Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

XUÂN KHÔNG TUỔI

       
            Ngẩn ngơ tiếc nuối đông tàn
            Xuân len nhè nhẹ trong làn sương mơ
            Tóc râu bạc tự bao giờ,
            Qua rồi cái tuổi đợi chờ mùa xuân!

            Dạo chơi phiên chợ cuối năm
            Thói quen cái lệ sắm sanh gọi là
            Gói mứt tết, mấy nhành hoa
            Đôi câu đối đỏ cửa nhà thêm vui.

            Bỗng dưng lòng dạ bồi hồi
            Trông người lại nhớ cái thời ngày xưa!
            Bỗng dưng hồn phách say sưa
            Yêu kiều thiếu nữ tuổi vừa tròn trăng.

            Dịu dàng cái dáng lưng ong
            Thẳm xanh đôi mắt lá răm mơ màng
            Môi hồng, gương mặt trái xoan
            Tóc mây óng ả xõa tràn bờ vai.

            Nụ cười em tỏa nắng mai
            Giữa vườn xuân để cho đời thêm xuân,
            Cho ai lòng dạ tần ngần
            Trái tim ta rộn mùa xuân tươi hồng.

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

"Đình tiền tạc dạ nhất chi mai"

   
Thiền Uyển tập anh chép lại nhiều bài kệ,  nhưng nổi bật nhất có bài sau đây của Đại sư Mãn Giác :

       Xuân khứ bách hoa lạc
       Xuân đáo bách hoa khai
       Sự trục nhãn tiền quá
       Lão tòng đầu thượng lai
       Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
       Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

“NHẤT CHI MAI” LÀ “MỘT CÀNH MAI” HAY “MỘT CÀNH MƠ” ?

Bài kệ chỉ có 6 câu, không có đầu đề;

Hoàng Xuân Hãn đã dịch ra quốc ngữ như sau:

       “Xuân qua trăm hoa rụng,
       Xuân lại nở trăm hoa.
       Trước mắt sự đời thoảng,
       Trên đầu hiện tuổi già.
       Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết;
       Ngoài sân đêm trước một cành mơ. ”

Đọc bản dịch thơ của Hoàng Xuân Hãn, có người lấy làm lạ bởi sao câu cuối lại dịch : “một cành mơ”. Đáng ra chữ “nhất chi mai” phải dịch là “một cành mai ”?.

Quả vậy, từ trước đến nay nhiều người vốn đã rất quen với bản dịch của Ngô Tất Tố :

       Xuân ruổi trăm hoa rụng,
       Xuân tới, trăm hoa cười.
       Trước mắt việc đi mãi,
       Trên đầu già đến rồi.
       Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết;
       Đêm qua, sân trước một nhành mai.

Cũng như nhiều bản dịch khác, Ngô Tất tố giữ nguyên chữ mai trong nguyên tác. Thật ra thì trong chữ Hán  (mai) là cây mơ. Cây mơ ở Trung Quốc có nhiều, là loại cây ăn quả có hoa đẹp màu trắng, có khi hơi ửng hồng hoặc đỏ. Riêng nước ta, mơ có nhiều ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở vùng rừng núi động Hương Tích.
Ở Hương Tích, Nguyễn Bính đã từng tả “Thấp thoáng rừng mơ - cô hái mơ” và Chu Mạnh Trinh cũng đã viết :

       “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái;
       Lửng lờ khe Yến cá nghe kinh…”.

Mơ mọc thành rừng. Rừng mai đây chính là rừng mơ chớ không phải là rừng mai vàng như nhiều người lầm tưởng.
Thật vậy, vì điều kiện thổ nhưỡng, hoàng mai tức là cây mai vàng nở hoa vào dịp tết âm lịch  chỉ có từ Quảng Trị trở vào. Lãnh thổ nước ta vào thế kỉ XI lại chỉ mới đến chân đèo Ngang cho nên vào thời điểm ấy, xem như nước ta chưa thể có hoàng mai mà chỉ có hoa mơ… và hoa mơ trong thơ xưa vẫn gọi là hoa mai.
 Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông có bài thơ Hoa mai :

        “…Hoa bạc phau phau xâm khí tuyết,
        Chồi xanh êu ếu lạt hơi may”

Sắc hoa bạc phau phau ở câu thơ chính là sắc trắng của hoa mơ.

Vậy mai trong lời thơ của Mãn Giác chính là cây mơ. “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” dịch là “Ngoài sân đêm trước một cành mơ” là đúng.

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

HIỂU THƠ RẤT KHÓ


Tô Đông Pha là một danh sĩ đời Tống, cùng thời với vương An Thạch.
          Khi Vương An Thạch làm tể tướng, làm thơ có câu:
          Minh nguyệt sơn đầu khiếu
          Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
          (Trăng sáng kêu đầu núi
Chó vàng nằm trong lòng hoa)
Đông Pha xem bài thơ bật cười, chê Vương An Thạch dốt, sửa lại như sau:
          Minh nguyệt sơn đầu chiếu
          Hoàng khuyển ngọn hoa âm
          (Trăng sáng chiếu đầu núi
          Chó vàng nằm dưới boáng hoa)
          Việc bình thơ này tới tai Vương An Thạch, ông chỉ cười không nói gì. Bẵng đi một thời gian, Tô Đông Pha vì tội chống “Tân pháp”, An Thạch lệnh cho đày đến đảo Hải Nam. Đến đảo này Tô Đông Pha phát hiện ra rằng ở đây có một loài chim gọi là chim minh nguyệt và có một loài sâu gọi là hoàng khuyển.

          Như vậy, hai câu thơ của Vương An Thạch hoàn toàn đúng, Tô Đông Pha sửa lại là sai. Hiểu thơ khó như vậy và cái sai của Đông Pha cũng phải trả cái giá khá đắt.

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

CÔ LÁNG GIỀNG

         
             Làng tôi ở ven sông
            Nối đôi bờ chiếc cầu cong cong
            Mây trời bay ngang qua
            Ôm bóng dừa soi dòng xanh trong.

            Xuân về muôn sắc hoa
            Trên những con thuyền lại, qua
            Tôi đóng quân nơi xa
            Tết nay về phép thăm nhà.

            Cô láng giềng xinh tươi
            Chào tôi bằng nụ cười trên môi,
            (Cô hẹn hò ai chưa
            Hay vẫn đang còn lẻ đôi?...)

            Tôi sang nhà cô chơi
            Xin lá trầu không với vôi
            Cô nói đùa với tôi:
            “Trầu không chỉ đổi bằng cau thôi.”

            Mùi hương trầm cuối năm
            Lan trong khói lam chiều chơi vơi
            Nao nao lòng ngắm cô
            Tôi thầm ước mai này kết đôi!...

            Thời gian nhanh thật nhanh
            Cô tiễn tôi qua dòng sông xanh,
            Ngậm ngùi chia tay nhau
            Bóng chúng tôi in dòng sông sâu.

            Cầm tay cô thật lâu
            Tôi ghé môi hôn, nụ hôn ban đầu,
            Cô thẹn thùng quay đi
            Mong ước tôi trở về thật mau…

            Bóng mây buồn bảng lảng về đâu
            Chiếc thuyền ai tới bến chở trầu cau,
            Cô láng giềng ơi xin đừng khóc
            Hẹn mùa xuân mới ta bên nhau!