Khi trao đổi về nghệ
thuật truyện ngắn “Vợ nhặt”, Kim Lân đã nói với nhà nghiên cứu – phê bình Văn học
Hà Minh Đức: “Tôi quan niệm: truyện ngắn cũng là tiểu thuyết và điều quan trọng
là nhân vật. Nhân vật phải có tính cách
và phải hành động theo tính cách nhân vật một cách tự nhiên, không giả tạo, sáo
rỗng”. Mỗi nhân vật trong truyện được Kim Lân dựng mỗi cách khác nhau, dù thiên
về tính cách hay nội tâm đều rất chân thực, sống động. Dung lượng viết về nhân
vật “thị” – người đàn bà không tên – vợ Tràng, không nhiều nhưng để lại ấn tượng
sâu sắc trong lòng người đọc.
Bối cảnh của truyện là
nạn đói khủng khiếp năm 1945: “Những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình đội
chiếu lũ lượt bồng bế dắt díu nhau lên, xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn
ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. không buổi sáng nào người trong làng
đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không
khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người…Tiếng quạ trên mấy
cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết”. Cảnh chết chóc đói kém ấy
theo chân thị và Tràng về với căn nhà rúm ró rìa xóm ngụ cư: “Ngoài xa dòng
sông trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người
chết theo gió thoảng vào khét lẹt”.
“Đói thì đầu gối phải
bò’, “Chết thì phải giãy”. Cái bối cảnh của truyện theo triết học phương Đông,
đã ở mức “cùng”. “Cùng tắc biến…”. Thói thường, khi đã “cùng”, để có miếng ăn –
lúc này đây là miếng sống, phải tranh cướp, thậm chí giết hại lẫn nhau. Kim Lân
vẫn theo quy luật “cùng -> biến” ấy, tạo điều kiện cho Tràng “nhặt” được vợ
chỉ bằng bốn bát bánh đúc:
Trước cổng chợ, Tràng đang ngồi uống nước thì thị ở đâu sầm sập chạy đến, mắng hắn xối xả:
- Điêu! Người thế mà
điêu!
- Hôm ấy leo lẻo cái mồm
hẹn xuống, thế mà mất mặt.
Mục đích của thị mắng Tràng cũng chỉ vì miếng ăn. Bộ dạng thị trong con
mắt của Tràng: “Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn
đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”.
Cái “khôn” ở thị là xin
ăn nhưng không nói đến miếng ăn. Trước mắt mọi người thị gán cho Tràng cái tội
bội tín. Câu “Người thế mà điêu!” vừa nâng Tràng lên lại vừa đập Tràng xuống. “Người
thế” chỉ con người ra dáng con người, đáng mặt nam nhi. “Người thế mà điêu!” lại
bóc mẽ anh ta chỉ có cái vẻ bên ngoài là tử tế mà thôi. Tình thế ấy buộc Tràng
phải chống chế, không muốn bị xem là thất tín, mất mặt trước mọi người:
- Chả hôm ấy thì hôm
nay vậy. Này hãy ngồi xuống ăn miếng giầu đã.
Tràng đã sập vào cái bẫy thị giăng ra. Chớp thời cơ, thị nói luôn:
- Có ăn gì thì ăn, chả
ăn giầu.
Khi Tràng vỗ vào túi “Rích bố cu”, “hai con mắt trũng hoáy của thị tức
thì sáng lên, thị đon đả”:
- Ăn thật nhá! Ừ ăn thì
ăn sợ gì.
Hỏi rồi thị tự “chốt” lại luôn. “Ừ ăn thì ăn sợ gì.” Như ăn vì thách thức
chứ không phải đói khát! Thế mà thị “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền
chẳng chuyện trò gì”. Chi tiết ăn xong “thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng,
thở” thật đắt. Nó vừa cho ta thấy hành vi văn hóa chẳng mấy đẹp, vừa cho thấy
thị đói đến nhường nào.
Lần trước gặp Tràng, thị
cùng mấy chị con gái ngồi vêu ra ở cửa kho nhặt hạt rơi hạt vãi, hay ai có công
việc gì thì gọi đến làm. Từ “vêu” Kim Lân dùng thật tuyệt, tôi dám khẳng định
không có từ thay thế hay được như vậy. Thế nhưng thị vẫn “cong cớn” đùa lại với
Tràng, “vùng đứng dậy, ton ton chạy lại" đẩy xe và "ban phát” cái “liếc nắt,
cười tít” để Tràng sướng điên lên vì: “Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa có người
con gái nào cười với hắn tình tứ như thế”. Nhắc lại chi tiết này để thấy, tuổi
trẻ dù trong hoàn cảnh nào cũng khát khao hạnh phúc.
Hai lần thị xuất hiện
trước Tràng là “ton ton chạy lại, sầm sập
chạy đến”, rất nhanh và bất ngờ. Một lần là giúp người, một lần là cứu
mình. Kim Lân để cho thị xuất hiện như thế trái với hình ảnh người con gái đã
được “mặc định” trong tiềm thức xã hội phong kiến:
Em đi chàng theo sau
Em
không dám đi mau
Sợ
chàng chê hấp tấp
Số
gian nan không giàu
(Nguyễn Nhược Pháp)
Bước chạy cứu mình của thị còn được Kim Lân đẩy cao hơn nữa, khi Tràng
đùa:
- Làm đếch gì có vợ.
Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.
Thị về thật. “Lộng giả thành chân”. Thị liều với số phận. mà nói thực,
khi cái chết cận kề như thế còn gì để mà lựa với chọn, suy với tính nữa, thị đã
ở thế “cùng” rồi. Thị liều, Tràng cũng liều. Tràng liều nhưng không khỏi có những
phút giây sợ hãi: “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi
không, lại còn đèo bòng”. Khi đã liều là bất chấp tất cả, thế nhưng không, đằng
sau cái vẻ chao chát, chỏng lỏn là người phụ nữ hoàn toàn khác. Dưới con mắt của
dân xóm ngụ cư: “Người đàn bà đi sau hắn chừng ba bốn bước. Thị cắp cái thúng
con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt.
Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Mấy đứa trẻ con thấy lạ vội chạy ra đón xem”. Khi
nghe người ta cười lên rung rúc, bình phẩm: “Hay là vợ anh cu Tràng? Ừ, khéo mà
vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để”, thì “thị
càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu vào chân kia’. Cái nhanh nhẹn của đôi chân
hai lần gặp Tràng để nên vợ nên chồng đâu biến mất, cái chao chát chỏng lỏn đâu
biến mất? Trước cửa chợ không ai trêu chọc thì thị ngoa ngoắt, chao chát, bắt nạt
người khác, còn bây giờ, trẻ con trêu chọc, người lớn bình phẩm thì thị lại e
thẹn, im lặng đúng nghĩa “cô dâu mới về nhà chồng”. Những chi tiết dựng nhân vật
thị, Kim Lân đan cài với nhau thật tự nhiên, tôn lên cái thật nội tâm, tính
cách nhân vật.
Trên đường về nhà,
quãng vắng họ có những lời qua lại với nhau. Khi thị hỏi nhà có mấy người,
Tràng trả lời: “Chỉ mình tôi mấy u”, thị tủm tỉm cười:
- Đã mình tôi với mấy
u. Bé lắm đấy!
Sau câu nói của thị, Tràng mới nhận ra mình hớ hênh. Phản ứng ngôn từ rất
nhanh ấy, một lần nữa cho ta thấy thị là người khá thông minh.
Khi cùng Tràng bước vào
trong cái nhà rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những loại cỏ dại, “Thị đảo mắt
nhìn quanh, cái ngực gầy lép nhô lên nén một tiếng thở dài”. Thị nén lại vì sợ
Tràng buồn, sợ Tràng hiểu lầm thị trách phận. Căn nhà ấy, mảnh vườn ấy như mách
bảo với thị rằng cái đói đã có sẵn ở đây rồi, đang chầm chậm đẩy Tràng và bà mẹ
đến thế “cùng’ như thị chỉ trong nay mai mà thôi. Thị ngồi xuống mép giường sau
lời mời của Tràng. Ngồi mớm vì mất tự nhiên. Tự nhiên sao được khi về nhà chồng
với những cái không: không tấm áo lành lặn, không họ hàng đưa tiễn, không một
chút hiểu biết về gia cảnh nhà chồng, không cưới hỏi…Tóm lại, thị về nhà Tràng là theo không; nói theo không
còn có giá trị một chút, đúng ra Tràng đã “nhặt” được thị. Nhặt thị về làm vợ dễ
dàng như vậy thì vứt đi có khó gì đâu. Cái thế ngồi mớm vào mép giường để sẳn
sàng cho sự từ chối chăng, bởi vì Tràng còn “mấy u”? Biệt tài của Kim Lân là
không miêu tả tâm trạng thị mà để hành động nói lên tâm trạng. Sau cái ngượng
nghịu của cả hai, “Thị vẫn ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng
mặt bần thần”. Ý thức về hoàn cảnh của bản thân pha chút lo sợ đối diện với mẹ
chồng chưa một lần gặp mặt nên thị ngồi mớm ở mép giường như pho tượng. Suy
nghĩ của người vô tư, liều lĩnh, cả nể như Tràng về thị lúc ấy: “Quái sao nó lại
buồn thế nhỉ?...Ồ sao nó lại buồn thế nhỉ?...”tô đậm thêm tâm trạng lo âu, thắc
thỏm, buồn tủi của thị mà thôi.
Lời chào thứ nhất của
thị với bà cụ Tứ có lẽ lí nhí, sợ sệt. Kim Lân miêu tả sự ngạc nhiên, băn khoăn
của bà cụ để làm bật lên tâm trạng, tính cách thị: “Quái, sao lại có người đàn
bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình
thế kia? Sao lại chào mình bằng u?”. Bà cụ chưa trả lời, thị chủ động chào lần
nữa.. Dấu chấm than Kim Lân đặt sau câu chào cho thấy sự rõ ràng của lời nói.
Có lẽ nói được bốn từ” U đã về ạ!” là một sự cố gắng lắm của thị. Bởi vì, khi
bà cụ đã chấp thuận, “Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi” thì “thị vẫn
khép nép đứng nguyên chỗ cũ”.
Chỉ sau một đêm có vợ,
sáng hôm sau, trong mắt Tràng: “Hắn chớp chớp mắt mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận
ra, xung quanh hắn có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn
hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách
như tổ đỉa vẫn vắt khươm niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái
ang nước vẫn để khô cong dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung
hành ngay lối đi đã hót sạch”.
Sự thay đổi ấy bắt đầu
từ bàn tay của thị, của người vợ đảm: “thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người
đàn bà hiền hậu đúng mực không có vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng
gặp ngoài tỉnh. Không biết có phải vì mới làm dâu mà thị ta chí thú làm ăn
không?...”
Từ khi thị xuất hiện,
không gian sống tối tăm ngột ngạt, đói kém dường như loãng ra. Bà cụ Tứ hi vọng
vào tương lai, nói toàn chuyện vui. Đối với Tràng thì: “Một nguồn vui sướng, phấn
khởi đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy
hắn phải có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa
sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”.
Cầm bát cháo cám mẹ chồng
đưa cho, “hai mắt thị tối lại” nhưng thị vẫn “điềm nhiên và vào miệng”. Còn Tràng thì “Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát nghẹn bứ trong cổ”. Những
chi tiết dùng để đối chiếu tâm lý, thái độ trước bát cháo cám giữa thị và
Tràng, một lần nữa kim Lân khắc sâu nét đẹp nết na, lễ phép, biết làm vui lòng
người khác của “cô dâu mới” dù trong lòng không mấy vui. Câu nói của bà cụ Tứ với
Tràng: “Xóm ta khối nhà chả có cám mà ăn đấy”, một lần nữa cho chúng ta thấy
cái xóm ngụ cư nói riêng, xã hội Việt Nam nói chung đã ở thế “cùng”.
“Cùng tắc biến, biến tắc
thông”. Hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới hiện ra trong óc Tràng và thông tin: “Trên
mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn
phá kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy”, cộng với câu hỏi âu yếm: “Sao nhà biết?” của
thị đã gợi cho hắn: “thấy ân hận, tiếc vẩn vơ, khó hiểu”. Và để cứu mình, cứu
dân tộc, chắc chắn thị, Tràng sẽ đi sau lá cờ đỏ ấy; bởi vì nếu mất họ chỉ mất
cuộc đời đói kém, bần hàn, còn được, họ được cả cuộc sống tự do, ấm no, hạnh
phúc. Lịch sử dân tộc đã chứng minh điều đó.
Gấp trang sách lại,
chúng ta thêm quý trọng nhân phẩm người xưa, dù đói đến chết người ta vẫn giữ
gìn đạo lý, vẫn bao bọc che chở cho nhau. Trong cái không gian u tối đau thương
chết chóc mà Kim Lân đã hồi tưởng lại ấy, nhân vật thị là điểm sáng của truyện.
Thị đã “làm cho Tràng nên người”, khơi dậy tâm hồn héo úa của bà cụ Tứ bằng niềm
tin vào tương lai, và giờ đây, càng làm cho chúng ta thêm tin yêu cuộc sống.
Bài nghiên cứu rất có giá trị với chúng em. Cảm ơn thầy!
Trả lờiXóaBài viết có một số điểm mới, thuyết phục người đọc. Chúc mừng bạn!
Trả lờiXóaCó điểm nào về nhân vật thị thể hiện tính chân thật mà bạn chưa khai thác nữa không? Truyện này người ta cày xới nhiều mà đọc bài của bạn vẫn thú vị.
Trả lờiXóaMột cách tiếp cận nhân vật từ góc độ văn hóa, triết học phương Đông đáng được quan tâm trong giảng văn. Cảm ơn anh.
Trả lờiXóaCảm ơn các bạn đã động viên. Về tính chân thật của nhân vật thị, theo tôi thấy chi tiết miêu tả đôi mắt trước miếng ăn "sáng lên và tối lại" với hai món ăn khác nhau cũng đáng được khai thác.
Trả lờiXóacảm ơn thầy rất nhiều
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaCảm ơn thầy.
Trả lờiXóaRất đồng ý với ý kiến của các bạn, cảm ơn anh về bài viết!
Trả lờiXóaMặc dầu đã có nhiều lời khen nhưng tôi không thể không nói thêm. Bài viết của anh rất có giá trị đối với giáo viên và học sinh THPT đấy. Chờ các tác phẩm mới của anh.
Trả lờiXóaHay quá thầy ạ, em chúc thầy sức khỏe, có nhiều bài nghiên cứu mới.
Trả lờiXóaCám ơn thầy! Đây là bài viết rất hay phan tích rất tỉ mỉ, rấy có ích cho học sinh
Trả lờiXóaCảm ơn tác giả đã chia sẻ.
Trả lờiXóa