Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

ĐỌC LẠI BÀI THƠ TỎ LÒNG (THUẬT HOÀI) CỦA PHẠM NGŨ LÃO

        
  Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255, quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là huyện Ân Thi, Hưng Yên). Ông là danh tướng thời nhà Trần, văn võ song toàn. Võ công chói lọi được ghi lại đầy đủ trong sử sách, văn thơ chỉ còn lại hai bài nhưng vẫn mãi muôn đời tỏa sáng với hào khí “Đông A”. Sức sống mãnh liệt của những câu thơ ấy bắt nguồn từ hùng tâm tráng chí một con người canh cánh việc an nguy đất nước, thể hiện rất rõ trong Tỏ lòng (Thuật hoài).
          Tỏ lòng là nói cái chí. Chí là định hướng lựa chọn cho cả cuộc đời, nó biểu hiện ở sự kiên trì, nghị lực vượt qua gian khó, thử thách. Cái chí mượn thơ để thể hiện phải kết hợp với cái tâm mà xúc cảm. Không có cái tâm đẹp đẽ, cao, sâu, rộng thì dù có tài năng, văn chương chẳng đạt được cái gì đáng kể. Bài thơ Tỏ lòng thể hiện cái chí lớn trong thời đại hào hùng oanh liệt:
          Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu
          Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu,
          Nam nhi vị liễu công danh trái
          Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
          Dịch:
          Múa giáo non sông đã mấy thu
          Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu
          Công danh nam tử còn vương nợ
          Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
          Về thể loại, thơ thất ngôn tứ tuyệt khó làm (chữ thứ 2 và thứ 6 giống nhau về thanh, chữ thứ 4 phải khác thanh), càng khó hơn khi viết bằng luật trắc. Ở câu thứ nhất, người chiến binh cầm ngọn giáo trong tư thế sẵn sàng chiến đấu (hoành sóc) kết hợp với “giang sơn kháp kỷ thu” gợi cho người đọc chiều rộng không gian (giang sơn) và chiều dài thời gian (kháp kỷ thu). Cái nền dài rộng ấy là cơ sở vững chắc vươn tới tầm cao:
          Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
“Tam quân” khi hành binh, đội đi đầu là tiền quân, đội đi giữa là trung quân, đội đi sau - hậu quân; khi dàn trận chiến đấu là tả quân, trung quân, hữu quân. Nói về đội quân hùng mạnh, người xưa hay dùng ước lệ “tam quân tỳ hổ”. Trong Bạch Đằng giang phú, Trương Hán Siêu viết:
          Thuyền bè muôn đội
          Tinh kì phấp phới
          Tỳ hổ ba quân, giáo gươm sáng chói.
          “Tam quân tỳ hổ” đã mạnh, nhưng nó mạnh mẽ hơn, không gì ngăn cản nổi khi kết hợp với “khí thôn ngưu”.
          Khí là khí chất, sức mạnh tinh thần của con người. Sức mạnh tiềm ẩn, chứa chất trong lẽ phải, chính nghĩa. Đội quân của Phạm Ngũ Lão chỉ huy cũng như các đạo quân của các vương gia triều Trần, từ quân đến tướng, trăm ngàn người như một, quyết tâm bảo vệ giang sơn, tạo nên sự cộng hưởng, hừng hực khí thế bốc lên tận trời che mờ cả sao Ngưu. Phải chăng, từ hình ảnh ấy, sau này Đặng Trần Côn viết hai câu thơ về chiến trận tuyệt hay trong Chinh phụ ngâm:
          Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
          Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
          Tựu trung, hai câu: “Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu/ Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu”, Phạm Ngũ Lão lấy chuyện thời đại làm nội dung, lấy tầm cỡ núi sông, vũ trụ làm thước đo con người mình. Vì thế, người đọc không bất ngờ khi gặp nỗi “thẹn” của tác giả:
          Nam nhi vị liễu công danh trái
          Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
          Gia Cát lượng (Vũ Hầu) là quân sư của Lưu Bị thời Tam Quốc. Dấu ấn của ông tạc vào lịch sử là đã lập nên những chiến công vô tiền khoáng hậu bằng trí tuệ và cúc cung tận tụy, trung thành với nhà Thục.
          Thế nhưng, nhà sử học Ngô Sĩ Liên nghĩ khác, văn tài võ lược của Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão ngang tầm với danh sĩ ngày xưa: “Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương học vấn tỏ ra ở hịch, Phạm Điện súy thì học vấn thể hiện ở câu thơ, nào phải riêng về nghề võ, thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, hễ tấn công là chiếm, người xưa cũng không có ai có thể vượt qua nổi các ngài”.
          Ngô Sĩ Liên nhận xét trên sự thực lịch sử. Năm 1285, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên  Mông lần thứ hai, Phạm Ngũ Lão cùng Trần Quang Khải đánh thắng trận Chương Dương, Hàm Tử, diệt quân đồn trú Thăng Long. Sau đó Phạm Ngũ Lão được lệnh đem ba vạn quân phục kích ở Vạn Kiếp chặn đánh quân giặc rút chạy, diệt hai tướng giặc Lý Hằng, Lý Quán. Năm 1288, kháng chiến chống quân Nguyên  Mông lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương và hai vua Trần phục kích ở Sông Bạch Đằng tiêu diệt bốn vạn tên giặc, bắt sống tướng chỉ huy Ô Mã Nhi và các tướng Phàn Tiếp, Áo lỗ Xích. Các năm 1294, 1297 và 1301 Phạm Ngũ Lão cất quân trừng phạt quân Ai Lao xâm lấn bờ cõi. Năm 1312, 1318 đánh thắng quân Chiêm Thành lấn đất phương nam, buộc vua Chế Chí phải đầu hàng.
          Với những chiến công hiển hách, tài năng và đức độ, Phạm Ngũ Lão được phong chức Điện súy, tước Quan nội hầu. Năm 1320, ông mất, vua Trần Minh Tông nghỉ thiết triều năm ngày để tưởng nhớ công đức.
          Như vậy, Phạm Ngũ Lão lấy việc phục vụ đất nước làm cái nợ công danh phải trả, và đã trả rồi còn phải trả nhiều hơn, cao hơn chứ đừng kể lể công trạng. Kể lể công trạng đâu phải kẻ trượng phu, thế nên dám đặt mình ngang với Gia Cát Lượng, nhân vật kiệt xuất thời Tam Quốc, chưa bằng thì thấy “thẹn”. Cái thẹn ấy đáng trân trọng, kính phục lắm, vừa tự hào, vừa khí phách, đó cũng là biểu hiện cao đẹp của lý tưởng thanh niên thời đại vương triều Trần.

          Đọc lại bài thơ, hai câu đầu nói về khí thế hào hùng quân đội thời đại “Đông A”, hai câu sau lại là sự trăn trở phải làm sao bảo vệ, xây dựng đất nước thái bình thịnh vượng trong cảm thức nghĩa vụ công dân. Ý thơ trong Tỏ lòng rõ ràng mà chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau, cái tôi của Phạm Ngũ Lão hòa chung cái ta của thời đại, phản ánh tinh thần và khát vọng dân tộc nên sống mãi với thời gian.

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả về bài viết.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết hay, cung cấp nhiều kiến thức cho người đọc, cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa