Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

LÂM TẶC


CHƯƠNG I
     Một ngày tháng 4 năm 1980. Sông Lô nước cạn, chảy xiết. Con tàu chở khách đi Chiêm Hóa ì ạch ngược dòng.
     Phía trước mũi tàu, năm người đàn ông ngồi uống rượu. Đồ nhắm là mấy củ lạc sống. Man Hoa ngạc nhiên khi một người đàn ông bận bộ đồ quân phục bạc phếch, hai tay đưa bát rượu mời một chàng trai độ hai ba hai bốn tuổi.
     - Mời đại ca. Mẹ kiếp, sao hôm nay đại ca buồn thế, hay nhớ con bé chủ quán trọ đêm qua?
     - Mày có câm cái mồm đi không, thằng Chính. Gần bốn mươi tuổi đầu mà ngu như bò. Một người đàn ông có bộ râu quai nón lên tiếng. Chàng trai cầm bát rượu uống cạn một hơi, nhìn người đàn ông râu quai nón nói:
     - Anh Ngọc, anh Chính uống ít thôi, rượu không có mồi hại dạ dày lắm. Với lại, mình ra mắt chú Tám Cá với bộ mặt sần sần coi không tiện.
     Lạ quá, người thanh niên nhắc tới tên Tám Cá có phải là nói tới cha cô không nhỉ. Hôm qua ông bảo cô xuôi Tuyên Quang mua mấy tấm lưới dậu 6, cây thuốc chữ A đỏ để hôm nay ông tiếp khách? Mải vẩn vơ suy nghĩ Man Hoa giật mình khi mũi tàu trườn lên doi cát ngầm rồi dừng lại. Tài công đạp hết ga con tàu vẫn không nhúc nhích.
     - Đừng đạp ga nữa, anh muốn ngủ đêm ở đây à. Chàng trai "đại ca" hét lớn. Nói rồi chàng trai vọt tới buồng lái.
     - Anh mà đạp ga chân vịt bị cát trói đấy. Bây giờ anh quay vô lăng hết cỡ sang bên phải, khi không quay được nữa thì đạp hết ga.
     - Cậu biết lái à? Người lái tàu hỏi.
     - Tôi biết qua sách. Anh làm nhanh đi, chậm là mắc cạn ngay đấy.
Tài công làm đúng lời chàng trai, con tàu rùng mình, đuôi từ từ lấn về bên trái, đuôi càng lấn về bên trái con tàu càng nghiêng về bên phải. Hành khách hoảng loạn chạy nháo nhào trên boong tàu: "Coi chừng tàu lật". Tiếng lật chưa dứt hơn chục người té nhào phía bên phải, có người suýt rơi xuống nước. Thì ra, đuôi tàu lấn sang trái, con tàu gần như vuông góc với dòng chảy, thành con đập. Cát giữ tàu, nước xô tàu. sau vài phút cầm cự, nước thắng cát, đẩy con tàu ra khỏi doi cát. Đang nghiêng bên phải vì cát, bị nước đẩy, hổng bậc, con tàu trước khi lấy lại thăng bằng, theo quán tính chao nghiêng sang phía bên trái bất ngờ quá nên nhiều người ngã chỏng gọng. Lúc này, tiếng cười, tiếng nói rộn lên cả khúc sông. Người nói thành lời, người bằng ánh mắt cảm ơn hướng về chàng trai trẻ.
     Khi con tàu ung dung trong lạch, trao lái cho tài phụ, anh tài công bước ra khỏi ca bin, bắt tay chàng trai:
     - Cậu giỏi quá, cảm ơn nhiều. Không có cậu thì hành khách phải ngủ đói đêm nay rồi. Tối nay uống với tớ một bữa nhé.
     - Cảm ơn anh, tôi xuống dọc đường chứ không lên Chiêm Hóa. Anh có biết nhà bè chú Tám Cá ở đoạn nào không?
     - Chừng tiếng nữa là tới. Nhà bè anh Tám Cá bọn tớ ghé luôn. Có bữa tớ ở lại nhậu với ổng, hôm sau tàu xuôi ghé vào rước.
     - À mà cậu tên gì? Sao biết anh Tám Cá? Thôi thế này vậy, tối nay tôi ở lại uống với cậu một chầu. Hồi sáng thấy cậu uống có mã quá.
     - Tôi tên Quân. Chú Tám Cá là sư phụ của tôi.
     - Hèn gì! Không hổ danh đệ tử Tám Cá.
     Hóa ra anh chàng thanh niên ấy tên là Quân, người mà Man Hoa nghe cha "dọa" gả. Có lẽ Quân cao gần mét bảy, ngực nở, dáng rất đàn ông. Khuôn mặt chàng đẹp, môi đỏ, mũi thẳng, mắt sáng, đôi lông mày mượt đen xếch lên nên nhìn thoáng qua có vẻ lạnh lùng. "Không biết đã bao nhiêu cô gái "chết" vì anh ta", Man Hoa thầm nghĩ. Thì đấy, mới một đêm ở trọ mà cô chủ quán trọ có ý tứ gì mà anh Chính cùng đi nói lúc nãy đó thôi. . .
     Một hồi còi tàu vang lên, ông Tám Cá đứng đầu nhà bè ra hiệu cho tài công. Sóng con tàu làm làm nhà bè vốn đã dập dềnh càng dập dềnh hơn. Tàu chưa dừng hẳn, Quân đã nhảy xuống, ôm lấy ông:
     - Sư phụ. Con nhớ sư phụ quá.
Ôm Tám Cá nắm chặt vai Quân đẩy ra, nhìn từ đầu đến chân, cười:
     - Được lắm, rắn rỏi hẳn lên.
     Chiều tối hôm đó, ông Tám Cá đãi Quân cùng đám đệ tử và tài công cá rầm xanh lam trong ống nứa, canh măng đắng và thịt mang nướng. Gần tàn bữa rượu, Man Hoa mang lên mấy ống cơm nếp lam. Cô chẻ ống nứa gọn gàng, khéo léo tước từng thanh nứa. Mùi cơm nếp thơm ngào ngạt. Chính cứ hít hà: "Thơm quá, thơm quá". Thỏi cơm trắng được bọc trong màng nứa mỏng, dẻo, ngọt và ngầy ngậy béo. Gắp miếng cá rầm xanh bỏ vào bát Quân, Thuộc - tài công tàu khách, bảo:
     - Cá rầm xanh dưới Việt Trì cũng có, nhưng ngon nhất vẫn là đoạn ngã ba sông Gâm đổ vào sông Lô trở lên. Các chú ở qua mùa lũ chắc thế nào cũng được thưởng thức cá quất, có duyên thì được ăn cá anh vũ, phải không anh Tám? Rít một hơi thuốc, ông Tám Cá nói:
     - Ở Họng Bọt còn hai đàn anh vũ, mỗi đàn hơn hai chục con. Khi nào bắt, tao để dành cho bà cụ mày một con.
     - Anh nói chuyện chim trời cá nước cứ như chim trong lồng, cá rộng trong lu vậy.
     - Mày thấy tao sai hứa lúc nào chưa?
     - Chưa.
     - Chim thì không dám nói, chứ cá tao nói là có, có như vậy tao mới phải gánh thêm cái biệt danh là "cá" chứ. Thấy cha lắc lắc bầu rượu, Man Hoa vào bếp lấy thêm một bầu. Cầm bầu rượu, ông nói:
     - Con lên trại ngủ. bát chén mai rửa cũng được.
     Man Hoa cúi đầu chào mọi người, miệng hơi hé cười rồi bước lên cầu dẫn. Quân nhìn theo, cầu dẫn bập bềnh theo nhịp nhà bè nhưng cô bước nhẹ nhàng, khoan thai như đi trên đất bằng vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét