Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Chuyện vui câu đối nghề giáo

     Trong đời sống văn hóa, nói về câu đối có câu đối tết, có câu đối trang nghiêm, thành kính nói chí hướng hay tổng kết cuộc đời oanh liệt của nhân vật lịch sử, thường được khắc ghi, chạm trổ, treo trang trọng hai bên bàn thờ, chẳng hạn câu đối ở đền Quan Vũ: "Sinh Bồ Châu, trưởng Giải Châu, trấn Kinh Châu, chiến Từ Châu, vạn cổ thần châu hiển hách / Huynh Huyền Đức, đệ Dực Đức, thích Mạnh Đức, cầm Bàng Đức, thiên thu trí đức vô song"; cũng có câu đối răn đời, tiếu lâm, không sơn son thếp vàng nhưng sống mãi với thời gian qua truyền khẩu, ví như câu đối của thầy đồ đáp lại lời mai mỉa của ông vạn chài: "- Chữ nghĩa văn chương không bằng xương con cá lẹp / - Khéo chài khéo lái không bằng hòn dái học trò".
     Có thầy giáo, bạn nhà thơ Đồ Phồn, gợi ý ông viết bài thơ về Vũ trọng Phụng, một tác giả cả hai mến mộ. Đồ Phồn không có tài làm thơ tả chân dung nhân vật như Tố Hữu, nên ông viết câu đối. Thầy cô giáo khi dạy về tác gia Vũ Trọng Phụng có thể đọc cho học sinh nghe: 
     - Cạm bẫy người, tạo hóa khéo giăng chi? Qua Giông tố tưởng nên người Số đỏ.
     - Số độc đắc văn chương trúng thế ? Nỡ Dứt tình, Không một tiếng vang!
     Vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước, ông Nguyễn Tài Đại, Trưởng ty Giáo dục Nghệ An phân công giáo viên lên giảng dạy ở các huyện miền núi rất khó khăn, trong đó có huyện Tân Kỳ. Trăn trở mãi về việc này, ông nảy ra một vế đối: 
     - Ty cần thì đi Tân Kỳ.
Rồi ông nói đùa rằng ai trong số những người phải đi Tân Kỳ đối được thì ông bố trí nơi khác. Một cô giáo trẻ "liều mạng":
     - Ai động gì đến ông Đại!
Vế đối khá hay nhưng "phạm thượng", nghe cô trình bày hoàn cảnh, ông Trưởng ty đành phải giữ lời hứa, cho dù ông  nói đùa.
     Cũng khoảng thời gian ấy, ngành giáo khổ quá, hai chữ "Sư phạm" được dân gian chiết tự ra "ăn sư ở phạm", nghĩa là ăn như nhà tu hành (sư), ở như tù nhân (phạm). Vì vậy mới có câu đối:
     - Thầy giáo tháo giày đi dép lốp.
     - Nhà trường nhường trà uống nước trong.
Sau này, câu đối đó được "phát triển" lên, vế ra là của một cán bộ giảng dạy trường ĐHSP Vinh, vế đối là của GS Văn Như Cương. Nói về GS Văn Như Cương có khá nhiều giai thoại, ông là người tài hoa, uyên thâm nhiều lĩnh vực, vì thế sinh viên tôn vinh ông bằng một vế ra mà cho tới hiện nay tôi chưa được nghe vế đối: "Văn Như Cương, Toán như Cương, Lý như Cương, Hóa vừa nhu vừa Cương!". 
     Từ Hà Nội về lại Trường ĐHSP Vinh thỉnh giảng, GS nhận được vế ra câu đối từ một cán bộ giảng dạy:
     - Thầy giáo tháo giày, tháo cả ủng - thủng cả áo, lấy giáo án dán áo.
Vế ra hay quá, GS nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm ra vế đối, toàn là nói lái mà khoa ngữ một chút về nghề giáo lúc bấy giờ. Cho đến lúc trở ra Hà Nội, qua Quỳnh Lưu, không biết địa danh có gợi ý cho GS hay không mà ông đối được vế ra, khá chỉnh, nhưng cũng theo ông vẫn chưa hay so với vế ra:
     - Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa - nhòa cả hương, ôm lương hưu lưu hương.
     Từ xưa, cha ông ta đã có  câu "Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò". Có lẽ buồn vì học trò, bức bối với xã hội, nên khi làm Đốc học ở Mỹ Lương, Cao Bá Quát viết câu đối, đọc nghe tức cười nhưng khó hiểu hết ẩn ý trong đó:
     - Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái.
     - Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.
     Cũng có những câu đối, vế ra có thể có nhiều vế đối, không biết có chủ quan không, tôi thấy câu đối dạng này thường có "phong cách" Hồ Xuân Hương. . . Câu chuyện sau đây là một ví dụ:
     Chuyện kể rằng có thầy giáo bộ môn Sinh vật (bây giờ đổi là Sinh học rồi), chăm vợ sinh. Công việc quạt than, giặt giũ vừa xong thì anh bạn học thời phổ thông làm nghề buôn bán đến rủ đi uống cafe. Chủ quán cafe cũng là bạn học nên chuyện trò khá rôm rả. Chuyện trò một lúc, đề tài chuyển sang câu đối lúc nào không hay, anh bạn tiểu thương khởi xướng:
     - Tớ ra câu đối, hai cậu đối được thì trưa nay tớ chịu một chầu nhậu tới bến, còn không ngược lại nghe. Không cần biết hai ông bạn có đồng ý hay không, nháy mắt với chủ quán cafe, anh ta đọc:
     - Thầy Sinh vật vật cô Sinh vật, vật rồi lại sinh, sinh rồi lại vật.
Bị 'chơi khăm", nhưng may anh bạn làm nghề buôn bán nhỏ, nên thầy đối lại cũng bằng cái "logic" ấy, có điều "độc" hơn:
     - Anh tiểu thương lấy chị tiểu thương, thương vào chỗ tiểu, tiểu vào chỗ thương.
Tất cả cười xòa, chủ quán cafe hưởng ứng:
     - Anh cafe ôm chị cafe, cà rồi lại phê, phê rồi lại cà.
Có ông khách cafe một mình, qua giọng nói biết là người xứ Hà Nam Ninh, thấy vui quá, xin được tham gia:
     - Anh chồng chọt (trồng trọt) lấy chị chồng chọt, chọt rồi lại chồng, chồng rồi lại chọt..
Không biết ông khách có được mời nhậu trưa đó không, nhân chuyện đối đáp ở quán, kể luôn chuyện đầu thập niên 20 thế kỷ trước.
     Ở Cầu Cậy, có một cô hàng nước độ tuổi mười bảy, mười tám, con nhà khá giả, xinh đẹp vô cùng. Có lẽ vì xinh đẹp, khá giả mà từ kiêu hãnh quá hóa kiêu căng chăng? Cô thường chê bai trai làng ít học, quê mùa. Có chút chữ nghĩa, học đòi người xưa, cô viết vế đối, treo ở quán, nói với trai làng có đối được thì đem cau trầu đến hỏi cô, đừng đến tán vớ va vớ vẫn. Vế thách đối của cô là:
     - Con gái Cầu Cậy má đỏ hồng hồng, muốn đi lấy chồng để mà trông cậy.
Cầu Cậy là địa danh, cậy còn là một loại cây có quả như quả hồng nhưng nhỏ hơn, chữ cậy cuối vế ra lại có nghĩa là nhờ. Trai làng không ai đối đươc, "ức" lắm. Có chàng trai quyết cưới cô cho "bõ tức", bèn sang huyện bên, nhờ một ông đồ hay chữ chỉ bảo. Nghe chuyện, thầy đồ hứa là chỉ làm cho cô gái gỡ vế đối xuống thôi, còn anh có cưới được cô hay không là phải do tài năng của chính mình. 
     Đúng hẹn, thầy đồ trong vai một ông lão bán mây, vào quán cô uống nước khi bọn trai làng tụ tập đông đủ. Ông đọc vế đối khen hay về ý tứ, chữ viết đẹp. . .đẹp như cô chủ. Nghe giọng điệu ông không khác đám trai làng, cô bực mình:
     - Khen làm gì, ông có đối được không?
     - Tôi đối được thì sao?
     - Thì mang trầu cau đến nhà cha mẹ tôi hỏi tôi làm vợ. Tôi là con gái nhưng "Nhất ngôn cửu đỉnh tứ mã nan truy".
     - Tôi không tốn tiền trầu cau để hỏi người kiêu ngạo, đối được, chỉ cần cô cất vế đối. Vế đối của tôi cô nghe cho rõ nhá:
     - Ông lão hàng mây da xanh mai mái, thích chơi con gái sướng tràn cung mây.
Bọn trai làng vỗ tay cười như chưa bao giờ được cười, mặt cô chủ quán đỏ rực chứ không phải "má đỏ hồng hồng', bỏ cả quán xá; và sau đấy không lâu cô trở thành vợ anh chàng mượn thầy đồ huyện bên "trị" cô.
     Chuyện câu đối về nghiệp giáo có hơi tếu táo, vui một tý, giải được chút stret nào hay chút ấy. Nếu cứ "mô phạm", "khuôn mẫu" suốt năm tháng e rằng chúng ta tự lão hóa tâm hồn mình lúc nào không hay.

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Chuyện nghề giáo

Thời gian trôi thật nhanh, đã hơn 30 năm xa mái trường Đại học Sư phạm Vinh, về công tác ở Phú Yên, biết bao kỷ niệm vui, buồn.Bạn bè cũ gặp lại đều đặt câu hỏi: "Tại sao chúng mày ở đấy lâu đến thế?".
     Ngày mới ra trường, theo quyết định của Bộ, vợ chồng tôi được phân công về tỉnh Phú Khánh. Tôi có dì ở Nha Trang cũng làm nghề dạy học, dượng là sĩ quan Không quân; dì dượng nhường cho vợ chồng tôi một căn phòng: "hai cháu công tác ở đây muốn ăn chung ăn riêng gì cũng được". Ngặt một nỗi Sở Giáo dục không bố trí hai vợ chồng tôi cùng một trường ở Nha Trang được vì cùng bộ môn, mà vợ tôi lại muốn thế. Chờ đợi chán rồi ra Xuân Lộc, tới một ngôi trường mà đọc theo quyết định thành lập cũng thấy buồn cười: "Trường cấp II Xuân Lộc có nhô thêm một số lớp cấp III".
     Trường nằm trên vùng cát trắng, không rào bảo vệ, xưa kia là bãi rác của tiểu đoàn lính Nam Hàn đóng tại núi Chùa. Trong khuôn viên trường có tới 36 ngôi mộ.
     Ngày trước về trường, hôm sau ra chợ mua đồ ăn sáng, vợ tôi tính mua thêm mấy cái xoong nồi chén bát thì nhớ ra để quên tiền ở nhà. Chị Lan Đặng (Đặng là tên chồng) nói: "Thầy cô lấy gì cứ lấy, khi nào trả cũng được". Điều ngạc nhiên nhất là lần đầu tiên xuất hiện ở chợ mới sau một đêm ở Xuân Lộc mà sao chị ấy lại biết vợ chồng tôi là giáo viên. Điều ngạc nhiên tiếp theo là không quen biết sao lại bán chịu? Trong đời tôi kỷ niệm ngày đi chợ ấy không bao giờ quên. Ấn tượng đầu tiên với tôi con người ở đây tốt quá, chân thật quá!
     Sau này tôi mới biết chị có con học ở trường tôi dạy, bọn trẻ về kể cho chị hay. Trước khi chúng tôi về, học trò chỉ học các môn tự nhiên, còn các môn xã hội chưa được học vì không có giáo viên. Tôi được phân công dạy Văn một lớp 10 và dạy tát tần tật các môn Sử, Địa, Chính trị toàn khối cấp III, lại thêm chức vụ Phó Bí thư Đoàn Trường và kiêm luôn phụ trách lao động. Mới ở lính về nên hiệu trưởng giao việc gì cũng nhận.
     Ở trường tôi, mỗi tuần lao động một buổi, công việc chủ yếu là lấy đất thịt ở Gò Ốc hay trên xóm Đũi đổ sân vận động. Thầy cô giáo chủ nhiệm phải theo lớp hướng dẫn lấy đất, kèm cặp học sinh tránh tai nạn. Một hôm, tôi đang nghiệm thu lao động chợt thấy cô Vân, giáo viên tiếng Anh, chủ nhiệm lớp 8A đạp xe chạy như bay vào khu tập thể, vội vã vào phòng rồi đóng kín cửa lại. Lớp cô còn một chuyến nữa mới xong kia mà, không biết có chuyện gì nhỉ? Lát sau có bốn em học sinh lớp 8A chở đất đến đổ, tôi bảo các em vào kêu cô Vân ra ký biên bản nghiệm thu. Cô Vân không ra, bảo học sinh nhắn lại với tôi là cô bị mệt.
     Chuyện rồi cũng qua, năm năm sau, dịp 20 tháng 11, Tọa đàm "Về những kỷ niệm nghề giáo", cô Vân kể: "Hồi ấy, tôi chủ nhiệm lớp 8A, một buổi lao động đi lấy đất đổ sân banh, đến trưa, trên đường về, nắng, khát nước, mệt; có hai em học sinh nói với tôi: "Cô có ăn mía không?', tôi hỏi: "Mía ở đâu?". Một em chỉ tay vào đám mía cách đường độ 100 m, nói: "Mía nhà em đó, cô chờ nhé". Nói rồi hai cậu học sinh vào vườn bẻ mía. Tôi đang chờ các em mang mía ra thì bỗng thấy hai em học sinh vừa chạy vừa la: "Cô ơi chạy đi", đằng sau hai đứa là là một ông già đuổi theo : "Bắt lại, đồ ăn trộm...". Tôi vội vàng nhảy lên xe đạp, chay về trường trốn, không dám ra ký biên bản nghiệm thu lao động, sợ ông già đuổi đến thấy thì gay". Nghe cô Vân kể, không ai nhịn được cười. Thầy Quốc "phê bình":
     - Cô Vân không phải là "hảo hán", lúc nguy nan bỏ bạn bỏ bè.
     Tết năm đầu tiên ở lại trường, buồn vô kể. Không có học sinh trường trở nên hoang vu, vắng lặng. Chiều 30 tết, anh Bắc - Hiệu trưởng nhà trường ra thăm vợ chồng tôi, đem cho chúng tôi một gói bánh sâm panh do chị Hồng, vợ anh làm. Anh động viên chúng tôi, chia sẻ sự thiếu thốn tình cảm. Những lời động viên ấy tôi không bao giờ quên. Trên đời này, cảm thông, chia sẻ, động viên đúng lúc là cách thu phục nhân tâm hiệu quả nhất. Những người làm được điều ấy chắc chắn thành công trong cuộc sống, bởi xung quanh họ sẽ là một khối đoàn kết, thân ái.
     Khi anh Bắc ra về thì có hai em học sinh lớp 11 đến trực trường, đó là Ngô Lộc Thạnh, lớp trưởng và Nguyễn Lê Tuấn, lớp phó lao động. Chờ cho anh Bắc ra khỏi cổng trường, Tuấn vào phòng tôi hỏi:
     - Thưa thầy, thầy có kiêng ăn thịt vịt không?
     - Thịt vịt thì có gì phải kiêng hả em. Nghe tôi nói vậy, Tuấn gọi Thạnh:
     - Đưa vào đây.
Thì ra, ba má Thạnh gửi cho thầy cô con vịt luộc để ăn chiều 30 tết cho vui. Các em đưa đến nhưng sợ thầy cô kiêng cữ. Bữa cơm tất niên  hôm ấy, có các em chúng tôi cũng đỡ chạnh lòng. Đến giao thừa, khi nghe tiếng pháo nổ rộ, không có pháo để đốt, Thạnh đánh trống, Tuấn đánh kẻng (trường tôi có trống nhưng hiệu lệnh giờ dạy bằng kẻng). Hôm sau, Tuấn nói với tôi: "Em đánh kẻng một chút mà giờ tai vẫn ong ong, phục bác Ba Đạt thật". Bác Ba là bảo vệ kiêm trực kẻng. Hiệu lệnh của bác cứ gọi là chính xác như máy.
     Mùng 3 tết, mới khoảng hơn 5 giờ một chút, tôi mới vừa vệ sinh sáng xong thì có phụ huynh tới thăm, đó là ông Phạm Xuân Lai ở Hòa Lợi, ba của em Phạm Xuân Thời. Vợ tôi chế nước trà, mang lên dĩa bánh tét chiên để hai chú cháu ăn. Ông bảo vợ tôi cất bánh, nói đã ăn sáng rồi. Ông nói chuyện thời sự Đông Âu, Trung Quốc rồi chuyện địa phương. Khoảng 10 giờ, anh Bắc ghé tôi chơi, ông mừng lắm: "Thầy Bắc ngồi uống trà nói chuyện chơi, tôi chưa vào thầy được, phải ưu tiên thăm thầy cô giáo xa nhà trước". Anh Bắc uống một ly trà, cười cười: " Anh ở chơi với thầy cô, tôi đảo qua trường một tý rồi đi gặp ông Hở, đặt mấy dây đòn tay, mai mốt xây thêm phòng học". Anh Bắc đi, ông hỏi tôi dạy môn gì, tết có làm thơ xuân không. . . rồi ông đọc, ngâm và giảng giải cho tôi ý tứ bài thơ của ông. Khi ông ra về đã hơn 3 giờ chiều. Tôi đói toát mồ hôi nhớt. Hậu, cô học sinh đến chơi với vợ tôi nói: " Thầy cũng thật là, cứ kệ ông ta, đói, mời ông không ăn thì mình cứ ăn chứ". Hôm sau anh Bắc thấy tôi là cười liền: " Hôm qua Thắng dính chưởng phải không, có được năm tiếng không?". Tôi nói: " Hôm nay ông vào nhà anh đấy.". Anh lại cười: "Biết vậy mình mới không ở nhà, tính ra đây rủ Thắng đi chơi tết. Biệt danh của ông là "Lai Tràng Khang", nhớ kỹ nhé". 
     Thời gian trôi đi, lớp học trò dễ thương như những ngày đầu chúng tôi vào nghề hiếm dần. Chuyện quậy của học trò trường nào cũng có. Trường tôi học trò quậy nhưng chưa tới mức "điển hình". Anh Mười, bạn tôi, dạy ở trường HVT kể: " Có hôm tôi dạy hai tiết liền. Đến nửa tiết sau thấy có đứa học trò gục lên bàn ngủ, tôi xuống thì thấy dưới gầm bàn có mấy miếng lòng heo luộc trong một bịch ni lông, một gói muối tiêu, một bịch rượu có ống hút. Thì ra, khi tôi quay mặt xuống lớp giảng bài thì chúng nó ngồi im, khi quay mặt vào bảng vẽ hình, ghi lời giải thì chúng nó nhậu, thật hết biết! . . ."
     Tôi hỏi: "Sao mấy đứa ngồi bàn bên không báo?". Anh trả lời: "Ông cứ như người trên trời rơi xuống. Bạn nó làm sai, hỏi cả trăm đứa như một đều trả lời: "Em không biết" mặc dù chúng nó biết mười mươi. Học trò bây giờ là thế đấy!"
     Còn ở trường dân lập DT, anh Nguyễn Cấp kể: "Hôm tôi vào lớp dạy khi quay mặt vào bảng thì nghe tiếng thùng thùng thùng thùng. Quái lạ, sao trường cho tập văn nghệ vào giờ này. Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại. Hình như tiếng ồn ở trong lớp. Bất ngờ tôi quay xuống thì thấy học trò hai bàn cuối đang nắm tay đánh vào mặt bàn. Tôi ôn tồn: "Em nào không thích học tiết này thầy cho ra chơi, đừng làm ảnh hưởng tới bạn khác." Lập tức cả hai bàn cuối kéo nhau ra. Lớp yên ổnđược chừng hai chục phút thì chúng lại kéo nhau vào: "Bên ngoài quán đóng cửa hết rồi thầy ạ".
     "Đành chịu thôi, ai bảo thỉnh giảng làm gì, ham cải thiện đời sống làm gì" - Anh nói tiếp: " Mấy tháng đầu, khi trường mới khánh thành, quán xá mọc lên xung quanh trường quá nhiều, học sinh trốn học ngồi quán không biết bao nhiêu mà kể. Dần dần, quán xá dẹp bớt, rồi đóng cửa hẳn. Tôi nghĩ phục ông hiệu trưởng không biết làm cách gì mà giỏi thế. Sau này, hỏi người bà con cũng làm  quán bán ở đó mới biết là ông hiệu trưởng có nói gì đâu, chính quyền có nói gì đâu, học sinh ăn uống ở quán mười đứa ăn ba đứa trả tiền, rồi nợ, rồi chúng nó đánh nhau. . . Tính ra, người bà con tôi bỏ ra hơn 20 chục triệu, bán được một tháng rồi phải dẹp, mất trắng cả vốn chứ nói chi lãi. . .
     Khi đang viết đến đây tôi nghe tiếng cô bưu tá gọi: "Thầy ơi ra ký nhận bưu phẩm". Bưu phẩm của tôi là ba cuốn sách của ba em học sinh khác nhau nhưng gửi chung. Cuốn "Không thể chuộc lỗi" là của Lâm - cậu học sinh bị tôi xử lý kỷ luật hai lần, giờ đã là Giám đốc chi nhánh của một công ty nước ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn "Ký ức không quên là của Tuyết, cô học sinh giỏi Văn năm nào, nghe đâu hiện nay là trưởng phòng nào đó của nhà xuất bản Ngoại văn. Còn trong cuốn "Cánh bướm và hoa hướng dương" có tờ giấy, chữ của Tuyết ghi: " Bạn Minh nhờ em gửi tặng thầy cuốn sách, bạn ấy nói dù đang sống ở Mĩ nhưng  như tên cuốn sách, luôn hướng về Tổ Quốc như hoa hướng dương hướng về mặt trời".
     Còn nhiều lắm chuyện vui buồn nghề giáo, định viết tiếp nhưng lại có trò cũ đến thăm, hẹn với blog dịp sau vậy.

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Hương cốm



Trời xanh như hạt cốm
Em gói vào lá sen
Nắng vàng như mật ngọt
Trái hồng chín dần lên.

Gió heo may se tóc 
 Hương đồng đậu vai em
Tim tím trời trong mắt
Bảng lãng chiều không tên.

Ai đi xa để nhớ
Nửa vầng trăng chao nghiêng
Anh về đếm lá rụng
Hương cốm nhòa trong đêm!