Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

"Đình tiền tạc dạ nhất chi mai"

   
Thiền Uyển tập anh chép lại nhiều bài kệ,  nhưng nổi bật nhất có bài sau đây của Đại sư Mãn Giác :

       Xuân khứ bách hoa lạc
       Xuân đáo bách hoa khai
       Sự trục nhãn tiền quá
       Lão tòng đầu thượng lai
       Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
       Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

“NHẤT CHI MAI” LÀ “MỘT CÀNH MAI” HAY “MỘT CÀNH MƠ” ?

Bài kệ chỉ có 6 câu, không có đầu đề;

Hoàng Xuân Hãn đã dịch ra quốc ngữ như sau:

       “Xuân qua trăm hoa rụng,
       Xuân lại nở trăm hoa.
       Trước mắt sự đời thoảng,
       Trên đầu hiện tuổi già.
       Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết;
       Ngoài sân đêm trước một cành mơ. ”

Đọc bản dịch thơ của Hoàng Xuân Hãn, có người lấy làm lạ bởi sao câu cuối lại dịch : “một cành mơ”. Đáng ra chữ “nhất chi mai” phải dịch là “một cành mai ”?.

Quả vậy, từ trước đến nay nhiều người vốn đã rất quen với bản dịch của Ngô Tất Tố :

       Xuân ruổi trăm hoa rụng,
       Xuân tới, trăm hoa cười.
       Trước mắt việc đi mãi,
       Trên đầu già đến rồi.
       Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết;
       Đêm qua, sân trước một nhành mai.

Cũng như nhiều bản dịch khác, Ngô Tất tố giữ nguyên chữ mai trong nguyên tác. Thật ra thì trong chữ Hán  (mai) là cây mơ. Cây mơ ở Trung Quốc có nhiều, là loại cây ăn quả có hoa đẹp màu trắng, có khi hơi ửng hồng hoặc đỏ. Riêng nước ta, mơ có nhiều ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở vùng rừng núi động Hương Tích.
Ở Hương Tích, Nguyễn Bính đã từng tả “Thấp thoáng rừng mơ - cô hái mơ” và Chu Mạnh Trinh cũng đã viết :

       “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái;
       Lửng lờ khe Yến cá nghe kinh…”.

Mơ mọc thành rừng. Rừng mai đây chính là rừng mơ chớ không phải là rừng mai vàng như nhiều người lầm tưởng.
Thật vậy, vì điều kiện thổ nhưỡng, hoàng mai tức là cây mai vàng nở hoa vào dịp tết âm lịch  chỉ có từ Quảng Trị trở vào. Lãnh thổ nước ta vào thế kỉ XI lại chỉ mới đến chân đèo Ngang cho nên vào thời điểm ấy, xem như nước ta chưa thể có hoàng mai mà chỉ có hoa mơ… và hoa mơ trong thơ xưa vẫn gọi là hoa mai.
 Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông có bài thơ Hoa mai :

        “…Hoa bạc phau phau xâm khí tuyết,
        Chồi xanh êu ếu lạt hơi may”

Sắc hoa bạc phau phau ở câu thơ chính là sắc trắng của hoa mơ.

Vậy mai trong lời thơ của Mãn Giác chính là cây mơ. “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” dịch là “Ngoài sân đêm trước một cành mơ” là đúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét