Sóng là bài thơ viết về tình yêu
đôi lứa hay nhất của Xuân Quỳnh. Hay ở xúc cảm mãnh liệt về tình yêu trai gái
nhưng chỉ là tâm trạng một phía, lại được thể hiện song hành trong hình tượng sóng và em.
Về âm hưởng, cảm giác chung khi mới đọc qua bài thơ là nhẹ nhàng, đằm thắm.
Đọc lại nhiều lần, suy ngẫm, bài thơ rất tinh tế, sâu sắc, giàu sức khái quát,
đời thường mà triết lý. Bài thơ sống mãi với thời gian bởi cảm xúc chân thành,
mãnh liệt được thể hiện dưới ngòi bút tài hoa.
Sóng dễ đọc vì được viết theo
thể thơ năm chữ. Phần lớn nhịp thơ là nhịp 5/0 (trọn câu). Trong chín khổ thơ
chỉ có ba khổ là có câu thơ được ngắt nhịp khác. Câu thứ tư của khổ thơ thứ sáu
ngắt nhịp 3/2; câu thứ hai của của khổ ba ngắt nhịp 4/1; hai câu đầu của khổ một
ngắt nhịp 2/1/2. Đặc sắc ngắt nhịp trong hai câu đầu là tính chất đối xứng qua
“và”:
Dữ dội /và / dịu êm
Ồn ào / và / lặng lẽ
Cái hay ở đây “và” vừa là trục đối xứng
tính chất vừa là liên kết tính chất của sóng.
Khổ một ngoài hai câu đầu nói về sóng, hai câu còn lại làm cho người đọc
trăn trở:
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.
Nhiều người lấy cuộc đời Xuân Quỳnh để
“lý giải” hai câu thơ đó. Mỗi cách cảm nhận đều có cái hay, cái thuyết phục hay
chưa thuyết phục chứ không thể nói đúng sai. Có lẽ để hiểu hai câu thơ này
chúng ta phải đặt nó trong hệ thống toàn bài, điều này sẽ nói ở sau.
Khổ thơ thứ hai, Xuân Quỳnh dùng quá khứ và tương lai nói về con sóng.
Hai câu thơ đầu dung dị, nhẹ nhàng bởi thanh bằng chiếm tỷ lệ lớn (7/3). Hai
câu sau bất ngờ đề cập tới tình yêu đôi lứa:
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.
Hóa ra, dây là sự so sánh, so sánh giữa
sóng và tình yêu. Cái nền để so sánh là “xưa”-“sau”, cái bất biến để so sánh là
sóng và tình yêu. Sóng từ xưa đến mai sau vẫn thế. Tình yêu đôi lứa vẫn là nối
khát vọng khi người ta trẻ. Và ngày xưa cho tới mai sau tình yêu liệu có khác
được xúc cảm “bồi hồi”? Những câu thơ giản dị, đời thường như vậy nhưng nó mang
tính khái quát không thể bác bỏ, vậy nên đây là triết lý về tình yêu đôi lứa.
Khổ thơ thứ ba làm “nhiệm vụ” chuẩn bị
cho cái điều trọng đại. Xuân Quỳnh mượn “Muôn
trùng sóng bể” để tạo cớ, kiểu như:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen…
Hay:
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng…
Hoặc:
Con cò bay lả bay la
Bay từ ruộng lúa bay ra cánh dồng
Tình tính tang…tang tính tình…
Sau khi tạo cớ rồi, nhân vật em tự trả lời các câu hỏi mình đặt ra ở khổ
thứ tư. Ai cũng biết nhân vật em hiểu được tính chất của sóng, khái quát tình
yêu đôi lứa thành triết lý không lẽ không giải thích được: “Gió bắt đầu từ đâu”. Lời thú nhận: “Em cũng không biết nữa” rất dịu dàng, nữ tính. Tự em nói ra chứ có
ai đâu mà truy, mà hỏi. “Em cũng không biết
nữa” giải thích cho câu thơ trên nhưng cái chính là bắc cầu sang câu dưới:
Khi nào ta yêu nhau.
Lại một câu hỏi tiếp. Ta yêu nhau là
ta có đôi, có cặp. Biết được yêu nhau
chính xác tự lúc nào thì chắc chắn
đó không phải là tình yêu. Em đã yêu anh nhưng anh có đáp lại tình yêu đó không
em chưa biết được. Nhưng vượt qua định kiến đời thường, yêu anh em thổ lộ, có
thế thôi!
Điều quan trọng nói ra được rồi, thú nhận được rồi nhưng tâm lý người phụ
nữ làm em ngượng ngùng, nói lảng sang chuyện khác. Nhưng nếu đi xa quá anh tưởng
em đùa thì sao. Vậy nên, ở khổ thơ thứ năm không bình thường về dung lượng như
những khổ thơ khác. Chung quy, ngày đêm sóng nhớ bờ vì không ngủ được. Em lý giải
con sóng vỗ suốt ngày đêm chỉ vì nỗi “nhớ” – tâm trạng con người ta mà rõ nhất khi yêu. Và em, khiêm tốn hơn, không
được như sóng suốt ngàn năm không ngủ:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.
Câu kết của đoạn phi logic trong khoa
học nhưng rất logic trong tình yêu. Luôn một lòng một dạ với anh, yêu anh nồng
nàn nên bóng hình anh vào cả giấc mơ em. “Trong
mơ còn thức” lại một lần nữa khẳng định tình yêu nồng nàn của em đối với
anh, thế nên, em có gì khác sóng đâu?
Và điều em khẳng định ấy, ở khổ thơ thứ sáu tô đậm hơn, nhấn mạnh hơn.
Xuân Quỳnh viết bài thơ này trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở vào thời
điểm cam go, ác liệt, thanh niên lớp lớp ra trận. Vào tuyến lửa (phương nam –
Miền Nam), nơi khó khăn gian khổ, nơi hòn tên mũi đạn, được Xuân Quỳnh dùng từ
“ngược” thật tài hoa. Ở đây, một lần nữa nhà thơ dùng cái phi logic thông thường
để nói cái logic thời đại. Thông thường, người ta nói “xuôi nam ngược bắc”,
nhưng lúc này Miền Nam là tiền tuyến, Miền Bắc là hậu phương, nên về với hậu
phương, nơi bình an hơn, dùng từ “xuôi”
không còn gì để bàn nữa.
Trong cuộc chiến khốc liệt hay bình yên nơi hậu phương, và có thể ở một
nơi nào khác nữa, em – như kim la bàn, chỉ về một phương: phương anh.
Khổ thơ thứ bảy và thứ tám có sự liên kết, xâu chuỗi chặt chẽ, đây là lời tự
động viên mình trong nhớ nhung khắc khoải. Khẳng định tất cả con sóng đều
tới bờ “Dù muôn vàn cách trở” (khổ bảy)
cũng như hai câu cuối ở khổ tám: “Như biển
kia dẫu rộng/ Mây vẫn bay về xa.”,
cho dù biển dẫu rộng vẫn có giới hạn, mây kiên trì vẫn bay đến bến bờ bên kia. Ở
giữa chân lý tự nhiên em nêu ra ấy, hai câu thơ: “Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua” ta hiểu thời gian chờ
đợi bao giờ cũng dài lắm. Và nó càng dài hơn khi ở thời điểm này (12/1967) biết
khi nào chiến tranh kết thúc? Biết khi nào em mới gặp anh? Khoảnh khắc thời
gian như nhau nhưng nó dài hơn khi người ta chờ đợi, đó là thời gian tâm lý.
Hai câu thơ đã nêu là sự từng trãi, chiêm nghiệm, là lời tự động viên mình
trong những tháng năm xa cách người yêu.
Cũng cần nói thêm một chút, bài thơ Sóng
thuần khiết viết về tình yêu đôi lứa trong khi nền văn học ta lúc ấy thiên về
ca ngợi những chiến công đánh Mĩ, ca ngợi những tấm gương hy sinh, bất khuất. Sóng không lạc lõng, trái lại, làm “mềm”
hơn, lãng mạn hơn giai đoạn “văn học đánh giặc” đó. Xuân Quỳnh chỉ là một trong
muôn triệu nỗi nhớ nhung của người vợ, người yêu hướng ra tiền tuyến. Nói được
điểm chung của người phụ nữ thời đại, của giai đoạn lịch sử nhất định nên Sóng có sức cộng hưởng lớn, vừa động
viên những ai đang chờ đợi lại vừa khích lệ được những ai đang cầm súng.
Khổ cuối của bài thơ là một cái kết đẹp. Xuân Quỳnh ý thức được tình yêu
của em chỉ là một trong muôn triệu mối tình đôi lứa. Tình yêu ấy bền vững hơn,
trường tồn hơn trong môi trường “biển lớn tình yêu”. Em là cô gái bình dị, tình
yêu của em có chung cung bậc cảm xúc tình yêu đôi lứa bao người, “lúc dữ dội và dịu êm, lúc ồn ào và lặng lẽ”.
Đã là tình yêu chân thành nồng thắm nó phải thường trực trong trăn trở, suy tư,
nhớ nhung, khát vọng. Như con sóng, biển dẫu lặng vẫn vỗ bờ, vẫn con sóng này nối
tiếp con sóng kia giống nỗi nhớ về anh luôn thường trực trong em. Và vì thế, em
hóa thân thành con sóng, là sóng không chấp nhận không gian chật hẹp của sông.
Đành rằng sông cũng có sóng nhưng cũng có lúc tĩnh lặng, không giống như biển cả.
Do đó, yêu anh, nỗi nhớ về anh của em không bao giờ đứt đoạn, và để nuôi dưỡng
tình yêu ấy em phải hòa mình vào biển lớn.
Như vậy, chi tiết thơ ở khổ một, muốn cảm nhận được nó, không thể tức
thì mà phải đặt nó trong cảm xúc xuyên suốt của tác giả, chúng ta chỉ hiểu, chỉ
được soi sáng khi đọc kỹ bài thơ. Cách “cài” chi tiết này thể hiện sự tinh tế,
tài hoa của thi sĩ.
Bài thơ Sóng không dài nhưng
những bài viết về Sóng như những dòng
sông đổ ra biển lớn. Thời gian trôi cứ trôi, Sóng lấp lánh trong dòng thi ca dân tộc. Sóng ra đời trong chiến tranh nhưng không có một
câu chữ nào nói về đau thương, gian khổ, mất mát. Có phải Sóng là khoảng lặng trong dòng chảy “văn học đánh giặc”, chân chất
tình cảm chân thành, da diết, mà ngẫm sâu xa nó lên án chiến tranh, thấm đẫm tư
tưởng Nhân văn sâu sắc? Và đó chính là lý do Sóng vượt thời đại, vượt biên giới đồng hành cùng nhân loại.
Bài viết của thầy rất sâu sắc. Cảm ơn thầy!
Trả lờiXóaEm đồng ý với bạn Qui, bài "Mường Lát hoa về trong đêm hơi" cũng hay lắm. Mong thầy viết nhiều bài nghiên cứu hơn nữa.
Trả lờiXóaEm mới đọc hết tiểu thuyết "Lâm tặc" của thầy. Em rất thích nhân vật Man Hoa. Hôm nay đọc bài thầy viết về "Sóng", em có thêm một cách cảm nhận. Cảm ơn thầy, chúc thầy khỏe, vui và có nhiều tác phẩm mới.
Trả lờiXóaBài viết của bạn tinh tế, sâu sắc. Phát huy nhé!
Trả lờiXóaCảm ơn các bạn đã động viên, chia sẻ.
Trả lờiXóaBài viết rất hay, có nhiều điểm mới. Cảm ơn anh!
Trả lờiXóaRất thích. Chúc anh khỏe, có thêm nhiều bài viết hay.
Trả lờiXóaCảm nhận bài thơ của bạn thật chân tình, sâu sắc. Bài viết của bạn cho tôi cảm nhận bài thơ hay hơn.
Trả lờiXóaBài viết rất hay. Xin chân thàn cảm ơn tác giả.
Trả lờiXóaTôi nghĩ thêm một lời khen cũng là thêm một nguồn động lực để bạn có những bài viết mới công hiến cho đời.
Trả lờiXóaSâu sắc, tinh tế. Cảm ơn tác giả
Trả lờiXóaBài nghiên cứu tinh tế, sâu sắc mà gọn. Cảm ơn tác giả!
Trả lờiXóaPhân tích rõ ràng, khúc chiết giúp bạn đọc hiểu chiều sâu tác phẩm. Cảm ơn tác giả.
Trả lờiXóaBài viết sâu sắc, tinh tế thể hiện bề dày vốn sống, trí tuệ.
Trả lờiXóaChỉ biết nói một lời: "Cảm ơn tác giả"!
Trả lờiXóa