Sáng ngày em đi hái dâu
Gặp hai anh ấy ngồi câu Thạch Bàn
Hai anh đứng dậy hỏi han
Hỏi rằng: cô bé vội vàng đi đâu?
Thưa rằng: em đi hái dâu
Hai anh vội vã giở trầu mời ăn
Thưa rằng: bác mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.
Thơ
ca dân gian phản ánh tâm hồn dân tộc đa chiều, đủ mọi cung bậc cảm xúc khác
nhau. Cảm nhận chung về thơ ca dân gian là dễ hiểu bởi đối tượng phục vụ đại
chúng. Tuy nhiên, trong kho tàng thơ ca dân gian không phải không có những tác
phẩm “ý tại ngôn ngoại”. Đọc lại bài
ca dao Sáng ngày em đi hái dâu chúng ta thấy thông điệp của tác giả rõ
ràng, được cài đặt chặt chẽ, tinh tế, ẩn trong từng chi tiết, từng câu, từng chữ.
Nhân
vật trữ tình trong bài ca dao là cô gái nông thôn, câu chuyện cô kể là việc gặp
gỡ hai chàng trai đang câu cá ở Thạch Bàn, trong buổi sáng đi hái dâu.
“Nuôi lợn ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng”, tục
ngữ nói như thế. Công việc băm bèo thái rau nấu cám nuôi lợn ai bảo không vất vả?
Nhưng vất vả đó so với việc nuôi tằm thì chẳng thấm vào đâu. “Ăn như tằm ăn lên”, không đủ lá dâu cho
tằm ăn dù chỉ một bữa thôi sẽ không thu được kén. Cho nên, gia đình nông dân
nào nuôi tằm cũng vội vội vàng vàng, ngay cả bữa ăn cũng vậy. Bãi dâu xanh, nón
lá trắng, bàn tay thôn nữ thoăn thoắt như múa vin cành hái lá đi vào thi ca như
biểu tượng đẹp về sự duyên dáng, yên bình. Đằng sau biểu tượng ấy là sự vất vả,
vội vàng mà người trong cuộc mới hiểu được. Vì thế, hành động, lời chào hỏi của
hai chàng cũng gấp gáp:
-
đứng dậy hỏi han
-
vội vã giở trầu mời ăn.
Trước
tình thế ấy, cô gái xử lí khéo léo bằng việc trả lời câu hỏi ngắn gọn, đủ ý, lễ
phép: “Thưa rằng: em đi hái dâu”
Chỉ
bốn chữ: “em đi hái dâu” giải thích
vì sao em phải vội vàng. Vội vàng vì công việc chứ không phải cốt cách phong thái
em như thế.
Cách
từ chối ăn trầu của cô gái tinh tế, không làm phật lòng người mời trầu. Em
không dám ăn trầu của hai anh vì luôn nhớ lời dạy của bác, mẹ. Có lý nào hai
anh lại trách một “cô bé” hiếu thuận? Em đã thoát khỏi tình thế nhạy cảm bằng
trí thông minh. Nhận trầu anh này thì phật lòng anh kia. Nhận cả hai thì rõ là
người tham lam. Nhận thì phải ăn, mà “Miếng
trầu là đầu câu chuyện”, ăn miếng trầu rồi khó mà dứt ra được khi đang phải
vội vàng vì công việc…
Chuyện
chỉ có vậy, chịu khó suy luận một chút, người đọc ngầm hiểu cô bé muốn nói gì.
-
Thứ nhất, cô là người siêng năng, chịu khó, nhanh nhẹn. Ba phẩm chất vừa nêu là
điều kiện cần và đủ cho nghề nuôi tằm dệt lụa.
-
Thứ hai, cô là người hiếu thảo, coi trọng phép tắc gia đình.
-
Thứ ba, không một từ ngữ nào đề cập, nhưng chắc chắn cô là thiếu nữ xinh đẹp.
Điều này thể hiện rõ ở việc hai anh chàng đi câu ở Thạch Bàn chỉ là cái cớ, là
giả, chặn đường em nói chuyện mới là thật. Hành động vội vàng có chủ ý của hai
anh tố cáo điều đó.
Xinh
đẹp, siêng năng, con nhà gia giáo “cô bé” chính là “đối tượng” để hai anh “câu”
rồi.
Chỉ
thế thôi, tinh tế mà kín đáo, cô gái đã phát đi thông điệp mình không còn là “cô
bé” nữa. Câu trả lời với hai chàng khẳng định điều ấy qua mấy chữ: “làm thân con gái”. Lí gì mà hai chàng mời
trầu “cô bé”? Cô bé chỉ ăn kẹo thôi, người ta chỉ ăn trầu khi độ tuổi cập kê, “miếng trầu nên dâu nhà người” mà lại!
Hóa ra, từ dùng “cô bé” của hai anh là ẩn ý yêu thương. Lời nói và hành động của
hai anh mâu thuẫn, mâu thuẫn thường gặp của trái tim yêu mong chờ hồi đáp mà chỉ
liếc mắt thôi, ai cũng hiểu.
Chuyện
xảy ra ban sáng, được kể trong ngày nên mang tính thời sự cao. Người
nghe em kể là anh hay chị, nhất quyết không là cô dì chú bác ông bà cha mẹ. Đại
từ nhân xưng khẳng định điều đó. Anh chị có thật cần thiết nghe câu chuyện chẳng có gì đáng nói, lại không rõ ràng
với hai anh ấy? Một trong những đặc
trưng của Văn học dân gian là tính phiếm chỉ (chỉ chung), nhưng chắc chắn hai anh ấy không phải là phiếm chỉ. Người
nghe em kể chuyên biết hai anh ấy. Vậy
nên, người nghe em kể chuyện là ai khác ngoài người em yêu?
Yêu
nhau, chuyện gì cũng kể cho nhau, là chuyện của…yêu nhau(!) Một câu chuyện nghe
qua tưởng như không có gì đặc biệt, song người nghe là người yêu thì ẩn ý nhiều
điều:
-
đấy nhé, ngoài anh ra, chí ít còn có hai anh theo đuổi em.
-
sự thật là thế, nhưng anh đừng lo, em đã khéo léo từ chối rồi, em chỉ yêu mình
anh thôi.
Chàng
trai nào không đắm say, hạnh phúc khi có người yêu siêng năng, thông minh, xinh
đẹp, thủy chung? Em chỉ nói về em thôi nhưng chắc chắn anh phải biết làm gì để
em mãi là người của anh.
Câu
chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Qua câu chuyện, người nghe, người đọc cảm nhận được
niềm kiêu hãnh ngầm của cô: siêng năng, nhanh nhẹn, có nét duyên thầm, dễ
thương, con nhà gia giáo, và quan trọng hơn hết là tình yêu đôi lứa thủy chung.
Bài viết hay quá, cảm ơn tác giả!
Trả lờiXóaCâu hỏi đâu đáp án nữa
Trả lờiXóa