Hát phường
vải ở Nghệ Tĩnh là diễn xướng dân gian có trình tự lớp lang khá chặt chẽ. Địa
điểm hát thường là mảnh sân nhà nào đó vào mùa kéo sợi xe tơ. Các cô gái làng vừa
làm việc vừa hát, đó là hát dạo. Các chàng trai đi ngang qua cổng (như vô tình)
dừng lại hát vài câu ướm thử (hát hỏi),
bên nữ đối lại - hát chào, hát mừng.
Thế nhưng để được mời vào trong sân hát, các chàng trai phải qua thử thách hát
đố. Hát đố nhiều lĩnh vực nhưng những câu đố thường được đưa ra nhất là đố chữ,
đố tình huống lễ nghĩa. Trả lời không nhanh, không chuẩn là thua, do đó, đi hát
nhiều người, phát huy trí tuệ tập thể là rất cần thiết. Nghe hát phường vải, có
nhà nghiên cứu nói rằng lời hát thâm thúy cao sang nhưng lại rất dân dã.
Nam
Đàn là đất hát phường vải, nơi đây có nhiều giai thoại về những đêm hát của những
bậc túc nho, những người chí lớn. Nghe qua mấy câu xe kết (hát thương, hát nhớ, hát trách) trong
một đêm hát phường vải ở Nam Kim của cụ Phan Bội Châu, chúng ta mới hiểu thêm
chí khí của người đội đá vá trời.
Một
cô gái trẻ đẹp, thông minh có tiếng gửi gắm nỗi lòng mình với anh San:
Sắp nhau một gánh nặng nề
Giang sơn bịn rịn tình quê nghẹn ngào.
Tiếng
địa phương “sắp nhau” nghĩa là gặp nhau. Hình như cô gái biết Phan Bội Châu
đang nghĩ đến giang sơn nên không hiểu được “tình quê nghẹn ngào” của cô. Phan
Bội Châu hát đáp:
Đêm xuân gặp gỡ giữa đường
Non sông một đội cương thường hai vai
Cô
gái nói “sắp nhau một gánh nặng nề”, còn với Phan Bội Châu chỉ là “đêm xuân gặp
gỡ giữa đường” mà thôi. Non sông một đội - ở trên đầu, là lý tưởng theo đuổi,
sau đó mới đến hai vai gánh vác tam cương, ngũ thường, phân định rạch ròi trách
nhiệm của trai thời loạn. Trong tam cương, phu – phụ xếp ở vị trí thứ ba, sau
quân – thần, phụ - tử. Mượn chữ “cương thường” mà anh San nói đến, cô gái không
còn úp mở nữa:
Chung vai, chung cả đò đầy
Cho em chung mẹ, chung thầy với anh.
Biết
cô gái yêu thương thật lòng, tha thiết như thế, nhưng tiếng gọi cứu nước canh
cánh trong tim, Phan Bội Châu khéo léo từ chối mà không để cho cô gái tẽn tò,
trái lại, nâng tầm cô lên:
Chung binh, chung tướng, chung vương
Cùng anh chung cả tứ phương sơn hà.
Cô
gái biết tình yêu của mình không mảy may thay đổi ý định Đông Du của San, than
thở:
Vui chi một cuộc cờ tàn
Mà chàng xe ngựa một đoàn sang sông.
Cô
nghĩ thế nước đã như cuộc cờ tàn, chàng gắng gượng làm chi. Phan Bội Châu tin
tưởng vào kết quả công việc của mình, lật ngược thế cờ:
Nhất vui là cuộc cờ tàn
Mã lên chiếu bí pháo toan chiếu trùng.
Không
biết sau này cô gái ấy có gặp lại Phan tiên sinh lần nào nữa hay không? Cuộc đời
cô như thế nào chúng ta không biết nhưng chắc chắn một điều là hình ảnh chàng
thanh niên yêu nước Phan Văn San sống mãi trong trái tim cô, trong lòng dân tộc.
Nhớ
cụ Phan, nhớ những đêm trăng nghe hát phường vải ở miền đất địa linh nhân kiệt,
tôi ước gì diễn xướng dân gian ấy được bảo tồn, phát huy, được đưa vào trường học
để thế hệ trẻ hiểu tinh hoa, bản sắc cha ông mình hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét