Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

THI CỬ NGÀY XƯA



           Dưới thời phong kiến, để lập công danh, con đường duy nhất là thi cử. Đỗ đạt được bổ làm quan, vinh thân phì gia, lưu lại tiếng thơm cho làng cho tổng.
            Thế nhưng, người đi học rất đông, đi thi rất nhiều nhưng người đỗ đạt lại rất ít. Trong 82 khoa thi được dựng bia ở Văn Miếu có hơn 200.000 lượt người thi chỉ có 1.037 người đỗ. Năm 1514 có hơn 5.700 người thi Hội chỉ lấy đỗ 43 Tiến sĩ; năm 1767 lấy đỗ 04 Tiến sĩ; năm 1781 lấy đỗ 02 Tiến sĩ.
            Khoa thi đầu tiên được tổ chức năm 1705 dưới triều vua Lý Nhân Tông, có tên gọi là thi Tam trường để chọn Minh kinh bác học, (tức là những người học rộng, giỏi kinh nghĩa, có tài thơ phú) để phò vua giúp nước. Đỗ đầu kỳ thi ấy là Lê Văn Thịnh, sau đó ông được ban ân huệ vào hầu vua học.
Ngày xưa việc giảng dạy, học tập không phân lớp, không quy định thời gian, không hạn chế độ tuổi, kể cả việc thi cử, cho nên, trong lịch sử khoa cử Việt nam, người đỗ Trạng nguyên ít tuổi nhất là Nguyễn Hiền, mới 13 tuổi (khoa thi năm 1247) và Đoàn Tử Quang, đỗ thứ 29/30 người trúng tuyển kỳ thi Hương năm 1900 lúc đã 82 tuổi.
Việc thi cử ngày xưa không phải không có tiêu cực. Sử sách ghi chép lại kỳ thi năm 1696, Ngô Sách Tuân giữ chức Giám thí trường thi Thanh Hoa, trước khi đi đến yết kiến Tham tụng Lê Hy. Lê Hy đem mẫu giấy đóng quyển thi của con mình nói cho Sách Tuân biết. Sau đó, quyển thi của con Lê Hy không được vào hạng trúng cách. Sách Tuân bèn bí mật đem quyển thi của con Lê Hy cho quan phúc khảo phê lấy đỗ. Đề điệu trường thi là Phó đô Ngự sử Ngô Hải biết chuyện, thề với Sách Tuân sẽ giấu kín. Vụ việc bị Phan Tự Cường – Tham chính Thanh Hoa phát giác. Triều đình giao xuống các quan văn võ luận tội. sách Tuân bị luận tội giảo (bắt phạm nhân phải thắt cổ chết). Ngô Hải bị bãi chức, các quan phúc khảo, giám khảo bị phạt nặng, Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.
Khoa thi năm 1841, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên, đã dùng muội đèn pha vào son làm mực đen (quan chấm thi chỉ được dùng son) sửa lại những chữ phạm húy của 24 quyển văn hay cho thí sinh khỏi bị đánh hỏng vì lỗi nhỏ. Việc bị phát hiện, ông bị cách chức, đày vào Đà Nẵng, vừa lúc gặp Sứ bộ Đào Trí Phú sắp đi Inđônêxia, nhờ nổi tiếng văn hay chữ tốt, ông được cử theo phụ tá.
Sự nghiêm ngặt của thi cử được thể hiện trong nội quy rất rõ ràng, chặt chẽ, việc thực hiện được tuân thủ nghiêm túc. Vào trường thi, thí sinh bị khám xét, nếu mang sách vở hay bài làm sẵn thì bị đuổi ngay và cấm rhi suốt đời. Trong lúc thi hỏi han, ném giấy cho nhau cũng bị đuổi. Bài làm hay nhưng phạm húy (viết tên các vua chúa, tổ tiên, cha mẹ, vợ và các cung điện của vua đương triều) hay chữ đế vương không viết riêng, viết không đủ quyển…đều phạm trường quy. Mắc một lỗi nhỏ cũng bị đánh hỏng.
Người không được dự thi là người đang còn tang chế; người làm nghề xướng ca hay con của người làm nghề xướng ca; người là con của loạn đảng; người có phẩm hạnh không tốt hay con của người có phẩm hạnh không tốt.
Các kỳ thi xưa được tổ chức theo vùng, miền địa phương và trung ương. Kỳ thi thứ nhất là thi Khảo hạch, người trúng thi Khảo hạch được đi thi Hương. Lúc đầu kỳ thi này thí sinh chỉ phải làm một bài ám tả để loại bớt người kém. Từ năm 1721 định lại: Huyện quan được quyền khảo hạch học trò, cử người đi thi tùy theo huyện lớn hay nhỏ. Huyện lớn được cử 200 người, số người này được đưa lên Phủ doãn khảo lần nữa, đạt mới cho đi thi Hương.
Thi Hương được tổ chức theo địa bàn địa lý do triều đình quy định, thời gian thi Hương không cố định, có năm tổ chức tháng tám, có năm tổ chức tháng mười. Từ năm 1431 định lại cứ ba năm mở một khoa. Thí sinh thi Hương phải qua 4 kỳ, quy định như sau:
-         Ngày mùng 8 thi trường nhất: Làm bài về kinh nghĩa
-         Ngày 18 thi trường nhì: Làm thơ phú.
-         Ngày 25 thi trường ba: Viết Chế, chiếu, biểu.
-         Ngày 01 tháng sau: Làm văn sách.
Sau một tuần, tính từ ngày làm văn sách, yết bảng người thi đỗ.
Thi Hội là thi ở kinh đô do triều đình tổ chức cho những ai đã đỗ Hương cống hoặc Cử nhân, Giám sinh Quốc Tử Giám. Thi Hội thường có 4 kỳ:
-         Kỳ 1: Thi kinh nghĩa, thí sinh chọn 9 trong 24 đề thi trong Tứ thư, Ngũ kinh mà làm.
-         Kỳ 2: Thi viết chế, chiếu, biểu, mỗi thể 03 bài.
-         Kỳ 3: Thi thơ phú, mỗi thể 02 bài.
-         Kỳ 4: Thi văn sách, 01 bài.
Bài thi được chấm và xếp thứ tự từ cao xuống thấp theo 4 loại: Ưu, bình, thứ, liệt. Năm 1721 thêm hai bậc, đổi lại: Khá, thứ, thứ thứ, bình, thường bình liệt. Năm 1829 định lại cách chấm, xếp loại: Hạ ưu, ưu thứ, bình, bình thứ, thứ liệt.
            Trừ những người bị liệt (hỏng), phần lớn còn lại được vào thi Đình. Thi Đình thí sinh chỉ phải làm một bài văn sách do vua ra đề thi, mục đích là để xếp cao thấp.
            Kỳ thi Đình đầu tiên, năm 1075, người đỗ đầu được gọi là Minh kinh bác học. Đến đời Trần, năm 1232, được gọi là Thái học sinh và chia làm ba hạng: Đệ nhất, Đệ nhị Đệ tam. Từ năm 1427 mới gọi Đệ nhất giáp là Tam khôi gồm ba người đỗ đầu: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
            Người đỗ Đệ nhị, Đệ tam giáp đều được gọi là Tiến sĩ. Đến đời Lê, những người đỗ Tiến sĩ được dự lễ xướng danh trong sân rồng có vua ngồi trên điện, bảng vàng ghi danh Tiến sĩ được treo trước cửa Quốc Tử Giám. Vua ban cho mũ, áo, đai; bộ Lễ tổ chức lễ ban yến ở công đường có các quan đại thần đến dự. Từ năm 1481, ngoài ân điển trên, vua còn cho phép các tân khoa làm lễ vinh quy bái tổ về làng.

            Nhà nước phong kiến rất coi trọng việc học hành thi cử, khẳng định vai trò và giá trị nhân tài. Tấm bia Tiến sĩ đầu tiên (năm 1442) ghi: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”.

            Thời đại ngày nay, việc dạy và học của ta khác xưa, vai trò người học được đề cao, không còn là lối học “tầm chương trích cú”. Nhưng ngẫm lại, có thể vì thế chăng mà hình ảnh, sự suy tôn của xã hội đối với người thầy bị xem nhẹ? Ngày xưa, người dạy, người đi học, đi thi luôn nêu cao tinh thần chữ , tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghiêm khắc, xứng đáng nêu gương cho xã hội, tiêu biểu như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh…Ngày nay, một bộ phận lớn người dạy, người học đánh mất tinh thần chữ , tiêu cực, gian lận trong thi cử, trong dạy và học, thậm chí đánh chửi nhau xảy ra thường xuyên được phản ánh đầy trên các mặt báo.
            Có phải triết lý tuyển chọn nhân tài thời phong kiến “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nên việc quản lý xã hội về mọi mặt của những ông quan tiến thân từ học hành đỗ đạt rất chặt chẽ, bài bản; còn thời đại chúng ta, nhiều quan quá, học hành đỗ đạt dễ quá, nhiều tiêu cực quá nên xã hội bát nháo chăng?

1 nhận xét:

  1. Đạo đứ xã hội bây giờ còn lâu mới được như ngày xưa nếu thầy không ra thầy, trò không ra trò.

    Trả lờiXóa