Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

CHÍ PHÈO - NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT

          
             Năm 1941, kiệt tác Đôi lứa xứng đôi được nhà xuất bản Đời mới – Hà Nội in ra sách lần đầu. Từ ấy, cái tên Chí Phèo bước ra cuộc sống, sánh ngang với Sở Khanh, Chúa Chổm trước kia, những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan…đương thời, trở thành một điển hình văn học.
            Năm 1946, Hội Văn hóa cứu quốc in lại, đặt tên Chí Phèo, cái tên ấy tồn tại trong những lần tái bản sau. Nhan đề truyện có thay đổi nhưng những giá trị hiện thực, nhân đạo sâu sắc , mới mẻ trường tồn mãi mãi. Góp phần làm nên những giá trị ấy là tài năng nghệ thuật dựng truyện, dẫn truyện, xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của nhà văn Nam Cao. Điều đó, người đọc dễ dàng nhận thấy ở nhân vật trung tâm truyện – nhìn từ phương diện nghệ thuật.

            Thông thường, các nhà văn cho nhân vật xuất hiện sau “cái phông” dựng sẵn. Cách viết ấy giúp độc giả có tâm thế đón nhận sâu sắc hơn thông điệp tác giả gửi gắm qua nhân vật. Đặc sắc về nghệ thuật, ở truyện ngắn này, Nam Cao cho Chí Phèo xuất hiện một cách trần trụi, ô trọc: “Hắn vừa đi vừa chửi”
            Rồi tác giả vừa ghi lại đầy đủ những câu chửi của Chí Phèo vừa hóa thân vào dân làng Vũ Đại (nguyên mẫu là làng Đại Hoàng của Nam Cao) lý giải những câu chửi đó. Nam Cao có dừng lại ở đó không? Người đọc có bằng lòng với những lý giải đó không? Suy ngẫm vấn đề này mới thấy ẩn ý sâu xa của tác giả.
            Nói đến trời là nói tới đấng quyền uy tối cao, trong đó có việc ban phát “mệnh” cho mỗi con người:
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
                                                                   (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Mệnh của Chí Phèo bất hạnh nhất trong những con người bất hạnh: bị bỏ rơi lúc mới lọt lòng, được đem cho, bán, sống kiếp nô lệ rồi ở tù…Người ta chỉ sợ trời khi có ràng buộc về trách nhiệm, lễ nghĩa, vật chất với những cái mệnh khác. Độc mệnh như Chí Phèo hỏi còn gì phải sợ? Điều Nam Cao gửi gắm với người đọc: Chí Phèo cô độc ngay từ khi lọt lòng mẹ.
            Đời là các mối quan hệ xã hội, cụ thể hóa cái “mệnh” của trời là giới tính, thân phận, địa vị, nghề nghiệp… trong xã hội. Khó xác định chính xác thân phận, địa vị, nghề nghiệp của Chí Phèo. Có chăng, về nghề nghiệp: “rạch mặt ăn vạ” – một nghề mới, theo lời của bà cô thị Nở - người có dòng mả hủi!
            Người lầm than cơ cực thường than thân trách phận, Chí Phèo chửi “mệnh”, chửi “phận’vì đời Chí lầm than cơ cực hơn những người lầm than cơ cực!
            Con người ai cũng có quê hương nhưng Chí Phèo thì không, chỉ có nơi hắn được sinh ra: cái lò gạch cũ ở làng Vũ Đại mà thôi! Vậy nên, dù chửi cả làng, nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “chắc nó trừ mình ra!”. Không quê hương nói chi đến bạn bè? Bởi thế, Chí Phèo tìm mối quan hệ khác với cộng đồng: “Hắn chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn! Không ai lên tiếng cả”. Vậy kẻ thù cũng không có nốt! Hắn chửi “đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này?” hi vọng tìm ra manh mối gì đó về gia đình, nhưng “Có trời mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại không ai biết!”.
            Đằng sau tiếng chửi của Chí Phèo là một nỗi khát khao được thừa nhận con người đúng nghĩa. Hắn không có họ, chỉ một cái tên Chí Phèo không biết ai đặt cho nữa. Chí Phèo càng tìm cách bấu víu càng bị làng Vũ Đại (rộng ra là xã hội) đẩy ra xa. Hắn sống cô độc, không quê hương, gia đình, bạn bè nên dễ bị kẻ khác lợi dụng, hành động mù quáng. “Hắn biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, tác oại tác quái, đạp đổ bao nhiêu cơ nghiệp, đập phá bao cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc…” Những hành động mù quáng đó chỉ xảy ra khi hắn đang say, hại mình (rạch mặt) để hại người (ăn vạ). Không say, Chí Phèo không thể làm điều ác. Không say, Chí Phèo là con người lương thiện, có lúc gần như thánh thiện, được Nam Cao đặc tả khi hắn bóp đùi cho bà ba – vợ lý Kiến, khi hắn nghe người ta trò chuyện sau cơn say ăn nằm với thị Nở.
            Xây dựng nhân vật Chí Phèo, Nam Cao không đặt trên cái trục tuyến tính thời gian nhưng người đọc dễ dàng phân chia các cột mốc sự kiện cuộc đời hắn: từ lúc lọt lòng đến khi làm canh điền cho lí Kiến; đi ở tù rồi trở về làng tác oai tác quái; cuối cùng gặp thị Nở cho đến khi vung dao đâm bá Kiến rồi tự sát.
            Quãng đời đầu của Chí Phèo, Nam Cao kể như những thước phim lướt nhanh, điểm nhấn là cảnh bóp đùi cho bà ba. Trường đoạn ấy tái hiện ở giai đoạn cuối cuộc đời Chí, khi hắn đã “yêu” thị Nở: “Hắn nhớ đến bà ba, cái con quỷ cái hay bắt hắn bóp chân mà lại cứ bóp lên trên, trên nữa. Nó chỉ nghĩ đến sao cho thỏa nó chứ có yêu hắn đâu. Hồi đó hắn hai mươi. Hai mươi tuổi người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn xác thịt. người ta không thích cái gì người ta khinh. Vả lại bị một con đàn bà gọi đến mà bóp chân! Hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồ lại sợ. Quả thật, từ khi biết rằng con vợ chủ sai hắn làm việc không chính đáng, hắn vừa làm vừa run. Không làm thì không được; mọi việc trong nhà, quyền bà ba. Chứ hắn, hắn có lòng nào đâu! Đến nỗi người đàn bà phát cáu. Bà thấy xa xôi không được, phải làm đến nơi. Bà bảo hắn rằng: “Mày thực thà quá! Con trai gì mà hai mươi tuổi đã như ông già”. Hắn vẫn giả vờ không hiểu. bà lẳng lơ bảo: “Chã nhẽ tao gọi mày vào đây chỉ để bóp chân thế này thôi ư?...” Và thấy hắn dùng dằng, bà mắng xơi xơi vào mặt. Hắn chỉ thấy nhục, chứ yêu đương gì”
            Chỉ nửa trang giấy, Nam Cao vừa miêu tả sống động hành động, nội tâm nhân vật Chí Phèo vừa khắc họa bản tính dâm đãng của mụ chủ. Người đọc kính trọng lòng tự trọng của Chí, trong hoàn cảnh khó xử, thân phận tôi đòi vẫn giữ được phẩm hạnh trong sạch. Không có cái tặc lưỡi, “cũng liều nhắm mắt đưa chân” của một chàng lực điền hai mươi tuổi. Cũng ở quàng đời ấy, Chí đã từng mơ một giác mơ “hạn chế”, hắn nhớ lại khi nghe tiếng chim hót, tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng người đi chợ kháo nhau: “Hắn nao nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.
            Rốt cuộc, với Chí vẫn là giấc mơ. Nếu không đi ở tù, Chí Phèo cũng khó thực hiện giấc mơ đó. Định kiến xã hội vùi dập con người ta xuống tận bùn đen. Nam Cao khéo léo nhấn mạnh điều đó qua những lời xỉa xói của bà cô thị Nở: “Thật đốn mạt. Ngoài ba mươi tuổi…ai lại đi lấy chồng. Ai đời lại đi lấy chồng! Ừ! Mà lấy thì lấy ai chứ?...Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha…”
            Bà cô thị Nở có dòng mả hủi, có cô cháu dở hơi, xấu không thể xấu hơn vẫn không xem Chí Phèo là một con người!
            Chí Phèo thay đổi khi đi ở tù về cả nhân hình lẫn nhân tính. Hắn là sản phẩm được “giáo dục” của chế độ thực dân phong kiến qua sáu bảy năm: cái đầu trọc lốc, răng cạo trắng hớn, ngực và tay chạm trổ rồng phượng và một ông tướng cầm chùy – “trông gớm chết” vẫn không che đậy được bản tính sợ sệt cố hữu. Hắn không làm được gì, kể cả chửi bới khi không có rượu. Rượu cho hắn dũng khí. Viết tới đây tôi chợt nhớ một mẩu chuyện tiếu lâm hiện đại: “Một người đàn ông hỏi người ăn xin:
            - Ông xin tiền để làm gì?
            - Mua rượu uống!
            - Ăn xin mà cũng uống rượu?
            - Uống để có dũng khí mà ăn xin.”
       Nam Cao sâu sắc, tinh tế  miêu tả nội tâm chứ không phải miêu tả tội ác của Chí Phèo. Những tính toán,suy nghĩ của hắn khi bá Kiến mời vào nhà sau khi chửi bới, rạch mặt ăn vạ, khi “rượu đã nhạt” thật sống động, chân thực, hết sức thuyết phục. Lúc đầu hắn sợ, nhưng rồi nỗi sợ hãi được hóa giải: “cùng lắm thì đi ở tù”, mà ở tù hắn đã quen rồi. Lại nữa, cụ bá có con làm lí trưởng, thế lực nhất vùng, “Bắc Kì đại biểu”, miệng thét ra lửa cũng phải nhún nhường với hắn, thử hỏi “cả cái làng nghìn suất đinh có ai bằng được hắn?”. Cái tâm trạng “chiến thắng” kiểu anh hùng rơm, sĩ diện mang tính chất A.Q trong con người hắn: “anh hùng làng này cóc đứa nào bằng ta” có xuất phát điểm là sự liều lĩnh. Xã hội xua đuổi, bá Kiến lợi dụng, hắn nuôi dưỡng khí chất ấy bằng rượu để tồn tại, lâu dần thành thói quen để “giải quyết” công việc, kể cả “yêu” thị Nở.
            Cái khí chất liều lĩnh của hắn là thói quen chứ không phải bản chất. Sau bát cháo hành của thị Nở - lần đầu tiên được người ta cho, hắn được xem như một con người đúng nghĩa, Chí Phèo ứa nước mắt nghĩ về cuộc đời mình, nghĩ về sự liều lĩnh, về nỗi cô đơn, bệnh tật. Nội tâm của Chí được Nam Cao khắc họa: “Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo. Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao? Đã đành, hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều được nữa”
            Dùng đại từ “hắn” để nói về Chí Phèo là để “khách quan hóa” sự việc, thật ra tác giả đồng cảm, thương xót đứa con tinh thần của mình bằng cách cài đặt chi tiết, dẫn dắt câu chuyện hay cách dùng từ trong quá trình xây dựng hình tượng Chí Phèo. Trong suốt mấy chục trang sách, tác giả chỉ nói Chí Phèo say rượu chứ không một từ “nghiện rượu”. Hay như đoạn trích vừa nêu, dùng từ “giật cướp” chứ không phải “cướp giật”. Suốt chiều dài câu chuyện, tác giả cho người đọc thấy hắn giật cướp những gì? Chỉ quả chuối xanh bẻ ở vườn nhà ai đó, bốc nhúm muối của cô hàng xén để làm mồi nhậu hay dọa đốt quán mụ hàng rượu không bán chịu cho hắn mà thôi.
            Trước khi vào nhà Tự Lãng uống rượu, Nam Cao nhắc lại thứ tự từng câu chửi đoạn mở đầu truyện ngắn của Chí. Không một ai đáp lời hắn. Chí Phèo định vào bất kì nhà nào để đập bể một cái gì đó cho bõ tức. Nhưng hắn có đập bể cái gì đâu, chỉ sà xuống uống rượu cùng Tự Lãng. Chi tiết này Nam Cao chuẩn bị trước, nhằm nhấn mạnh hơn, lý giải thuyết phục hơn vì sao Chí Phèo không đến nhà thị Nở dâm chết “con khọm già” mà thẳng tiến đến nhà bá Kiến: “Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm”.
            Miêu tả kĩ càng những chi tiết uống rượu với Tự Lãng, Nam Cao tô đậm hơn khát vọng được thừa nhận là con người của Chí. Hai người uống “như chưa bao giờ được uống”, hết chai này Tự Lãng lấy chai khác, uống như một đôi tri kỉ cuồng. Hoàn cảnh Tự Lãng cũng cô đơn, đáng thương: vợ chết, có độc mụn con gái thì chửa hoang, bỏ nhà đi biệt xứ. Cùng chung tâm trạng nên dễ thông cảm với nhau. Lần đầu tiên Chí Phèo có bạn uống rượu, bạn tình cờ mà “tri kỉ”, tri kỉ đến mức không cần nói với nhau một lời, khác hẳn thói thường: rượu vào lời ra. Còn gì hơn nữa, vừa chửi “cha đứa nào không chửi nhau với hắn” để tìm kẻ thù, tức tối muốn đập bể môt cái gì đó thì gặp được bạn? Bữa rượu này Chí uống trong tâm trạng sảng khoái, uống vì sự đồng cảm chứ không phải uống lấy say để rạch mặt ăn vạ. Lúc này Nam Cao không cần đi sâu miêu tả Chí độc thoại nội tâm nữa, thay vào đấy, miêu tả cảnh vật. Con đường trăng, vườn chuối  “những tàu lá đẫm sương dưới ánh trăng giẫy đành đạch như là hứng tình”, cho thấy tâm hồn Chí đang phơi phới. Khát khao được thừa nhận là con người phần nào được giải tỏa, bất chợt gặp thị Nở nằm hớ hênh dưới ánh trăng, nỗi khát tình của Chí trào lên. Việc “yêu” thị Nở của Chí Phèo là giật cướp nếu xét về hành động; xét về tâm lí, nó có cả một tiến trình. Tiến trình ấy chỉ được nhận thức rõ khi và chỉ khi người đọc đồng điệu với nhà văn, xót xa cảm thông cho một số phận bất hạnh.
            Có thể nói Nam Cao là một nhà tâm lí học. Sau những trường đoạn làm người đọc căng ra suy nghĩ, ông “hạ hỏa” bằng những câu văn đậm chất hài hước miêu tả tình yêu Chí – Nở: “Hắn bảo thị:
            - Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?
Thị không đáp, nhưng cái mũi đỏ của thị như càng bạnh ra. Hắn nhận thấy thế cũng không có gì là xấu. Bằng một cái giọng nói và một vẻ mặt rất phong tình theo ý hắn, hắn bảo thị:
            - Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.
Thị lườm hắn. Một người thật xấu khi yêu cũng lườm. Hắn thích chí, khanh khách cười”
            Nam Cao cẩn trọng với những chi tiết nhỏ. Sau “vẻ mặt phong tình” là “theo ý hắn”, bởi cái mặt đầy những vằn sẹo dọc ngang làm sao biểu hiện cảm xúc được? Rồi tác giả miêu tả đôi môi thị Nở nứt nẻ như bờ ruộng khô, mặt Chí đầy sẹo nên chúng không hôn nhau, chúng có cách yêu “cấu véo nhau, phát vào lưng nhau” chất lượng, hiệu quả hơn(!)
            Một biến cố lớn trong cuộc đời Chí Phèo là đi ở tù, Nam Cao chỉ cần hai chi tiết, móc xích và soi sáng cho nhau. Chi tiết thứ nhất: tung dư luận mập mờ về việc Chí phải đi ở tù. “Có người nói ông lí ghen anh canh điền khỏe mạnh mà sợ bà ba không dám nói. Có người thì bảo anh canh điền ấy được bà ba quyền thu quyền bổ trong nhà tin cẩn nên lấy trộm tiền trộm thóc nhiều. Mỗi người nói một cách, chẳng biết đâu mà lần”.
            Chi tiết thứ hai, bá Kiến muốn bắt tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù vì trêu chọc bà tư: “Mắt bà, miệng bà có duyên nhưng trông đĩ lắm. hơi một tí là cười tít cả mắt lại, cái má thì hây hây. Mà thấy ghét những thằng trai trẻ, giá làm con bà không đáng, mà thấy đâu cũng đùa. Chúng đùa nhạt như nước ốc, chỉ được cái thô tục, mà gặp ai cũng cười! Chẳng nghĩ gì đến địa vị cả, người đâu mà vô tâm! Tức lạ! Cụ chỉ muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù…”
            Về kết cấu, truyện được dựng trên những vòng tròn đồng tâm. Thế đất làng Vũ Đại là “quần ngư tranh thực” (đàn cá vây quanh một miếng mồi), cường hào năm bè bảy phái cùng xúm vào bóc lột ức hiếp dân lành. Rồi thời điểm nào làng cũng có những thằng đầu trâu mặt ngựa, hết Năm Thọ, binh Chức rồi nảy nòi ra một thằng Chí Phèo. Số phận Chí cũng song hành trên cái vòng chung ấy:  đi ở tù từ nhà bá Kiến, kết thúc cuộc đời cũng tại nhà bá Kiến. Vật chứng cuộc đời hắn:  cái lò gạch cũ ở làng Vũ đại ít người qua lại, và rồi tương lai một Chí phẩy cũng sẽ ra đời tại đó…Cái bế tắc ngột ngạt, quằn quại của người dân lành đã cùng cực, quẩn quanh không lối thoát. Cái kết cấu ấy logic cho bi kịch nhân vật Chí Phèo chứ không phải bi kịch thể loại. Ngoài giá trị phản ánh hiện thực, truyện còn cho thấy một dự báo biến động về thời cuộc trong tương lai không xa. “Cùng tắc biến, biến tắc thông” , hẳn quan niệm ấy nhà văn hiểu hơn ai hết.

            Truyên ngắn càng về cuối càng trở nên hấp dẫn, giàu tính kịch. Nhân vật Chí Phèo được đồng cảm, xót thương hơn. Tư tưởng nhân đạo và bút lực phi thường của Nam Cao khơi gợi cho người đọc đương thời lòng căm phẫn xã hội xấu xa thối nát; nhắc nhủ những thế hệ sau Cách mạng tháng Tám phải biết quí cuộc sống hiện tại trên góc độ đối chiếu, so sánh. Không chỉ riêng về nhân vật Chí Phèo, các nhân vật khác của Nam Cao, suy ngẫm từ phương diện nghệ thuật, giúp chúng ta lĩnh hội tác phẩm trọn vẹn, sâu sắc hơn.

4 nhận xét:

  1. Cảm ơn thầy về bài nghiên cứu. Chúc thầy năm mới sưc khỏe, an khang thịnh vượng!

    Trả lờiXóa
  2. Huỳnh Phương Thảolúc 18:54 7 tháng 12, 2017

    Rất hay, cảm ơn tác giả!

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn tác giả về bài viết.

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết sâu sắc, thuyết phục. Cảm ơn bạn!

    Trả lờiXóa