Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

ĐÒ LÈN - KÍ ỨC TUỔI THƠ QUÊ NGOẠI CỦA NGUYỄN DUY


ĐÒ LÈN

          Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
          níu váy bà đi chợ Bình Lâm
          bắt chim sẻ trên vành tai tượng Phật
          và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

          Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
          chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
          mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
          điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

          Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
          bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
          bà đi gánh chè xanh Ba Trại
          Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

          Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
          giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
          cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
          cứ nghe mùi huệ trắng hương trầm

          Bom Mĩ giội nhà bà tôi bay mất
          đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
          thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
          bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

          Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
          dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
          khi tôi biết thương bà thì đã muộn
          bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.
                                                      9 – 1983

Nguyễn Duy thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Độc giả say thơ anh bởi cách kể chuyện hóm hỉnh, có duyên, sử dụng ngôn từ mộc mạc mà rất đỗi tinh tế, tài hoa; trầm tĩnh mà ngang tàng đậm chất lính; cảm xúc và suy tưởng luôn song hành, nhuần nhuyễn, hết sức tự nhiên trong từng câu chữ. Những điều ấy làm nên phong cách Nguyễn Duy mà Đò Lèn là một trong những bài thơ tiêu biểu.
          Bài thơ như một dòng chảy hồi ức từ lúc nhỏ dại đến lúc trưởng thành trong tâm tưởng tác giả. Xuyên suốt dòng chảy ấy là hình ảnh bà ngoại gắn liền với những địa danh ở quê hương cùng với những biến cố lịch sử.
          Về mặt hình thức, bài thơ có 6 khổ, một dấu chấm câu cuối bài thơ, chữ đầu mỗi khổ thơ viết hoa, chữ đầu mỗi dòng thơ viết thường, chắc chắn đây là dụng tâm của tác giả. Mỗi khổ thơ một mẩu chuyện, những mẩu chuyện ấy kết nối với nhau chặt chẽ trong quỹ đạo Đò Lèn.
          Hai khổ thơ đầu, Nguyễn Duy kể chuyện sinh hoạt thuở nhỏ và những ấn tượng lưu lại trong kí ức:
          Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
          níu váy bà đi chợ Bình Lâm
          bắt chim sẻ trên vành tai tượng Phật
          và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

          Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
          chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
          mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
          điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
          Những câu thơ giàu hình tượng gợi lên trước mắt người đọc một cậu bé nghịch ngợm, vô tư, hồn nhiên. Câu cá, bắt chim, đá gà, chọi dế là thú vui của những đứa trẻ nông thôn cái thời chưa có máy tính nối mạng internet. Vui hơn là lập được “chiến công” để kể với bạn bè khi hái trộm được trái cây ở vườn nhà nào đó. Câu Thơ:
          và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Nguyễn Duy viết chân thực quá. Hầu như trẻ con ở nông thôn thời bấy giờ là thế cả. Cái tâm lý hồi hộp, lo sợ người lớn bắt gặp giống như trò chơi mạo hiểm, sợ mà vẫn thích chơi. Người viết bài này đã từng nếm trải điều đó nên hiểu được điều tác giả kể. “Anh hùng” là thế nhưng khi bước ra khỏi làng:
          níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Cái không gian làng quê ngày xưa hạn chế rất nhiều việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài, do đó đi xa một chút là lo sợ, mà với trẻ con thì sợ nhất là lạc đường. Chi tiết “níu váy bà” cho chúng ta biết khoảng độ tuổi tác giả lúc bấy giờ.
          Hai khổ thơ tiếp theo là những suy tưởng của Nguyễn Duy về hình ảnh người bà. Đây là suy tưởng khi tác giả viết bài thơ này chứ không phải là suy tưởng ở cái thời trẻ con ấy. Ngày bà mò cua bắt ốc, buôn bán chè xanh lúc khuya lúc sớm dưới giá buốt mùa đông năm đói ấy, tác giả vẫn vô tư, hồn nhiên, anh thú thực:
          Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
          bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
          bà đi gánh chè xanh Ba Trại
          Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
          Không một ai, tài thơ đến mấy có thể thay thế “thập thững những đêm hàn” mà giữ được nguyên giá trị nghệ thuật, giá trị biểu cảm của khổ thơ. Từ láy “thập thững” là sáng tạo hết sức độc đáo của nhà thơ nên dù tra từ điển nào cũng không tìm được. “Thập thững” là cách kết hợp của các từ láy “chập chững”, “thập phương”, “thập thò” trên cơ sở chọn lọc ngữ nghĩa phù hợp với văn cảnh. “Thập phương” tương ứng với những địa danh đồng Quan, Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Giao…”thập thò” là lúc thấy lúc khuất, “Chập chững” là bước đi không vững. Hình ảnh người bà gánh chè xanh bước thấp bước cao trong đêm giá buốt, nghĩ lại mới thương xót làm sao!
          Tảo tần, cơ cực làm đủ mọi việc, bà cháu nuôi nhau đói vẫn đói. Điểm tựa tinh thần của bà là tiên, Phật, thánh, thần, còn điểm tựa của cháu chính là người bà tần tảo. Nhớ lại thuở ấy, Nguyễn Duy viết:
          Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
          giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
          cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
          cứ nghe mùi huệ trắng hương trầm
          Tin vào bà là thực, tin theo niềm tin của bà còn mơ hồ, chưa rõ nét lắm. Tiên, Phật, thánh, thần đâu không thấy, chỉ “nghe mùi huệ trắng hương trầm”. Giữa hai bờ thực - hư đó, “củ giong riềng luộc sượng” vẫn là bữa cơm năm đói. Thời đói, ăn cái gì cũng ngon, “củ giong riềng luộc sượng” mà “cứ thơm mùi huệ trắng hương trầm” khác nào giờ đây thưởng thức món ăn đặc sản của đầu bếp trứ danh khách sạn 5 sao chế biến.
          Về thủ pháp nghệ thuật, tài hoa sử dụng phép đối trong khổ thơ rõ ràng, chuẩn mực, cân xứng:
                                                   thực
                                                    bà
                củ giong riềng luộc sương

tiên, Phật, thánh, thần
mùi huệ trắng hương trầm
          Khổ thơ thứ 5, tác giả tiết chế cảm xúc của mình để kể về một biến cố lịch sử: Mĩ ném bom miền Bắc. Có độc giả nói với chúng tôi sao trước nỗi đau mất mát đó mà tác giả kể một cách dửng dưng? Nếm trải những năm tháng hứng chịu mưa bom bão đạn Mĩ hồi đó mới hiểu vì sao tác giả viết như vậy. Mĩ đã từng tuyên bố hủy diệt, đưa miền Bắc trở lại thời kì đồ đá. Nhiều thành phố không còn một viên gạch nguyên vẹn, nhiều làng quê bị xóa sổ. Bệnh viện, trường học, chùa chiền…không nơi nào tránh khỏi bom đạn, thế nên, hồi tưởng về giai đoạn ấy tác giả cố nén cảm xúc chủ quan để làm nổi bật hiện thực khách quan.
          Bom Mĩ giội nhà bà tôi bay mất
          đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
          thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
          bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
          Chữ “tuốt” có thể thay bằng chữ “tất”, lượng thông tin không thay đổi nhưng kém đi giá trị biểu cảm. Những nơi thờ tự, nơi con người gửi gắm niềm tin vào thế giới tâm linh còn bị bom Mĩ giội thì nhà bà ngoại tác giả bay mất cũng có là gì?
          Nơi tới lui với thế giới tâm linh không còn mà cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Cũng là “đi” nhưng “thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết” – tránh bom đạn Mĩ chăng? còn bà với mưu sinh: “đi bán trứng ở ga Lèn”. Đằng sau những câu từ pha chút hài hước ấy là tình cảm thương xót vô hạn. Trước kia bà chân trần gánh nặng, “thập thững những đêm hàn” có vấp một cái đau buốt đến xương vẫn còn hai chữ bình an thì nay “bán trứng ở ga Lèn” mười phần mạo hiểm với tính mạng. Ga tàu là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mĩ.
          Khổ cuối bài thơ tác giả bộc bạch tình cảm của mình với bà trong tiếc thương, hối hận. Cảnh quê ngoại vẫn như xưa nhưng bà đã ra đi mãi mãi. Hai câu kết là lời tâm sự rất chân thành, người đọc nghe như nước mắt đang chảy vào trong:
          khi tôi biết thương bà thì đã muộn
          bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.
          Đọc lại lần nữa, chúng ta tự hỏi tại sao Nguyễn Duy không dùng “Hồi ức tuổi thơ”, “Quê ngoại yêu thương”…đặt tên cho bài thơ mà lại dùng Đò Lèn – một địa danh? Trong kí ức của anh phải chăng ga Lèn là nơi bà chịu cơ cực, nguy hiểm nhất? Và đó cũng là cái tên bình dị, một chứng tích đau thương của chiến tranh, nghèo đói một thời khi ta nghĩ về nó? Những câu chữ bình dị hiển hiện trước mắt ta chất chứa đằng sau những tầng bậc xúc cảm, muốn lên được tới đỉnh phải nắm được tay vịn suy tư, đồng cảm, yêu thương mà tác giả đã san sẻ
         Với Đò Lèn, Nguyễn Duy đã đóng góp khối đá quí trong lâu đài văn học nước nhà. Càng ngắm, người đọc càng thấy lấp lánh ánh sắc Việt, thoang thoảng mùi huệ trắng, hương trầm.

7 nhận xét:

  1. Nguyễn Vĩnh Tânlúc 18:19 30 tháng 6, 2016

    Bạn giải thích cách dùng từ "thập thững" rất thuyết phục. Bài viết hay, cảm ơn bạn!

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết hay, cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  3. Sâu sắc, thuyết phục. Cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  4. Nguyễn Hương Lanlúc 20:28 11 tháng 10, 2017

    Hay quá, cảm ơn tác giả nhiều nhiều!

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn các bạn đã động viên.

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết làm mình đã yêu thơ Nguyễn Duy càng yêu hơn. Cảm ơn tác giả!

    Trả lờiXóa
  7. Lí giải nhan đề Đò Lèn rất thuyết phục, cảm ơn tác giả1

    Trả lờiXóa