Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

UỐNG CAFÉ VỚI EM

                                                 
                                                                                                                    Tặng Diễm 
Em ngồi đối diện với ta
Ngoài hiên gió thốc, mưa sa từng hồi,
Lắng nghe ta nói, em cười
Đôi môi mọng đỏ…đất trời ngả nghiêng
Tóc mai mềm mại làm duyên
Vuốt ve cái “lúm đồng tiền” má em.
Ly trà đá, ca fé đen
Vẫn là hương vị thân quen mỗi ngày,
Cớ sao càng nhấm càng say
Nồng nàn quên hết đắng cay, sự đời?...
Môi em nở một nụ cười
Ngoài kia mưa cũng ngưng rồi – nắng lên!

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

CHUYỆN TÌNH TRINH NỮ HẰNG NGA



            Ta gặp nàng bên dòng suối lạnh
            Phảng phất buồn ủ dột nét hoa,
            Càng mặn mà vẻ đài các kiêu sa
            Nàng đăm đắm vời xa phương ấy
            Dõi mắt trông theo nào ta đâu thấy
Bóng hình ai ngoài cánh chim bay…
                     *
Bỏ làng trốn đi khi chồng đang say
Trên lưng ngựa suốt mười ngày ròng rã
Con tuấn mã rùng mình chực ngã
Nàng dừng chân cho cả ngựa và người.

Ta nói với nàng: “Đây vương quốc của ta
Nàng đã đến xin đừng sợ hãi,
Nàng có thể ở đây mãi mãi
Có ta đây ai dám đụng đến nàng!”

Thảm cỏ xanh điểm xuyết hoa vàng
Dòng suối trong soi bóng nàng kiều diễm,
Đôi mắt nàng mênh mang như biển
Như hỏi ta, ta nói thực hay đùa?

Ta bấm tay xem thực hay mơ
Nàng là hiện thân của hồn thơ Lý Bạch
Hay nàng bước ra từ trang sách
Cô gái Di gan đêm vũ hội kén chồng?

Bước chân nàng như nước dòng sông
Suối tóc nhung xõa ngang lưng óng mượt,
Say đắm ngắm nàng lòng ta thầm ước
Nâng tay nàng ngà ngọc ghé môi hôn!
                       *
Nàng kể ta nghe về cuộc đời buồn
Mồ côi sớm nương nhờ nhà cậu
Chăn dê hái dâu trỉa ngô trồng đậu
Nấu rượu gánh than đi chợ bán hàng…

Không ngày nào nàng được chút rảnh rang
Quần quật luôn tay sáng ngày tới tối,
Giọt nước mắt rơi cũng là rơi vội
Mình tủi mình, thương cái phận đơn côi.

Nàng lớn lên trong lam lũ, đòn roi,
Nét hoa khôi hiện dần theo năm tháng
Một đêm mưa đầu mùa sau những ngày hạn hán
Ông cậu dâm ô xé rách váy của nàng!

Nàng thét lên quá đỗi kinh hoàng
Xô lão già dê băng vào đêm tối
Cứ cắm đầu chạy dọc theo  bờ suối
Mặc chân đỏ máu đá sắc gai cào.

Rồi chợt  nghe tiếng người ngựa lao xao
Cũng là lúc nàng ngã nhào mép nước,
Khi tỉnh ra thì nàng mới biết
Lão già dê mang tôi tớ đi tìm.

Nàng bị trói trong chuồng ngựa mấy đêm
Bụng đói lả cổ khô khát cháy,
Phải trốn đi – đầu óc nàng nghĩ vậy
Bàn tay ta vun xới cuộc đời ta…

Ngụy gia trang có lão bộc già
Từng ở với mẹ cha thuở trước
Lão thương nàng như đứt từng khúc ruột
Lén cắt dây mở khóa để nàng đi.

Lúc biệt li lão đưa nàng tay nải
Với phong thư gửi gắm họ hàng xa,
Nàng bước đi giọt giọt châu sa
Lòng lo lắng lão bộc già phải tội.
                        *
Nơi nàng đến nằm lưng chừng núi
Sớm mù sương và tối cũng mù sương
Ngày lại ngày địu nước, cuốc nương
Đêm tá túc nhà đồng hương lão bộc.

Rồi một lần dắt ngựa thồ lên dốc
Nàng nghỉ chân bên một gốc thông già,
Lão tri châu dẫn đám lính tuần tra
Ánh mắt nhìn nàng ranh ma quỷ quyệt.

Hắn mưu toan nhưng nàng đâu có biết
Biết trách ai?Trách duyên kiếp mình thôi!
Mấy hôm sau nàng chẳng hiểu đầu đuôi
Bị trói nghiến lôi về nhà chúa đất.

Vợ lão tri châu vung roi da quất
Trận  đòn ghen túa máu thảm thương
Nàng có ngờ đâu kiếp nạn tai ương
Phận gió sương lại hoa nhường nguyệt thẹn!
                            *
Lão tri châu chống hèo bước đến
Mắt gườm gườm nhìn mụ vợ hung hăng,
Quát tôi tớ cởi bỏ dây thừng
Lôi nàng về nhà ngang hỏi chuyện.

-         Nói cho ta ngươi từ đâu đến?
Cha mẹ tên chi? Đến để làm gì?
Không giết người cũng là  trộm cướp
Trốn chúa lộn chồng cũng có khi?

Biết nói gì trước lời đe nẹt
Nàng thở dài trách số kiếp mình thôi,
Chờ lâu không  nghe tiếng trả lời
Lão tri châu  vung roi da quất.

Đấy là trận đòn roi quyền lực
Quất xuống lưng, nàng uất ức, nghẹn lời
Lão tri châu dằn mặt đó thôi
Ép làm kiếp tôi đòi nhà hắn.

Rồi vết thương lành theo năm tháng
Vẻ u buồn dần  rạng rỡ kiêu sa,
Lão tri châu nổi máu dê già
Hắn ép nàng làm bà vợ thứ.

Nhìn sắc mặt hầm hầm hung dữ
Nàng biết rằng đừng dại thử trêu ngươi
Những trận đòn roi nàng đã trải rồi
Mụ vợ tri châu là loại người ác độc.

“Nếu mày muốn tàn đời thảm khốc
Hãy cứ làm con ngốc  cướp chồng,
Không được nghe lời lão – biết không!”
Mụ tri châu nhảy dựng đồng xỉa xói.

Thức trắng đêm với trở trăn, bối rối
Làm sao đây gỡ mối tơ vò
Trốn hay ở lòng nàng những đắn đo
Nghiêng phía nào cũng cận kề cái chết!

Chẳng lẽ đời nàng đến đây chấm hết
Dằn vặt tâm tư nào biết kêu ai
Làm vợ tri châu ôm khổ hận dài dài
Tránh sao nổi  trận đòn roi oan trái?

Mụ vợ tri châu sẽ ra tay sát hại
Đừng  mong chi chung một mái nhà,
Từng có nàng da phấn mặt hoa
Làm lẽ tri châu chết khi  tròn ba tháng.
                         *
Chiều hôm sau lúc trời chạng vạng
Lão tri châu cho thắp sáng đuốc hoa,
Lão đã quyết chẳng ai dám bàn ra
Kể cả mụ vợ già ác độc.
                    
 Đám sai nha thay nhau chúc phúc
Tiếng nhạc sinh tiền như giục canh khuya
Lão thầy mo giọng nhão nhoẹt bông đùa:
-         Đưa tân nương động phòng hoa chúc.

Nàng cố nén nỗi đắng cay phẫn uất
Lê bước chân bước qua bậc thềm hoa,
Lão tri châu nheo đôi mắt ngà ngà
-         Nào hãy uống với ta vài chén!

Nâng ly rượu lão hứa hươu hứa vượn
Vẽ đời nàng mộng tưởng trần gian,
Sẽ qua đi đời khổ cực cơ hàn
Cho xứng  vợ nhà quan quyền lực.

Nàng biết ngoài song đôi mắt diều căm tức
Lén nhìn nàng, nhìn lão tri châu
Nàng nín thinh tránh lửa đổ thêm dầu
Mặc cho lão tri châu uống, nói.

Lão kéo lên giường, nàng van xin đừng vội
Xin hãy nghe nàng nói một đôi lời:
“Quan uống đã say, trời lại  sắp sáng rồi
Đêm mai tỉnh, thiếp vì người hầu hạ”

Giọng của nàng nghe buồn thương là lạ
Hạt lệ rơi càng ủ dột nét hoa,
Lão nghĩ rằng:  nàng đã ở tay ta
Vội gì chứ cứ từ từ mà …thưởng thức!...

Lão ngồi dậy, đưa bầu rượu lên nốc
Rồi lè nhè kêu lão bộc mang thêm
Một lát sau gục xuống say mèm
Nàng thay áo, nép bậc thềm trốn chạy.

Dắt ngựa ra khỏi tàu, nàng thấy
Mụ tri châu đã ở đấy tự lúc nào
Mắt gườm gườm nanh nọc đường đao
Cứ nhắm thẳng đầu nàng bổ xuống!

Nàng bất ngờ nhưng không hề luống cuống
Kịp né mình rút chân trước về sau
Kéo dây cương cho con ngựa quay đầu
Chắn mụ vợ tri châu mắt đỏ ngầu loạn đả.

Thoát lưỡi đao nhảy lên lưng tuấn mã
Nhắm hướng nam nàng cứ thế ra roi
Vượt qua bao khe suối núi đồi
Đã quá xa rồi vẫn bồi hồi, lo lắng…
                         *
Ta gặp được nàng như mùa đông có nắng
Mỗi sớm mai ta tặng một bó hoa
Nàng cảm ơn mà đôi mắt thẳm xa
Như phảng phất một nỗi niềm khó nói.

Mấy hôm sau, nàng nhận hoa, ta hỏi:
-         Nỗi niềm chi mà đôi mắt u sầu?
Nàng gượng cười rồi nói:” có gì đâu,
Nghĩ thương kẻ dãi dầu mưa nắng”.

Nói thực lòng không thích hoa ta tặng
Nàng quí hơn khi ngắm chúng trong vườn,
Khoe thanh cao, đài các, dịu dàng
Tràn sức sống một vườn xuân mơn mởn.

Chiều chiều vọng chân trời góc biển
Ta biết nàng nhớ mẹ thương cha
Nhớ quê hương khuất mây núi nhập nhòa
Nỗi nhớ của nàng làm lòng ta thắt lại.

Nàng xin ta tự trồng ngô gieo cải
Có việc làm bớt nhớ lại nỗi niềm đau
Thân đã quen việc tôi tớ con hầu
Phận nô lệ dẫu đi đâu cũng vậy.

Ôi tấm lòng nàng thanh cao biết mấy
Trong lòng ta sóng dậy một niềm yêu,
Hẹn  nàng dạo chơi trong một buổi chiều
Quyết sẽ nói cái điều muốn nói!...

Ta bên nàng sao tâm tư diệu vợi
Chiều buông dần cơ hội cũng dần buông,
Cháy trong lòng ngọn lửa yêu đương
Mà giận con đường hôm nay quá ngắn.

Đôi mắt nàng ưu tư chòm mây trắng
Lặng lẽ trôi về phía chân trời,
Không hiểu sao ta chẳng thốt nên lời
Đếm vó  ngựa trên đồi sim tím.

Ta chỉ cho nàng nơi ta luyện kiếm,
Nơi ngày xưa từng huyết chiến Lôi Đài
Cả quả đồi nhuốm đỏ máu những chàng trai
Ngàn người ra trận chỉ một, hai sống sót.

Nghe ta kể, nàng thốt lời chua chát:
“Chữ danh kia làm tan nát bao nhà
Vợ mất chồng, con cái mất cha,
Người đang sống mà như hoa cỏ héo…”

Nàng căm ghét bọn phìa lang tàn bạo
Cướp máu, mồ hôi, cơm áo bao người,
Thân phận người nghèo như cái kiến mà thôi
Muốn an phận mà cuộc đời giông bão…

Ta nói với nàng xin đừng phiền não
Hãy sống vui trong vương quốc của ta,
Hồi tưởng chi những cay đắng xót xa
Những gì qua hãy cho qua mà sống.

Nàng chỉ cho ta trên trời cao lồng lộng
Đôi chim điêu giang cánh bay cao
Nàng thì thầm mà rực lửa khát khao
Có khi nào nàng hóa thân như thế?...

Nàng đã từng bôn ba góc bể
Để gặp ta một phía chân trời,
Vương quốc này có được là nơi
Nàng dừng chân xây mộng đời tình ái?

Ta quyết tâm, ghì cương ngựa lại
Nàng dừng chân, ta vội nói yêu nàng
Nàng lặng thinh, ta hái nụ cải vàng
Ấn tay nàng rồi vội vàng lên ngựa.
                        *
Kể từ đấy tim ta rực lửa
Nàng sẽ thành một nửa của đời ta,
Bàn tay nàng trỉa bắp chăm hoa
Đêm trăng sáng thổi khúc ca gọi bạn…

Nhưng cuộc đời không hề đơn giản
Vùi dập kiếp người muôn vạn đắng cay,
Nàng gặp ta ấp úng tỏ bày
Thăm quê cũ trước ngày xuất giá.

Ta chọn cho nàng một con tuấn mã
Năm đứa tùy tùng hộ giá về quê,
Nàng chia tay, ta thổn thức trăm bề
Thăm thẳm sơn khê đường về quan tái.

Ai có ngờ nàng ra đi mãi mãi
Để lại nhân gian kẻ điên dại u sầu
Ta hỏi ông trời cơn cớ vì đâu
Bắt ta gánh nỗi sầu nhân thế?

Nàng chẳng sá chi mưa nguồn chớp bể
Suốt dặm dài rơi lệ nhớ thương ta,
Mong thắp nén nhang cẩn cáo mẹ cha
Con lưu lạc phương xa xuất giá…

Một chiều dừng chân nơi đồng rừng xa lạ
Nàng bất ngờ gặp lại lão tri châu,
Nàng thúc ngựa phi, chúng nhanh chóng đón đầu
Lão tri châu mắt đỏ ngầu quát tháo:
- Con tiện tỳ…thối thây…bố láo
Mày trốn đâu? Tao bố cáo khắp vùng,
Thách thằng nào ra mặt anh hùng
Dung túng kẻ phản chồng trốn chúa!

Năm đứa tùy tùng rút gươm vung búa
Dũng mãnh xông lên như lửa đốt rừng le
Lớp lớp trùng vây chẳng run sợ e dè
Lính tri phủ dùng tên tre nhắm bắn…

Năm đứa tùy tùng cố công che chắn
Giữa trùng vây tên bắn gươm khua
Hộ tống nàng qua suối Nà Nưa
Sức lực kiệt mà vẫn thừa dũng khí.

Lão tri châu mắt đỏ ngầu ác quỉ
Hét đàn em chém  gối ngựa của nàng,
Tên trước, giáo sau, đội ngũ xếp hàng
Vây thật chặt năm chàng cận vệ.

Trời hỡi trời! Giữa trùng vây như thế
Dữ oai hùm cũng không thể xông ra
Chúng bị thương dù cố sức xông pha
Từng đứa một bỏ mình nơi chiến trận!...

Còn lại một mình đau thương, uất hận
Lẽ nào cam số phận tôi đòi,
Nàng ngẩng đầu lên nhìn phía cuối trời
Qua đôi mắt gửi lời giã biệt!

Vách núi trèo lên bước từng bước một
Lão tri châu như con khỉ đột lao theo
Ráng sức bình sinh nàng đạp lão té nhào
Lên mỏm đá nàng thở phào nhẹ nhõm.

Lạy hai lạy, nàng chắp tay khấn nguyện
Cầu cho ta sung sướng suốt đời
Nỗi nhớ nàng cũng sớm phôi phai
Hạnh phúc mới với tương lai tươi sáng!

Trên đầu nàng hai con hạc trắng
Chúng lượn vòng chứng kiến nỗi bi thương,
Bóng chiều sa hiu hắt ánh dương
Nàng bình thản buông mình vực thẳm!

Rồi cả đồng rừng sét  vang sấm động
Từ đáy sâu vực thẳm nàng bay lên
Ung dung trên đôi cánh hạc tiên
Hương thơm tỏa, nhạc sinh tiền réo rắt…

Lão tri châu không tin vào đôi mắt
Chuyện xảy ra là thật, thật sao!
Bủn rủn tay chân khiến lão té nhào
Đôi mắt quỷ dâng trào bóng tối.

Bọn tay chân vô cùng bối rối
Chúng biết rằng đã phạm tội với thần linh
Quì xuống vái xin, kể lể ăn năn
Cho đến khi bóng hình nàng xa khuất…
                           *


Đếm giọt sương rơi đợi ngày gặp mặt
Ngoài song thưa hiu hắt mảnh trăng sầu,
Không biết giờ này nàng đang ở nơi đâu
Lòng ta cứ lo âu thấp thỏm.

Để lại phong thư, giữa đêm khuya ta trốn
Quyết tìm nàng dẫu khắp chốn nhân gian,
Trái tim ta như muốn nát tan
Thời gian trôi càng ngập tràn nỗi nhớ.

Ta ra đi không mang theo tôi tớ
Chỉ một mình trên lưng ngựa Ô Qua,
Gặp xóm làng ta dò hỏi lân la
Tìm dấu tích người ta yêu dấu.

Không kể ngày đêm, lòng ta nung nấu
Đi theo con tim linh cảm dấu chân nàng,
Thế rồi một chiều ta đến được cánh rừng hoang
Nơi chiến địa tùy tùng nàng huyết chiến.

Ngựa Ô Qua hí vang mấy tiếng
Quẩn quanh hoài bên bò suối Nà Nưa,
Ta chợt nhận ra ngọn giáo năm xưa
Ông dượng ta nhờ đưa thằng trai thứ.

Ngọn giáo ấy đã từng đâm hổ dữ,
Từng tung hoành trận Cố Tử, Đầm Mô
Giờ chẳng khác chi một nhánh cây khô
Lặng lẽ cắm ưu phiền trước mộ.

Ta quì xuống… không thể nào thổ lộ
Nỗi tiếc thương, đau khổ, hận mình
Chúng ra đi như chiếc lá còn xanh
Khi trên cành còn lá vàng lá úa!

Thời gian chẳng cho ta lần lữa
Quì lạy xong, lên lưng ngựa Ô Qua
Lỏng dây cương men mé suối rừng già
Ngựa dẫn ta đi, mắt ta tìm kiếm.

Ta nguyện cầu  nàng thoát qua hung hiểm
Dẫu nơi nao – góc biển chân trời
Núi lửa phun hay vực thẳm sao rơi
Tim còn đập là chân ta đi tới!

Rồi một chiều dừng ngựa nơi  trấn mới
Lòng bỗng dưng bối rối lạ kì
Vẳng bên tai tiếng gọi bạn từ quy*
Buồn ảo não một khi trời chưa tối.

Ông chủ quán nhìn ta rồi nói:
“Không phải chim đâu, tiếng sáo lão tri châu,
Độc ác bao nhiêu bấy thê thảm cơ cầu,
Thua cả thằng nô, con hầu ngày trước!”.

Theo tiếng sáo chân ta vội bước
Âm thanh kia da diết vô cùng
Ráng chiều trôi chầm chậm  thinh không
Đôi chim hạc lượn vòng tìm chốn đậu.

Mấy nhánh tầm xuân phất phơ lưng dậu
Một mái tranh cùn như ẩn dấu, dưới gốc đa
Trên cái sạp tre một ông lão mù lòa
Cứ thổi mãi một giọng ca gọi bạn.

          Như cơn mưa giữa trời nắng hạn
          Lão đứng lên, uống cạn bát nước trong,
          Nói với ta bấy phấp phỏng trong lòng
          Ngày ngóng đêm mong mấy chục vòng nút thắt *.

          Kéo vạt áo lên, lão lau đôi mắt
          Kể nỗi sầu nén chặt bấy lâu nay,
          Đã muốn chết đi, thân xác bón cỏ cây
          Đời còn nợ còn đọa đày thân xác.

          Lão hối hận ngày xưa gian ác
          Bất kể làm chi để kiếm chác bạc, vàng
          Bỏ ngoài tai ngàn vạn tiếng kêu oan
          Cưới vợ bé những toàn gái đẹp!

          Sự đời khuất sau đôi tròng thịt
          Mất gia tài, mất chức, vợ đuổi đi
          Mò mẫm, lang thang nào biết làm gì
          Mượn khúc nhạc từ quy kiếm sống.

          Cây sáo lão cầm trông sao rất giống
          Ta tặng nàng ngày tháng mộng mơ hoa
          Trăng thượng huyền nghiêng chiếu hiên nhà
Nàng thổi điệu du ca man mác?

Lão kể ta nghe về đôi chim hạc
Chở nàng bay lên từ vực thác Nà Nưa
Sấm sét kinh hồn chẳng một giọt mưa
Cảnh tượng ấy lão chưa từng thấy.

Cánh rừng hoang bùng lên lửa cháy
Khói mịt mù không thấy đường ra,
Lão hét lên gọi mấy đứa lâu la
Tiếng rừng vọng như hồn ma cười nhạo!...

Quờ quạng đến được nơi gốc gạo
Lão vô tình nhặt cây sáo này đây,
Xê xang xự cống… không biết chút mảy may
Thuận tay lão đưa lên miệng thổi.

Tiếng sáo ngân lên vang trong đêm tối
Thổi thế nào cũng một điệu từ quy
Lão ngạc nhiên nghĩ cây sáo lạ kỳ
Rồi thiếp đi lúc nào chẳng biết.

Lão mơ thấy nàng khoác áo choàng xanh biếc
Bước theo sau là Ngọc Nữ, Tiên Đồng
Cưỡi mây hồng lơ lửng giữa thinh không
Văng vẳng tiếng tơ đồng sáo trúc.

Nàng nhìn lão không e dè, chớp mắt:
“Lẽ ra phải bắt chết nhà ngươi
Nhưng  vấn vương một  chút nợ đời
Trao cây sáo ta gửi lời giã biệt.

Dẫu  ngươi có  sức tàn lực kiệt
Phải kể cho chàng biết được về  ta,
Nói với chàng: ta - Trinh Nữ Hằng Nga
Còn chút  nạn, nên gia gia thử thách.

Nơi trần gian bị bao người bức bách
Phẩm hạnh tu nhân cách con người,
Ta gặp được chàng lòng muốn kết đôi
Gia gia biết, Người đưa về cung Quảng.

Ngươi chỉ thổi được tiếng chim gọi bạn
Chàng động lòng chàng sẽ đến tìm ngươi,
Sau khi trao cây sáo này rồi
Ngươi sẽ được đến nơi muốn đến!”

Lòng cuồn cuộn dâng tràn thương mến
Tìm nàng nơi  đâu góc biển chân mây?
Giã biệt lão mù, cầm cây sáo trên tay
Lưng ngựa Ô Qua ngày ngày rong ruổi…
                                *

Ta đã qua trăm đèo ngàn suối
Ráng chiều trôi ta thổi điệu du ca,
Tiếng sáo đêm gọi bạn bay xa
Sương giăng trắng hay nhập nhòa nước mắt.

Rồi một đêm trăng mơ, ta giáp mặt
Nàng yêu kiều, nắm thật chặt vai ta
Nàng nói nàng là gió, là hoa,
Là sương sớm, là lời ca tiếng hát.

Là nắng  mùa đông, dịu êm khúc nhạc
Cánh đồng vàng, man mác tím hoa sim
Ráng chiều bay cánh hạc buổi chiều êm
Cành trúc lay vẫy trăng lên ban tối…

Nàng nhìn ta yêu thương quá đỗi
Rồi thốt lời xin lỗi phải xa ta,
Tình yêu của nàng như mây gió cỏ hoa
Như ánh trăng ngà ấp yêu mãi mãi.

Ta ôm ghì nàng, té ra không phải
Trong vòng tay giấc mộng Nam Kha!
Nhưng lưng trời cánh hạc chưa xa
Quẩn quanh ta chưa nhạt nhòa mùi hương cũ?

Kể từ đấy ta thôi ủ rũ
Tình yêu của nàng luôn nhắc nhủ hồn ta
Yêu mây trời, sông núi, cỏ hoa
Yêu ánh trăng ngà, yêu tiếng ca khúc hát.

Khi tâm hồn ta lớn lên, bát ngát
Nàng dắt ta vào địa hạt thi ca,
Ta say ĐỜI như bướm say hoa
Như đã từng say TRINH NỮ HẰNG NGA!
                                     19.8.2016 – 21.11.2017
                                                                            
 * chim từ qui: chim quốc,  chỉ kêu về đêm
* vòng nút thắt: dùng dây thắt nút để ghi nhớ thời gian.



Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

SAU NGÀY EM LẤY CHỒNG

 
                     Em nghe lời bác, mẹ
                    Bỏ anh đi lấy chồng
                    Một buổi chiều mưa lạnh
                    Tiết giao mùa thu – đông.

                    Từ ấy anh ngóng trông
                    Từ ấy anh thổn thức,
                    Trái tim rực lửa xưa
                    Giờ ngập tràn nước mắt.

                    Anh muốn chôn thật chặt
                    Tình yêu em đáy mồ,
                    Nhưng cớ sao lại nhớ
                    Những chiều buồn hư vô!..

                    Rồi một hôm tình cờ
                    Gặp em nơi bến cũ
                    Dáng hao gầy, lam lũ
                    Mắt đắm chiều xa xăm.

                    Trỗi sóng lòng bâng khuâng
                    Trào dâng bao xúc cảm,
                    Em làm ngơ cúi đầu
                    Mây chiều trôi bảng lãng.

                    Ngày xưa say bài giảng
                    “Tôi yêu em”, em ơi
                    Những gì nhà thơ viết
                    Vận vào hồn anh rồi!

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Mãi bình minh mới mẻ một nhành xuân!

         
           Cuộc đời nào chẳng đau khổ, buồn vui
          Mộng ước nào chẳng giàu sang, hạnh phúc?
          Con đường đời bao chông gai, khó nhọc
          Phía trước tương lai – ta vượt dốc băng đèo.

          Thời trai trẻ vượt qua núi cao
          Đến đất bằng bước chân chậm lại,
          Ta tận hưởng cỏ cây hoa trái
          Hạt giống ta gieo trí tuệ, tâm hồn.

          Giữa dòng đời giông bão mưa tuôn
          Hãy vững bước vượt lên, em nhé
          Cười với đời để mình luôn tươi trẻ
          Mãi bình minh…mới mẻ một nhành xuân!

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

MŨI THÍNH


Để giảm tốc độ gặm chân gà của Bờm, Tễu lên tiếng:
          - Lão Lâm trọc có cái mũi thính hơn mũi chó, hôm rồi đi săn với lão, con thú còn ở tận đẩu đâu mà lão bắt mùi được, thánh thật!
Nâng lon bia lên, làm một hơi, ném cái rẻng, Bờm nhũng nhẵng:
          - Thế thì có cái gì đáng nói. Thú có mùi của thú.
 Rồi lại cầm chân gà gặm ngon lành. Nhìn cách ăn của Bờm, bất giác thằng Ngô cầm trái cóc, cắn một miếng, chưa kịp nhai đã nhăn mặt, ngoái ra sau, nhả xuống sàn.
          - Như thế nào mới là mũi thính, cha nội?
Bờm ngưng nhai, hỏi lại:
          - Đốt một cái lông gà mày có thấy khét?
          - Có.
          - Vậy bỏ cái lông gà đó vào một rổ lông vịt, đốt lên mày có phân biệt được khét lông gà và khét lông vịt không?
          - Không.
          - Vậy thì được rồi.
Lại nhai chân gà, Tễu lên tiếng:
          - Kể tiếp đi cha nội, lấp la lấp lửng quá chừng.
Tu một hơi, đặt lon bia xuống bàn, Bờm vỗ vai thằng Ngô:
          - Thằng Cải, bạn mày ấy, hút Bat Tô quen rồi, vậy mà qua một đêm,  có hơi thuốc ba con năm trong nhà nó vẫn nhận ra.
          - Xạo quá cha nội!
          - Mày không tin? Thằng Tễu không tin? Nhưng tao tin. Chính miệng thằng Cải nói ra. Nó kể vừa đi công tác về con vợ kêu thằng con chưa giáp tôi bỏ bú, đòi đưa đi khám bác sĩ. Nó kêu vợ nó vạch vú cho nó coi. Khịt mũi một cái, nó bảo nghe mùi ba số năm. Ngậm núm mút vài cái, nó bảo vợ cho con bú thử coi, ai dè thằng con bú liền. Hóa ra bé con cũng nghiện mùi Bat Tô chúng mày ạ!
Thằng Tễu, thằng Ngô há hốc mồm, Bờm tỉnh queo, uống cạn lon bia, vứt cái rẻng xuống sàn.
          - Phân biệt mùi vẫn chưa tài, cái không có mùi mà biết chính xác mùi mới tài. Rứa mới phục!
Bờm gặm chân gà, cười cười nhìn mặt thằng Ngô khi co khi giãn. Tễu lẩm bẩm:
          - Cái không có mùi…mà biết chính xác mùi…là cái quái gì…
          Sợ thằng Ngô đứt dây máu não, với cái chân gà cuối cùng, Bờm nói:
          - Mùi tiền, rứa mà không biết.
Tễu cười ha hả:
          - Thằng ni thông minh đột xuất. Hắn nói tau mới nhớ ra, cái ông quan đầu tỉnh Đ.N giấu tiền kĩ rứa mà mãi ngoài HN, cách xa ngàn dặm, người ta vẫn nhận ra…
Thằng Ngô láu táu như vừa phát minh ra lực đẩy thứ hai không bằng:
          - Tau nhớ ra rồi, ở bên Tàu có lão quan đầu triều Hòa Thân chuyên ăn của đút lót các quan dưới quyền, đứa nào giấu diếm hối lộ, chung chi không hợp lí là lão cách chức, thành ra tham nhũng có hệ thống. Đúng là làm quan càng lớn mũi càng thính mùi tiền.
          Bờm chống gối đứng dậy bước ra khỏi quán, hết chân gà thì lấy gì để nhậu. Trời đổ mưa, Tễu chạy theo, vỗ vai Bờm, nói trong hơi thở: “Mấy ông thanh tra quan đầu tỉnh Đ.N có khi nào nhậu chân gà như tụi mình không mày”.

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

BIỂN CHIỀU BÊN EM

        
              Sóng vỗ bờ như mẹ vỗ về con
          Bình yên lắm một vùng trời lặng lẽ
          Cát mịn dưới chân, em ơi có thể
          Dừng bước khi con còng bể trốn tìm…

          Thăm thẳm xanh từ lòng biển trăng lên
          Sóng đùa vui tỏa ánh vàng lóng lánh
          Nàng Venus hay em?chẳng phải đâu ảo ảnh
          Anh lạc vào tiên cảnh hồn anh!...

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Đắng cay giọt rượu trốn duyên bẽ bàng

         
           Biển mênh mông
                                      một màu xanh
                                                          mặn chát
          Giọt nước mắt mặn chát
                                               em bé nhỏ
                                                             dưới bầu trời
                                                                                mênh mông
          Giọt rượu đắng cay
                                       mong say mãi tới vô cùng
          Rồi cuộn vòng vỏ ốc
                                        để không thấy
                                                        biển trời mênh mông.

          Biển xanh mặn chát
          Nước mắt mặn chát
          Bầu trời mênh mang
          Đắng cay giọt rượu
          Trốn chạy không gian
                                  trốn mây trốn gió
                                                        trốn ánh trăng vàng
          Trốn vào vỏ ốc

                              trốn duyên bẽ bàng…

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

MÀU SẮC, ÁNH SÁNG TRONG BÀI THƠ VIỆT BẮC CỦA TỐ HỮU

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng, Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Cảm hứng từ buổi chia tay lịch sử ấy, Tố Hữu đã viết nên bài thơ Việt Bắc. Bài thơ thành công về nhiều mặt, xứng đáng là đỉnh cao thơ Tố Hữu nói riêng, thơ ca chống Pháp nói chung. Rất nhiều bài nghiên cứu, phân tích, bình giảng… của các học giả, giảng viên, nhà thơ, nhà văn trong ngoài nước đã minh chứng điều đó. Ở bài viết nhỏ này chỉ đề cập tới cách thức dùng màu sắc, ánh sáng trong bài thơ Việt Bắc với mong muốn góp phần làm rõ thêm nét độc đáo phong cách thơ Tố Hữu.
Thơ Tố Hữu luôn đề cập tới những vấn đề có ý nghĩa lịch sử, có tính chất toàn dân, những sự kiện chính trị lớn của đất nước. Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào tha thiết như “giọng mẹ ru tháng ngày”. Cách dùng từ, diễn đạt gần gũi, thân thuộc với nhân dân vì tác giả vận dụng thuần thục thể thơ truyền thống dân tộc, phát huy cao độ tính nhạc rất phong phú của tiếng Việt. Bên cạnh yếu tố trên, nhà thơ rất có ý thức trong việc sử dụng ánh sáng, màu sắc, làm cho nó lung linh hơn trong cảm nhận của người đọc.
Bài thơ Việt Bắc có 150 câu viết theo thể lục bát. Cấu tạo bài thơ theo lối đối đáp thường gặp trong văn học dân gian. Đối đáp giữa người ở và người đi, người ở lại là đồng bào Việt Bắc, người đi là cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Thành công trước tiên của bài thơ này tác giả đã “phân thân”, đặt mình vào suy nghĩ, tâm tưởng của người ở lại, nói hộ tấm lòng họ để rồi từ đó thổ lộ tâm ý của mình. Hai câu thơ lục bát đầu tiên trong bài thơ có sử dụng màu sắc là câu hỏi của người ở lại với người đi:
Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son
Câu bát sử dụng tiểu đối: Hắt hiu lau xám / đậm đà lòng son. “Hắt hiu” là tính từ chỉ cảm giác cái sắp tàn, chẳng hạn: “Ngọn đèn dầu hiu hắt giữa đêm khuya”, “Gió may hiu hắt”. “Hiu hắt” gợi nỗi buồn kết hợp với “lau xám” càng thêm ảm đạm. Người ở lại dùng “hắt hiu lau xám” để chỉ cái nghèo không thể nghèo hơn của đồng bào Việt Bắc. Nhưng đối lập với cái nghèo ấy là tấm lòng kiên trung, nghĩa tình với cách mạng: “đậm đà lòng son”. Vế sau của câu tỏa sáng, gợi cho người đọc niềm lạc quan tin tưởng. Không hiểu sao, hai chữ “lòng son” ở đây cứ gợi lên liên tưởng câu thơ của Văn Thiên Tường:
Người đời tự cổ ai không chết
Lưu lại lòng son với sử xanh.
                   (Quá Linh Đinh dương)
Hiểu lòng người ở lại, người ra đi không ngần ngại thổ lộ tình cảm của mình. Một tình cảm yêu thương thắm thiết với ánh trăng dìu dịu trong không gian mênh mông, không phải tình yêu đôi lứa mà như tình cảm lứa đôi:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương.
Không chỉ cảm nhận ánh sáng đẹp của “trăng lên đầu núi, bóng chiều lưng nương”, người ra đi còn thấu hiểu nỗi gian lao, khổ cực của những người mẹ, những em bé trong cái nắng như thiêu như đốt:
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Ban ngày vất vả, gian lao với ánh sáng đáng ghét ấy thì ban đêm người Việt Bắc vui với ánh sáng trí tuệ, ánh sáng lạc quan:
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan.
Nhớ là biểu hiện của yêu thương. Tình cảm kẻ ở người đi được dựng xây trong khó khăn gian khổ suốt mười lăm năm ròng: “Thương nhau chia củ sắn lùi / Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”. Người đi đã xem Việt Bắc là quê hương thứ hai. Bởi vậy, khi chia tay người đi nhớ người, nhớ cảnh, nhớ mùa, nhớ năm:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Bức tranh tứ bình với bốn mùa đông, xuân, hạ, thu thật đẹp. Có người cố lý giải vì sao mùa không theo một thứ tự tuần hoàn thiên nhiên? Có cần phải chi tiết, kĩ càng thế không khi nỗi nhớ con người không theo qui luật nào cả.
Tố Hữu tinh trong quan sát, nhạy trong nắm bắt tư thế, thần thái:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Rừng xanh làm nền cho màu đỏ của hoa chuối, con đèo cao uốn lượn giữa hai màu xanh đỏ ấy vừa lóe lên phản quang của “dao gài thắt lưng”. “Dao gài thắt lưng” là hoán dụ, lấy phản quang của công cụ lao động để chỉ người còn gì độc đáo hơn. Tư thế của con người đang tư thế đi lên – “ta lên đến đỉnh ta cao hơn đèo”. Trong thơ Tố Hữu, tư thế đi lên luôn chứa đựng ý chí làm chủ, tự tin, lạc quan, khát vọng, chẳng hạn:
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo.
                           (Lên Tây bắc)
Hay:
Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu.
                             (Bài ca mùa xuân 61)
Dưới con mắt Tố Hữu, Việt Bắc mùa nào cũng đẹp, cũng ngập tràn màu sắc, trào dâng sức sống. Mùa xuân thì mơ nở trắng rừng, mùa hạ rừng phách đổ vàng…Mùa gắn với con người, với giới tính, tâm thế khác nhau. Mùa đông với hình ảnh con người chinh phục, mùa xuân với con người – nghệ nhân, mùa hạ rực rỡ với cô em gái tràn trề sức sống. Và mùa thu, mùa xúc cảm sáng tác của văn nghệ sĩ lại gắn liền với ánh sáng, tâm hồn người Việt Bắc. Ánh trăng thu rọi hòa bình trong không gian tiếng hát ân tình thủy chung cho chúng ta cảm giác êm đềm, ấm áp. Từ “hòa bình” dùng trong câu thơ là tính từ, vậy nên hiểu ánh trăng rọi lên núi rừng (có sẵn) hòa bình hay ánh trăng thấy hòa bình? Trả lời cho câu hỏi này, ngẫm kĩ, tác giả đã khéo léo gửi gắm ở câu tiếp theo: “Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”. Thì ra tâm hồn, mong muốn của nhân dân Việt Bắc nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung đang cháy bùng khát khao mà ánh trăng đang soi rọi đó.
Đối với quân thù, Việt Bắc là lũy thép, mồ chôn quân cướp nước, trong mắt chúng chỉ có một màu tối tăm, ảm đạm, bởi vì:
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
Rồi Việt Bắc ngày càng lớn mạnh, thủ đô gió ngàn có đêm nhưng không có bóng tối. Tố Hữu đã sử dụng nghệ thuật điện ảnh để ghi lại khung cảnh ấy với sự phối kết ánh sáng diệu kì:
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Lại một lần nữa Tố Hữu nhận ra phản quang đầu nòng súng trong đêm, nó lóe lên dưới ánh sáng của đuốc, của đèn pha theo nhịp bước người lính. Bên vành mũ nan có ngôi sao đầu súng. Một hình ảnh đẹp, lãng mạn lại mang hàm ý sâu xa. Muôn tàn lửa bay của đoàn dân công với sức mạnh “bước chân nát đá” như vẽ nên hình ảnh con rồng lửa đang bay…Ánh sáng đèn pha xuyên thấu nghìn năm “thăm thẳm đêm dày” bừng sáng “như ngày mai lên” là một ẩn dụ đẹp, độc đáo nhuần nhị tinh thần lạc quan cách mạng của tác giả.
Một điều rất đặc biệt trong sự “phân thân” để bày tỏ nỗi niềm của tác giả, Tố Hữu - một trong bao nhiêu người đi, lại “đồng thanh” cùng người ở lại:
Ai về ai có nhớ không
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công.
Đại từ “ai” mang tính phiếm chỉ rộng hơn “mình”, “ta”. Câu hỏi tu từ nhấn mạnh với người về: Việt Bắc - “thủ đô” của cuộc kháng chiến. Điều kiện sống khó khăn nhưng tinh thần cách mạng bao trùm cả không gian, thời gian địa bàn cơ quan Trung ương. Tác giả dùng tính từ mạnh: “đỏ thắm”, “rực rỡ” định ngữ cho cờ đỏ sao vàng – biểu tượng lý tưởng, ý chí, khát vọng toàn dân tộc. Chính vì vậy, Việt Bắc trở thành niềm tin, phương hướng  cho những vùng đất còn dưới gót giày quân cướp nước;
Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi.
Viết về Bác, bao giờ Tố Hữu cũng lựa chọn cách diễn đạt đậm tính nhân dân với những từ ngữ giản dị nhưng làm nổi bật được thần thái, phong cách của Người, tài năng ấy không phải nhà thơ nào cũng có được:
Mình về với Bác đường xuôi
Thưa rằng Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.
Bằng những nét chấm phá theo trường phái hội họa phương Đông, Tố Hữu đã dựng lên một bức tranh giàu chất nhạc, trữ tình, sức gợi tả lớn bởi màu sắc trong trẻo, tinh khiết, chân thực gần gũi với cuộc sống: hình ảnh, phong thái Người rất mực giản dị, ung dung thanh thoát. Nghệ thuật miêu tả không chỉ thể hiện tấm lòng, cách suy nghĩ của đồng bào miền núi mà rất phù hợp với tâm hồn, phong cách Bác. Đây là một trong những đoạn hay nhất của bài thơ.
Cuộc chia tay đầy lưu luyến như cái bản lề mở ra chân trời mới cho cuộc sống mới, ấm no, hạnh phúc, gắn kết miền xuôi với miền ngược. Sản vật người miền ngược gửi về xuôi thật thiết thực với bối cảnh lịch sử thời bấy giờ:
Mình về ta gửi về quê
Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đậm cho ai nhớ mình
Trâu về, xanh lại Thái Bình
Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi.
Địa danh Thái Bình được tác giả nhắc đến 3 lần trong bài thơ. Ngoài trích đoạn trên còn có:
Thái Bình đồng lại tươi xanh
Phên nhà lại ấm, mái đình lại vui…
Tản mạn một chút, tác giả dùng 3 từ “lại” đều gắn với địa danh, màu sắc. Ở một bài thơ khác – “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, Tố Hữu cũng viết như vậy:
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng.
Hai câu thơ lục bát có đến 5 màu! Một sự kết hợp tài tình, độc đáo.
Màu xanh, màu của hi vọng, thái bình là yên ổn không có loạn lạc chiến tranh. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Thái Bình - một trong những tỉnh có người chết đói nhiều nhất vì phát xít Nhật bắt dân nhổ lúa trồng đay phục vụ cho chiến tranh của chúng. Hai lần nhắc đến Thái Bình (địa danh – danh từ) gắn với màu xanh (hi vọng) gợi cho người đọc liên hệ thú vị về tính từ của nó. Phải chăng lòng người gặp ý trời khi cả hai chiến sĩ phất cờ trên nóc hầm Đờ Ca-xtơ-ri ở chiến dịch Điện Biên Phủ, treo cờ trên Dinh Độc lập đều  người Thái Bình?
“Nước chảy đá mòn”, đó là sự bào mòn vật chất qua thời gian. Liệu dòng chảy thời gian ấy có làm phai nhạt tình nghĩa người đi? Hiểu nỗi trăn trở, nhớ thương của người ở lại, thay mặt cho những người đi, nhà thơ tuyên thệ:
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhòa.
Mộc mạc, đậm tính nhân dân, giàu màu sắc, ánh sáng! Màu sắc, ánh sáng ấy góp phần khẳng định sự thủy chung của người ra đi.

Nhịp điệu êm ái, giọng thơ tâm tình, diễn đạt quen thuộc với cách cảm cách nghĩ quần chúng; điêu luyện, sáng tạo trong sử dụng màu sắc, ánh sáng, từ khi mới ra đời Việt Bắc đã làm rung động biết bao trái tim, biết bao thế hệ. Bốn mươi câu trong bài thơ có sử dụng màu sắc, ánh sáng là một tỷ lệ lớn, rất hiếm gặp. Ánh sáng, màu sắc làm cho Việt Bắc không bóng tối, chắc chắn có dụng ý của tác giả. Tài năng sử dụng màu sắc, ánh sáng làm nên một Việt Bắc lung linh trong đời thơ Tố Hữu, mãi mãi phấn chấn, rạng rỡ tinh thần người đọc. .