Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

CHUYỆN NỌ XỌ CHUYỆN KIA (5)

         
 Toàn đứng dậy, kêu phục vụ tính tiền cafê, anh Tuấn nói: “Chú có việc về trước đi, để đấy, hôm nay rảnh, bọn anh ngồi thêm chút nữa”.
          Nhìn theo cái vẻ vội vội vủa Toàn, Đức râu thở dài:
- Nó nể anh em mình lắm nên mới đi, nhà nó trăm việc đều đến tay, vợ thì đoảng, bà già thì đồng bóng, khó chịu.
Anh Tuấn nói;
- Mình bảo đi làm với mình, công việc ổn định, anh em no đói có nhau, thế mà đùng một cái, bà già nó nói với mình: “Thằng Toàn đi làm với bác thì ai lo chuyện cúng quảy ở nhà?”
Hưng châm thêm bình trà, vẻ mặt hơi cau lại, giọng “ông cụ non”:
- Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Bà già nó đồng bóng thế mà nó không nặng nhẹ nửa lời. Có lần tôi chứng kiến chuyện vô lý bà già nó, mình là khách mà cũng thấy bực, nó lại vui vẻ chiều chuộng, xong việc, nó nói nhỏ với tôi: “Miễn sao bà vui là được, một lần già ba lần trẻ ấy mà!”
Tôi biết Toàn hồi mới về trường, trong một cuộc nhậu anh Tuấn “chủ xị”. Biết nhau, gặp thì chào hỏi, mời nhau điếu thuốc hay ly cafê  nhưng không thân mật lắm, hai ba lần nhà có việc, gọi điện mời nhậu nhưng Toàn kiếu vì bận việc nên sau đó tôi không mời nữa. Anh Tuấn bảo: “Nó bận thiệt, sắp xếp được nó đi liền. Được cái, bạn bè gặp khó khăn, bất trắc, nó biết là có mặt ngay”.
Nghe Hưng nói về Toàn như vậy, tôi có cảm giác nhồn nhột. Cho mãi tới hôm nay tôi vẫn chưa biết chính xác nhà Toàn. Coi nhau là bạn mà như thế thật tệ. Tôi đề xuất:
- Hay là hôm nay chúng ta đến nhà Toàn, có việc gì giúp được thì giúp, nếu bà cụ vui vẻ thì tổ chức nhậu ở đó luôn?
Mấy anh em nhất trí ngay. Tôi nói anh Tuấn và Hưng cứ đi trước, tôi và Đức râu tạt qua chợ mua mồi nhậu, ít bánh trái làm quà cho bà cụ, lần đầu đến thăm nhà cũng cần chu đáo một tí.
Nhà Toàn ở sâu trong xóm, cổng vào trồng hoa dâm bụt, vườn tược rộng, sạch sẽ. Đức râu vừa dừng xe thì đã thấy bà cụ ngồi bên cái bàn trà trước hàng ba, nói chuyện với anh Tuấn. Chúng tôi chào, bà cụ đon đả:
- Chào thầy giáo, chào anh Đức. Tui bảo thằng Toàn mãi mà hôm nay thầy giáo mới tới chơi.
Anh Tuấn đỡ lời:
- Thầy Thắng bận việc hơn tụi con, với lại có đến thăm bác phải vài ba đứa mới vui.
Bà cụ không nói gì, kéo ghế mời chúng tôi ngồi uống nước. Đức râu nói:
- Hôm nay bọn coi tới đây nhậu đấy, bắt đền bác không cho thằng Toàn đi chơi với tụi con, thôi con xuống bếp sửa soạn đây.
Bà cụ không trả lời, quay sang hỏi tôi:
- Theo thầy, nhậu như thế nào cho đúng ý nghĩa?
Chưa biết ý bà cụ ra sao, tôi vừa trả lời vừa chăm chú theo dõi nét mặt bà cụ:
- Thưa bác, theo con lâu lâu anh em gặp nhau nhậu một bữa, nói chuyện để quên đi những vất vả, lo toan trong cuộc sống. Nhậu có ý nghĩa thì bạn bè phải hợp nhau, bia rượu uống có chừng mực.
- Thầy nói đúng! Tui hỏi, thằng Toàn cộc lốc: “nhậu là để cho vui”. Chả bù cho ba nó. Hồi ổng còn sống, lâu lâu tui lại xúi ông nhậu. Để chi? Để nghe các ông đàm đạo văn thơ, đạo lý con người. Mấy ổng hay ngâm câu thơ: “Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua”. Mà mấy ông kỹ lắm, có văn hóa lắm. Ba thằng Toàn nói với tui: “Nhậu thứ nhất phải có bạn tâm đầu ý hợp, thứ hai phải có địa điểm phù hợp, cảnh đẹp, thứ ba mồi nhậu phải đúng mùa”. Cũng nhậu cả buổi mà có ai say đâu, cốt mượn chén rượu để nói chuyện cho hưng phấn, thế mà không bao giờ ồn ào.
Tôi giật mình, nghĩ bà cụ sâu sắc quá. Có lẽ bà cụ giữ nếp nhà nên thế hệ con cháu cho là đồng bóng chăng? Như đọc được suy nghĩ của tôi, bà cụ tiếp:
- Thầy giáo và bác Tuấn xem, bọn trẻ bây giờ xô bồ quá. Uống bao giờ cũng phải say, hò hét ảnh hưởng tới người khác rồi ra đường gây tai nạn giao thông. Nuôi đứa con cho đến tuổi trưởng thành không nói gì vật chất, lao tâm khổ tứ lắm mà chúng có biết quý cái thân đâu, nói chi đến báo hiếu. Nghiện ngập, cờ bạc, rượu chè, cá cược trộm cắp…đủ cả. Tui đọc báo, cứ lo lo là thanh niên như thế không biết rồi có giữ được nước không ấy chứ?…
Rót cho bà chén nước, tôi nhẹ nhàng đáp:
          - Bác ạ, thanh niên hư hỏng như bác nói chỉ là một số ít thôi. Trong xã hội ta có nhiều tấm gương tiêu biểu trong học tập, lao động, nghiên cứu sáng tạo lắm.
Bà cụ nhấp chén nước, cung cách vừa sang trọng, cung kính nhưng hết sức tự nhiên. Đặt cái chén nước xuống bàn, giọng băn khoăn:
          - Thầy và bác Tuấn nghĩ coi, báo chí toàn nêu những chuyện xấu, lâu lâu mới có một chuyện tốt, cho nên, đọc càng nhiều càng chán nản. Tui nghĩ đưa những chuyện để bà con cảnh giác thôi, chuyện xấu nên bớt lại. Bọn trẻ bây giờ làm nhiều chuyện sai quấy, nhắc nhở thì chúng khó chịu, đôi khi còn cãi lại. Tui có thằng cháu họ, học trường thầy đấy, trốn học, lười học, bảo nó học thế làm sao cho giỏi được, nó nói: “bà xem học giỏi để làm gì, các ông làm lớn có ai học giỏi đâu.” Thật hết biết, mà ngẫm ra thời buổi bây giờ cũng thế thật.
Anh Tuấn đỡ lời cho tôi:
          - Nhà trường nào chẳng dạy cái hay, cái tốt hả bác. Đạo đức học sinh kém xã hội đỗ lỗi cho nhà trường thiếu giáo dục. Bác nghĩ coi, bốn tiếng ở trường, hai mươi tiếng ở nhà, ở ngoài trường biết bao thói hư tật xấu dễ tiêm nhiễm.
Bà cụ cười, phô hàm răng đầu, đen bóng:
          - Nói bác và thầy đừng giận, tui nghĩ bác Tuấn nói thế chưa đúng đâu. Tôi thấy mấy đứa cháu ở nhà, đứa học cấp I thì ngày hai buổi ở trường, về nhà ăn vội, tắm vội, coi ti vi một chút rồi lăn ra ngủ. Mấy đứa học cấp II, cấp III thì sáng học ở trường, chiều học cua, rồi sinh hoạt múa hát đoàn đội, có ngày nào ở nhà đâu? Trừ thời gian ngủ, nghỉ ra thì đều học cả đấy chứ? Học thế mà không giỏi, không ngoan thì có lẽ do chương trình hay sách vở gì đó thôi phải không thầy? Tui xem ti vi thấy đại biểu phỏng vấn cái ông gì gì Luận đấy nói vậy.
          - Chịu bác thôi! Anh Tuấn cười xòa. Tôi chỉ biết nói theo “đường lối”:
          - Vậy mới phải cải cách giáo dục bác ạ. Cũng cần phải thay chương trình, sách giáo khoa cho phù hợp với xu thế thời đại.
          - Thay gì thì thay, cải gì thì cải, nhưng phải giữ được nề nếp. Đứa cháu học cấp I, đi học về chạy ùa vào sân, thấy tui chào vội chào vàng cho có lệ, đứa học cấp III thì chẳng mấy khi chào. Nhắc nhở thì mẹ nó cho là làm khó cháu. Lễ phép mà bắt buộc thì lễ phép làm chi? Tui nghĩ Việt Nam có văn hóa Việt Nam, thời tui có mấy người được đi học đâu mà lễ nghĩa, có trên có dưới, không ai không kính trọng thầy giáo, người lớn tuổi, trong làng ngoài xóm không mấy khi to tiếng, nặng lời với nhau. Làm chi cũng nghĩ phải trái, có ảnh hưởng tới gia tộc hay không. Học theo người Sin, người châu Âu, tui nghĩ học cái công nghiệp thôi, còn đạo đức cứ phải là theo nề nếp cha ông!...
          Toàn bưng dĩa trái cây sắp lên bàn thờ, tôi giật mình tưởng ngày rằm, bấm điện thoại xem thì đúng là 14 âm lịch. Bà cụ nói:
          - Nhà tui xưa nay thắp nhang ngày 14, ngày rằm. Ngày rằm, mùng một tuyệt đối cả nhà ăn chay theo nếp ông bà.
Rồi bà cụ hỏi Toàn:
          - Có hái mấy trái xoài ngoài vườn không đấy? Trái cây ở chợ bây giờ không tin tưởng được, toàn nhúng thuốc Tàu. Tháng trước nhà tui thắp nhang, mấy trái bom (táo Trung Quốc) để cả chục ngày không hư. Ba thằng Toàn nói với tui: “đồ cúng cốt phải sạch, tưởng nhớ ông bà cha mẹ cốt ở tấm lòng”. Vậy nên tui mới bắt thằng Toàn ở nhà  cúng quảy. Nói thiệt với thầy, bác Tuấn, chẳng qua là cái cớ thôi, bắt nó ở nhà là để kèm cặp, coi sóc mấy đứa cháu, chứ cứ chiều con như vợ nó thì kiểu chi mà không hư.
          Tôi thật không ngờ bà cụ quan tâm nhiều đến giáo dục như thế. Nói chuyện với cụ tôi ngộ ra được nhiều điều. Lâu nay cứ ra rả gia đình là tế bào xã hội, thế nhưng người ta quên mất vai trò giáo dục của gia đình, dòng họ. Đang nghĩ thế thì Toàn lên nhà:
          - Đây toàn anh em thân thiết cả, con tính đặt bàn nhậu sau vườn được không má?
          - Má  thấy vậy là không được, mấy anh em không nói làm gì, còn có thầy giáo lần đầu tiên đến nhà chơi.
          - Bác cứ xem con như anh Tuấn, như Toàn thôi, cho thân mật bác ạ. Mà bác cũng ra ngồi nói chuyện với anh em cháu cho vui chớ? Tôi nói.
          Bà cụ đứng dậy, đặt cái chén vào khay:
          - Thầy và bác Tuấn thông cảm, mấy anh em chơi với nhau cho vui! Không ngán tui nói chuyện lẩm cẩm, rảnh đến tui chơi. Lâu lâu có người nói chuyện thú lắm.
          Bà cụ vào nhà, châm đèn thắp nhang. Lục gì trong ngăn tủ một chút, bà cụ gọi:
          - Toàn ơi, có thấy vỉ thuốc đau bụng má mua đâu không để má thắp nhang, hôm qua má mơ thấy ba mày kêu đau bụng đấy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét