TỰ TÌNH (II)
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sống mãi trong hồn dân tộc bởi tài năng thi ca rất độc đáo, lớn lao trong khuynh hướng phản kháng, chống đối lại mọi ràng buộc tinh thần xã hội phong kiến giai đoạn tàn lụi, nêu cao tinh thần nhân đạo vượt thời đại. Thơ Hồ Xuân Hương gợi cho người đọc khi sảng khoái, thích thú, lúc đồng cảm, xót xa. Riêng những bài thơ viết về mình, cho mình thể hiện rõ ý thức cá nhân, tâm tư sâu lắng của “bà chúa thơ Nôm” mà Tự Tình (II) là một trong số đó.
Đêm sâu vắng lặng gợi trong tâm trí người đọc bởi “văng vẳng trống canh dồn”. Đây là thủ pháp nghệ thuật lấy động để tả tĩnh. “Văng vẳng” là từ xa đưa lại, tiếng được tiếng mất nhưng tác giả cảm nhận được tiếng trống gấp gáp bằng trực giác qua chữ “dồn”. Có lẽ người đánh trống cầm canh mong thời gian trôi nhanh bằng thúc nhịp trống? Trong cái đêm vắng lặng ấy, có một khuê phụ đang thức:
Trơ cái hồng nhan với nước non.
“Trơ” trong tiếng Việt có nhiều nghĩa, ở văn cảnh này được hiểu như sau:
- ở vào tình trạng chỉ còn lẻ loi một mình.
- sượng mặt vì ở vào tình trạng lẻ loi khác biệt quá so với chung quanh, không có sự gần gũi, hòa hợp.
Hồng nhan chỉ người phụ nữ đẹp sắc sảo, kiêu sa. Theo quan niệm xưa những người phụ nữ hồng nhan cuộc đời ba chìm bảy nổi: “Quân tử gian nan hồng nhan bạc phận”.
Về qui tắc ngữ pháp, “cái” ở đây là trợ từ, đứng trước danh từ “hồng nhan” biểu thị ý nhấn mạnh về sắc thái cảm xúc thân phận của tác giả. Như vậy, hồng nhan đã bạc phận rồi, “cái hồng nhan” được chỉ định cụ thể hơn, kết hợp với “trơ” thì không còn chút duyên nào nữa. Thế nhưng “cái hồng nhan” dù có trơ ra thì vẫn phải sánh “với nước non” chứ đâu chịu tầm thường, nhỏ bé. Câu thơ khẳng định rõ ý thức về bản thân của tác giả.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Say để quên đi nỗi buồn thân phận. Từ xưa tới nay có ai độc ẩm vì vui bao giờ. Càng cố quên lại càng nhớ. Sức mạnh của men rượu không lấn át, xóa nhòa được nỗi tái tê trong lòng. Cô đơn mang rượu ra uống, càng uống cảm giác cô đơn càng dâng trào giữa không gian cao rộng quá. Trong một đêm, trăng làm gì có trăng khuyết, trăng tròn. Mỗi tháng viên mãn nhất ngày rằm, còn phần lớn là méo, là khuyết. Phận lẽ mọn mấy khi được ái ân, sum vầy. Mỗi lần tái hợp vào ngày trăng tròn hay trăng viên mãn trong tâm hồn ngày gặp gỡ, cho dù cao xanh kia trăng khuyết? Có phải chăng từ ý thơ này mà thi sĩ Phi Tuyết Ba đã viết bài thơ tuyệt hay với nhan đề Trăng khuyết:
Anh ngỏ lời yêu em
Vào một đêm trăng khuyết
Bởi tình yêu tha thiết
Biết tròn trước đêm rằm.
Em vui lúc trăng tròn
Chạnh lòng khi trăng khuyết
Anh ơi anh có biết
Trăng như tình lứa đôi?
Sao anh vội ngỏ lời
Vào một đêm trăng khuyết
Để bây giờ thầm tiếc
Một vầng trăng chưa tròn.
Trở lại hai câu thực của bài thơ, người đọc đồng cảm với tâm trạng tác giả. Quãng thời gian qui ước không thay đổi, nó chỉ thay đổi theo hoàn cảnh tâm trạng. Khi vui thì: “Cuộc vui ngắn chẳng tày gang”, khi buồn thì:
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.
(Nguyễn Du)
Bởi thế, với bản thân tác giả: say - lại - tỉnh; với vũ trụ: khuyết - chưa - tròn là một quá trình thời gian. Đây là minh chứng rõ ràng nhất của “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Còn trẻ, như câu kết Tự tình (I) khẳng định: “Thân này đâu đã chịu già tom”, còn khát khao bỏng cháy với hạnh phúc lứa đôi nhưng đối mặt với hoàn cảnh thực tại, độc giả hiểu diễn biến tâm trạng của tác giả vùng lên, phá cách ở hai câu luận, đậm phong cách Hồ Xuân Hương:
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Một đêm đã trôi qua, trước mặt sân rêu từng đám, chân mây kia đã hiện rõ những hòn đá chồng lên nhau. Vạn vật muốn vươn lên sinh tồn, huống chi con người, mà con người này có tài, có tâm, có khát khao sống, khát khao hạnh phúc lứa đôi bỏng cháy.
Nữ sĩ sử dụng nghệ thuật đảo ngữ, câu thơ mạnh mẽ hơn. Yếu ớt như rêu cũng xiên ngang mặt đất mà mọc lên, ở chân trời kia đá dựng lên đâm toạc chân mây. Dù mềm yếu như rêu hay cứng như đá đều không chấp nhận sự đè nén, khuôn phép định sẵn. Phải chăng mượn những hình ảnh này, tác giả bộc lộ sự phẩn uất, phản kháng với lễ giáo đa thê hà khắc xã hội thời phong kiến? Hai câu thơ kết giải tỏa suy luận của người đọc:
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
Xuân đi rồi xuân trở lại, tuổi xuân con người một đi không trở lại, Hồ Xuân Hương ý thức rất rõ về điều đó. Thân phận lẽ mọn, tình duyên chỉ là “mảnh tình” chứ đâu được trọn vẹn như “mối tình”, đã thế chỉ được “san sẻ - tí - con con” nên mỗi mùa xuân qua lại già thêm một tuổi, hỏi sao không ngán ngẩm, chán chường. Con người ta, với tuổi xuân - tuổi của khát khao hạnh phúc đôi lứa, cho dù thân phận, địa vị như thế nào điều đó vẫn không thay đổi. Cho nên, nỗi ngán ngẩm, chán chường mà tác giả thổ lộ ấy làm nổi bật giá trị nhân đạo của bài thơ. Đồng điệu với nữ sĩ, nhà thơ Xuân Diệu viết trong bài Vội vàng:
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
Xuyên suốt trong bài thơ Tự tình (II) là nỗi đau buồn, phẫn uất trước duyên phận, đau đáu một khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc. Viết cho mình, đau nỗi đau của mình nhưng bài thơ có mẫu số chung cho tất cả phụ nữ chịu thân phận lẽ mọn dưới thời phong kiến nên giá trị nhân đạo sâu sắc, vượt thời đại. Về phương diện nghệ thuật, cách dùng từ, tả cảnh, tả tình độc đáo; nhiều ý thơ gợi cho độc giả, thi sĩ lớp sau nhiều liên tưởng, mạch nguồn cảm xúc trong cảm nhận và sáng tác.
Bài viết của anh thật sâu sắc, thuyết phục. Xin cảm ơn và chúc sức khỏe anh.
Trả lờiXóaCảm ơn tác giả về bài nghiên cứu.
Trả lờiXóaBài viết rất hay ạ
Trả lờiXóaViết hay lắm ạ. Cám ơn anh rất nhiều.
Trả lờiXóa