Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Ta muốn . . .

     Ta muốn nghe
     Dịu êm môi em
     Để rồi một ngày
     Vui bước thần tiên
     Rong chơi vườn cấm.
          Ta muốn thấy
          Trong sáng dịu hiền
          Đôi mắt em
          Dành cho ta
          Nồng ấm thiết tha.
               Ta muốn cầm
               Bàn tay em
               Mượt mềm như lúa
               Dịu êm như mây
               Đi suốt đời này
               Mãi trong đắm say.
                    Ta muốn ôm
                    Bờ vai em
                    Nghe con tim
                    Hát ru
                    Cuộc đời bình yên!

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

CHUYỆN NGU

Chuyện trò với bạn bè ai cũng tỏ ra thông minh, trác việt, chẳng mấy ai nhận mình là ngu cả. Thế mà chơi với anh Tuấn riết rồi cũng nhiễm cái tính của anh, toàn thích nói chuyện ngu của mình, của người đời.
     Hôm rồi, anh đến chơi nhà, thấy tôi đọc báo mạng đăng tin Hoàng Thùy Linh sex trên sân khấu, anh nói:
     - Mấy thằng viết báo sao ngu thế không biết, lăng xê cho mấy con mất nết không công. Nó biểu diễn ở Hà Nội giỏi lắm năm bảy trăm người biết, nay đưa lên mạng thì năm bảy triệu người biết; để rồi khi chúng nó đi biểu diễn nơi này, nơi khác, bọn nhóc tuổi ten kéo nhau đi xem, vì tò mò, vì là fan. . .mà thằng duyệt đăng cũng ngu nốt, làm báo như vậy, tuyên truyền như thế còn lâu xã hội mới văn minh!
     Anh nói đúng, lâu nay đọc báo mạng, số nào cũng cũng đưa tin, hình ảnh với ngoa ngữ "bỏng mắt", "sốc" với 3 vòng của ca sĩ, người mẫu, vợ, bạn gái cầu thủ X, Y, Z mà mình không nghĩ ra nhỉ. Đúng ngu!
     - Vậy có khi nào anh thấy mình ngu không?
     - Không ngu sao làm đầy tớ thiên hạ. Ngu toàn tập.
     - Anh mà ngu toàn tập thì tôi ngu toàn diện.
     - Khôn nghề "xây dựng" là khôn dại / Dại chốn văn chương ấy dại khôn. Cái dại, cái ngu của ông là ở chốn văn chương. Văn ông dở thì không có độc giả, còn công trình mà dở thì hại người rồi nó sẽ hại mình. Mỗi công trình của tôi phải qua vài ba năm bảo hành không hề hấn gì mới thở phào được một cái, còn trong thời gian bảo hành thì "sống trong sợ hãi". Công trình này tiếp công trình khác, ông nghĩ sướng lắm hả?
     - Biết thế sao anh cũng làm?
     - Cái nghiệp rồi, trả chưa hết. Anh nói.
     Thực ra, anh làm hết công trình này gối đầu công trình khác là do uy tín. Hơn nữa, đã nhận làm, dù khó khăn đến đâu anh vẫn vui vẻ. Anh tới đâu là là nghe tiếng công nhân cười ở đấy. Tò mò, hỏi, anh nói:
     - Mình kể chuyện mình ngu hay pha trò một chút, mình mà có năng khiếu kể chuyện tiếu lâm như ông thì giàu to.
     - Tiếu lâm có liên quan gì ở đây, anh nói rõ xem.
     - Thì tiếng cười làm công nhân quên mệt mỏi, năng suất lao động cao hơn; mình và công nhân dễ gần gũi, thông cảm với nhau hơn.
     Nghe anh gải thích, tôi nhớ cái lần cùng anh đi thăm công trình. Có ba cô phụ hồ và hai anh thợ "gải lao" hơi lâu. Khi chúng tôi đến họ đang xòe tay coi tướng cho nhau. "Đường đời của mày dài, sống lâu lắm...". Thấy anh, cả nhóm định đứng dậy. Anh nói:
     - Cứ xem chỉ tay tiếp đi. Tôi nghe nói có cách xem thọ, yểu còn chính xác hơn chỉ tay kia.
     - Cách nào ạ? Một cô mạnh bảo hỏi.
     - Tôi nghe nói thời Hán, Đông Phương Sóc gỏi coi tướng số. Có lần, các quan đang chờ buổi chầu sớm, không có việc gì nên xem tướng cho nhau, bình phẩm nhân trung ông này dài, dái tai ông nọ phật. Đông Phương Sóc nói: " Người nào xương cụt mọc chỉa vô là thọ". Nghe nói thế, các quan đầu triều thọc tay vào tà áo thụng phía sau lưng. Một lát, Đông Phương Sóc lại nói: " Người nào có 32 cái răng trở lên là thọ". Thế rồi các quan lại đưa tay vào miệng để đếm răng. Đấy, các cô kiểm tra xem có đúng không.
     Tôi không nhịn được cười, nghĩ quan đầu triều sao mà ngu thế không biết, bị Đông Phương Sóc chơi xỏ. Mấy cô cậu công nhân cười như nắc nẻ rồi đứng dậy đi làm. Chứng kiến chuyện ấy, tôi phục cách xử lý của anh, và tôi tin những cô cậu ấy sau này không "gải lao" quá đà nữa. 
     Mải nghĩ chuyện cũ, cười một mình. Anh hỏi:
     - Cười gì thế?
     - Cười cái ngu của tôi.
     - Kể xem.
Tôi đành kể một câu chuyện có thật "trăm phần trăm":
      Hồi còn học ở Vinh, có lần giữa trưa mùa hè, có việc, tôi phải đạp xe đi Nam Đàn. Đến cầu Mượu, nắng quá, tôi vào cái quán ven đường uống nước. Trong quán có hai người khách. Người đàn ông nhỏ con nhưng nhìn khuôn mặt khá lanh lợi. Còn cô gái xinh xắn, hơi "múp". Thấy tôi vào uống nước, người đàn ông mời tôi điếu thuốc lá Đồ Sơn:
     - Tôi đi Nam Đàn, o ni (cô này) xin theo. Chở o từ chợ Vinh lên đây tôi mệt quá. Cùng đường, anh cho o ni đi nhờ nhá!
Tôi nhìn cô, cô nhìn xuống đất, hai má đỏ lựng, miệng hơi cười cười.
     - Được thôi, nếu cô muốn.
Thế rồi tôi chở cô. tưởng rằng sẽ tán chuyện cho vui nhưng rồi nắng quá, lại thêm ngược gió lào; được chừng cây số tôi đã ngậm miệng; đầu, mặt , lưng, chân đổ mồ hôi hòn mồ hôi cục. Người đàn ông đạp xe đi sau, thỉnh thoảng huýt sáo bản nhạc "Anh vẫn hành quân". Tới ngã rẽ Nam Liên, cô bảo tôi dừng xe rồi nhảy lên xe người đàn ông kia mà không nói một lời. Người đàn ông cười cười:
     - Cảm ơn ông bạn đã chở giùm vợ tôi nhé!
Tôi tức quá nhưng biết làm chi, chỉ nhìn theo đôi vợ chồng chở nhau cười khúc khích khuất dần sau dãy xà cừ.
     Nghe tôi kể xong, anh Tuấn cười, bình luận: "Ngu là ở chỗ cứ thấy gái đẹp là tít mắt".
    

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

CHỬI. . .

- Mớ cá này mấy đồng bà?
- Bảy đồng.
- Bốn đồng bán không?
- Không!
- Bốn đồng rưỡi?
- Không!
- Thôi trả lần cuối năm đồng.
- Không!
- Cha tiên nhân đứa nào trả hơn!
Nói rồi bà bỏ đi sang hàng cá khác, mấy người đang bu quanh hàng cá đó cũng tản đi. Đoạn mặc cả trên tôi nghe được ở chợ Cồn ( Nghệ An ). Người chửi không chửi người bán, chỉ chửi những người đang định mua cá. Người ta tản đi vì nếu mua cá là nhận câu chửi "cha tiên nhân" rồi.
     Kiểu chửi chung chung như bà mua cá ở chợ Cồn, trong dân gian có bài chửi mất gà với hàng chục dị bản. "Bài" chửi mất gà ngoa ngoắt, phàm phu và rất bài bản, lớp lang. "Bài" chửi dài nên chỉ trích vài đoạn:
     - Làng trên xóm dưới, bên ngược bên xuôi, tôi có con gà mái vàng; sáng nay tôi còn cho nó ăn, thế mà giờ đây nó bị mất! Ai bắt được thì cho tôi xin, nếu không trả thì tôi chửi cho mà nghe đấy...ấy...ấy....
     - Cha tiên nhân ông nội ông ngoại, ông dại ông khôn, đồng môn chi rễ nhà mày nhá! Mày gian tham đã ăn trộm ăn cắp con gà mái nhà bà. Rồi ra, nhà mày chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước đầu bước ra sau, đẻ sót nhau, chết mau chết sớm! Chết trẻ, đẻ ngang nhá! . . .
     - Hôm nay bà chửi một bài, ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền. Bà chửi cho mày hóa điên, bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng. Bây giờ bà mệt quá chừng, bà về cơm nước, nhớ đừng quên a. . Muốn sống thì thả gà ra, lạy bà hai lạy bà tha cho mày . . .
     Nếu cứ cho rằng cách chửi của dân gian là ngoa ngoắt, phàm phu là phiến diện. Cái thâm thúy, bác học thường được gắn với nhân vật huyền thoại, như Trạng Quỳnh chẳng hạn. Hồi bảy, tám tuổi, Quỳnh đã nổi tiếng học giỏi. Tú Cát nghe người ta khen Quỳnh đâm ra ghen ghét. Làng này chỉ Tú Cát mới đáng mặt kẻ sĩ, nên trước mặt mọi người, ông thách Quỳnh đối:
     - Lợn cấn ăn cám tốn.
Phải nói câu đối ra khá hay, theo nghĩa đen là lợn cấn (có bệnh), nuôi chỉ tổ tốn cám mà không lớn. Chữ "cấn", chữ "tốn" là hai quẻ trong Kinh Dịch.
     - Chó khôn chớ cắn càn. Quỳnh đáp.
Vế đối của Quỳnh quá chỉnh. Chữ "khôn". chữ "càn" cũng là hai quẻ trong Kinh Dịch.
Tức khí vì bị chửi xéo, Tú Cát tiếp:
     - Trời sinh ông Tú Cát.
Quỳnh hỏi:
     - Trời đối với đất được chứ ạ?
     - Được!
     - Cát đối với hung?
     - Được! Đối đi, hỏi gì mà hỏi lắm thế.
Quỳnh đọc:
     - Đất nứt con bọ hung.
Tú Cát đối bọ hung! Bị Quỳnh xỏ đau quá, nhưng Tú Cát cũng phải đành ngậm họng, bỏ đi.
     Tính Quỳnh ngang ngạnh, chẳng coi thần thánh ra gì, nên thành hoàng làng bắt con Quỳnh ốm. Vợ Quỳnh xem thầy, nghe nói ngài quở, Quỳnh phải cúng vái mới xong. Chiều lòng vợ, Quỳnh luộc hai quả trứng mang ra miễu thành hoàng cúng. Bài cúng của Quỳnh như sau:
     Chú là kẻ cả trong làng,
     Ta là người sang trong nước
     Hai bên chức tước
     Chẳng kém chi nhau.
     Nay trẻ nó đau
     Phải ra khấn vái.
     Phiên chợ thì trái,
     Chẳng mua được gì
     Có con gà ri
     Nó vừa nhảy ổ
     Đem ra mà mổ
     Nghĩ cũng thương tình
     Chú có anh linh
     Xơi hai trứng vậy!
Cái ngông của Quỳnh cùng với giọng điệu bài khấn, với câu kết làm cho người ta liên tưởng . . .
     Chửi thành hoàng đã gan nhưng thấm chi so với chửi cả quốc gia! Thói thường, nước lớn luôn ức hiếp, làm nhục nước nhỏ; nhưng nhiều khi kẻ gieo gió gặt bão. Chuyện xưa kể rằng: Án Anh ( người nước Tề ) đi sứ nước Sở. Sở vương muốn làm nhục nước Tề, không cho Án Anh vào cung bằng cửa lớn, bảo Án Anh chui qua cửa dành cho chó. Án Anh chửi:
     - Nay ta sang nước Sở phải đi bằng cổng lớn mới đến nước Sở, nếu chui vào cổng chó chẳng nhẽ ta lại đến nước chó hả?
     Nước ta, đi sứ để khẳng định tinh thần dân tộc không ai bằng Mạc Đĩnh Chi (1280 - 1346 ). Sau ba lần thua trận trước Đại Việt, vua Nguyên vẫn muốn đánh lần thứ tư. Để tránh nạn binh đao, Mạc Đĩnh Chi đi sứ với trọng trách nặng nề là hóa giải chiến tranh và thể hiện tinh thần Việt. Khi tiếp kiến, vua Nguyên ra câu đối:
     - Nhật: hỏa, vân: yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ. ( Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng ).
 Hiểu dụng ý răn đe của ông vua nước lớn, tự xem Tàu là mặt trời, Đại Việt là mặt trăng, Mạc Đĩnh Chi đối:
     - Nguyệt: cung, tinh: đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô. ( Trăng là cung, sao là tên, chiều tối bắn rơi mặt trời ).
Cốt cách cứng cỏi, cọng với tài năng xuất chúng của Mạc Đĩnh Chi khiến vua Nguyên phải từ bỏ ý định xâm lược Đại Việt lần nữa, phục tài, phong ông là: "Lưỡng quốc trạng nguyên".
     Chửi là tỏ thái độ bất bình, là phản kháng nhưng nếu chửi ở mức độ "thượng thừa" thì đó lại là những lời "có cánh". Chuyện kể rằng Nguyễn Văn Tâm khi làm thủ tướng bù nhìn ( 1934 ), được ai đó tặng hoành phi có khắc bốn chữ: "Đại điểm quần thần". Người ta cứ nghĩ ý nghĩa của nó là " Nhân vật lớn, quan trọng, đứng đầu trong quan chức chính phủ". Nhiều người cứ tấm tắc với ý nghĩa sâu xa, nét chữ rồng bay phượng múa. Rồi đến một hôm, có ông lão đọc hoành phi rồi cười sằng sặc. Hỏi, lão nói:
     - Đại là to, điểm là chấm, quần thần là bầy tôi;. nói lái "chấm to", "bầy tôi" thì sẽ rõ ý nghĩa lời "khen tặng" khắc trên hoành phi! 
     Lại nghe chuyện vợ quan Liêm gặp vợ quan Tham ở siêu thị. Vợ quan Tham đẩy cái xe nôi tủ kín. Trong cái xe nôi ấy là con lợn quay tính đưa đi bán.Con lợn quay là lễ tạ của thằng đàn em được quan Tham sắp xếp vào quản lý một công ty "màu mỡ". Bà vợ quan Liêm hỏi:
     - Chị đi mua sắm à?
     - Tôi đẩy cháu nội đi chơi, nó đang ngủ.
Vợ quan Liêm vén màn xe nôi, nhìn kĩ, buông màn xuống, nhẹ nhàng:
     - Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Khuôn mặt y chang ông nội!
     Có khi gài bẫy để khen, khen mà chửi thì Chế Lan Viên thuộc hàng cao thủ. Hồi còn chiến tranh chống Mĩ, Chế vào công tác ở đất lửa khu bốn. Trở ra Hà Nội, bộ ba Chế Lan viên, Huy Cận, Xuân Diệu gặp nhau ở quán bia hơi.
     - Hoan vào trong ấy có gì mới không? Xuân Diệu hỏi:
     - Nhân dân anh dũng, hăng hái chiến đấu, có thời gian rảnh là đọc thơ.
     - Dân quê mình có truyền thống yêu thơ. Mà này, họ thích nhà thơ nào nhất?
     -  Bút Tre.
Xuân Diệu phát khùng:
     - Ai không thích lại thích Bút Tre, thơ kiểu: "Mời bạn về xem núi con voi / Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi / Tất cả hăng say đua sản xuất / Đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai" ư?
Chế Lan Viên cười:
     - Thích thơ Bút Tre nhưng không phải bài ấy.
Xuân Diệu hỏi dồn:
     - Bài nào?
     - Ngói mới!
Xuân Diệu đỏ mặt. Bài "Ngói mới" của ông đưa vào chương trình cấp III hẳn hoi nhưng có lẽ nó là bài thơ dở nhất của ông.
     Viết đến đây tôi bỗng nhớ lại câu chuyện tiếu lâm chửi bậy thời thập niên 80. Chuyện kể về ngôi nhà tập thể bốn tầng không có nhà vệ sinh nhưng sắp xếp nhà trẻ, nhà ở cho công nhân, văn nghệ sĩ, lãnh đạo hợp lý thì vẫn ở được, thậm chí còn tốt nữa kia.
     Không biết khùng điên gì mà viết về chửi; đọc xong không biết có ai chửi ta không nhỉ.

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

ÔNG HENG

Dưới chân núi Kho Vàng, cách làng tôi độ khoảng 2km là một bàu sen rộng hơn chục ha. Đất ven bàu màu mỡ, rộng lắm nhưng không ai trồng tỉa gì. Nghe nói từ xưa như vậy và bây giờ vẫn vậy.
     Từ nửa xuân đến cuối thu, bàu sen ngào ngạt hương, đẹp và thơm nhất là mùa hè. Bọn trẻ con sáng ra câu cá, đến độ mười giờ là không còn một đứa. Buổi chiều, chúng chỉ ra đấy từ khoảng hai giờ đến năm giờ là biến mất dạng. Không phải chúng ngoan, sợ nắng mà là sợ ma. Ma bàu sen thiêng lắm, chúng sợ khi đang nằm từ trong bụng mẹ kia. Người lớn hầu như ít ai ngang qua bàu sen ban ngày chứ đừng nói gì đến ban đêm. Hồi chiến tranh, có một đơn vị bộ đội đóng trại ở đó được một đêm, sáng hôm sau nhổ trại đóng chỗ khác. Chuyện quân sự hay ma quái ai mà biết được.
     Nguồn lợi từ bàu sen rất lớn, hợp tác xã khoán cho mười hộ thu hoạch sen tính công điểm. ngay ngày đầu tiên, cả chục người mang thuyền nan ra hái ngó sen, mỗi người chưa được chục bông thì đau bụng dữ dội, đành ngừng. Ngày hôm sau, hôm sau nữa vẫn thế. Ban quản trị hợp tác không tin, đi thu hoạch thử. Vừa bước chân xuống thuyền đã ôm bụng la oai oái, không hái được cái ngó sen nào cả. Thế rồi trong bàu, hoa sen tự mọc, tự tàn không ai dám động đến ngoại trừ mấy đứa trẻ sáng chiều kéo nhau ra bàu câu cá.
     Nước bàu sen khá trong, nhìn tưởng lội chỉ quá đầu gối một tí. Nhưng chẳng ai dám đặt chân xuống bàu. Dưới tầng nước kia là bùn non như không có đáy, càng quẫy, càng cố rút chân thì lún càng nhanh. sau vụ cô Thi chết hụt thì bàu sen càng vắng bóng người hơn.
     Nhà cô Thi ở gần bàu sen nhất. Mẹ con cô mới mua lại căn nhà của ông Quý thịt lợn. Ngôi nhà khá đẹp, vườn tược rộng nhưng giá rẻ như cho. Nghe đâu mẹ con cô Thi từ miền ngược chuyển về sau khi cha cô đi săn bị cọp vồ chết.
     Cô Thi có mái tóc dài chấm mắt cá chân, óng mượt, thoang thoảng mùi hoa bưởi. Cô hát rất hay. Nhiều lúc mấy đứa trẻ con chúng tôi nghe hát mà quên cả câu cá. Từ khi mẹ con cô về đây sống, đêm đêm cuối làng náo động hẳn lên bởi tiếng chó sủa, tiếng hát, tiếng nói cười của các anh thanh niên đến nhà cô chơi.
     Về nhà mới chừng được tháng hơn tháng kém gì đấy, cô theo chúng tôi ra bàu sen, xem chúng tôi câu cá. Trời về chiều, chúng tôi chuẩn bị ra về, cô Thi với tay hái một búp sen. Vừa bước một chân xuống nước, thấy lún nhanh quá, cô muốn rút chân lại nhưng không hiểu sao lại đưa cả chân kia xuống bàu. Cô càng vùng vẫy thì càng chìm dần, càng xa bờ dần. Cô không la được mà bọn tôi hầu như đứa nào cũng cứng họng, đứng bất động. Khi cô Thi chỉ còn chỏm tóc trên mặt nước thì ông Heng xuất hiện. Ông hét lớn: "Đừng, đừng" rồi giật trong bị cói một sợi dây dù có móc sắt như chùm lưỡi câu rường lớn, quẳng mấu vào hòn đá ven bờ, một tay nắm dây lội ra cứu cô Thi. Cả cô Thi và ông Heng chìm dưới hồ, bọt nước sủi ùng ục. Sợi dây dù căng như dây đàn. Một lúc sau ông Heng cũng cõng cô Thi lên bờ được. Ông Heng trông như con rùa, còn cô Thi trông như tàu lá chuối héo. Ông vác ngược cô thi xốc nước. Cô Thi tỉnh lại, thấy ông Heng cô rú lên một tiếng rồi im bặt. Sau lần chết hụt ấy, cô không mói, không cười, không hát. Cuối xóm lại vắng lặng và có phần ảm đạm hơn so với khi mẹ con cô chưa tới.
     Lại nói chuyện ông Heng. Không ai biết ông là người kinh hay người thượng. Ông cao hơn chiếc xe đạp Hữu Nghị của ông một tí. chiếc xe trụi trọc, không chắn bùn, chắn xích, chuông, phanh, "gác ba ga" và không biển xe, hình chữ nhật, bằng bàn tay trẻ con. Sườn ngang ông treo cái bị cói đựng đồ nghề câu cá, dây dù và đựng cá câu được. Từ khi ông xuất hiện cứu cô Thi chúng tôi mới biết ông câu cá ở đâu.
     Ông không nhà, tài sản duy nhất là chiếc xe trọc. Thi thoảng, thấy ông ngủ trong hốc cây đa. Những khi mưa gió ông che hốc cây bằng hai tấm tranh nứa kẹp lại. Bọn trẻ chúng tôi không biết ông sống như thế nào, chỉ thấy ông ở trong hốc cây không ngủ thì uống rượu. Đồ nhắm của ông là chuối xanh, bưởi hay mấy quả ổi với nắm ớt xiêm chấm muối. Lúc trước thấy ông thì sợ, sau vụ ông cứu cô Thi chúng tôi bắt đầu tò mò về ông, thậm chí lẽo đẽo theo ông xem ông bán cá. Mấy bà già trong xóm nói cứ khi nào thấy ông Heng bán cá trê thì nhất định hôm đó là ngày rằm.
     Có một điều lạ là cá của ông bán lúc nào cũng sống và trong mớ cá ấy có một con cụt đuôi. Bày mớ cá lên lá chuối hay lá xoan trước cổng chợ, ông ngồi uống rượu. Ai hỏi mua là ông bán, trả bao nhiêu cũng được, hễ trả là ông bán. Còn khi ông mời mua, hỏi giá thì không ai bớt được một xu, và khi ông mời mua cá thì không trước thì sau phải mua cá của ông. Một hôm, ngày rằm, vợ ông trưởng phòng giáo dục huyện đi chợ, ngang qua "hàng cá" của ông, ông mời:
     - Cá này tươi, cô mua nấu cho thầy ăn.
     - Bao nhiêu?
     - Năm đồng.
     - Năm đồng trong chợ gấp mười mớ cá của ông, với lại thầy mà ăn thứ cá ni à! Nói xong vợ ông trưởng phòng giáo dục ngoay ngoảy bỏ đi.
     Lúc đó, mẹ cô Thi đi ngang qua, chào ông. Ông nói:
     - Bà mang mớ cá này về nấu.
Vừa nói ông vừa giằng cái rổ từ tay bà, hốt mớ cá bỏ vào, trừ lại con cá cụt đuôi. Lấy sợi lạt xỏ vào mang cá, lão đạp xe lên phòng giáo dục, đi thẳng vào phòng làm việc của trưởng phòng.
     - Bán cho thầy con cá.
     - Ông mang ra chợ mà bán, để tôi còn làm việc.
Ông Heng không nói gì nữa, cứ đứng giữa phòng, bực quá, ông trưởng phòng gọi bảo vệ:
     - Cậu tống cổ lão này ra ngoài cho tôi.
Anh bảo vệ kéo ông ra khỏi phòng. Ông ngồi ngay cổng. Đầu năm, mùa tuyển giáo viên, người ra vào nườm nượp. Ai hỏi sao ngồi đấy, ông nói chờ bán cá cho trưởng phòng. Trưa, ông trưởng phòng về nhà, ông Heng đạp xe theo, đến cổng, ông la:
     - Bớ bà trưởng phòng ra mua cá.
Bà vợ ông trưởng phòng ra chửi, ông vẫn ngồi trước cửa, chửi mãi vẫn không đi. Ngặt nỗi, trưa nay ông trưởng phòng hẹn mấy người xin việc đến nhà để 'giải quyết". Thằng khùng này cứ ám mãi thế này không xong. Ông bảo bà:
     - Thôi mua quách cho lão.
