Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Chuyện vui câu đối nghề giáo

     Trong đời sống văn hóa, nói về câu đối có câu đối tết, có câu đối trang nghiêm, thành kính nói chí hướng hay tổng kết cuộc đời oanh liệt của nhân vật lịch sử, thường được khắc ghi, chạm trổ, treo trang trọng hai bên bàn thờ, chẳng hạn câu đối ở đền Quan Vũ: "Sinh Bồ Châu, trưởng Giải Châu, trấn Kinh Châu, chiến Từ Châu, vạn cổ thần châu hiển hách / Huynh Huyền Đức, đệ Dực Đức, thích Mạnh Đức, cầm Bàng Đức, thiên thu trí đức vô song"; cũng có câu đối răn đời, tiếu lâm, không sơn son thếp vàng nhưng sống mãi với thời gian qua truyền khẩu, ví như câu đối của thầy đồ đáp lại lời mai mỉa của ông vạn chài: "- Chữ nghĩa văn chương không bằng xương con cá lẹp / - Khéo chài khéo lái không bằng hòn dái học trò".
     Có thầy giáo, bạn nhà thơ Đồ Phồn, gợi ý ông viết bài thơ về Vũ trọng Phụng, một tác giả cả hai mến mộ. Đồ Phồn không có tài làm thơ tả chân dung nhân vật như Tố Hữu, nên ông viết câu đối. Thầy cô giáo khi dạy về tác gia Vũ Trọng Phụng có thể đọc cho học sinh nghe: 
     - Cạm bẫy người, tạo hóa khéo giăng chi? Qua Giông tố tưởng nên người Số đỏ.
     - Số độc đắc văn chương trúng thế ? Nỡ Dứt tình, Không một tiếng vang!
     Vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước, ông Nguyễn Tài Đại, Trưởng ty Giáo dục Nghệ An phân công giáo viên lên giảng dạy ở các huyện miền núi rất khó khăn, trong đó có huyện Tân Kỳ. Trăn trở mãi về việc này, ông nảy ra một vế đối: 
     - Ty cần thì đi Tân Kỳ.
Rồi ông nói đùa rằng ai trong số những người phải đi Tân Kỳ đối được thì ông bố trí nơi khác. Một cô giáo trẻ "liều mạng":
     - Ai động gì đến ông Đại!
Vế đối khá hay nhưng "phạm thượng", nghe cô trình bày hoàn cảnh, ông Trưởng ty đành phải giữ lời hứa, cho dù ông  nói đùa.
     Cũng khoảng thời gian ấy, ngành giáo khổ quá, hai chữ "Sư phạm" được dân gian chiết tự ra "ăn sư ở phạm", nghĩa là ăn như nhà tu hành (sư), ở như tù nhân (phạm). Vì vậy mới có câu đối:
     - Thầy giáo tháo giày đi dép lốp.
     - Nhà trường nhường trà uống nước trong.
Sau này, câu đối đó được "phát triển" lên, vế ra là của một cán bộ giảng dạy trường ĐHSP Vinh, vế đối là của GS Văn Như Cương. Nói về GS Văn Như Cương có khá nhiều giai thoại, ông là người tài hoa, uyên thâm nhiều lĩnh vực, vì thế sinh viên tôn vinh ông bằng một vế ra mà cho tới hiện nay tôi chưa được nghe vế đối: "Văn Như Cương, Toán như Cương, Lý như Cương, Hóa vừa nhu vừa Cương!". 
     Từ Hà Nội về lại Trường ĐHSP Vinh thỉnh giảng, GS nhận được vế ra câu đối từ một cán bộ giảng dạy:
     - Thầy giáo tháo giày, tháo cả ủng - thủng cả áo, lấy giáo án dán áo.
Vế ra hay quá, GS nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm ra vế đối, toàn là nói lái mà khoa ngữ một chút về nghề giáo lúc bấy giờ. Cho đến lúc trở ra Hà Nội, qua Quỳnh Lưu, không biết địa danh có gợi ý cho GS hay không mà ông đối được vế ra, khá chỉnh, nhưng cũng theo ông vẫn chưa hay so với vế ra:
     - Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa - nhòa cả hương, ôm lương hưu lưu hương.
     Từ xưa, cha ông ta đã có  câu "Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò". Có lẽ buồn vì học trò, bức bối với xã hội, nên khi làm Đốc học ở Mỹ Lương, Cao Bá Quát viết câu đối, đọc nghe tức cười nhưng khó hiểu hết ẩn ý trong đó:
     - Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái.
     - Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.
     Cũng có những câu đối, vế ra có thể có nhiều vế đối, không biết có chủ quan không, tôi thấy câu đối dạng này thường có "phong cách" Hồ Xuân Hương. . . Câu chuyện sau đây là một ví dụ:
     Chuyện kể rằng có thầy giáo bộ môn Sinh vật (bây giờ đổi là Sinh học rồi), chăm vợ sinh. Công việc quạt than, giặt giũ vừa xong thì anh bạn học thời phổ thông làm nghề buôn bán đến rủ đi uống cafe. Chủ quán cafe cũng là bạn học nên chuyện trò khá rôm rả. Chuyện trò một lúc, đề tài chuyển sang câu đối lúc nào không hay, anh bạn tiểu thương khởi xướng:
     - Tớ ra câu đối, hai cậu đối được thì trưa nay tớ chịu một chầu nhậu tới bến, còn không ngược lại nghe. Không cần biết hai ông bạn có đồng ý hay không, nháy mắt với chủ quán cafe, anh ta đọc:
     - Thầy Sinh vật vật cô Sinh vật, vật rồi lại sinh, sinh rồi lại vật.
Bị 'chơi khăm", nhưng may anh bạn làm nghề buôn bán nhỏ, nên thầy đối lại cũng bằng cái "logic" ấy, có điều "độc" hơn:
     - Anh tiểu thương lấy chị tiểu thương, thương vào chỗ tiểu, tiểu vào chỗ thương.
Tất cả cười xòa, chủ quán cafe hưởng ứng:
     - Anh cafe ôm chị cafe, cà rồi lại phê, phê rồi lại cà.
Có ông khách cafe một mình, qua giọng nói biết là người xứ Hà Nam Ninh, thấy vui quá, xin được tham gia:
     - Anh chồng chọt (trồng trọt) lấy chị chồng chọt, chọt rồi lại chồng, chồng rồi lại chọt..
Không biết ông khách có được mời nhậu trưa đó không, nhân chuyện đối đáp ở quán, kể luôn chuyện đầu thập niên 20 thế kỷ trước.
     Ở Cầu Cậy, có một cô hàng nước độ tuổi mười bảy, mười tám, con nhà khá giả, xinh đẹp vô cùng. Có lẽ vì xinh đẹp, khá giả mà từ kiêu hãnh quá hóa kiêu căng chăng? Cô thường chê bai trai làng ít học, quê mùa. Có chút chữ nghĩa, học đòi người xưa, cô viết vế đối, treo ở quán, nói với trai làng có đối được thì đem cau trầu đến hỏi cô, đừng đến tán vớ va vớ vẫn. Vế thách đối của cô là:
     - Con gái Cầu Cậy má đỏ hồng hồng, muốn đi lấy chồng để mà trông cậy.
Cầu Cậy là địa danh, cậy còn là một loại cây có quả như quả hồng nhưng nhỏ hơn, chữ cậy cuối vế ra lại có nghĩa là nhờ. Trai làng không ai đối đươc, "ức" lắm. Có chàng trai quyết cưới cô cho "bõ tức", bèn sang huyện bên, nhờ một ông đồ hay chữ chỉ bảo. Nghe chuyện, thầy đồ hứa là chỉ làm cho cô gái gỡ vế đối xuống thôi, còn anh có cưới được cô hay không là phải do tài năng của chính mình. 
     Đúng hẹn, thầy đồ trong vai một ông lão bán mây, vào quán cô uống nước khi bọn trai làng tụ tập đông đủ. Ông đọc vế đối khen hay về ý tứ, chữ viết đẹp. . .đẹp như cô chủ. Nghe giọng điệu ông không khác đám trai làng, cô bực mình:
     - Khen làm gì, ông có đối được không?
     - Tôi đối được thì sao?
     - Thì mang trầu cau đến nhà cha mẹ tôi hỏi tôi làm vợ. Tôi là con gái nhưng "Nhất ngôn cửu đỉnh tứ mã nan truy".
     - Tôi không tốn tiền trầu cau để hỏi người kiêu ngạo, đối được, chỉ cần cô cất vế đối. Vế đối của tôi cô nghe cho rõ nhá:
     - Ông lão hàng mây da xanh mai mái, thích chơi con gái sướng tràn cung mây.
Bọn trai làng vỗ tay cười như chưa bao giờ được cười, mặt cô chủ quán đỏ rực chứ không phải "má đỏ hồng hồng', bỏ cả quán xá; và sau đấy không lâu cô trở thành vợ anh chàng mượn thầy đồ huyện bên "trị" cô.
     Chuyện câu đối về nghiệp giáo có hơi tếu táo, vui một tý, giải được chút stret nào hay chút ấy. Nếu cứ "mô phạm", "khuôn mẫu" suốt năm tháng e rằng chúng ta tự lão hóa tâm hồn mình lúc nào không hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét