Dưới chân núi Kho Vàng, cách làng tôi độ khoảng 2km là một bàu sen rộng hơn chục ha. Đất ven bàu màu mỡ, rộng lắm nhưng không ai trồng tỉa gì. Nghe nói từ xưa như vậy và bây giờ vẫn vậy.
Từ nửa xuân đến cuối thu, bàu sen ngào ngạt hương, đẹp và thơm nhất là mùa hè. Bọn trẻ con sáng ra câu cá, đến độ mười giờ là không còn một đứa. Buổi chiều, chúng chỉ ra đấy từ khoảng hai giờ đến năm giờ là biến mất dạng. Không phải chúng ngoan, sợ nắng mà là sợ ma. Ma bàu sen thiêng lắm, chúng sợ khi đang nằm từ trong bụng mẹ kia. Người lớn hầu như ít ai ngang qua bàu sen ban ngày chứ đừng nói gì đến ban đêm. Hồi chiến tranh, có một đơn vị bộ đội đóng trại ở đó được một đêm, sáng hôm sau nhổ trại đóng chỗ khác. Chuyện quân sự hay ma quái ai mà biết được.
Nguồn lợi từ bàu sen rất lớn, hợp tác xã khoán cho mười hộ thu hoạch sen tính công điểm. ngay ngày đầu tiên, cả chục người mang thuyền nan ra hái ngó sen, mỗi người chưa được chục bông thì đau bụng dữ dội, đành ngừng. Ngày hôm sau, hôm sau nữa vẫn thế. Ban quản trị hợp tác không tin, đi thu hoạch thử. Vừa bước chân xuống thuyền đã ôm bụng la oai oái, không hái được cái ngó sen nào cả. Thế rồi trong bàu, hoa sen tự mọc, tự tàn không ai dám động đến ngoại trừ mấy đứa trẻ sáng chiều kéo nhau ra bàu câu cá.
Nước bàu sen khá trong, nhìn tưởng lội chỉ quá đầu gối một tí. Nhưng chẳng ai dám đặt chân xuống bàu. Dưới tầng nước kia là bùn non như không có đáy, càng quẫy, càng cố rút chân thì lún càng nhanh. sau vụ cô Thi chết hụt thì bàu sen càng vắng bóng người hơn.
Nhà cô Thi ở gần bàu sen nhất. Mẹ con cô mới mua lại căn nhà của ông Quý thịt lợn. Ngôi nhà khá đẹp, vườn tược rộng nhưng giá rẻ như cho. Nghe đâu mẹ con cô Thi từ miền ngược chuyển về sau khi cha cô đi săn bị cọp vồ chết.
Cô Thi có mái tóc dài chấm mắt cá chân, óng mượt, thoang thoảng mùi hoa bưởi. Cô hát rất hay. Nhiều lúc mấy đứa trẻ con chúng tôi nghe hát mà quên cả câu cá. Từ khi mẹ con cô về đây sống, đêm đêm cuối làng náo động hẳn lên bởi tiếng chó sủa, tiếng hát, tiếng nói cười của các anh thanh niên đến nhà cô chơi.
Về nhà mới chừng được tháng hơn tháng kém gì đấy, cô theo chúng tôi ra bàu sen, xem chúng tôi câu cá. Trời về chiều, chúng tôi chuẩn bị ra về, cô Thi với tay hái một búp sen. Vừa bước một chân xuống nước, thấy lún nhanh quá, cô muốn rút chân lại nhưng không hiểu sao lại đưa cả chân kia xuống bàu. Cô càng vùng vẫy thì càng chìm dần, càng xa bờ dần. Cô không la được mà bọn tôi hầu như đứa nào cũng cứng họng, đứng bất động. Khi cô Thi chỉ còn chỏm tóc trên mặt nước thì ông Heng xuất hiện. Ông hét lớn: "Đừng, đừng" rồi giật trong bị cói một sợi dây dù có móc sắt như chùm lưỡi câu rường lớn, quẳng mấu vào hòn đá ven bờ, một tay nắm dây lội ra cứu cô Thi. Cả cô Thi và ông Heng chìm dưới hồ, bọt nước sủi ùng ục. Sợi dây dù căng như dây đàn. Một lúc sau ông Heng cũng cõng cô Thi lên bờ được. Ông Heng trông như con rùa, còn cô Thi trông như tàu lá chuối héo. Ông vác ngược cô thi xốc nước. Cô Thi tỉnh lại, thấy ông Heng cô rú lên một tiếng rồi im bặt. Sau lần chết hụt ấy, cô không mói, không cười, không hát. Cuối xóm lại vắng lặng và có phần ảm đạm hơn so với khi mẹ con cô chưa tới.
Lại nói chuyện ông Heng. Không ai biết ông là người kinh hay người thượng. Ông cao hơn chiếc xe đạp Hữu Nghị của ông một tí. chiếc xe trụi trọc, không chắn bùn, chắn xích, chuông, phanh, "gác ba ga" và không biển xe, hình chữ nhật, bằng bàn tay trẻ con. Sườn ngang ông treo cái bị cói đựng đồ nghề câu cá, dây dù và đựng cá câu được. Từ khi ông xuất hiện cứu cô Thi chúng tôi mới biết ông câu cá ở đâu.
Ông không nhà, tài sản duy nhất là chiếc xe trọc. Thi thoảng, thấy ông ngủ trong hốc cây đa. Những khi mưa gió ông che hốc cây bằng hai tấm tranh nứa kẹp lại. Bọn trẻ chúng tôi không biết ông sống như thế nào, chỉ thấy ông ở trong hốc cây không ngủ thì uống rượu. Đồ nhắm của ông là chuối xanh, bưởi hay mấy quả ổi với nắm ớt xiêm chấm muối. Lúc trước thấy ông thì sợ, sau vụ ông cứu cô Thi chúng tôi bắt đầu tò mò về ông, thậm chí lẽo đẽo theo ông xem ông bán cá. Mấy bà già trong xóm nói cứ khi nào thấy ông Heng bán cá trê thì nhất định hôm đó là ngày rằm.
Có một điều lạ là cá của ông bán lúc nào cũng sống và trong mớ cá ấy có một con cụt đuôi. Bày mớ cá lên lá chuối hay lá xoan trước cổng chợ, ông ngồi uống rượu. Ai hỏi mua là ông bán, trả bao nhiêu cũng được, hễ trả là ông bán. Còn khi ông mời mua, hỏi giá thì không ai bớt được một xu, và khi ông mời mua cá thì không trước thì sau phải mua cá của ông. Một hôm, ngày rằm, vợ ông trưởng phòng giáo dục huyện đi chợ, ngang qua "hàng cá" của ông, ông mời:
- Cá này tươi, cô mua nấu cho thầy ăn.
- Bao nhiêu?
- Năm đồng.
- Năm đồng trong chợ gấp mười mớ cá của ông, với lại thầy mà ăn thứ cá ni à! Nói xong vợ ông trưởng phòng giáo dục ngoay ngoảy bỏ đi.
Lúc đó, mẹ cô Thi đi ngang qua, chào ông. Ông nói:
- Bà mang mớ cá này về nấu.
Vừa nói ông vừa giằng cái rổ từ tay bà, hốt mớ cá bỏ vào, trừ lại con cá cụt đuôi. Lấy sợi lạt xỏ vào mang cá, lão đạp xe lên phòng giáo dục, đi thẳng vào phòng làm việc của trưởng phòng.
- Bán cho thầy con cá.
- Ông mang ra chợ mà bán, để tôi còn làm việc.
Ông Heng không nói gì nữa, cứ đứng giữa phòng, bực quá, ông trưởng phòng gọi bảo vệ:
- Cậu tống cổ lão này ra ngoài cho tôi.
Anh bảo vệ kéo ông ra khỏi phòng. Ông ngồi ngay cổng. Đầu năm, mùa tuyển giáo viên, người ra vào nườm nượp. Ai hỏi sao ngồi đấy, ông nói chờ bán cá cho trưởng phòng. Trưa, ông trưởng phòng về nhà, ông Heng đạp xe theo, đến cổng, ông la:
- Bớ bà trưởng phòng ra mua cá.
Bà vợ ông trưởng phòng ra chửi, ông vẫn ngồi trước cửa, chửi mãi vẫn không đi. Ngặt nỗi, trưa nay ông trưởng phòng hẹn mấy người xin việc đến nhà để 'giải quyết". Thằng khùng này cứ ám mãi thế này không xong. Ông bảo bà:
- Thôi mua quách cho lão.
Bà hỏi:
- Bao nhiêu?
- Năm đồng.
- Con cá chết thúi này gà không thèm mổ mà đòi năm đồng, có phải là quân ăn cướp không. Qay sang chồng, bà bảo:
- Ông gọi công an ngay cho tôi.
- Tôi mong công an cho tôi vào tù, khỏi câu cá, có cơm ăn, nhà ở.
Lì đến thế là cùng. Ông trưởng phòng móc ví, lấy năm đồng đưa cho lão. Lão đưa cá cho vợ ông trưởng phòng:
- Không nấu cho ông ấy ăn là có chuyện đấy. Nói xong, lão đạp xe đi. Vợ ông trưởng phòng ném con cá theo lão kèm theo lời chửi:
- Đồ ma quỷ bắt!
Chiều đó, bà vợ ông trưởng phòng đau đầu, sốt. Đưa đến bệnh viện thì xụi lơ. Sau này khỏi bệnh nhưng miệng thì méo, muốn nói được một câu phải mất dăm ba phút. Khi bà nằm viện, thằng con chạy xe máy Ja-va vào thăm, chở theo cô vợ tương lai - con ông trưởng phòng tài chính, luýnh quýnh thế nào tông phải ông viện phó, xe cháy, đứa con gãy răng, cô vợ chưa cưới gãy chân, ông viện phó gãy ba cái xương sườn.
Chữa chạy, đền bù tạm ổn thì đến lượt ông trưởng phòng. Ông không bị tai nạn, đau ốm mà bị xử lý kỷ luật về tội tham ô, nhận hối lộ. May gần đến tuổi, người ta cho nghỉ hưu non. Một suất lương hưu nuôi mấy người, thành ra đầu tắt mặt tối với gà vịt ruộng vườn. Thỉnh thoảng, ông cũng ra bàu sen câu cá cải thiện bữa ăn. Số ông không mấy sát cá nên bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa cho ông một con.
Lâu lâu, không thấy ông Heng ở chợ hay ở hốc cây đa, bọn trẻ chúng tôi như thấy thiêu thiếu cái gì đó. Một hôm, nói chuyện với bà ngoại về ông Heng, nghe chuyện, dì tôi bảo:
- Dì thấy ông ở chùa sư nữ. Buồn cười lắm. Ông đội cái nồi đồng trên đầu, đạp xe vào chùa. Mới nhìn, tưởng cái nồi đồng lái xe.
- Ông đội nồi đồng làm gì?
- Thì đem cho chùa chứ làm gì nữa. Từ quê tôi xuống đến chùa sư nữ cả trăm cây số. Thì ra ông Heng biệt tăm vì chuyện ấy.
Mấy hôm sau, gặp ông Heng, hỏi ông lấy nồi đồng ở đâu. Ông bảo:
- Ở bàu sen chứ ở đâu! Rồi ông kể cho chúng tôi bàu sen trước kia là một làng trù phú, không biết mắc tội gì với Thiên đình mà Trời giáng động đất, vùi cả một làng. Thỉnh thoảng, ngày rằm, mùng một bàu sen lại nổi lên nồi đồng, cánh cửa, có khi cả bộ đồ thờ . . .Ông dùng sợi dây dù có mấu là để lấy các vật ấy.
Thời gian dần trôi, vào học cấp III, tôi và lũ bạn không ra bàu sen câu cá nữa, có nhiều chuyện để chúng tôi quan tâm hơn chuyện ông Heng.. . .Rồi tôi đi bộ đội, chuyển ngành, về thăm lại bàu sen, ngang qua nhà cô Thi thấy người ra kẻ vào. Hỏi ra mới biết khi ông Heng đem cho mẹ con cô Thi cái bàn thờ cổ thì bỗng nhiên cô nói được; nói cái gì cũng đúng. Rồi người đến lễ ngày càng đông. Và câu cuối cùng sau khi cô phán là: "ăn ở nhân đức nghe con".
Thấy tôi, cô mời uống trà, hỏi săp lấy vợ chưa, rồi dặn dò phải chọn người phước đức. . .Hỏi cô về ông Heng, chắp hai tay trước ngực, nhìn theo làn khói hương, cô nói: " ngài thăng rồi!".
Cả ơn tác giả về truyện ngắn hay.
Trả lờiXóaHay, có hồn liêu trai.
Trả lờiXóaÝ tại ngôn ngoại, sâu sắc mà đời thực! Cảm ơn tác giả.
Trả lờiXóa