Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

LÂM TẶC


CHƯƠNG III

     Đang ngồi phía sau bếp chuốt cái cần câu, ông Tám Cá nghe thấy tiếng gọi:
     - Có bán cá khô...ô...ô...ông, ông Tám?
Thằng Thuộc kéo dài tiếng "không" rồi buông hai tiếng "ông Tám" như người ta đổ câu vọng cổ. Chưa kịp cài mảnh thủy tinh vào vách, nhà bè ông đã rập rình. Đứng dậy, ông đã thấy anh Nghĩa đang với tay kéo  anh Bường.
     - Quên lâm trường thật rồi, anh Nghĩa? Ông Tám Cá hỏi thay cho lời chào.
     - Sao quên được, mới ghé qua lâm trường. Hôm nay đến ông nhậu cho tới trưa mai luôn.
     - Tưởng gì, cao lương mĩ vị tiếp khách hàng tỉnh không có, chứ gà và cá anh nhậu với tôi cả năm.
     - Trên đời này không ai sướng bằng ông. Chỉ vua chúa ngày xưa mới được ăn cá anh vũ, còn ông muốn là có, phải không?
     - Anh nói quá rồi. Bây giờ cá đâu còn như ngày xưa, nhưng hôm nay tôi đãi anh loại cá, mà theo tôi còn ngon hơn cá anh vũ.
     - Cá cọm phải không chú Tám? Ông Tám Cá gật đầu.
     - Sao anh Bường biết? Ông Nghĩa hỏi.
     - Thì tôi được thưởng thức mấy lần rồi. Ông Bường trả lời.
Ông Tám kéo cái rặc cá trong lồng lên. Những con cá bằng đầu ngón tay út, dài độ mười phân nhảy lách chách, vảy ánh lên lấp lóa dưới ánh nắng mặt trời. Rặc cá hơn 2 kg. Ông Bường hỏi:
     - Đâu mà nhiều dữ, chú Tám?
     - Tôi và thằng Quân câu hôm qua. Nó sát cá còn hơn tôi. Ông quay sang Thuộc:
     - Chú lên trại hái ít lá gừng, nhổ củ nghệ rồi bắt con gà xuống đây luôn thể.
     - Gà chi cho mất công, chừng này nhậu ớn.
     - Là tôi phòng có thêm khách.
Ông Bường kể với ông Nghĩa về cách bắt loại cá này, chỉ duy nhất là câu thôi, ngoài ra không có cách nào khác. Loại cá này sống ở nơi nước chảy không xiết, không chậm và ở độ sâu từ quá gối đến ngực. Chúng gặm rêu non trên đá cuội tầm độ chín giờ sáng đến ba giờ chiều. Mùa nước trong đôi khi người ta thấy lấp lóa ánh bạc do vẩy cá phản chiếu ánh sáng mặt trời. Cần câu phải chuốt nhỏ, cỡ đầu đũa, cước dùng loại mảnh nhất. Lưỡi câu phải uốn chứ thị trường không có bán và không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để uốn lưỡi câu. Thường thì người ta uốn bằng kim may, vừa hơ lửa trên ngọn đèn Hoa Kỳ vừa dùng cái panh y tế loại nhỏ nhất để uốn. Thép kim cứng, không cẩn thận, nhẹ nhàng là gãy ngay, cả tiếng đồng hồ mới uốn được một cái. Lại nữa, khi câu giật không khéo, vướng một tí là gãy. Rồi mồi câu phải ngược suối tìm rêu đá non. Do quá kỳ công nên dọc con sông Gâm này số người biết câu cá cọm tính không hết bàn tay.
     Ông Tám Cá giã nắm ớt xanh, muối, nghệ trộn đều với lá gừng thái nhỏ. Ông Bường tiện ống nứa có nắp đậy, dùng mũi dao ngoắy một lỗ nhỏ trên nắp. Xong xuôi, ông lấy một phần ba gia vị ông Tám Cá làm sẵn, cho vào ống nứa rồi cho tiếp cá vào. Cứ một lớp gia vị một lớp cá.
     - Có cần cho thêm chút nước trà không, chú Tám?
     - Mình nướng từ từ nên không cần anh ạ.
Bắc nồi cháo lên bếp, gạt than, kê xéo ống cá lam, vài phút ông Tám lại xoay một phần tư ống. Độ nửa tiếng, mùi cá đã thơm lừng.
     - Thơm quá, chín chưa anh Tám? Thuộc hỏi.
     - Độ 15 phút nữa, chú dọn chén dĩa là vừa.
Ông Tám Cá lấy ra một bầu rượu, nói với Thuộc:
     - Hôm nay có anh Nghĩa, anh Bường, nhậu theo lối các cụ nhé.
Thuộc hiểu ý. Tửu lượng anh Nghĩa khá nhưng không bao giờ anh uống đến "sần" chứ nói chi say. Uống để nói chuyện, để tâm sự cho có "không khí", chứ uống rồi mượn chén, lè nhè là anh rất ghét.
     Ông Bường đổ một phần cá ra dĩa rồi đậy nắp lại, để ống cá lam cạnh bếp. Chưa bao giờ ông Nghĩa thấy mùi cá thơm đến thế. Uống ly rượu, ông ngạc nhiên:
     - Rượu gì mà "ác" quá, chú Tám?
     - Rượu nếp và ý dĩ, anh ạ. Tháng trước, già Bân bên Yên Sơn gửi cho tôi.
     - Hạt ý dĩ người ta làm thuốc, còn già Bân nấu rượu, trời đất!
Thuộc nhấp một ngụm. Hơi rượu nồng nhưng đằm và thơm lắm; nuốt xong nghe ngòn ngọt ở cổ họng, tê tê đầu lưỡi, uống tới đâu biết tới đó. Gắp một con cá, cắn một nửa, chầm chậm nhai. Vị ngọt dai của cá, vị cay cay của ớt quyện lẫn mùi lá gừng tạo nên hương vị thơm ngon khó tả, nói như ngôn ngữ đời sống là "trên cả tuyệt vời", Thuộc nghĩ.
     Nồi cháo nhừ, ông Bường kéo rặc, tắc mớ cá còn lại vào rá, đổ vào. Để cháo sôi bùng trở lại, ông dụi lửa, thái nắm hành hoa nêm vào rồi múc một chén cho anh Nghĩa.
     - Ăn chút đã anh.
Ông Nghĩa múc một thìa cháo. Vị dẻo ngọt của gạo nương, vị béo và dai của cá, thơm thơm của hành hoa, rồi làn gió sông mát rượi, tiếng sóng vỗ bờ êm êm, sàn bè lắc lư theo nhịp sóng nhè nhẹ, rồi những gương mặt bạn bè thân thương làm ông quên hết những ưu phiền. Tình nghĩa bạn bè làm cho món ngon lại càng ngon hơn. Ông sống giản dị, ăn uống đạm bạc. Ở tỉnh, đôi lúc phải tiếp khách khứa, ăn những món ăn chế biến cầu kì trong những nhà hàng sang trọng, thật lòng mà nói cũng ngon đấy nhưng vẫn cứ khách khí, nhàn nhạt làm sao. Còn ở đây, xứ đồng rừng này, bạn bè đãi ông món ăn chế biến không thể đơn giản hơn mà ngon gấp vạn lần. Miếng ngon phải thấm tình người. Nghĩ thế, nhìn bạn bè, ông thấy cay cay sống mũi.
     - Ăn chứ anh Nghĩa, nghĩ gì thế? Ông Tám Cá hỏi.
     - À không, mà này, sao không để dành ít cá cho đám thằng Quân?
     - Tụi nó xẻ gỗ ở Pắc Có, tuần sau mới về.
     - Mình chưa biết mặt mũi nó, tính bắt rể à?
Ông Tám Cá cười:
     - Được thế thì còn gì bằng. Thời này, "con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy" anh à.
     - Không biết nó học ở đâu mà chuyện chi cũng giỏi. Thuộc đế thêm vào. Rồi anh kể chuyện chuyến tàu mắc cạn. Nghe xong chuyện Thuộc kể, anh Nghĩa hỏi:
     - Mà sao nó kêu ông bằng sư phụ?
Uống một ly rượu, ông Tám Cá chậm rãi kể:
     Năm 1972 tôi bị thương trong trận đánh Dốc Miếu, Quảng Trị. Ra bắc, vết thương tạm lành, năm 73 tôi về an dưỡng Đoàn 200 Phủ Quỳ. Cứ chiều chiều tôi đi câu cá, ít thì cho dân, nhiều thì đưa về cho mấy đứa nhà bếp nấu canh chua. Đi câu là một chuyện, còn một mục đích khác của tôi là dọ tìm gia đình một đồng đội đã hy sinh. Anh ấy khác tiểu đoàn, cũng quen nhau nhưng không thân lắm, chỉ biết địa chỉ, quê quán, thế thôi. Nhưng từ khi anh hy sinh tôi thầm nhủ thế nào cũng phải tìm bằng được gia đình anh ấy. Anh hy sinh để chúng tôi sống. Trận đánh đêm hôm ấy, anh trực tiếp xuống đi cùng tiểu đội được phân công đánh sở chỉ huy. Hiệu lệnh là giờ G, khi nghe tiếng bộc phá ở sở chỉ huy địch nổ là bên tôi tấn công vào trại lính biệt động. Chúng tôi cắt cửa mở chậm nên khi bộc phá nổ đội hình mới vào được một nửa. Ném đươc chục trái lựu đạn, bắn được vài loạt chúng tôi phải rút. Phía cửa mở chúng tôi bị lộ, địch khống chế nên tôi đành kéo số anh em đã vào vừa đánh vừa rút sang phía cửa mở bên anh. Gần tới cửa mở, chúng phát hiện, bắn loạn xạ. Tôi bị thương ở vai trái và sườn bên phải. Anh Tính trườn lại lấy cơ số đạn còn lại của tôi, ra lệnh tất cả anh rút, đưa tôi ra và ba chiến sĩ bị thương khác ra khỏi trận địa; còn anh vòng lại, đánh vào mấy ổ hỏa lực của địch. Lúc ấy tôi ngất đi, đến khi tỉnh lại thì đã nằm ở trạm quân y tiền phương. Mấy hôm sau, Toàn, một đại đội phó của tiểu đoàn anh, đến thăm tôi, cho tôi hay anh đã hy sinh. Đêm hôm sau, dù đơn vị cấm, nhưng Toàn vẫn mò vào tìm anh thì thấy xác anh bên cạnh lô cốt sở chỉ huy. Cẩn thận, từ từ từng chút một, Toàn gỡ được quả lựu đạn và tháo dây điện quả mìn Claymo chúng gài dưới xác anh, đem anh ra chôn dưới một gộp đá. Toàn tả tỉ mỉ địa điểm gộp đá cho tôi, mong rằng sau cuộc chiến này đứa nào sống thì đem anh về quê. . 
     Cho đến một buổi chiều, trên đường đi câu về tôi gặp một cậu học sinh đang đánh nhau với 3 thằng công nhân cầu đường. Cạnh đấy, một cô gái tay ôm ngực giữ mảnh áo bị rách khóc tức tưởi. Quẳng giỏ cá, tôi xông lại tính kéo cậu học trò ra thì một thằng nói: "chơi luôn thằng này". Vừa nói nó vừa vung tay đấm thẳng vào mặt tôi. Nghiêng đầu cho cú đấm trượt qua, tay phải tôi vuốt nhẹ, nắm cổ tay hắn, bước chân trái lên, xoay mình, dùng cạnh ngoài cẳng tay trái đánh mạnh lên phía trên gối tay phải hắn. Khi hắn gập mình vì tay bị khóa, tôi đá bằng mu bàn chân phải vào bụng hắn thay vì bằng ức bàn chân rồi tiện đà dùng gót bàn chân đập xuống bả vai thay vì đập vào gáy, đồng thời buông luôn cổ tay hắn. Nói thì dài nhưng thế đánh liên hoàn đó nhanh lắm. Khi đồng bọn bị tôi đánh ngã, 2 thằng còn lại cùng lúc nhảy vào, tôi rùn mình xuống, né cú đánh của chúng đồng thời tung ra cùng lúc hai cú đấm "song long xuất thế", cả 2 thằng ngã nhào.
     Khi cả 3 thằng mất dạy bỏ đi, nhìn mặt cậu học sinh bê bết máu, hỏi chuyện mới biết 3 thằng ôn dịch sàm sỡ cô gái, đi ngang qua cậu can ngăn thì bị chúng đánh và cậu đánh lại. Cậu ta nhìn tôi với ánh mắt thán phục:
     - Cảm ơn chú đã cứu giúp. Chú đánh hay quá, giá mà cháu biết võ như chú.
Tôi bảo cậu ta đi rửa mặt, không quên mục đích của mình, tôi hỏi cậu có biết gia đình anh Tính. Thật bất ngờ, cậu học sinh ấy là con anh Tính, đang học lớp 9 trường cấp III vừa học vừa làm Khe Đổ. Thế là từ đó, lúc rảnh tôi đến nhà anh Tính. Hoàn cảnh gia đình anh thật tội. Có việc gì tôi làm việc đó, rảnh rổi dạy võ cho cậu ta. Quân sáng dạ, học nhanh lắm, tôi dạy cậu cho đến tháng 4 năm 75 thì tôi ra quân và cũng lúc cậu ta nhập ngũ. Lẽ ra không phải nhập ngũ vì con liệt sĩ, nhưng cậu nài nỉ quá, chị Tính chiều con, xin mấy anh huyện đội, nên nó nhập ngũ, binh chủng đặc công. . .
    Mọi người đang nghe chuyện Quân thì Huy và Trọng Hói đi ca nô tấp vào.
     - Anh Tám Cá, cho nhậu với.
Ông Tám nói vọng ra: 
     - Vào đây. 
Còn ông Bường lẩm bẩm: " Rõ là, khách không mời mà đến còn tệ hơn giặc Tác ta".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét