Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

CHỬI. . .

- Mớ cá này mấy đồng bà?
- Bảy đồng.
- Bốn đồng bán không?
- Không!
- Bốn đồng rưỡi?
- Không!
- Thôi trả lần cuối năm đồng.
- Không!
- Cha tiên nhân đứa nào trả hơn!
Nói rồi bà bỏ đi sang hàng cá khác, mấy người đang bu quanh hàng cá đó cũng tản đi. Đoạn mặc cả trên tôi nghe được ở chợ Cồn ( Nghệ An ). Người chửi không chửi người bán, chỉ chửi những người đang định mua cá. Người ta tản đi vì nếu mua cá là nhận câu chửi "cha tiên nhân" rồi.
     Kiểu chửi chung chung như bà mua cá ở chợ Cồn, trong dân gian có bài chửi mất gà với hàng chục dị bản. "Bài" chửi mất gà ngoa ngoắt, phàm phu và rất bài bản, lớp lang. "Bài" chửi dài nên chỉ trích vài đoạn:
     - Làng trên xóm dưới, bên ngược bên xuôi, tôi có con gà mái vàng; sáng nay tôi còn cho nó ăn, thế mà giờ đây nó bị mất! Ai bắt được thì cho tôi xin, nếu không trả thì tôi chửi cho mà nghe đấy...ấy...ấy....
     - Cha tiên nhân ông nội ông ngoại, ông dại ông khôn, đồng môn chi rễ nhà mày nhá! Mày gian tham đã ăn trộm ăn cắp con gà mái nhà bà. Rồi ra, nhà mày chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước đầu bước ra sau, đẻ sót nhau, chết mau chết sớm! Chết trẻ, đẻ ngang nhá! . . .
     - Hôm nay bà chửi một bài, ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền. Bà chửi cho mày hóa điên, bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng. Bây giờ bà mệt quá chừng, bà về cơm nước, nhớ đừng quên a. . Muốn sống thì thả gà ra, lạy bà hai lạy bà tha cho mày . . .
     Nếu cứ cho rằng cách chửi của dân gian là ngoa ngoắt, phàm phu là phiến diện. Cái thâm thúy, bác học thường được gắn với nhân vật huyền thoại, như Trạng Quỳnh chẳng hạn. Hồi bảy, tám tuổi, Quỳnh đã nổi tiếng học giỏi. Tú Cát nghe người ta khen Quỳnh đâm ra ghen ghét. Làng này chỉ Tú Cát mới đáng mặt kẻ sĩ, nên trước mặt mọi người, ông thách Quỳnh đối:
     - Lợn cấn ăn cám tốn.
Phải nói câu đối ra khá hay, theo nghĩa đen là lợn cấn (có bệnh), nuôi chỉ tổ tốn cám mà không lớn. Chữ "cấn", chữ "tốn" là hai quẻ trong Kinh Dịch.
     - Chó khôn chớ cắn càn. Quỳnh đáp.
Vế đối của Quỳnh quá chỉnh. Chữ "khôn". chữ "càn" cũng là hai quẻ trong Kinh Dịch.
Tức khí vì bị chửi xéo, Tú Cát tiếp:
     - Trời sinh ông Tú Cát.
Quỳnh hỏi:
     - Trời đối với đất được chứ ạ?
     - Được!
     - Cát đối với hung?
     - Được! Đối đi, hỏi gì mà hỏi lắm thế.
Quỳnh đọc:
     - Đất nứt con bọ hung.
Tú Cát đối bọ hung! Bị Quỳnh xỏ đau quá, nhưng Tú Cát cũng phải đành ngậm họng, bỏ đi.
     Tính Quỳnh ngang ngạnh, chẳng coi thần thánh ra gì, nên thành hoàng làng bắt con Quỳnh ốm. Vợ Quỳnh xem thầy, nghe nói ngài quở, Quỳnh phải cúng vái mới xong. Chiều lòng vợ, Quỳnh luộc hai quả trứng mang ra miễu thành hoàng cúng. Bài cúng của Quỳnh như sau:
     Chú là kẻ cả trong làng,
     Ta là người sang trong nước
     Hai bên chức tước
     Chẳng kém chi nhau.
     Nay trẻ nó đau
     Phải ra khấn vái.
     Phiên chợ thì trái,
     Chẳng mua được gì
     Có con gà ri
     Nó vừa nhảy ổ
     Đem ra mà mổ
     Nghĩ cũng thương tình
     Chú có anh linh
     Xơi hai trứng vậy!
Cái ngông của Quỳnh cùng với giọng điệu bài khấn, với câu kết làm cho người ta liên tưởng . . .
     Chửi thành hoàng đã gan nhưng thấm chi so với chửi cả quốc gia! Thói thường, nước lớn luôn ức hiếp, làm nhục nước nhỏ; nhưng nhiều khi kẻ gieo gió gặt bão. Chuyện xưa kể rằng: Án Anh ( người nước Tề ) đi sứ nước Sở. Sở vương muốn làm nhục nước Tề, không cho Án Anh vào cung bằng cửa lớn, bảo Án Anh chui qua cửa dành cho chó. Án Anh chửi:
     - Nay ta sang nước Sở phải đi bằng cổng lớn mới đến nước Sở, nếu chui vào cổng chó chẳng nhẽ ta lại đến nước chó hả?
     Nước ta, đi sứ để khẳng định tinh thần dân tộc không ai bằng Mạc Đĩnh Chi (1280 - 1346 ). Sau ba lần thua trận trước Đại Việt, vua Nguyên vẫn muốn đánh lần thứ tư. Để tránh nạn binh đao, Mạc Đĩnh Chi đi sứ với trọng trách nặng nề là hóa giải chiến tranh và thể hiện tinh thần Việt. Khi tiếp kiến, vua Nguyên ra câu đối:
     - Nhật: hỏa, vân: yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ. ( Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng ).
 Hiểu dụng ý răn đe của ông vua nước lớn, tự xem Tàu là mặt trời, Đại Việt là mặt trăng, Mạc Đĩnh Chi đối:
     - Nguyệt: cung, tinh: đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô. ( Trăng là cung, sao là tên, chiều tối bắn rơi mặt trời ).
Cốt cách cứng cỏi, cọng với tài năng xuất chúng của Mạc Đĩnh Chi khiến vua Nguyên phải từ bỏ ý định xâm lược Đại Việt lần nữa, phục tài, phong ông là: "Lưỡng quốc trạng nguyên".
     Chửi là tỏ thái độ bất bình, là phản kháng nhưng nếu chửi ở mức độ "thượng thừa" thì đó lại là những lời "có cánh". Chuyện kể rằng Nguyễn Văn Tâm khi làm thủ tướng bù nhìn ( 1934 ), được ai đó tặng hoành phi có khắc bốn chữ: "Đại điểm quần thần". Người ta cứ nghĩ ý nghĩa của nó là " Nhân vật lớn, quan trọng, đứng đầu trong quan chức chính phủ". Nhiều người cứ tấm tắc với ý nghĩa sâu xa, nét chữ rồng bay phượng múa. Rồi đến một hôm, có ông lão đọc hoành phi rồi cười sằng sặc. Hỏi, lão nói:
     - Đại là to, điểm là chấm, quần thần là bầy tôi;. nói lái "chấm to", "bầy tôi" thì sẽ rõ ý nghĩa lời "khen tặng" khắc trên hoành phi! 
     Lại nghe chuyện vợ quan Liêm gặp vợ quan Tham ở siêu thị. Vợ quan Tham đẩy cái xe nôi tủ kín. Trong cái xe nôi ấy là con lợn quay tính đưa đi bán.Con lợn quay là lễ tạ của thằng đàn em được quan Tham sắp xếp vào quản lý một công ty "màu mỡ". Bà vợ quan Liêm hỏi:
     - Chị đi mua sắm à?
     - Tôi đẩy cháu nội đi chơi, nó đang ngủ.
Vợ quan Liêm vén màn xe nôi, nhìn kĩ, buông màn xuống, nhẹ nhàng:
     - Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Khuôn mặt y chang ông nội!
     Có khi gài bẫy để khen, khen mà chửi thì Chế Lan Viên thuộc hàng cao thủ. Hồi còn chiến tranh chống Mĩ, Chế vào công tác ở đất lửa khu bốn. Trở ra Hà Nội, bộ ba Chế Lan viên, Huy Cận, Xuân Diệu gặp nhau ở quán bia hơi.
     - Hoan vào trong ấy có gì mới không? Xuân Diệu hỏi:
     - Nhân dân anh dũng, hăng hái chiến đấu, có thời gian rảnh là đọc thơ.
     - Dân quê mình có truyền thống yêu thơ. Mà này, họ thích nhà thơ nào nhất?
     -  Bút Tre.
Xuân Diệu phát khùng:
     - Ai không thích lại thích Bút Tre, thơ kiểu: "Mời bạn về xem núi con voi / Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi / Tất cả hăng say đua sản xuất / Đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai" ư?
Chế Lan Viên cười:
     - Thích thơ Bút Tre nhưng không phải bài ấy.
Xuân Diệu hỏi dồn:
     - Bài nào?
     - Ngói mới!
Xuân Diệu đỏ mặt. Bài "Ngói mới" của ông đưa vào chương trình cấp III hẳn hoi nhưng có lẽ nó là bài thơ dở nhất của ông.
     Viết đến đây tôi bỗng nhớ lại câu chuyện tiếu lâm chửi bậy thời thập niên 80. Chuyện kể về ngôi nhà tập thể bốn tầng không có nhà vệ sinh nhưng sắp xếp nhà trẻ, nhà ở cho công nhân, văn nghệ sĩ, lãnh đạo hợp lý thì vẫn ở được, thậm chí còn tốt nữa kia.
     Không biết khùng điên gì mà viết về chửi; đọc xong không biết có ai chửi ta không nhỉ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét