TÂN XUẤT NGỤC HỌC
ĐĂNG SƠN
Vân
ủng trùng sơn, sơn ủng vân,
Giang
tâm như kính, tịnh vô trần.
Bồi
hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh,
Giao
vọng Nam thiên ức cố nhân.
Bản dịch của Nam Trân:
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông
gương sáng, bụi không mờ.
Bồi hồi dạo
bước Tây Phong Lĩnh
Trông lại
trời Nam, nhớ bạn xưa.
Bản dịch của T. Lan (Bác Hồ):
Mây ôm núi núi ôm mây,
Lòng sông sạch chẳng bay bụi hồng;
Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong,
Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai.
Thơ
hay bởi xúc cảm mãnh liệt và biệt tài sử dụng ngôn từ của tác giả. Thơ hay, người
đọc không thể đọc qua một lần mà cảm nhận hết ý nghĩa nội dung, nghệ thuật. Ban
đầu, yêu thích một bài thơ nào đó là do trực giác. Thuộc bài thơ rồi, đọc trong
đầu hay lẩm nhẩm, đôi khi phát hiện thêm một chi tiết hay ý nghĩa sâu xa của từ
ngữ làm cho ta sảng khoái, sung sướng. Một bài thơ ngắn hay bao giờ “độ nén” ý
nghĩa nội dung, nghệ thuật cũng lớn, bài viết này lấy Tân xuất ngục học đăng sơn
của Bác để khảo nghiệm.
Bài
thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Câu đầu (khai) tả cảnh thiên nhiên
hùng vĩ, khoáng đạt. Vị trí của tác giả và cảnh vật có khoảng cách khá xa, đủ để
thu vào tầm mắt núi non trùng điệp, mây như những tấm khăn quàng quấn ngang
qua. Câu thơ độc đáo ở chỗ bảy chữ mà chỉ có bốn từ đơn: vân, ủng, trùng, sơn được dùng đi dùng lại. “Trùng” là lặp lại,
liên tiếp. Trùng sơn là những ngọn núi nối tiếp nhau. Thông thường, nhịp thơ
xác định điểm ngưng ngắn khi đọc thơ để tách ý trong một câu thơ, nhưng cái hay
ở đây, ngắt đúng nhịp, cả câu vẫn kết nối chặt chẽ. Chữ “sơn” sau “trùng sơn” là một
nét nhấn, tạo độ sâu của bức tranh phác thảo Tây Phong Lĩnh bằng bốn chữ. Nam
Trân dich câu thơ này:
Núi ấp ôm mây mây ấp núi.
T. Lan dịch:
Mây ôm núi, núi ôm mây.
Cả hai câu thơ dịch chưa chuyển tải
hết ý nghĩa nguyên bản. Nam Trân giữ nguyên số chữ nhưng làm tối đi khung cảnh.
Câu thơ của Bác mở đầu là “mây” kết
thúc cũng là “mây” gợi cho người đọc
cảm giác khoáng đãng; câu thơ dịch đảo lại, bắt đầu là “núi” kết thúc cũng là “núi”,
khác gì đứng trong thung lũng nhìn lên? Điều này không hợp với tâm trạng của
tác giả “mới ra tù tập leo núi”.
Câu
thơ dịch của T. Lan giữ được ý nhưng thiếu đi một chữ quan trọng - chữ “trùng” (Nam Trân cũng vậy). Nam Trân dịch
theo thể thất ngôn, T. Lan dịch theo thể lục bát. Tổng số chữ trong cả bài đều
là 28, nhưng mới khảo sát, đối chiếu câu thơ đầu thôi, chúng ta thấy chuyển tải
từ ngữ từ nguyên bản sang dịch khó đến nhường nào.
Câu
thơ thứ hai (thừa) đẹp đến nao lòng. Vị trí tác giả ngắm dòng sông lưng chừng
núi, từ trên nhìn xuống, khoảng cách không xa lắm. Từ dùng “tịnh vô trần” khẳng định “tuyệt nhiên không có bụi trần”, làm
cho không gian yên tĩnh càng yên tĩnh hơn, dòng sông trong trẻo càng trong trẻo
hơn, phản quang dòng sông dưới ánh nắng càng lấp lánh hơn. Từ dùng như ngọc quí
không tì vết khiến học giả uyên thâm Nam Trân và ngay cả chính tác giả nữa,
không thể chuyển tải hết cái thần của câu thơ:
- Lòng sông gương sáng, bụi không mờ
(Nam
Trân)
-
Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng.
(T. Lan)
Chỉ
với hai câu thơ, câu đầu là nét phác thảo, câu thứ hai đặc tả, Người đã vẽ nên
bức tranh sơn thủy tuyệt bích. Bức tranh có bố cục cân đối, chặt chẽ bởi qui luật
xa - gần, trên - dưới. Người vẽ tranh và người xem tranh không cùng thế hệ,
không cùng thời đại đi chăng nữa cũng gặp nhau ở xúc cảm bồi hồi.
Câu
thơ thứ ba (chuyển), tác giả sử dụng động từ “độc bộ” (bước từng bước một) ngay sau động từ “bồi hồi” trong hoàn cảnh “mới ra tù” đang “tập
leo núi” gợi cho người đọc cảm nhận xúc cảm trong lòng tác giả mỗi lúc
một trào dâng. “Bồi hồi” là nhãn tự của bài thơ, là cái trục, cái bản lề mở về
hai phía. Phía trước là cảnh đẹp Tây Phong Lĩnh và hoàn cảnh thực tại như đã
nói, và phía sau - nằm trọn ven ở câu cuối (hợp):
Dao
vọng Nam thiên ức cố nhân.
Nam trân dịch:
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.
T. Lan dịch:
Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai.
“Dao vọng” là đứng trên cao mà trông về,
“ức” là nhớ, “cố nhân” nghĩa tường minh là bạn cũ. “Cố nhân” là từ được sử dụng khá thông dụng trong đời sống xã hội với
ý nghĩa là người bạn thân thiết, rất hiểu nhau. Câu thơ dịch của Nam Trân tường
minh nhưng vẫn thiếu cái hồn của “dao vọng”.
Câu thơ dịch của tác giả cho chúng ta biết “Nam
thiên” cũng chính là tổ quốc. Từ dùng ước lệ “trời Nam”, “cành Nam” chỉ tổ quốc với các bậc túc nho ngày xưa là
phổ thông, nên Bác dịch như vậy không có gì lạ. Về ước lệ đã nêu, chúng ta hiểu
thêm vì sao cụ Phan Bội Châu lại lấy tên hiệu Sào Nam:
Hồ
mã tê sóc phong
Việt
điểu sào nam chi
(Ngựa Hồ hí gió bắc
Chim Việt đậu cành Nam)
Đứng trên đỉnh
núi cao, không gian càng rộng, chỉ một mình, người ta càng cảm thấy lẻ loi, cô
đơn. Ở bài thơ này, tâm trạng đầy ắp nỗi nhớ nhung tổ quốc, cố nhân của Bác
không gợi cho người đọc nỗi cô đơn. Vì sao như vậy? Sau “dao vọng” là “Nam thiên”
- trời Nam - tổ quốc, gợi không gian rộng mở trong tâm thức, là nỗi khát khao
trở về của người chiến sĩ cách mạng, khác xa vọng chân mây, thấy chân trời xa
mù mịt. Cùng tâm trạng nhớ nhung, pha thêm sắc tím lên bầu trời, Xuân Diệu có
câu thơ tuyệt hay về nỗi cô đơn:
Chiều vọng chân mây nhớ tím trời.
Nhớ nước song
hành nỗi nhớ bạn - những người đồng chí vỡ òa ra khi Người đứng trên đỉnh Tây
Phong Lĩnh. Khi ở trong tù, Bác bị hành hạ đến nỗi:
Răng rụng mất một chiếc
Tóc bạc thêm mấy phần
Gầy đen như quỉ đói
Ghẻ lở mọc đầy thân
(Bốn tháng rồi)
Ra tù, Bác tập leo núi rèn luyện
sức khỏe mong sớm được trở về tổ quốc, với bạn bè đồng chí của mình. Từ “trùng sơn” ở câu thơ đầu cho chúng ta thấy
Tây Phong Lĩnh hùng vĩ, hiểm trở, thế nhưng kiên trì “độc bộ” Bác đã chinh phục được đỉnh núi. Cái cảm giác sung sướng
khi vượt qua được khó khăn, cản trở cũng có phần trong xúc cảm bồi hồi. Như vậy, Bác
bồi hồi bởi cảnh đẹp Tây Phong lĩnh, bồi hồi vì chinh phục được những đỉnh núi
cao trập trùng, bồi hồi vì nhớ tổ quốc, bạn bè - đồng chí.
Bài
thơ Tân
xuất ngục học đăng sơn Bác viết khoảng giữa tháng 9 năm 1943 khi mới được
ra tù nhưng vẫn còn bị giam lỏng ở Liễu Châu. Trong Hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên
Giáp nhớ lại: khi nhận được một tờ báo từ Trung Quốc gửi về, rìa tờ báo có ghi
dòng chữ: “Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác tốt. Ở bên này
bình yên” bằng chữ Hán, biết ngay là chữ của Bác. Dưới dòng chữ là bài thơ tứ
tuyệt, đọc bài thơ biết Bác còn sống, nơi ở và tâm trạng của Người, các đồng
chí ở chiến khu Cao - Bắc - Lạng cảm động đến rơi nước mắt. Thì ra đây là bức
thư Bác gửi cho đồng chí của mình. Ngẫm lại, 28 chữ thôi mà đầy đủ thông tin:
-
Bác đang còn sống, ở chân núi Tây Phong Lĩnh (Liễu Châu).
-
Tấm lòng của Bác trong sáng, kiên định lý tưởng cách mạng qua ẩn ý: “Giang tâm như kính tịnh vô trần”.
-
Canh cánh nỗi nhớ về Tổ quốc, bạn bè, đồng chí.
Như
vậy, chúng ta rõ mục đích tạo lập văn bản này của Bác. Đây là một bức thư (phong cách ngôn ngữ nói) lại được thể hiện bằng thơ (phong cách ngôn ngữ nghệ thuật). Điều này thể hiện tài năng trác
việt của Người.
Ngoài
giá trị nội dung, nghệ thuật, bài thơ còn là một tư liệu lịch sử trong
quãng đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Hiểu
và cảm Tân xuất ngục học đăng sơn qua bài thơ dịch của Nam Trân, T.
Lan, thay lời kết, đề xuất thêm một cách dịch mới, chắc chắn vẫn không thể nào thể hiện cái thần
của nguyên tác, nhưng thiết nghĩ đây là cách thể hiện tấm lòng kính trọng và yêu
thơ Người:
Mây ôm núi, núi nâng mây,
Sông trong như kính chẳng bay bụi trần,
Bồi hồi trèo đỉnh Tây Phong
Trời Nam cao vọng, bạn trong tim mình.
Bài viết sâu sắc, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóaCảm ơn tác giả về bài viết!
Trả lờiXóaBản dịch của tác giả hợp lý. Bài viết hay. Cảm ơn anh.
Trả lờiXóa