Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

CHUYỆN NỌ XỌ CHUYỆN KIA (2)


     1. Tôi có anh bạn kinh tế cũng khá, thích giao lưu với những người mà anh cho là "đại gia". Anh bảo:
     - Muốn bay cao thì đừng chơi với gà mà phải chơi với đại bàng!
     Chơi với "đại gia" để học "khôn" cũng tốt thôi. Chả thế, các "đại gia" vào nhà anh chơi, góp ý gì anh đều nghe và đem ra áp dụng tất. Đầu tiên là việc nuôi gà trang trại, kế tiếp là nuôi dông, trồng sanh. Bỏ vốn mua cả trăm con gà một lúc, nhìn thật thích mắt nhưng tội cho chị vợ, nội việc thái rau trộn cám, quét tước chuồng trại cũng đủ bù đầu trong lúc còn phải dạy học, chăm sóc con cái.
     Ngày thứ bảy hay chủ nhật nhà anh lại rộn ràng khách khứa đến tham quan 'trang trại"; xe con, xe máy để kín cổng, tính anh xởi lởi nên những ngày như thế cấm có bữa nào không nhậu. Thì gà đấy, dông đấy, 'cây nhà lá vườn cả", bia vào lời ra, chủ khách đều hể hả.
     Chiều mùng bốn tết năm rồi, một "đại gia", chủ một khu du lịch sinh thái chở chiến hữu đến nhà anh chơi, lì xì cho con bé con anh đang học mẫu giáo.
     - Bao lì xì của bác không đẹp bằng của chú Điệp. Con bé nói.
     - Cái chính là "nội dung" bên trong cháu à.
Con bé có biết gì "hình thức" với "nội dung". Cậu Điệp tỏ vẻ hơi lúng túng, định đứng dậy ra về mặc dù từ chiều tới giờ là người giúp anh bạn tôi chuẩn bị các món nhậu. Biết ý, tôi chặn trước:
     - Định về hả? Cậu mà về thì sau này đừng anh em gì nữa nhé!
"Đại gia" chủ khu du lịch sinh thái cũng bảo:
     - Chú mày ở lại chơi, anh em có gì đâu mà ngại.
 Cạn cốc bia đầu tiên, "đại gia" mở lời:
     - Chiều mùng sáu tết tôi cúng hạ nêu, tôi làm con heo rừng, mời tất cả mọi người đến chơi cho vui nhé!
     Tiệc tàn, "đại gia" bận rộn nên cùng chiến hữu về trước; tôi, Điệp cùng mấy người ở gần ngồi lại uống trà. Đứa con anh đòi mẹ nó bỏ mấy bức hình siêu nhân vào bao lì xì. Chị vợ anh bạn tôi đành phải lấy tiền trong bao lì xì ra cất. Bao lì xì của chú Điệp mới ra trường, đang trong thời gian thử việc chỉ có một trăm ngàn, còn bao lì xì của "đại gia" khu du lịch sinh thái "chủ yếu là nội dung", có tới những. . .mười ngàn!
     Chiều mùng sáu tết, tôi và Điệp không đi dự tiệc cúng hạ nêu của "đại gia" nọ. Hôm sau nghe một người trong số những người đi dự tiệc ấy kể lại là không nhậu ở khu du lịch sinh thái mà nhậu hải sản ở bè Bồng Bềnh. Tôi nghĩ tết nhất mà nhậu hải sản thì đúng là đại gia.
     - Thế có mang theo thịt heo rừng không? Đông người như thế chắc cũng trên chục triệu, đại gia có khác! Tôi nói.
     - Đại bịp, "đãi cứt gà lấy tấm" chứ đại gia gì. Vào cổng, bảo vệ thu tiền gửi xe, gặp hắn, hắn nói: "cứ vào chơi, anh đi đây một chút". Rồi bặt vô âm tín, điện thoại thì khóa máy. Mấy anh chị em xớ rớ một hồi rồi dắt díu nhau về Bồng Bềnh nhậu.
     - Thế anh bạn tôi có nói gì không?
     - Không nói, chỉ kết luận: "Đại gia là phải biết . . .đại hà tiện!".
     Thời gian sau trang trại gà anh bị dịch, dông cũng dông đi đâu cả. Thứ bảy, chủ nhật cổng nhà anh như rộng hơn vì chỉ có hai cái xe máy tòng tọc của tôi và Điệp.

  2. Tôi quen anh từ cái thời anh còn làm thợ hớt tóc, dẫn heo
nọc đi phối giống. Con đông, siêng năng chăm chỉ cũng không khá lên được. Sau cái thời ngăn sông cấm chợ, có bà chị chỉ mối, anh đi buôn tôm, làm ăn phất lên từ đó.
     Người ta "phú quý sinh lễ nghĩa", còn anh giờ có rất rất nhiều tỷ trong tay vẫn "hoang sơ" như ngày nào. Trong công việc anh kỹ càng, bài bản, đâu ra đấy, trong quan hệ hiếm thấy một lời phàn nàn về anh. Ai gọi anh là "đại gia" thì anh bảo:
     - Trình độ mới lớp ba thì đại gia chi nổi.
Quan hệ với đối tác mới hay những lúc rảnh rang anh thường rủ tôi đi cùng, anh nói:
     - Ông đi với tôi tôi tự tin hơn hẳn.
     Có lần, một ngân hàng mới mở chi nhánh ở trung tâm thị xã, anh rủ tôi đi gửi tiền. Tôi hỏi:
     - Sao anh không gửi ngân hàng cũ?
     - Gửi nhiều nơi để xem nơi nào phục vụ tốt hơn. Với lại nếu ngân hàng này bể còn có ngân hàng kia.
     - Ngân hàng chứ có phải dây hụi đâu mà anh lo.
     - Tánh tôi vốn hay lo vậy mà.
Chi nhánh ngân hàng đông khách, chủ yếu là người đi gửi tiền. Anh nói với cô thu ngân:
     - Cô ơi cho tôi làm thủ tục gửi tiền.
     - Bao nhiêu?
     - Dạ, năm trăm.
     - Chờ đó, tôi giải quyết xong mấy người này đã!
Lẽ ra anh phải được gửi rồi nếu tính theo thứ tự nhưng cô thu ngân cứ giải quyết cho những người ăn mặc "sáng sủa" trước. Bực mình, tôi nói:
     - Cô giải quyết cho anh bạn tôi đi chứ, chúng tôi chờ nãy giờ rồi!
     - Không chờ được thì về kiếm đủ triệu rồi gửi luôn khỏi mất công.
Tôi xách túi bạc của anh đặt trước mặt cô:
     - Năm trăm là năm trăm triệu đấy cô à!
Cô thu ngân xin lỗi, làm thủ tục gửi tiền. Khi ngồi nhậu với mấy người bạn, anh nói:
     - Người ta chú ý đến bề ngoài quá các ông ạ!
Một anh bạn nhậu cười:
     - "Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần" mà.

     Hè năm ấy vợ tôi về quê, các con tôi thì đi học xa cả nên nhà tôi thành "câu lạc bộ" nhậu lý tưởng. Đêm hôm trước nhậu, sáng hôm sau chưa tỉnh ngủ đã nghe anh gọi. Mời anh vào nhà, tính pha nước thì anh bảo:
     - Hôm nay rảnh, tôi rủ ông đi uống cà fê, ăn sáng, ông làm vệ sinh lẹ lên.
     Ra vòi nước đánh răng tôi mới phát hiện nồi niêu chén bát hồi hôm chưa rửa mất sạch; đôi săng đan mới mua cũng không cánh mà bay, đành xỏ đôi dép nhựa tổ ong đi uống cà fê với anh.
     - Tôi nghe nói khách sạn Áo đẹp lắm, ta ra đấy.
Anh chở tôi bằng chiếc SYM cũ. Đến nơi, tay bảo vệ nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, hỏi:
     - Hai chú đi đâu?
     - Uống cà fê. Tôi nói.
     - Ở đây không bán cà fê, chú đi cách 200 m có quán.
Đi 200 rồi 300 m mà có quán nào đâu. Anh nói:
     - Mình đi Quy Nhơn chơi hắc!
Đến Quy Nhơn, vào nhà một anh bạn của anh rủ đi uống cà fê, ăn sáng cho vui, anh hơi ngạc nhiên, tôi kể vì sao ra tận đây ăn sáng. Anh cười, bảo:
     - Anh Dư để xe máy lại đây, chiều có lính đem vào cho anh.
Rồi anh chở chúng tôi bằng chiếc xe hơi hiệu Toyota Camry bóng lộn trở lại khách sạn Áo. Tay bảo vệ thả cái ba ri e, vồn vã:
     - Chú Bảy mới vào chơi ạ?
Hạ cửa kính xe phía sau, anh nói:
     - Cậu nhìn kỹ xem ai đây!
Thấy chúng tôi, tay bảo vệ ngớ người ra, mặt tái đi. Anh nói:
     - Ông chủ của cậu còn nợ tôi trên trăm triệu tiền tôm. Còn anh Dư đây là chủ nợ của tôi đó!
Tay bảo vệ vòng tay, cúi xuống:
     - Dạ, cháu xin lỗi hai chú. Cháu xin chú Bảy đừng nói chuyện này với sếp cháu, chú mà nói là cháu bị đuổi việc, cháu xin chú!
     - Thôi được rồi, nhớ xem đây là bài học nghe!
Rồi anh hỏi:
     - Cậu nói thực xem vì sao không cho hai anh bạn tôi vào?
     - Dạ, cháu thấy hai chú đi cái xe vừa cũ vừa xấu, với lại một chú đi dép nhựa tổ ong, cháu nghĩ thế mà đòi vào khách sạn này thì chỉ có là dân quậy.
     Tôi bấm anh Dư chọc:
     - Anh thấy không nếu sáng nay anh chở  tôi bằng xe hơi thì tôi có đi chân đất đâu cũng đến nỗi bị đuổi ra.
     Anh thở dài: "Đẳng cấp với người đời luôn là hình thức!"
      
     Cái lần trường tôi đăng cai tổ chức thi đấu thể thao khu vực chọn vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, bạn bè chiến hữu về nhiều, anh bảo tôi:
     - Có nhậu ở đâu cho tôi tham gia với nha!
     Chiều hôm đó, tôi kéo hơn hai chục anh em xuống quán Phi Hào nhậu, tôi gọi điện bảo anh xuống chơi cho vui. Chừng - Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, nói với tôi:
     - Đông như thế này phải "hợp tác" thôi anh hai.
     Lúc đầu uống bia chai, sau đó chủ quán đổi bia lon. Chơi đến chín giờ đêm, bắt đầu ngà ngà, mấy anh em rủ nhau bắt cặp giao lưu bi - a. Anh Dư vốn thích môn này nên hòa đồng rất nhanh. Chừng kêu chủ quán lấy phiếu để anh em "hợp tác" thì anh đã trả từ hồi nào. Bạn bè, chiến hữu tôi áy náy, anh bảo:
     - Mấy khi anh em tới đây, bạn của ông Thắng cũng là bạn tôi, chuyện nhỏ mà.
Tôi hơi mệt, anh bảo tôi về trước, anh ở lại chơi "chẳng mấy khi", có gì anh lo. Anh em các trường có dịp gặp nhau giao lưu quên cả thời gian, quay đi quay lại đã hơn ba giờ sáng. Anh Dư, bạn tôi bảo:
     - Bây giờ cũng gần sáng rồi, tôi mời tất cả về nhà tôi chơi, ta làm thịt con heo ăn sáng!
Đến nhà, anh dẫn mấy anh em ra chuồng heo có hơn chục con, bảo:
     - Mấy ông thích con nào tôi thịt con đó!
Anh pha nước trà, chuyện làm thịt heo đã có người khác lo. Chừng bốn giờ rưỡi bàn ăn sáng được bày ra, đầy đủ cả tiết canh, lòng luộc, cháo, thịt nướng. Anh hỏi;
     - Mấy ông thích uống bia hay uống rượu?
Đồ ăn ngon, uống bia cũng phí nên ai cũng bảo uống rượu. Anh bê ra hũ rượu ngâm loại mười lít.
     - Bây giờ ăn sáng, các ông còn làm việc, ai uống được bao nhiêu cứ uống, không ép nhé!
     Sáng, tôi xuống trường, gặp anh em ai cũng bảo: "Anh hai có ông bạn chịu chơi quá". Tôi hỏi: "Chịu chơi làm sao?", Phú. giáo viên thể dục, kể lại chuyện làm "heo chỉ" ăn sáng. Tôi cười, không nói, cứ nghĩ mãi không ra, nhà anh có nuôi con heo nào đâu!
     Trưa, tôi chạy xuống nhà anh, hỏi, anh cười:
     - Đúng thế thật, nhưng tôi dẫn mấy ông ấy đến nhà ông Tiến làm thịt heo. Ông Tiến với tôi như thế nào thì ông biết rồi. Nói chơi cho vui thôi chứ tôi bấm nhỏ ông Tiến rồi, hết bao nhiêu tôi trả. Mà ăn sáng có bao nhiêu, nài nỉ mãi ông Tiến mới lấy bằng một thùng bia 333 chớ mấy.
     Năm ấy trường tôi vào chung kết bóng đá nam. Cuối năm, gặp tôi, anh đề nghị cho anh đóng góp phần thưởng với điều kiện là thưởng cho học sinh có đạo đức tốt, có thành tích trong thể dục, thể thao, văn nghệ.
     - Thưởng cho các cháu học giỏi nhà nước, Hội cha mẹ, các tổ chức, doanh nghiệp lo rồi. Tôi đóng góp phần văn nghệ thôi bởi vì tôi tên là Lê Văn Ngọ tức lo văn nghệ mà!
     Con cái anh phương trưởng cả, anh vẫn tham gia Hội cha mẹ học sinh trường tiểu học xã. Anh nói "cho nó vui" với lại "thấy bản thân còn có ích trong xã hội".
     Chuyện về anh đã dài và đang còn dài nhưng xin tạm dừng ở đây vì. . .anh lại đến rủ tôi đi nhậu rồi!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét