Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

ÁO EM MÀU ĐỎ


          Áo em màu đỏ
          Áo anh màu cỏ
          Áo em màu hoa
          Áo anh màu lá.
          Nguyễn Trãi ngâm nga:
         “Hoa thì thường héo cỏ thường tươi”
          Không có em
          Cuộc đời ảm đạm
          Không có em
          Một màu xanh buồn chán
          Và sẽ không có bướm có ong
          Chỉ có muỗi và côn trùng
          Vì áo anh màu cỏ!
          Nên em hỡi:
          Dẫu nắng dẫu gió
          Lũ lụt bão giông
          Áo em màu hồng màu đỏ
          Anh nguyện là màu cỏ

          Cho em!...

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

TRỞ LẠI SÔNG QUÊ




          Cái thuở vô tư thời trung học
          Ước mơ ta tung cánh đại bàng
          Hoài bão lớn chật căng lồng ngực
          Tâm hồn như biển biếc mênh mang…

          Tình yêu tặng cho nàng thật đẹp
          Những vần thơ và dăm bảy nụ hôn
          Bến sông quê đêm trăng thề hẹn
          Sao để dòng xanh neo ký ức buồn?

          Ngày trở lại sông quê úp mặt
          Sông vỗ về thương xót đứa con xa
          Xoa dịu vết thương đời rỉ máu
          Lại vá giùm đôi cánh rách cho ta.

          Năm mươi tuổi, nửa đời nhìn lại
          Ta thương ta, thương tuổi dại khờ
          Nên cam chịu, vết thương đời liền sẹo
          Nhưng tâm hồn vẫn căng chật ước mơ!

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

THẰNG BÁCH



            Ngày nó nhận giấy báo trúng tuyển Đại học Kinh tế với hai tám điểm, bằng số điểm đậu vào Đại học Y Dược, cô nó cứ xuýt xoa mãi. Ba nó cười đùa: “Vậy là tao chết với mày”. Ông gọi chú nó đến bàn bac tính tổ chức bữa tiệc cho hoành tráng, mời bà con họ hàng và cũng là để tri ơn thầy cô dạy dỗ. Dòng họ nó nói chung về kinh tế cũng khá nhưng chả có đứa con cháu nào học Đại học cả. Nghe ba bàn với chú, nó bảo: “Thôi đi ba, thời nào chứ thời nay đỗ Đại học có là gì. Bạn con đỗ Thủ khoa trường Đại học Bách khoa mà có làm gì đâu.” Ba nó nạt: “Nhà nó khác, nhà này khác.” Biết tính ba, thằng Bách nói: “Được thôi, ba muốn làm gì thì làm, nhưng hôm đó nhất định con không có mặt.” Ba nó biết Bách ương ngạnh, nói là làm, nên hạ giọng: “Thì cũng để bà con chia vui chứ.” Nó bảo: “Người ta bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, liên hoan cũng chỉ trà nước thôi. Ba mở tiệc, bạn bè con nó cười cho đấy, con không chịu được cái tiếng chơi sang, sĩ diện đâu.” Ba nó vớt vát: “Vậy mày tốt nghiệp Đại học thì phải để tao làm bữa tiệc đấy”.
            Vào học được một tháng, nó đi làm bán thời gian. Việc học đối với nó không khó, nhưng nó chán. Nhiều giảng viên, có người là Phó Giáo sư hẳn hoi mà giảng không khác những gì đã viết trong giáo trình. Toàn là lý thuyết, mà thứ lý thuyết nó nghĩ đã cũ rích cũ rơ. Tài liệu dịch từ tiếng Nga, khổ một nỗi giáo trình tiếng Nga lại dịch từ tiếng Anh. Tiếng Nga nó mù tịt nhưng tiếng Anh nó khá. Một lần, tình cờ lang thang trên mạng, nó đọc được tài liệu gốc, thế là từ đó nó chẳng cần ghi chép gì khi ngồi trên giảng đường, chỉ chú ý lắng nghe. Nghe rồi về đối chiếu với tài liệu tiếng Anh. Nó không thắc mắc như những sinh viên khác vì đọc giáo trình có nhiều chỗ tối nghĩa. Kết thúc học kỳ I, nó đạt sinh viên xuất sắc, có học bổng. Có học bổng, cọng thêm số tiền chu cấp của ba nó, nên nói như lũ bạn bè, nó dư sức sống phây phây. Nhưng nó vẫn đi làm thêm, vừa có tiền lại vừa học được nhiều điều không có trong sách vở. Với lại nơi hắn làm thêm, có em Phượng rất xinh. Bưng bê cho khách được mấy bữa, lúc rửa dọn chén dĩa xong, con Phượng nói với nó:
            - Anh Bách nên tập nhảy.
Nó hơi bất ngờ, hỏi lại:
            - Vì sao anh lại phải tập nhảy?
            - Dạ, vì đôi lúc cần giao tiếp và nó cũng cần thiết cho công việc.
Ừ, thanh niên sống ở thành phố cần giao tiếp thì đúng chứ cần thiết cho công việc nó nghĩ chưa ra. Nhưng đây là cơ hội để có thể thân mật hơn với Phượng nên nó nói:
            - Anh cũng muốn học nhưng biết học ở đâu. Với lại anh còn mắc học nên không có thời gian.
            - Mỗi ngày sau giờ làm, ở lại 15 phút em dạy cho.
Thế là nó học nhảy. “Cô giáo” của nó nhảy thật đẹp, uốn nắn động tác cho nó từng tí một. Nó học rất nhanh, nhảy khá thành thạo, “cô giáo” nói một câu không biết là khen hay chê nữa: “Giá như anh Bách chịu khó tập các động tác dẻo thì nhảy sẽ đẹp hơn”. Để xứng đáng là trò giỏi nên có thời gian lúc nào là nó tập dẻo lúc ấy, khi thì uốn lưng, khi thì lắc hông. Mấy đứa bạn ở cùng phòng  hỏi: “Mày bị đau cột sống à?”.
            Hôm đó, nhà hàng chuẩn bị bữa tiệc tổng kết Hội thảo Quốc tế về Du lịch. Bách đến, chị Vy bảo:
            - Cậu biết những sinh viên nào nhanh nhẹn, nói được tiếng Anh, gọi cho chị mấy đứa. Hôm nay nhà hàng đông khách mà mấy đứa làm bán thời gian nghỉ ráo trọi.
            - Em chịu thôi, hôm nay chúng nó thi học phần chị ạ.
            - Vậy cậu không phải thi sao?
            - Dạ, em được miễn.
Suy nghĩ một chú, chị Vy nói:
            - Đành vậy, em chịu khó vất vả hơn một tý nhé. Công việc ở bếp tạm ổn chị điều Phượng, Ân lên phụ giúp.
Nói là phụ giúp nhưng Phượng và Ân đi lại thoăn thoắt giữa các bàn tiệc. Chỉ cần cái đưa mắt là Bách biết cần mang món gì, phục vụ bàn nào. Một ông khách người Áo vừa chúc rượu bà bạn người Pháp xong, quay lại va phải Bách đang bưng cái khay có tô súp. Nếu không nhanh chóng xoay người, chao tay xuống giữ thăng bằng thì cả cái khay và tô súp đã ụp xuống bàn bên cạnh. Ông khách xin lỗi rối rít. Bách chưa kịp nói thì Phượng đã nhỏ nhẹ trả lời bằng tiếng Anh:
            - Dạ, không sao, lỗi là của chúng tôi thiếu quan sát, mong ngài thông cảm.
Nghe thế, Bách cũng nói theo:
            - Tôi xin lỗi, mong ngài thông cảm!
Tan tiệc, dọn bàn, Phượng cười, nói với Bách:
            - Giờ thì anh Bách biết tập nhảy cần thiết cho công việc rồi chứ?
Vừa lúc ấy, anh Bích lên tiếng gọi:
            - Chị Vy bảo Bách và Phượng lên phòng chị ngay, có việc!
Chị Vy đang tiếp ông khách người Áo. Thấy Bách và Phượng vào, ông tươi cười gật đầu chào. Ông cảm ơn Bách và Phượng đã hành xử đẹp, rất chuyên nghiệp. Ông hỏi hai người học ở trường nào? Có sẵn lòng làm việc cho ông khi ông đầu tư ở Việt Nam không? Nghe Bách nói về công việc hiện tại của mình, ông nói:
            - Thật tiếc là anh không theo ngành Du lịch. Nhưng những người như anh tôi tiếp nhận bất cứ lúc nào.
Ông ta xin chị Vy cho Phượng sang học việc ở Áo. Chị Vy đùa:
            - Nếu ông không đầu tư ở Việt Nam, tôi mất người, Phượng học về không có việc làm thì làm sao?
Ông ta thật thà:
            - Ồ! Không sao, những người như cô Phượng không làm việc ở Việt Nam thì làm việc ở Áo cũng tốt. Tôi tin vừa xinh đẹp vừa chuyên nghiệp như cô Phượng làm việc ở Áo cũng góp phần tăng tỷ lệ doanh số bán hàng mà.
Bách nghĩ ông ta mới đúng là chuyên nghiệp. Dự Hội thảo với ông ngoài vấn đề chuyên môn còn là tìm kiếm cơ hội làm ăn. Chị Vy liếc Phượng, nói với ông khách:
            - Ông thành đạt cũng đúng vì nhìn xa trông rộng.
Ông ta nghiêm túc, trả lời chị Vy thật bất ngờ, thâm thúy:
            - Không, tôi chỉ hiểu điều tôi muốn, nhìn rõ khoảng không gian mà chân tôi muốn đặt thôi.

            Bách đến cổng dãy phòng trọ thì thấy anh Bích và Phượng trong phòng bước ra. Anh Bích mở cốp xe đưa cho Phượng một cái túi nilon màu đen, mở bóp đưa tiền cho Phượng thì phải. Không biết hai người nói với nhau điều gì mà cười vui vẻ lắm. Trong lòng nó trào lên nỗi bức bối khó tả. Lần đầu hẹn Phượng và được Phượng chấp nhận đi uống cafê chẳng lẽ lại quay về. Phượng hẹn Bách tám giờ, xem lại đồng hồ mới chỉ bảy giờ năm phút. Anh Bích chạy qua không nhìn thấy nó. Anh không thấy cũng đúng thôi, khi anh và Phượng đang cười nói với nhau nó đã quay lưng, cúi xuống vờ xem bộ phận đánh lửa. Nó nghĩ giờ vào phòng Phượng không hay lắm nên chạy xe ra quán cafê gần đấy uống nước. Nhìn đồng hồ, còn gần năm mươi phút nữa mới tới giờ hẹn, nó gọi ly cafê đen, mua tờ báo An ninh Thế giới ngồi đọc. Đọc được nửa bài bình luận chính trị nó chợt nhận ra không biết mình đọc cái gì. Giở nắp phin cafê, vẫn còn một chút nước. Xem đồng hồ, mới bảy giờ mười tám phút. Nhìn những giọt cafê nhỏ xuống chầm chậm nó thấy giống đồng hồ cát thế. Những giọt thời gian màu đen. Giọt sau chậm hơn giọt trước rồi nó ngưng hẳn lại. Nó nhìn đồng hồ: bảy giờ hai sáu phút. Ly trà đá rịn mồ hôi, nó nhấc lên, uống một ngụm nhỏ. Cảm giác lành lạnh, tanh tanh, nhạt nhẽo không nuốt nổi nên đành nhổ ra. Lật nắp để xuông bàn, chồng lên phin cafê, nó nâng ly nhấp một tí, vị đắng chát làm nó dễ chịu. Cứ thế, nó nhấm nháp hết ly cafê không đá, không đường làm cho cô bé chạy bàn ngạc nhiên nhưng không dám hỏi…
            Nhìn đồng hồ, vẫn còn hai chục phút nữa, nó đứng dậy dứt khoát. Có lẽ cafê làm nó tỉnh táo. Cần quái gì phải đợi – nó nghĩ, ừ, giả sử Phượng là người yêu của anh Bích thì đã sao? Anh Bích thu nhập cao, đẹp trai, hai người lại cùng môi trường làm việc, bên nhau thường xuyên thì còn gì bằng. Hãy cứ xem Phượng như cô bạn đi, nó nhủ thầm mà sao vẫn thấy kho khó, khang khác thế nào ấy. Mấy đứa bạn gái hồi học phổ thông hay mấy nàng sinh viên đi ngang nhiều thằng lác mắt, đối với nó, hẹn hò có gì khó đâu, nhưng nó không thích. Mà hình như nó không thích thì các nàng lại có trăm lý do để gần gũi, để bật đèn xanh. Loáng thoáng sau lưng nó người ta bình phẩm nào là “đàn ông đích thực”, “số đào hoa”, “tốt mã dẽ cùi”…Mặc kệ, nó chỉ làm những việc nó nghĩ là đúng,  những việc người ta nhờ trong tầm tay. Rảnh rỗi nó đọc tất cả những gì vớ được rồi dịch sang tiếng Anh. Có lần, cô hoa khôi của khoa hỏi nó về bài toán xác suất, nó nghĩ dễ thế không làm được thì làm sao mà theo học được. Vừa giảng giải cho cô nàng nó thầm so sánh với Phượng từ cặp mắt, đôi môi cho tới lời ăn tiếng nói. Cô nàng nói về gia thế mình, tương lai sau này nhiều quá. Giúp cô nàng giải bài toán chỉ cần ba phút nhưng nó mất gần ba tiếng đồng hồ để lơ mơ nghe về ông bố làm chủ tịch thị xã, ông bác làm Giám đốc Sở Nội vụ…Ra trường, nếu nó về làm việc ở quê nàng cũng hợp lý, chỉ cách nhà nó chưa đầy trăm km. “Chưa đầy hai tiếng ngồi trên xe SH mà anh…”. Nó buột miệng: “Sao gần năm trời mà không biết tí gì nhỉ?”. Cô nàng hỏi lại: “Anh nói gần năm trời không biết tí gì là sao?”. Nó chợt tỉnh: “À không, anh đang nói về vấn đề anh đang nghiên cứu ấy mà”. Cô nàng cười: “Có lẽ rồi anh cũng trở thành bác học mất thôi, bác học thường hay lơ đãng thế đấy…” Kỳ thực, nó nghĩ là biết quá ít thông tin về Phượng nói chi đến gia thế. Phượng ít nói nhưng dí dỏm, hài hước. Cứ mỗi khi hỏi chuyện gia thế, Phượng lại gạt đi: “Khi nào rảnh rỗi em sẽ kể, mà cũng chẳng có gì đáng nói đâu”. Phượng không thích nói về mình. Phượng hẹn đi uống cafê hôm nay là cơ hội để nó khai thác những điều muốn biết, thế mà cái hào hứng trước khi đi trôi tuột mất rồi. Giờ đến sớm hay muộn cũng vậy thôi…
            Cửa đóng, nó gõ cửa. Phượng nói vọng ra:
            - Anh Bách phải không? Chờ em tí nhé!
Bách không trả lời, đưa đồng hồ lên xem, gần ba phút sau Phượng mở cửa: “Anh vào thăm giang sơn em tí đã”. Bước vào căn phòng, Bách ấn tượng với cách sắp xếp gọn gàng, khoa học và rất sạch sẽ. Trên cái bàn nhỏ kê sát cửa sổ nhìn ra cánh đồng, bên trái đặt chậu xương rồng cảnh rất đẹp, bên phải mấy cuốn sách chồng ngay ngắn, quyển trên cùng, gần nửa tập thòi ra cái thẻ đánh dấu trang đọc viết chữ “tâm”. Nó nhìn bìa sách, thì ra cuốn sách nó cũng đã từng đọc: “Tuyển tập Nguyễn Tuân”. Dưới gầm bàn, một cái túi nilon màu đen, hình như cái túi anh Bích đưa lúc nãy thì phải.
            - Anh uống nước!
Phượng trao cho Bách cốc nước rót từ phích còn ấm, thoang thoảng mùi gừng. Phượng cười, lộ rõ hạt gạo trên má trông thật duyên dáng:
            - Không biết anh có uống được không, em làm theo hướng dẫn của anh Bích đấy.
Lại anh Bích. Ngày thường, làm việc với anh Bích, nó học được bao nhiêu điều không có trong sách vở. Nó phục tài nấu nướng của anh, rất nhanh, gọn và chính xác. Đôi tay lúc nào cũng làm việc mà phong thái vẫn ung dung làm sao. Chị Vy nói anh là đầu bếp giỏi, làm việc gấp đôi người khác, nhiều nhà hàng chèo kéo, trả lương hậu hĩnh mà anh không đi. Lúc chị Vy nói những điều đó với nó, nó không mấy quan tâm, bây giờ nhớ lại, nó nghĩ: “Hay là vì Phượng chăng?”
            - Anh sao vậy, có chuyện gì à?
            - À không, thấy “Tuyển tập Nguyễn Tuân” anh lại nhớ thầy giáo chủ nhiệm anh thời phổ thông quá.
            - Vậy là anh giống em, có thầy chủ nhiệm dạy Văn.
Bách uống cạn cốc nước, mùi thơm của gừng, âm ấm của nước làm nó cân bằng trở lại.
            Tính chở Phượng đi uống ở cái quán sang sang một chút nhưng Phượng lại nói vào cái quán đầu ngõ. Lại ngồi đúng cái bàn lúc nãy. Cô bé chạy bàn thấy nó gật đầu chào, hỏi:
            - Anh có uống gì nữa không ạ?
            - Cafê đen. Quay sang tính hỏi Phượng uống gì, cô bé đã nhanh nhảu:
            - Chị Phượng thì em biết rồi.
Cô bé mang ra hai phin cafê, ấm trà và tờ báo An ninh Thế giới, nhìn Bách cười:
            - Lúc nãy anh để quên.
Bách cảm ơn, Phượng ngạc nhiên:
            - Thế anh lúc nãy đã tới đây?
Bách chưa biết trả lời sao thì cô bé cười, nói như trêu Phượng:
            - Anh ấy uống cafê không đường, không đá, cứ như đang đợi ai đấy!
Phượng hỏi:
            - Đã đến rồi sao không vào phòng em?
            - Thì đã tới giờ Phượng nói đâu.
            - Thì anh cũng đến trước còn gì.
            - Anh sợ tắc đường nên đến hơi sớm một chút. Bách chống chế rồi lảng sang chuyện khác:
            - Em đi làm cũng hơi xa nhỉ?
            - Mười hai km thì xa gì anh. Với lại em thấy ở trọ vùng này yên tĩnh, an ninh khá đảm bảo.
            - Em đi làm bằng xe buýt à?
            - Thỉnh thoảng thôi, còn anh Bích ghé chở. Nhà anh ấy cách đây có hai km thôi, anh chưa tới nhà anh ấy chơi à?
Lúc này Bách mới ân hận ít quan tâm tới người khác. Mỗi buổi làm chỉ nói với nhau về công việc,  rảnh rỗi một chút là nhoát lên phòng chị Vy lên mạng. Với lại nó nghĩ cũng chỉ là làm công thôi, quan tâm đến người khác làm gì. Người nó muốn trò chuyện nhất là Phượng nhưng lúc nào Ân cũng kè kè bên cạnh. Hẹn tới hẹn lui mãi hôm nay Phượng mới đi uống cafê nhưng phải nghỉ buổi làm.
            - Anh Bích thường ghé chở Phượng đi làm à?
            - Dạ, đó là trách nhiệm mà.
            - Thế anh Bích có thường uống cafê ở đây không?
            - Dạ, lâu lâu mới uống, có thời gian đâu anh.
            - Vậy sao cô bé chạy bàn thuộc sở thích của Phượng?
            - Nó là con dì em mà anh. Nó ở với em đấy.
Thảo nào khuôn mặt nó có nét hao hao giống Phượng, tính tình cũng vui vẻ, hoạt bát và toát lên vẻ chân thành, dễ mến. Quán khá đông khách nhưng không ồn ào. Có vẻ như người ta đến để thưởng thức không gian yên tĩnh trong cái thành phố náo nhiệt này hơn là thưởng thức hương vị cafê.
            - Anh Bách ra trường về quê hay ở lại thành phố?
            - Anh cũng không biết nữa. Ở quê khả năng xin việc làm cũng khó, ở đây chẳng lẽ cứ đi chạy bàn mãi sao?
            - Anh Bích nói anh có khiếu nấu bếp. Nếu anh học anh Bích sẽ dạy cho. Khối người xin học mà anh Bích có nhận đâu. Em thì em rút kinh nghiệm, xác định công việc của mình khi vừa học xong phổ thông.
            - Sao em không học Đại học?
Phượng cười:
            - Em học dốt nên không thi Đại học. Với lại bốn năm học Đại học ra trường chưa hẳn có việc làm. Còn em, với thời gian ấy sẽ có tay nghề kha khá, vất đâu cũng sống được, nhưng điều căn bản nhất là em được làm cái việc mình thích.
            - Ba má cũng đồng tình với em à?
            - Không đâu, ba má em muốn em học Y khoa. Nhờ có anh Bích, em mới được tự do đấy.
            - Em hiểu cặn kẽ về anh Bích nhỉ?
Qua câu chuyện của Phượng, Bách mới hiểu anh Bích có bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Anh học giỏi, được đi du học ở Pháp. Mẹ anh bị bệnh nặng nên anh phải vừa học vừa đi làm thêm kiếm tiền gửi về cho mẹ điều trị. Anh làm ở nhà hàng lớn, quí cái tính chăm chỉ, thông minh, lại có năng khiếu ẩm thực nên bếp trưởng chọn anh làm phụ bếp, dạy cho anh những bí quyết nghề nghiệp. Bảo vệ xong Thạc sĩ, anh về nước làm giảng viên tường Đại học Kinh tế. Lương giảng viên quá thấp, anh bỏ dạy, lại sang Pháp vừa học vừa làm nghề đầu bếp. Thành tài, anh sang Đài Loan làm việc một năm nữa mới trở về thành phố. Có anh, nhà hàng của chị Vy đông khách thấy rõ. Anh không muốn đi làm nhà hàng khác vì những năm tháng  gia đình anh khó khăn chị Vy đã giúp đỡ rất nhiều. Hội thảo quốc tế về Du lịch chọn nhà hàng chị Vy đặt tiệc là do thầy anh giới thiệu.
Nhấp chút cafê, Phượng tiếp tục: “Anh ấy nói chị Vy nên cho thuê lại nhà hàng này, mướn nhà hàng lớn hơn ở trung tâm thành phố để điều kiện kinh doanh tốt hơn. Chị Vy nói: “Ông đào tạo xong cho tôi vài ba đầu bếp giỏi rồi hãy nói chuyện ấy. Tôi đang sợ người ta cuỗm ông đi thì tôi cũng treo niêu” Anh Bích nói chừng hai năm nữa là em và Ân đứng bếp được nhưng anh rất tiếc là anh không theo nhề đầu bếp. Em nghe anh Bích nói với chị Vy: “Bách mà học nghề thì chỉ hơn năm là đứng bếp được, em nó thông minh, có năng khiếu và nhất là có ý nữa”.
            Nghe Phượng nói, Bách thèn thẹn trong lòng. Anh Bích rất xứng với Phượng, mình học được nhưng nếu ở lại trường dạy, anh Bích là thầy của mình. So sánh về đường học vấn mình chả là gì so với anh, còn so về vượt khó, nghị lực lại càng thua xa. Nó hỏi lại:
            - Anh Bích nói về anh như thế thật à?
            - Em nói dối anh làm gì. Anh ấy bảo em thuyết phục anh đi theo nghề đầu bếp đấy.
            - Thế anh phải bỏ học à?
Phượng trả lời nghiêm túc:
            - Không phải bỏ học, mà theo học một nghề khác, nó đảm bảo cuộc sống của mình hơn. Anh Bích bày em mấy câu “phỏng vấn” anh, bảo khi nào đi uống cafê thì hỏi.
Bách cười, lúc này nó đã cảm thấy thoải mái hơn:
            - Thì em “phỏng vấn” xem nào? Ai lại “phỏng vấn” mà không có đáp án.
            - Anh trả lời thành thật, không được xạo nghe.
            -Ừ.
Làm bộ như chuẩn bị tư thế thi tuyển công chức, nhấp ngụm trà, Bách ngồi thẳng lưng, bàn tay phải úp lên bàn tay trái.
            - Anh quan niệm như thế nào là cuộc sống đẹp?
Bách trả lời Phượng như một nhà thuyết giáo. Nghe xong, Phượng bảo:
            - Anh nói dài quá, đáp án chỉ 3 chữ “T” thôi.
            - Là gì?
            - Dạ, đó là: Tiền tài, Tình yêu, Trách nhiệm.
            - Em nói hay đáp án của anh Bích đấy?
Phượng cười, từ tốn nhấp chút nước trà, điệu bộ tự nhiên, sang trọng, có duyên lạ.
            - Anh trả lời phỏng vấn chứ không phải là em. Câu thứ hai: cái gì làm nên danh giá con người, bằng cấp hay tay nghề?
            - Tay nghề. Bách đáp gọn lỏn.
            - Điểm mười. Câu cuối cùng: trong cuộc sống giữa cho và nhận, cái nào quan trọng hơn?
Một câu hỏi không dễ. Nhấp chút cafê, Bách nhìn chiếc lá vàng rơi xuống từ cành trúc. Không gian êm dịu, nhẹ nhàng như làm nền cho khúc nhạc Trịnh: “…Áo xưa dù nhàu vẫn xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…”
            Tiếng nhạc dứt, Phượng nhẹ nhàng:
            - Câu này anh trả lời với anh Bích cũng được. Bài ‘phỏng vấn” của em đã xong.
Bách trầm ngâm, một lát sau nó hỏi:
            - Em có định đi Áo không?
            - Dạ, em cũng chưa quyết định.
            - Vì sao?
            - Dạ, nó nằm ở câu thứ nhất em “phỏng vấn” anh, nhưng hình như là 2 “T” thôi.
            - Là gì?
            - Dạ, Tình yêu và Trách nhiêm.
Bách định nói lời chúc với Phượng nhưng lại thôi. Cái áo sơ mi cắt rất khéo, tôn vẻ đẹp hình thể, sang trọng, kín đáo mà nền nã. Bách buột miệng:
- Cái áo em đẹp đấy.
            - Anh không xạo chứ! Em gái em may đấy, nó bảo sau này học nghề Thiết kế thời trang.
            Đôi mắt Phượng nhìn Bách đằm thắm, đầm ấm, khác lạ. Nó tự nhủ lòng: “mày đừng có ngộ nhận nhé”.

            Sau khi uống cafê, trở về phòng trọ, trong óc nó bao nhêu câu hỏi, giả thiết đặt ra. Phượng nói thẳng là thuyết phục nó làm đầu bếp. Những gì diễn ra trong thực tế nó thấy có lí. Anh Bích cũng từng nói với nó: “Tiền không phải là tất cả, nó chỉ là phương tiện. Nhưng em nghĩ xem, cũng có lúc nó rất quan trọng. Không có tiền thì anh không còn mẹ nữa rồi”.  Anh trai Ân cũng vậy, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, được giữ lại trường mà lương chưa đầy ba triệu đồng một tháng, không đủ nuôi mình chứ nói gì nuôi vợ con nên đành bỏ ngang, làm kế toán kiêm thủ kho cho ông chú buôn bán phế liệu, tháng lãnh hơn chục triệu, mỗi tuần ba đêm làm gia sư, mỗi đêm khoảng tiếng rưỡi cũng kiếm thêm được bốn triệu…Nó nghĩ nhà nước sử dụng chất xám sao quá bèo bọt, thế mà đâu cứ phải tốt nghiệp Đại học là có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo, đâu dễ tuyển dụng vào cơ quan nhà nước. Nghĩ đi nghĩ lại, lương bổng ít cũng đúng thôi, phần lớn những người nó quen biết làm việc trong cơ quan nhà nước, nói như Tú Xương: “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Một người có thể làm được công việc của ba người nhưng rất nhiều nơi thì ngược lại, cho nên “nhàn cư vi bất thiện”, đâm ra đấu đá nhau vì cái danh hiệu: “Lao động tiên tiến” bé tí với giá trị tiền thưởng một trăm nghìn đồng. Hôm trước nó đọc báo mạng,  Tổng cục thống kê công bố hơn 60% sinh viên ra trường không có việc làm và theo thời gian con số ấy sẽ gia tăng hơn nữa. Thế mà các trường Đại học cứ chiêu sinh rầm rộ, tiền học phí thu mỗi năm một cao…Nó nghĩ không ra, đào tạo không sử dụng thì đào tạo làm gì nhỉ? Phải chăng đào tạo Đại học phục vụ cho lợi ích nhóm, cho những người có quyền thế? Hồi hè, về nhà, ba nó bảo: “Gì thì gì, cũng phải lấy cái bằng Đại học cho tao cái đã, cả cái dòng họ này chưa có đứa nào có bằng Đại học cả”. Nó nói: “ba xem các anh chị trong xã mình học Đại học xong mấy người có việc làm?”. Ba nó cười cười: “Cứ lo học đi, tao đã có chỗ”. Nó vừa thương vừa thấy tội nghiệp cho ba nó. Có lẽ để có chỗ làm cho nó ba nó đã thay đổi lối sống, cô nó bảo: “Dạo này mấy ông cán bộ huyện kêu ba con đi nhậu luôn, bỏ công ăn chuyện làm, hiền như má con cũng phải rầy rật ổng”…Nó không hiểu trước lối rẽ anh Bích có phải suy nghĩ nhiều như nó không? Đành rằng cuộc đời nó là do nó quyết định nhưng còn mong ước của ba má, nó hoang mang quá….Còn Phượng, quyết định thật dứt khoát. Ân kể tốt nghiệp Trung học phổ thông trung học là Á khoa thành phố, con đường vào trường Đại học Y, theo các thầy cô trường chuyên nói đối với Phượng là không khó, nhưng Phượng đã không chiều ý ba má, quyết tâm thực hiện đam mê của mình. Hơn thế nữa, Phượng dọn ra ở riêng, không nhận một đồng nào từ gia đình. Cô nói: “Nếu con không tự lập được thì con xin theo sự sắp đặt của ba má…”.
            Hôm nay, vừa đến nhà hàng, nó đã nghe giọng của Ân:
            - Anh Bích thật có óc thẩm mĩ, đôi dép cậu đi đẹp quá.
            - Chuyện, khen anh Bích tớ thì khen cả ngày.
Bách cố nén tiếng thở dài, bước vào. Ân nói:
            - Anh Bách xem con Phượng diện đồ mới có đẹp không?
            - Đẹp, rất đẹp em ạ! Nhưng anh thấy hình như đôi dép em mang hồi trước đẹp hơn.
Phượng thật thà:
            - Em cũng nghĩ vậy, nhưng cái đế nó bị gãy, anh Bích khoan, bỏ cọng thép rồi dán keo, em không mang vì sợ chưa khô.
Bách cười cười, chọc:
            - Anh thấy dép còn mới sao bị gãy, hàng dỏm à.
Ân lườm Bách:
            - Hàng hiệu hẳn hoi đấy. Mà quên, bữa trước anh không đi làm nên không biết chuyện con Phượng gãy đế dép, kinh lắm!
            - Là sao, nói nghe coi.
Phương đánh trống lảng:
            - Thôi, làm việc đi, anh Bách đừng nghe con Ân nó thêm mắm thêm muối.
            Ân và Phượng xuống bếp, Bách hướng dẫn cách trải khăn bàn, xếp khăn ăn cho hai cậu sinh viên mới xin làm việc. Cậu tên Bảy dong dỏng cao, tóc rễ tre, mắt xếch. Cậu trắng trẻo, hơi mập, khuôn mặt hiền lành tự giới thiệu tên là Lý. Bảy có vẻ hay chuyện, nó nói với Bách:
            - Hôm trước tụi em mới tới đây làm, có mấy thằng xăm rồng phượng, nhậu xong gây sự. Nhà hàng mình có thường xảy ra đánh lộn không anh?
            - Làm gì có, anh mới nghe lần đầu đấy. Thế nào, kể anh nghe?
Cậu ta kể lúc ấy khách đã vãn, đâu quãng mười giờ tối, có sáu người khách đi ta xi đến gọi đồ nhậu, tướng tá trông dữ dằn lắm. Coi bộ chờ bọn này tàn cuộc còn lâu nên anh Bích bảo chị Ân và chị Phượng dọn bàn rồi về trước. Chị Phượng đang dọn bàn, một thằng đứng dậy bước đến bất ngờ vỗ vào mông. Mấy thằng cười hô hố. Đang cầm cái vá súp trong tay chị quay lại đập đánh “chát” vào mặt làm nó ngã lăn ra. Cả bọn đứng dậy, một thằng rất to con xông đến. Chị Phượng nói: “Mày muốn đánh nhau hả. Xích ra đây một chút, vỡ chén dĩa bà cô mày không có tiền đền”. Chị ấy lách qua, lùi lại một chút, thằng đó vừa bước tới giữa hai dãy bàn, bất ngờ chị Phượng xỉa tay vào mặt hắn. Hắn vừa gạt bàn tay này thì bàn tay khác đã trước mặt nên hắn vừa gạt vừa hơi ngửa mặt ra đằng sau. Có lẽ vì bất ngờ nên hắn luống cuống, mắc kẹt giữa hai dãy bàn nên không né được. Lúc ấy chỉ nghe “á” một tiếng, hắn ngã lăn sàn, từ cánh mũi qua cằm rách một vệt dài, khá sâu, ngực áo cũng rách, cũng chảy máu, trông kinh lắm. Hình như nó trúng cú đá thì phải. Mấy thằng trong bàn nhậu cũng bất ngờ, chúng dàn hàng ngang bước tới. Thằng Lý thì biến đi từ lúc nào, em chạy ra cửa gọi bảo vệ thì anh Bích đã xuất hiện từ lúc nào. Anh Bích tới, chị Phượng lùi ra, bước tập tễnh, em tính chạy lại đỡ thì chị gạt tay, bảo đế dép gãy. Anh Bích hất hàm, nói với chúng: “Thế nào, còn bốn đứa lên một lúc hay từng đứa một? Tao nói tước, vỡ bất cứ cái gì đền gấp đôi. Không đền, tao bẻ gãy tay”. Chúng lùi lại, có thằng nhận ra anh, nói: “Trời đất, anh Trầm Bích, hiểu lầm rồi, anh tha tội cho bọn em”. “Hiểu lầm thì cũng chỉ một lần thôi, có lần sau thì đừng trách. Thôi kêu ta xi chở nó đi khâu đi nhưng đừng quên trả tiền nhậu đó”. Thú thật với anh, khi cầm nắm tiền chúng nó trả em run lắm. Ra cửa, một thằng văng tục: “Cái con mẹ chúng mày, có mắt không tròng, chọc ai không chọc lại nhè con cái nhà Trầm Nhị”.
            Bách cũng hết sức bất ngờ về chuyện thằng Bảy kể. Nó nghĩ Phượng ra đòn tay là các thế song xà hợp chiến trong Xà quyền, còn cú đá có lẽ lại là đòn đá chẻ của môn võ Taekwondo. Nó nói:
            - Lẽ ra hai đứa phải giúp chị Phượng chứ, chúng mày tệ quá!
Thằng Lý phân bua:
            - Chuyện xảy ra bất ngờ quá, với lại thấy chúng xăm rồng xăm phượng  cũng hãi.
            - Thế cho nên mày mới xứng danh Lý đen.
            - Thì mày khác gì tao, Bảy nhỏ.
Bách bật cười, sao có sự trùng hợp lạ lùng thế, nói lái lại là “lén đi, bỏ nhảy”. Qua câu chuyện, Bách tưởng tượng Phượng như nữ hiệp giang hồ trong phim, còn anh Bích, đằng sau cái phong thái ung dung, hiền hậu ấy là mãnh tướng đích thực. Nó nghĩ, hình như con người ở thành phố kín đáo hơn, không hay phô trương, sĩ diện như dân quê…

            Tối hôm ấy, anh Bích về nhà trước vì có chuyện gì đó. Xong việc, chị Vy bảo mấy đứa ở lại ăn món bún ốc do tự tay chị nấu. Ăn xong chị bảo để đấy chị dọn rửa, bảo Bách chở hộ Phượng về nhà trọ. Ân đá lông nheo với Bách, cười cười: “Chúc anh Bách một buổi tối thơ mộng”. 
            Chở Phượng được một quãng, Bách hỏi:
            - Ai dạy võ cho em thế?
            - Dạ, cậu em.
            - Em quen anh Bích lâu chưa?
Phượng cười:
            - Từ khi em biết nói.
            - Là sao?
            - Thế ra anh không biết anh Bích là con cậu hai em à?
Bách không trả lời, trong lòng nó cháy lên nỗi niềm rạo rực khó tả. Nó chạy thật chậm với cảm giác quãng đường quá ngắn. Rẽ vào ngõ khu nhà trọ, không còn đèn đường, nó mới nhớ hôm nay có trăng. Con đường giống đường thôn đêm khuya. Nó dừng xe lại, Phượng hỏi:
            - Anh tính thả em xuống đây à?
Nó không nói, cầm tay Phượng bóp nhè nhẹ. Bàn tay ấm áp, mềm mại của Phượng nằm im trong tay nó. Gạt nhẹ mấy sợi tóc mai lòa xòa bên má, nâng cằm lên, nhìn sâu vào đôi mắt trong veo như hồ thu, Bách thì thầm : “Từ bây giờ chở em đi làm là nhiệm vụ của anh!”

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

TÌNH YÊU


               Tình yêu có đắng có cay
               Có thương có nhớ có say có buồn
               Có giận dữ, có ghen tuông
               Có mộng đẹp, có tủi hờn, xót xa…

               “Trăm năm trong cõi người ta”
                Đời người ai cũng vướng qua chữ tình,
                Tình yêu bé bỏng mong manh
                Đường đời khúc khuỷu, gập ghềnh, bão giông!

               Người ơi pháo đỏ rượu hồng
               Chẳng là chi nếu tình nồng lạt phai.