Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

CHUYỆN THẰNG NHÚT

 

Thằng Nhút họ Mai, Mai Văn Nhút. Trong làng, đám thanh niên hễ thấy bóng nó đâu là réo: “ma ăn nhút”. Mặc cho chúng réo, thằng Nhút lặng thinh, thế nên réo mãi cũng chán. Có lần, thằng Hùng Heo véo tai nó hỏi:
-  Sao mày không trả lời? 
-  Đâu phải tên tao!
-  Thằng này láo! Muốn chết hả?
          -  Mày muốn làm gì tao thì làm!
Nó cúi mặt, đứng im. Con Lài bảo:
          -  Anh Hùng, đừng bắt nạt anh Nhút, tội lắm!
          Thằng Hùng Heo buông tay, thằng Nhút nhìn con Lài, cúi đầu chào rồi ngược ra bờ đê. Nhìn cái dáng cao gầy của nó bước đi trông thảm hại như con cò bợ ướt nước mưa.
­         
Mẹ con thằng Nhút mới về làng sống hơn chục năm nay.  Nghe đâu ông cố thằng  Nhút người làng này nhưng bỏ làng đi từ cái thuở nạn đói năm 1945. Không còn ai họ hàng nên làng xem mẹ con nó như dân ngụ cư. Đã là dân ngụ cư thì yếu thế lắm, ai cũng bắt nạt được. Thành ra, cho mãi tới bây giờ, cùng trang lứa thanh niên cả mà đi đâu, làm gì thằng Nhút cũng khép nép như cô dâu mới về nhà chồng.
Tháng sáu năm trước, thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã, làng mở rộng con đường liên thôn. Công việc tính theo nhân khẩu. Không biết tính toán thế nào mà nhà thằng Nhút nhận phải quãng đường trũng lại gấp đôi định mức. Mẹ thằng Nhút bệnh, tuổi hơn sáu mươi rồi, nó hỏi lão Đội – trưởng thôn, thì được câu chửi:
-  Mẹ kiếp! Nhà mày là dân ngụ cư, mẹ mày không có giấy khai sinh thì ai biết trên sáu mươi. Dân làng ở đây đóng góp nhiều rồi, nhà mày làm thêm một tí cho công bằng.
     Thằng Nhút không nói gì, nó lên huyện mua thuốc cho mẹ rồi mua luôn chiếc xe cải tiến kéo về. Không ít người trong làng lác mắt vì cái xe ấy.
     Sáng sớm, thằng Nhút kéo cái xe cải tiến ra chỗ làm. Trên xe một bó củi, cuốc xẻng, cái can nước, nồi niêu…Nó nhặt ba hòn đá bắc cái bếp, chụm lửa sắc thuốc cho mẹ. Có cái xe cải tiến nên nó không phải gánh, xúc đất, đá dễ dàng hơn và tất nhiên năng suất làm việc của nó gấp đôi người khác. Giữa buổi, thuốc sắc xong nó mang siêu thuốc về cho mẹ. Khi trở ra, chiếc xe cải tiến bị thằng Hùng Heo lấy. thằng Nhút bảo:
           -  Mày cho tao xin lại cái xe.
           -  Đứng đợi tí đi, tao mượn một chút!
Một chút của thằng Hùng Heo cơ chừng cả buổi, con Lài nghe thấy, chạy đến bảo:
          -  Anh Hùng, trả xe cho anh Nhút!
Thằng Hùng Heo cười nhăn nhở:
-  Chưa làm vợ anh  sao dữ như bà Chằng?
Con Lài không đáp lại, giằng cái xe từ trong tay thằng Hùng Heo, kéo lại cho thằng Nhút.
-  Anh đúng nhát chứ nhút cái gì, cứ để người ta ăn hiếp hoài!
Thằng  Nhút đỏ mặt, đáp lí nhí:
-  Cảm ơn Lài, sau này nhất định anh sẽ không như thế nữa.

          Con đường làm xong cũng là lúc mẹ thằng Nhút trở bệnh nặng phải đưa lên bệnh viện cấp cứu. Được hai bữa, bà tỉnh lại, thều thào nói với bác sĩ:
-  Cảm ơn bác sĩ... đã tận tâm chữa bệnh... cho tôi, bác sĩ chữa... được bệnh chứ không... chữa được mệnh đâu, tôi xin... đội ơn bác sĩ.
Quay sang thằng Nhút, bà nói:
-  Cho... mẹ về, mẹ biết... trong... người thế nào. Mẹ không... muốn... chết ở bệnh... viện.
Thằng Nhút nước mắt ròng ròng:
-  Còn nước còn tát mà mẹ.
Bà mẹ cố nói cho rành rọt:
-  Con để mẹ... chết ở đây mẹ hận con... đấy!
Ông bác sĩ kéo thằng Nhút ra ngoài, nói  gì đó với nó. Trở vào, nó thu xếp đồ đạc, thanh toán viện phí rồi đưa mẹ về nhà.
          Hai ngày sau mẹ thằng Nhút mất. Nó không khóc hay nói đúng hơn không khóc được nữa. Con Lài chia sẻ:
-  Anh khóc được thì khóc cho nhẹ người.

Qua tuần lễ chung thất, con Lài kéo cái xe cải tiến đến trả thì thấy thằng Nhút ngồi bó gối, nước mắt đầm đìa. Nhìn mâm cơm cúng chỉ có bát nhút nấu với lạc sống giã nhỏ, dĩa cá rô kho, tô cải luộc, con Lài nghĩ thằng Nhút chạnh lòng. Nó hỏi:
-  Anh nhớ mẹ lắm phải không?
Thằng Nhút gạt nước mắt thở dài:
-  Mẹ anh thích ăn nhút, mà vại nhút nhà anh sắp hết rồi, biết lấy gì để cúng cho tới tuần tốt khốc đây?
Con Lài an ủi:
-  Được rồi, chuyện đó để em giúp.
Nói rồi, nó tới cây mít đầu hồi chặt ba quả mít non, đẽo vỏ, băm ra rồi ngâm nước muối. Thằng Hùng Heo đi phát bờ về ngang qua, thấy con Lài đang nói chuyện với thằng Nhút, nó “hừm” trong cổ họng rồi lẩm bẩm chửi thề: “mẹ kiếp”.

          Con Lài con nhà nông chính gốc nhưng làn da nó trắng mịn ăn đứt mấy đứa con gái con nhà buôn bán trên thị trấn.  Lội ruộng quanh năm thế mà gót chân vẫn đỏ hồng. Nó mặc cái quần tây đen, cái áo tím than chiết eo, xõa tóc đi diễn văn nghệ thì mười đứa con trai lác mắt hết chín, đứa  còn lại thì lác sẵn rồi. Thằng Hùng Heo nổi tiếng ngang ngược trong làng nhưng con Lài nói gì nó cũng nghe. Nó bảo đám trai làng:
-  Đẹp như con Lài để lọt ra ngoài thì thiên hạ chửi con trai làng này đui hết.
Thằng Hùng Heo nói thế  ngầm bảo với chúng: “con Lài là của tao”. Những trò mất dạy nó làm được nhưng nó không biết tán tỉnh con Lài ra sao. Đứa nào có ý với con Lài, nó gây sự.
Đêm Trung thu, thằng Hội trên thị trấn đạp cái xe Mìfa bóng loáng xuống chơi nhà con Lài. Cha mẹ con Lài có vẻ thích thằng Hội nên nói chuyện vui vẻ lắm. Ngoài cổng, thằng Hùng Heo đi đi lại lại, vấn thuốc hút liên tục. Có lẽ bức bối quá nên nó nói với thằng Kha, thằng Thịnh:
-  Đợi đây khó chịu quá, ra đầu cổng làng đợi.
Thằng Hội đạp xe về, vừa qua cổng làng, thằng Hùng Heo nhảy ra, chụp cổ áo thằng Hội kéo xuống, đấm mấy cú vào mặt, lôi xuống bờ ao, xô xuống nước. Thằng Kha, thằng Thịnh ném theo chiếc xe đạp.
Đêm hôm sau, mặt mũi còn bầm tím, thằng Hội vẫn đạp xe xuống chơi nhà con Lài. Thằng Hùng Heo tính diễn lại vở đêm qua, nó nói với thằng Thịnh:
          -  Lần này phải cho nó no đòn, đập hỏng cái xe luôn coi thằng chó lấy gì xuống đây.
Hùng Heo nhảy ra chưa kịp nắm cổ áo thằng Hội thì ba cái bóng áo đen lao tới vung mã tấu chém tới tấp. Thằng Kha, thằng Thịnh nhanh chân chạy nhưng mỗi đứa cũng ăn một nhát chém vào lưng. Hùng Heo bị ba nhát chém, may cho nó vết thương không nặng lắm nhưng xui là một nhát xẻ lưỡng quyền trái phải may tới sáu mũi.
          Nghe tin mấy đứa thanh niên đâm chém nhau vì con Lài, bà Khuyến thở dài, nói với chồng:
-  Con Lài hồng nhan bạc phận ông ạ, có đám nào gả cho nó yên chuyện, cứ thế này không yên được với làng.
Con Lài có bạc phận hay không thì chưa biết nhưng không yên được với làng  quả là có thật. Lão Đội đến nhà đe:
-  Làng mất an ninh trật tự ông bà chịu trách nhiệm đấy!
Lọt tai, con Lài dưới bếp chạy lên.
          -  Ông đừng hiếp người quá đáng, nhà tôi làm gì mà phải chịu trách nhiệm với an ninh trật tự làng?
Bà Khuyến nạt:
          -  Cô im miệng, xuống bếp nấu cơm cho tôi nhờ.
Trước khi xuống bếp, con Lài còn nói với lão Đội:
-  Ông lo mà dạy con cháu của ông, cậy gần nhà bắt nạt người ta rồi bị chém cũng phải.
Lão Đội phủi đít đứng dậy, chỉ tay vào mặt con Lài:
          -  Còn ở cái làng này mày còn ở giá nghe chưa!
Lão Đội chưa ra khỏi cổng thì gặp thằng Nhút xách con cá tràu cỡ hơn kg đi vào. Lão khạc một bãi nước bọt trước mặt thằng Nhút:
          -  Cái thằng ngụ cư này muốn xí xớn con lão Khuyến à?
Thằng Nhút ngơ ngác, con Lài nói vọng ra:
          -  Ông đừng khinh người quá đáng, anh Nhút tốt chán vạn lần con cháu nhà ông.
Bà mẹ kéo con Lài vào:
          -  Rồi mày lại mang vạ thôi con ạ.
Lài sửng lại với mẹ:
          -  Mềm nắn rắn buông, ngậm miệng để người ta ăn hiếp à?
Thằng Nhút vào nhà, đưa cho con Lài con cá.
          -  Anh câu được hai con, đem hai bác một con.
          - Sao anh không để bán?
Thằng Nhút cười lóa hàm răng trắng đều, thành thật:
          -  Anh không biết bán, với lại con cá có nhiều nhặn gì đâu.

          Sau vụ thằng Hùng Heo bị chém, mấy đứa con trai trên thị trấn xuống một hai lần nữa. Chúng đi bằng xe máy Símson. Chưa tối ông Khuyến đã đóng chặt cổng, tuyên bố từ nay cấm con Lài không văn nghệ văn gừng gì nữa, dù có làm bà cô chết già xó cửa. Bọn thằng Hùng Heo không dám đối mặt với mấy đứa trên thị trấn mình chạm đầy rồng cọp, nhưng không chịu thua. Cứ thấy xe máy vào làng là chúng dùng ná cao su bắn. Mấy thằng con trai trên thị trấn không dám xuống nữa, chúng tuyên bố:
          -  Con trai làng Hạ đứa nào lên thị trấn chặt chân đứa đó!
Ngoại trừ thằng Nhút, từ đấy đám trai làng không dám lên thị trấn. Vô tình, thằng Nhút trở thành người đưa tin cho cả hai phía. Một hôm, thằng Hội gặp nó hỏi:
          -  Con Lài dạo này ra sao mày?
          -  Vẫn bình thường, vẫn đẹp.
          -  Mày nói như cái con tiều, đã bình thường lại còn đẹp.
Dẫn thằng Nhút về nhà, nó gửi cho con Lài cái khăn voan đỏ. Thằng Nhút hỏi:
          -  Sao lại gửi, phải xuống mà tặng chứ?
Thằng Hội cười:
          -  Mày tưởng tao sợ đám trai làng mày à? Tao sắp cưới vợ. Cha mẹ tao đời nào mà chịu con nhà nông. Con Lài đẹp nên tao tán tỉnh chơi vậy thôi. Lấy nó, “ông bà bô” cắt viện trợ có mà ăn cám. Còn tháng nữa tao cưới rồi, hôm nào mày lên đây nhớ ghé tao, tao gửi con Lài cái thiệp.
          Nghe thằng Nhút kể lại, con Lài òa khóc, nó xé vụn chiếc khăn voan. Thằng Nhút thanh minh:
          -  Biết thế anh chẳng kể cho em làm gì.
Con Lài vẫn khóc tấm tức, thằng Nhút an ủi:
          -  Đẹp như em thì lo gì không lấy được người đẹp trai, giàu có hơn thằng Hội.
Con Lài nuốt nước mắt, gằn từng tiếng:
          -  Em khóc là uất ức cho cái tư tưởng của nó. Đẹp mà làm gì khi đem tình cảm ra đùa giỡn. Giàu thì phải tự tay làm ra chứ chờ hưởng thụ của người khác là ăn bám.
Thằng Nhút thở phào:
          -  Tối không đi tập văn nghệ nữa thì anh đưa mấy quyển sách em đọc cho đỡ buồn.

          Sau giỗ giáp năm mẹ, thằng Nhút nhận được lá thư. Nó nhờ vả ông Khuyến:
          -  Cháu có việc phải lên tỉnh vài năm, thỉnh thoảng mới về nhà. Cháu muốn cậy hai bác coi sóc ruộng vườn, hoa lợi được bao nhiêu hai bác dùng, nếu thiếu cháu bù thêm.
Ông Khuyến mời nó uống nước, chậm rãi nói:
          -  Ruộng vườn nhà cháu cả cái làng này ai cũng muốn thuê, sao cháu lại nói thế. Nếu gia đình bác coi sóc phải trả thêm cho cháu mới phải. Mà cháu lên tỉnh làm gì?
          -  Dạ, cháu lên tỉnh để học ạ, muốn làm giàu thì phải học thôi bác ạ,
Ông Khuyến trầm ngâm:
          -  Ở tỉnh cái gì cũng đắt, với lại tiền học cao, cháu lấy gì xoay xở?
        -  Nhà cháu còn căn nhà trên ấy, mấy lâu nay bà cô coi giùm, với lại cháu học không mất học phí, vừa học vừa làm bác ạ.
Ông Khuyến không hỏi thêm, chúc nó may mắn. Con Lài tiễn thằng Nhút ra cổng. Thằng Nhút bảo:
          -  Anh muốn nhờ em cứ mồng một, ngày rằm hàng tháng thắp giùm anh cây hương trên bàn thờ được không?
          -  Chuyện đó em làm được.
          -  Vậy thì tốt rồi, thôi em vào đi kẻo ai thấy thì không hay cho em.
Con Lài hỏi lại:
          -  Anh sợ à?
Thằng Nhút nói:
          -  Anh sợ là sợ cho em, chứ như anh được như ai đó đã là hạnh phúc.
Con Lài khép cổng, bỗng thằng Nhút đẩy lại, thò tay vào đưa cho con Lài một cái hộp.
          -  Lẽ ra anh không đưa nhưng không đành.
Con Lài cầm cái hộp nhỏ. Vào nhà, nó mở ra, chỉ có một trái chanh.

          Một năm trôi đi, sắp đến ngày giỗ mẹ thằng Nhút mới về. Con Lài nhìn nó ngạc nhiên.
          -  Anh ăn cơm thành phố hợp hơn thì phải?
          -  Đâu có, anh lớn theo tuổi mà.
Rồi nó thành thật:
          -  Anh luyện võ và tập thể hình. Anh nhớ lời hứa với em không để người ta bắt nạt nữa, hồi làm đường ấy.
Nó tặng con Lài chuếc khăn voan màu hồng, cười hỏi:
          -  Em có xé không đấy?
Con Lài đối đáp:
          -  Để xem đã.
 Rồi nó hỏi lại:
          -  Anh đi cả năm sao không có tin tức gì hết? Với lại cái hộp anh tặng em vỏ ngoài thì đẹp mà trong lại là trái chanh, em phân vân mãi.
Thằng Nhút lấy ra một quyển vở, nó nói:
          -  Anh định gửi thư cho em nhưng không biết em tiếp nhận nó như thế nào, lỡ có ai đó ghen tuông lại khổ. Anh viết rồi không gửi, thành ra lâu lâu không viết lại không chịu được.
Con Lài cầm cuốn vở, tính giở ra xem, thằng Nhút ngăn lại:
          -  Em hãy hứa với anh chỉ xem những bức thư anh viết khi không có anh.
Con Lài gật đầu, thằng Nhút nói tiếp:
          -  Em đánh vần từ chanh xem nào.
          -  Chờ…anh...
Thằng Nhút cười, đôi mắt hơi xếch của nó nhìn con Lài đắm đuối:
          -  Thì ý anh là vậy đó.
Con Lài chợt hiểu, đỏ mặt, đấm mấy cái vào vai thằng Nhút, nói lảng sang chuyện khác:
          -  Đoạn tang mẹ xong anh có đi nữa không?
          -  Anh đi khoảng tám tháng nữa.
Bỗng dưng con Lài triết lý:
          -  Thời gian làm người ta lớn lên, người ta già đi. Em không nhớ ai đó đã nói: “Hạnh phúc là biết chờ đợi”, điều đó có đúng không anh?
Thằng Nhút không đáp, nó đọc mấy câu thơ của Xuân Quỳnh:
          Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua 
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa…

Đeo đẳng con Lài mãi không được, với lại hai gia đình không ưa gì nhau nên thằng Hùng Heo cưới vợ. Khi tiệc cưới đang độ cao trào thì một chiếc xe con đỗ xịch ngoài cổng. Mọi người nhìn ra, cửa mở, anh tài xế bước xuống, cà vạt, áo vét sang trọng. Gật đầu chào mọi người, đưa cho chú rể cái phong bì.
-  Ông chủ tôi quá bận rộn nên không về dự đám cưới của anh được, gửi chút quà mừng, anh mở ra xem đi.
Thằng Hùng Heo mở phong bì, cả hôn trường ngạc nhiên vì số tiền mừng quá lớn, có lẽ mua được hơn tấn thóc và một cái thiệp. Cầm cái thiệp nó đọc lẩm nhẩm, ê a như học sinh lớp một:
-  Chúc mừng… hạnh phúc… của mày. Cảm ơn mày... đã giữ… Lài lại cho trai làng. Hẹn tháng… sau gặp lại.
Dưới chữ ký là tên người gửi: Ma Văn Nhút.
           
           
         
    

2 nhận xét:

  1. Truyện hay, có lẽ ngoài đời tác giả hài hước lắm?

    Trả lờiXóa
  2. Truyện có nhiều chi tiết thú vị. Cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa