Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

ĐỢI...





      Cô văn thư pha ấm trà, rót một tách đặt trước mặt Hoàng, nhỏ nhẹ:
     - Mời anh dùng trà, anh chịu khó đợi một chút, thầy hiệu trưởng đang có tiết dạy,tôi xin phép.
     Còn lại một mình, nhấp vài ngụm trà rồi Hoàng đứng dậy xem các biểu bảng trong phòng. Cũng chẳng có gì mới mẻ hơn so với các ngôi trường khác Hoàng đã từng thi công. Suy nghĩ vẫn vơ, Hoàng bước ra hành lang theo thói quen hơn là chủ định.
     Mấy dãy phòng học ẩm ướt, mái võng xuống, nép dưới tán mấy cây cổ thụ như đòi được che chở. Trời âm u, mưa lất phất, thi thoảng lá vàng rơi xuống trên sân trường như những dấu lặng của một khúc nhạc buồn.
     Rồi Hoàng nghe tiếng giảng bài của một cô giáo. Một giọng nói ấm áp, trong trẻo, như đang tâm tình:
     -…Các em ạ, đợi chờ có nhiều cung bậc cảm xúc. Có khi là hồi hộp, lo âu, có khi là động lực để người ta sống, chiến đấu, làm việc. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đợi chờ của người yêu, người vợ trở thành lòng chung thủy…
     Tiếng cô giáo lắng xuống, nhỏ lại. Hoàng bước nhẹ từng bước về phía đầu hồi lớp học.
     -…Các em ạ, đợi chờ là thử thách và cũng là hạnh phúc. Hạnh phúc của đợi chờ là mong ngóng, hy vọng. Trong cái mong ngóng, hy vọng ấy ta luôn cầu mong điều tốt đẹp nhất đến với người mình yêu thương. Cô tin thế, rồi các em sẽ tin thế…
     Tiếng trống trường trầm đục như dấu chấm câu cho bài giảng. Các em học sinh ùa ra hành lang nói cười râm ran. Có lẽ cảm xúc trở về trường cũ cộng hưởng với lời giảng cô giáo đúng cái lớp Hoàng học năm cuối cấp thôi thúc Hoàng làm quen cô. Vẫy tay gọi cậu học sinh vừa ra khỏi lớp,  hỏi tên cô giáo. Cậu học sinh gật đầu chào Hoàng, chăm chú nhìn như xét nét, dò hỏi. Hoàng nháy mắt, cười, nói nhỏ:
     - Cô giáo của em là số một đấy.
Cậu ta cười theo, vừa chạy tới nhập bọn với đám bạn vừa trả lời láu lỉnh:
     - Tên cô giáo của cháu là mười hai trái bắp.
     Cô giáo vẫn chưa ra khỏi lớp, đang trao đổi công việc gì đó với lớp trưởng thì phải. Đứng đợi cô giáo, Hoàng có thể nhìn cô qua khe cửa sổ nhưng anh không làm thế. Anh cố tưởng tượng vóc dáng, khuôn mặt của một con người có giọng nói ấm áp, trong trẻo. Đợi chờ đáp án cũng là một trải nghiệm hay, Hoàng nghĩ thế.
     Cô giáo trẻ hơn Hoàng tưởng tượng. Đôi mắt trong dưới cặp lông mày lá liễu còn pha chút hồn nhiên tuổi học trò.
     - Cô Tố Nga mới về trường ta đúng không?
     - Dạ.
Cô hơi bối rối khi người đàn ông biết cô, còn cô không biết gì về người đàn ông đó cả.
     - Tôi muốn dự một tiết giảng của cô ở lớp này được không?
     - Dạ…nhưng nếu được thầy hiệu trưởng cho phép.
     Vừa lúc ấy cô văn thư bước tới, cô khẽ nói:
     - Thưa anh, thầy hiệu trưởng đã về phòng rồi ạ.
Hoàng gật đầu:
     - Cảm ơn cô, tôi tới ngay.
Cô văn thư vừa quay đi, Tố Nga như bình tĩnh hơn, cô hỏi với ý định tìm hiểu:
     - Vậy thầy đang công tác ở Phòng hay ở Sở?
Hoàng cười cười:
     - Thầy hiệu trưởng sẽ nói với cô, tôi còn ở lại trường ta dài dài.
Rồi Hoàng chìa tay ra bắt tay Tố Nga. Một bàn tay mềm mại, ấm áp cho Hoàng cảm giác gần gũi, dễ chịu.
     - Chưa dự giờ cô, nghe lén cô dạy, quả thật cô đã gây ấn tượng mạnh cho tôi. Tôi có chút việc, hẹn gặp lại cô sau nhé.
    - Dạ, em chào thầy!
    - Nếu được, cô cứ gọi anh cho thân mật, với lại tôi không phải thầy đâu.
     Tố Nga đỏ mặt, cô không hiểu tại sao lại thế. Hồi còn sinh viên cô nổi tiếng nghịch ngợm, táo tợn kia mà. Người đàn ông là cán bộ chuyên môn của Sở? Cô nghe các thầy cô lớn tuổi nói Sở có thanh tra toàn diện lâu lắm ở một trường cũng bốn, năm ngày là cùng. Đằng này anh ta nói: “tôi ở trường ta dài dài”. Hay là thầy giáo ở trường khác chuyển đến? Không có lý, bây giờ đã giữa học kỳ I rồi…Mà thôi, quan tâm đến anh ta làm gì nhỉ, dự một giờ hay mười giờ, với cô cũng thế thôi. Cô yêu nghề nghiệp của cô nên trên trách nhiệm còn là tâm huyết nữa…được người khác dự giờ, góp ý là cơ hội để cô học hỏi thêm.
     Ra khỏi cổng trường, thấy cô, mấy đứa học sinh cúi chào, thằng Linh liến láu:
     - Cô ơi, vừa nãy có một chú đẹp trai hỏi tên cô.
Tố Nga hỏi:
    - Em trả lời sao?
    - Em chưa biết trả lời sao thì chú ấy nắm bàn tay trái, giơ ngón cái, bảo: “Cô giáo em là số một”.
Mấy đứa bạn đi cùng nhao nhao:
     - Nó bảo tên cô là “mười hai trái bắp cô ạ”
Tố Nga ra vẻ nghiêm nghị:
     - Em trả lời chú ấy như vậy là không được, không ngang hàng phải lứa không được đùa nghe chưa.
Đám học trò đồng thanh: “vâng ạ”, thằng Linh làu bàu: “Chúng mày chỉ được cái hớt lẻo”.

     Thầy hiệu trưởng rót nước, hỏi Hoàng:
     - Em đợi thầy lâu chưa?
     - Dạ, cũng mới thôi ạ!
Rồi Hoàng thở dài:
     - Trường chẳng khác gì thời em học, cũ đi, ọp ẹp hơn mà thôi.
Thầy hiệu trưởng mời Hoàng uống nước, trầm ngâm:
     - Tính đến hôm nay, dự án xây trường cũng sắp qua hai nhiệm kì Đại hội. Mỗi năm ít nhất thầy làm bốn cái công văn báo cáo về cơ sở vật chất. nào là báo cáo chuẩn bị cho năm học, báo cáo nhanh sau khai giảng, báo cáo sơ kết học kỳ I, báo cáo tổng kết năm học mà không thấy động tĩnh gì. Mỗi lần đi họp, hỏi, người ta nói đang xây dựng kế hoạch, đang tư vấn thiết kế, đang trình UBND tỉnh phê duyệt…
Hoàng tiếp lời, đồng cảm với thầy:
     - Em làm nghề xây dựng em biết. nói thì Giáo dục là Quốc sách hàng đầu nhưng người ta chả xem ra gì. Có trường chưa giao mặt bằng cho bọn em đã đổ sập, may sập ban đêm không có học sinh… Em thấy dự án xây dựng nhanh nhất là trụ sở Đảng, thuế vụ, kho bạc nhà nước. Như cơ quan thuế vụ, nhà cấp III, sử dụng mới mười năm đã đập đi xây lại cho hoành tráng hơn, mà cái cơ quan ấy có mấy người làm việc đâu.
     - Thì người ta có tiền, theo như lối mòn suy nghĩ của người ta lâu nay, ngành Giáo dục chỉ có tiêu tiền
     - Một quan điểm hết sức sai lầm. Giống như các vị lãnh đạo ấy chưa đi học bao giờ nên nghĩ thế. Thôi, em xin phép thầy bàn chuyện trường ta kẻo mất thời gian của thầy.
     Thầy hiệu trưởng giở cuốn sổ, lật đi lật lại, nói với Hoàng:
     - Thầy đã làm việc với Sở, các anh ở Ban Quản lý công trình bảo phải làm tờ trình xin xây dựng phòng học mới của trường, giấy đề nghị của Hội cha mẹ học sinh, biên bản thỏa thuận giữa bên A và B, giấy hiến tặng công trình quy ra tiền của em…
Hoàng không nghĩ lại nhiêu khê đến thế. Chưa hết, thầy hiệu trưởng nói tiếp:
     -…Về phía Đảng ủy, Ủy ban xã cũng đồng ý nhưng đòi hỏi phải được sự đồng ý của Đảng ủy, UBND huyện, bản cam kết xây dựng công trình đúng thời hạn…Mấy cái thủ tục này thầy tính xong cũng mất khoảng hai tháng em ạ.
     - Thầy có cách nào làm nhanh hơn được không?
     - Thầy nghĩ như vậy là nhanh lắm rồi. Đành phải đợi thôi.
Hoàng nhấp ngụm nước nghĩ ngợi. Mình muốn đóng góp chút gì đó cho quê hương, cứ nghĩ có quân, có phương tiện đang làm công trình thủy lợi gần đây nên cũng tiện. Phải đợi hai tháng nữa thì khó quá, lúc ấy công nhân tập trung cho công trình trọng điểm rồi…
     - Phương án đảm bảo lớp học em tính thế nào?
Câu nói của thầy hiệu trưởng cắt ngang suy tính của Hoàng, vê vê chiếc bút bi trong tay theo thói quen, anh trả lời:
     - Vấn đề này dễ thôi thầy ạ. Em làm lán lợp tôn, ban ngày là lớp học, ban đêm là chỗ ngủ của công nhân.

     Chia tay thầy hiệu trưởng, Hoàng lái xe chạy chầm chậm trên con đường anh đến trường trước đây. Cánh đồng trước đây rộng thế nay còn lại vài đám ruộng trũng. Nhà cửa ven đường mọc lên cái cao cái thấp, nào kiểu mái Thái, kiểu củ hành Nga, kiểu nhà ống…màu sắc lòe loẹt, nhìn tổng thể rất khó chịu. Kinh tế thị trường, người ta “bung ra”, bung ra vô lối, quá tự do, không kiểm soát, không quy hoạch, thế nên làng chẳng còn là làng mà phố không phải là phố. Một quãng đường chừng 300m mà có tới gần chục quán cafê, năm sáu quán nhậu. Mới “trúng” đất, đang có tiền lại vô công rỗi nghề nên đám thanh niên hết nhậu nhẹt lại cafê cà pháo. Không hiểu, miệng ăn núi lở, giỏi lắm năm nữa là hết tiền họ sống ra sao đây? Hình như cái khoảng giao thời chuyển giao tư duy, lối sống từ kinh bao cấp sang kinh tế thị trường con người ta vừa trì trệ, quan liêu vừa láu lỉnh, ma mãnh. Người ta quan tâm tới bản thân, gia đình hơn là đối với cộng đồng, xã hội. Hoàng nghĩ mình bỏ công sức, tiền của xây cho xã một ngôi trường không tung hô chí ít cũng được tạo điều kiện, đằng này…làm nghề xây dựng, quen với việc lót tay, “bôi trơn” các sếp nhưng đó là đối với vốn của nhà nước, phải cầu cạnh; còn đây là tiền của mình, hành xử như thế thật quá vô lý. Người ta nghĩ Hoàng cần danh ư? Hoàng đã dứt khoát với nhà trường không đề một tấm biển dù bằng nửa tờ giấy A4 ghi tên công trình do mình tặng. Vậy vì cái gì người ta làm khó? Hay cứ xây dựng là cứ phải “bôi trơn”, nó nhiễm vào máu, vào tủy các sếp rồi? Với lại lâu nay có ai làm từ thiện mà đem tiền đi xây trường đâu nên theo thói quen duyệt hồ sơ xây dựng là phải thế? Trường hợp này, Hoàng nghĩ người ta quan liêu hay láu lỉnh, trì trệ đây? Còn thầy hiệu trưởng, lại quá nguyên tắc, cứng nhắc. Hoàng bảo: “Hay là ta vừa làm vừa hoàn thiện hồ sơ, chờ đầy đủ hồ sơ mới thi công thì khó cho em quá.” Ông trả lời: “Không được đâu, người ta biết lại phê bình, kiểm điểm, có khi lại kỷ luật nữa đấy. Thầy còn vài năm nữa về hưu, em thông cảm cho thầy…”
     Hoàng đạp phanh, chiếc xe đứng sựng lại. Ba thằng choai choai ngồi trên chiếc Cub 70 lạng qua mũi xe, móc vào đầu gióng giật bà bác ngã văng ra lề cỏ. Bà ngất xỉu còn chúng rồ ga chạy. Mấy người đi đường vừa chửi mấy thằng mất dạy vừa xúm lại đỡ bà. Hoàng la:
     - Cứ để nằm thế, xem có bị chấn thương cột sống không đã.
Anh lấy miếng bạt, gấp chữ Z, bảo mấy cô luồn xuống dưới lưng rồi nắm bốn múi kéo thẳng ra. Mở cửa sau, anh nhờ mấy người nắm tấm bạt căng như cái cáng đưa bà lên xe. Nhờ hai cô gái giữ, Hoàng lái xe lên bệnh viện huyện.
     Đưa bà bác vào phòng cấp cứu, cô y tá bảo:
     - Ai là người nhà bệnh nhân ra quầy nộp viện phí?
     - Tôi đây, nhưng chưa thấy bác sĩ cấp cứu gì hết?
    - Đợi chút đã, cái gì cũng phải từ từ, đóng viện phí rồi mới chụp phim, chuẩn đoán được.
     Hoàng lật đật đóng viện phí, trở về chỗ vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Đến phòng trưởng khoa, thấy hai ông bác sĩ đang uống trà, nói cười gì đó. Hoàng gọi lớn:
     - Bác sĩ, có cấp cứu!
Ông bác sĩ trưởng khoa đứng lên bước ra khỏi phòng, đủng đỉnh đi xuống. Hoàng nhét vào túi ông xấp giấy bạc: “Mong bác sĩ cứu giúp, tiền bạc không thành vấn đề”. Lúc ấy, ông bác sĩ nhanh nhẹ hẳn lên, xuống phòng cấp cứu quát nạt inh ỏi.
     Bà bác bị gãy xương sườn, chảy máu trong nên phải mổ gấp. Bệnh viện cần làm giấy cam kết nhưng Hoàng không biết tên. Lúc nãy đóng viện phí anh ghi tên  Nguyễn Thị Phúc thì đành là Nguyễn Thị Phúc vậy, quan hệ với bệnh nhân, anh ghi “con rể”. Cứu người đã, khai láo một tí có sao, chỉnh sửa sau, anh nghĩ thế.
     Hoàng ngồi đợi ngoài hành lang phòng mổ, gần tiếng đồng hồ trôi qua mà người nhà bệnh nhân chưa tới. Xem đồng hồ cũng đã gần 12 giờ rồi. Ca mổ còn có thể kéo dài. Trước khi mổ ông bác sĩ trưởng khoa ngoại bảo với Hoàng nhanh nhất cũng tiếng rưỡi nếu đúng như chuẩn đoán. Hoàng ra ngoài cổng bệnh viện mua mấy log sữa, nước yến, hai chục trứng vịt lộn để bác sĩ, y tá mổ xong ăn tạm cho đỡ đói. Trở vào, vẫn chưa thấy người nhà bệnh nhân đến. Hay là bà bác không còn ai? Nếu không có ai thật Hoàng nghĩ trước mắt phải thuê cô hộ lý nào đó chăm nom hộ. Công việc ở công ty còn bề bộn, đang đợi Hoàng giải quyết. Sắp xếp xong, lên chăm bác cũng như mình báo hiếu cha mẹ thôi. Hồi mẹ mất Hoàng còn ở bên Nga, bà con lối xóm lo lắng an táng, cúng kính chu toàn đó sao…Nhìn ra con đường trước cổng bệnh viện Hoàng tự mình chơi trò đoán số. số 5 tính từ người đi qua cổng bệnh viện, cùng chiều sẽ là đàn ông hay đàn bà. Năm sáu lần đoán đều trật lấc. Hoàng quay sang đoán xe, chiếc thứ 5 sẽ là ô tô hay xe máy…
     Cửa phòng  mở, một cô y tá đi ra vội vàng. Hoàng chạy theo hỏi tình hình ra sao, cô sẵng giọng:
     - Không biết, đang mổ!
      Một lát sau, cô y tá và một cô không biết là y bác sĩ hay nhân viên trở lại. Cô y tá vào phòng mổ, cô đi cùng nói với Hoàng:
     - Bệnh viện hết máu truyền. Anh tìm bà con có ai có nhóm máu O thì cho máu để truyền cho bệnh nhân!
Hoàng bảo:
     - May quá, tôi nhóm máu O đây!
     - Đi theo tôi. Cô ta nói.
Hoàng nằm trên chiếc ghế bố để cho máu. Cô ta nói:
     - Bệnh nhân cần hơn một đơn vị máu, tôi lấy cho đủ nhé.
     - Vâng, mong sao cứu được bà!

     Nghe tiếng người lào xào, Hoàng mở mắt. anh xỉu sau khi cho máu. Một bàn tay ấm áp nắm chặt tay anh.
     - Cảm ơn anh đã cứu bà vợ tôi. Bác sĩ nói chậm nửa tiếng nữa là nguy hiểm tới tính mạng.
Hoàng ngồi dậy, mắt hơi hoa, anh nói:
     - Có gì đâu bác, ai ở hoàn cảnh cháu cũng vậy thôi.
Hình như anh đã gặp ông ở đâu đó rồi thì phải, anh cố nghĩ mà vẫn chưa ra. Chiếc áo sĩ quan quân đội…đúng rồi, khi nghiệm thu công trình thủy lợi nội đồng Tân Hóa, mấy tay tư vấn thiết kế, bộ sậu bên A đứng trên bờ, mỗi mình ông lội xuống mương. Khỏa chân lên bờ, ông vỗ vai Hoàng, cười khà khà, bảo: “Khá lắm”, rồi xách dép lên xe, không dự bữa cơm thân mật bàn giao công trình. Vẫn chiếc áo bộ đội ấy, khuôn mặt cứng cỏi rất đàn ông ấy…
     - Anh có phải là anh Hoàng ở công ty Sao Việt?
Ông nhận ra Hoàng, anh đáp khẽ:
     - Dạ phải.
     - Trời đất! Nghe anh trúng thầu đập thủy lợi Khe Dứa kia mà?
     - Dạ, lẽ ra cháu đã thi công nhưng đang đợi phê duyệt của Tỉnh.
     - Không thi công sớm sao hoàn thành trước mùa mưa năm sau? Để tôi hỏi giúp anh.
     - Cảm ơn bác. Nếu bác giúp được thì giúp cho cháu thi công Trường cấp II Nguyễn Du càng sớm càng tốt.
       - Anh làm bên mảng giáo dục nữa à? 
     - Dạ, trước đây thì có nhưng giờ cháu chuyển hẳn sang thủy lợi rồi, cháu muốn đóng góp chút gì đó cho quê hương.
Ông nắm vai Hoàng:
     - Cảm ơn anh. Việc xây trường anh không phải lo gì cả. Còn ký phê duyệt công trình Khe Dứa có chậm thì tuần lễ này là cùng, để tôi hỏi bên Ủy ban. Không lý trúng thầu rồi mà vẫn chờ với đợi!
Hoàng xin phép về công ty. Ông nói:
     - Thay mặt vợ, con gái, một lần nữa tôi cảm ơn anh. Khi nào bà nhà tôi ra viện anh phải đến chơi đấy.
     Xuống chân cầu thang, ông bác sĩ trưởng khoa đang đợi anh ở đó. Nắm tay  kéo lại, bỏ cái phong bì vào túi anh, ông ta nói:
     - Lúc nãy tôi nhận là để anh yên tâm. Công việc đã hoàn thành tôi xin trả lại. Với lại “con rể” sao không biết tên mẹ vợ?
Hoàng cười:
     - Căn bản là cứu người, đôi lúc cứu người bác sĩ cũng phải nói dối chứ.
Nói rồi anh lấy chiếc phong bì đưa lại cho ông bác sĩ:
     - Đây là tấm lòng của tôi, bác sĩ đừng ngại.
Anh lên xe về thẳng công ty, anh không ghé nhà như dự định.

     Hoàng đến trước cuộc họp chừng 15 phút. Khác với mọi khi, tay Chánh Văn phòng bắt tay đon đả, mời Hoàng uống nước.
     - Bảy rưỡi mới họp anh ạ, uống chén nước cho tỉnh táo.
     - Về công trình Khe Dứa có vấn đề gì hả anh?
Tay Chánh Văn phòng nhả khói thuốc, uống một ngụm trà, gạt tàn thuốc, xoay xoay cái chén. Chưa trả lời ngay, cứ để người ta chờ đợi là phong cách của hắn chăng? Nhấp ngụm nước trà nữa, lim dim mắt, hắn nói nhỏ, chậm, ra vẻ quan trọng:
     - Vấn đề gì à? Quan trọng đấy. Có các ông Giám đốc Sở giáo dục, Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở tôi và ông. Chủ trì cuộc họp là ông Hai Nghệ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thừa ủy quyền của Bí thư.
     Có lẽ tay Chánh Văn phòng không biết nội dung cuộc họp nên nói thế. Vừa lúc có hai chiếc xe con chạy vào đỗ trước sảnh. Tài xế mở cửa, hai ông Chánh Văn phòng UB, Giám đốc Sở Giáo dục xách cặp bước xuống.
     - Mời hai anh vào uống nước.
Ông Chánh Văn phòng UBND Tỉnh hỏi:
     - Ông Hai Nghệ tới chưa? Sao không thấy xe?
     - Tôi đây, còn đúng 5 phút nữa ta họp.
Ông bước lên cầu thang. Thì ra ông đi xe máy, chạy sau xe của các ông Chánh Văn phòng, Giám đốc Sở Giáo dục nên không ai biết.
     Mỗi người ổn định chỗ ngồi xong, ông Hai Nghệ nói:
     - Ta vào làm việc các ông nhé. Các ông biết rồi, riêng anh Hoàng Giám đốc công ty Sao Việt giờ mới biết tôi làm gì. Thừa ủy quyền của đồng chí Bí thư, tôi chủ trì cuộc họp hôm nay. Nội dung cuộc họp là chấn chỉnh công tác báo cáo, thẩm tra và xây dựng. tôi mong sau cuộc họp này sẽ không có những cuộc họp như thế này nữa.
     Ông giở sổ ra, hỏi Giám đốc Sở xây dựng:
     - Sau khi doanh nghiệp trúng thầu thời gian cấp giấy phép là bao lâu?
Ông Lê ấp úng:
     - Dạ, cái đó còn tùy bên ủy ban ạ.
     - Thế các anh không có trách nhiệm à?
Quay sang Chánh Văn phòng Ủy ban, ông hỏi:
      - Hồ sơ trúng thầu công trình Khe Dứa các ông nhận được lúc nào?
      - Thưa anh, mới tuần trước, tôi chưa kịp trình cho đồng chí Chủ tịch ký.
     - Tôi biết hồ sơ loại này không Chủ tịch thì Phó Chủ tịch ký cũng được, phân cấp rồi cơ mà.
     Im lặng. Ông Hai Nghệ nói như kết luận:
    - Từ khi công ty Sao Việt trúng thầu gần hai tháng mà hồ sơ vẫn chưa xong, nó nằm ở bàn giấy các ông. Công trình làm không đúng tiến độ thiệt hại không những cho công ty mà cho cả dân nữa. Tôi đề nghị ngoài hồ sơ của Sao Việt, tùy thuộc vào phân cấp, các anh báo cáo tồn đọng bao nhiêu hồ sơ, lý do tồn đọng, thời gian giải quyết, gửi báo cáo cho Tỉnh ủy. Riêng hồ sơ Khe Dứa khi nào hoàn tất, ông Phương?
     - Thưa anh, chiều nay em trình, mai có ạ.
Ông Hai nghệ vừa ghi vào sổ vừa bảo thư ký:
     - Ghi cẩn thận, chính xác nghe.
Rồi ông hỏi ông Chiến, Giám đốc Sở Giáo dục:
     - Sở anh có bao nhiêu ngôi trường cần xây mới?
     - Dạ, mười tám trường.
    - Không đúng, hai mươi tư ngôi trường. Sinh mạng con người mà có vẻ ông quan liêu nhỉ?
Ông Giám đốc Sở Giáo dục đỏ mặt:
      - Dạ, sáu ngôi trường đó có trong kế hoạch rồi ạ!
     - Có trong kế hoạch nhưng kế hoạch khi nào thực hiện? Có bốn ngôi trường trong kế hoach của các ông đã qua gần hết hai nhiệm kỳ Đại hội rồi ông ạ.
Ông Hai Nghệ hỏi tiếp:
     - Trong hai sáu ngôi trường ấy, chương trình mục tiêu năm nay là bao nhiêu?
     - Dạ, bốn cái, Sở đang giải ngân.
     - Sao ông không cho mấy ông ở Ban Quản lý công trình nghỉ việc đi. Ngân sách cấp rồi, vấn đề hồ sơ thủ tục các ông phải lo chứ. Rồi nữa, phải nắm áo mấy anh liên quan mà kêu. Con khóc mẹ mới cho bú. Các ông đợi người ta làm cho thì đợi đến bao giờ, Sở nào chả kêu bận rộn.
Nhấp ngụm nước lọc, ông truy tiếp:
     - Sở ông có nguồn hỗ trợ nào ngoài ngân sách không?
     - Dạ không.
Ông Hai Nghệ lắc đầu:
     - Bây giờ tôi nói anh quan liêu chắc không sai. Công ty Sao Việt tặng hẳn một ngôi trường cấp II Nguyễn Du, hồ sơ xây dựng gửi tháng trước rồi mà không có ý kiến gì cả. Tôi đề nghị hai Sở Xây dựng và Giáo dục phải liên hệ với Sao Việt để làm hồ sơ cho người ta. Đồng chí Bí thư rất bức xúc về chuyện này. Ai đời người cho phải đi xin xỏ, năn nỉ.
     Xếp cuốn sổ lại, ông nói:
     - Ba ngày sau anh Hoàng gọi điện cho tôi. Không có giấy phép xây dựng trường Nguyễn Du thì hai ông làm đơn xin nghỉ việc là vừa.

     Mới có tuần lễ mà mười hai phòng học Trường cấp II Nguyễn Du đã xong phần xây, thợ mộc đang đóng giàn mái. Ông hiệu trưởng hể hả nói với anh Toàn, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh:
     - Tôi chưa thấy ngôi trường nào xây nhanh đến thế. Chỉ cần mỗi khóa học sinh có được một em như Hoàng thì ngành Giáo dục không phát triển mới là lạ.
Mấy ông thợ đóng mái người địa phương nói vọng xuống:
     - Gỗ gì mà đóng quẹo đinh hết. Làm trường mà kỹ hơn nhà người ta.
Lúc này ông hiệu trưởng giật mình:
     - Chết, tôi quên. Anh Hoàng bảo không đóng đinh đó nữa. Anh gửi mấy chục hộp đinh thép, đinh đúc gì đó ở phòng tôi. Anh dặn các ông phải đóng chính xác, làm cẩn thận, từ từ thôi. Đóng lệch khi lợp ngói xô, sẽ dột đấy.
