Là
một giáo viên, khi đưa ra câu hỏi: “Học Đại học để làm gì nhỉ?”, chắc chắn có
người chửi: “Sao ông ngu thế?”, “Hỏi vậy mà cũng hỏi” hay: “Không vào Đại học
thì cho con đi học suốt 12 năm trời để làm gì?”.
Gốc
gác là dân lao động nhưng cái tâm lí, cái hy vọng an nhàn, thu nhập ổn định, có
lương hưu và cái căn bệnh sĩ nữa đã thấm vào máu phần lớn phụ huynh rồi truyền
cho con cái. Không thể trách họ được, muốn tương lai con em tươi sáng là tốt,
là chính đáng. Nhưng…tôi đặt ra câu hỏi: “Học đại học để làn gì nhỉ?” là thế
này:
1. Đọc trên báo,
trên các phương tiện thông tin đại chúng (nhưng không dám cam đoan thông tin
nào là chính xác bởi vênh lệch nhau), trên 65%sinh viên tốt nghiệp đại học
không có việc làm hoặc làm trái ngành. Rất mâu thuẫn với những trường Đại học
đi “Tư vấn mùa thi” nói rằng sau khi tốt nghiệp trường của họ 90% sinh viên có
việc làm.
2. Nhiều sinh
viên tốt nghiệp đại học (ĐH) ở các thành phố lớn không xin được việc làm, bám
trụ lại thành phố làm nghề phổ thông, phần lớn là các dịch vụ. Thật đắng cay
cho công việc lao động phổ thông lại sử dụng nhân sự có trình độ ĐH, một sự
lãng phí quá lớn.
3. Nhiều công ty
trách nhiệm hữu hạn tuyển nhân viên không cần bằng cấp cao. Ở ta các công ty loại
này chủ yếu là gia công, sơ chế nên cần thợ hơn là cần thầy. Vậy nên đã có chuyện
ngược đời, đã có em có bằng ĐH nhưng lại phải đi học lại…trung cấp để xin việc
(!)
4. Viên chức
đang hợp đồng có trình độ ĐH số lượng lớn, nhiều người có “thâm niên” 4 – 5 năm
nay rồi vẫn chưa vào được biên chế vì chưa qua thi tuyển công chức. Mà có phải
năm nào cũng tổ chức thi tuyển đâu, thành ra có việc làm 4 – 5 năm nay rồi vẫn ở
thế bấp bênh. Đợt thi tuyển công chức vừa rồi ở tỉnh tôi, ngành Văn 12 thạc sĩ
thi công chức chọn một, còn ĐH dự thi “đông như quân Nguyên”.
5. Nói học ĐH có
thu nhập ổn định nhưng phần lớn lương “ba cọc ba đồng”, khó mà khá lên được.
Tôi đọc bài của một thạc sĩ toán học làm ở Viện nghiên cứu Toán học ở trên mạng
nói rằng lương của chị tháng 3 triệu, chưa bằng phân nửa thu nhập của bà bán
xôi đầu ngõ nên có ý định bỏ nghề để…bán xôi! Tôi nghĩ suy nghĩ ấy là tích cực.
Ngẫm lại bản thân, hồi những năm 1985 – 1996 tôi cũng đã từng có ý định bỏ nghề
bởi đồng lương không đủ sống, may mà ở vùng nông thôn, ngày nghỉ chặt củi, ban
đêm đi soi tôm nên cũng vượt qua được. Mấy người bạn “dũng cảm” bỏ nghề ra buôn
bán bây giờ khá giả, nhà lầu xe hơi ở quê có, ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có.
6. Nhìn chung chất
lượng đào tạo ĐH những năm gần đây không cao so với trước bởi các trường ĐH mọc
lên như nấm sau mưa. Tỷ lệ học sinh vào ĐH quá cao, không học được trường này
thì học trường khác, chưa kể học dưới dạng liên kết đào tạo ĐH của các Trung
tâm giáo dục thường xuyên tỉnh. Bình quân chi phí cho con em một năm ăn học “bèo”
nhất cũng 35 triệu, tính ra khi tốt nghiệp cũng mất hơn 140 triệu. Đây là khoản
tiền quá lớn đối với người lao động. Có một điều khiến tôi băn khoăn là vào học
ĐH, các em con nhà khá giả ít lao vào đua đòi hơn con nhà nghèo. Phải chăng bệnh
“sĩ”, “cho bằng anh bằng em” nên vô hình trung các “sĩ tử” này góp phần duy
trì, kéo dài thời gian thoát nghèo của cha mẹ họ.
Nhiều người khởi
nghiệp chỉ vài ba chục triệu đồng, thậm chí chỉ vài triệu đồng (bán xôi sáng,
cafê vỉa hè…) mà vẫn xây được nhà cửa khang trang, vẫn thong dong nuôi con… học
ĐH(!) Có tấm bằng ĐH trong tay nhưng thất nghiệp lại đua nhau “chạy” việc làm.
Chẳng ai nói thật “chạy” cho con em vào chỗ này, chỗ nọ hết bao nhiêu nhưng cứ
nói chuyện về việc ấy là than thở. Đua nhau “chạy” thì nhiều nhưng mấy ai được
toại nguyện? Riêng cái khoản nhậu, quà cáp làm quen cho có “tình cảm”, biếu xén
ngày tư ngày tết ông X bà Z quyền thế đã toát mồ hôi trán rồi chứ chưa nói đến
khoản “vi thiềng” chính.
Học để làm việc,
học xong rồi cứ phải bám vào “ông” nhà nước mới sống được phản ánh thói ỷ lại, “được
mặc đất mất mặc trời” của các cô cậu “cử”. Rất hiếm người học xong ĐH tạo được
việc làm cho riêng mình, điều đó cho thấy sau khi ra “lò” ĐH, họ là những viên
gạch có sức ì lớn. Và rồi trong tiến trình hội nhập của đất nước với thế giới,
chính họ là những người lạc hậu.
Nói đi cũng phải
nói lại, cũng có những sinh viên ĐH rất giỏi, rất xuất sắc vì họ có gốc gác kiến
thức vững vàng từ thời THPT, chăm chỉ, biết sử dụng công nghệ thông tin vào mục
đích học tập, nghiên cứu nên được “đặt hàng” khi đang còn ngồi trên ghế giảng
đường. Rất tiếc là những người đó lại làm việc cho…các công ty nước ngoài thay
vì làm cho nhà nước!
Một đất nước
phát triển phải làm thỏa mãn lòng dân nhưng không phải cái gì cũng chiều theo ý
dân. Trách nhiệm này thuộc về những nhà hoạch định chiến lược cấp Bộ, cấp trung
ương. Các nước có nền kinh tế cao hơn Việt
Nam, người ta phân luồng giáo dục sớm chứ không phải hướng đến “phổ cập
THPT”. Một ví dụ, ở Đài Loan, tỷ lệ tốt nghiệp THCS vào THPT chỉ 1/3, còn lại
là đào tạo nghề. Do vậy, tỷ lệ thợ lành nghề, kĩ sư rất cân đối đảm bảo cho sự
phát triển kinh tế bền vững. Ở ta, thời của chúng tôi – thời bao cấp, có nhiều
cái khổ, cái lạc hậu, nhưng có một điều mà các sinh viên tốt nghiệp ĐH bây giờ
mơ ước: cứ tốt nghiệp là có việc làm ngay, đúng chuyên ngành đào tạo! Mà cũng
đúng thôi, thời ấy rất ít trường ĐH, lại đào tạo theo nhu cầu địa chỉ vùng miền,
đầu vào cực kì khó nên phải thực sự giỏi mới đỗ ĐH.
Mấy năm gần đây
tôi không mấy quan tâm tới tỷ lệ học sinh đỗ ĐH mà ngóng xem các em tốt nghiệp
ĐH có việc làm hay chưa…Có vị phụ huynh con không kiếm được việc làm, tôi “xúi
dại” cho cháu học tiếp thạc sĩ. Mất hai năm học nhưng có việc làm, kiến thức
chuyên môn vững vàng hơn. Cái thời điểm tôi khuyên anh ấy là vậy, còn bây giờ
thạc sĩ cũng phải thi tuyển công chức, tỷ lệ chọi 1/12. Anh ấy đến chơi nhà, nhờ
tôi “tham mưu”. Đâm lao phải theo lao, tôi nói
- Hay là anh cho
cháu học tiếp tiến sĩ vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét