Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

HOA NẮNG


          Nắng xuyên qua tán lá
          Vẽ hoa xuống sân trường,
          Tà áo ai vừa khuất
          Còn thoang thoảng mùi hương.

                   Chỉ còn mỗi mình anh
                   Đợi mùa thu trở lại
                   Phượng hồng thay áo mới
                   Mà nao lòng rưng rưng?...
                            
                            Sân trường rộng mênh mông
                            Ngập tràn đầy hoa nắng
                            Rồi từ nay trống vắng
                            Hương thơm tà áo em.

                                     Mùa hạ tiễn em đi
                                     Mùa sân trường trống vắng,
                                     Mỗi lần nhìn hoa nắng
                                     Rưng rưng hồn rưng rưng!...

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

TÂN XUẤT NGỤC HỌC ĐĂNG SƠN - BÀI THƠ HAY CỦA BÁC


TÂN XUẤT NGỤC HỌC ĐĂNG SƠN

                        Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,
                        Giang tâm như kính, tịnh vô trần.
                        Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh,
                        Giao vọng Nam thiên ức cố nhân.
Bản dịch của Nam Trân:
                        Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
                        Lòng sông gương sáng, bụi không mờ.
                        Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
                        Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.
Bản dịch của T. Lan (Bác Hồ):
Mây ôm núi núi ôm mây,
Lòng sông sạch chẳng bay bụi hồng;
Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong,
Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai.

            Thơ hay bởi xúc cảm mãnh liệt và biệt tài sử dụng ngôn từ của tác giả. Thơ hay, người đọc không thể đọc qua một lần mà cảm nhận hết ý nghĩa nội dung, nghệ thuật. Ban đầu, yêu thích một bài thơ nào đó là do trực giác. Thuộc bài thơ rồi, đọc trong đầu hay lẩm nhẩm, đôi khi phát hiện thêm một chi tiết hay ý nghĩa sâu xa của từ ngữ làm cho ta sảng khoái, sung sướng. Một bài thơ ngắn hay bao giờ “độ nén” ý nghĩa nội dung, nghệ thuật cũng lớn, bài viết này lấy Tân xuất ngục học đăng sơn của Bác để khảo nghiệm.
            Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Câu đầu (khai) tả cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khoáng đạt. Vị trí của tác giả và cảnh vật có khoảng cách khá xa, đủ để thu vào tầm mắt núi non trùng điệp, mây như những tấm khăn quàng quấn ngang qua. Câu thơ độc đáo ở chỗ bảy chữ mà chỉ có bốn từ đơn: vân, ủng, trùng, sơn được dùng đi dùng lại. “Trùng” là lặp lại, liên tiếp. Trùng sơn là những ngọn núi nối tiếp nhau. Thông thường, nhịp thơ xác định điểm ngưng ngắn khi đọc thơ để tách ý trong một câu thơ, nhưng cái hay ở đây, ngắt đúng nhịp, cả câu vẫn kết nối chặt chẽ. Chữ “sơn” sau “trùng sơn” là một nét nhấn, tạo độ sâu của bức tranh phác thảo Tây Phong Lĩnh bằng bốn chữ. Nam Trân dich câu thơ này:
            Núi ấp ôm mây mây ấp núi.
T. Lan dịch:
            Mây ôm núi, núi ôm mây.
Cả hai câu thơ dịch chưa chuyển tải hết ý nghĩa nguyên bản. Nam Trân giữ nguyên số chữ nhưng làm tối đi khung cảnh. Câu thơ của Bác mở đầu là “mây” kết thúc cũng là “mây” gợi cho người đọc cảm giác khoáng đãng; câu thơ dịch đảo lại, bắt đầu là “núi” kết thúc cũng là “núi”, khác gì đứng trong thung lũng nhìn lên? Điều này không hợp với tâm trạng của tác giả “mới ra tù tập leo núi”.
            Câu thơ dịch của T. Lan giữ được ý nhưng thiếu đi một chữ quan trọng - chữ “trùng” (Nam Trân cũng vậy). Nam Trân dịch theo thể thất ngôn, T. Lan dịch theo thể lục bát. Tổng số chữ trong cả bài đều là 28, nhưng mới khảo sát, đối chiếu câu thơ đầu thôi, chúng ta thấy chuyển tải từ ngữ từ nguyên bản sang dịch khó đến nhường nào.
            Câu thơ thứ hai (thừa) đẹp đến nao lòng. Vị trí tác giả ngắm dòng sông lưng chừng núi, từ trên nhìn xuống, khoảng cách không xa lắm. Từ dùng “tịnh vô trần” khẳng định “tuyệt nhiên không có bụi trần”, làm cho không gian yên tĩnh càng yên tĩnh hơn, dòng sông trong trẻo càng trong trẻo hơn, phản quang dòng sông dưới ánh nắng càng lấp lánh hơn. Từ dùng như ngọc quí không tì vết khiến học giả uyên thâm Nam Trân và ngay cả chính tác giả nữa, không thể chuyển tải hết cái thần của câu thơ:
- Lòng sông gương sáng, bụi không mờ
                                          (Nam Trân)
            - Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng.
                                                               (T. Lan)
            Chỉ với hai câu thơ, câu đầu là nét phác thảo, câu thứ hai đặc tả, Người đã vẽ nên bức tranh sơn thủy tuyệt bích. Bức tranh có bố cục cân đối, chặt chẽ bởi qui luật xa - gần, trên - dưới. Người vẽ tranh và người xem tranh không cùng thế hệ, không cùng thời đại đi chăng nữa cũng gặp nhau ở xúc cảm bồi hồi.
            Câu thơ thứ ba (chuyển), tác giả sử dụng động từ “độc bộ” (bước từng bước một) ngay sau động từ “bồi hồi” trong hoàn cảnh “mới ra tù” đang “tập leo núi” gợi cho người đọc cảm nhận xúc cảm trong lòng tác giả mỗi lúc một trào dâng. “Bồi hồi” là nhãn tự của bài thơ, là cái trục, cái bản lề mở về hai phía. Phía trước là cảnh đẹp Tây Phong Lĩnh và hoàn cảnh thực tại như đã nói, và phía sau - nằm trọn ven ở câu cuối (hợp):
            Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.
Nam trân dịch:
            Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.
T. Lan dịch:
            Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai.
            “Dao vọng” là đứng trên cao mà trông về, “ức” là nhớ, “cố nhân” nghĩa tường minh là bạn cũ. “Cố nhân” là từ được sử dụng khá thông dụng trong đời sống xã hội với ý nghĩa là người bạn thân thiết, rất hiểu nhau. Câu thơ dịch của Nam Trân tường minh nhưng vẫn thiếu cái hồn của “dao vọng”. Câu thơ dịch của tác giả cho chúng ta biết “Nam thiên” cũng chính là tổ quốc. Từ dùng ước lệ “trời Nam”, “cành Nam” chỉ tổ quốc với các bậc túc nho ngày xưa là phổ thông, nên Bác dịch như vậy không có gì lạ. Về ước lệ đã nêu, chúng ta hiểu thêm vì sao cụ Phan Bội Châu lại lấy tên hiệu Sào Nam:
            Hồ mã tê sóc phong
            Việt điểu sào nam chi
            (Ngựa Hồ hí gió bắc
Chim Việt đậu cành Nam)
Đứng trên đỉnh núi cao, không gian càng rộng, chỉ một mình, người ta càng cảm thấy lẻ loi, cô đơn. Ở bài thơ này, tâm trạng đầy ắp nỗi nhớ nhung tổ quốc, cố nhân của Bác không gợi cho người đọc nỗi cô đơn. Vì sao như vậy? Sau “dao vọng” là “Nam thiên” - trời Nam - tổ quốc, gợi không gian rộng mở trong tâm thức, là nỗi khát khao trở về của người chiến sĩ cách mạng, khác xa vọng chân mây, thấy chân trời xa mù mịt. Cùng tâm trạng nhớ nhung, pha thêm sắc tím lên bầu trời, Xuân Diệu có câu thơ tuyệt hay về nỗi cô đơn:
            Chiều vọng chân mây nhớ tím trời.
Nhớ nước song hành nỗi nhớ bạn - những người đồng chí vỡ òa ra khi Người đứng trên đỉnh Tây Phong Lĩnh. Khi ở trong tù, Bác bị hành hạ đến nỗi:
Răng rụng mất một chiếc
Tóc bạc thêm mấy phần
Gầy đen như quỉ đói
Ghẻ lở mọc đầy thân
           (Bốn tháng rồi)
Ra tù, Bác tập leo núi rèn luyện sức khỏe mong sớm được trở về tổ quốc, với bạn bè đồng chí của mình. Từ “trùng sơn” ở câu thơ đầu cho chúng ta thấy Tây Phong Lĩnh hùng vĩ, hiểm trở, thế nhưng kiên trì “độc bộ” Bác đã chinh phục được đỉnh núi. Cái cảm giác sung sướng khi vượt qua được khó khăn, cản trở cũng có phần trong xúc cảm bồi hồi. Như vậy, Bác bồi hồi bởi cảnh đẹp Tây Phong lĩnh, bồi hồi vì chinh phục được những đỉnh núi cao trập trùng, bồi hồi vì nhớ tổ quốc, bạn bè - đồng chí.
            Bài thơ Tân xuất ngục học đăng sơn Bác viết khoảng giữa tháng 9 năm 1943 khi mới được ra tù nhưng vẫn còn bị giam lỏng ở Liễu Châu. Trong Hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: khi nhận được một tờ báo từ Trung Quốc gửi về, rìa tờ báo có ghi dòng chữ: “Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác tốt. Ở bên này bình yên” bằng chữ Hán, biết ngay là chữ của Bác. Dưới dòng chữ là bài thơ tứ tuyệt, đọc bài thơ biết Bác còn sống, nơi ở và tâm trạng của Người, các đồng chí ở chiến khu Cao - Bắc - Lạng cảm động đến rơi nước mắt. Thì ra đây là bức thư Bác gửi cho đồng chí của mình. Ngẫm lại, 28 chữ thôi mà đầy đủ thông tin:
            - Bác đang còn sống, ở chân núi Tây Phong Lĩnh (Liễu Châu).
            - Tấm lòng của Bác trong sáng, kiên định lý tưởng cách mạng qua ẩn ý: “Giang tâm như kính tịnh vô trần”.
            - Canh cánh nỗi nhớ về Tổ quốc, bạn bè, đồng chí.
            Như vậy, chúng ta rõ mục đích tạo lập văn bản này của Bác. Đây là một bức thư (phong cách ngôn ngữ nói) lại được thể hiện bằng thơ (phong cách ngôn ngữ nghệ thuật). Điều này thể hiện tài năng trác việt của Người.
            Ngoài giá trị nội dung, nghệ thuật, bài thơ còn là một tư liệu lịch sử trong quãng đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
            Hiểu và cảm Tân xuất ngục học đăng sơn qua bài thơ dịch của Nam Trân, T. Lan, thay lời kết, đề xuất thêm một cách dịch mới, chắc chắn vẫn không thể nào thể hiện cái thần của nguyên tác, nhưng thiết nghĩ đây là cách thể hiện tấm lòng kính trọng và yêu thơ Người:
Mây ôm núi, núi nâng mây,
Sông trong như kính chẳng bay bụi trần,
Bồi hồi trèo đỉnh Tây Phong 
Trời Nam cao vọng, bạn trong tim mình.

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

HỒN TƯỢNG


 Tử Văn đi rạc cả chân, mỏi mệt, tựa lưng vào chân tượng đài, lấy tờ báo “Tuổi Trẻ” xem lại mục quảng cáo tuyển người. Công ty trách nhiệm hữu hạn có, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có, văn phòng đại diện có…đã nộp 15 bộ hồ sơ, nơi nào cũng đánh giá “năng lực tốt” nhưng nơi nào cũng bảo để lại số điện thoại, có gì liên hệ sau. Bà chủ phòng trọ nói ở cái thời buổi này có tài giỏi đến mấy, không có tiền “bôi trơn”  kèm theo đố mà xin được việc. Tử Văn hiểu điều đó nhưng lại nghĩ chẳng lẽ ở cái thành phố này không còn một nơi nào tử tế, trong sạch? Còn 3 cái hồ sơ, Tử Văn quyết tìm nộp cho xong, hy vọng sẽ có một cánh cửa mở ra với mình.
            Lục túi xách, lấy mẩu bánh mì, tử Văn cắn từng miếng nhỏ nhai chầm chậm. Không phải nhai chậm để thưởng thức mà vì mẩu bánh mì khô cứng quá. Mỏi chân, mỏi hàm rồi mỏi cả mắt, Từ Văn thiếp đi lúc nào không hay.

            Tử Văn nghe tiếng gió thổi rì rào nhưng những hàng cây lại đứng im phăng phắc. Một ông lão cao lớn, mắt cụp xuống, nét mặt buồn bã chống gậy bước tới. Nhìn dáng người thì cây gậy ông cụ chống không hợp cho lắm. Chống gậy cho ra vẻ thì e rằng đó không phải là ý muốn ông cụ. Cây gậy khắc dòng chữ gì đó Tử Văn nhìn chưa ra. Cúi đầu chào cho phải phép, ông cụ  gật đầu, cười gượng mà mắt rơm rớm. Tử Văn thấy lạ, hỏi:
            - Cụ có chuyện gì buồn? Cháu giúp gì được không?
Ông cụ hỏi lại:
            - Chỉ anh là đang có thiện cảm với ta, còn hầu hết người ta dửng dưng. Bộ dạng ta khó coi lắm phải không?
Tử Văn không hiểu sao ông cụ lại nói thế, nhìn nét mặt, vóc dáng, Tử Văn đáp:
            - Thú thật với cụ, cháu thấy cụ to lớn khác thường, thần sắc không được tốt, ánh mắt cứ nhìn xuống như sợ sệt điều gì đó, lưng còng hình như là bị tật chứ không phải do tuổi tác.
Ông cụ thở dài:
            - Anh tinh tường đấy. Ta gù lưng, chân đi không vững vì chúng rút bao nhiêu là gân cốt. Do đó, hình hài này có chút thiện cảm với mọi người đã là con số không tròn trĩnh nói chi được chiêm ngưỡng yêu quý rồi “cảm hóa, giáo dục”!
Tử Văn chưa hiểu ý, ông cụ biết điều đó, ngồi xuống bên cạnh, lấy một chiếc kẹo từ trong túi ra.
            - Anh hãy ăn chiếc kẹo này rồi nói mùi vị cho ta nghe.
Nhìn ánh mắt của cụ như mong ước một điều gì đó, anh không thể chối từ. Kỳ lạ làm sao, ngậm chiếc kẹo trong miệng, Tử Văn thấy rất rõ sự chuyển biến của vị giác.
            - Thưa cụ, ban đầu con thấy đắng, hết vị đắng đến cay, hết cay rồi đến ngọt ạ.
Nét măt ông cụ rạng rỡ hẳn lên:
            - Đây là chiếc kẹo cuối cùng của ta. Chiếc kẹo thứ 18.
Đôi mắt cụ sáng trong, ấm áp lạ lùng, ánh mắt của một con người mãn nguyện.
            - Vị đắng cho ta biết anh là người ngay thẳng, trung thực, vị cay cho biết cuộc đời anh lắm chông gai, nhưng mừng thay vị ngọt lại là một kết thúc có hậu.
Cầm bàn tay Tử Văn, ông cụ nói:
            - Nhân duyên cho chúng ta gặp nhau, anh đừng hỏi nhiều, nhớ kỹ lời ta nói là được!

            Tử Văn cảm nhận được luồng hơi ấm từ bàn tay cụ nắm lan dần khắp cơ thể. Anh từ từ khép mắt lại, mơ thấy ông cụ chính là vị giáo sư khả kính đang đứng trên giảng đường:
            - Người Việt ta quý cái xinh xắn, cân đối, hài hòa, đơn lẻ trong kiến trúc hơn qui mô, hoành tráng. Đình chùa miếu mạo, tượng Phật, La Hán bao giờ cũng vừa phải, tạo nên sự gần gũi. Đây là đặc trưng tâm linh của văn hóa làng xã cấy trồng lúa nước. Hơn 4.000 năm lịch sử,   biết bao nhiêu người con ưu tú ngã xuống trong những cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, biết bao nhiêu người tài đức giúp dân lạc nghiệp mà có mấy người được lập đền thờ, tạc tượng hay khắc công bia đá? Dân ta quan niệm tượng đài vĩnh cửu nhất là được truyền tụng trong nhân gian:
                        Trăm năm bia đá thì mòn
                  Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ.
Ngưng lại một chút như hoài niệm quá khứ, giáo sư giảng mà như tâm sự:
            - Tại sao chiêm ngưỡng La Hán chùa Tây Phương, tượng Phật trước thời thuộc Pháp chúng ta có cảm giác rưng rưng trong lòng? Bởi vì cái khổ đau, tù túng, đói nghèo của một giai đoạn lịch sử dân tộc được những bàn tay tài hoa, tâm huyết tạc nên. Cha ông ta gửi gắm tâm hồn mình qua bố cục, nét khắc hay nói đúng hơn những suy tư, trăn trở lái bàn tay cầm đục, cầm chàng…Còn bây giờ tượng đài, phù điêu nhiều như nấm mọc sau mưa, nhưng giá trị nghệ thuật, tuổi thọ công trình như thế nào? – Kém lắm phải không? Đôi lúc chỗ này chố nọ còn có những công trình phản cảm, cuối cùng phải dỡ bỏ vì phản bác của dư luận. – Vì sao như thế, trình bày chính kiến xem nào? Giáo sư chỉ Tử Văn. Anh đứng dậy theo phản xạ, im lặng giây lát, trả lời chầm chậm, ngập ngừng, cách nói biểu hiện chưa thật sự tự tin:
            - Thưa giáo sư! Em nghĩ tượng đài, phù điêu thời đại chúng ta thiếu hồn vì người thực hiện chưa ngang tầm với ý tưởng sáng tạo của tác giả ạ.
            - Còn gì nữa không? Có ai bổ sung thêm?
Giáo sư nhìn khắp giảng đường. Tất cả im lặng, sự im lặng thụ động thường thấy khi những câu hỏi nêu ra đòi hỏi sự động não cao.
            - Cái gốc không ở đó. Cha ông ta sáng tạo những công trình nghệ thuật xuất phát từ nhu cầu tâm hồn, còn bây giờ người ta sáng tạo xuất phát từ nhu cầu vật chất. Cái nhu cầu vật chất nó chi phối tất cả, từ ý tưởng thiết kế, duyệt thiết kế cho đến thực hiện tác phẩm. Người tài không thiếu đâu các anh chị ạ, cái thiếu nhất là bản lĩnh của người có tài. Khó hiểu quá hả? Tôi lấy ví dụ thế này, một mẫu thiết kế tượng đài được chọn, tác giả phải có tiền “bôi trơn” cho hội đồng thẩm định hay ký mà không nhận tiền bản quyền. Vì sao người thiết kế làm như vậy? Anh ta bỏ công sức ra kiếm cái danh. Tượng đài gắn liền với tên tuổi anh ta, tượng đài càng hoành tráng thì đó là sự chứng thực cái danh càng lớn. Có “danh” rồi lo gì không kiếm tiền được ở những công trình kế tiếp, anh ta nghĩ như vậy. “Hội đồng thẩm định” rồi “giám sát thi công”, bên B – thi công công trình, và nhất là chủ đầu tư có tiền cả, vậy là vui vẻ đôi đường…Thế nhưng, từ phác thảo, thiết kế mẫu ban đầu đến thi công hoàn thiện lại là một khoảng cách rất lớn. Lẽ ra để đứa con tinh thần của mình căng tràn sức sống, bố đẻ nó phải theo sát quá trình thi công, chỉ huy tu chỉnh từng ly từng tý, nhưng anh ta không làm vậy. Vì sao ư? “Cốc mò cò xơi”, làm không công thì tận tâm tận lực làm gì, đằng nào thì tác phẩm cũng được duyệt rồi. Đấy là lý giải vì sao tượng đài vô hồn. Đáng thương cho tác giả, cần cái danh mà thiếu tâm huyết, đam mê, kiên trì để theo đuổi đến cùng. Gạt ra ngoài vấn đề vật chất, tâm huyết, đam mê, kiên trì theo đuổi cái đẹp đến cùng đó chính là bản lĩnh.
            Giáo sư bước lên bục giảng, viết lên bảng dòng chữ: “Sau này anh ta có kiếm tiền được ở những công trình khác như anh ta nghĩ không?” rồi ông chỉ 3 sinh viên lên bảng viết ngắn gọn câu trả lời của mình.
            Cậu sinh viên có cái trán cao ghi: “Không! Vì tác phẩm của anh ta không có ấn tượng với người xem nên chả ai dại gì hợp đồng với anh ta.”
            Cậu mập lùn viết: “Có! Anh ta phải suy nghĩ làm sao để có tiền nuôi vợ nuôi con. Suy nghĩ của anh ta ra sao chỉ anh ta mới biết.”
            Cô sinh viên lưng eo, tóc xõa đen mượt, chữ đều, đẹp: “Không! Anh ta không thể kiếm tiền như suy nghĩ ban đầu của anh ta được. Thời đại kim tiền, “hội đồng thẩm định” lại chọn những tác phẩm của kẻ cần danh, mượn cái vỏ bọc nghệ thuật để đầy túi tham của họ!”
Giảng đường đầy ắp tiếng cười khi đọc câu trả lời của anh mập, vị giáo sư cũng cười, chờ cho không gian yên lặng trở lại, ông nói:
            - Cái tài được mọi thời đại công nhận bao giờ cũng gắn liền với những con người có bản lĩnh. Tôi rất tâm đắc với Huấn Cao của Nguyễn Tuân, Vũ Như Tô của nguyễn Huy Tưởng ở bản lĩnh người nghệ sĩ…
Giáo sư bước xuống bục giảng, giơ bàn tay trái ngang vai như khi người ta tuyên thệ:
            - Tóm lại, giáo sư thở dài, muốn có một tượng đài, công trình kiến trúc có hồn thì tác giả, hội đồng xét duyệt, thẩm định phải là những người không bị lợi danh chi phối…

            Bỗng dưng một trận mưa tiền rào rào xuống giảng đường, rồi gió nổi lên, những đồng tiền cuồn cuộn xoáy cuốn phăng sinh viên, cuốn phăng cả giảng đường. Tử Văn nhìn lại chỉ còn cô sinh viên eo thon và vị giáo sư khả kính. Một luồng gió nữa lại nổi lên, mù mịt. Gió ngưng, mở mắt ra, Tử Văn thấy mình, vị giáo sư, cô sinh viên eo thon đứng trước một cái bình gốm lam vẽ hoa sen cao ngang đầu người. Xúm đen xúm đỏ xung quanh là những bác thợ gốm, thương lái, nho sinh, thợ cấy, tiều phu…và cả một đám lính kỵ đứng sau viên quan mặt phèn phẹt. Mà vị giáo sư sao lại ăn mặc như ông đồ? Cô sinh viên eo thon tóc xõa mượt mà bây giờ lại yếm thắm đội khăn mỏ quạ? Nhìn lại mình, Tử Văn ngỡ ngàng đang vận chiếc áo dài thâm hàn nho…Đang phân vân thì ông đồ vỗ vai, khen:
            - Đúng là kiệt tác phải không cậu?
Giữa những tiếng xuýt xoa là câu nói của bác thợ cả:
            - Hàng cống Tàu đấy, không khiếm khuyết gì phải không các bác?
Ông đồ mắt sụp xuống, cô nàng đội khăn mỏ quạ đỏ mặt, Tử Văn như mắc xương trong cổ họng. Cố nuốt nướt bọt, chàng nói:
            - Rất nhiều khiếm khuyết là đằng khác!
Mọi người ngạc nhiên, bác thợ cả nói:
            - Xin tiên sinh chỉ giáo.
Tử Văn rành rọt, âm hưởng lời nói cuồn cuộn từ trong lồng ngực:
            - Cống một sản phẩm chúng chỉ được một. Dã tâm của chúng là muốn được tất cả. Cho nên rồi đây, sau cống vật là cống nhân tài, các bác không muốn xa vợ con, xa quê hương chứ?!...
“Bo…oang…oo…”, mọi người giật bắn mình. Tử Văn cầm cái dùi đồng đập vào, cái bình vỡ một miếng bằng bàn tay.
            - Á…á…á! Ngươi phải chết, tên quan mặt phèn phẹt hét lên, lính đâu, phanh thây thằng nho sinh khốn kiếp cho ta!
Năm sáu tên lính kéo Tử Văn ra khoảng đất trống trước lò gốm, nơi người ta dùng để phơi cốt gốm hay ra hàng buôn bán. Tên quan lạch bạch bước lại, cầm cái thòng lọng tròng vào cổ Tử Văn, đầu dây bên kia tên lính đang buộc vào trục chiếc xe ngựa. Chúng đang rải dây đến bốn con ngựa khác thì giật mình bởi tiếng thét:
            - Khoan đã! Ta sẽ chết thay cho chàng!
Thì ra đó là tiếng thét của nàng đội khăn mỏ quạ, mày thanh môi đỏ, cốt cách thanh cao, xinh đẹp lạ thường. Tên quan mặt phèn phẹt, da mặt láng bóng, đỏ như gà chọi quay lại. Ngẩn người trước vẻ đẹp hoa nhường nguyệt thẹn, y nuốt nước bọt:
            - Hừm…Có thể đem cống cô này thay cái bình được đấy! Nhưng hắn vẫn phải chết, trừ khi chiếc bình lành lặn lại như trước!
            - Được rồi, nhà ngươi nói phải giữ lời!
Nàng bước đến trước mặt Tử Văn, đôi mắt trong, dịu dàng, ấm áp nhìn chàng như tha thiết, như tôn kính, như khích lệ.
            - Có duyên gặp chàng ở đây dù chốc lát nhưng tình nghĩa ngàn năm đeo đẳng. Mong rằng mai sau chàng vẫn mãi giữ được bản lĩnh như ngày hôm nay.
Dứt lời, nàng tỏa ra hào quang. Vầng hào quang càng lớn bóng nàng lại mờ dần. Vầng hào quang bay lên cao rồi trùm xuống chiếc bình khiến mọi người hoa cả mắt. Khi vầng hào quang tan hẳn vào ánh nắng, chiếc bình vẹn nguyên không tỳ vết, như được tạc từ nguyên khối mã não khổng lồ.
            - Trời, bông hoa sen như đang từ từ nở ra kìa.
            - Ôi! Hình ảnh trận chiến Bạch Đằng dữ dội quá!
Tên quan khều người lính bên cạnh, thì thào:
            - Sao tao không thấy hoa sen đâu, chỉ thấy ngài Chu Văn An dâng thất trảm sớ?
Tử Văn nhìn đi nhìn lại chiếc bình, khi thấy nàng ngồi trên cầu ao chải tóc, hoa sen đỏ rực, khi thấy nàng thổi sáo, dệt vải…nhưng dù ở tư thế nào đi chăng nữa, đôi mắt đẹp vẫn dõi theo chàng đắm đuối, đôi môi hé cười. Rồi nàng cởi cái khăn mỏ quạ, áng tóc đen mượt xõa xuống, nàng đưa tay vẫy, một con hạc vàng sà xuống chở nàng bay lên khuất dần sau làn mây trắng…

            Tử Văn đưa tay lên vẫy từ biệt nàng nhưng không thể được. Cố mãi, cố mãi, vung tay một cái thật mạnh, anh chợt tỉnh lại, rút bàn tay mình khỏi bàn tay ông cụ.
            - Nội lực căng tràn, trái tim rực lửa, quý lắm, giống như ta ngày xưa…Có những kẻ thuyết phục người ta rằng hắn đang làm điều hay, điều tốt nhưng thực ra đang che đậy lòng tham vô đáy. Than ôi…cứ như chúng muốn làm điều gì tốt cho ta ư? Không đâu, chỉ thêm một vết nhọ lên mặt khiến đồng bào, thiếu nhi xa lánh ta thêm mà thôi!...
            Ông cụ đứng dậy không được, Tử Văn tính dìu, cụ xua tay:
            - Đừng dây vào ta, cây gậy chúng quẳng cho ta quả có sức mạnh ngàn tấn đấy anh à.
Cụ run run chống gậy đứng lên. Lúc này Tử Văn mới thấy rõ dòng chữ khắc trên cây gậy: “Chất lượng công trình tốt”, cạnh dòng chữ là con dấu đỏ: “Kiểm định chất lương”.

            Tử Văn cũng đứng lên. Anh sực tỉnh, hóa ra nãy giờ thiếp đi dưới chân tượng đài. Cái túi xách lăn lóc bên cạnh tòi ra 3 bộ hồ sơ chưa nộp. Nhặt cái túi, nhìn lên, tấm biển đá sứt một góc khắc dòng chữ: “Tượng đài lãnh tụ với nhân dân…”