Bà hỏi:
     - Bao nhiêu?
     - Năm đồng.
     - Con cá chết thúi này gà không thèm mổ mà đòi năm đồng, có phải là quân ăn cướp không. Qay sang chồng, bà bảo:
     - Ông gọi công an ngay cho tôi.
     - Tôi mong công an cho tôi vào tù, khỏi câu cá, có cơm ăn, nhà ở.
Lì đến thế là cùng. Ông trưởng phòng móc ví, lấy năm đồng đưa cho lão. Lão đưa cá cho vợ ông trưởng phòng:
     - Không nấu cho ông ấy ăn là có chuyện đấy. Nói xong, lão đạp xe đi. Vợ ông trưởng phòng ném con cá theo lão kèm theo lời chửi:
     - Đồ ma quỷ bắt!
     Chiều đó, bà vợ ông trưởng phòng đau đầu, sốt. Đưa đến bệnh viện thì xụi lơ. Sau này khỏi bệnh nhưng miệng thì méo, muốn nói được một câu phải mất dăm ba phút. Khi bà nằm viện, thằng con chạy xe máy Ja-va vào thăm, chở theo cô vợ tương lai - con ông trưởng phòng tài chính, luýnh quýnh thế nào tông phải ông viện phó, xe cháy, đứa con gãy răng, cô vợ chưa cưới gãy chân, ông viện phó gãy ba cái xương sườn.
     Chữa chạy, đền bù tạm ổn thì đến lượt ông trưởng phòng. Ông không bị tai nạn, đau ốm mà bị xử lý kỷ luật về tội tham ô, nhận hối lộ. May gần đến tuổi, người ta cho nghỉ hưu non. Một suất lương hưu nuôi mấy người, thành ra đầu tắt mặt tối với gà vịt ruộng vườn. Thỉnh thoảng, ông cũng ra bàu sen câu cá cải thiện bữa ăn. Số ông không mấy sát cá nên bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa cho ông một con.
     Lâu lâu, không thấy ông Heng ở chợ hay ở hốc cây đa, bọn trẻ chúng tôi như thấy thiêu thiếu cái gì đó. Một hôm, nói chuyện với bà ngoại về ông Heng, nghe chuyện, dì tôi bảo:
     - Dì thấy ông ở chùa sư nữ. Buồn cười lắm. Ông đội cái nồi đồng trên đầu, đạp xe vào chùa. Mới nhìn, tưởng cái nồi đồng lái xe.
     - Ông đội nồi đồng làm gì?
     - Thì đem cho chùa chứ làm gì nữa. Từ quê tôi xuống đến chùa sư nữ cả trăm cây số. Thì ra ông Heng biệt tăm vì chuyện ấy.
     Mấy hôm sau, gặp ông Heng, hỏi ông lấy nồi đồng ở đâu. Ông bảo:
     - Ở bàu sen chứ ở đâu! Rồi ông kể cho chúng tôi bàu sen trước kia là một làng trù phú, không biết mắc tội gì với Thiên đình mà Trời giáng động đất, vùi cả một làng. Thỉnh thoảng, ngày rằm, mùng một bàu sen lại nổi lên nồi đồng, cánh cửa, có khi cả bộ đồ thờ . . .Ông dùng sợi dây dù có mấu là để lấy các vật ấy.
     Thời gian dần trôi, vào học cấp III, tôi và lũ bạn không ra bàu sen câu cá nữa, có nhiều chuyện để chúng tôi quan tâm hơn chuyện ông Heng.. . .Rồi tôi đi bộ đội, chuyển ngành, về thăm lại bàu sen, ngang qua nhà cô Thi thấy người ra kẻ vào. Hỏi ra mới biết khi ông Heng đem cho mẹ con cô Thi cái bàn thờ cổ thì bỗng nhiên cô nói được; nói cái gì cũng đúng. Rồi người đến lễ ngày càng đông. Và câu cuối cùng sau khi cô phán là: "ăn ở nhân đức nghe con".
     Thấy tôi, cô mời uống trà, hỏi săp lấy vợ chưa, rồi dặn dò phải chọn người phước đức. . .Hỏi cô về ông Heng, chắp hai tay trước ngực, nhìn theo làn khói hương, cô nói: " ngài thăng rồi!".