Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

CHÍ PHÈO - NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT

          
             Năm 1941, kiệt tác Đôi lứa xứng đôi được nhà xuất bản Đời mới – Hà Nội in ra sách lần đầu. Từ ấy, cái tên Chí Phèo bước ra cuộc sống, sánh ngang với Sở Khanh, Chúa Chổm trước kia, những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan…đương thời, trở thành một điển hình văn học.
            Năm 1946, Hội Văn hóa cứu quốc in lại, đặt tên Chí Phèo, cái tên ấy tồn tại trong những lần tái bản sau. Nhan đề truyện có thay đổi nhưng những giá trị hiện thực, nhân đạo sâu sắc , mới mẻ trường tồn mãi mãi. Góp phần làm nên những giá trị ấy là tài năng nghệ thuật dựng truyện, dẫn truyện, xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của nhà văn Nam Cao. Điều đó, người đọc dễ dàng nhận thấy ở nhân vật trung tâm truyện – nhìn từ phương diện nghệ thuật.

            Thông thường, các nhà văn cho nhân vật xuất hiện sau “cái phông” dựng sẵn. Cách viết ấy giúp độc giả có tâm thế đón nhận sâu sắc hơn thông điệp tác giả gửi gắm qua nhân vật. Đặc sắc về nghệ thuật, ở truyện ngắn này, Nam Cao cho Chí Phèo xuất hiện một cách trần trụi, ô trọc: “Hắn vừa đi vừa chửi”
            Rồi tác giả vừa ghi lại đầy đủ những câu chửi của Chí Phèo vừa hóa thân vào dân làng Vũ Đại (nguyên mẫu là làng Đại Hoàng của Nam Cao) lý giải những câu chửi đó. Nam Cao có dừng lại ở đó không? Người đọc có bằng lòng với những lý giải đó không? Suy ngẫm vấn đề này mới thấy ẩn ý sâu xa của tác giả.
            Nói đến trời là nói tới đấng quyền uy tối cao, trong đó có việc ban phát “mệnh” cho mỗi con người:
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
                                                                   (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Mệnh của Chí Phèo bất hạnh nhất trong những con người bất hạnh: bị bỏ rơi lúc mới lọt lòng, được đem cho, bán, sống kiếp nô lệ rồi ở tù…Người ta chỉ sợ trời khi có ràng buộc về trách nhiệm, lễ nghĩa, vật chất với những cái mệnh khác. Độc mệnh như Chí Phèo hỏi còn gì phải sợ? Điều Nam Cao gửi gắm với người đọc: Chí Phèo cô độc ngay từ khi lọt lòng mẹ.
            Đời là các mối quan hệ xã hội, cụ thể hóa cái “mệnh” của trời là giới tính, thân phận, địa vị, nghề nghiệp… trong xã hội. Khó xác định chính xác thân phận, địa vị, nghề nghiệp của Chí Phèo. Có chăng, về nghề nghiệp: “rạch mặt ăn vạ” – một nghề mới, theo lời của bà cô thị Nở - người có dòng mả hủi!
            Người lầm than cơ cực thường than thân trách phận, Chí Phèo chửi “mệnh”, chửi “phận’vì đời Chí lầm than cơ cực hơn những người lầm than cơ cực!
            Con người ai cũng có quê hương nhưng Chí Phèo thì không, chỉ có nơi hắn được sinh ra: cái lò gạch cũ ở làng Vũ Đại mà thôi! Vậy nên, dù chửi cả làng, nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “chắc nó trừ mình ra!”. Không quê hương nói chi đến bạn bè? Bởi thế, Chí Phèo tìm mối quan hệ khác với cộng đồng: “Hắn chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn! Không ai lên tiếng cả”. Vậy kẻ thù cũng không có nốt! Hắn chửi “đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này?” hi vọng tìm ra manh mối gì đó về gia đình, nhưng “Có trời mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại không ai biết!”.
            Đằng sau tiếng chửi của Chí Phèo là một nỗi khát khao được thừa nhận con người đúng nghĩa. Hắn không có họ, chỉ một cái tên Chí Phèo không biết ai đặt cho nữa. Chí Phèo càng tìm cách bấu víu càng bị làng Vũ Đại (rộng ra là xã hội) đẩy ra xa. Hắn sống cô độc, không quê hương, gia đình, bạn bè nên dễ bị kẻ khác lợi dụng, hành động mù quáng. “Hắn biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, tác oại tác quái, đạp đổ bao nhiêu cơ nghiệp, đập phá bao cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc…” Những hành động mù quáng đó chỉ xảy ra khi hắn đang say, hại mình (rạch mặt) để hại người (ăn vạ). Không say, Chí Phèo không thể làm điều ác. Không say, Chí Phèo là con người lương thiện, có lúc gần như thánh thiện, được Nam Cao đặc tả khi hắn bóp đùi cho bà ba – vợ lý Kiến, khi hắn nghe người ta trò chuyện sau cơn say ăn nằm với thị Nở.
            Xây dựng nhân vật Chí Phèo, Nam Cao không đặt trên cái trục tuyến tính thời gian nhưng người đọc dễ dàng phân chia các cột mốc sự kiện cuộc đời hắn: từ lúc lọt lòng đến khi làm canh điền cho lí Kiến; đi ở tù rồi trở về làng tác oai tác quái; cuối cùng gặp thị Nở cho đến khi vung dao đâm bá Kiến rồi tự sát.
            Quãng đời đầu của Chí Phèo, Nam Cao kể như những thước phim lướt nhanh, điểm nhấn là cảnh bóp đùi cho bà ba. Trường đoạn ấy tái hiện ở giai đoạn cuối cuộc đời Chí, khi hắn đã “yêu” thị Nở: “Hắn nhớ đến bà ba, cái con quỷ cái hay bắt hắn bóp chân mà lại cứ bóp lên trên, trên nữa. Nó chỉ nghĩ đến sao cho thỏa nó chứ có yêu hắn đâu. Hồi đó hắn hai mươi. Hai mươi tuổi người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn xác thịt. người ta không thích cái gì người ta khinh. Vả lại bị một con đàn bà gọi đến mà bóp chân! Hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồ lại sợ. Quả thật, từ khi biết rằng con vợ chủ sai hắn làm việc không chính đáng, hắn vừa làm vừa run. Không làm thì không được; mọi việc trong nhà, quyền bà ba. Chứ hắn, hắn có lòng nào đâu! Đến nỗi người đàn bà phát cáu. Bà thấy xa xôi không được, phải làm đến nơi. Bà bảo hắn rằng: “Mày thực thà quá! Con trai gì mà hai mươi tuổi đã như ông già”. Hắn vẫn giả vờ không hiểu. bà lẳng lơ bảo: “Chã nhẽ tao gọi mày vào đây chỉ để bóp chân thế này thôi ư?...” Và thấy hắn dùng dằng, bà mắng xơi xơi vào mặt. Hắn chỉ thấy nhục, chứ yêu đương gì”
            Chỉ nửa trang giấy, Nam Cao vừa miêu tả sống động hành động, nội tâm nhân vật Chí Phèo vừa khắc họa bản tính dâm đãng của mụ chủ. Người đọc kính trọng lòng tự trọng của Chí, trong hoàn cảnh khó xử, thân phận tôi đòi vẫn giữ được phẩm hạnh trong sạch. Không có cái tặc lưỡi, “cũng liều nhắm mắt đưa chân” của một chàng lực điền hai mươi tuổi. Cũng ở quàng đời ấy, Chí đã từng mơ một giác mơ “hạn chế”, hắn nhớ lại khi nghe tiếng chim hót, tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng người đi chợ kháo nhau: “Hắn nao nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.
            Rốt cuộc, với Chí vẫn là giấc mơ. Nếu không đi ở tù, Chí Phèo cũng khó thực hiện giấc mơ đó. Định kiến xã hội vùi dập con người ta xuống tận bùn đen. Nam Cao khéo léo nhấn mạnh điều đó qua những lời xỉa xói của bà cô thị Nở: “Thật đốn mạt. Ngoài ba mươi tuổi…ai lại đi lấy chồng. Ai đời lại đi lấy chồng! Ừ! Mà lấy thì lấy ai chứ?...Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha…”
            Bà cô thị Nở có dòng mả hủi, có cô cháu dở hơi, xấu không thể xấu hơn vẫn không xem Chí Phèo là một con người!
            Chí Phèo thay đổi khi đi ở tù về cả nhân hình lẫn nhân tính. Hắn là sản phẩm được “giáo dục” của chế độ thực dân phong kiến qua sáu bảy năm: cái đầu trọc lốc, răng cạo trắng hớn, ngực và tay chạm trổ rồng phượng và một ông tướng cầm chùy – “trông gớm chết” vẫn không che đậy được bản tính sợ sệt cố hữu. Hắn không làm được gì, kể cả chửi bới khi không có rượu. Rượu cho hắn dũng khí. Viết tới đây tôi chợt nhớ một mẩu chuyện tiếu lâm hiện đại: “Một người đàn ông hỏi người ăn xin:
            - Ông xin tiền để làm gì?
            - Mua rượu uống!
            - Ăn xin mà cũng uống rượu?
            - Uống để có dũng khí mà ăn xin.”
       Nam Cao sâu sắc, tinh tế  miêu tả nội tâm chứ không phải miêu tả tội ác của Chí Phèo. Những tính toán,suy nghĩ của hắn khi bá Kiến mời vào nhà sau khi chửi bới, rạch mặt ăn vạ, khi “rượu đã nhạt” thật sống động, chân thực, hết sức thuyết phục. Lúc đầu hắn sợ, nhưng rồi nỗi sợ hãi được hóa giải: “cùng lắm thì đi ở tù”, mà ở tù hắn đã quen rồi. Lại nữa, cụ bá có con làm lí trưởng, thế lực nhất vùng, “Bắc Kì đại biểu”, miệng thét ra lửa cũng phải nhún nhường với hắn, thử hỏi “cả cái làng nghìn suất đinh có ai bằng được hắn?”. Cái tâm trạng “chiến thắng” kiểu anh hùng rơm, sĩ diện mang tính chất A.Q trong con người hắn: “anh hùng làng này cóc đứa nào bằng ta” có xuất phát điểm là sự liều lĩnh. Xã hội xua đuổi, bá Kiến lợi dụng, hắn nuôi dưỡng khí chất ấy bằng rượu để tồn tại, lâu dần thành thói quen để “giải quyết” công việc, kể cả “yêu” thị Nở.
            Cái khí chất liều lĩnh của hắn là thói quen chứ không phải bản chất. Sau bát cháo hành của thị Nở - lần đầu tiên được người ta cho, hắn được xem như một con người đúng nghĩa, Chí Phèo ứa nước mắt nghĩ về cuộc đời mình, nghĩ về sự liều lĩnh, về nỗi cô đơn, bệnh tật. Nội tâm của Chí được Nam Cao khắc họa: “Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo. Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao? Đã đành, hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều được nữa”
            Dùng đại từ “hắn” để nói về Chí Phèo là để “khách quan hóa” sự việc, thật ra tác giả đồng cảm, thương xót đứa con tinh thần của mình bằng cách cài đặt chi tiết, dẫn dắt câu chuyện hay cách dùng từ trong quá trình xây dựng hình tượng Chí Phèo. Trong suốt mấy chục trang sách, tác giả chỉ nói Chí Phèo say rượu chứ không một từ “nghiện rượu”. Hay như đoạn trích vừa nêu, dùng từ “giật cướp” chứ không phải “cướp giật”. Suốt chiều dài câu chuyện, tác giả cho người đọc thấy hắn giật cướp những gì? Chỉ quả chuối xanh bẻ ở vườn nhà ai đó, bốc nhúm muối của cô hàng xén để làm mồi nhậu hay dọa đốt quán mụ hàng rượu không bán chịu cho hắn mà thôi.
            Trước khi vào nhà Tự Lãng uống rượu, Nam Cao nhắc lại thứ tự từng câu chửi đoạn mở đầu truyện ngắn của Chí. Không một ai đáp lời hắn. Chí Phèo định vào bất kì nhà nào để đập bể một cái gì đó cho bõ tức. Nhưng hắn có đập bể cái gì đâu, chỉ sà xuống uống rượu cùng Tự Lãng. Chi tiết này Nam Cao chuẩn bị trước, nhằm nhấn mạnh hơn, lý giải thuyết phục hơn vì sao Chí Phèo không đến nhà thị Nở dâm chết “con khọm già” mà thẳng tiến đến nhà bá Kiến: “Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm”.
            Miêu tả kĩ càng những chi tiết uống rượu với Tự Lãng, Nam Cao tô đậm hơn khát vọng được thừa nhận là con người của Chí. Hai người uống “như chưa bao giờ được uống”, hết chai này Tự Lãng lấy chai khác, uống như một đôi tri kỉ cuồng. Hoàn cảnh Tự Lãng cũng cô đơn, đáng thương: vợ chết, có độc mụn con gái thì chửa hoang, bỏ nhà đi biệt xứ. Cùng chung tâm trạng nên dễ thông cảm với nhau. Lần đầu tiên Chí Phèo có bạn uống rượu, bạn tình cờ mà “tri kỉ”, tri kỉ đến mức không cần nói với nhau một lời, khác hẳn thói thường: rượu vào lời ra. Còn gì hơn nữa, vừa chửi “cha đứa nào không chửi nhau với hắn” để tìm kẻ thù, tức tối muốn đập bể môt cái gì đó thì gặp được bạn? Bữa rượu này Chí uống trong tâm trạng sảng khoái, uống vì sự đồng cảm chứ không phải uống lấy say để rạch mặt ăn vạ. Lúc này Nam Cao không cần đi sâu miêu tả Chí độc thoại nội tâm nữa, thay vào đấy, miêu tả cảnh vật. Con đường trăng, vườn chuối  “những tàu lá đẫm sương dưới ánh trăng giẫy đành đạch như là hứng tình”, cho thấy tâm hồn Chí đang phơi phới. Khát khao được thừa nhận là con người phần nào được giải tỏa, bất chợt gặp thị Nở nằm hớ hênh dưới ánh trăng, nỗi khát tình của Chí trào lên. Việc “yêu” thị Nở của Chí Phèo là giật cướp nếu xét về hành động; xét về tâm lí, nó có cả một tiến trình. Tiến trình ấy chỉ được nhận thức rõ khi và chỉ khi người đọc đồng điệu với nhà văn, xót xa cảm thông cho một số phận bất hạnh.
            Có thể nói Nam Cao là một nhà tâm lí học. Sau những trường đoạn làm người đọc căng ra suy nghĩ, ông “hạ hỏa” bằng những câu văn đậm chất hài hước miêu tả tình yêu Chí – Nở: “Hắn bảo thị:
            - Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?
Thị không đáp, nhưng cái mũi đỏ của thị như càng bạnh ra. Hắn nhận thấy thế cũng không có gì là xấu. Bằng một cái giọng nói và một vẻ mặt rất phong tình theo ý hắn, hắn bảo thị:
            - Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.
Thị lườm hắn. Một người thật xấu khi yêu cũng lườm. Hắn thích chí, khanh khách cười”
            Nam Cao cẩn trọng với những chi tiết nhỏ. Sau “vẻ mặt phong tình” là “theo ý hắn”, bởi cái mặt đầy những vằn sẹo dọc ngang làm sao biểu hiện cảm xúc được? Rồi tác giả miêu tả đôi môi thị Nở nứt nẻ như bờ ruộng khô, mặt Chí đầy sẹo nên chúng không hôn nhau, chúng có cách yêu “cấu véo nhau, phát vào lưng nhau” chất lượng, hiệu quả hơn(!)
            Một biến cố lớn trong cuộc đời Chí Phèo là đi ở tù, Nam Cao chỉ cần hai chi tiết, móc xích và soi sáng cho nhau. Chi tiết thứ nhất: tung dư luận mập mờ về việc Chí phải đi ở tù. “Có người nói ông lí ghen anh canh điền khỏe mạnh mà sợ bà ba không dám nói. Có người thì bảo anh canh điền ấy được bà ba quyền thu quyền bổ trong nhà tin cẩn nên lấy trộm tiền trộm thóc nhiều. Mỗi người nói một cách, chẳng biết đâu mà lần”.
            Chi tiết thứ hai, bá Kiến muốn bắt tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù vì trêu chọc bà tư: “Mắt bà, miệng bà có duyên nhưng trông đĩ lắm. hơi một tí là cười tít cả mắt lại, cái má thì hây hây. Mà thấy ghét những thằng trai trẻ, giá làm con bà không đáng, mà thấy đâu cũng đùa. Chúng đùa nhạt như nước ốc, chỉ được cái thô tục, mà gặp ai cũng cười! Chẳng nghĩ gì đến địa vị cả, người đâu mà vô tâm! Tức lạ! Cụ chỉ muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù…”
            Về kết cấu, truyện được dựng trên những vòng tròn đồng tâm. Thế đất làng Vũ Đại là “quần ngư tranh thực” (đàn cá vây quanh một miếng mồi), cường hào năm bè bảy phái cùng xúm vào bóc lột ức hiếp dân lành. Rồi thời điểm nào làng cũng có những thằng đầu trâu mặt ngựa, hết Năm Thọ, binh Chức rồi nảy nòi ra một thằng Chí Phèo. Số phận Chí cũng song hành trên cái vòng chung ấy:  đi ở tù từ nhà bá Kiến, kết thúc cuộc đời cũng tại nhà bá Kiến. Vật chứng cuộc đời hắn:  cái lò gạch cũ ở làng Vũ đại ít người qua lại, và rồi tương lai một Chí phẩy cũng sẽ ra đời tại đó…Cái bế tắc ngột ngạt, quằn quại của người dân lành đã cùng cực, quẩn quanh không lối thoát. Cái kết cấu ấy logic cho bi kịch nhân vật Chí Phèo chứ không phải bi kịch thể loại. Ngoài giá trị phản ánh hiện thực, truyện còn cho thấy một dự báo biến động về thời cuộc trong tương lai không xa. “Cùng tắc biến, biến tắc thông” , hẳn quan niệm ấy nhà văn hiểu hơn ai hết.

            Truyên ngắn càng về cuối càng trở nên hấp dẫn, giàu tính kịch. Nhân vật Chí Phèo được đồng cảm, xót thương hơn. Tư tưởng nhân đạo và bút lực phi thường của Nam Cao khơi gợi cho người đọc đương thời lòng căm phẫn xã hội xấu xa thối nát; nhắc nhủ những thế hệ sau Cách mạng tháng Tám phải biết quí cuộc sống hiện tại trên góc độ đối chiếu, so sánh. Không chỉ riêng về nhân vật Chí Phèo, các nhân vật khác của Nam Cao, suy ngẫm từ phương diện nghệ thuật, giúp chúng ta lĩnh hội tác phẩm trọn vẹn, sâu sắc hơn.

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

GỬI EM TỪ MIỀN BIÊN CƯƠNG

       
          Anh  xa em, anh xa thành phố
          Xa ánh đèn rực rỡ trong đêm,
          Nơi đóng quân đồng rừng hoang dại
          Bếp lửa bập bùng giữa đêm đen.

          Xa ánh đèn dần rồi cũng quen
          Anh xa em  trào dâng nỗi nhớ
          Ngọn lửa cũng ưu tư trăn trở
          Em  trong mơ, giấc ngủ chập chờn.

          Bọn anh chẳng toan tính thiệt hơn
          Nhường nhau từng miếng cơm hớp nước
          Việc khó khăn xung phong nhận trước
          Chí làm trai ai chịu đứng sau ai.

          Đêm tuần tra qua cánh rừng dài
          Bất chợt gặp hoa ban nở trắng
          Áo ướt sương, sáng ngày phơi nắng
          Áo khô rồi vẫn đọng mùi hương.

          Anh biết em gửi nhớ gửi thương
          Trong ánh mắt vọng mây chiều biên giới   
          Nên sắc núi  xanh dài vời vợi
          Điệp dòng  xanh soi bóng áo xanh.

          Ngày đính hôn khi trọn khúc quân hành
          Cầm tay em đi dưới tàn hoa sữa
          Em ngỡ ngàng bởi mùi hương thương lạ
          Hoa lá biên cương theo màu áo bay về.
       

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

EM ƠI, HÃY QUÍ HÒA BÌNH

                      
                         Em ơi,
                        Ở Syria bom rơi
                        Từng đoàn người tị nạn,
                        Bỏ lại sau lưng
                        Mái nhà
                        Dòng sông
                        Mảnh đất quê hương gieo hạt giống tâm hồn.

                        Tháp Ép phen
                        Biểu tượng đất nước hình lục lăng
                        Rung lên
                        Tiếng bom mìn quân cuồng tín
                        Dòng sông Seine
                        Không còn hát ru bản nhạc du dương
                        Hàng trăm người ngã xuống,
                        Có em thơ
                        Cầm trên tay bức vẽ hòa bình của Picasso.

                        Hòa bình
                        Không đợi chờ là có,
                        Thượng đế chẳng ban cho
                        Mặc chúng con nguyện cầu khản cổ.
                        Hòa bình
                        Đến sau chiến tranh
                        Đầu rơi máu đổ
                        Đất mẹ loang lổ vết thương đạn bom hầm hố
                        Một bông hồng tả tơi sót lại
                        Vài cái cánh tàn xám đen.

                        Gây chiết tranh – những kẻ mang dòng máu đê hèn
                        Tư tưởng cực đoan, lòng lang bành trướng
                        Cướp đất cướp dầu cướp biển
                        Cướp cả bầu trời thu hẹp cánh chim câu.

                        Em ơi,
                        Hãy đọc những trang thơ thay cho việc nguyện cầu
                        Học phép khai căn thay vì khai đao game chiến tranh
                        Hòa bình
                        Có trong những mầm xanh tâm hồn tuổi trẻ
                        Hãy nắm tay nhau vun xới thành rừng
                        Nếu không muốn đất nước mình chiến tranh!

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Vài suy nghĩ về mặt trái của đánh giá thi đua thiên về định lượng trong trường học


Những cái gì cân đong đo đếm được (định lượng) bao giờ cũng dễ dàng quản lý, cái gì không cân đong đo đếm được (định tính) rất khó quản lý. Chẳng hạn, việc số lần giáo viên chủ nhiệm tham gia sinh hoạt 15 phút đầu giờ với lớp đúng kế hoạch, Ban Giám hiệu quản lý được nhưng chất lượng sinh hoạt ra sao thì khó mà xác định. Chất lượng tốt xấu không hẳn phụ thuộc vào tần suất hay khối lượng tác động.
Cuối năm học, đọc bản tự kiểm điểm của giáo viên hao hao như nhau, có lẽ chung một mẫu (!) Vẫn cứ là lập trường chính trị kiên định vững vàng, vẫn là “nỗ lực trong công tác chuyên môn” (có số liệu minh chứng hẳn hoi), chất lượng bộ môn đạt, vượt chỉ tiêu nghị quyết…còn khuyết điểm là: còn nể nang trong việc góp ý đồng nghiệp hay “còn đôi lúc nóng nảy trong xử lý công việc” mà thôi. Khuyết điểm nêu ra vô thưởng vô phạt!
Bình xét thi đua cuối năm, Hội đồng thi đua nhà trường đau não vì hầu như ai cũng “tròn trịa” cả. Cắt ai cho vừa chỉ tiêu % quy định khi cứ nhìn vào số lượng bởi “con số biết nói” cơ mà. Hội đồng thi đua đau não cũng đúng thôi: khi giao chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch năm học, tiêu chí thi đua chú trọng về định lượng. Việc thực hiện định lượng đạt chỉ tiêu nào đâu có khó.
- Chỉ tiêu dự giờ 18 tiết / năm, dự 19 tiết, vượt chỉ tiêu “cho chắc ăn”.
- Chỉ tiêu bộ môn 90 – 95%, chả dại gì mà không đạt hoặc cao hơn một chút, bởi “điểm trong tay ta” (cho điểm thấp ép học sinh học cua còn làm được huống chi nâng điểm), chứ không phải điểm số là thước đo chính xác năng lực, tri thức đạt được của học sinh như lý thuyết Lý luận dạy học.
- Gặp gỡ phụ huynh học sinh cá biệt có nguy cơ bỏ học 3 lần thì 3 lần. Ai biết được những lần ấy giáo viên chủ nhiệm trao đổi như thế nào, thuyết phục ra sao, chân thành hay hời hợt…
Tiêu chí chính không xác định được cắt ai để ai trong bình xét thi đua thì xét thêm tiêu chí phụ. Cô B không tham gia tham quan bãi biển X.H nhân ngày 8/3 nên bị cắt. Nhiều người nghĩ cô B tiếc trăm ngàn đồng đóng góp mà có ai biết cho chồng cô không có việc làm ổn định, đang nợ tiền chạy chữa thuốc thang con ốm tháng trước?...
Rồi Hội đồng thi đua cũng nhất trí 100% chốt danh sách đề nghị khen thưởng. Không ai cãi được vì căn cứ vào định lượng. Tổng kết cuối năm, Ban lãnh đạo, những người được đề nghị khen thưởng vui vẻ, hể hả cả, cụng li côm cốp mừng năm học thắng lợi!
Đầu năm học sau, phân công lại chủ nhiệm, lớp dạy, có đến 8/10 người than học sinh yếu, đạo đức kém! Tôi nghĩ than vãn, kêu ca đó là chính xác, nhưng những người kêu ca lại không nghĩ sự thực ấy bản thân mình phải chịu trách nhiệm lớn. Kêu ca là phê phán. Nhưng phê phán ai? Tít mù vòng quanh, nguyên nhân chính vẫn là ở suy nghĩ, hành động trong công tác năm học qua của chính bản thân mình.
Vào năm học mới,  một số thầy cô giáo tâm huyết với nghề âm thầm lặng lẽ lập kế hoạch cá nhân, tìm hiểu lý lịch học sinh lớp mình chủ nhiệm, trăn trở tìm ra phương pháp giảng dạy, giải pháp giáo dục tối ưu mặc dầu năm trước họ không đạt danh hiệu thi đua, mặc tiêu chí thi đua  nghị quyết của nhà trường năn học mới vẫn là định lượng.
Thầy A không đạt Lao động tiên tiến năm trước do thiếu một tiết dự giờ trong khi thầy phải dạy hơn đồng nghiệp nhiều giờ (nhưng cái định lượng ấy chả ai quan tâm bởi cứ vượt giờ đã có thù lao theo quy định nhà nước!). Thầy công tâm, kỹ càng  trong việc góp ý đồng nghiệp nhưng thầy có biết đâu người tiếp thu chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng. Phần lớn giáo viên dự giờ cho đủ chỉ tiêu nhưng ngại góp ý. Nếu được chỉ định, bao giờ họ cũng “ nhất trí với các ý kiến đã đóng góp”, kèm thêm vài câu khen vô thưởng vô phạt, ấy vậy nên được lòng đồng nghiệp, không mất phiếu bầu thi đua.
Ví như việc Đoàn trường phát động làm tập san Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy cô tâm huyết thì theo sát, động viên khuyến khích học trò lại được cho là “nhúng tay vào chuyện của học sinh”. Theo cách ngụy biện của những giáo viên lười biếng hay hạn chế về năng lực: “Việc nó nó làm, tham gia vào có được giải người ta cũng chê cười”. Lập luận ấy trái ngược với nguyên tắc giáo dục: bất cứ mọi hoạt động do nhà trường, Đoàn trường phát động, giáo viên chủ nhiệm phải là người tổ chức, định hướng cho lớp, chịu trách nhiệm trước kết quả đạt được. Thế rồi khi “đếm” phong trào thi đua trong bình xét, có tham gia là như nhau, chẳng ai quan tâm công sức tham gia của giáo viên chủ nhiệm trong hoạt động ấy cả.
Cũng có giáo viên chủ nhiệm bám lớp nhưng học sinh vẫn trốn tiết, bỏ học, quậy phá trong giờ học, đánh nhau. Cái “cần cù” của họ không bù được “khả năng”. Mỗi tiết sinh hoạt cuối tuần họ “thích nghe học sinh nói dối” bởi cứ đưa ra câu hỏi: “Vì sao em không làm bài?”, “vì sao em đi học trễ”…Sau màn “phỏng vấn” đó là bài ca muôn thuở về sự đe nẹt, dọa dẫm: “Tôi sẽ…” nhưng có làm được đâu vì không có quyền hoặc vì thành tích lớp (và cũng gắn liền với thi đua của mình). Bám lớp như vậy là phản giáo dục, họ biến tiết sinh hoạt 15 phút đầu buổi học, sinh hoạt lớp cuối tuần thành tiết kiểm điểm cá nhân và tập thể! Họ quên rằng việc tổng kết, đánh giá thi đua tuần, triển khai công tác tuần tới chỉ 10 – 15 phút, còn lại sinh hoạt tập thể theo chủ đề hàng tháng, bồi dưỡng kỹ năng sống, phương pháp học tập cho các em. Thay vì hồ hởi chờ đợi được sinh hoạt lớp vào cuối tuần, các em có dịp thể hiện bản thân mình thì lại phải nghe giáo viên chủ nhiệm “ca bài ca muôn thuở”, ca chán bắt học sinh ngồi yên lặng chờ hết tiết…Sự “tra tấn” ấy góp phần thúc đẩy học sinh bỏ học, nhất là những học sinh hiếu động, ít được gia đình quan tâm. Vậy nên, khi xem xét tiêu chí thi đua giữ vững sĩ số học sinh đã có giáo viên chủ nhiệm nào, Hội đồng thi đua nào dám nhìn nhận nguyên nhân học sinh bỏ học có một phần lớn của chính mình?
Hoàn thành chỉ tiêu trong giáo dục là tốt nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu thực chất chứ không phải phù phép, chạy theo thành tích. Để phát triển bền vững giáo dục trong nhà trường, khi xây dựng kế hoạch, tiêu chí thi đua cần chú trọng hơn về giải pháp, chất lượng hơn là số lượng cụ thể. Giải pháp đúng đắn, khả thi cộng với tâm huyết người thầy sẽ cho ra kết quả tương ứng. Kết quả ấy lúc đầu có thể chưa “vừa lòng” các cấp lãnh đạo, nhưng khi nó được vận hành trơn tru thì chất lượng giáo dục mới thật vững chắc, mới làm nên “thương hiệu” đơn vị.
Đánh giá thi đua răm rắp theo định lượng không sớm thì muộn dần dần làm phai nhạt, nản lòng những thầy cô giáo tâm huyết. Đấy là hệ lụy đáng sợ nhất, những người được giao công tác quản lý giáo dục cần cảnh tỉnh nếu không sớm muộn gì rồi cũng làm hỏng phong trào thi đua trong nhà trường.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

NGUYỆN...

                 
                   Nguyện làm giọt nước đục
                   Giữa dòng đời xanh trong
                   Hơn làm giọt nước trong
                   Giữa dòng đời ngầu đục.

                   Nguyện làm chim hút mật
                   Châm chích nụ hoa tươi
                   Mặc bướm lả ong lơi
                   Ngàn hoa tàn nhụy rã.

                   Nguyện làm hòn đá nhỏ
                   Cho nhân thế lát đường,
                   Không làm đấng quân vương
                   Phận chư hầu, nô lệ!

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

ĐỒNG DAO CHIM CHÍCH


         Có con chim chích
         Lích ta lích tích
         Chuyền cành
         Nghiêng cái đầu xinh
         Ngó nghiêng
         Làm duyên làm dáng.
         Nụ  hoa  e ấp
         Cơn gió hấp tấp
         Vội vàng
         Vấp phải cánh hoa
         Quàng vào nhánh lá,
         Giọt sương long lanh
         Sắp ngã
         Ông mặt trời cười
         Sương rơi.
         Nụ hoa hỏi lá:
         “Sương đi đâu rồi?”
         Bướm vàng bay tới
         Tìm gió nhành cây
         Chim chích vụt bay
         Lích ta lích tích…

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

CHIỀU RƠI GÓC PHỐ THU XƯA

                                                                                                 
                                                                                     Vẫn nơi chốn cũ thu xưa
                                                                              Nỗi lòng canh cánh ai đưa em về.                      

Giọt cafê rơi
            chiếc lá rơi
            chiều rơi góc phố,
            Ta đợi chờ
            một thuở bâng quơ...
            Chiếc lá khô
            cuộn lăn trên đường phố,
            Rồi nằm yên
            dưới gót giày cao gót của em.
            Em không là của ta
            em kiêu sa xuống phố
            Mái tóc dài
            óng ả gió thu hôn.
            Sau lưng em
            lá rơi
            như những nốt nhạc buồn,
            Đường em qua
            vàng lá
            Ta bẽ bàng
            trông ráng chiều
            bãng lãng...hoàng hôn...

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

HỌC ĐẠI HỌC ĐỂ LÀM GÌ NHỈ?

        
             Là một giáo viên, khi đưa ra câu hỏi: “Học Đại học để làm gì nhỉ?”, chắc chắn có người chửi: “Sao ông ngu thế?”, “Hỏi vậy mà cũng hỏi” hay: “Không vào Đại học thì cho con đi học suốt 12 năm trời để làm gì?”.
            Gốc gác là dân lao động nhưng cái tâm lí, cái hy vọng an nhàn, thu nhập ổn định, có lương hưu và cái căn bệnh sĩ nữa đã thấm vào máu phần lớn phụ huynh rồi truyền cho con cái. Không thể trách họ được, muốn tương lai con em tươi sáng là tốt, là chính đáng. Nhưng…tôi đặt ra câu hỏi: “Học đại học để làn gì nhỉ?” là thế này:
1. Đọc trên báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng (nhưng không dám cam đoan thông tin nào là chính xác bởi vênh lệch nhau), trên 65%sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm hoặc làm trái ngành. Rất mâu thuẫn với những trường Đại học đi “Tư vấn mùa thi” nói rằng sau khi tốt nghiệp trường của họ 90% sinh viên có việc làm.
2. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học (ĐH) ở các thành phố lớn không xin được việc làm, bám trụ lại thành phố làm nghề phổ thông, phần lớn là các dịch vụ. Thật đắng cay cho công việc lao động phổ thông lại sử dụng nhân sự có trình độ ĐH, một sự lãng phí quá lớn.
3. Nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn tuyển nhân viên không cần bằng cấp cao. Ở ta các công ty loại này chủ yếu là gia công, sơ chế nên cần thợ hơn là cần thầy. Vậy nên đã có chuyện ngược đời, đã có em có bằng ĐH nhưng lại phải đi học lại…trung cấp để xin việc (!)
4. Viên chức đang hợp đồng có trình độ ĐH số lượng lớn, nhiều người có “thâm niên” 4 – 5 năm nay rồi vẫn chưa vào được biên chế vì chưa qua thi tuyển công chức. Mà có phải năm nào cũng tổ chức thi tuyển đâu, thành ra có việc làm 4 – 5 năm nay rồi vẫn ở thế bấp bênh. Đợt thi tuyển công chức vừa rồi ở tỉnh tôi, ngành Văn 12 thạc sĩ thi công chức chọn một, còn ĐH dự thi “đông như quân Nguyên”.
5. Nói học ĐH có thu nhập ổn định nhưng phần lớn lương “ba cọc ba đồng”, khó mà khá lên được. Tôi đọc bài của một thạc sĩ toán học làm ở Viện nghiên cứu Toán học ở trên mạng nói rằng lương của chị tháng 3 triệu, chưa bằng phân nửa thu nhập của bà bán xôi đầu ngõ nên có ý định bỏ nghề để…bán xôi! Tôi nghĩ suy nghĩ ấy là tích cực. Ngẫm lại bản thân, hồi những năm 1985 – 1996 tôi cũng đã từng có ý định bỏ nghề bởi đồng lương không đủ sống, may mà ở vùng nông thôn, ngày nghỉ chặt củi, ban đêm đi soi tôm nên cũng vượt qua được. Mấy người bạn “dũng cảm” bỏ nghề ra buôn bán bây giờ khá giả, nhà lầu xe hơi ở quê có, ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có.
6. Nhìn chung chất lượng đào tạo ĐH những năm gần đây không cao so với trước bởi các trường ĐH mọc lên như nấm sau mưa. Tỷ lệ học sinh vào ĐH quá cao, không học được trường này thì học trường khác, chưa kể học dưới dạng liên kết đào tạo ĐH của các Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh. Bình quân chi phí cho con em một năm ăn học “bèo” nhất cũng 35 triệu, tính ra khi tốt nghiệp cũng mất hơn 140 triệu. Đây là khoản tiền quá lớn đối với người lao động. Có một điều khiến tôi băn khoăn là vào học ĐH, các em con nhà khá giả ít lao vào đua đòi hơn con nhà nghèo. Phải chăng bệnh “sĩ”, “cho bằng anh bằng em” nên vô hình trung các “sĩ tử” này góp phần duy trì, kéo dài thời gian thoát nghèo của cha mẹ họ.
Nhiều người khởi nghiệp chỉ vài ba chục triệu đồng, thậm chí chỉ vài triệu đồng (bán xôi sáng, cafê vỉa hè…) mà vẫn xây được nhà cửa khang trang, vẫn thong dong nuôi con… học ĐH(!) Có tấm bằng ĐH trong tay nhưng thất nghiệp lại đua nhau “chạy” việc làm. Chẳng ai nói thật “chạy” cho con em vào chỗ này, chỗ nọ hết bao nhiêu nhưng cứ nói chuyện về việc ấy là than thở. Đua nhau “chạy” thì nhiều nhưng mấy ai được toại nguyện? Riêng cái khoản nhậu, quà cáp làm quen cho có “tình cảm”, biếu xén ngày tư ngày tết ông X bà Z quyền thế đã toát mồ hôi trán rồi chứ chưa nói đến khoản “vi thiềng” chính.
Học để làm việc, học xong rồi cứ phải bám vào “ông” nhà nước mới sống được phản ánh thói ỷ lại, “được mặc đất mất mặc trời” của các cô cậu “cử”. Rất hiếm người học xong ĐH tạo được việc làm cho riêng mình, điều đó cho thấy sau khi ra “lò” ĐH, họ là những viên gạch có sức ì lớn. Và rồi trong tiến trình hội nhập của đất nước với thế giới, chính họ là những người lạc hậu.
Nói đi cũng phải nói lại, cũng có những sinh viên ĐH rất giỏi, rất xuất sắc vì họ có gốc gác kiến thức vững vàng từ thời THPT, chăm chỉ, biết sử dụng công nghệ thông tin vào mục đích học tập, nghiên cứu nên được “đặt hàng” khi đang còn ngồi trên ghế giảng đường. Rất tiếc là những người đó lại làm việc cho…các công ty nước ngoài thay vì làm cho nhà nước!
Một đất nước phát triển phải làm thỏa mãn lòng dân nhưng không phải cái gì cũng chiều theo ý dân. Trách nhiệm này thuộc về những nhà hoạch định chiến lược cấp Bộ, cấp trung ương. Các nước có nền kinh tế cao hơn Việt Nam, người ta phân luồng giáo dục sớm chứ không phải hướng đến “phổ cập THPT”. Một ví dụ, ở Đài Loan, tỷ lệ tốt nghiệp THCS vào THPT chỉ 1/3, còn lại là đào tạo nghề. Do vậy, tỷ lệ thợ lành nghề, kĩ sư rất cân đối đảm bảo cho sự phát triển kinh tế bền vững. Ở ta, thời của chúng tôi – thời bao cấp, có nhiều cái khổ, cái lạc hậu, nhưng có một điều mà các sinh viên tốt nghiệp ĐH bây giờ mơ ước: cứ tốt nghiệp là có việc làm ngay, đúng chuyên ngành đào tạo! Mà cũng đúng thôi, thời ấy rất ít trường ĐH, lại đào tạo theo nhu cầu địa chỉ vùng miền, đầu vào cực kì khó nên phải thực sự giỏi mới đỗ ĐH.
Mấy năm gần đây tôi không mấy quan tâm tới tỷ lệ học sinh đỗ ĐH mà ngóng xem các em tốt nghiệp ĐH có việc làm hay chưa…Có vị phụ huynh con không kiếm được việc làm, tôi “xúi dại” cho cháu học tiếp thạc sĩ. Mất hai năm học nhưng có việc làm, kiến thức chuyên môn vững vàng hơn. Cái thời điểm tôi khuyên anh ấy là vậy, còn bây giờ thạc sĩ cũng phải thi tuyển công chức, tỷ lệ chọi 1/12. Anh ấy đến chơi nhà, nhờ tôi “tham mưu”. Đâm lao phải theo lao, tôi nói
- Hay là anh cho cháu học tiếp tiến sĩ vậy!

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

THƯƠNG VỀ MIỀN XA


         Chưa giã từ em đã xa anh
Trong nhà đèn chong ngoài sân trăng lạnh,
Cuối trời xa một ngôi sao lấp lánh
Bàng bạc sương giăng mờ trắng con đường.

Sao cuối trời -  một ngôi sao cô đơn
Nhà không em -  đèn nghiêng lẻ bóng,
Nửa vầng trăng soi con đường vắng
Sương trắng tràn lạnh cóng hàng mi.

Phía cuối con đường em đang đi
Xuân rực rỡ tươi màu trăng chín?
Có nhớ phút giây bên nhau lưu luyến
Đêm triền đê sương giăng kín lối về?

Em nhớ chăng phận gái chân quê
Bước lên phố đâu phải mình dân phố?
Những phù phiếm xa hoa cám dỗ
Giữa đời thường lắm lắm những mưu mô.

Anh thăm đồng: nứt nẻ ruộng khô
Còn lưu dấu chân em mùa trước
Chốn thị thành em ơi có biết
Anh ướm chân mình vào vết chân em…

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

ƯỚC GÌ EM HIỂU

                  
                    Chẳng thể khác đâu. Sao khờ dại
                   Mắt nàng lúng liếng cả trong mơ
                   Ta yêu. Ai cấm hồn say đắm
                   Say bóng, say hình, say…vẩn vơ.

                   Ước gì – ta ước em và ta
                   Chung gối chung chăn một mái nhà
                   Ríu rít tiếng chim đàn con trẻ
                   Rộn tiếng cười hạnh phúc reo ca.

                   Thầm yêu, ta mộng ước thế thôi
                   Em đi - giăng sương tím chân trời
                   Gửi gió nói giùm lời giã biệt
                   Ước gì em hiểu tấm lòng tôi.

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

LỤC BÁT CHO NGƯỜI ĐI


Người đi gánh gió qua sông
Ta về đốt rạ trên đồng gửi theo
Người trèo quán dốc cheo leo
Ta xuôi xuống nửa lưng đèo hái mơ
Người đi phụ bạc câu thơ
Ta về bến cũ đợi chờ trăng lên
Ta thì nhớ, người thì quên
Bàn chân in dấu qua miền cỏ hoa
Ta vun luống đất trồng cà
Người đem yếm thắm dải tà tặng ai
Nhớ nhung mới biết đêm dài
Thương ai khăn vắt vai hoài cứ rơi
Hoa cau rụng trắng sân rồi
Lá trầu cay liếc mây trôi cuối trời
Người đi, ta cũng rong chơi
Khi đứng đống lửa khi ngồi đống than
Người đi bán cái hồng nhan
Ta về bán lá trầu vàng mua vôi
Chạnh lòng, hát khúc “Người ơi…”
Cầu xưa dải yếm ta ngồi…tương tư.

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

TỰ TÌNH (II) ĐAU ĐÁU MỘT KHÁT VỌNG


                TỰ TÌNH (II)

          Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
         Trơ cái hồng nhan với nước non.
         Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
         Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
         Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
         Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
         Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
         Mảnh tình san sẻ tí con con!

       Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sống mãi trong hồn dân tộc bởi tài năng thi ca rất độc đáo, lớn lao trong khuynh hướng phản kháng, chống đối lại mọi ràng buộc tinh thần xã hội phong kiến giai đoạn tàn lụi, nêu cao tinh thần nhân đạo vượt thời đại. Thơ Hồ Xuân Hương gợi cho người đọc khi sảng khoái, thích thú, lúc đồng cảm, xót xa. Riêng những bài thơ viết về mình, cho mình thể hiện rõ ý thức cá nhân, tâm tư sâu lắng của “bà chúa thơ Nôm” mà Tự Tình (II) là một trong số đó.
       Đêm sâu vắng lặng gợi trong tâm trí người đọc bởi “văng vẳng trống canh dồn”. Đây là thủ pháp nghệ thuật lấy động để tả tĩnh. “Văng vẳng” là từ xa đưa lại, tiếng được tiếng mất nhưng tác giả cảm nhận được tiếng trống gấp gáp bằng trực giác qua chữ “dồn”. Có lẽ người đánh trống cầm canh mong thời gian trôi nhanh bằng thúc nhịp trống? Trong cái đêm vắng lặng ấy, có một khuê phụ đang thức:
         Trơ cái hồng nhan với nước non.
 “Trơ” trong tiếng Việt có nhiều nghĩa, ở văn cảnh này được hiểu như sau:
       - ở vào tình trạng chỉ còn lẻ loi một mình.
       - sượng mặt vì ở vào tình trạng lẻ loi khác biệt quá so với chung quanh, không có sự gần gũi, hòa hợp. Hồng nhan chỉ người phụ nữ đẹp sắc sảo, kiêu sa. Theo quan niệm xưa những người phụ nữ hồng nhan cuộc đời ba chìm bảy nổi: “Quân tử gian nan hồng nhan bạc phận”.
       Về qui tắc ngữ pháp, “cái” ở đây là trợ từ, đứng trước danh từ “hồng nhan” biểu thị ý nhấn mạnh về sắc thái cảm xúc thân phận của tác giả. Như vậy, hồng nhan đã bạc phận rồi, “cái hồng nhan” được chỉ định cụ thể hơn, kết hợp với “trơ” thì không còn chút duyên nào nữa. Thế nhưng “cái hồng nhan” dù có trơ ra thì vẫn phải sánh “với nước non” chứ đâu chịu tầm thường, nhỏ bé. Câu thơ khẳng định rõ ý thức về bản thân của tác giả. 
         Chén rượu hương đưa say lại tỉnh 
         Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
       Say để quên đi nỗi buồn thân phận. Từ xưa tới nay có ai độc ẩm vì vui bao giờ. Càng cố quên lại càng nhớ. Sức mạnh của men rượu không lấn át, xóa nhòa được nỗi tái tê trong lòng. Cô đơn mang rượu ra uống, càng uống cảm giác cô đơn càng dâng trào giữa không gian cao rộng quá. Trong một đêm, trăng làm gì có trăng khuyết, trăng tròn. Mỗi tháng viên mãn nhất ngày rằm, còn phần lớn là méo, là khuyết. Phận lẽ mọn mấy khi được ái ân, sum vầy. Mỗi lần tái hợp vào ngày trăng tròn hay trăng viên mãn trong tâm hồn ngày gặp gỡ, cho dù cao xanh kia trăng khuyết? Có phải chăng từ ý thơ này mà thi sĩ Phi Tuyết Ba đã viết bài thơ tuyệt hay với nhan đề Trăng khuyết
         Anh ngỏ lời yêu em 
         Vào một đêm trăng khuyết 
         Bởi tình yêu tha thiết 
        Biết tròn trước đêm rằm.

         Em vui lúc trăng tròn 
         Chạnh lòng khi trăng khuyết 
         Anh ơi anh có biết 
         Trăng như tình lứa đôi?

         Sao anh vội ngỏ lời 
         Vào một đêm trăng khuyết 
         Để bây giờ thầm tiếc 
         Một vầng trăng chưa tròn. 
       Trở lại hai câu thực của bài thơ, người đọc đồng cảm với tâm trạng tác giả. Quãng thời gian qui ước không thay đổi, nó chỉ thay đổi theo hoàn cảnh tâm trạng. Khi vui thì: “Cuộc vui ngắn chẳng tày gang”, khi buồn thì: 
 Sầu đong càng lắc càng đầy 
 Ba thu dọn lại một ngày dài ghê. 
                                                                                      (Nguyễn Du)
       Bởi thế, với bản thân tác giả: say - lại - tỉnh; với vũ trụ: khuyết - chưa - tròn là một quá trình thời gian. Đây là minh chứng rõ ràng nhất của “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. 
       Còn trẻ, như câu kết Tự tình (I) khẳng định: “Thân này đâu đã chịu già tom”, còn khát khao bỏng cháy với hạnh phúc lứa đôi nhưng đối mặt với hoàn cảnh thực tại, độc giả hiểu diễn biến tâm trạng của tác giả vùng lên, phá cách ở hai câu luận, đậm phong cách Hồ Xuân Hương: 
         Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám 
         Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
       Một đêm đã trôi qua, trước mặt sân rêu từng đám, chân mây kia đã hiện rõ những hòn đá chồng lên nhau. Vạn vật muốn vươn lên sinh tồn, huống chi con người, mà con người này có tài, có tâm, có khát khao sống, khát khao hạnh phúc lứa đôi bỏng cháy. Nữ sĩ sử dụng nghệ thuật đảo ngữ, câu thơ mạnh mẽ hơn. Yếu ớt như rêu cũng xiên ngang mặt đất mà mọc lên, ở chân trời kia đá dựng lên đâm toạc chân mây. Dù mềm yếu như rêu hay cứng như đá đều không chấp nhận sự đè nén, khuôn phép định sẵn. Phải chăng mượn những hình ảnh này, tác giả bộc lộ sự phẩn uất, phản kháng với lễ giáo đa thê hà khắc xã hội thời phong kiến? Hai câu thơ kết giải tỏa suy luận của người đọc: 
         Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
         Mảnh tình san sẻ tí con con!
       Xuân đi rồi xuân trở lại, tuổi xuân con người một đi không trở lại, Hồ Xuân Hương ý thức rất rõ về điều đó. Thân phận lẽ mọn, tình duyên chỉ là “mảnh tình” chứ đâu được trọn vẹn như “mối tình”, đã thế chỉ được “san sẻ - tí - con con” nên mỗi mùa xuân qua lại già thêm một tuổi, hỏi sao không ngán ngẩm, chán chường. Con người ta, với tuổi xuân - tuổi của khát khao hạnh phúc đôi lứa, cho dù thân phận, địa vị như thế nào điều đó vẫn không thay đổi. Cho nên, nỗi ngán ngẩm, chán chường mà tác giả thổ lộ ấy làm nổi bật giá trị nhân đạo của bài thơ. Đồng điệu với nữ sĩ, nhà thơ Xuân Diệu viết trong bài Vội vàng
         Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật,
         Không cho dài thời trẻ của nhân gian, 
         Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
         Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
       Xuyên suốt trong bài thơ Tự tình (II) là nỗi đau buồn, phẫn uất trước duyên phận, đau đáu một khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc. Viết cho mình, đau nỗi đau của mình nhưng bài thơ có mẫu số chung cho tất cả phụ nữ chịu thân phận lẽ mọn dưới thời phong kiến nên giá trị nhân đạo sâu sắc, vượt thời đại. Về phương diện nghệ thuật, cách dùng từ, tả cảnh, tả tình độc đáo; nhiều ý thơ gợi cho độc giả, thi sĩ lớp sau nhiều liên tưởng, mạch nguồn cảm xúc trong cảm nhận và sáng tác.

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

NGẪM ĐỜI, TA GỬI CHO TA


Trầm luân muôn kiếp con người
Buồn đau đừng khóc, sướng vui đừng cười.
Phong trần có lúc mà thôi,
Bền gan vững chí thế rồi cũng qua!
*
Thủy chung ta mãi là ta
Yêu người chẳng quản trông xa, đợi gần.
Mặc ai bạc nghĩa bạc tình,
Lòng ta khắc chữ chân thành - thế thôi!
*
Ngẫm suy thế thái cuộc đời
Giàu sang, thời vận đến rồi lại đi,
Giơ tay níu kéo ích gì
Sao không lường trước những khi đang còn?
*
Muôn ngàn gác tía lầu son
Làm sao sánh nổi tâm hồn sáng trong?
Tim ta loạn nhịp, nao lòng
Người yêu ta cả khi không sang giàu!
*
Cuộc đời bãi bể nương dâu
Sai đâu với kẻ cạnh cầu, mưu mô
Ngẫm xa xưa đến bây giờ
Tâm trong hồn sáng nở hoa muôn đời!
*
Mấy vần dân dã vậy thôi
Gửi cho ai cũng là lời nhắc ta.

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

SÁNG NGÀY EM ĐI HÁI DÂU


Sáng ngày em đi hái dâu
Gặp hai anh ấy ngồi câu Thạch Bàn
Hai anh đứng dậy hỏi han
Hỏi rằng: cô bé vội vàng đi đâu?
Thưa rằng: em đi hái dâu
Hai anh vội vã giở trầu mời ăn
Thưa rằng: bác mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

          Thơ ca dân gian phản ánh tâm hồn dân tộc đa chiều, đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau. Cảm nhận chung về thơ ca dân gian là dễ hiểu bởi đối tượng phục vụ đại chúng. Tuy nhiên, trong kho tàng thơ ca dân gian không phải không có những tác phẩm “ý tại ngôn ngoại”. Đọc lại bài ca dao Sáng ngày em đi hái dâu chúng ta thấy thông điệp của tác giả rõ ràng, được cài đặt chặt chẽ, tinh tế, ẩn trong từng chi tiết, từng câu, từng chữ.

          Nhân vật trữ tình trong bài ca dao là cô gái nông thôn, câu chuyện cô kể là việc gặp gỡ hai chàng trai đang câu cá ở Thạch Bàn, trong buổi sáng đi hái dâu.
          “Nuôi lợn ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng”, tục ngữ nói như thế. Công việc băm bèo thái rau nấu cám nuôi lợn ai bảo không vất vả? Nhưng vất vả đó so với việc nuôi tằm thì chẳng thấm vào đâu. “Ăn như tằm ăn lên”, không đủ lá dâu cho tằm ăn dù chỉ một bữa thôi sẽ không thu được kén. Cho nên, gia đình nông dân nào nuôi tằm cũng vội vội vàng vàng, ngay cả bữa ăn cũng vậy. Bãi dâu xanh, nón lá trắng, bàn tay thôn nữ thoăn thoắt như múa vin cành hái lá đi vào thi ca như biểu tượng đẹp về sự duyên dáng, yên bình. Đằng sau biểu tượng ấy là sự vất vả, vội vàng mà người trong cuộc mới hiểu được. Vì thế, hành động, lời chào hỏi của hai chàng cũng gấp gáp:
          - đứng dậy hỏi han
          - vội vã giở trầu mời ăn.
          Trước tình thế ấy, cô gái xử lí khéo léo bằng việc trả lời câu hỏi ngắn gọn, đủ ý, lễ phép: “Thưa rằng: em đi hái dâu”
          Chỉ bốn chữ: “em đi hái dâu” giải thích vì sao em phải vội vàng. Vội vàng vì công việc chứ không phải cốt cách phong thái em như thế.
          Cách từ chối ăn trầu của cô gái tinh tế, không làm phật lòng người mời trầu. Em không dám ăn trầu của hai anh vì luôn nhớ lời dạy của bác, mẹ. Có lý nào hai anh lại trách một “cô bé” hiếu thuận? Em đã thoát khỏi tình thế nhạy cảm bằng trí thông minh. Nhận trầu anh này thì phật lòng anh kia. Nhận cả hai thì rõ là người tham lam. Nhận thì phải ăn, mà “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, ăn miếng trầu rồi khó mà dứt ra được khi đang phải vội vàng vì công việc…
          Chuyện chỉ có vậy, chịu khó suy luận một chút, người đọc ngầm hiểu cô bé muốn nói gì.
          - Thứ nhất, cô là người siêng năng, chịu khó, nhanh nhẹn. Ba phẩm chất vừa nêu là điều kiện cần và đủ cho nghề nuôi tằm dệt lụa.
          - Thứ hai, cô là người hiếu thảo, coi trọng phép tắc gia đình.
         - Thứ ba, không một từ ngữ nào đề cập, nhưng chắc chắn cô là thiếu nữ xinh đẹp. Điều này thể hiện rõ ở việc hai anh chàng đi câu ở Thạch Bàn chỉ là cái cớ, là giả, chặn đường em nói chuyện mới là thật. Hành động vội vàng có chủ ý của hai anh tố cáo điều đó.
          Xinh đẹp, siêng năng, con nhà gia giáo “cô bé” chính là “đối tượng” để hai anh “câu” rồi.
          Chỉ thế thôi, tinh tế mà kín đáo, cô gái đã phát đi thông điệp mình không còn là “cô bé” nữa. Câu trả lời với hai chàng khẳng định điều ấy qua mấy chữ: “làm thân con gái”. Lí gì mà hai chàng mời trầu “cô bé”? Cô bé chỉ ăn kẹo thôi, người ta chỉ ăn trầu khi độ tuổi cập kê, “miếng trầu nên dâu nhà người” mà lại! Hóa ra, từ dùng “cô bé” của hai anh là ẩn ý yêu thương. Lời nói và hành động của hai anh mâu thuẫn, mâu thuẫn thường gặp của trái tim yêu mong chờ hồi đáp mà chỉ liếc mắt thôi, ai cũng hiểu.
          Chuyện xảy ra ban sáng, được kể trong ngày nên mang tính thời sự cao. Người nghe em kể là anh hay chị, nhất quyết không là cô dì chú bác ông bà cha mẹ. Đại từ nhân xưng khẳng định điều đó. Anh chị có thật cần thiết nghe câu chuyện chẳng có gì đáng nói, lại không rõ ràng với hai anh ấy? Một trong những đặc trưng của Văn học dân gian là tính phiếm chỉ (chỉ chung), nhưng chắc chắn hai anh ấy không phải là phiếm chỉ. Người nghe em kể chuyên biết hai anh ấy. Vậy nên, người nghe em kể chuyện là ai khác ngoài người em yêu?
          Yêu nhau, chuyện gì cũng kể cho nhau, là chuyện của…yêu nhau(!) Một câu chuyện nghe qua tưởng như không có gì đặc biệt, song người nghe là người yêu thì ẩn ý nhiều điều:
          - đấy nhé, ngoài anh ra, chí ít còn có hai anh theo đuổi em.
         - sự thật là thế, nhưng anh đừng lo, em đã khéo léo từ chối rồi, em chỉ yêu mình anh thôi.
          Chàng trai nào không đắm say, hạnh phúc khi có người yêu siêng năng, thông minh, xinh đẹp, thủy chung? Em chỉ nói về em thôi nhưng chắc chắn anh phải biết làm gì để em mãi là người của anh.

          Câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Qua câu chuyện, người nghe, người đọc cảm nhận được niềm kiêu hãnh ngầm của cô: siêng năng, nhanh nhẹn, có nét duyên thầm, dễ thương, con nhà gia giáo, và quan trọng hơn hết là tình yêu đôi lứa thủy chung.