Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XX

     Ông Tám Cá đang cùng anh em Ngọc Râu phát dọn khu đất làm xưởng mộc thì ông Nghĩa, ông Bường, sếp Kim đến.
     - Để con cháu làm, chỉ huy là được rồi, chú Tám.
Ông Nghĩa nói thay cho lời chào. Sếp Kim tiếp:
     - Lâu lắm mới lên đây, tính nhậu với anh một bữa, anh mắc công việc thế này, sao nhậu?
Ông Tám Cá phủi tay cười:
     - Có việc gì đi nữa mà các anh lên chơi cũng nghỉ thôi. Làm cả đời chứ đâu làm một ngày.
Ông nói với anh em Ngọc Râu:
     - Thu dọn đồ đạc nghỉ đi mấy đứa!
     - Chú Tám và mấy chú về chơi, bọn cháu tranh thủ làm chứ chưa đâu vào đâu cả.
     - Thôi, nghỉ đi, mai mốt già Bân đưa quân sang làm vài bữa là xong. Già Bân nhất quyết việc đắp nền phải để đấy già chọn ngày, chọn người.
Sếp Kim nhìn khu đất, hỏi:
     - Anh Tám tính làm ở đây thật à? Sao anh không làm ở khu đất gần quán Rừng Chiều?
     - Làm ở đấy thợ sáng xỉn chiều say để mình lỗ à. Nói chơi thôi, dưới đó tính sau, giờ tập trung làm ở đây đã, phải từ từ từng bước anh à.
     - Anh từ từ từng bước bọn này có chạy cả đời cũng không theo kịp.
Ông Nghĩa lên tiếng:
     - Anh Kim cả đời không theo kịp thì bọn tôi phải tới đời cháu chắt.
     - Chưa uống đã cãi nhau rồi, việc sau cứ để sau hẵng hay, giờ ta tính chuyện nhậu đã.
     Khu đất cách nhà bè cỡ chừng non nửa cây số, nói như già Bân "chưa hết một tầm hú". Đang trên bờ, thấy Duyên cân cá cho khách, ông Tám Cá hỏi:
     - Còn cá không, vợ Ngọc?
     - Dạ, đang còn ba, bốn kg.
     - Thôi khỏi bán nữa, để nhậu. Vợ thằng Nam đâu?
     - Dạ, đang làm cỏ trên trại.
     - Đã bảo mới lên nghỉ ngơi ít bữa đã. Rồi thì không có sức mà làm lúc đó đừng khóc.
     - Dạ, bọn con chỉ khóc khi không có việc làm thôi.
Thấy bố bước lên bè, thằng cu giơ tay đòi bế. Ngọc âu yếm:
     - Để bố rửa tay đã nhé!
Ông Tám Cá nói với Duyên:
     - Con bế con lên trại nghỉ, mấy chú lấy "cứ điểm" này làm "chiến trận".
     Rượu được vài tuần, sếp Kim chuyển đề tài:
     - Tôi lên kiểm tra lâm trường, công việc cũng tạm ổn, cô con gái anh khá quá, chắc nay mai đưa nó lên làm lãnh đạo lâm trường này mới được!
Ông Tám Cá cụng chén rượu với sếp Kim, ông Nghĩa:
     - Cho dù mới trong ý nghĩ tôi cũng cảm ơn anh. Nhưng tôi cho nó làm một vài năm thôi, chồng con rồi phải lo việc nhà chứ!
     - Chú nghĩ thế là không được đâu, chú Tám. Phải để cho nó phát triển, cống hiến chứ. Ông Nghĩa lên tiếng.
     - Tôi thì nghĩ khác, không cứ gì phải quan chức, làm việc nhà nước mới là cống hiến. Cứ như già Bân các anh thấy đấy, một người bình thường mà cả xứ đồng rừng này ai cũng cần tới đó thôi. Tôi nghĩ làm ở ngoài đóng thuế cho nhà nước đầy đủ còn hơn là hưởng lương nhà nước mà ỉ lại, làm việc được chăng hay chớ. Anh xem, cái lâm trường Bình Minh đó, đất đai, tài nguyên như thế mà công nhân đói lên đói xuống, hai vợ chồng có đứa con mà nuôi không nổi, cha mẹ phải viện trợ.
Ông Bường thở dài:
     - Mấy hôm nữa tôi về hưu, cả đời gắn bó với lâm trường, nhận tiền lương hưu đâu có đủ ăn. Thôi thì mình ít học, tài năng không có không nói làm gì, chứ tài năng, đạo đức như cháu Man Hoa mà ở lâm trường, tôi nói thật là uổng phí.
Quay sang sếp Kim, ông tiếp:
     - Đấy, anh xem mấy đứa đây vừa nghỉ việc lâm trường đấy, lên đây lập nghiệp đấy, tôi tin vài ba năm sau công nhân lâm trường có gắn động cơ cũng theo không kịp. Anh hãy nhớ lấy lời tôi nói hôm nay nhé!
Sếp Kim phân bua:
     - Không uống với nhau thì không hiểu nhau. Tôi biết từ khi anh Nghĩa đi cái lâm trường này bung bét hết. Nhưng anh Nghĩa cũng biết rồi đấy, tôi cũng có muốn lãnh đạo kiểu như thằng Minh Chột, Trí Vịt đâu, nhưng áp lực ghê lắm. Thì đấy, sau cái vụ thanh tra thì anh Nghĩa phải sang bên ủy ban đó thôi. Tôi thua anh Nghĩa ở đạo đức, phẩm hạnh nhưng ở đời này "người đục, ta trong" đâu có tách bạch được. Lời lão thuyền chài với Khuất Nguyên bên Tàu từ xưa tới giờ ngẫm ra vẫn còn là chân lý. Anh Bường nói đúng thôi, người khôn chọn chúa mà thờ. Lãnh đạo như thằng Minh Chột, Trí Vịt chỉ chấp nhận kiểu người cam chịu. Cũng may lâm trường còn những người như anh, cô Thoa, cháu Man Hoa chứ không thì phải giải thể từ lâu rồi. Tôi tiếc nhất là thằng Quân và mấy anh em đây nghỉ việc. Nghe cô Thoa, cô Diệp nói lại tôi thật bực. Tôi nghĩ, muốn phát triển phải thay đổi lại cơ chế, cung cách quản lý thôi. Riêng cung cách quản lý chẳng cần đâu xa, học anh Tám là đủ.
Ông Tám Cá cười:
     - Sếp lại cho tôi đi tàu bay giấy rồi đấy. Tôi thì biết gì mà quản lý, mọi việc cứ theo nếp cũ của vợ tôi đấy thôi.
     - Thế anh mở xưởng giao cho ai?
     - Thằng Ngọc, thằng Quân chứ còn ai nữa.
     - Thằng Quân đâu?
     - Tôi cũng đang mong nó đây, về nhà dự đám cưới cô em chưa lên. Nó bảo đi tuần lễ mà nay đã hơn mười ngày rồi, nóng ruột quá!
Ông Bường cười:
     - Chú nóng ruột một thì cháu Man Hoa nóng ruột mười. Lần này nó lên cho nó cưới để tôi còn dự chứ.
     - Chẳng lẽ anh về quê mà cháu nó cưới anh không lên?
     - Đùa thôi, tôi là tôi mong nó cưới sớm, nhìn cái bộ dạng nó nhớ nhung thằng Quân thấy tội lắm!
     - Tôi cũng muốn vậy nhưng thằng Quân có nói gì đâu, với lại tôi thấy hai đứa nó có biểu hiện gì đâu, đối xử với nhau cũng bình thường.
Ông Bường bưng chén rượu uống một hớp, "khà" một tiếng thật lớn, nháy mắt với Ngọc Râu, nói giọng "bề trên":
     - Chuyện này chú "mất cảnh giác quá", nuôi ong tay áo mà không biết. Hôm trước tôi hỏi cháu, nó bảo nó thương thằng Quân, thằng Quân cũng thương nó nhưng ngại chú thôi!
Ông Nghĩa uống cạn chén rượu:
     - Trước tiên tôi mừng cho chú Tám. Chuyện thằng Quân với cháu Man Hoa có khó gì, nếu chú Tám đồng ý, khi nó lên đây ta họp lại, đưa ra nghị quyết, thế là xong.
Nam Cuội bấm Dũng Nheo, thì thào:
     - Nghiệp lãnh đạo ngấm sâu vào máu cụ Nghĩa rồi.
Ngọc Râu trừng mắt, Nam Cuội nghiêm túc, nhỏ nhẹ vừa đủ nghe:
     - Thì em có thấy chú Nghĩa có ý gì là đùa đâu!
       Vừa lúc đó tiếng còi tàu nổi lên, lát sau mới nghe tiếng máy, mới thấy hình dạng con tàu lớn dần. Lại một hồi còi nữa.
     - Có lẽ thằng Quân lên, ông Tám Cá nói, có khi nào chú Thuộc kéo còi kiểu này đâu.
Đúng như dự đoán của ông Tám Cá, con tàu hãm tốc, từ từ áp vào nhà bè, sóng xô lên dập xuống làm đổ phân nửa chén rượu trên tay sếp Kim. Chính nhảy xuống, chưa kịp lấy thăng bằng đã la:
     - Con và sư phụ lên rồi, chú Tám!
Ông Bường vui ra mặt:
     - Chúng mày lên đúng lúc lắm, hơi trễ một chút!
Thuộc cười:
     - Đã đúng lúc lại còn còn hơi trễ, lúc nào cũng hết ga anh ạ!
Từ trên ca bin, Phương - phụ lái của Thuộc, hỏi:
     - Anh lên hay ở lại?
Ông Bường trả lời:
     - Chú lên một mình được thì để nó ở đây uống vài chén với anh em cho vui.
     - Thì cũng trên chục lần rồi đó, chú Bường.
Nói rồi Phương kéo một hồi còi, con tàu lầm lũi ngược nước, sóng từ chân vịt con tàu lan sang cả bờ bên kia. Chờ cho Thuộc, Chính, Quân ngồi vào chỗ, ông Tám Cá hỏi:
     - Sao con về lâu thế?
Quân trả lời:
     - Lẽ ra xong việc con đi luôn, nhưng xuống thị trấn Thái Hòa vào chơi nhà anh bạn làm nghề mộc có cái cưa tay Honda hay quá, con ở lại học cách sử dụng luôn. Loại này con tính nếu đốn cây thì nhanh hơn dùng rìu mười lăm lần; còn bóc bìa nhốt hộp gỗ thì tuyệt vời lắm. Xẻ ván cũng được nhưng phí gỗ vì mạch cưa rộng gấp bốn lần cưa líu.
Sếp Kim hỏi:
     - Có phải loại dùng bằng xăng không? Có một hộc nhỏ đựng luyn (nhớt) làm mát lưỡi cưa?
     - Dạ, đúng vậy.
     - Ngành cũng tính trang bị cho các lâm trường. Lâm trường chưa có nhưng lâm tặc có rồi, tôi mới nghe báo cáo thế.
Ông Bường thở dài:
     - Cưa máy hiện đại thế mà trong tay lâm tặc thì còn gì là rừng nữa!
Quân nói với ông Tám:
     - Con thấy mình phải mua cái cưa ấy sư phụ ạ.
     Sếp Kim nhìn Quân, mới gặp lần đầu mà sếp đã thấy cảm tình, ở Quân toát lên vẻ tự tin, hoạt bát mà chín chắn. Tuổi trẻ mà chí hướng lớn. Qua lời kể của ông Bường, chỉ riêng việc lỡ hẹn với người yêu chỉ vì công việc xem ra cậu ta biết cân nhắc việc nên làm, không bị tình cảm chi phối. "Dưới trướng" có những con người như thế thì việc gì mà ông Tám Cá không thành công. Con người ta có số, nhưng hình như dòng dõi nhà chúa, thời nay không ngai mà vẫn có cái uy, làm gì được nấy. Phải rồi, sao ta không hùn hạp nhỉ? Nhưng liệu ông Tám Cá có đồng ý không? Làm cái xưởng mộc đối với ông Tám Cá chỉ là cái chuyện vặt. Nghĩ thế, sếp Kim ướm lời:
     - Anh Tám mở xưởng mộc có cho tôi hùn với nhé!
     - Tầm cỡ sếp thì phải đầu tư vào nhà máy chứ cái xưởng mộc cỏn con lấy công làm lãi thì ích gì chứ?
Ông Tám Cá nâng chén rượu cụng với sếp Kim, ông coi lời sếp Kim như câu đùa.
     - Tôi nói chân thành đấy anh Tám, muốn thành nhà máy cũng bắt đầu từ công trường thủ công chứ.
Câu nói sếp Kim hàm ý như sự phát triển chủ nghĩa tư bản. Ông Tám Cá nhìn Quân, Quân kín đáo gật đầu.
     - Thế sếp tính hùn hạp như thế nào?
     - Nếu máy móc thì khấu hao theo lãi suất ngân hàng. Định giá hoàn vốn máy móc trong  năm  năm mà công nhân vận hành bảy năm thì hai năm ấy thuộc về họ.
Quân cười:
     - Máy móc thì mỗi ngày một hiện đại, giả sử mới sử dụng hai năm mà thị trường cho ra loại máy mới hiện đại hơn, năng suất hơn thì phải làm sao ạ? Hơn nữa, một cái máy hoạt động cầm chừng so với một cái máy hoạt động hết, vượt công suất nó khác nhau chứ ạ. Theo cháu, khấu hao máy móc phải tính trên tổng sản phẩm. . .
     - Hậu sinh khả úy, ông Nghĩa nói, tôi chưa biết sau này thế nào, nhưng anh Kim đầu tư vào cái xưởng mộc anh Tám là đầu tư đúng chỗ đấy.
     Sếp Kim thật bất ngờ về cách đặt vấn đề của Quân, nó bình thường mà mới mẻ, khác xa cung cách quản lý lâu nay. Ông lờ mờ nhận ra nó khuôn mẫu, cứng nhắc, hèn chi chưa bao giờ tốc độ phát triển kinh tế của tập thể, nhà nước nhanh bằng tư nhân trong khi được bao cấp, hỗ trợ  đủ điều.
     - Thế nếu chú đầu tư, theo cháu nên tập trung vào khâu nào?
     - Cháu biết chú quan hệ rộng nên tập trung vào khâu giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phần nào ở khâu thu mua nguyên liệu. Còn việc mua máy móc phải cân nhắc, thật cần thiết mới mua. Theo cháu, trong sản xuất tối kỵ đầu tư trang thiết bị, máy móc mà không sử dụng, cái gì làm được phải tự làm.
     Một lần nữa sếp Kim lại khâm phục cách nhìn nhận, đánh giá, phân tích của Quân. Có lẽ không phải mình, ông Tám Cá sử dụng lớp trẻ mà lớp trẻ đang sử dụng, sắp xếp vị trí công việc cho mình, cho ông Tám Cá. So với đám giám đốc hàng tỉnh, ông là kẻ sáng giá nhất, ông hơn họ cái bằng Đại học chuyên tu, hơn ở chỗ không phải bạ gì cũng ăn. Ông biết đời làm quan của mình không trong sạch lắm nhưng cũng chẳng tệ đến nỗi để cán bộ, công chức trong ngành rủa. Thì cũng xà xẻo tí chút ở mức độ "có giới han", thì cũng nhận quà biếu "trên mức tình cảm" một tí của đám chạy chức, chạy quyền. . .Có vậy mới đủ sức nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, mới có cuộc sống kha khá một tí. Thanh bạch như ông Nghĩa, phóng khoáng như ông Tám Cá là điều ông thiếu, ông mơ ước. Có lẽ ông Nghĩa, ông Tám Cá xem ông là bạn nên lương tâm ông không cho phép ông làm những gì quá đáng. . .Còn Quân, mặc dầu bây giờ nó chỉ hai bàn tay trắng nhưng chắc chắn tương lai sẽ giàu có, sẽ đóng góp được nhiều cho xã hội, tâm tư bao giờ cũng thanh thản tiêu đồng tiền của mình chứ không như ông đôi lúc tiêu tiền mà lương tâm áy náy. . .
     - Cháu mời chú một chén, nếu cháu có gì không phải mong chú bỏ qua cho.
Sếp Kim bừng tỉnh, chạm cốc với Quân.
     - Không có gì đâu, cháu suy nghĩ thấu đáo lắm, chú tin ở cháu.
     - Thôi chuyện làm ăn hùn hạp để sau, giờ nói chuyện vui thôi, sếp Kim. Mà sao sếp ra đây không có thằng Minh, thằng Trí tháp tùng?
     - Đang lo chỉ huy khai thác nứa, trồng lại cây. Uống rượu với anh Nghĩa có hai thằng ấy mất ngon.
Ông Nghĩa tính nói câu gì đấy rồi lại thôi. Ông Bường cười:
     - Lâm trường từ quân tới tướng làm không hết việc, chỉ mỗi tôi là thảnh thơi nhậu nhẹt.
Ông Nghĩa lên tiếng:
     - Đúng ra phải cho anh nghỉ trước sáu tháng ăn lương 100%, mãi tới bây giờ anh chưa được nghỉ là lâm trường bóc lột anh tới giọt mồ hôi cuối cùng rồi.
     - Không làm việc gì buồn chân buồn tay lắm. Về hưu tôi chắc chết sớm vì nhớ lâm trường thôi, tôi quen sống ở đây rồi.
     - Thế anh đưa chị lên đây cho vui, tôi tặng anh chị đám đất đủ sức cho anh chị làm, rỗi rãi thì cùng tôi đánh cá. Mình tự cấp tự túc hưởng nhàn, việc lớn để con cháu lo.
     - Hay đấy anh Bường, ông Nghĩa nói, thế tôi muốn ở đây chú Tám có đất cho tôi không?
     - Thế thì còn gì bằng, tôi trông đó là sự thật, hôm nào thằng Quân chở anh đi, thích mảnh nào tôi giao mảnh đó.
Ông Nghĩa nói là nói đùa thế thôi, để anh Bường khỏi ngại. Hoàn cảnh anh Bường và ông khác nhau. Nếu anh Bường đồng ý thì tốt quá. Tuổi già đến nơi rồi, cần có sự cân bằng cả trong cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. . .
     Ngọc râu nháy Nam Cuội, Nam Cuội bấm Chính:
     _ Mày đi pha ấm nước, không thấy sư phụ nhấp nha nhấp nhổm sao?
Nghe Nam Cuội nói Quân đỏ bừng mặt. Không biết bây giờ Man Hoa đang làm gì. Cách gì thì cách phải đi đón mới được. Mà gặp em phải nói câu gì nhỉ?. . .
     Chính mang ấm nước vào, ông Tám cá nói:
     - Thằng Chính, thằng Quân ở nhà nói chuyện với sếp Kim; thằng Thuộc và anh em thằng Ngọc làm thịt mấy con gà kho sả, nấu xáo lá chanh. Anh Nghĩa, anh Bường đi với tôi bắt mấy con chình về nướng, nhậu cho tới sáng mới đã.
     Gió sông lồng lộng, mát quá, mấy chén trà chát ngọt cũng không làm sếp Kim khỏi ríu mắt. Chưa lúc nào sếp thấy thanh thản, thoải mái như hôm nay. Sếp nói với Quân:
     - Chú ngủ chút mới có sức "chiến đấu" với anh Tám.
       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét