Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Vài suy nghĩ về mặt trái của đánh giá thi đua thiên về định lượng trong trường học


Những cái gì cân đong đo đếm được (định lượng) bao giờ cũng dễ dàng quản lý, cái gì không cân đong đo đếm được (định tính) rất khó quản lý. Chẳng hạn, việc số lần giáo viên chủ nhiệm tham gia sinh hoạt 15 phút đầu giờ với lớp đúng kế hoạch, Ban Giám hiệu quản lý được nhưng chất lượng sinh hoạt ra sao thì khó mà xác định. Chất lượng tốt xấu không hẳn phụ thuộc vào tần suất hay khối lượng tác động.
Cuối năm học, đọc bản tự kiểm điểm của giáo viên hao hao như nhau, có lẽ chung một mẫu (!) Vẫn cứ là lập trường chính trị kiên định vững vàng, vẫn là “nỗ lực trong công tác chuyên môn” (có số liệu minh chứng hẳn hoi), chất lượng bộ môn đạt, vượt chỉ tiêu nghị quyết…còn khuyết điểm là: còn nể nang trong việc góp ý đồng nghiệp hay “còn đôi lúc nóng nảy trong xử lý công việc” mà thôi. Khuyết điểm nêu ra vô thưởng vô phạt!
Bình xét thi đua cuối năm, Hội đồng thi đua nhà trường đau não vì hầu như ai cũng “tròn trịa” cả. Cắt ai cho vừa chỉ tiêu % quy định khi cứ nhìn vào số lượng bởi “con số biết nói” cơ mà. Hội đồng thi đua đau não cũng đúng thôi: khi giao chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch năm học, tiêu chí thi đua chú trọng về định lượng. Việc thực hiện định lượng đạt chỉ tiêu nào đâu có khó.
- Chỉ tiêu dự giờ 18 tiết / năm, dự 19 tiết, vượt chỉ tiêu “cho chắc ăn”.
- Chỉ tiêu bộ môn 90 – 95%, chả dại gì mà không đạt hoặc cao hơn một chút, bởi “điểm trong tay ta” (cho điểm thấp ép học sinh học cua còn làm được huống chi nâng điểm), chứ không phải điểm số là thước đo chính xác năng lực, tri thức đạt được của học sinh như lý thuyết Lý luận dạy học.
- Gặp gỡ phụ huynh học sinh cá biệt có nguy cơ bỏ học 3 lần thì 3 lần. Ai biết được những lần ấy giáo viên chủ nhiệm trao đổi như thế nào, thuyết phục ra sao, chân thành hay hời hợt…
Tiêu chí chính không xác định được cắt ai để ai trong bình xét thi đua thì xét thêm tiêu chí phụ. Cô B không tham gia tham quan bãi biển X.H nhân ngày 8/3 nên bị cắt. Nhiều người nghĩ cô B tiếc trăm ngàn đồng đóng góp mà có ai biết cho chồng cô không có việc làm ổn định, đang nợ tiền chạy chữa thuốc thang con ốm tháng trước?...
Rồi Hội đồng thi đua cũng nhất trí 100% chốt danh sách đề nghị khen thưởng. Không ai cãi được vì căn cứ vào định lượng. Tổng kết cuối năm, Ban lãnh đạo, những người được đề nghị khen thưởng vui vẻ, hể hả cả, cụng li côm cốp mừng năm học thắng lợi!
Đầu năm học sau, phân công lại chủ nhiệm, lớp dạy, có đến 8/10 người than học sinh yếu, đạo đức kém! Tôi nghĩ than vãn, kêu ca đó là chính xác, nhưng những người kêu ca lại không nghĩ sự thực ấy bản thân mình phải chịu trách nhiệm lớn. Kêu ca là phê phán. Nhưng phê phán ai? Tít mù vòng quanh, nguyên nhân chính vẫn là ở suy nghĩ, hành động trong công tác năm học qua của chính bản thân mình.
Vào năm học mới,  một số thầy cô giáo tâm huyết với nghề âm thầm lặng lẽ lập kế hoạch cá nhân, tìm hiểu lý lịch học sinh lớp mình chủ nhiệm, trăn trở tìm ra phương pháp giảng dạy, giải pháp giáo dục tối ưu mặc dầu năm trước họ không đạt danh hiệu thi đua, mặc tiêu chí thi đua  nghị quyết của nhà trường năn học mới vẫn là định lượng.
Thầy A không đạt Lao động tiên tiến năm trước do thiếu một tiết dự giờ trong khi thầy phải dạy hơn đồng nghiệp nhiều giờ (nhưng cái định lượng ấy chả ai quan tâm bởi cứ vượt giờ đã có thù lao theo quy định nhà nước!). Thầy công tâm, kỹ càng  trong việc góp ý đồng nghiệp nhưng thầy có biết đâu người tiếp thu chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng. Phần lớn giáo viên dự giờ cho đủ chỉ tiêu nhưng ngại góp ý. Nếu được chỉ định, bao giờ họ cũng “ nhất trí với các ý kiến đã đóng góp”, kèm thêm vài câu khen vô thưởng vô phạt, ấy vậy nên được lòng đồng nghiệp, không mất phiếu bầu thi đua.
Ví như việc Đoàn trường phát động làm tập san Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy cô tâm huyết thì theo sát, động viên khuyến khích học trò lại được cho là “nhúng tay vào chuyện của học sinh”. Theo cách ngụy biện của những giáo viên lười biếng hay hạn chế về năng lực: “Việc nó nó làm, tham gia vào có được giải người ta cũng chê cười”. Lập luận ấy trái ngược với nguyên tắc giáo dục: bất cứ mọi hoạt động do nhà trường, Đoàn trường phát động, giáo viên chủ nhiệm phải là người tổ chức, định hướng cho lớp, chịu trách nhiệm trước kết quả đạt được. Thế rồi khi “đếm” phong trào thi đua trong bình xét, có tham gia là như nhau, chẳng ai quan tâm công sức tham gia của giáo viên chủ nhiệm trong hoạt động ấy cả.
Cũng có giáo viên chủ nhiệm bám lớp nhưng học sinh vẫn trốn tiết, bỏ học, quậy phá trong giờ học, đánh nhau. Cái “cần cù” của họ không bù được “khả năng”. Mỗi tiết sinh hoạt cuối tuần họ “thích nghe học sinh nói dối” bởi cứ đưa ra câu hỏi: “Vì sao em không làm bài?”, “vì sao em đi học trễ”…Sau màn “phỏng vấn” đó là bài ca muôn thuở về sự đe nẹt, dọa dẫm: “Tôi sẽ…” nhưng có làm được đâu vì không có quyền hoặc vì thành tích lớp (và cũng gắn liền với thi đua của mình). Bám lớp như vậy là phản giáo dục, họ biến tiết sinh hoạt 15 phút đầu buổi học, sinh hoạt lớp cuối tuần thành tiết kiểm điểm cá nhân và tập thể! Họ quên rằng việc tổng kết, đánh giá thi đua tuần, triển khai công tác tuần tới chỉ 10 – 15 phút, còn lại sinh hoạt tập thể theo chủ đề hàng tháng, bồi dưỡng kỹ năng sống, phương pháp học tập cho các em. Thay vì hồ hởi chờ đợi được sinh hoạt lớp vào cuối tuần, các em có dịp thể hiện bản thân mình thì lại phải nghe giáo viên chủ nhiệm “ca bài ca muôn thuở”, ca chán bắt học sinh ngồi yên lặng chờ hết tiết…Sự “tra tấn” ấy góp phần thúc đẩy học sinh bỏ học, nhất là những học sinh hiếu động, ít được gia đình quan tâm. Vậy nên, khi xem xét tiêu chí thi đua giữ vững sĩ số học sinh đã có giáo viên chủ nhiệm nào, Hội đồng thi đua nào dám nhìn nhận nguyên nhân học sinh bỏ học có một phần lớn của chính mình?
Hoàn thành chỉ tiêu trong giáo dục là tốt nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu thực chất chứ không phải phù phép, chạy theo thành tích. Để phát triển bền vững giáo dục trong nhà trường, khi xây dựng kế hoạch, tiêu chí thi đua cần chú trọng hơn về giải pháp, chất lượng hơn là số lượng cụ thể. Giải pháp đúng đắn, khả thi cộng với tâm huyết người thầy sẽ cho ra kết quả tương ứng. Kết quả ấy lúc đầu có thể chưa “vừa lòng” các cấp lãnh đạo, nhưng khi nó được vận hành trơn tru thì chất lượng giáo dục mới thật vững chắc, mới làm nên “thương hiệu” đơn vị.
Đánh giá thi đua răm rắp theo định lượng không sớm thì muộn dần dần làm phai nhạt, nản lòng những thầy cô giáo tâm huyết. Đấy là hệ lụy đáng sợ nhất, những người được giao công tác quản lý giáo dục cần cảnh tỉnh nếu không sớm muộn gì rồi cũng làm hỏng phong trào thi đua trong nhà trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét