Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

LÂM TẶC



CHƯƠNG XXI

     Ông Bường quạt than nướng xiên chình gần chín thì sếp Kim mới tỉnh dậy, ông hít hà vài cái.
     - Trời, thơm quá ta!
Ông Bường cười:
     - Sếp ngủ đã chưa? Nhảy xuống sông tắm một cái cho mát rồi tiếp tục nhậu nghen, thức luôn tới sáng đó.
Nhìn thau chình được ướp gia vị bài bản, ông bảo:
     - Mấy ông tài thật, nhiều quá, chừng này nhậu không hết, gà vịt chi cho mất công.
     - Nướng mới ba con thôi. Anh Tám bảo để hai con lớn mai anh đem về làm quà cho chị.
     - Anh Tám, anh Nghĩa đâu?
     - Đang đi gỡ lưới, chút nữa về thôi.
     Sếp Kim tắm vừa xong thì ông Tám Cá, ông Nghĩa về. Giữ mũi thuyền cho ông Nghĩa buộc vào bè, ông hỏi:
     - Có cá không anh Tám?
     - Cũng có hàng cho vợ Ngọc bán.
Ông Bường hỏi:
     - Đã tiến hành được chưa, anh Tám?
     - Xong rồi thì tiến hành, chờ chi.
Ông Bường hú một tiếng, lát sau đã thấy Chính xách cái đèn măng sông xuống, theo sau Nam Cuội bưng xoong lớn, Dũng Nheo bưng xoong nhỏ. Ông Nghĩa nói:
     - Chú bày nhiều món quá, ăn sao hết?
     - Nhiều gì đâu, các anh thấy nhiều chứ dân lao động tụi tôi sợ vẫn còn ít đấy.
Sếp Kim hỏi Chính:
     - Thằng Ngọc, thằng Quân đâu?
     - Anh Ngọc đang chơi với con, bảo xuống sau một tí, còn sư phụ tắm giặt xong đi đâu cháu không biết.
Ông Bường cười:
     - Thằng Quân thì kệ nó, giờ không có nó mình nhậu càng vui.
Nghe ông Bường nói, hiểu ý, sếp Kim cười, dí ngón tay vào trán Chính:
     - Mày bênh cho sư phụ phải không? Mày không biết thì ai biết. Quay sang ông Tám Cá, ông nháy mắt một cái:
     - Chúc mừng anh Tám có chàng rể quý!
     - Tôi cũng đang mong thế, sếp Kim chúc mừng tôi thì phải uống đến đầu đến đũa đấy!
Rồi ông hỏi Chính:
     - Chưa hỏi nó về sức khỏe chị Tính, đám cưới Việt Thảo ra sao, rồi ông bà cụ con nữa, nói chú Tám nghe coi.
     - Dạ, bác Tính gái uống thuốc bữa đầu đau nhức không chịu nổi, mấy hôm sau bớt, bác nói khỏe thấy rõ, còn đám cưới Việt Thảo cũng vui. Ai cũng trầm trồ về quà tặng của chú Tám, của Man Hoa. Gia đình cô Việt Thảo cảm động lắm. Còn bố mẹ cháu cũng bình thường, chỉ ép cháu lấy vợ thôi.
Sếp Kim ngạc nhiên:
     - Chú tưởng mày cũng phải một, hai con rồi chứ, sao tới giờ chưa lấy vợ?
     - Dạ, cháu chưa giàu ạ!
     - Trời đất, giàu thì biết đến khi nào? Đàn ông là cái đó, đàn bà là cái toi. Có vợ rồi mới làm giàu được chớ!
     - Trước đây cháu cũng quen một cô, gia đình cô ấy cũng bình thường nhưng tỏ ý muốn gả con gái cho thiếu gia, đại gia. Từ đó cháu hận, quyết phải làm giàu mới cưới vợ!
     - Thế còn cô ấy?
     - Cũng lấy được đại gia thiệt nhưng chưa được một năm đành phải khăn gói về nhà mẹ đẻ. Gia đình cô ấy cứ tưởng gả con cho đại gia là ấm thân nhưng cô ấy bị hành hạ, đối xử chẳng khác nào con ở. Chợ thì bữa đắt, bữa rẻ, bữa nào đắt thì gia đình thằng chồng bảo "mày bòn rút cho cha mẹ mày". Tòa chưa xử li dị thì thằng chồng đã có vợ mới. . .Cháu nghĩ đôi khi nghèo cũng là cái tội.
Ông Bường thở dài:
     - Nghe cháu kể tội cô ấy quá. Không phải ai giàu cũng coi khinh người nghèo đâu, chú nói thế cháu cũng biết. Giàu về vật chất với chú chẳng là gì cả, chú chỉ kính trọng, nể phục những người giàu về tình cảm, đạo đức, trí tuệ thôi.
     - Thôi chuyện buồn ta gác lại, nói chuyện gì cho vui đi, lâu ngày mới có dịp gặp mặt thế này phải vui vẻ để có khí thế làm việc cho những ngày sau chứ, phải không sếp Kim, chú Tám?
Ông Kim, ông Tám Cá chưa lên tiếng, Nam Cuội đã láu táu:
     - Đúng đấy, cháu nhất trí cả hai tay.
Dũng Nheo đạp vào chân Nam Cuội:
     - Im mồm, chỉ được cái láu táu!
     Khi Nam Cuội, Dũng Nheo đang làm thịt gà thì Quân đi lên lâm trường, chờ Man Hoa ở bến suối Lồ. Quân ngồi trên khúc rễ cây khuất sau gộp đá. Con suối trong vắt êm đềm đổ ra cửa sông in bóng chiều bảng lãng. Không gian yên tĩnh quá, tiếng mõ trâu lốc cốc bên kia sông vọng sang tiếng được tiếng mất, thưa dần rồi im ắng hẳn. Quân chồng viên cuội này lên viên cuội khác để giết thời gian. Chồng đá cuội chán lại vẽ mũi tên xuyên qua trái tim mà cánh của mũi tên lại là những cánh hoa. Vẽ xong lại nhặt những viên cuội trắng tí xíu xếp theo hình vẽ. Trên nền cát mịn, dưới bóng núi sâm sẩm hình vẽ như sáng lên. . .
     Có tiếng chân lội suối, đúng Man Hoa rồi, trái tim Quân như loạn nhịp. Quân định đứng lên nhưng nghĩ sao lại ngồi xuống. Hãy chờ cho Man Hoa lội sang bờ bên này vẫn chưa muộn. Đôi mắt anh âu yếm dõi theo từng bước chân cô. Đến giữa suối đột nhiên cô lội ngược, ngược mãi rồi khuất hẳn. Man Hoa đi đâu nhỉ. Quân lại tự trách mình sao không gọi, sao không ùa ra. . .Thời gian lặng lẽ trôi đi, ruột gan Quân như lửa đốt. Sao không thấy Man Hoa trở lại, trên ấy có con đường nào về trại đâu? Không chờ đợi được nữa, Quân lội ngược dòng. Qua mấy hòn đá lớn chắn ngang suối, Quân giật mình dừng lại. Man Hoa đang tắm. Quân vội quay đi khi mới kịp nhìn bờ vai trắng ngần, thon thả. Thở một hơi ra, Quân nhẹ nhàng lội về bến đợi. Sao lâu quá. Giá mà có điếu thuốc. Hay mình lội ngược lên, nhưng tưởng tượng ra cảnh Man Hoa tắm anh lại nóng ran mặt. Giờ đây Quân mới thấm thía cảnh chờ đợi mà trước đây anh vẫn dửng dưng khi đọc sách hay xem phim. . .Kia rồi, Man Hoa không lội suối về bến mà men theo bờ đi xuống. Không chần chừ gì nữa, Quân theo bờ ngược lên.
     - Man Hoa!
Quân giang tay, tính ôm Man Hoa vào lòng thì cô bước lùi lại.
     - Anh về quê vui vẻ quá mà!
     - Việc anh lên trễ anh nói sau, giờ anh chỉ biết nói là trong những ngày xa em anh rất nhớ em.
     - Nhớ em mà anh có biết anh lên chậm bao nhiêu ngày không? Một ngày anh chưa lên em chết từng khúc ruột. . .Man Hoa òa khóc.
     - Anh xin lỗi em.
Vừa nói Quân vừa kéo Man Hoa vào lòng. Man Hoa cắn vào ngực Quân thổn thức:
     - Em cắn cho anh chết luôn.
Quân hôn nhẹ lên mái tóc Man Hoa, thì thào:
     - Anh lên chậm mấy bữa mà đã như thế này, cắn cho anh chết em sống nổi không.
Man Hoa chùi nước mắt vào ngực Quân, ngước lên:
     - Ghét anh lắm, biết người ta thương rồi cứ ăn hiếp người ta hoài.
Quân cúi xuống, Man Hoa đặt ngón tay lên môi Quân:
     - Anh ăn gian, có nói gì đâu mà đòi hôn em.
Quân hôn lên đầu ngón tay man Hoa:
     - Anh ...yêu em.
     - Em muốn anh nói khác cơ.
     - Em muốn anh nói gì nào?
     - Nói cái ý sau câu anh vừa nói ấy!
Im lặng giây lát. Vuốt nhẹ mái tóc Man Hoa, Quân say đắm trong đôi mắt trong trẻo, tràn đầy hạnh phúc của Man Hoa.
     - Em làm vợ anh nhé!
     - Em nghe chưa rõ, anh nói lại lần nữa đi.
Quân cười:
     - Em nghe chưa rõ sao bảo anh nói lại lần nữa. Em nghe đây, anh nói cho cả núi rừng, non nước này cùng nghe nhé.
     - Khẽ thôi anh, chỉ mình em nghe là đủ.
Quân chầm chậm từng tiếng:
     - Em làm vợ anh nhé!
Nói rồi Quân hôn lên đôi môi Man Hoa, Man Hoa từ từ nhắm mắt, tựa đầu vào ngực Quân. Cả hai như tan biến vào trong nhau. Bao nhớ nhung, khát khao, dằn vặt, trăn trở giờ đây được đền đáp bằng vòng tay nồng ấm; hơi thở nồng nàn, gấp gáp, ngọt ngào đôi môi. . .
      Dòng suối sáng dần lên, những con sóng lăn tăn lấp lóa ánh trăng vàng trông như vảy rồng, cả con suối như hóa thành con rồng bơi ra sông lớn.
     - Về thôi anh. Về trễ hai chị trêu em chết.
     - Sợ hai chị trêu chứ không sợ chú Tám sao?
     - Giờ thì anh không được gọi chú Tám hay sư phụ nữa, phải gọi bằng cha chứ. Cha biết em đi với anh có gì phải sợ.
     - Em không sợ nhưng anh sợ.
     - Anh sợ sao lại ra đây đón em.
     - Không biết nữa.
     - Không biết nữa, Man Hoa nhại lại, anh nói với cha xem cha có ăn thịt anh không mà sợ.
Quân đùa:
     - Cha mà ăn thịt anh để em ở giá à!
Man Hoa đấm vào vai Quân.
     - Anh chỉ được cái nói bậy thôi. Nói nghiêm túc em biết cha thương anh lắm đó.
     - Anh cũng linh cảm như vậy. Mấy hôm nay lúc nào cũng về tối thế à?
     - Dạ, thiếu nhân công lắm, nhất là khai thác nứa nguyên liệu. Thuê mướn nhân công theo em giá cả cũng được nhưng công việc cũng chậm lắm
     Man Hoa kể cho Quân nghe việc lâm trường từ khi anh nghỉ việc cho đến hôm nay, sếp Kim lên kiểm tra. Nghe xong chuyện, Quân nói:
     - Có lẽ anh bàn với mấy anh lại làm thuê cho lâm trường thôi.
Man Hoa ngạc nhiên:
     - Anh không đùa đấy chứ?
     - Không đùa đâu, lần này ký hợp đồng khai thác hẳn hoi.
     - Thế còn xưởng mộc?
     - Xưởng mộc thì từ từ làm sau. Anh muốn nhân cơ hội này kiếm ít tiền đã.
     - Anh thấy rồi đấy, hợp đồng công nhân có bao nhiêu tiền đâu.
     - Không, anh tính hợp đồng ăn chia sản phẩm. Khai thác, vận chuyển đưa về bến xạ cả thì 50/50. Còn bên anh lựa thì 4/6.
     - Anh làm gì em cũng ủng hộ hết, em tin ở anh.
Quân dừng lại, ôm Man Hoa, đặt lên môi cô một nụ hôn. Man Hoa đẩy Quân ra.
     - Anh liều quá, giữa đường ai gặp thì chết.
     Đến đầu cổng trại đã thấy ánh sáng từ nhà bè hắt lên, Quân cầm tay Man Hoa.
     - Em vào đi, anh xuống với mấy chú đây.
     - Dạ, anh uống ít thôi, giữ gìn sức khỏe cho em đấy!
Bất ngờ Man Hoa ôm lấy Quân, hôn một cái vào má rồi chạy vào cổng. Con Mực chạy ra vừa vẫy đuôi vừa sủa ăng ẳng, nó nửa muốn vào nửa muốn theo Quân xuống bến.
     - Mực, đi vào!
Quân nạt nhưng nó hầu như không sợ, chồm giỡn mấy cái rồi mới quay đầu chạy theo Man Hoa.
     Vừa bước chân lên sàn, sếp Kim đã bảo:
     - Chỗ của cháu đây, bát đũa đây. Đến chậm thì tự phạt.
Quân ngồi xuống, rót một chén rượu.
     - Cháu kính mấy chú, mấy anh!
Ông Bường hỏi:
     - Có gặp Man Hoa không?
     - Dạ, có ạ.
     - Gặp không có chuyện chi để nói hay sao mà giờ xuống đây.
Quân cười:
     - Thế chú không muốn cho cháu nhậu sao.
     - Cái thằng, thật hết biết.
Quân hỏi sếp Kim:
     - Như tụi cháu muốn hợp đồng với lâm trường khai thác nứa ăn chia bằng sản phẩm được không chú?
     - Cơ bản là được nhưng cũng phải tùy theo tỷ lệ là bao nhiêu nữa chứ.
Quân nói tỷ lệ ăn chia, sếp Kim bảo:
     - Tỷ lệ như vậy hơi thiệt cho người lao động, nhưng cháu nêu tỷ lệ như vậy chắc có tính toán rồi?
     - Lời ăn lỗ chịu mà chú!
Ông Tám Cá ngạc nhiên:
     - Thế vụ làm xưởng mộc sao hả con?
     - Dạ thì từ từ một chút. Con muốn nhân cơ hội này mình vừa giúp lâm trường vừa có vật liệu để làm xưởng mộc, làm cái nhà tạm cho anh Ngọc, anh Nam.
Sếp Kim quay sang nói nhỏ với ông Nghĩa:
     - Thằng Quân còn nhỏ tuổi mà chu đáo quá, nó là sư phụ của mấy đứa cũng phải. Có được đứa con như nó thì làm bố, làm mẹ thật hạnh phúc.
     - Thì con cái anh cũng phương trưởng, thành đạt cả đấy thôi.
Sếp Kim không trả lời, bề ngoài là vậy nhưng chỉ người trong nhà mới hiểu rõ. Thằng con trai đầu cho nó đi Đức, sang đấy chẳng chịu học hành, ăn chơi lêu lổng bị đuổi về nước. Kèm cặp mãi thi Cao đẳng cũng thiếu điểm rưỡi. Nhờ quen biết, chạy chọt, tốn một đống bạc mới vào được trường. Rồi ba năm học của nó chẳng năm nào không thi lại, ông lại phải quà cáp, biếu xén, chạy chọt. Bực quá, mắng nó vài câu nó đòi bỏ học nên đành phải im. Qua được cái đận học hành phải chạy chọt tiếp để xin việc cho nó. Cái thằng con trời gầm chẳng biết thân biết phận, ỉ lại, ta đây, ở cơ quan nào người ta cũng ghét. Có lần sếp nó nói thẳng vào mặt ông: "Nể anh quá chứ làm việc kiểu nó tôi muốn tống khứ bảy đời trào". Câu nói đó khác chi tạt nước vào mặt. Nhục vì con, chịu hết nổi, ông nói với bà vợ: "Bà bênh nó thì lo cho nó, lần này là lần cuối tôi xin cho nó chuyển cơ quan. Tôi là thằng giám đốc quèn, bà tưởng tôi to lắm à, ghê gớm lắm à". Cũng may, sau khi có vợ nó cũng thuần tính đôi chút. Hết con trai lại con rể. Thương con gái thì phải lo cho con rể thôi. Nhưng từ khi người ta hứa tới lúc cầm cái quyết định là một khoảng cách dài, dài lắm, nó tương ứng với tiền bạc và cả sự lì lợm, nhục nhã nữa. . .
     - Gắp chút mồi đi sếp, từ nãy giờ sếp chỉ uống thôi. Cái món chình này vừa bổ gân cốt vừa sung lắm đấy.
Sếp Kim nói với Thuộc:
     - Sung đâu chả biết, nhưng cái món này nó giải rượu hay đấy, uống mãi mà chưa thấy gì cả.
     - Đô sếp cứng thật, cháu thì thấy ríu mắt rồi.
Ông Tám Cá châm một điếu thuốc, nói với Chính:
     - Hai anh em cháu đi đường xa, mỏi thì ra sau mà ngủ. Dũng pha ấm trà đặc đặc vào, giờ chú thich chén trà thay mồi rồi đấy.
     Thấy Quân như suy nghĩ điều gì, sếp Kim đùa:
     - Giờ muốn đi chơi hả, trăng sáng thế này mà ngồi ven bờ sông nói chuyện lãng mạn biết mấy!
     - Dạ không, cháu đang suy nghĩ chuyện khác.
Hướng về phía ông Tám Cá, Quân hỏi:
     - Trâu ở vùng ta có đắt không sư phụ?
     - Con hỏi mua trâu làm gì? Tính mua trâu chọi sao?
     - Thôi con nói chuyện này với sư phụ sau, giờ con xin phép sư phụ, mấy chú, con đi ngủ trước.
     Ông Tám Cá không hiểu Quân hỏi mua trâu làm gì. Cái thằng luôn làm ông đau đầu trước khi nó đưa ra lời giải. Sự lơ đễnh của nó chính là biểu hiện của tư duy chiều sâu bên trong, sắc sảo mà hợp lý, nhanh mà chắc, nhiều lúc có vẻ sách vở đấy mà thực tiễn, thứ tự, lớp lang... Nghĩ về cách suy nghĩ của Quân, ông lại tiếc, giá như nó học Đại học rồi học cao hơn nữa. . .
    

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Suối nguồn


     Dòng suối mát đầu nguồn
     Soi trời xanh lồng lộng
     Tiếng chim gù chầm chậm
     Đếm lá rừng buông lơi. . .

     Bên dòng thác hoa cười
     Tỏa ngàn hương dìu dịu
     Giò lan rừng yểu điệu
     Buông về đá xanh rêu.

     Sơn nữ vén váy thêu
     Lội qua dòng suối mát
     Nước không che được hết
     Ngọc ngà đôi chân thon!

   

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XX

     Ông Tám Cá đang cùng anh em Ngọc Râu phát dọn khu đất làm xưởng mộc thì ông Nghĩa, ông Bường, sếp Kim đến.
     - Để con cháu làm, chỉ huy là được rồi, chú Tám.
Ông Nghĩa nói thay cho lời chào. Sếp Kim tiếp:
     - Lâu lắm mới lên đây, tính nhậu với anh một bữa, anh mắc công việc thế này, sao nhậu?
Ông Tám Cá phủi tay cười:
     - Có việc gì đi nữa mà các anh lên chơi cũng nghỉ thôi. Làm cả đời chứ đâu làm một ngày.
Ông nói với anh em Ngọc Râu:
     - Thu dọn đồ đạc nghỉ đi mấy đứa!
     - Chú Tám và mấy chú về chơi, bọn cháu tranh thủ làm chứ chưa đâu vào đâu cả.
     - Thôi, nghỉ đi, mai mốt già Bân đưa quân sang làm vài bữa là xong. Già Bân nhất quyết việc đắp nền phải để đấy già chọn ngày, chọn người.
Sếp Kim nhìn khu đất, hỏi:
     - Anh Tám tính làm ở đây thật à? Sao anh không làm ở khu đất gần quán Rừng Chiều?
     - Làm ở đấy thợ sáng xỉn chiều say để mình lỗ à. Nói chơi thôi, dưới đó tính sau, giờ tập trung làm ở đây đã, phải từ từ từng bước anh à.
     - Anh từ từ từng bước bọn này có chạy cả đời cũng không theo kịp.
Ông Nghĩa lên tiếng:
     - Anh Kim cả đời không theo kịp thì bọn tôi phải tới đời cháu chắt.
     - Chưa uống đã cãi nhau rồi, việc sau cứ để sau hẵng hay, giờ ta tính chuyện nhậu đã.
     Khu đất cách nhà bè cỡ chừng non nửa cây số, nói như già Bân "chưa hết một tầm hú". Đang trên bờ, thấy Duyên cân cá cho khách, ông Tám Cá hỏi:
     - Còn cá không, vợ Ngọc?
     - Dạ, đang còn ba, bốn kg.
     - Thôi khỏi bán nữa, để nhậu. Vợ thằng Nam đâu?
     - Dạ, đang làm cỏ trên trại.
     - Đã bảo mới lên nghỉ ngơi ít bữa đã. Rồi thì không có sức mà làm lúc đó đừng khóc.
     - Dạ, bọn con chỉ khóc khi không có việc làm thôi.
Thấy bố bước lên bè, thằng cu giơ tay đòi bế. Ngọc âu yếm:
     - Để bố rửa tay đã nhé!
Ông Tám Cá nói với Duyên:
     - Con bế con lên trại nghỉ, mấy chú lấy "cứ điểm" này làm "chiến trận".
     Rượu được vài tuần, sếp Kim chuyển đề tài:
     - Tôi lên kiểm tra lâm trường, công việc cũng tạm ổn, cô con gái anh khá quá, chắc nay mai đưa nó lên làm lãnh đạo lâm trường này mới được!
Ông Tám Cá cụng chén rượu với sếp Kim, ông Nghĩa:
     - Cho dù mới trong ý nghĩ tôi cũng cảm ơn anh. Nhưng tôi cho nó làm một vài năm thôi, chồng con rồi phải lo việc nhà chứ!
     - Chú nghĩ thế là không được đâu, chú Tám. Phải để cho nó phát triển, cống hiến chứ. Ông Nghĩa lên tiếng.
     - Tôi thì nghĩ khác, không cứ gì phải quan chức, làm việc nhà nước mới là cống hiến. Cứ như già Bân các anh thấy đấy, một người bình thường mà cả xứ đồng rừng này ai cũng cần tới đó thôi. Tôi nghĩ làm ở ngoài đóng thuế cho nhà nước đầy đủ còn hơn là hưởng lương nhà nước mà ỉ lại, làm việc được chăng hay chớ. Anh xem, cái lâm trường Bình Minh đó, đất đai, tài nguyên như thế mà công nhân đói lên đói xuống, hai vợ chồng có đứa con mà nuôi không nổi, cha mẹ phải viện trợ.
Ông Bường thở dài:
     - Mấy hôm nữa tôi về hưu, cả đời gắn bó với lâm trường, nhận tiền lương hưu đâu có đủ ăn. Thôi thì mình ít học, tài năng không có không nói làm gì, chứ tài năng, đạo đức như cháu Man Hoa mà ở lâm trường, tôi nói thật là uổng phí.
Quay sang sếp Kim, ông tiếp:
     - Đấy, anh xem mấy đứa đây vừa nghỉ việc lâm trường đấy, lên đây lập nghiệp đấy, tôi tin vài ba năm sau công nhân lâm trường có gắn động cơ cũng theo không kịp. Anh hãy nhớ lấy lời tôi nói hôm nay nhé!
Sếp Kim phân bua:
     - Không uống với nhau thì không hiểu nhau. Tôi biết từ khi anh Nghĩa đi cái lâm trường này bung bét hết. Nhưng anh Nghĩa cũng biết rồi đấy, tôi cũng có muốn lãnh đạo kiểu như thằng Minh Chột, Trí Vịt đâu, nhưng áp lực ghê lắm. Thì đấy, sau cái vụ thanh tra thì anh Nghĩa phải sang bên ủy ban đó thôi. Tôi thua anh Nghĩa ở đạo đức, phẩm hạnh nhưng ở đời này "người đục, ta trong" đâu có tách bạch được. Lời lão thuyền chài với Khuất Nguyên bên Tàu từ xưa tới giờ ngẫm ra vẫn còn là chân lý. Anh Bường nói đúng thôi, người khôn chọn chúa mà thờ. Lãnh đạo như thằng Minh Chột, Trí Vịt chỉ chấp nhận kiểu người cam chịu. Cũng may lâm trường còn những người như anh, cô Thoa, cháu Man Hoa chứ không thì phải giải thể từ lâu rồi. Tôi tiếc nhất là thằng Quân và mấy anh em đây nghỉ việc. Nghe cô Thoa, cô Diệp nói lại tôi thật bực. Tôi nghĩ, muốn phát triển phải thay đổi lại cơ chế, cung cách quản lý thôi. Riêng cung cách quản lý chẳng cần đâu xa, học anh Tám là đủ.
Ông Tám Cá cười:
     - Sếp lại cho tôi đi tàu bay giấy rồi đấy. Tôi thì biết gì mà quản lý, mọi việc cứ theo nếp cũ của vợ tôi đấy thôi.
     - Thế anh mở xưởng giao cho ai?
     - Thằng Ngọc, thằng Quân chứ còn ai nữa.
     - Thằng Quân đâu?
     - Tôi cũng đang mong nó đây, về nhà dự đám cưới cô em chưa lên. Nó bảo đi tuần lễ mà nay đã hơn mười ngày rồi, nóng ruột quá!
Ông Bường cười:
     - Chú nóng ruột một thì cháu Man Hoa nóng ruột mười. Lần này nó lên cho nó cưới để tôi còn dự chứ.
     - Chẳng lẽ anh về quê mà cháu nó cưới anh không lên?
     - Đùa thôi, tôi là tôi mong nó cưới sớm, nhìn cái bộ dạng nó nhớ nhung thằng Quân thấy tội lắm!
     - Tôi cũng muốn vậy nhưng thằng Quân có nói gì đâu, với lại tôi thấy hai đứa nó có biểu hiện gì đâu, đối xử với nhau cũng bình thường.
Ông Bường bưng chén rượu uống một hớp, "khà" một tiếng thật lớn, nháy mắt với Ngọc Râu, nói giọng "bề trên":
     - Chuyện này chú "mất cảnh giác quá", nuôi ong tay áo mà không biết. Hôm trước tôi hỏi cháu, nó bảo nó thương thằng Quân, thằng Quân cũng thương nó nhưng ngại chú thôi!
Ông Nghĩa uống cạn chén rượu:
     - Trước tiên tôi mừng cho chú Tám. Chuyện thằng Quân với cháu Man Hoa có khó gì, nếu chú Tám đồng ý, khi nó lên đây ta họp lại, đưa ra nghị quyết, thế là xong.
Nam Cuội bấm Dũng Nheo, thì thào:
     - Nghiệp lãnh đạo ngấm sâu vào máu cụ Nghĩa rồi.
Ngọc Râu trừng mắt, Nam Cuội nghiêm túc, nhỏ nhẹ vừa đủ nghe:
     - Thì em có thấy chú Nghĩa có ý gì là đùa đâu!
       Vừa lúc đó tiếng còi tàu nổi lên, lát sau mới nghe tiếng máy, mới thấy hình dạng con tàu lớn dần. Lại một hồi còi nữa.
     - Có lẽ thằng Quân lên, ông Tám Cá nói, có khi nào chú Thuộc kéo còi kiểu này đâu.
Đúng như dự đoán của ông Tám Cá, con tàu hãm tốc, từ từ áp vào nhà bè, sóng xô lên dập xuống làm đổ phân nửa chén rượu trên tay sếp Kim. Chính nhảy xuống, chưa kịp lấy thăng bằng đã la:
     - Con và sư phụ lên rồi, chú Tám!
Ông Bường vui ra mặt:
     - Chúng mày lên đúng lúc lắm, hơi trễ một chút!
Thuộc cười:
     - Đã đúng lúc lại còn còn hơi trễ, lúc nào cũng hết ga anh ạ!
Từ trên ca bin, Phương - phụ lái của Thuộc, hỏi:
     - Anh lên hay ở lại?
Ông Bường trả lời:
     - Chú lên một mình được thì để nó ở đây uống vài chén với anh em cho vui.
     - Thì cũng trên chục lần rồi đó, chú Bường.
Nói rồi Phương kéo một hồi còi, con tàu lầm lũi ngược nước, sóng từ chân vịt con tàu lan sang cả bờ bên kia. Chờ cho Thuộc, Chính, Quân ngồi vào chỗ, ông Tám Cá hỏi:
     - Sao con về lâu thế?
Quân trả lời:
     - Lẽ ra xong việc con đi luôn, nhưng xuống thị trấn Thái Hòa vào chơi nhà anh bạn làm nghề mộc có cái cưa tay Honda hay quá, con ở lại học cách sử dụng luôn. Loại này con tính nếu đốn cây thì nhanh hơn dùng rìu mười lăm lần; còn bóc bìa nhốt hộp gỗ thì tuyệt vời lắm. Xẻ ván cũng được nhưng phí gỗ vì mạch cưa rộng gấp bốn lần cưa líu.
Sếp Kim hỏi:
     - Có phải loại dùng bằng xăng không? Có một hộc nhỏ đựng luyn (nhớt) làm mát lưỡi cưa?
     - Dạ, đúng vậy.
     - Ngành cũng tính trang bị cho các lâm trường. Lâm trường chưa có nhưng lâm tặc có rồi, tôi mới nghe báo cáo thế.
Ông Bường thở dài:
     - Cưa máy hiện đại thế mà trong tay lâm tặc thì còn gì là rừng nữa!
Quân nói với ông Tám:
     - Con thấy mình phải mua cái cưa ấy sư phụ ạ.
     Sếp Kim nhìn Quân, mới gặp lần đầu mà sếp đã thấy cảm tình, ở Quân toát lên vẻ tự tin, hoạt bát mà chín chắn. Tuổi trẻ mà chí hướng lớn. Qua lời kể của ông Bường, chỉ riêng việc lỡ hẹn với người yêu chỉ vì công việc xem ra cậu ta biết cân nhắc việc nên làm, không bị tình cảm chi phối. "Dưới trướng" có những con người như thế thì việc gì mà ông Tám Cá không thành công. Con người ta có số, nhưng hình như dòng dõi nhà chúa, thời nay không ngai mà vẫn có cái uy, làm gì được nấy. Phải rồi, sao ta không hùn hạp nhỉ? Nhưng liệu ông Tám Cá có đồng ý không? Làm cái xưởng mộc đối với ông Tám Cá chỉ là cái chuyện vặt. Nghĩ thế, sếp Kim ướm lời:
     - Anh Tám mở xưởng mộc có cho tôi hùn với nhé!
     - Tầm cỡ sếp thì phải đầu tư vào nhà máy chứ cái xưởng mộc cỏn con lấy công làm lãi thì ích gì chứ?
Ông Tám Cá nâng chén rượu cụng với sếp Kim, ông coi lời sếp Kim như câu đùa.
     - Tôi nói chân thành đấy anh Tám, muốn thành nhà máy cũng bắt đầu từ công trường thủ công chứ.
Câu nói sếp Kim hàm ý như sự phát triển chủ nghĩa tư bản. Ông Tám Cá nhìn Quân, Quân kín đáo gật đầu.
     - Thế sếp tính hùn hạp như thế nào?
     - Nếu máy móc thì khấu hao theo lãi suất ngân hàng. Định giá hoàn vốn máy móc trong  năm  năm mà công nhân vận hành bảy năm thì hai năm ấy thuộc về họ.
Quân cười:
     - Máy móc thì mỗi ngày một hiện đại, giả sử mới sử dụng hai năm mà thị trường cho ra loại máy mới hiện đại hơn, năng suất hơn thì phải làm sao ạ? Hơn nữa, một cái máy hoạt động cầm chừng so với một cái máy hoạt động hết, vượt công suất nó khác nhau chứ ạ. Theo cháu, khấu hao máy móc phải tính trên tổng sản phẩm. . .
     - Hậu sinh khả úy, ông Nghĩa nói, tôi chưa biết sau này thế nào, nhưng anh Kim đầu tư vào cái xưởng mộc anh Tám là đầu tư đúng chỗ đấy.
     Sếp Kim thật bất ngờ về cách đặt vấn đề của Quân, nó bình thường mà mới mẻ, khác xa cung cách quản lý lâu nay. Ông lờ mờ nhận ra nó khuôn mẫu, cứng nhắc, hèn chi chưa bao giờ tốc độ phát triển kinh tế của tập thể, nhà nước nhanh bằng tư nhân trong khi được bao cấp, hỗ trợ  đủ điều.
     - Thế nếu chú đầu tư, theo cháu nên tập trung vào khâu nào?
     - Cháu biết chú quan hệ rộng nên tập trung vào khâu giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phần nào ở khâu thu mua nguyên liệu. Còn việc mua máy móc phải cân nhắc, thật cần thiết mới mua. Theo cháu, trong sản xuất tối kỵ đầu tư trang thiết bị, máy móc mà không sử dụng, cái gì làm được phải tự làm.
     Một lần nữa sếp Kim lại khâm phục cách nhìn nhận, đánh giá, phân tích của Quân. Có lẽ không phải mình, ông Tám Cá sử dụng lớp trẻ mà lớp trẻ đang sử dụng, sắp xếp vị trí công việc cho mình, cho ông Tám Cá. So với đám giám đốc hàng tỉnh, ông là kẻ sáng giá nhất, ông hơn họ cái bằng Đại học chuyên tu, hơn ở chỗ không phải bạ gì cũng ăn. Ông biết đời làm quan của mình không trong sạch lắm nhưng cũng chẳng tệ đến nỗi để cán bộ, công chức trong ngành rủa. Thì cũng xà xẻo tí chút ở mức độ "có giới han", thì cũng nhận quà biếu "trên mức tình cảm" một tí của đám chạy chức, chạy quyền. . .Có vậy mới đủ sức nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, mới có cuộc sống kha khá một tí. Thanh bạch như ông Nghĩa, phóng khoáng như ông Tám Cá là điều ông thiếu, ông mơ ước. Có lẽ ông Nghĩa, ông Tám Cá xem ông là bạn nên lương tâm ông không cho phép ông làm những gì quá đáng. . .Còn Quân, mặc dầu bây giờ nó chỉ hai bàn tay trắng nhưng chắc chắn tương lai sẽ giàu có, sẽ đóng góp được nhiều cho xã hội, tâm tư bao giờ cũng thanh thản tiêu đồng tiền của mình chứ không như ông đôi lúc tiêu tiền mà lương tâm áy náy. . .
     - Cháu mời chú một chén, nếu cháu có gì không phải mong chú bỏ qua cho.
Sếp Kim bừng tỉnh, chạm cốc với Quân.
     - Không có gì đâu, cháu suy nghĩ thấu đáo lắm, chú tin ở cháu.
     - Thôi chuyện làm ăn hùn hạp để sau, giờ nói chuyện vui thôi, sếp Kim. Mà sao sếp ra đây không có thằng Minh, thằng Trí tháp tùng?
     - Đang lo chỉ huy khai thác nứa, trồng lại cây. Uống rượu với anh Nghĩa có hai thằng ấy mất ngon.
Ông Nghĩa tính nói câu gì đấy rồi lại thôi. Ông Bường cười:
     - Lâm trường từ quân tới tướng làm không hết việc, chỉ mỗi tôi là thảnh thơi nhậu nhẹt.
Ông Nghĩa lên tiếng:
     - Đúng ra phải cho anh nghỉ trước sáu tháng ăn lương 100%, mãi tới bây giờ anh chưa được nghỉ là lâm trường bóc lột anh tới giọt mồ hôi cuối cùng rồi.
     - Không làm việc gì buồn chân buồn tay lắm. Về hưu tôi chắc chết sớm vì nhớ lâm trường thôi, tôi quen sống ở đây rồi.
     - Thế anh đưa chị lên đây cho vui, tôi tặng anh chị đám đất đủ sức cho anh chị làm, rỗi rãi thì cùng tôi đánh cá. Mình tự cấp tự túc hưởng nhàn, việc lớn để con cháu lo.
     - Hay đấy anh Bường, ông Nghĩa nói, thế tôi muốn ở đây chú Tám có đất cho tôi không?
     - Thế thì còn gì bằng, tôi trông đó là sự thật, hôm nào thằng Quân chở anh đi, thích mảnh nào tôi giao mảnh đó.
Ông Nghĩa nói là nói đùa thế thôi, để anh Bường khỏi ngại. Hoàn cảnh anh Bường và ông khác nhau. Nếu anh Bường đồng ý thì tốt quá. Tuổi già đến nơi rồi, cần có sự cân bằng cả trong cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. . .
     Ngọc râu nháy Nam Cuội, Nam Cuội bấm Chính:
     _ Mày đi pha ấm nước, không thấy sư phụ nhấp nha nhấp nhổm sao?
Nghe Nam Cuội nói Quân đỏ bừng mặt. Không biết bây giờ Man Hoa đang làm gì. Cách gì thì cách phải đi đón mới được. Mà gặp em phải nói câu gì nhỉ?. . .
     Chính mang ấm nước vào, ông Tám cá nói:
     - Thằng Chính, thằng Quân ở nhà nói chuyện với sếp Kim; thằng Thuộc và anh em thằng Ngọc làm thịt mấy con gà kho sả, nấu xáo lá chanh. Anh Nghĩa, anh Bường đi với tôi bắt mấy con chình về nướng, nhậu cho tới sáng mới đã.
     Gió sông lồng lộng, mát quá, mấy chén trà chát ngọt cũng không làm sếp Kim khỏi ríu mắt. Chưa lúc nào sếp thấy thanh thản, thoải mái như hôm nay. Sếp nói với Quân:
     - Chú ngủ chút mới có sức "chiến đấu" với anh Tám.
       

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

CHUYỆN NỌ XỌ CHUYỆN KIA (2)


     1. Tôi có anh bạn kinh tế cũng khá, thích giao lưu với những người mà anh cho là "đại gia". Anh bảo:
     - Muốn bay cao thì đừng chơi với gà mà phải chơi với đại bàng!
     Chơi với "đại gia" để học "khôn" cũng tốt thôi. Chả thế, các "đại gia" vào nhà anh chơi, góp ý gì anh đều nghe và đem ra áp dụng tất. Đầu tiên là việc nuôi gà trang trại, kế tiếp là nuôi dông, trồng sanh. Bỏ vốn mua cả trăm con gà một lúc, nhìn thật thích mắt nhưng tội cho chị vợ, nội việc thái rau trộn cám, quét tước chuồng trại cũng đủ bù đầu trong lúc còn phải dạy học, chăm sóc con cái.
     Ngày thứ bảy hay chủ nhật nhà anh lại rộn ràng khách khứa đến tham quan 'trang trại"; xe con, xe máy để kín cổng, tính anh xởi lởi nên những ngày như thế cấm có bữa nào không nhậu. Thì gà đấy, dông đấy, 'cây nhà lá vườn cả", bia vào lời ra, chủ khách đều hể hả.
     Chiều mùng bốn tết năm rồi, một "đại gia", chủ một khu du lịch sinh thái chở chiến hữu đến nhà anh chơi, lì xì cho con bé con anh đang học mẫu giáo.
     - Bao lì xì của bác không đẹp bằng của chú Điệp. Con bé nói.
     - Cái chính là "nội dung" bên trong cháu à.
Con bé có biết gì "hình thức" với "nội dung". Cậu Điệp tỏ vẻ hơi lúng túng, định đứng dậy ra về mặc dù từ chiều tới giờ là người giúp anh bạn tôi chuẩn bị các món nhậu. Biết ý, tôi chặn trước:
     - Định về hả? Cậu mà về thì sau này đừng anh em gì nữa nhé!
"Đại gia" chủ khu du lịch sinh thái cũng bảo:
     - Chú mày ở lại chơi, anh em có gì đâu mà ngại.
 Cạn cốc bia đầu tiên, "đại gia" mở lời:
     - Chiều mùng sáu tết tôi cúng hạ nêu, tôi làm con heo rừng, mời tất cả mọi người đến chơi cho vui nhé!
     Tiệc tàn, "đại gia" bận rộn nên cùng chiến hữu về trước; tôi, Điệp cùng mấy người ở gần ngồi lại uống trà. Đứa con anh đòi mẹ nó bỏ mấy bức hình siêu nhân vào bao lì xì. Chị vợ anh bạn tôi đành phải lấy tiền trong bao lì xì ra cất. Bao lì xì của chú Điệp mới ra trường, đang trong thời gian thử việc chỉ có một trăm ngàn, còn bao lì xì của "đại gia" khu du lịch sinh thái "chủ yếu là nội dung", có tới những. . .mười ngàn!
     Chiều mùng sáu tết, tôi và Điệp không đi dự tiệc cúng hạ nêu của "đại gia" nọ. Hôm sau nghe một người trong số những người đi dự tiệc ấy kể lại là không nhậu ở khu du lịch sinh thái mà nhậu hải sản ở bè Bồng Bềnh. Tôi nghĩ tết nhất mà nhậu hải sản thì đúng là đại gia.
     - Thế có mang theo thịt heo rừng không? Đông người như thế chắc cũng trên chục triệu, đại gia có khác! Tôi nói.
     - Đại bịp, "đãi cứt gà lấy tấm" chứ đại gia gì. Vào cổng, bảo vệ thu tiền gửi xe, gặp hắn, hắn nói: "cứ vào chơi, anh đi đây một chút". Rồi bặt vô âm tín, điện thoại thì khóa máy. Mấy anh chị em xớ rớ một hồi rồi dắt díu nhau về Bồng Bềnh nhậu.
     - Thế anh bạn tôi có nói gì không?
     - Không nói, chỉ kết luận: "Đại gia là phải biết . . .đại hà tiện!".
     Thời gian sau trang trại gà anh bị dịch, dông cũng dông đi đâu cả. Thứ bảy, chủ nhật cổng nhà anh như rộng hơn vì chỉ có hai cái xe máy tòng tọc của tôi và Điệp.

  2. Tôi quen anh từ cái thời anh còn làm thợ hớt tóc, dẫn heo
nọc đi phối giống. Con đông, siêng năng chăm chỉ cũng không khá lên được. Sau cái thời ngăn sông cấm chợ, có bà chị chỉ mối, anh đi buôn tôm, làm ăn phất lên từ đó.
     Người ta "phú quý sinh lễ nghĩa", còn anh giờ có rất rất nhiều tỷ trong tay vẫn "hoang sơ" như ngày nào. Trong công việc anh kỹ càng, bài bản, đâu ra đấy, trong quan hệ hiếm thấy một lời phàn nàn về anh. Ai gọi anh là "đại gia" thì anh bảo:
     - Trình độ mới lớp ba thì đại gia chi nổi.
Quan hệ với đối tác mới hay những lúc rảnh rang anh thường rủ tôi đi cùng, anh nói:
     - Ông đi với tôi tôi tự tin hơn hẳn.
     Có lần, một ngân hàng mới mở chi nhánh ở trung tâm thị xã, anh rủ tôi đi gửi tiền. Tôi hỏi:
     - Sao anh không gửi ngân hàng cũ?
     - Gửi nhiều nơi để xem nơi nào phục vụ tốt hơn. Với lại nếu ngân hàng này bể còn có ngân hàng kia.
     - Ngân hàng chứ có phải dây hụi đâu mà anh lo.
     - Tánh tôi vốn hay lo vậy mà.
Chi nhánh ngân hàng đông khách, chủ yếu là người đi gửi tiền. Anh nói với cô thu ngân:
     - Cô ơi cho tôi làm thủ tục gửi tiền.
     - Bao nhiêu?
     - Dạ, năm trăm.
     - Chờ đó, tôi giải quyết xong mấy người này đã!
Lẽ ra anh phải được gửi rồi nếu tính theo thứ tự nhưng cô thu ngân cứ giải quyết cho những người ăn mặc "sáng sủa" trước. Bực mình, tôi nói:
     - Cô giải quyết cho anh bạn tôi đi chứ, chúng tôi chờ nãy giờ rồi!
     - Không chờ được thì về kiếm đủ triệu rồi gửi luôn khỏi mất công.
Tôi xách túi bạc của anh đặt trước mặt cô:
     - Năm trăm là năm trăm triệu đấy cô à!
Cô thu ngân xin lỗi, làm thủ tục gửi tiền. Khi ngồi nhậu với mấy người bạn, anh nói:
     - Người ta chú ý đến bề ngoài quá các ông ạ!
Một anh bạn nhậu cười:
     - "Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần" mà.

     Hè năm ấy vợ tôi về quê, các con tôi thì đi học xa cả nên nhà tôi thành "câu lạc bộ" nhậu lý tưởng. Đêm hôm trước nhậu, sáng hôm sau chưa tỉnh ngủ đã nghe anh gọi. Mời anh vào nhà, tính pha nước thì anh bảo:
     - Hôm nay rảnh, tôi rủ ông đi uống cà fê, ăn sáng, ông làm vệ sinh lẹ lên.
     Ra vòi nước đánh răng tôi mới phát hiện nồi niêu chén bát hồi hôm chưa rửa mất sạch; đôi săng đan mới mua cũng không cánh mà bay, đành xỏ đôi dép nhựa tổ ong đi uống cà fê với anh.
     - Tôi nghe nói khách sạn Áo đẹp lắm, ta ra đấy.
Anh chở tôi bằng chiếc SYM cũ. Đến nơi, tay bảo vệ nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, hỏi:
     - Hai chú đi đâu?
     - Uống cà fê. Tôi nói.
     - Ở đây không bán cà fê, chú đi cách 200 m có quán.
Đi 200 rồi 300 m mà có quán nào đâu. Anh nói:
     - Mình đi Quy Nhơn chơi hắc!
Đến Quy Nhơn, vào nhà một anh bạn của anh rủ đi uống cà fê, ăn sáng cho vui, anh hơi ngạc nhiên, tôi kể vì sao ra tận đây ăn sáng. Anh cười, bảo:
     - Anh Dư để xe máy lại đây, chiều có lính đem vào cho anh.
Rồi anh chở chúng tôi bằng chiếc xe hơi hiệu Toyota Camry bóng lộn trở lại khách sạn Áo. Tay bảo vệ thả cái ba ri e, vồn vã:
     - Chú Bảy mới vào chơi ạ?
Hạ cửa kính xe phía sau, anh nói:
     - Cậu nhìn kỹ xem ai đây!
Thấy chúng tôi, tay bảo vệ ngớ người ra, mặt tái đi. Anh nói:
     - Ông chủ của cậu còn nợ tôi trên trăm triệu tiền tôm. Còn anh Dư đây là chủ nợ của tôi đó!
Tay bảo vệ vòng tay, cúi xuống:
     - Dạ, cháu xin lỗi hai chú. Cháu xin chú Bảy đừng nói chuyện này với sếp cháu, chú mà nói là cháu bị đuổi việc, cháu xin chú!
     - Thôi được rồi, nhớ xem đây là bài học nghe!
Rồi anh hỏi:
     - Cậu nói thực xem vì sao không cho hai anh bạn tôi vào?
     - Dạ, cháu thấy hai chú đi cái xe vừa cũ vừa xấu, với lại một chú đi dép nhựa tổ ong, cháu nghĩ thế mà đòi vào khách sạn này thì chỉ có là dân quậy.
     Tôi bấm anh Dư chọc:
     - Anh thấy không nếu sáng nay anh chở  tôi bằng xe hơi thì tôi có đi chân đất đâu cũng đến nỗi bị đuổi ra.
     Anh thở dài: "Đẳng cấp với người đời luôn là hình thức!"
      
     Cái lần trường tôi đăng cai tổ chức thi đấu thể thao khu vực chọn vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, bạn bè chiến hữu về nhiều, anh bảo tôi:
     - Có nhậu ở đâu cho tôi tham gia với nha!
     Chiều hôm đó, tôi kéo hơn hai chục anh em xuống quán Phi Hào nhậu, tôi gọi điện bảo anh xuống chơi cho vui. Chừng - Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, nói với tôi:
     - Đông như thế này phải "hợp tác" thôi anh hai.
     Lúc đầu uống bia chai, sau đó chủ quán đổi bia lon. Chơi đến chín giờ đêm, bắt đầu ngà ngà, mấy anh em rủ nhau bắt cặp giao lưu bi - a. Anh Dư vốn thích môn này nên hòa đồng rất nhanh. Chừng kêu chủ quán lấy phiếu để anh em "hợp tác" thì anh đã trả từ hồi nào. Bạn bè, chiến hữu tôi áy náy, anh bảo:
     - Mấy khi anh em tới đây, bạn của ông Thắng cũng là bạn tôi, chuyện nhỏ mà.
Tôi hơi mệt, anh bảo tôi về trước, anh ở lại chơi "chẳng mấy khi", có gì anh lo. Anh em các trường có dịp gặp nhau giao lưu quên cả thời gian, quay đi quay lại đã hơn ba giờ sáng. Anh Dư, bạn tôi bảo:
     - Bây giờ cũng gần sáng rồi, tôi mời tất cả về nhà tôi chơi, ta làm thịt con heo ăn sáng!
Đến nhà, anh dẫn mấy anh em ra chuồng heo có hơn chục con, bảo:
     - Mấy ông thích con nào tôi thịt con đó!
Anh pha nước trà, chuyện làm thịt heo đã có người khác lo. Chừng bốn giờ rưỡi bàn ăn sáng được bày ra, đầy đủ cả tiết canh, lòng luộc, cháo, thịt nướng. Anh hỏi;
     - Mấy ông thích uống bia hay uống rượu?
Đồ ăn ngon, uống bia cũng phí nên ai cũng bảo uống rượu. Anh bê ra hũ rượu ngâm loại mười lít.
     - Bây giờ ăn sáng, các ông còn làm việc, ai uống được bao nhiêu cứ uống, không ép nhé!
     Sáng, tôi xuống trường, gặp anh em ai cũng bảo: "Anh hai có ông bạn chịu chơi quá". Tôi hỏi: "Chịu chơi làm sao?", Phú. giáo viên thể dục, kể lại chuyện làm "heo chỉ" ăn sáng. Tôi cười, không nói, cứ nghĩ mãi không ra, nhà anh có nuôi con heo nào đâu!
     Trưa, tôi chạy xuống nhà anh, hỏi, anh cười:
     - Đúng thế thật, nhưng tôi dẫn mấy ông ấy đến nhà ông Tiến làm thịt heo. Ông Tiến với tôi như thế nào thì ông biết rồi. Nói chơi cho vui thôi chứ tôi bấm nhỏ ông Tiến rồi, hết bao nhiêu tôi trả. Mà ăn sáng có bao nhiêu, nài nỉ mãi ông Tiến mới lấy bằng một thùng bia 333 chớ mấy.
     Năm ấy trường tôi vào chung kết bóng đá nam. Cuối năm, gặp tôi, anh đề nghị cho anh đóng góp phần thưởng với điều kiện là thưởng cho học sinh có đạo đức tốt, có thành tích trong thể dục, thể thao, văn nghệ.
     - Thưởng cho các cháu học giỏi nhà nước, Hội cha mẹ, các tổ chức, doanh nghiệp lo rồi. Tôi đóng góp phần văn nghệ thôi bởi vì tôi tên là Lê Văn Ngọ tức lo văn nghệ mà!
     Con cái anh phương trưởng cả, anh vẫn tham gia Hội cha mẹ học sinh trường tiểu học xã. Anh nói "cho nó vui" với lại "thấy bản thân còn có ích trong xã hội".
     Chuyện về anh đã dài và đang còn dài nhưng xin tạm dừng ở đây vì. . .anh lại đến rủ tôi đi nhậu rồi!



Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

LÂM TẶC

CHƯƠNG XIX

     Hoàng Vẩu cất cái quán này mới được hơn một năm, trông tuềnh toàng nhưng khá chắc chắn. Khách hàng chủ yếu là dân sơn tràng, buôn bè, buôn lậu, thỉnh thoảng đám "công chức thượng lưu" cũng đánh xe đến. Giá cả so với nhà hàng, quán sá khác rất phải chăng, thực phẩm tươi sống. Về cái khoản thịt rừng, cá sông Hoàng Vẩu tuyên bố: "Quán khác có - Hoàng có, Hoàng có - quán khác không có". Trước kia hắn chuyên nghề buôn bán thú rừng, lấy vợ rồi hắn mới mở quán nhưng vẫn giữ mối làm ăn đó. Nguồn hàng của hắn phong phú vì ở bản nào, làng nào cũng có chân rết thu gom. Đối với cánh thợ săn lão luyện thì hắn là người duy nhất cung cấp thuốc súng, đạn ria, vật dụng đi rừng đặc biệt. Vào cầu nhất đối với hắn là bán hàng các sếp đặt: "có là được, tiền nong không thành vấn đề". Không thành vấn đề thì hắn chặt gấp ba vẫn được tiếng rẻ; thì có ai bán nữa đâu để đối chiếu giá cả, mà các sếp thì thiếu gì tiền.
     Hôm rồi cận thần của sếp Kim đặt hàng nàm sơn dương để ngâm rượu, làm quà biếu chạy chọt cho con rể vào Hải quan hải kiếc gì đấy ở Hà Nội; xuống Yên Sơn gặp già Bân, vừa mới mở miệng, lão đã quát: "Tao, dòng họ nhà tao không bắn thú chửa. Tao mà biết đứa nào bắn thú chửa tao bắn đứa đó". Gặp Minh Chột nài nỉ, hắn bảo: "Hàng nàm nai còn dễ kiếm chứ sơn dương thì khó đấy, sơn dương thường ăn ở vách núi có gộp đá, ở xa chúng đã phát hiện rồi". . .
     Đang rà soát lại cánh thợ săn khả dĩ ăn được mối hàng ấy thì thằng Cường Gấu và mấy đứa đàn em vào quán.
     - Có cái gì bổ đuôi không, Hoàng Vẩu?
     - Như mọi khi thôi, thịt rừng, cá sông.
     - Cá sông có thứ gì?
     - Rầm, trôi, lăng, lấu, leo.
Thằng Trường xuống suối kéo mấy cái rộng cá lên xem, nói vọng lên:
     - Đại ca, có hai con chình thật lớn.
     - Mày mang lên đây!
Hoàng Vẩu ngăn lại:
     - Ông thông cảm, người ta đặt đấy.
     - Ai đặt?
     - "Công chức thượng lưu".
Cường Gấu chửi:
     - Con mẹ nó, tưởng gì, bọn sơn tràng hay buôn bè đặt tao còn nhường chứ bọn "công chức thượng lưu" thì ông chén.
Rồi nó bảo thằng Cư:
     - Mày nhanh tay xuống phụ làm với thằng Trường, làm xong để thằng Hoàng Vẩu ướp nướng. Coi con cá leo nào lớn làm luôn nấu chua.
Hoàng Vẩu đành chịu sự sắp đặt của Cường Gấu, dân giang hồ không nói nhiều. Hắn vào buồng xách ra một can rượu.
     - Mày còn tí mật nào không?
     - Gấu.
     - Con mẹ mày, tao không dùng thứ đó. Còn mật sói hay báo gì không?
     - Báo thì thằng Trọng Hói kiểm lâm lấy rồi, còn tí mật sói thôi.
     - Đưa ra đây!
Cường Gấu đổ rượu vào cái bi đông, xé một nửa miếng mật sói, nửa còn lại đưa cho Hoàng Vẩu: "của quý đấy, đừng thứ gì cũng bán rấp". Lấy cái ca sắt chế một chút nước nóng dầm cho mật tan, đổ vào bi đông lắc đều rồi ngửa cổ tu một ngụm. Đưa cái bi đông cho Khoa, hắn nói:
     - Tụi mày mỗi đứa làm một hớp đi.
Hoàng Vẩu bắc lò than nướng chình. Vợ hắn phi hành nấu cá. Mùi hành phi, mùi chình nướng thơm trào nước miếng. Làm thêm ngụm rượu, Cường Gấu hỏi:
     - Lâu nay làm ăn có vào cầu không?
     - Cũng tàm tạm, có một vụ đặt hàng nhưng chưa tìm được mối.
     - Hàng gì?
     - Sơn dương hàng nàm.
     - Con mẹ nó, hàng độc đấy. Tao biết một bầy sơn dương có hai con chửa nhưng tao không có súng.
     - Một nòng hay hai nòng? Loại nào tôi cũng có.
     - Một nòng hay hai nòng của mày chỉ gãi đít cho nó.
     - Vậy dùng loại nào?
     - K44, CKC hay bèo ra cũng AK.
     - Loại đó chỉ cơ quan nhà nước hay bộ đội mới có.
Hoàng Vẩu chợt nhớ ra CKC thì lâm trường Bình Minh cũng có. Thì tuần trước thằng Cơ, thằng Hiển còn mang theo tuần rừng mà. CKC bắn xa, độ chính xác cao nhưng mà làm sao mượn súng chúng nó được? À, mà đúng rồi, mình ngu quá, cứ bảo tay Thắng mượn cho là được. Nghĩ thế, hắn hỏi Cường Gấu:
     - Có súng thì bao nhiêu ngày có hàng?
     - Ba ngày.
     - Giá cả như thế nào?
     - Loại này khó nhưng súng đạn của mày thì giá cả tính theo ngày công anh em tao.
     - Ông tính gấp mười, còn lại tính gấp năm được không?
     - Được, không vấn đề gì.
     - Thế thì bữa nhậu hôm nay thuộc phần tôi nhé.
Cường Gấu gật đầu. Không ngờ đi nhậu cũng kiếm được một vụ kha khá. Nhận vụ này cũng chả tốn mấy công sức vì đang tìm gốc kim giao, cau rừng già nên kết hợp luôn. Đằng nào cũng vào khu rừng trám đen. Không biết đại gia nào ở Hà Nội chuẩn bị đám cưới cho con mà đặt cả ngàn đôi đũa kim giao, cau rừng. Gỗ kim giao ngừa độc, chả thế vua chúa ngày xưa dùng toàn đũa kim giao. Đũa cau rừng nặng, bóng, không biết dùng đũa này có tác dụng gì không, chỉ nghe rễ cau dương (rễ cau mọc trên mặt đất) là một vị thuốc cường dương. Nghe nói thế chứ chẳng dại gì mà thử. Với Cường Gấu đã dùng loại gì thì loại đó đã là phổ thông hay được kiểm nghiệm, tai nhe mắt thấy rõ ràng. Mật sói pha rượu uống khó say, lại được cái khi đang ngủ tỉnh giấc là tỉnh ngay. Đời hắn hết vào khám lại ra trại, công an bám theo nó như hình với bóng. Bắt được nó, nó ở tù nhưng chỉ cần hở cơ một tí là nó biến. Thân mang án truy nã nhưng xét cho cùng tội nó có đáng gì đâu, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo cả. Đâm chém nhau cũng chỉ giành giật mối làm ăn, vào tù lại trốn, hồ sơ ghi thêm tội; ở ngoài lại khai thác hàng cấm, lại tranh giành địa bàn, tội dày lại dày thêm. . .Cái vòng luẩn quẩn đó biết khi nào hết. Không có nó đám thằng Trường, thằng Cư lấy gì nuôi vợ con nếu chỉ biết bám vào ba sào ruộng. Thằng Khoa, thằng Bảy còn tệ hơn năm bảy lần. Lều chưa chưa đúng là lều chứ nói chi nhà. Cùng cực quá hai đứa vay mượn hết họ hàng bên nội, bên ngoại đủ tiền cho một chuyến đi trầm, tưởng rằng kiếm được miếng cơm thì bị bắt, nợ chồng lên nợ. Muốn chạy nợ cũng đâu có dễ khi còn cha mẹ, nội ngoại hai bên. Hết đường cũng đành liều, đành phạm pháp, kiếm được ngày nào cứ kiếm, sống được ngày nào cứ sống. Lăn lóc bươn chải hết góc rừng này, xó núi kia kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi sôi nước mắt và đôi khi cả máu nữa. . .Còn mình số kiếp cũng chẳng ra gì, bố mất sớm, rồi mẹ bại liệt, mấy đứa em thì làm thuê làm mướn, lấy chồng lấy vợ sớm con cái nheo nhóc. Ngày đi làm công nhân cầu đường thấy đội trưởng bán cả xe bò xi măng, báo cáo cấp trên, chẳng những tay đội trưởng không bị xử lý gì mà bản thân hắn bị hằn vặt. Uất quá, nó trộm được thì mình trộm được, bàn với thằng bạn thân trộm hai bao xi măng đổi con chó làm thịt thì bị bắt, bị kết luận tham ô, chống lại cấp trên rồi cuối cùng bị sa thải. Hắn bị sa thải hôm trước thì hôm sau con vợ xách gói ra đi, mà đi với thằng đội trưởng mới ác. Nổi cơn điên, hắn rình chém thằng đội trưởng một nhát xẻ từ trán xuống gò má. Thế rồi lẩn lút từ đó, vào tù ra khám từ đó. Chỉ tội bà mẹ khóc hết nước mắt rồi cấm khẩu luôn. Có lần lẻn về nhà thăm, bà cứ nắm chặt tay hắn kéo xuống, rờ rẫm khuôn mặt hắn, chỉ vào hắn, chỉ vào bà rồi chỉ xuống nền nhà. Hắn lắc đầu không hiểu, bà lại chỉ vào hắn, chỉ vào bàn thờ rồi chắp hai tay lại như vái. Có lẽ bà nói nó phải ở nhà với bà, phải có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Nước mắt nó ứa ra, đành gật đầu cho bà yên tâm, lén để gói tiền dưới gối cho bà rồi lại trốn đi. . .Cứ lúc nào nghĩ đến mẹ là hắn lại trào nước mắt, thương cho thân phận đàn bà rồi chẳng biết tự lúc nào hắn hối hận vì đối xử không đúng chất đàn ông với vợ. Cũng là kiếp đàn bà thì cần một nơi nương tựa, mà hắn đã làm được gì cho vợ đâu. Lương tháng không đủ ăn nói chi đến chuyện nuôi con đau bệnh, ốm yếu, quặt quẹo liên miên. Đứa con bỏ vợ chồng hắn ra đi để lại một khoản nợ lớn tiếp sau cái nhà, mảnh vườn đã bị cầm cố. Con mất, vợ nó đổi tính đổi nết. Buồn chán nó sinh ra uống rượu để rồi xảy ra cái vụ trộm xi măng ngu ngốc đó. . .
     - Gì mà thần người ra vậy? Hoàng Vẩu hỏi.
     - Tao đang nghĩ cách tiếp cận bầy sơn dương.
     - Thôi uống đi, có súng rồi nghĩ cũng chưa muộn.
     Một chiếc La đa màu vàng đỗ xịch trước quán. Hoàng Vẩu chạy ra, Thắng bước xuống, theo sau là một người đàn ông và một cô gái trẻ.
     - Chào hai sếp, chào cô, lâu ngày quá mới ghé quán em đấy nhé.
     - Lâu gì, mới tuần trước đấy thôi. Hàng họ đủ cả chứ?
     - Dạ, cũng như mọi khi, sếp kêu gì em làm.
Thắng quay lại hỏi cô gái:
     - Em chọn món nhé, ở đây chủ yếu là thịt rừng, cá sông.
     - Thôi hai anh chọn đi, em không quen.
Ba người chọn cái bàn góc quán, kín đáo mà gần như quan sát được tất cả các bàn ăn trong quán. Thắng kêu Hoàng Vẩu xuống suối chọn cá rồi nói nhỏ:
     - Đừng phát thanh vụ hôm trước nghe chưa, tai vách mạch dừng.
Hiểu ý, Hoàng Vẩu nói lớn:
     - Cái món cá lăng nấu giấm gải nhiệt, thêm con nhím đá hấp hành chấm muối kiến nha sếp. Vừa nhanh vừa chất lượng.
Người đàn ông nói câu gì đó với cô gái, cô trả lời với giọng nũng nịu: "Ứ ừ, em chẳng thích đâu". Có lẽ là một đôi tình nhân. Cường Gấu liếc mắt nhìn sang thì gặp ánh mắt cô đảo qua. Hắn nói nhỏ:
     - Tụi mày nói chuyện nhậu thôi, mau lên rồi biến, có mùi "cá".
Uống xong tua nữa, Cường Gấu nháy mắt cho thằng Khoa.
     - Ông chủ, tính tiền!
Hoàng Vẩu cười cái điệu cười cầu tài:
     - Các bác sao nôn thế?
     - Đường còn xa, phải xuôi Tuyên cho kịp để mai sang Lục Ngạn.
Thằng Cư trả lời. Hoàng Vẩu tính tiền. Trao xấp tiền, Khoa nói:
     - Khỏi phải thối lại, chào ông nhá!
Cả bọn rời quán. Cô gái hỏi Thắng:
     - Sao họ gọi món mà để dư nhiều quá. Nhìn bộ dạng có lẽ họ là dân buôn lậu anh nhỉ?
Bưng dĩa thịt nhím hấp lên, Hoàng Vẩu nói:
     - Dân đi tìm trầm đó, vừa kiếm được món kha khá.
     Xuôi theo hướng về thị xã được độ cây số, Cường Gấu dẫn cả bọn tấp vào rừng. Khoa hỏi:
     - Sao đại ca biết bọn chúng là công an?
     - Chỉ cái thằng đàn ông và con bé giống như cặp tình nhân thôi. Cái thằng mà Hoàng Vẩu gọi là sếp thì không phải. Vào tù ra trại quen rồi, nhìn bộ dạng chúng là biết ngay. Thằng đàn ông không nói làm gì, con bé còn non lắm.
     - Đại ca chỉ ra vài điểm để chúng em rút kinh nghiệm chứ.
     - Khi nó đi vào quán không được tự nhiên, giống như mới tập đi giày cao gót. Khuôn mặt đoan chính mà cứ thỉnh thoảng liếc xéo tụi mình. Nếu là bồ bịch thì nó tít mắt với thằng bồ rồi chứ còn đâu để ý tới người khác. Nó ngồi bên trái "thằng bồ" mà sao nó lại liếc về bên trái? Đúng ra nó phải tập trung về phía bên phải.
     - Thế còn thằng đàn ông?
Thằng Bảy giờ mới nhả cái tăm trong miệng ra, lên tiếng.
     - Cáo lắm, khi vào quán nó đi thẳng tỏ vẻ không chú ý tới ai, nhưng xem qua cung cách chọn bàn ăn thì biết. Bố trí "con bồ" ngồi bên trái quay sang nói chuyện là tự nhiên, người ngoài ít ai để ý. Còn tao, mỗi lần nâng chén rượu tao quan sát lại. Bồ bịch cái con mẹ gì mà cứ nhìn tụi mình.
     - Tại thằng đó pê đê, mết đại ca quá mà!
Thằng Cư thọc lét, cả bọn không đứa nào nhịn được cười. Cường Gấu bảo:
     - Thằng Trường gác, tranh thủ mắc võng ngủ một chút. Mày chú ý khi nào tụi nó chạy qua thì gọi anh em dậy.
     Nằm trên võng cố ngủ một chút nhưng Cường Gấu không sao chợp mắt được. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu hắn. Tại sao bọn "cá" lại đến quán Hoàng Vẩu ăn nhậu? Đúng rồi, chắc chắn chúng biết mình đang ở vùng này nên điều tra giăng lưới đây mà. Không bị lão Tám Cá và thằng Quân bắt thì đời nào lộ được. Phải thay đổi địa bàn cũng mệt, bên Yên Bái chúng cũng đang truy lùng mình đấy thôi. Có lẽ chúng nghĩ vụ giết người cướp trầm là mình làm vì băng Kiểm Lác chưa bị bắt. Con mẹ nó, giết người thì trước sau gì không bị bắt, chúng làm thế chỉ khổ bao người khác thôi, thứ Kiểm Lác xử nó thì mấy hồi nhưng ngu gì khi không lại mua dây buộc mình. . .
     Chừng một giờ đồng hồ sau chiếc La đa của Thắng chạy qua, Cường Gấu kêu cả bọn trở lại quán Hoàng Vẩu. Hắn ra hiệu cả bọn quan sát xung quanh rồi bảo Khoa vào trong nắm tình hình. Một lúc sau Khoa trở ra:
     - Giờ quán không có khách. Thằng Hoàng Vẩu bảo lúc nãy gã đàn ông hỏi "nhóm người vừa đi có phải là nhóm Cường Gấu không?".
     - Con mẹ nó, tao đoán không sai!
     - Giờ tính sao, đại ca?
Cư lo lắng hỏi.
     - Trước mắt phải kiếm được ngàn đôi đũa kim giao, cau rừng đã. Mối hàng nàm cũng nên làm. Xong vụ này chúng mày có tí tiền về quê rồi đấy.
     - Thế còn đại ca?
Gần như cùng lúc cả bốn đứa đồng thanh.
     - Không phải lo cho tao. Đợi mọi việc lắng xuống, làm ăn được tao nhắn. Giờ thằng Khoa vào bảo Hoàng Vẩu ba ngày nữa muốn có hàng phải có súng, hai chục lít rượu nhất, hai tấm ni lông loại tốt.
     Khoa trở lại với cái bi đông rượu, gói chình nướng, sợ Cường Gáu la, hắn cười nhăn nhở:
     - Bỏ đi tiếc quá, đại ca.
   

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

PHÚ QUỐC MẾN YÊU


Một chiều tôi về thăm Phú Quốc
Biển rất xanh và rừng cũng rất xanh
Những trái sim căng mọng ngọt lành
Con trai ngọc ánh ngời lên lấp lánh. . .
Một miền quê yên bình
Có núi rừng, có biển
Có suối nước trong đàn cá quẫy tung tăng
Bãi Sao lặng sóng
Cát trắng mịn màng như nhung. . .

Tôi đến thăm
Trại giam Phú Quốc
Mới thấy tội ác quân thù không thể ác hơn
Chảo dầu kia không luộc chín được lửa căm hờn
Bù loong kẹp ván siết nát trái tim
Nhưng không siết được lòng yêu nước và ý chí ngoan cường
Lồng cọp là chiếc hòm kẽm gai phơi nắng phơi mưa, tạt nước sôi, cát bỏng
Người chiến sĩ vẫn sống, vẫn làm thơ và vẫn kể về những hy vọng, ước mong. . .
Chiến tranh chấm dứt
Người tù sống sót năm xưa độ lượng, khoan dung
Khi gặp lại con quỷ đóng đinh, đục răng - chúa Đảo
"Chúng tôi đổ xương máu
Không vì những hận thù riêng". . .

Tôi lại đi trên những con đường
Phú Quốc vươn mình đứng dậy
Nếm vị ngòn ngọt nồng cay
Ly rượu sim tim tím trời mây tim tím màu sim tím
Náo nhiệt chợ đêm nhập nhòa ánh điện
Một cơn gió mồ côi mang theo vị mặn mòi của biển và tiếng sóng vỗ êm êm.
Tôi đón nhận
Nụ hôn của em ngọt ngào như sim chín
Như ngọn gió mặn mòi hương vị biển
Như miên man biển xanh, trời xanh
- Anh, Phú Quốc đã xa rồi cái thời chiến tranh.