     - Thầy cứ lo, làm thợ chúng tôi biết, rui đóng dày, mè đóng dày, với lại thợ nề làm quá chuẩn, làm sao mà lệch được!
     - Anh Hoàng bảo để kiểm tra rồi mới được lợp.
    - Vâng, nếu sai sót gì chúng tôi làm lại, không nhận tiền công đâu.
     Có tiếng còi xe ngoài cổng, năm cái xe chở ngói đến. Hoàng lái một chiếc. Ông hiệu trưởng ngạc nhiên;
     - Em cũng lái xe tải à?
Hoàng cười:
     - Bọn em khác giám đốc ăn lương nhà nước thầy ạ. Em còn lái xe ủi, xe múc nữa kia. Việc gì làm được thì làm, có làm như vậy mới biết cái khó khổ của công nhân rồi từ đó suy nghĩ quản lý sao cho hiệu quả, hợp lý.
Ông hiệu trưởng lắc đầu:
     - Tôi chịu em!
     - Thì em có khác gì thầy đâu. Làm quản lý thầy vẫn dạy đó thôi.
     Trong khi công nhân bốc ngói Hoàng lên mái kiểm tra. Anh rút cái thước cuộn bằng thép đo khoảng cách rui mè, đường chéo của mái.
     - Các bác làm tốt lắm, khi cháu cần các bác giúp cháu nhé
     - Ai chứ làm cho anh bọn tôi nhất trí cả hai tay.
     Xuống sân, Hoàng thấy Tố Nga đang dắt xe ra cổng. Tố nga gật đầu chào, Hoàng bước lại:
     - Giờ em biết anh làm nghề gì rồi chứ?
     - Dạ.
     - Thế có cho anh dự giờ nữa không?
     - Dạ, nếu thầy hiệu trưởng cho phép.
     - Anh nói thực chứ không phải đùa đâu. Để anh xin phép thầy hiệu trưởng. Cái lớp em dạy hôm anh gặp em lần đầu là lớp cuối cấp anh học đấy. Giờ nó bị phá rồi, may còn xây lại trên nền cũ. Nói đúng hơn là anh muốn tìm lại cảm xúc đang là học trò trên ghế nhà trường thôi chứ không phải dự giờ gì đâu.
     - Dạ, anh dự tiết nào cũng được. Em xin phép vì có việc gấp anh nhé.
     - Vậy em hứa đi uống cafê với anh thì hôm nào?
    - Em nhất định sẽ đi, có khi còn đòi anh mời thêm nữa chứ. Thật tình nhà em dạo này nhiều việc quá anh ạ.
     - Vậy em đi đi, mong anh không phải đợi lâu.
     - Em hứa mà, nhất định thế!
Tố Nga đi rồi, thầy Hiệu trưởng nói với Hoàng:
     - Dạo này cô ấy vội vội sao ấy. Tôi hỏi cô nói bận việc nhà.
Bác thợ cả góp chuyện:
     - Có lẽ vội vì hẹn hò gì đó thôi. “Đánh đồn có địch” mới đáng đánh, anh Hoàng ạ. Cố lên nhé. Tôi chưa tiếp xúc nhiều nhưng tôi biết cô ấy là thục nữ đấy!
     - Chúng cháu là bạn, có gì đâu.
    - Vậy mà chúng tôi lại mong “có gì” đấy. Được như vậy thật đúng thanh mai trúc mã.

     Ngày khánh thành trường hai ông giám đốc Sở xây dựng, Sở Giáo dục và ông Hai Nghệ về dự. Buổi lễ đơn giản nhưng trang trọng, ấm cúng. Sau buổi lễ, theo sáng kiến của ông giám đốc Sở Giáo dục, mời quan khách dự một giờ dạy của giáo viên trường. Ông hiệu trưởng hơi bối rối về tình huống này. Cuối cùng, ông quyết định mời đại biểu dự giờ cô Tố Nga, giáo viên trẻ nhất trường.
     Bài Giáo dục công dân hôm ấy là “Tình bạn, tình yêu”. Tố Nga hơi mất bình tĩnh khi đại biểu bước vào nhưng khi đã vào bài giảng cô tự nhiên, dẫn dắt hoạt động học sinh liền mạch, để lại trong lòng người nghe ấn tượng sâu sắc. Vào bài Tố Nga giới thiệu cho học sinh cuốn truyện “Tình bạn cảm động và vĩ đại”. Cuốn sách nói về tình bạn chân thành, sâu sắc giữa Ăng ghen và Các Mác và lồng trong đó là mối tình thơ mộng, thủy chung, nồng thắm giữa Các Mác và Gheny. Rồi những tình bạn đẹp giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê; Bá Nha – Tử Kỳ được các em bổ sung làm bài học thêm sâu sắc.
     Sau khi nhắc lại những tình yêu lứa đôi đẹp như Thúy Kiều – Kim Trọng, Vân Tiên – Nguyệt Nga, anh Trỗi – chị Quyên hay những người vợ miền Nam hơn hai mươi năm chờ chồng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, Tố Nga kết thúc bài học bằng câu hỏi:
     - Người ta nói tình yêu trong xa cách giống như ngọn lửa trước gió. Nó có thể tắt đi hay bùng lên dữ dội. Ngọn lửa để bùng lên trong gió ấy phải là tình yêu mãnh liệt, chứa đựng trong đó là khát vọng sống, khát vọng yêu chân chính phải không các em?...
     Tiếng vỗ tay hòa cùng tiếng trống tan trường. Ông Giám đốc Sở Xây dựng chạy lên bục giảng, bắt tay Tố Nga.
     - Cảm ơn cô, chúng tôi thật có lỗi khi để những bài giảng hay như thế dưới tai họa lơ lửng treo trên đầu. Chúng tôi xin lỗi, thành thật xin lỗi!

     Sáng nay kiểm tra xong mố móng chân đập, Hoàng nhận được điện thoại ông Hai Nghệ:
     - Tiến độ thi công ổn chứ cháu? Chiều nay về nhà bác chơi cho biết nhà. Qua cổng làng Hạ độ 100m, có cái ao sen, nhà bác nhìn ra cái ao sen đó.
Hoàng nói qua về tiến độ thi công, hứa nhất định chiều sẽ đến, thế mà giải quyết công việc Hoàng quên khuấy đi mất. Nửa buổi chiều, cậu Tân – giám sát công trình, hỏi xin đi nhờ xe về thị xã anh mới giật mình.
     - Chết thật, chiều nay mình có cái hẹn!
Nhìn đồng hồ đã hơn bốn giờ, Hoàng nhẩm tính về đến làng Hạ cũng mất tiếng đồng hồ. Đã nhận lời mà đến trễ cũng kì, với lại người ngợm đầy bụi đất thế này đến thăm nhà ông Hai Nghệ cũng không tiện. Vào lán lấy đôi giày, bộ quần áo Hoàng lên xe về làng Hạ. Đến cầu Làng Giang anh dừng xe lại, bảo cậu Tân:
     - Đợi tớ tí, tớ tắm cái đã!
     - Em tính nói anh dừng xe tắm cái, nước suối ở đây trong quá. Tháng sau chắc không còn con suối này nữa rồi.
     Ghé chợ huyện mua giỏ trái cây, Hoàng bảo Tân:
     - Nếu không bận đến nhà ông Hai Nghệ chơi. Còn có việc, đến làng Hạ cậu lấy xe mà về.
     - Thế mai anh đi bằng gì?
     - Thì cứ lên đây đón tớ. À, nhờ cậu mua giùm năm bảy kg cá biển, vài chục kg bắp cải. Trên này anh em công nhân ăn thịt mãi cũng ớn.
     Vừa vào đến cổng, Hoàng nghe vọng ra từ cái loa cát sét bài “Đợi anh về” của Konstantin Simonov:
          Em ơi đợi anh về
          Đợi anh hoài em nhé
          Mưa có rơi dầm dề
          Ngày có buồn lê thê
          Em ơi em cứ đợi…
Ông Hai Nghệ ra mở cổng, hỏi Hoàng:
     - Cháu đi bằng gì mà không nghe tiếng xe?
     - Dạ, cậu Tân vừa mượn về thị xã. Xin lỗi bác vì cháu đến trễ.
     -Bà nhà tôi cứ nhắc, cứ hỏi sao mãi chưa thấy cháu đến.
Nghe tiếng, bà Xoan từ bếp chạy lên:
    - Hai bác cứ đợi cháu mãi, cứ lo cháu không đến. Gia đình bác không biết lấy gì cảm ơn cháu.
    - Bác nói thế cháu ngượng quá, có gì đâu bác. Nhờ có bác trai mà công việc cháu trôi chảy bác ạ.
Ông Hai Nghệ nhắc:
     - Bà đưa chai rượu thuốc lên để bác cháu tôi nhâm nhi tí. À, mà sao con Nụ không thấy ở nhà?
     - Nó bảo đi trường duyệt Đội, phải năm rưỡi hay sáu giờ kém gì đó mới về.
     Căn nhà ông Hai Nghệ không rộng lắm nhưng sáng sủa, thoáng mát. Đồ đạc trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ. Chỉ cái tủ thờ có vẻ cổ, chạm dây leo, con dơi là đáng giá, còn mọi vật dụng khác bình thường không “tương xứng” với tầm cỡ ông Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Như đoán được ý Hoàng, ông cười:
     - Cái nhà này mẹ con bà ấy tạo nên đấy. Bác đi bộ đội, bị thương rồi chuyển ngành nên chẳng giúp được gì cả.
Cụng chén với Hoàng, ông tiếp:
     - Hôm mẹ nó bị tai nạn hai ngày sau bác mới cho nó biết.
     - Vậy  lúc ấy cô ấy không có nhà ạ?
    - Đang tập huấn công tác Đội ở Tỉnh đoàn. Bác không muốn nó lo khi mình còn lo được. Biết tin, nó giận bác rất lâu đấy.
Bà Xoan mang dĩa tép đồng rang lá chanh lên, góp chuyện:
     - Nó giận ông ấy hơn tháng cháu ạ, bác phải giải thích mãi nó mới nguôi nguôi. Nó bảo người ta là người dưng mà đối với mẹ nó như mẹ đẻ, còn nó con đẻ lại hóa người dưng.
Ông Hai Nghệ nói với bà Xoan:
     - Bà sang bảo chú Bảy sang đây, ít ra cũng được “ba thằng uống rượu” như người ta nói  chứ.
Vừa lúc đó ông Bảy bước vào:
     - Em đang giở tay vớt đám bèo, hai bác thông cảm.
Hai người không có nét gì giống nhau, Hoàng nâng chén:
     - Cháu mời chú Bảy một chén, chú Bảy với bác Hai Nghệ là…
     - Là đồng đội, vào sinh ra tử có nhau, còn hơn anh em ruột đấy chứ.
 Ông Hai Nghệ cạn chén sau câu giới thiệu.
     - Trong trận đánh cao điểm 460, chú bị thương. Đợi mãi không thấy chú ra, bác Hai Nghệ vào cõng chú ra đấy.
Ông Hai Nghệ nói tiếp:
     - Đợi chú không ra vào cõng chú thì anh em mình mới có ngày hôm nay. Còn cái bận chú, thằng Thám đợi thằng Nhí vào trinh sát mãi không thấy ra thì suýt bỏ mạng nhỉ.
     - Nó sợ gian khổ, chiêu hồi thì đã đành. Đằng này còn kêu bọn lính phục để lập công. Hôm ấy thằng Thám không nhanh trí bọn em ngồi lên bàn rồi.
     Có tiếng xe máy chạy thẳng vào sân sau. Ông Bảy nói lớn:
     - Con Nụ rửa ráy rồi lên đây rót rượu hầu hai cụ nào.
Khi Nụ lên nhà chào khách, Hoàng ngạc nhiên:
     - Em…là Nụ?
Ông Bảy cười:
     - Là tên ở nhà, gọi quen rồi cháu ạ.
Đôi má Tố Nga ửng đỏ, Hoàng cũng như bị rôm sảy cắn. Ông Hai Nghệ nói:
     - Bác tưởng cháu biết em nó chứ?
     - Dạ, cháu biết Tố Nga, mà không biết Tố Nga còn có tên là Nụ, lại là con của hai bác nữa.
Tố Nga nhẹ nhàng:
     - Thì anh biết bố em mà có cho em hay đâu.
     - Hôm em dạy, mấy ông Giám đốc dự giờ, xuống văn phòng, có bác sao em không giới thiệu?
Ông Bảy cười khà khà:
     - Là cô Tố Nga còn đang giận ông Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy…

     Cơm nước xong, ông Hai Nghệ cười cười hỏi Tố Nga:
     - Con gái còn giận bố nữa không?
Bà Xoan chen ngang:
      - Cái ông này thật là…
Tố Nga cố nén cười:
      - Còn giận bố ạ.
     - Còn giận thì dẫn anh Hoàng đi dạo một vòng. Mày giận mà ngồi đây, bố uống rượu với chú Bảy mất ngon.
Tố Nga ra vẻ nghiêm nghị:
     - Bố đuổi con đấy à?
Không đợi bố trả lời, Tố Nga nói với Hoàng:
     - Anh đi uống cafê với em!
     Tố Nga dẫn Hoàng ra bến quê. Anh hỏi:
     - Em bảo uống cafê cơ mà?
     - Uống cafê ban đêm không tốt anh ạ, với lại anh vừa uống rượu.
Hoàng không hỏi thêm. Anh yên lặng đi bên Tố Nga. Ánh trăng thượng huyền chiếu xuống dòng sông lấp lánh. Ngồi lưng chừng triền đê đón gió từ dưới sông lên, mái tóc Tố Nga xõa bay, đuôi tóc phất ngang ngực anh. Một mùi thơm dịu cho anh cảm giác lâng lâng. Đột nhiên anh muốn ôm Tố Nga một cái thật chặt. Rồi anh thầm mắng mình sao có ý nghĩ hồ đồ thế, Tố nga có người yêu rồi thì sao…
     - Em không biết cảm ơn anh như thế nào nữa. Mẹ em quý anh lắm. Bà nói anh có nghĩa khí giống bố em.
     - Sao dạo anh đang làm ở trường em không nói bác gái là mẹ em?
     - Em có biết anh là người cứu mẹ em đâu. Với lại, em không muốn ai biết chuyện nhà. Bố mẹ em đều thế cả.
Rồi đột nhiên cô nói:
     - Chắc anh không hiểu vì sao em dẫn anh ra đây.
Không đợi Hoàng trả lời, Tố Nga tiếp:
     - Mẹ em kể bến sông này là nơi mẹ tiễn bố em đi đánh giặc, cũng là nơi mỗi khi nhớ bố thì ra đây đứng ngóng. Hồi em đang học cấp III, một lần đọc được bài thơ “Đợi anh về” của Konstantin Simonov, mẹ em òa khóc. Bà thuộc bài thơ ấy, và sau khi bố em đã về rồi bà vẫn thích nghe bài thơ ấy.
     - Có lẽ em chứng kiến cảnh đợi chờ của mẹ nên em giảng về ý nghĩa của sự đợi chờ hay đến thế.
     - Không ai muốn đợi chờ đâu anh ạ, hoàn cảnh bắt buộc mà thôi.
     Hoàng yên lặng ngắm dòng sông. Phải rồi, bến sông này, con sông này chứng kiến bao cuộc chia ly, đợi chờ, tái hợp. Con sông gắn bó với tâm hồn, đời sống biết bao thế hệ, vì thế, nhớ quê hương người ta thường nhớ tới dòng sông. Ở bên Nga, ngắm dòng Neva, anh rất thích mà không sao hiểu nổi câu thơ:
          Ngôi sao cháy bùng trên sông Neva.
Phải chăng, phải là người của dân tộc nào mới thấu hiểu tâm hồn được tắm mát từ con sông của dân tộc đó…Đã bao lần bên dòng Neva, Hoàng da diết nhớ con sông quê nhà -  con sông này đây. Con sông này, bến sông này bác Xoan tiễn chồng ra đi rồi may mắn tái hợp. Còn bến sông dưới, mẹ tiễn cha ra đi rồi anh trở thành con liệt sĩ. Mẹ mỏi mòn đợi cha, rồi đợi anh ở bến sông quê, khi anh trở về thì mẹ đã không còn…Nghĩ thế, Hoàng cay cay sống mũi. Mà sao bác Xoan giống mẹ thế? Phải chăng những người phụ nữ sống trong sự đợi chờ tâm tính giống nhau?
     Gió thổi mỗi lúc một lớn hơn. Đuôi tóc Tố Nga như mượt mà hơn trong gió, đậu vào vai, vào ngực Hoàng. Anh lùa bàn tay vào những lọn tóc ấy đưa lên má. Tố Nga không dám thay đổi thế ngồi, cô mong gió thổi mạnh hơn nữa. Cô đợi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét