Cũng gần nửa năm tôi mới lên chơi làng Thượng. Ngày trước, tuần nào tôi
cũng lên. Cái lý do vì sao siêng năng lên không ngoài chuyện tình ái. Nói đúng
ra, đấy là một mối tình câm, một mối tình đơn phương.
Từ khi Diệp, hay nói đúng hơn là chị Diệp đi lấy chồng, tôi lên làng Thượng
chơi với thời gian ngày một ngắn hơn, khoảng cách giữa lần trước và lần sau dần
thưa hơn. Động cơ lên làng Thượng không còn như trước nên tâm trạng tôi cứ chán
nản làm sao. Con đường trước đây là con đường thơ, giờ chỉ lăm nhăm sỏi đá, ổ
voi ổ gà, mỗi khi xe tải chạy qua bụi mù cả mắt.
Vào sân, chưa kịp dựng xe, chị Thảo, vợ anh Quí chào tôi bằng câu hỏi
hàm ý trách móc:
- Có phải hỏi thăm đường vào nhà không chú Tuấn?
- Dạ, nhắm mắt em cũng chạy thẳng tới đây được.
Tôi mở cốp xe, lấy chai rượu Vot ka
Nga, mấy gói kẹo đưa cho anh Quí:
- Em có chút quà biếu anh và cháu.
- Thế còn quà chị đâu?
- Em quên làm sao được, không kiếm được quà cho chị nên em không dám lên
đây.
Tôi mở túi xách, lấy tập thơ Puskin
đưa cho chị. Mắt chị sáng lên, chị bảo:
- Cảm ơn chú nhiều! Chú kiếm ở đâu mà giỏi quá, thời giờ người ta ít in
thơ mà nhất lại là thơ dịch.
Uống xong tuần trà, chị nói với anh Quí:
- Những thứ anh dặn em đã chuẩn bị cả rồi. Lâu ngày chú Tuấn lên anh cứ
đi chơi cho thoải mái. Dì Ngọc đón con bé rồi anh à.
Lồng quang gánh, với cái khăn đội đầu
phơi trên dây, chị bảo tôi:
- Em đi chơi với anh Quí vui vẻ nhé, chị đi làm đây.
Anh Quí giải thích:
- Hẹn chú lên đây là đem chú đến chơi với quái kiệt làng. Anh không giới
thiệu trước, để chú tự nhận xét.
Anh chở tôi đến trang trại khá rộng, cách làng chừng hai cây số. Một
ngôi nhà sàn cột đúc bằng bê tông, mái ngói dưới tán mấy cây mít. Xa hơn một
chút là dãy chồng gà lợp tôn xi măng, xung quang rào lưới B40 thoáng đãng. Phía
bên trái ngôi nhà là cái hồ lớn cớ đường ống dẫn nước suối chảy vào.
Ông chủ trang trại tóc hoa râm, để dài ngang vai, đôi mắt sáng, hóm hỉnh,
nhìn người ta như đang cười cười chuyện gì đó, tạo cảm giác thân thiện, dễ gần.
Ở cái tuổi lục tuần, giữ được vóc dáng gọn gàng, cử chỉ nhanh nhẹn mà khoan
thai như ông là hiếm. Ông bắt tay tôi thật
chặt, giọng nói đầy sinh khí:
- Nghe Quí nói về em đã lâu, giờ mới có dịp gặp mặt, đúng là: “Hữu duyên
thiên lý năng tương ngộ”.
Tôi khen trang trại ông đẹp, trồng trọt
ngay hàng thẳng lối, có được trang trại như vậy chắc thu nhập cũng khá. Ông mỉm
cười, ngâm nga:
Người ta làm để ấm no
Anh làm trang trại để cho đỡ buồn.
Một người phụ nữ áng chừng là người làm thuê xách phích nước lên, chào
chúng tôi, chế trà khá điệu nghệ. Xong xuôi, chị hỏi ông chủ:
- Anh làm món gì đãi khách?
Ông Diệp Anh trả lời:
Con gà tục tác lá chanh
Cá nướng muối ớt, xào hành thịt bê.
Anh Quí nói:
- Mấy thứ anh dặn em đã đưa chị Phụng rồi. Làm gì nhiều món thế, ăn
không hết phí lắm.
- Chút nữa Nhạc Phi, Chúa Chổm lên lo gì không hết. Với lại làm nhiều một
chút cho mấy đứa làm công ăn luôn.
Anh Quí dẫn tôi đi xem trang trại. Anh kể lâu lâu ông Diệp Anh bắt mấy
người làm công nghỉ, làm mồi nhậu, uống rượu nghe ông đọc thơ. Người ta nhấp nhổm,
muốn đi làm, ông bảo cứ nghe đọc thơ,
bình thơ, rồi ông trả công cao gấp đôi bình thường. Ông bảo đó là cách bồi dưỡng sức
dân để tái sản xuất hiệu quả hơn, với lại làm thơ mà không đọc thơ, không có
người nghe thà rằng đừng làm…
Trang trại ông trước đây là những mảnh vườn tạp, ông mua lại. Trừ một số
cây giữ lại làm bóng mát, còn lại dọn sạch, trồng bưởi da xanh xen lẫn ổi cơm, ổi
không hạt. Trước lúc trồng, ông lấy mẫu đất thuê Viện nghiên cứu cây nhiệt đới
phân tích, thuê kỹ sư nông nghiệp chọn và mua
giống mãi ở Trung tâm sản xuất giống cây trồng Miền Bắc, rồi thuê chính
trưởng phòng nông nghiệp huyện – anh Tấn, hướng dẫn trồng trọt. Ông ghi chép tỉ
mỉ từng lời chỉ dẫn, ghi nhật ký trồng trọt từng buổi. Ông bảo: “Nếu thành công
sẽ có kinh nghiệm giúp bà con”.
Dọc đường phân lô là những bụi sả
xanh mướt, phía triền đất thấp gần suối trồng hơn trăm cây chuối hột đang kỳ đẻ
con, lác đác đã có cây trổ buồng…
Tôi và anh Quí về “trại” thì Nhạc Phi và Chúa Chổm đã tới, ngồi uống trà
với ông Diệp Anh. Tưởng ai, hóa ra “Nhạc Phi” là anh Tấn, trưởng phòng Nông
nghiệp huyện, người một thời trồng cây si trước nhà chị Diệp. Còn “Chúa Chổm”, bạn nối khố với anh Tấn, giáo
vên dạy ngoại ngữ Trường cấp III huyện, có dái tên rất đẹp: Hoàng Minh Đức.
Rót nước cho tôi, anh Tấn nháy mắt:
- Chào “chú em xa lạ”, lâu nay có ghé nhà chị Diệp không?
- Có lẽ cũng như anh thôi, lên đây không ghé, hai bác biết còn mặt mũi
nào.
Anh Đức phà khói thuốc, nói với với
ông Diệp Anh:
- Em không phải là dân kinh tế, cái trang trại này anh bỏ ra ít gì cũng
ba tỷ. Em có số tiền như vậy em bỏ ngân hàng, chẳng phải lo gì, tiền lãi tiêu
không hết.
- Sống kiểu mày thì đúng là “Chúa Chổm”. Hai năm sau anh Diệp Anh thu
hoa lợi rồi. Mày tính 3.000 gốc bưởi, mỗi gốc bình quân 30 quả, tao tính trừ
công xá, phân bón, thuốc trừ sâu cũng còn được hai chục, nhân với 3,000 có phải
60.000 quả không? Rồi mày cứ định giá mỗi quả bao nhiêu nhân lên xem so với gửi
ngân hàng thì như thế nào? Với lại, tiền có thể mất giá, chứ trang trại, hoa lợi
chỉ có lên mà thôi. Còn riêng hồ cá, mỗi năm thu hai chục tấn, nhân với bèo nhất
50.000đ/kg thì bao nhiêu? Tao tính, chỉ riêng trại gà là đủ trả công cho sáu
người làm hàng tháng rồi. Sắp tới có chuối hột, “ngài” ngâm rượu bán, thân, lá
làm thức ăn cho cá, cho gà thì còn lời biết bao nhiêu nữa…
Đúng là làm chơi ăn thật. Anh Tấn nói qua mấy phép tính đã mở mắt cho
tôi rất nhiều. Lâu nay tôi cứ quan niệm làm nông thì chẳng có cách gì giàu được.
Đức “Chúa Chổm” nói kháy lại “Nhạc Phi”:
- Anh Diệp Anh nói hoa lợi cái trang trại này đủ để in mươi tập thơ. Còn
mày, tính như vậy cứ cho là đúng đi, vậy mày biết như thế sao không làm? Mày giỏi
như thế sao không được đưa vào diện quy hoạch cán bộ chủ chốt?
Như để dàn hòa “Nhạc Phi” và “Chúa Chổm”, ông Diệp Anh ngâm nga:
Ở đời sự thế ghét ganh
Tài năng thì diệt, nịnh thần làm quan!
Rồi ông tiếp:
- “Nhạc Phi” có tài, có lòng tự trọng nhưng quê quán không ở đây, không
có ai chống lưng thì làm được cái chức đó đã quá giỏi rồi. Thật tình, nghỉ hưu
tôi mới về quê, về quê tôi tự thẹn trong lòng không đâu cục bộ bằng đất này.
Anh Quí tiếp lời:
- Xấu hổ thật. Con lão Tòng chủ tịch huyện thi tốt nghiệp cấp III hai
năm không đỗ, năm sau thi bổ túc nghe nói chạy chọt ghê lắm mới đỗ. Thế mà
không biết tại chức hay chạy chức cũng có bằng Đại học như ai. Giờ là Bí thư
Huyện Đoàn, nghe nói nhiệm kỳ tới là phó chủ tịch huyện.
“Chúa Chổm” hỏi:
- Chẳng lẽ cha chủ tịch, con phó chủ tịch? Có lý đâu như vậy?
Anh Tấn trả lời:
- Chuyện này tôi không dám nói, nhưng hết nhiệm kỳ này ông Tòng nghỉ
hưu.
Trao cho chị Phụng cái khay trà để lấy
chỗ đặt thẩu rượu ngâm, ông Diệp Anh vỗ vai anh Quí:
Cần chi học vấn chính danh
Có ô, tại chức cũng thành quan to.
Tôi không nhịn được cười, cứ mở
miệng là ông có thơ, hiếm người ứng đối được như thế. “Chúa Chổm” so đũa cho mọi
người, gắp đôi cánh gà bỏ vào bát ông Diệp Anh, nói trổng:
- Quan mà làm gì, cứ như anh Diệp Anh đây quan xách dép chạy theo cũng
không kịp.
Anh Tấn cười:
- Mày cứ bỡn, tao biết chắc chắn anh Diệp Anh vay ngân hàng cả tỷ bạc.
Còn như ông Tòng, chí ít mỗi dự án cũng đút túi tỷ rưỡi.
- Ái chà, dám nói xấu thượng cấp kia đấy.
- Tao cái gì biết mới nói, mà đâu chỉ mình tao biết, chính mày cũng hỏi
tao về chuyện này mà.
Gắp cho tôi cái mề gà, anh Quí can
ngăn:
- Rượu chưa uống đã cãi lộn. Đứa nào giỏi cứ làm giàu đi, tao chực bữa
rượu khỏi lo vợ con chúng mày vào lườm ra nguýt.
Sợ chạm lòng tự ái “Chúa Chổm”, ông Diệp Anh uống cạn chén rượu, nói:
- Giàu nghèo có số. Người quân tử chính trực thì nghèo, kẻ tiểu nhân léo
lận thì giàu. Tôi “chốt” chuyện này nhé:
Thông minh tài trí cơ hàn
Mưu ma chước quỷ đếch sang nhưng giàu!
Tôi góp chuyện:
- Có người làm giàu phi pháp, thậm chí bất chấp tất cả. Cán bộ nhà nước
mà táng tận lương tâm đến mức quy tâp mộ liệt sĩ giả bằng xương động vật để trục
lợi.
Anh Quí thở dài:
- Tôi mà có quyền, táng tận lương tâm kiểu đó tôi bắn bỏ, để chúng sống
như vậy rác rưởi xã hội.
“Nhạc Phi” cụng chén ông Diệp Anh:
- Thôi đừng nói chuyện buồn nữa, anh “chốt” được không?
- Chú uống xong chén rượu là anh “chốt” ngay.
Thật tình, tôi rất phục tài ứng khẩu của ông Diệp Anh, kiểu gì cũng có
thơ. Tôi nghĩ “chốt” chuyện chúng tôi đang nói khó đấy. Tôi cầm chén rượu chưa
uống, chờ ông đối phó tình huống này thế nào. Anh Tấn thấy tôi chưa uống, cụng
chén uống cạn. Anh vừa đặt chén xuống, ông chủ trang trại đọc:
Lòng tham dẫn tới bất lương
Mờ mắt vơ vét xem thường phép công,
Ở đời được mấy anh hùng
Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều!
Chúng tôi vỗ tay thán phục ứng tác
nhanh nhạy của ông. Tôi nghĩ khi có thời gian nung nấu, trăn trở với cảm xúc và
con chữ chắc chắn thơ ông đọc được. Như thấu suy nghĩ của tôi, ông nói:
- Người ta làm thơ vì chữ danh. Anh làm thơ cốt di dưỡng tinh thần, âu
cũng là niềm vui tuổi già. Anh khoái mấy câu thơ không biết của ai, đọc cho chú
em nghe nhé:
Về già thơ phú lai rai
Chẳng cao lên được chỉ dài thêm ra
Dài thì ta gọi trường ca
Còn ngắn thì đúng đấy là…”hai cu” (Hai
cư).
Không ai nhịn được cười, tôi chúc anh một chén:
- Bọn em mà theo được cái già của anh cũng khướt!
- Thôi ăn đi, ăn hết mới tôn trọng chủ nhà đó.
Chia tay, anh tiễn chúng tôi ra khỏi cổng trang trại. Anh dặn bất cứ lúc
nào lên chơi với anh cũng được, anh nói “rất thèm” chúng tôi lên chơi tán gẫu
cho vui. Tôi hỏi anh đã xuất bản tập thơ nào chưa, anh cười bảo khi nào xuất bản
sẽ tặng tôi một tập. Nắm tay tôi, anh nói:
- Anh muốn chứng minh cho mọi người thấy là làm nông cũng làm giàu được.
Và điều nữa, rất quan trọng, nông dân cũng bay bổng tâm hồn. Thật thú vị khi những
người khách đến thăm trang trại được tặng tập thơ của “thi sĩ làng’, để họ:
Đêm về nghĩ mãi không ra
Vì sao như hắn cũng là nhà thơ!
Lại cười. Tôi nắm chặt tay anh hẹn
sẽ sớm gặp lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét