Sau chiến
thắng Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng, Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về tiếp
quản thủ đô Hà Nội. Cảm hứng từ buổi chia tay lịch sử ấy, Tố Hữu đã viết nên
bài thơ Việt Bắc. Bài thơ thành công về nhiều mặt, xứng đáng là đỉnh cao thơ Tố
Hữu nói riêng, thơ ca chống Pháp nói chung. Rất nhiều bài nghiên cứu, phân
tích, bình giảng… của các học giả, giảng viên, nhà thơ, nhà văn trong ngoài
nước đã minh chứng điều đó. Ở bài viết nhỏ này chỉ đề cập tới cách thức dùng
màu sắc, ánh sáng trong bài thơ Việt Bắc với mong muốn góp phần làm rõ thêm nét độc đáo phong cách thơ Tố Hữu.
Thơ Tố Hữu
luôn đề cập tới những vấn đề có ý nghĩa lịch sử, có tính chất toàn dân, những sự
kiện chính trị lớn của đất nước. Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào tha thiết như
“giọng mẹ ru tháng ngày”. Cách dùng từ, diễn đạt gần gũi, thân thuộc với nhân
dân vì tác giả vận dụng thuần thục thể thơ truyền thống dân tộc, phát huy cao độ
tính nhạc rất phong phú của tiếng Việt. Bên cạnh yếu tố trên, nhà thơ rất có ý
thức trong việc sử dụng ánh sáng, màu sắc, làm cho nó lung linh hơn trong cảm
nhận của người đọc.
Bài thơ Việt
Bắc có 150 câu viết theo thể lục bát. Cấu tạo bài thơ theo lối đối đáp thường gặp
trong văn học dân gian. Đối đáp giữa người ở và người đi, người ở lại là đồng
bào Việt Bắc, người đi là cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Thành công trước tiên của
bài thơ này tác giả đã “phân thân”, đặt mình vào suy nghĩ, tâm tưởng của người ở
lại, nói hộ tấm lòng họ để rồi từ đó thổ lộ tâm ý của mình. Hai câu thơ lục bát
đầu tiên trong bài thơ có sử dụng màu sắc là câu hỏi của người ở lại với người
đi:
Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son
Câu bát sử
dụng tiểu đối: Hắt hiu lau xám / đậm đà
lòng son. “Hắt hiu” là tính từ chỉ cảm giác cái sắp tàn, chẳng hạn: “Ngọn
đèn dầu hiu hắt giữa đêm khuya”, “Gió may hiu hắt”. “Hiu hắt” gợi nỗi buồn kết
hợp với “lau xám” càng thêm ảm đạm. Người ở lại dùng “hắt hiu lau xám” để chỉ
cái nghèo không thể nghèo hơn của đồng bào Việt Bắc. Nhưng đối lập với cái
nghèo ấy là tấm lòng kiên trung, nghĩa tình với cách mạng: “đậm đà lòng son”. Vế
sau của câu tỏa sáng, gợi cho người đọc niềm lạc quan tin tưởng. Không hiểu
sao, hai chữ “lòng son” ở đây cứ gợi lên liên tưởng câu thơ của Văn Thiên Tường:
Người đời tự cổ ai không chết
Lưu lại lòng son với sử xanh.
(Quá Linh Đinh dương)
Hiểu lòng
người ở lại, người ra đi không ngần ngại thổ lộ tình cảm của mình. Một tình cảm
yêu thương thắm thiết với ánh trăng dìu dịu trong không gian mênh mông,
không phải tình yêu đôi lứa mà như tình cảm lứa đôi:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương.
Không chỉ cảm
nhận ánh sáng đẹp của “trăng lên đầu núi, bóng chiều lưng nương”, người ra đi
còn thấu hiểu nỗi gian lao, khổ cực của những người mẹ, những em bé trong cái nắng
như thiêu như đốt:
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Ban ngày vất
vả, gian lao với ánh sáng đáng ghét ấy thì ban đêm người Việt Bắc vui với ánh
sáng trí tuệ, ánh sáng lạc quan:
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan.
Nhớ là biểu
hiện của yêu thương. Tình cảm kẻ ở người đi được dựng xây trong khó khăn gian
khổ suốt mười lăm năm ròng: “Thương nhau
chia củ sắn lùi / Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”. Người đi đã xem Việt Bắc
là quê hương thứ hai. Bởi vậy, khi chia tay người đi nhớ người, nhớ cảnh, nhớ
mùa, nhớ năm:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Bức
tranh tứ bình với bốn mùa đông, xuân, hạ, thu thật đẹp. Có người cố lý giải vì sao mùa
không theo một thứ tự tuần hoàn thiên nhiên? Có cần phải chi tiết, kĩ càng thế
không khi nỗi nhớ con người không theo qui luật nào cả.
Tố Hữu tinh
trong quan sát, nhạy trong nắm bắt tư thế, thần thái:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Rừng xanh
làm nền cho màu đỏ của hoa chuối, con đèo cao uốn lượn giữa hai màu xanh đỏ ấy
vừa lóe lên phản quang của “dao gài thắt lưng”. “Dao gài thắt lưng” là hoán dụ,
lấy phản quang của công cụ lao động để chỉ người còn gì độc đáo hơn. Tư thế của con
người đang tư thế đi lên – “ta lên đến đỉnh
ta cao hơn đèo”. Trong thơ Tố Hữu, tư thế đi lên luôn chứa đựng ý chí làm
chủ, tự tin, lạc quan, khát vọng, chẳng hạn:
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo.
(Lên Tây bắc)
Hay:
Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu.
(Bài ca mùa xuân
61)
Dưới con mắt
Tố Hữu, Việt Bắc mùa nào cũng đẹp, cũng ngập tràn màu sắc, trào dâng sức sống.
Mùa xuân thì mơ nở trắng rừng, mùa hạ rừng phách đổ vàng…Mùa gắn với con người,
với giới tính, tâm thế khác nhau. Mùa đông với hình ảnh con người chinh phục,
mùa xuân với con người – nghệ nhân, mùa hạ rực rỡ với cô em gái tràn trề sức sống.
Và mùa thu, mùa xúc cảm sáng tác của văn nghệ sĩ lại gắn liền với ánh sáng, tâm hồn người Việt Bắc. Ánh trăng thu rọi hòa bình trong không gian tiếng hát
ân tình thủy chung cho chúng ta cảm giác êm đềm, ấm áp. Từ “hòa bình” dùng
trong câu thơ là tính từ, vậy nên hiểu ánh trăng rọi lên núi rừng (có sẵn) hòa bình hay ánh trăng thấy hòa bình? Trả lời cho câu hỏi này, ngẫm
kĩ, tác giả đã khéo léo gửi gắm ở câu tiếp theo: “Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”. Thì ra tâm hồn, mong muốn của
nhân dân Việt Bắc nói riêng, nhân dân Việt
Nam nói chung đang cháy bùng khát khao mà ánh trăng đang soi rọi đó.
Đối với
quân thù, Việt Bắc là lũy thép, mồ chôn quân cướp nước, trong mắt chúng chỉ
có một màu tối tăm, ảm đạm, bởi vì:
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
Rồi Việt Bắc
ngày càng lớn mạnh, thủ đô gió ngàn có đêm nhưng không có bóng tối. Tố Hữu đã sử
dụng nghệ thuật điện ảnh để ghi lại khung cảnh ấy với sự phối kết ánh sáng diệu
kì:
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Lại một lần
nữa Tố Hữu nhận ra phản quang đầu nòng súng trong đêm, nó lóe lên dưới ánh sáng
của đuốc, của đèn pha theo nhịp bước người lính. Bên vành mũ nan có ngôi sao đầu
súng. Một hình ảnh đẹp, lãng mạn lại mang hàm ý sâu xa. Muôn tàn lửa bay của
đoàn dân công với sức mạnh “bước chân nát đá” như vẽ nên hình ảnh con rồng lửa
đang bay…Ánh sáng đèn pha xuyên thấu nghìn năm “thăm thẳm đêm dày” bừng sáng
“như ngày mai lên” là một ẩn dụ đẹp, độc đáo nhuần nhị tinh thần lạc quan cách
mạng của tác giả.
Một điều rất
đặc biệt trong sự “phân thân” để bày tỏ nỗi niềm của tác giả, Tố Hữu - một
trong bao nhiêu người đi, lại “đồng thanh” cùng người ở lại:
Ai về ai có nhớ không
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công.
Đại từ “ai”
mang tính phiếm chỉ rộng hơn “mình”, “ta”. Câu hỏi tu từ nhấn mạnh với người về: Việt Bắc - “thủ đô” của cuộc kháng chiến. Điều kiện sống khó khăn nhưng tinh
thần cách mạng bao trùm cả không gian, thời gian địa bàn cơ quan Trung ương.
Tác giả dùng tính từ mạnh: “đỏ thắm”, “rực rỡ” định ngữ cho cờ đỏ sao vàng – biểu
tượng lý tưởng, ý chí, khát vọng toàn dân tộc. Chính vì vậy, Việt Bắc trở thành niềm
tin, phương hướng cho những vùng đất còn dưới gót giày quân cướp nước;
Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi.
Viết về Bác,
bao giờ Tố Hữu cũng lựa chọn cách diễn đạt đậm tính nhân dân với những từ ngữ
giản dị nhưng làm nổi bật được thần thái, phong cách của Người, tài năng ấy không phải nhà thơ nào cũng có được:
Mình về với Bác đường xuôi
Thưa rằng Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.
Bằng những
nét chấm phá theo trường phái hội họa phương Đông, Tố Hữu đã dựng lên một bức
tranh giàu chất nhạc, trữ tình, sức gợi tả lớn bởi màu sắc trong trẻo, tinh khiết,
chân thực gần gũi với cuộc sống: hình ảnh,
phong thái Người rất mực giản dị, ung dung thanh thoát. Nghệ thuật miêu tả
không chỉ thể hiện tấm lòng, cách suy nghĩ của đồng bào miền núi mà rất phù hợp
với tâm hồn, phong cách Bác. Đây là một trong những đoạn hay nhất của bài thơ.
Cuộc chia
tay đầy lưu luyến như cái bản lề mở ra chân trời mới cho cuộc sống mới, ấm no,
hạnh phúc, gắn kết miền xuôi với miền ngược. Sản vật người miền ngược gửi về
xuôi thật thiết thực với bối cảnh lịch sử thời bấy giờ:
Mình về ta gửi về quê
Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đậm cho ai nhớ mình
Trâu về, xanh lại Thái Bình
Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi.
Địa danh
Thái Bình được tác giả nhắc đến 3 lần trong bài thơ. Ngoài trích đoạn trên còn
có:
Thái Bình đồng lại tươi xanh
Phên nhà lại ấm, mái đình lại vui…
Tản mạn một
chút, tác giả dùng 3 từ “lại” đều gắn với địa danh, màu sắc. Ở một bài thơ
khác – “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, Tố Hữu cũng viết như vậy:
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng.
Hai câu thơ
lục bát có đến 5 màu! Một sự kết hợp tài tình, độc đáo.
Màu xanh, màu của hi vọng, thái bình là yên ổn không có loạn lạc chiến tranh. Trước Cách
mạng tháng 8 năm 1945, Thái Bình - một trong những tỉnh có người chết đói nhiều
nhất vì phát xít Nhật bắt dân nhổ lúa trồng đay phục vụ cho chiến tranh của
chúng. Hai lần nhắc đến Thái Bình (địa danh – danh từ) gắn với màu xanh (hi vọng)
gợi cho người đọc liên hệ thú vị về tính từ của nó. Phải chăng lòng người gặp ý trời khi cả hai chiến sĩ phất cờ trên nóc hầm Đờ Ca-xtơ-ri ở chiến dịch Điện
Biên Phủ, treo cờ trên Dinh Độc lập đều người Thái Bình?
“Nước chảy
đá mòn”, đó là sự bào mòn vật chất qua thời gian. Liệu dòng chảy thời gian ấy
có làm phai nhạt tình nghĩa người đi? Hiểu nỗi trăn trở, nhớ thương của người ở
lại, thay mặt cho những người đi, nhà thơ tuyên thệ:
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhòa.
Mộc mạc, đậm
tính nhân dân, giàu màu sắc, ánh sáng! Màu sắc, ánh sáng ấy góp phần khẳng
định sự thủy chung của người ra đi.
Nhịp điệu
êm ái, giọng thơ tâm tình, diễn đạt quen thuộc với cách cảm cách nghĩ quần chúng; điêu
luyện, sáng tạo trong sử dụng màu sắc, ánh sáng, từ khi mới ra đời Việt Bắc đã làm rung động biết bao
trái tim, biết bao thế hệ. Bốn mươi câu trong bài thơ có sử dụng màu sắc, ánh sáng
là một tỷ lệ lớn, rất hiếm gặp. Ánh sáng, màu sắc làm cho Việt
Bắc không bóng tối, chắc chắn có dụng ý của tác giả. Tài năng sử dụng màu sắc, ánh sáng làm nên một Việt Bắc lung linh trong đời thơ Tố Hữu, mãi mãi phấn chấn, rạng rỡ tinh thần người đọc. .
Việt Bắc không có bóng tối! Cảm ơn tác giả.
Trả lờiXóaRất hay, cảm ơn tác giả.
Trả lờiXóa"Việt Bắc không có bóng tối", một phát hiện rất thú vị. Cảm ơn bạn!
Trả lờiXóaCảm ơn các bạn đã ghé thăm và động viên.
Trả lờiXóaBài viết có chiều sâu, có điểm mới. Cảm ơn tác giả!
Trả lờiXóaBài viết sâu sắc...tuyệt vời thầy ơi!e Đào Minh Hoàng
Trả lờiXóaRất mong nhiều bài viết hơn nữa của thầy! Chúc thầy sức khỏe.
Trả lờiXóaTôi thích những gì a chia sẻ
Trả lờiXóamáy tính hà nội
màn hình máy tính
mua máy tính cũ
màn hình máy tính cũ