày 20/11, tôi kính chúc đồng chí Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thị xã, quí vị đại biểu dồi dào sức khỏe, thành đạt trong cuộc sống, chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp! Xin cảm ơn!
Vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt ở phía đối diện bàn chủ tọa. Rồi tiếng vỗ tay ấy thưa dần, im bặt trong khi Ban Giám hiệu vỗ như chưa bao giờ được vỗ. Tiếng vỗ tay dứt, hội trường im lặng lạ thường. nhìn vẻ mặt trầm ngâm của những thầy cô giáo lớn tuổi, mấy cô giáo trẻ không còn cắn hạt dưa, thì thầm trêu chọc nhau như trước. Một không gian nặng nề, bức bối, chốc chốc lại vang lên tiếng chuông tin nhắn điện thoại. Phó hiệu trưởng Phục đứng lên, ra vẻ hớn hở, nhiệt tình:
- Mời quí đại biểu, thầy cô ăn bánh uống nước rồi chúng ta tiếp tục trao đổi. Ý kiến của thầy Lục đúng là tâm huyết với nghề giáo…Nào, mời các thầy cô, tọa đàm phải sôi nổi lên chứ!
Phục vừa yên vị, cô Thắm, giáo viên sắp về hưu, đứng lên. Cả chục năm nay, chưa bao giờ Lục nghe cô phát biểu trước cuộc họp hội đồng. Cô dạy toán, giọng nói rất ấm áp, ai cũng bảo chất giọng ấy là giáo viên văn thì truyền cảm biết nhường nào. 
- Thưa quí vị đại biểu và toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong buổi tọa đàm hôm nay! Tôi nghĩ áp lực đè lên đôi vai nhà giáo chúng ta lớn lắm. Lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp chưa hiểu hết giáo viên, nhân viên thì nói chi đến xã hội. Ở nhà trường ta, có những thầy cô giáo nhìn từ góc độ chính quyền thì có khuyết điểm, nhưng sâu sát hơn, nhìn từ phẩm giá, lương tâm họ là những người đáng kính. Ví như thầy Cường cuối năm mới quyết toán hết học phí của lớp nhưng tôi biết qua phụ huynh, chí ít thầy nộp giùm học phí cho tất cả các em học sinh thuộc hộ cận nghèo trong lớp, thường xuyên gửi tiền hỗ trợ em Nam học sinh cũ, mồ côi mẹ đang theo học trường Cao đẳng kỹ thuật. Rồi cô Thu, chồng công việc không ổn định, lại phải vay tiền để điều trị cho cha chồng bệnh nặng hai năm nay nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy. Có lần nhìn mâm cơm gia đình cô tôi không cầm được nước mắt. Lúc ấy, cô cười bảo tôi: “Rồi cũng qua cái đận ngặt nghèo thôi chị ạ, chỉ mong sao cho ba em chóng khỏi”. Vậy mà cả năm trời chỉ nghỉ có hai buổi dạy, thì rõ ràng đó là sự cố gắng rất lớn. Còn nhiều thầy cô nữa, hoàn cảnh lắm, không thật quan tâm không biết được đâu. Tôi nghĩ do lòng tự trọng mà thầy cô giáo, công nhân viên giấu kín mà thôi…Nói đến đấy cô Thắm nghẹn ngào:
- Tôi thật… tự hào vì có những đồng nghiệp như vậy, tôi xin hết…
Tiếng vỗ tay rền vang. Liếc nhìn, Lục thấy cô Thu rơm rớm nước mắt. Đầu năm học, Phương đi làm về, vẻ bực bội, đưa cho Lục tờ giấy báo nợ quá hạn: “ Anh đưa cô Thu giùm em, nói trả gấp. Giáo viên còn vậy nói chi dân ngoài, ăn tiêu cho lắm vào. Mà cả anh nữa, chi tiêu phải biết dè chừng, tiền đất, tiền nhà còn nợ ông bà ngoại đấy!”. Lục có gì gọi là chi tiêu đâu mà dè chừng. Lương trả vào thẻ Phương quản hết. Lâu lâu có ít tiền tham gia công tác ngoại khóa, đố vui để học, các thầy gom lại để nhậu còn Lục né, dành dụm để hớt tóc hay đổ xăng về thăm nhà mà thôi. Cũng vì sau cái đợt hội giảng năm ấy, về nhà đám giỗ, Lục móc túi đưa cho má hai trăm ngàn. Phương trông thấy mặt xị xuống. Trên đường về, Phương nói: “Tiền đóng giỗ đưa cô tư không thiếu đồng nào. Lần này đưa thêm hai trăm, lần sau lấy gì mà đưa, bao thứ chi tiêu mà lương anh được mấy đồng?”. Lúc ấy Lục nín lặng, đột nhiên nhớ lại câu nói của ba: “Ba thật thất vọng. Con có nghề nghiệp, lương tháng ổn định, cũng được trai thế mà đi cưới người lấy đồng tiền làm thước đo giá trị, rồi không ngóc đầu lên được đâu con ạ!”. Như cảm nhận được sự bực bội của Lục, Phương hạ giọng: “Em có quản việc chi tiêu thì anh cũng nên hiểu là lo cho ai, anh Linh – bạn anh, nhờ dạy thêm mà đã có nhà lầu xe hơi rồi đấy. Bây giờ nhà cửa rộng rãi rồi anh cũng phải tính đi chứ. Muốn tiêu pha rộng rãi thì cứ phải làm ra tiền đã!”. Nghe Phương nói thế, Lục chỉ còn biết nén tiếng thở dài. Cái giấy khen tiết dạy giỏi và các danh hiệu Lục nhận không đủ sức hút học sinh.
Lục giật mình khi cùi chỏ Hiền thúc nhẹ vào hông, thì thầm:
- Ông thấy xinh không?
Ngẩng đầu lên, Lục thấy hai cô gái ngành bưu điện, áo dài màu mận chín trông rất giống tiếp viên hàng không. Một cô cầm lẵng hoa, một cô cầm lẵng bưu thiếp cúi đầu chào rất lễ phép mà vẫn giữ được nét duyên dáng, cô cầm lẵng hoa nói:
            - Kính thưa thầy cô giáo cùng quí vị đại biểu! Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng em thay mặt cơ quan xin kính tặng nhà trường ta lẵng hoa chúc mừng và mang đến những cánh thiếp tri ân của học trò từ muôn phương gửi thầy cô giáo cũ. Chúng em xin chúc cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường và quí vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc với sự nghiệp trồng người!
            Rộn tiếng vỗ tay, một tình huống không có trong chương trình tọa đàm nhưng chất chứa cảm xúc. Hội trường chộn rộn hẳn lên vì những tấm thiếp. Ông Bảy bảo vệ cầm mấy tấm thiếp mắt rưng rưng: “Năm nay tui nhận được nhiều hơn năm trước, trời đất, có cả thiếp của thằng Hưng 12A7 nữa!”. Thầy Tuấn lật lật xếp thiếp của mình, rồi cười cười, cầm một tấm  đến bên cô Lam: “ Này, bà là thần tượng của nó mà sao nó lại gửi thiệp cho tôi nhỉ?”. Liếc qua tấm bưu thiếp, cô Lam lấy từ túi xách ra một cái: “Thế còn đây có phải là đệ tử ruột của ông không?”…
            Buổi tọa đàm từ tâm sự cảm thông, chia sẻ khó khăn của thầy cô giáo chuyển sang đề tài tự hào về những học sinh tiêu biểu của trường hết sức tự nhiên. Học sinh các khóa cũ Lục chủ nhiệm cũng có học sinh giỏi, học sinh thành đạt nhưng không có đệ tử ruột. Chúng nó có chọn khối có môn Lục dạy đâu. Cái thằng Hưng 12A7, nhiều thầy cô khen học giỏi, có tư chất nhưng thường trốn tiết của Lục. Phản ánh với giáo viên chủ nhiệm, bắt làm bản kiểm điểm, nó viết: “lỗi là ở người dạy chứ không phải ở em. Em trốn học vì quá chán, em nghĩ tự đọc sách cũng làm bài được”. Phó hiệu trưởng Phục gọi lên đe xét kỷ luật, nó nói: “Thầy dạy em trung thực thì em đã trung thực khi viết bản kiểm điểm, em chỉ xin thầy đuổi học em sau khi  hộp thư truyền hình trả lời”. Sợ rầy rà, ông Tri gọi nó lên phân giải mấy câu rồi chuyển nó vào lớp cô Thủy. Ông nói với Lục: “Nó sai đấy, nhưng để nó bêu chuyện không đâu lên truyền hình thì cũng rách việc lắm, thầy nhịn giùm tôi nhé”. Bây giờ nhớ lại, bỗng dưng Lục cảm thấy bực tức hơn hồi ấy.
            Vừa bóc cái bì bưu thiếp không đề tên người gửi thì có tin nhắn. Tin nhắn của Phương nói về chở con đi thăm cô mẫu giáo. Lặng lẽ ra khỏi hội trường, giở ra, không phải bưu thiếp học trò mà là của Nguyệt, cô hàng xóm đẹp người ngoan nết má Lục cố ý vun vào khi xưa. “Ngày 20/11, chúc mừng ngày hạnh phúc của anh!”. Lục bước xuống cầu thang, lần đầu tiên lén bỏ ngang buổi sinh hoạt. “Hạnh phúc với gia đình hay nghề nghiệp đây em?” Lục thầm hỏi rồi từng bước, từng bước chầm chậm bước xuống những bậc thang như đang dài ra mãi…     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét