Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

LÂM TẶC



CHƯƠNG XXI

     Ông Bường quạt than nướng xiên chình gần chín thì sếp Kim mới tỉnh dậy, ông hít hà vài cái.
     - Trời, thơm quá ta!
Ông Bường cười:
     - Sếp ngủ đã chưa? Nhảy xuống sông tắm một cái cho mát rồi tiếp tục nhậu nghen, thức luôn tới sáng đó.
Nhìn thau chình được ướp gia vị bài bản, ông bảo:
     - Mấy ông tài thật, nhiều quá, chừng này nhậu không hết, gà vịt chi cho mất công.
     - Nướng mới ba con thôi. Anh Tám bảo để hai con lớn mai anh đem về làm quà cho chị.
     - Anh Tám, anh Nghĩa đâu?
     - Đang đi gỡ lưới, chút nữa về thôi.
     Sếp Kim tắm vừa xong thì ông Tám Cá, ông Nghĩa về. Giữ mũi thuyền cho ông Nghĩa buộc vào bè, ông hỏi:
     - Có cá không anh Tám?
     - Cũng có hàng cho vợ Ngọc bán.
Ông Bường hỏi:
     - Đã tiến hành được chưa, anh Tám?
     - Xong rồi thì tiến hành, chờ chi.
Ông Bường hú một tiếng, lát sau đã thấy Chính xách cái đèn măng sông xuống, theo sau Nam Cuội bưng xoong lớn, Dũng Nheo bưng xoong nhỏ. Ông Nghĩa nói:
     - Chú bày nhiều món quá, ăn sao hết?
     - Nhiều gì đâu, các anh thấy nhiều chứ dân lao động tụi tôi sợ vẫn còn ít đấy.
Sếp Kim hỏi Chính:
     - Thằng Ngọc, thằng Quân đâu?
     - Anh Ngọc đang chơi với con, bảo xuống sau một tí, còn sư phụ tắm giặt xong đi đâu cháu không biết.
Ông Bường cười:
     - Thằng Quân thì kệ nó, giờ không có nó mình nhậu càng vui.
Nghe ông Bường nói, hiểu ý, sếp Kim cười, dí ngón tay vào trán Chính:
     - Mày bênh cho sư phụ phải không? Mày không biết thì ai biết. Quay sang ông Tám Cá, ông nháy mắt một cái:
     - Chúc mừng anh Tám có chàng rể quý!
     - Tôi cũng đang mong thế, sếp Kim chúc mừng tôi thì phải uống đến đầu đến đũa đấy!
Rồi ông hỏi Chính:
     - Chưa hỏi nó về sức khỏe chị Tính, đám cưới Việt Thảo ra sao, rồi ông bà cụ con nữa, nói chú Tám nghe coi.
     - Dạ, bác Tính gái uống thuốc bữa đầu đau nhức không chịu nổi, mấy hôm sau bớt, bác nói khỏe thấy rõ, còn đám cưới Việt Thảo cũng vui. Ai cũng trầm trồ về quà tặng của chú Tám, của Man Hoa. Gia đình cô Việt Thảo cảm động lắm. Còn bố mẹ cháu cũng bình thường, chỉ ép cháu lấy vợ thôi.
Sếp Kim ngạc nhiên:
     - Chú tưởng mày cũng phải một, hai con rồi chứ, sao tới giờ chưa lấy vợ?
     - Dạ, cháu chưa giàu ạ!
     - Trời đất, giàu thì biết đến khi nào? Đàn ông là cái đó, đàn bà là cái toi. Có vợ rồi mới làm giàu được chớ!
     - Trước đây cháu cũng quen một cô, gia đình cô ấy cũng bình thường nhưng tỏ ý muốn gả con gái cho thiếu gia, đại gia. Từ đó cháu hận, quyết phải làm giàu mới cưới vợ!
     - Thế còn cô ấy?
     - Cũng lấy được đại gia thiệt nhưng chưa được một năm đành phải khăn gói về nhà mẹ đẻ. Gia đình cô ấy cứ tưởng gả con cho đại gia là ấm thân nhưng cô ấy bị hành hạ, đối xử chẳng khác nào con ở. Chợ thì bữa đắt, bữa rẻ, bữa nào đắt thì gia đình thằng chồng bảo "mày bòn rút cho cha mẹ mày". Tòa chưa xử li dị thì thằng chồng đã có vợ mới. . .Cháu nghĩ đôi khi nghèo cũng là cái tội.
Ông Bường thở dài:
     - Nghe cháu kể tội cô ấy quá. Không phải ai giàu cũng coi khinh người nghèo đâu, chú nói thế cháu cũng biết. Giàu về vật chất với chú chẳng là gì cả, chú chỉ kính trọng, nể phục những người giàu về tình cảm, đạo đức, trí tuệ thôi.
     - Thôi chuyện buồn ta gác lại, nói chuyện gì cho vui đi, lâu ngày mới có dịp gặp mặt thế này phải vui vẻ để có khí thế làm việc cho những ngày sau chứ, phải không sếp Kim, chú Tám?
Ông Kim, ông Tám Cá chưa lên tiếng, Nam Cuội đã láu táu:
     - Đúng đấy, cháu nhất trí cả hai tay.
Dũng Nheo đạp vào chân Nam Cuội:
     - Im mồm, chỉ được cái láu táu!
     Khi Nam Cuội, Dũng Nheo đang làm thịt gà thì Quân đi lên lâm trường, chờ Man Hoa ở bến suối Lồ. Quân ngồi trên khúc rễ cây khuất sau gộp đá. Con suối trong vắt êm đềm đổ ra cửa sông in bóng chiều bảng lãng. Không gian yên tĩnh quá, tiếng mõ trâu lốc cốc bên kia sông vọng sang tiếng được tiếng mất, thưa dần rồi im ắng hẳn. Quân chồng viên cuội này lên viên cuội khác để giết thời gian. Chồng đá cuội chán lại vẽ mũi tên xuyên qua trái tim mà cánh của mũi tên lại là những cánh hoa. Vẽ xong lại nhặt những viên cuội trắng tí xíu xếp theo hình vẽ. Trên nền cát mịn, dưới bóng núi sâm sẩm hình vẽ như sáng lên. . .
     Có tiếng chân lội suối, đúng Man Hoa rồi, trái tim Quân như loạn nhịp. Quân định đứng lên nhưng nghĩ sao lại ngồi xuống. Hãy chờ cho Man Hoa lội sang bờ bên này vẫn chưa muộn. Đôi mắt anh âu yếm dõi theo từng bước chân cô. Đến giữa suối đột nhiên cô lội ngược, ngược mãi rồi khuất hẳn. Man Hoa đi đâu nhỉ. Quân lại tự trách mình sao không gọi, sao không ùa ra. . .Thời gian lặng lẽ trôi đi, ruột gan Quân như lửa đốt. Sao không thấy Man Hoa trở lại, trên ấy có con đường nào về trại đâu? Không chờ đợi được nữa, Quân lội ngược dòng. Qua mấy hòn đá lớn chắn ngang suối, Quân giật mình dừng lại. Man Hoa đang tắm. Quân vội quay đi khi mới kịp nhìn bờ vai trắng ngần, thon thả. Thở một hơi ra, Quân nhẹ nhàng lội về bến đợi. Sao lâu quá. Giá mà có điếu thuốc. Hay mình lội ngược lên, nhưng tưởng tượng ra cảnh Man Hoa tắm anh lại nóng ran mặt. Giờ đây Quân mới thấm thía cảnh chờ đợi mà trước đây anh vẫn dửng dưng khi đọc sách hay xem phim. . .Kia rồi, Man Hoa không lội suối về bến mà men theo bờ đi xuống. Không chần chừ gì nữa, Quân theo bờ ngược lên.
     - Man Hoa!
Quân giang tay, tính ôm Man Hoa vào lòng thì cô bước lùi lại.
     - Anh về quê vui vẻ quá mà!
     - Việc anh lên trễ anh nói sau, giờ anh chỉ biết nói là trong những ngày xa em anh rất nhớ em.
     - Nhớ em mà anh có biết anh lên chậm bao nhiêu ngày không? Một ngày anh chưa lên em chết từng khúc ruột. . .Man Hoa òa khóc.
     - Anh xin lỗi em.
Vừa nói Quân vừa kéo Man Hoa vào lòng. Man Hoa cắn vào ngực Quân thổn thức:
     - Em cắn cho anh chết luôn.
Quân hôn nhẹ lên mái tóc Man Hoa, thì thào:
     - Anh lên chậm mấy bữa mà đã như thế này, cắn cho anh chết em sống nổi không.
Man Hoa chùi nước mắt vào ngực Quân, ngước lên:
     - Ghét anh lắm, biết người ta thương rồi cứ ăn hiếp người ta hoài.
Quân cúi xuống, Man Hoa đặt ngón tay lên môi Quân:
     - Anh ăn gian, có nói gì đâu mà đòi hôn em.
Quân hôn lên đầu ngón tay man Hoa:
     - Anh ...yêu em.
     - Em muốn anh nói khác cơ.
     - Em muốn anh nói gì nào?
     - Nói cái ý sau câu anh vừa nói ấy!
Im lặng giây lát. Vuốt nhẹ mái tóc Man Hoa, Quân say đắm trong đôi mắt trong trẻo, tràn đầy hạnh phúc của Man Hoa.
     - Em làm vợ anh nhé!
     - Em nghe chưa rõ, anh nói lại lần nữa đi.
Quân cười:
     - Em nghe chưa rõ sao bảo anh nói lại lần nữa. Em nghe đây, anh nói cho cả núi rừng, non nước này cùng nghe nhé.
     - Khẽ thôi anh, chỉ mình em nghe là đủ.
Quân chầm chậm từng tiếng:
     - Em làm vợ anh nhé!
Nói rồi Quân hôn lên đôi môi Man Hoa, Man Hoa từ từ nhắm mắt, tựa đầu vào ngực Quân. Cả hai như tan biến vào trong nhau. Bao nhớ nhung, khát khao, dằn vặt, trăn trở giờ đây được đền đáp bằng vòng tay nồng ấm; hơi thở nồng nàn, gấp gáp, ngọt ngào đôi môi. . .
      Dòng suối sáng dần lên, những con sóng lăn tăn lấp lóa ánh trăng vàng trông như vảy rồng, cả con suối như hóa thành con rồng bơi ra sông lớn.
     - Về thôi anh. Về trễ hai chị trêu em chết.
     - Sợ hai chị trêu chứ không sợ chú Tám sao?
     - Giờ thì anh không được gọi chú Tám hay sư phụ nữa, phải gọi bằng cha chứ. Cha biết em đi với anh có gì phải sợ.
     - Em không sợ nhưng anh sợ.
     - Anh sợ sao lại ra đây đón em.
     - Không biết nữa.
     - Không biết nữa, Man Hoa nhại lại, anh nói với cha xem cha có ăn thịt anh không mà sợ.
Quân đùa:
     - Cha mà ăn thịt anh để em ở giá à!
Man Hoa đấm vào vai Quân.
     - Anh chỉ được cái nói bậy thôi. Nói nghiêm túc em biết cha thương anh lắm đó.
     - Anh cũng linh cảm như vậy. Mấy hôm nay lúc nào cũng về tối thế à?
     - Dạ, thiếu nhân công lắm, nhất là khai thác nứa nguyên liệu. Thuê mướn nhân công theo em giá cả cũng được nhưng công việc cũng chậm lắm
     Man Hoa kể cho Quân nghe việc lâm trường từ khi anh nghỉ việc cho đến hôm nay, sếp Kim lên kiểm tra. Nghe xong chuyện, Quân nói:
     - Có lẽ anh bàn với mấy anh lại làm thuê cho lâm trường thôi.
Man Hoa ngạc nhiên:
     - Anh không đùa đấy chứ?
     - Không đùa đâu, lần này ký hợp đồng khai thác hẳn hoi.
     - Thế còn xưởng mộc?
     - Xưởng mộc thì từ từ làm sau. Anh muốn nhân cơ hội này kiếm ít tiền đã.
     - Anh thấy rồi đấy, hợp đồng công nhân có bao nhiêu tiền đâu.
     - Không, anh tính hợp đồng ăn chia sản phẩm. Khai thác, vận chuyển đưa về bến xạ cả thì 50/50. Còn bên anh lựa thì 4/6.
     - Anh làm gì em cũng ủng hộ hết, em tin ở anh.
Quân dừng lại, ôm Man Hoa, đặt lên môi cô một nụ hôn. Man Hoa đẩy Quân ra.
     - Anh liều quá, giữa đường ai gặp thì chết.
     Đến đầu cổng trại đã thấy ánh sáng từ nhà bè hắt lên, Quân cầm tay Man Hoa.
     - Em vào đi, anh xuống với mấy chú đây.
     - Dạ, anh uống ít thôi, giữ gìn sức khỏe cho em đấy!
Bất ngờ Man Hoa ôm lấy Quân, hôn một cái vào má rồi chạy vào cổng. Con Mực chạy ra vừa vẫy đuôi vừa sủa ăng ẳng, nó nửa muốn vào nửa muốn theo Quân xuống bến.
     - Mực, đi vào!
Quân nạt nhưng nó hầu như không sợ, chồm giỡn mấy cái rồi mới quay đầu chạy theo Man Hoa.
     Vừa bước chân lên sàn, sếp Kim đã bảo:
     - Chỗ của cháu đây, bát đũa đây. Đến chậm thì tự phạt.
Quân ngồi xuống, rót một chén rượu.
     - Cháu kính mấy chú, mấy anh!
Ông Bường hỏi:
     - Có gặp Man Hoa không?
     - Dạ, có ạ.
     - Gặp không có chuyện chi để nói hay sao mà giờ xuống đây.
Quân cười:
     - Thế chú không muốn cho cháu nhậu sao.
     - Cái thằng, thật hết biết.
Quân hỏi sếp Kim:
     - Như tụi cháu muốn hợp đồng với lâm trường khai thác nứa ăn chia bằng sản phẩm được không chú?
     - Cơ bản là được nhưng cũng phải tùy theo tỷ lệ là bao nhiêu nữa chứ.
Quân nói tỷ lệ ăn chia, sếp Kim bảo:
     - Tỷ lệ như vậy hơi thiệt cho người lao động, nhưng cháu nêu tỷ lệ như vậy chắc có tính toán rồi?
     - Lời ăn lỗ chịu mà chú!
Ông Tám Cá ngạc nhiên:
     - Thế vụ làm xưởng mộc sao hả con?
     - Dạ thì từ từ một chút. Con muốn nhân cơ hội này mình vừa giúp lâm trường vừa có vật liệu để làm xưởng mộc, làm cái nhà tạm cho anh Ngọc, anh Nam.
Sếp Kim quay sang nói nhỏ với ông Nghĩa:
     - Thằng Quân còn nhỏ tuổi mà chu đáo quá, nó là sư phụ của mấy đứa cũng phải. Có được đứa con như nó thì làm bố, làm mẹ thật hạnh phúc.
     - Thì con cái anh cũng phương trưởng, thành đạt cả đấy thôi.
Sếp Kim không trả lời, bề ngoài là vậy nhưng chỉ người trong nhà mới hiểu rõ. Thằng con trai đầu cho nó đi Đức, sang đấy chẳng chịu học hành, ăn chơi lêu lổng bị đuổi về nước. Kèm cặp mãi thi Cao đẳng cũng thiếu điểm rưỡi. Nhờ quen biết, chạy chọt, tốn một đống bạc mới vào được trường. Rồi ba năm học của nó chẳng năm nào không thi lại, ông lại phải quà cáp, biếu xén, chạy chọt. Bực quá, mắng nó vài câu nó đòi bỏ học nên đành phải im. Qua được cái đận học hành phải chạy chọt tiếp để xin việc cho nó. Cái thằng con trời gầm chẳng biết thân biết phận, ỉ lại, ta đây, ở cơ quan nào người ta cũng ghét. Có lần sếp nó nói thẳng vào mặt ông: "Nể anh quá chứ làm việc kiểu nó tôi muốn tống khứ bảy đời trào". Câu nói đó khác chi tạt nước vào mặt. Nhục vì con, chịu hết nổi, ông nói với bà vợ: "Bà bênh nó thì lo cho nó, lần này là lần cuối tôi xin cho nó chuyển cơ quan. Tôi là thằng giám đốc quèn, bà tưởng tôi to lắm à, ghê gớm lắm à". Cũng may, sau khi có vợ nó cũng thuần tính đôi chút. Hết con trai lại con rể. Thương con gái thì phải lo cho con rể thôi. Nhưng từ khi người ta hứa tới lúc cầm cái quyết định là một khoảng cách dài, dài lắm, nó tương ứng với tiền bạc và cả sự lì lợm, nhục nhã nữa. . .
     - Gắp chút mồi đi sếp, từ nãy giờ sếp chỉ uống thôi. Cái món chình này vừa bổ gân cốt vừa sung lắm đấy.
Sếp Kim nói với Thuộc:
     - Sung đâu chả biết, nhưng cái món này nó giải rượu hay đấy, uống mãi mà chưa thấy gì cả.
     - Đô sếp cứng thật, cháu thì thấy ríu mắt rồi.
Ông Tám Cá châm một điếu thuốc, nói với Chính:
     - Hai anh em cháu đi đường xa, mỏi thì ra sau mà ngủ. Dũng pha ấm trà đặc đặc vào, giờ chú thich chén trà thay mồi rồi đấy.
     Thấy Quân như suy nghĩ điều gì, sếp Kim đùa:
     - Giờ muốn đi chơi hả, trăng sáng thế này mà ngồi ven bờ sông nói chuyện lãng mạn biết mấy!
     - Dạ không, cháu đang suy nghĩ chuyện khác.
Hướng về phía ông Tám Cá, Quân hỏi:
     - Trâu ở vùng ta có đắt không sư phụ?
     - Con hỏi mua trâu làm gì? Tính mua trâu chọi sao?
     - Thôi con nói chuyện này với sư phụ sau, giờ con xin phép sư phụ, mấy chú, con đi ngủ trước.
     Ông Tám Cá không hiểu Quân hỏi mua trâu làm gì. Cái thằng luôn làm ông đau đầu trước khi nó đưa ra lời giải. Sự lơ đễnh của nó chính là biểu hiện của tư duy chiều sâu bên trong, sắc sảo mà hợp lý, nhanh mà chắc, nhiều lúc có vẻ sách vở đấy mà thực tiễn, thứ tự, lớp lang... Nghĩ về cách suy nghĩ của Quân, ông lại tiếc, giá như nó học Đại học rồi học cao hơn nữa. . .
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét